Người xứ Nghệ

Cao Xuân Hạo - Một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một dịch giả tài năng

 

 

Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh ngày 30/7/1930. Quê ông ở xã Cao Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Bố của Giáo sư là cụ Cao Xuân Huy (1900-1983), một nhà Hán học và là nhà nghiên cứu triết học phương Tây theo quan điểm của người phương Đông. Ông nội của Giáo sư là cụ Phó bảng Cao Xuân Tiếu, thường làm Chánh chủ khảo các kỳ thi Hương cuối thế kỷ XIX (và cụ Cao Xuân Tiếu là con trai cụ Cao Xuân Dục, thượng thư Bộ Học, nhà nghiên cứu triết học nổi tiếng).Thuở nhỏ, Cao Xuân Hạo học ở trường Providence (Huế, trường này ngoài chương trình chính thì có dạy thêm 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội, vừa tham gia chiến đấu, vừa tham gia phong trào văn hóa văn nghệ. Nhờ có năng khiếu sáng tác, Cao Xuân Hạo đã viết nhiều bài hát động viên tinh thần chiến đấu cho các đồng đội.

Hòa bình lập lại, Cao Xuân Hạo theo học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông tốt nghiệp loại xuất sắc, được giữ lại trường làm giảng viên ngành Ngôn ngữ học. