Những góc nhìn Văn hoá

Ông quan, nghệ sỹ Đào Tấn với xứ Nghệ

Mấy tháng trước khi rời đất Nghệ để về Kinh sau mười năm làm Tổng đốc An Tĩnh, trong bài thơ khai bút ngày nguyên đán năm Nhâm Dần (1902),  chính khách nghệ sỹ Đào Tấn hạ hai câu:

Một lời muốn hỏi Hồng Lam

Nghĩ chi về kẻ mười năm ở cùng?

(Thái Kim Đỉnh dịch)

118 năm hơn rồi kể từ ngày đó, đã có nhiều người hoặc nói ra hoặc không nói ra, trả lời câu hỏi đầy day dứt, đầy trách nhiệm của Ông. Tùy vào mỗi thời đại và vị thế, tâm thế mà mỗi người có cách trả lời khác nhau. Nhưng tựu trung lại là đồng thuận rất cao rằng ông là một nhân vật đặc biệt ở Xứ Nghệ, của Xứ Nghệ. Ông không là người Nghệ nhưng rất Nghệ. Ông là nghệ sỹ tài hoa đóng vai chính khách làm quan đàng hoàng và tử tế.

 Một chính khách có chính kiến, đàng hoàng, tử tế

Đào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, sinh năm 1845, quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1867, ông đỗ cử nhân tại kỳ thi Hương ở Bình Định. Năm 1871, vua Tự Đức cho triệu ông về kinh thành, bổ chức Hiệu thư trong nội các Huế, với công việc chính là soạn thảo các kịch bản tuồng bộ theo lệnh của vua. Sau đó, ông được bổ làm tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), rồi thăng Phủ doãn Thừa Thiên, cai quản kinh thành. Ông làm quan trải qua các triều vua từ Tự Đức tới Thành Thái, từng được bổ nhiệm các chức vụ rất quan trọng như Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi), Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử.

 Tổng đốc An - An Tĩnh: Đào Tấn

Năm Thành Thái thứ nhất (1889), ông được bổ làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Năm 1896, ông về Huế lần lượt giữ chức Thượng thư bộ Công, bộ Binh, rồi bộ Hình. Năm 1898, vừa vào làm Tổng đốc Nam - Ngãi mấy tháng, ông lại được bổ làm Tổng đốc An - Tĩnh lần thứ hai, cho đến giữa năm 1902 thì về làm Thượng thư bộ Công. Hai năm sau (1904), vì bị gièm pha oan uổng trong vụ án do cấp dưới kê khống vật liệu, ăn hối lộ của nhà thầu, ông bị cho nghỉ hưu sớm khi mới 59 tuổi (trong khi theo quan chế thì ngạch quan văn đến 65 tuổi mới nghỉ hưu).

Làm quan đến nhất phẩm nhưng khác với nhiều người đương thời, Đào Tấn là chính khách có chính kiến vững vàng, có viễn kiến chính trị sáng suốt, hành xử có trách nhiệm, đàng hoàng, tử tế.

Gần 30 năm làm quan triều Nguyễn qua ba đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, từ chức Hiệu thư chuyên soạn tuồng trong cung, đến chót vót quyền lực Tổng đốc Nam - Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, Hình, Binh nhưng qua văn chương của ông ta có thể thấy rất rõ Đào Tấn từng đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan như ông. Trong bài thơ “Viết tình cờ”, ông căn dặn các con:

Các con chưa tỏ sự đời
Lợi danh đâu phải phận người văn chương
Phong trần cha đã ê xương
Chớ chen vào chốn quan trường mà chi

                          (Bản dịch của Mịch Quang)

Dưới con mắt Đào Tấn, quan trường là chốn ô trọc, sâu mọt, nhớp nhúa, là nơi “nhân tình bạc tợ thu vân”, nơi “ô khóa lợi xiềng danh luôn trói chặt”, nơi đầy rẫy những kẻ “lộc vua ăn uổng, cột trời để xiêu”. Vì vậy, trong suốt đời làm quan, ông luôn ao ước từ quan về quê, để thỏa chí “đề ngâm khắp dưới trời” của mình. Nhưng điều đó không đến được với Đào Tấn, ông đã không thể nào dứt nổi chốn quan trường mà ông cho là nhơ nhuốc ấy. Kiếm cớ cha chết để từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp, những tưởng đã thoát nhưng rồi ông rồi vẫn phải trở lại quan trường. Đào Tấn chỉ được thỏa nguyện trước khi mất chừng 3 năm, khi bị, hay là được, về hưu sớm 3 năm. Thời gian quá ít để ông thực hành ý nguyện của mình.

Nói ông có chính kiến, thì đó, ông nhìn đúng cái xã hội và đất nước thời ông sống, cái chốn quan trường nhơ nhớp và hèn hạ nơi ông tồn tại. Ông đã nắm bắt được tình thế chính trị của đất nước, của chính mình và đã có thái độ ứng xử rõ ràng, đàng hoàng ngay từ đầu. Khi được vua Đồng Khánh giao là Tổng đốc An Tĩnh năm 1886, khi mà cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng đang lúc cao trào, là bổn quan triều đình mà ông gần như không tham gia vào việc đàn áp của triều đình và người Pháp. Năm 1896, khi được (hay là bị) điều ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ 2, ông đã dâng sớ nói rõ: “Hoan Châu là đất xung yếu, sĩ phu nhiều người học giỏi, sĩ khí hùng, dân trí tốt, tôi đến nơi chỉ làm cho được chữ Phủ (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp. Còn chữ Tiểu (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công...Tôi là quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận tôi xin chịu tội vi mạng”. Ông đã từ chối việc đàn áp nhân dân đấu tranh vì độc lập của đất nước và ông dám  chịu tội vì điều đó.

Nhiều tài liệu chứng tỏ rằng ông là một yếu nhân trong tổ chức yêu nước và chống Pháp của vua Thành Thái. Đào Tấn mất (1907) chỉ sau thời điểm nhà vua yêu nước Thành Thái bị thực dân Pháp buộc thoái vị rồi bị đưa đi đầy biệt xứvài tháng. Chắc là ông sầu muộn vì sự nghiệp lớn không thành mà đổ bệnh rồi mất.

Hơn một trăm năm nhìn lại, với nhiều tư liệu mới về những sự kiện, ta có thể thấy cuộc đời làm quan của Đào Tấn, nhất là dưới triều Thành Thái, khi ông được giao những trọng trách như Tổng đốc Nam Ngãi, tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, Binh, Hình không chỉ là ngẫu nhiên mà còn là một lựa chọn chủ động dấn thân vì nước vì dân của ông. Đào Tấn luôn “Thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà”. Ông ở lại làm quan giúp vua Thành Thái là tinh thần tự nhiệm của một sĩ phu trước tình cảnh gian nan của đất nước. Ông là một tấm gương gần gũi về tinh thần ái quốc của vị vua trẻ Thành Thái. Nhà vua Thành Thái dám dứng lên chống lại người Pháp là có ảnh hưởng rất lớn từ tinh thần yêu nước của của Đào Tấn. Khi còn làm Phủ doãn Thừa Thiên, ngay tại Huế, sát ngay tòa Khâm sứ của Pháp mà ông đã dám xử chém Bồi Ba, một tay sai của người Pháp. Hành động này không hề nông nổi mà là một sự bày tỏ thái độ kiên quyết và trách nhiệm cao cả của ông quan văn Đào Tấn. Rồi chuyện viết câu đối ở cổng thành Nghệ An khi mới ra nhậm chức cũng là một sự khẳng định thái độ chính trị rõ ràng, mạnh mẽ của ông.

Chuyện rằng, cổng Cửa Tiền, thành Nghệ An, xây từ đời Minh Mệnh đến lúc đó vẫn quét vôi trắng. Các nhà nho thì không có quyền, các quan đầu tỉnh cũng không dám, sợ "múa rìu qua mắt thợ". Đào Tấn vừa đến đã có ngay câu đối:

Hồng Lĩnh Lam giang tại kỳ tả hữu;

Hoàng đồng bạch tẩu di nhiên vãng lai.

Theo nghĩa đen thì câu đối trên là: "Núi Hồng, sông Lam ở bên trái, bên phải - trẻ con, ông già đi lại tự nhiên". Nhưng sĩ phu xứ Nghệ thì hiểu thấu cái thâm ý của ông là: "Dù cho bọn nhóc (tay sai), bọn trắng (Pháp) có đi lại nghênh ngang, (thì) núi Hồng, sông Lam vẫn vững vàng đứng đó!".

Một đôi câu đối 16 chữ nhưng Đào Tấn đã bày tỏ đầy đủ thái độ chính trị của mình đối với tình cảnh đất nước và tình cảm, sự hy vọng, tin tưởng vào xứ Nghệ.

Tiền Môn ( Ảnh Hải Vương)

Đào Tấn là một tấm gương làm quan liêm chính, mẫu mực. Ông được vua Tự Đức ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua). Nhân dịp ông được trao tước “Vinh quang từ”, nhà vua Thành Thái đã viết tặng cả một bài chế, trong đó có đoạn: “Văn chương chúa mến, nghiệp bút nghiên giỏi việc trung thư/Đức độ dân thương, tài cai trị trội hơn tam phụ”. Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp, được Đào Tấn tiếp kiến tại dinh Tổng đốc An Tĩnh năm 1902, đã viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch). Sinh thời, đức liêm chính của Đào Tấn đã vang khắp “trong triều, ngoài quận”.

Đào Tấn còn từng cứu trợ nạn đắm thuyền của hơn 400 ngư dân đảo Hải Nam khi ông làm Phủ doãn Thừa Thiên, được dân Hải Nam lập đền thờ sống ở đảo này. Xưa nay làm quan mà được vậy quả là không nhiều.

Theo nhà văn Nguyễn Thế Khoa dẫn ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, thì “Đào Tấn từng nhận mật chỉ của Thành Thái để liên kết các nghĩa đảng Cần vương. Ông tham gia lập Duy Tân hội cùng các chí sĩ trẻ xứ Quảng như Nguyễn Hàm, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, che chở, tạo điều kiện cho Phan Bội Châu hoạt động, tham gia tổ chức việc Đông du của Phan Bội Châu và Cường Để. Đào Tấn còn kết thân với các văn thân yêu nước xứ Nghệ như Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn, có quan hệ mật thiết và là ân nhân của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Đào Tấn cũng là người tiến cử họa sĩ Lê Văn Miến tham gia kế hoạch phục quốc bí mật của vua Thành Thái, chuyên vẽ mẫu vũ khí…”.  Mặt khác, ở tư cách chính khách - quan lại, Đào Tấn còn được đánh giá cao khi làm nhiều thơ ca ngợi các anh hùng kháng Pháp như Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Phan Bội Châu… Ông đặc biệt có tình cảm và đề cao Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu. Năm 1896, khi Phan Đình Phùng hy sinh, dưới danh nghĩa văn thân Nghệ Tĩnh, Đào Tấn đã có câu đối và thơ ca ngợi tiết tháo của người anh hùng họ Phan cực kỳ chấn động lòng người.

Sách Hý tường tùy bútcủa Đào Tấn còn cho biết thêm: "Tôi soạn tuồng Tinh trung bảo quốcđể tặng Phan Đình Nguyên. Ôi, ông Phan cương quyết ứng nghĩa vì nước quên nhà, hành vi lẫm liệt, chính khí tinh trung, có thể so sánh với bậc trung thần đời xưa vậy...".

Với Phan Bội Châu/Phan Văn San, Đào Tấn không chỉ yêu mến mà còn tin cậy, hy vọng. Trong bài thơ Nhớ Phan San, ông viết:

... Mong mọi người như người sĩ ấy,

Nhà yêu nước định chẳng lo âu

(Xuân Diệu dịch)

Kì thi hương trường Nghệ An năm Canh tý (1900), không chỉ có công cùng Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh giúp đỡ mà khi Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên, Đào Tấn có câu đối mừng:

Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu/Độc danh nhất bảng thế gian vô.

(Hai năm ba lần đỗ đầu, thiên hạ đã có người/Một tên đứng riêng một bảng, trên đời không ai).

Tình cảm và các tác phẩm này đã khẳng định Đào Tấn đã đứng hẳn về phía những người cầm súng đánh Pháp cứu nước, đặc biệt là đối với sĩ phu và nhân dân xứ Nghệ - nơi ông làm Tổng đốc mà theo lẽ thường thì ông phải đánh dẹp. Đó không chỉ là tình cảm yêu nước mà thể hiện một nhận thức, viễn kiến chính trị sáng suốt của Đào Tấn. Từ trong chốn quan trường nhưng ông đã sớm nhận ra và chủ động gia nhập con đường lớn của dân tộc.

Một nghệ sĩ tài năng vượt bậc

Đào Tấn là quan thanh liêm, là chính khách yêu nước nổi bật trong chính giới hồi bấy giờ. Tấm gương sáng về nhân cách của ông sẽ còn sáng mãi trong nhân gian. Nhưng xin thành thực nói rằng, Đào Tấn nổi tiếng nhất là ở tư cách nghệ sỹ. Ông là nghệ sỹ đa tài, nhiều thành tựu, nhiều đóng góp bậc nhất trong lịch sử sáng tạo văn học nghệ thuật nước nhà xuyên suốt nhiều thế kỉ, cho đến nay.

Theo các  nhà nghiên cứu Đào Tấn thì các tác phẩm chính và thời gian sáng tác của ông như sau:

1. Tân dã đồn: vở tuồng đầu tay viết năm 1863, năm Tự Đức 16, năm Đào Tấn 19 tuổi, khi còn đi học ở quê hương.

2. Đảng khấu, Bình địch, Tam bảo thái giám thủ hữu, Tứ quốc lai vương, Quần trân hiến thụy, Vạn bửu trình tường (Đào Tấn viết 68 hồi cuối trong 108 hồi của vở này. Diên Khánh Vương viết 40 hồi đầu). Đây là các vở tuồng phụng sắc viết khi làm quan dưới thời Tự Đức từ năm 1872 đến năm 1878 (tức từ năm Tự Đức 25 đến năm Tự Đức 31).

3. Diễn võ đình, Cổ thành, Trầm hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn (sáng tác), Khuê các anh hùng (cải biên từ tuồng cổ Tam nữ đồ vương), Sơn Hậu, Đào Phi Phụng (nhuận sắc) viết trong thời gian 10 năm hai lần làm Tổng đốc An Tĩnh (1889 -1894 và 1898-1902).

Ngoài vở “Tân dã đồn” là tác phẩm đầu tay được viết khi còn đi học ở quê nhà, các tác phẩm khác được viết vào hai giai đoạn chính: khi làm quan trong kinh thành Huế dưới triều Tự Đức và trong thời gian hai lần làm Tổng đốc An Tĩnh. Trong đó, hầu hết các vở tuồng được coi tiêu biểu nhất của ông đều được viết trong thời gian làm Tổng đốc An Tĩnh, từ năm 1889 đến năm 1894, và sau đó từ năm 1898 đến năm 1902.

Cho đến nay, hầu hết các tác phẩm viết dưới thời Tự Đức hầu như đã thất truyền, không tìm thấy ở bất kỳ đâu. Trong lúc đó, tất cả các vở tuồng sáng tác trong thời gian ở An Tĩnh hầu như còn đầy đủ. Như vậy, cùng với Tân dã đồn ta có đủ văn bản các vở Diễn võ đình, Cổ thành, Trầm hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn, Khuê các anh hùng, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng. Đó là 9 vở tiêu biểu nhất trong số hơn 40 vở của Đào Tấn. Đó là những vở tuồng làm nên tên tuổi Đào Tấn.

