Diễn đàn

Biên niên sử về một đại dịch được báo trước: Kinh nghiệm từ thất bại của Covid-19 trước khi xuất hiện đợt bùng phát tiếp theo

 

Giới thiệu:

Tại sao thế giới không được chuẩn bị tốt hơn trước sự bùng phát vi-rút Corona chủng mới? Covid-19, căn bệnh do vi-rút này gây ra, lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đến ngày 25/01/2020, đã có hơn một nghìn ca được báo cáo ở gần một chục quốc gia. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tếThế giới (WHO) tuyên bố về sự bùng phát đại dịch - lúc đó, đã lây lan ảnh hưởng tới hơn một trăm quốc gia.

Vi-rút Corona chủng mới lây lan nhanh chóng và tăng theo cấp số nhân, và thậm chí ở những nước bị dịch bệnh tấn công muộn, các chính phủ chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để cố tăng cường khả năng y tế, ban hành các biện pháp giãn cách xã hội, và chống chọi với cú sốc kinh tế. Nhưng mối đe dọa của một đại dịch không phải là mới - mà trong hàng thập kỷ qua, các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo về một sự bùng phát dịch có quy mô toàn cầu đang đến gần và thế giới không hề được trang bị để ứng phó. Việc lên kế hoạch cho một tình huống y tế khẩn cấp toàn cầu tiếp theo phải được bắt đầu ngay từ bây giờ. Một mầm bệnh mới có thể nguy hiểm và dễ lây nhiễm hơn chủng vi-rút Corona mới này, và nó có thể xuất hiện mà không báo trước. Nếu dữ liệu gây sốc vsố người tử vong vì đại dịch hiện nay là một kiểu dấu hiệu, hầu hết các quốc gia đu chưa sẵn sàng đối phó khi đại dịch xảy ra. Có lẽ lần này thế giới sẽ chú ý đến lời cảnh báo.

***

“Không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ với sự quyết đoán và có chủ định. Một ngày nào đó, sau khi đại dịch tiếp theo xuất hiện và biến mất, một ủy ban kiểu như Ủy ban 11/9 sẽ chịu trách nhiệm xác định xem các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, và y tếcộng đồng đã chuẩn bị kỹ lưỡng như thếnào cho thếgiới trước thảm họa khi họ đã có lời cảnh báo rõ ràng. Phán quyết sẽ là gì?” Đó là một phần kết luận trong bài luận có tiêu đề“Preparing for the Next Pandemic” (Chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo) của Michael Osterholm, đã xuất bản trên tạp chí Foreign Aff airs vào năm 2005. Đại dịch tiếp theo giờ đang diễn ra, và cho dù Covid-19, căn bệnh bắt nguồn từ một chủng vi-rút Corona mới xuất hiện vào cuối năm 2019, còn lâu mới kết thúc, không còn quá sớm để đưa ra phán quyết vềcông tác chuẩn bị chung của thếgiới. Có hai mức độ chuẩn bị, cho dài hạn và ngắn hạn, và các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, và y tếcộng đồng hầu như đều thất bại ở cả hai.

Thất bại ở cấp độ thứ nhất gần giống với việc các nhà khí tượng học cảnh báo rằng một ngày nào đó, cơn bão cấp 5 sẽ tấn công trực tiếp vào New Orleans và chẳng làm gì để tăng cường nguồn lực, xây dựng các hệ thống dẫn nước, hay triển khai kếhoạch khẩn cấp toàn diện. Thất bại ở cấp độ thứ hai giống như việc biết rằng, một hệ thống áp thấp khổng lồ đang di chuyển qua Đại Tây Dương tới vịnh Mexico và không kịp thời ban hành mệnh lệnh di tản hay cung cấp đầy đủ chỗ trú ẩn khẩn cấp. Khi siêu bão Katrina đổ vào New Orleans vào ngày 29/08/2005, việc chuẩn bị sẵn sàng ở hai cấp độ này đều

không đầy đủ, và hậu quả là khu vực này đã hứng chịu những thiệt hại to lớn về người và của cải. Sự thất bại tương tự cả trong những thập kỷ gần đây trong công tác chuẩn bị cho một đại dịch bất ngờ lẫn trong những tháng gần đây trước sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã có con số mất mát thậm chí cao hơn nhiều, ở cả quy mô quốc gia lẫn toàn cầu.

Không thể đổ lỗi cho sự thất bại dài hạn của các chính phủ và các thể chế trong công tác chuẩn bị sẵn sàng trước sự bùng phát bệnh truyền nhiễm là do thiếu cảnh báo hay không có các lựa chọn chính sách cụ thể. Cũng không phải là do các nguồn lực bị hạn chế. Rốt cuộc, trong hai thập kỷ qua, riêng Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ đôla cho an ninh nội địa và chống khủng bố để bảo vệ chống lại những kẻ thù là con người, song không hề để ý đến mối đe dọa rõ ràng lớn hơn nhiều do những kẻ thù là vi sinh vật gây ra; những kẻ khủng bố không đủ khả năng ngăn chặn lối sống của người Mỹ, còn Covid-19 đã làm được điều này một cách dễ dàng trong khoảng vài tuần lễ. Và khi đó, ngoài những chuẩn bị phải được bắt đầu từ nhiều năm trước, có những chuẩn bị lẽ ra phải được bắt đầu từ vài tháng trước, ngay khi có các báo cáo vềmột căn bệnh truyền nhiễm không xác định, có thể gây tử vong ở người bắt đầu xuất hiện từ Trung Quốc.

Giới y tế cộng đồng trong nhiều năm đã biết chắc rằng một đại dịch lớn khác sắp xuất hiện, và không sớm thì muộn sẽ lại có một đại dịch khác sau đó. Mẹ Thiên nhiên luôn chiếm ưu thế, và giờ bà đang có sẵn trong tay mọi cạm bẫy của thế giới hiện đại để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Khủng hoảng hiện tại cuối cùng sẽ kết thúc, khi có vắc-xin hoặc khi có đủ lượng dân số toàn cầu phát triển khả năng miễn dịch (nếu việc kéo dài khả năng miễn dịch có thể thực hiện được), điều này có thể sẽ khiến 2/3 tổng dân số bị lây nhiễm. Cả hai kết cục đó sẽ không sớm xảy ra, và trong lúc đó những tổn thất vềcon người và kinh tếsẽ vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, sự bùng phát vi-rút vi sinh vật nào đó trong tương lai sẽ còn lớn hơn và nguy hiểm hơn nữa. Nói cách khác, đại dịch này có lẽ không phải là “đại dịch lớn”, viễn cảnh vềnó ám ảnh những cơn ác mộng của các nhà dịch tễ học và các viên chức y tế cộng đồng ở khắp nơi. Đại dịch tiếp theo rất có thể sẽ là một loại vi-rút cúm mới có tác động tàn khốc tương tự như đại dịch năm 1918, đã quét quanh địa cầu hai lần rưỡi trong hơn một năm, trong các đợt tái phát, khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả cuộc chiến tranh tàn bạo và đẫm máu diễn ra trước đó. Do đó, việc xem xét tại sao Hoa Kỳ và thếgiới lâm vào cuộc khủng hoảng hiện nay này không đơn thuần là vấn đềvềtrách nhiệm giải trình hay quy kết trách nhiệm. Giống như đại dịch này đã được báo trước theo nhiều cách, đại dịch tiếp theo cũng sẽ diễn ra. Nếu thế giới không học được những bài học đúng đắn từ thất bại của mình trong công tác chuẩn bị và hành động với tốc độ, nguồn lực, cam kết chính trị và xã hội thích đáng, thì con số thiệt hại ở lần tiếp theo có thể cao hơn rất nhiều. Vì vậy, nên coi Covid-19 là lời cảnh báo về việc một đại dịch có thể tồi tệ tới mức nào - và thúc đẩy hành động cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát trước khi trở nên quá muộn.

Lời kêu gọi cảnh tỉnh

Đối với bất kỳ ai trước đây không chú trọng tới mối đe dọa vềđại dịch bệnh truyền nhiễm, lời cảnh tỉnh lẽ ra phải đến cùng với sự bùng phát SARS vào năm 2003. Chủng vi-rút Corona - được gọi như vậy là bởi, khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử, các prô-tê-in bềmặt nhô ra của vi-rút giống như hào quang hoặc hình dạng một chiếc vương miện, một hiện tượng thiên văn giống như quầng sáng - bắt nguồn từ những con cầy hương và chồn hôi ở các chợ Quảng Đông (Trung Quốc), lây đến Hong Kong, và sau đó lan sang các quốc gia trên khắp thế giới. Vào thời điểm chấm dứt đợt dịch bùng phát, các khu chợ đã loại bỏ các nguồn động vật, và những người bị lây nhiễm đã được cách ly, ghi nhận đã có 8.098 ca nhiễm bệnh và 774 người đã chết. Chín năm sau, vào năm 2012, một chủng vi-rút Corona đe dọa tới tính mạng con người khác là MERS đã lây lan trên khắp bán đảo Ả-rập. Trong trường hợp này, vi-rút bắt nguồn từ lạc đà một bướu. (Có thể hiểu được rằng, vì những người sở hữu lạc đà ở Trung Đông sẽ không giết những con vật có giá trị và có ý nghĩa về mặt văn hóa của họ, nên MERS vẫn là một thách thức đối với y tế cộng đồng trong khu vực). Cả hai chủng vi-rút Corona đều là dấu hiệu báo trước vềđiều gì đó sắp xảy ra, cho dù, không giống như Covid-19 có thể bị truyền từ những người mang mầm bệnh mà họ thậm chí không hềhay biết mình mắc bệnh, SARS và MERS có xu hướng không lây nhiễm cao cho đến ngày thứ năm hay thứ sáu khi bệnh xuất hiện triệu chứng. SARS, MERS, và một số đợt bùng phát khác gần đây - dịch cúm H1N1 năm 2009 bắt đầu ở Mexico, dịch Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi, sự lây lan loại vi-rút Zika thuộc chi Flavivirus vào năm 2015-2016 từ quần đảo Thái Bình Dương và Nam Mỹ - đều khác nhau ở một số phương diện, bao gồm các biểu hiện lâm sàng, mức độ khốc liệt, và phương thức truyền bệnh. Nhưng tất cả đều có một điểm chung đáng chú ý: chúng đều xảy đến bất ngờ, và là điều đáng lẽ sẽ không xảy ra. Trong nhiều năm, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế cộng đồng đang kêu gọi triển khai các kếhoạch cụ thể cho việc xử lý những tháng, năm đầu của một đại dịch. Ví dụ, “một kếhoạch hành động chi tiết,” như bài Preparing for the Next Pandemic (Chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo) đưa ra vào năm 2005, sẽ phải có sự tham gia của tất cả từ các nhà sản xuất thực phẩm khu vực tư nhân, các nhà cung ứng trang thiết bị y tế, các nhà cung cấp dịch vụ y tế cho tới y tế khu vực công, cơ quan thực thi luật pháp, và các quan chức quản lý khẩn cấp. Và phải lường trước “một sự sụp đổ thương mại toàn thế giới liên quan tới đại dịch… - phép thử thực tế ban đầu vềkhả năng phục hồi của hệ thống phân phối toàn cầu hiện đại” (1). Những lời kêu gọi tương tự của các chuyên gia và các quan chức trên toàn thế giới hầu như không được chú ý đến.

Bối cảnh quá khứ

Có lẽ, cho dù đã có những cảnh báo như vậy, công tác chuẩn bị sẵn sàng lại trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt hơn trong những năm gần đây - đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Vấn đề không chỉ là sự xuống cấp cơ sở hạ tầng y tế cộng đồng, mà còn là những thay đổi trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, rất ít người lo ngại về chuỗi cung ứng. Giờ đây, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang làm phức tạp đáng kể phản ứng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và những quốc gia khác vềcác nguồn cung ứng thuốc và vật tư y tếquan trọng. Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách vềBệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota đã xác định 156 loại thuốc cấp tính quan trọng thường xuyên được sử dụng ở Hoa Kỳ - mà nếu không có những thuốc này bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ đồng hồ, tất cả đều là loại thuốc generic (generic drug - thuốc sao chép)*, hầu hết được sản xuất ở nước ngoài; và nhiều loại thuốc trong số đó, hoặc các thành phần hoạt tính dược của thuốc đều được sản xuất ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Một đại dịch làm ngưng trệ các nhà máy ở châu Á hoặc đóng cửa các tuyến đường vận chuyển, do đó, đe dọa việc cung ứng vốn đã quá tải các thuốc này cho các bệnh viện phương Tây. Một bệnh viện hiện đại đến đâu cũng không có ý nghĩa gì nếu các chai lọ thuốc trên xe đẩy y tếrỗng không. (Và trong một cuộc đối đầu chiến lược với đối thủ cường quốc của mình, Trung Quốc có thể kiên quyết từ chối cung cấp các loại thuốc quan trọng gây ra tác động phá hoại).1 Áp lực tài chính đối với các bệnh viện và các hệ thống y tế cũng khiến họ ít có khả năng đối phó với tình trạng căng thẳng hơn.

Trong bất kỳ đợt bùng phát cấp đại dịch nào, hiệu ứng gợn sóng (ripple eff ect) nguy hại sẽ làm xáo trộn trạng thái cân bằng về y tế. Nhu cầu ngày càng tăng về máy thở và các loại thuốc an thần và giãn cơ cùng với việc sử dụng chúng tạo ra nhu cầu lớn hơn về lọc thận và các chất trị liệu bắt buộc, và cứ tiếp tục như vậy trong tương lai. Thậm chí việc suy đoán rằng thuốc hydroxychloroquine chống sốt rét có thể hữu ích trong điều trị Covid-19 đã gây ra sự thiếu hụt thuốc cho những bệnh nhân mắc chứng viêm khớp dạng thấp và bệnh lu-pút, vốn là những người sống phụ thuộc vào thuốc này mỗi ngày. Người ta vẫn chưa rõ Covid-19 sẽ có tác động như thếnào tới số người chết do các bệnh lý khác, như nhồi máu cơ tim chẳng hạn. Vào những thời điểm thông thường, các bệnh viện của Hoa Kỳ gần như không có dự trữ, và vì vậy, không đủ khả năng tăng cường cho những tình huống khẩn cấp: không đủ giường bệnh, không đủ trang thiết bị cấp cứu như máy thở y tế, không đủ khẩu trang N95 và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Kết quả diễn ra trong một đại dịch giống như việc đưa binh lính ra chiến trận mà không có đủ mũ sắt hay súng trường. Kho dự trữ Dược phẩm Quốc gia được thành lập dưới thời chính quyền Clinton và được đổi tên thành Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia vào năm 2003, chưa bao giờ có đủ nguồn dự trữ để đáp ứng cho kiểu khủng hoảng đang diễn ra hiện nay. Công bằng mà nói, không chính quyền nào dành nguồn lực để cơ quan này vận hành hoàn chỉnh trong một tình huống khẩn cấp quy mô lớn. Thậm chí có thêm một trở ngại nữa cho sự phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước đại dịch là việc thiếu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Năm 2006, Quốc hội Mỹ thành lập Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) với trách nhiệm là cung cấp cách thức tiếp cận tích hợp và có hệ thống cho việc phát triển và mua vắc-xin, thuốc, và các công cụ chẩn đoán cần thiết trong các trường hợp y tếcộng đồng khẩn cấp. Nhưng cơ quan này thường xuyên thiếu vốn, và việc phải trình Quốc hội xin ngân sách mới hàng năm gần như đã làm tiêu tan khả năng đầu tư cho các dự án lớn dài hạn. Sau đợt bùng phát dịch Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi, người ta đã thừa nhận rõ ràng về việc thiếu đầu tư quốc tế vào các vắc-xin mới cho các bệnh dịch lây lan trong khu vực như Ebola, sốt Lassa, bệnh vi-rút Nipah và Zika, bất kể có các nỗ lực của BARDA và các chương trình thiện nguyện quốc tếkhác của chính phủ.

 Để xử lý lỗ hổng này trong công tác chuẩn bị, Liên minh vì Đổi mới phòng chống dịch bệnh (The Coalition for Epidemic Preparedness Innovations - viết tắt là CEPI) được hình thành từ năm 2015 và chính thức hoạt động vào năm 2017, nhận hỗ trợ từ các tổ chức công, tư nhân, tổ chức từ thiện và xã hội dân sự. Mục tiêu của tổ chức này là tài trợ cho các dự án nghiên cứu độc lập để phát triển vắc-xin chống lại các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Ban đầu tổ chức nhận được khoản hỗ trợ 460 triệu đôla Mỹ từ quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ Wellcome Trust, và liên minh các quốc gia, bao gồm Đức, Nhật Bản, và Na-Uy. Mặc dù CEPI đóng vai trò trung tâm kể từ đầu năm trong việc phát triển vắc-xin chống SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra Covid-19, song việc thiếu vắng phát minh quan trọng trước đó vềvắc-xin chống vi-rút Corona cho thấy rõ sự thiếu hụt đầu tư đang diễn ra trong việc phòng chống căn bệnh truyền nhiễm toàn cầu. Nếu có các nguồn lực tài chính và dược phẩm cần thiết đổ vào việc phát triển vắc-xin chống lại SARS trong năm 2003 hay MERS trong năm 2012, các nhà khoa học đã có thể thực hiện nghiên cứu cần thiết về cách thức đạt được khả năng miễn dịch trước vi-rút corona chủng mới, và đó có thể sẽ là nền tảng vắc-xin để phát triển tiếp lên (nền tảng như vậy có thể là một công nghệ hay một phương thức được phát triển cho một loạt các bệnh liên quan). Hiện nay, điều đó sẽ giúp rút ngắn được nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm nghiên cứu quý giá.

Những triệu chứng đầu tiên

Đến cuối năm 2019, tình trạng thiếu chuẩn bị cho dài hạn đã tồn tại trong nhiều năm, bất chấp những cảnh báo liên tục. Sau đó, thất bại ngắn hạn bắt đầu. Dữ liệu giám sát ban đầu khiến các nhà dịch tễ học nghĩ đến khả năng một cơn bão vi sinh vật đang kéo đến. Nhưng hành động chuẩn bị cho cơn bão đó diễn ra quá chậm. Vào tuần cuối cùng của tháng 12/2019, các báo cáo về một căn bệnh truyền nhiễm mới ở thành phố Vũ Hán và ngoại vi tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đang bắt đầu lan sang Hoa Kỳ và ra khắp thế giới. Không ai nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc đã ém thông tin trong các tuần đầu của đợt bùng phát dịch, qua biểu hiện hết sức rõ ràng trong nỗ lực đáng hổ thẹn nhằm bịt miệng những lời cảnh báo về một mối đe dọa của bác sỹ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang). Tuy nhiên, ngay cả với việc che giấu và trì hoãn như vậy, các dấu hiệu cảnh báo đã đủ rõ ràng vào đầu năm đó. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm đã công bố mô tả đầu tiên về căn bệnh bí ẩn vào ngày 31/12/2019 và công khai xác nhận đó là một chủng vi-rút Corona mới vào ngày 08/01/2020. Và đến ngày 11/01/2020, Trung Quốc đã công bố chuỗi gien hoàn chỉnh của vi-rút, lúc đó Tổ chức Y tếThếgiới (WTO) ngay lập tức triển khai xét nghiệm chẩn đoán. Vào nửa cuối tháng 01/2020, các nhà dịch tễ học đưa ra cảnh báo về một đại dịch tiềm tàng. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ lúc đó vẫn bác bỏ viễn cảnh vềmột đợt bùng phát nghiêm trọng ở Hoa Kỳ - bất chấp những nghi ngờ đúng đắn rằng chính phủ Trung Quốc đang che giấu thông tin vềsự bùng phát dịch ở Vũ Hán và báo cáo không đầy đủ về số ca nhiễm. Đó chính là thời điểm phải bắt đầu một cách nghiêm túc và nhanh chóng chuyển hướng tăng tốc gấp rút để chuẩn bị cho một cơn bão đặc biệt sắp tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã đưa ra hai khẳng định rằng ông đã “cảm thấy đó là một đại dịch từ trước khi nó được gọi là đại dịch” và rằng “không ai biết sẽ có đại dịch hay một trận dịch có quy mô tương tự.” Nhưng ngày 29/01/2020, cố vấn thương mại Peter Navarro của Trump đã gửi thư báo tới Hội đồng An ninh Quốc gia cảnh báo rằng, khi vi-rút Corona chủng mới ở Trung Quốc lan sang đất Mỹ, nó có thể đe dọa tới sức khỏe hay sinh mạng của hàng triệu người và khiến nền kinh tế thiệt hại hàng nghìn tỷ đôla Mỹ. Cùng ngày hôm đó, như tạp chí The Wall Street đã đưa tin, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã nói với Tổng thống rằng, trận dịch tiềm ẩn đã được kiểm soát tốt. Theo tờ The New York Times, ông Navarro đã gửi một thư báo thậm chí còn khẩn cấp hơn nhiều vào ngày 23/02/2020, chỉ rõ rằng “rất nhiều khả năng đại dịch Covi d-19 bùng phát có thể lây nhiễm cho 100 triệu người Mỹ, gây tử vong cho một hay hai triệu người.” Việc Washington không có phản ứng thích đáng trước những cảnh báo như vậy cho đến bây giờ vẫn là vấn đềcông khai. Khi xem xét số lượng không đáng kể lúc ban đầu về các ca có biểu hiện lâm sàng ở bên ngoài Trung Quốc, các quan chức chủ chốt của Hoa Kỳ đều không nhận thức được hoặc phủ nhận các nguy cơ vềsự lây lan vi-rút theo cấp số nhân. Nếu một căn bệnh truyền nhiễm lây lan từ người sang người và mỗi ca bệnh lại lây nhiễm cho hơn hai người, tổng số ca nhiễm sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian - và sau đó tăng lên. Các ca Covid-19 thường không tăng gấp đôi trong chốc lát, nhưng 5 ngày là một điểm chuẩn khá tốt, dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng, thậm chí chỉ từ một vài ca bệnh. Khi vi-rút lan ra bên ngoài Đông Á, thì Iran và Ý là những nước đầu tiên hứng chịu ảnh hưởng này. Ngay cả khi thiếu hoạch định và đầu tư dài hạn, vẫn còn nhiều điều mà chính phủ Hoa Kỳ có thể và phải thực hiện bằng cách đối phó ngắn hạn.

Ngay sau khi xác định được chủng vi-rút Corona mới và gây chết người, Washington có thể tiến hành xem xét một cách nhanh chóng nhưng toàn diện các quy định quốc gia về trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), cho phép ngay lập tức tăng cường sản xuất khẩu trang N95, áo choàng và găng tay bảo hộ và lên kế hoạch sản xuất nhiều máy thở hơn nữa. Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác, đáng lẽ chính phủ Mỹ phải đặt ra khả năng sản xuất thử nghiệm toàn diện và sẵn sàng tiến hành thử nghiệm và truy dấu tiếp xúc trong khi số ca nhiễm vẫn còn thấp, hạn chếvi-rút càng nhiều càng tốt ngay khi chúng xuất hiện. Chính phủ có thể cử một điều phối viên chuỗi cung ứng làm việc với các thống đốc bang, trên cơ sở phi đảng phái, để phân bổ và phân phối nguồn lực. Đồng thời, Quốc hội có thể soạn thảo luật tài trợ khẩn cấp cho các bệnh viện, chuẩn bị cho họ đối phó với cả sự gia tăng dữ dội số lượng các bệnh nhân Covid-19 và giảm mạnh các cuộc phẫu thuật lựa chọn, các ca nhập viện thông thường, và các ca thăm khám của khách nước ngoài, các nguồn thu thiết yếu của nhiều tổ chức. Thay vào đó, chính quyền lại phản đối những yêu cầu khuyên người dân ở trong nhà và thực hiện giãn cách xã hội và không thể hoặc không muốn phối hợp nỗ lực toàn chính phủ giữa các cơ quan và các bộ ngành liên quan. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đáng lẽ phải ngay lập tức nâng cao mức độ vấn đề lên thành ưu tiên xử lý khủng hoảng đối với cả CDC lẫn Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ, bao gồm cả việc đưa ngành công nghiệp thử nghiệm lâm sàng tư nhân vào quy trình giúp sản xuất các bộ xét nghiệm. Nhưng vấn đềđã bị coi nhẹ. Vào thời điểm tháng 02/2020, Hoa Kỳ đã có khoảng 100 trường hợp được ghi nhận là mắc Covid-19. Khoảng hơn một tuần sau, số ca nhiễm vượt qua 1.000 người, sau đó, Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong năm 1918, những thành phố sớm đối phó lại bệnh cúm, ngăn cản người dân tụ tập và khuyến cáo các công dân ở trong nhà, nhìn chung, có số ca nhiễm ít hơn nhiều. Nhưng để cách tiếp cận này hiệu quả, họ phải có thông tin đáng tin cậy từ các cơ quan trung ương vềy tế cộng đồng và chính phủ - cần phải trung thực, nhạy bén, và tín nhiệm ngay từ ban đầu. Trong khi đó với cuộc khủng hoảng hiện tại, tín hiệu đưa ra từ Nhà Trắng là - và tiếp tục là các dòng tweet tự chúc mừng, các thông điệp lẫn lộn, và các chỉ dẫn hằng ngày đầy mâu thuẫn mà trong đó Trump đồng thời khẳng định quyền lực và sự kiểm soát sâu rộng và phủ nhận trách nhiệm về bất cứ điều gì diễn ra sai lầm hoặc không được thực hiện. Mọi việc đều là trách nhiệm và lỗi lầm của thống đốc bang - kể cả việc không lên kế hoạch trước, một nhiệm vụ mà chính phủ từ chối thực hiện. Hai năm trước đó, chính phủ thậm chí đã giải tán lực lượng sẵn sàng ứng phó đại dịch thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia. “Bạn ra trận với đội quân bạn có, chứ không phải với đội quân bạn có thể muốn hay muốn có sau này,” Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld đã có tuyên bố nổi tiếng vào năm 2004, khi phát biểu trước quân đội Mỹ trên đường tới Iraq, với đoàn xe quân sự thiếu lớp vỏ sắt có thể bảo vệ các binh lính. Thông điệp nghiệt ngã đó cũng có thể áp dụng cho phản ứng chống đại dịch, chẳng hạn với các nhân viên y tế tuyến đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại Covid-19 không có các thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhưng về nhiều phương diện, tình huống hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn. Hoa Kỳ và các nước khác tham chiến chống lại một căn bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng mà không hềcó kếhoạch chiến đấu, không đủ nhân sự, phương tiện hay nguồn dự trữ trang thiết bị và quân nhu thích đáng, chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bộ chỉ huy tập trung, hay công chúng có hiểu biết hay được chuẩn bị cho cuộc chiến phía trước. Trong tình trạng thiếu sự lãnh đạo liên bang mạnh mẽ và nhất quán, các thống đốc bang và nhiều thị trưởng thành phố lớn buộc phải tự mình chịu trách nhiệm chính về việc đối phó với đại dịch, vì Nhà Trắng thậm chí còn khuyên họ tự tìm kiếm các nguồn cung cấp máy thở và bộ xét nghiệm. Nhưng việc kiểm soát vi-rút hiệu quả đòi hỏi những người ra quyết định phải bắt đầu tư duy có chiến lược - để xác định xem các hành động đang thực hiện ngay lúc đó có hiệu quả và có căn cứ vững chắc không - hay kết quả sẽ đạt được rất ít bất kể các ý định hết sức tốt đẹp. Vềvấn đềnày, vẫn chưa quá muộn để Hoa Kỳ đảm nhận vai trò lãnh đạo truyền thống của mình và là tấm gương trong cuộc chiến này, thay vì cho đến nay bị tụt lại phía sau Đức, Hong Kong, Singapore, và Hàn Quốc, và thậm chí là Trung Quốc, bất kể những bước đi sai lầm ban đầu của nước này.

(Còn nữa)

Biên dịch: Quỳnh Hoa

Nguồn: Foreign Aff airs, July/August

2020, Vol. 99, No. 4, p.10-24.

________________________________________

 

1. Michael T. Osterholm (2005), ‘Preparing for the next pandemic’, Foreign Aff airs, July/August

2005.

*Thuốc generic (generic drug) là loại thuốc đã hết hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, xét vềkhía cạnh nghiên cứu phát triển, thuốc thường được chia làm 2 loại là biệt dược gốc (brandnamedrug) do công ty sáng chế và thuốc generic (thuốc sao chép công thức), sau khi thời hạn độc quyền của brand-name kết thúc (thường khoảng 15-20 năm) thì các công ty khác được quyền sao chép công thức và tạo ra loại thuốc tương tự có cùng tác dụng, tính an toàn, sử dụng, cơ chế hoạt động… Thuốc generic có giá thành rẻ hơn nhiều nhưng về mặt chất lượng và hiệu quả lại không thua gì thuốc gốc. (ND.)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445280

Hôm nay

217

Hôm qua

2296

Tuần này

2889

Tháng này

211539

Tháng qua

120141

Tất cả

114445280