Di sản nghệ thuật Đào Tấn là hết sức phong phú và có giá trị lớn. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định rằng Đào Tấn đã tạo nên cả một “thế giới tuồng”. “Thế giới tuồng” đó, như nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu , “đã tồn tại như một thực thể đặc biệt”, “tác động mạnh mẽ vào tâm lý xã hội”, “lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu người trong ngót trăm năm, nhất là ở địa bàn miền Nam, tập trung nhất ở Nam Trung bộ”. Tên tuổi Đào Tấn được người đương thời và hậu thế tôn vinh, yêu mến, kính phục, trước hết là vì đã hết sức say mê những vở tuồng bất hủ của ông. Nhà văn Nguyễn Thế Khoa nhận định: “Những tinh hoa của tuồng Đào Tấn đã vượt qua sự sàng lọc nghiêm khắc của thời gian, ngày càng bộc lộ thêm nhiều giá trị mới mẻ và sự tác động lâu bền trong đời sống tinh thần dân tộc”.
Đào Tấn làm nhiều thơ, từ, nhưng ông đã dành nhiều tâm huyết và sức lực nhất cho tuồng. Tuồng, với Đào Tấn, là một thứ nghệ thuật đặc biệt. Ông cho rằng, tuồng có thể đến với tất cả mọi người, từ bậc thức giả đến người mù chữ, với mọi giai tầng, từ vua quan đến dân nghèo. Ông quan niệm: “Sức mạnh của tuồng hát như thủy ngân chảy xuống đất, không có lỗ nào là không thể vượt qua, mà công dụng của nó, tuy pháp luật (thời vua chúa) nghiêm khắc và dày đặc, tôn giáo tinh vi, cũng không thể nào thắng được nó…”. Với quan niệm đó, tuồng của Đào Tấn chất chứa lòng yêu nước thương dân, sự căm thù bọn cướp nước và bán nước. Tuồng Đào Tấn có sức chinh phục hết sức to lớn, lâu bền vì có nghệ thuật tinh diệu được sáng tạo bởi một nghệ sĩ thiên tài.

Ra Nghệ, Đào Tấn không chỉ soạn tuồng mà ông đã nâng tầm tuồng thành một nghệ thuật chuyên nghiệp của những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Ngay khi đến Nghệ An, năm 1889, ông đã cho dựng ngay rạp hát bội mang tên “Như thị quan” và bên cạnh đó là trường dạy hát bội mang tên “Học bộ đình”.  Ông đã tập hợp về đây những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và của An Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn tuồng. Có thể nói đây là mô hình sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà đến bây giờ vẫn không lạc hậu.

Cùng với mô hình này, mười năm ở xứ Nghệ, Đào Tấn đã cho ra đời hàng loạt vở diễn nổi tiếng như “Khuê các anh hùng”, “Sơn hậu”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”, “Hộ sanh đàn”. Các vở diễn trên đã lên án trực tiếp tầng lớp quan lại hèn nhát, nhố nhăng đầu hàng giặc; phê phán tư tưởng trung quân lỗi thời... Đào Tấn bày tỏ niềm tin cứu nước vào những người anh hùng, vào giới sĩ phu.  Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu đã được hóa thân vào các nhân vật trên sân khấu của ông cùng với nhiều nhân vật chính nghĩa thuộc tầng lớp cần lao, kể cả người thiểu số.

Với tài năng, cống hiến nghệ thuật và nhân cách cao đẹp, Đào Tấn đã được hậu thế suy tôn là  “Hậu Tổ” sân khấu. Ông đã sáng tạo và để lại NGHỆ THUẬT TUỒNG ĐÀO TẤN mà cho đến nay đã có hơn 10 thế hệ lưu truyền.

Đào Tấn đến với Xứ Nghệ là do nhà vua bổ nhiệm nhưng sâu thẳm trong tâm can là một sự tự nguyện tuyệt đối và một tình cảm chân thành sâu sắc. Ông đã có nhiều đóng góp cho xứ Nghệ. Xứ Nghệ đã góp phần để tài năng và nhân cách của ông được tỏa sáng.

Sau Uy Minh vương Lý Nhật Quang thời nhà Lý ngót ngàn năm, thời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xuất hiện người thứ hai có công nghiệp lớn ở đất này, đó là Đào Tấn. Mỗi người một vẻ nhưng đều là bậc tài năng, yêu nước thương dân. Đó là hai vị quan đầu tỉnh của xứ Nghệ không phải là người Nghệ nhưng nổi tiếng nhất của Xứ Nghệ xưa nay. Thật là Hiếm và Quý.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528812

Hôm nay

2193

Hôm qua

2275

Tuần này

21085

Tháng này

215508

Tháng qua

0

Tất cả

114528812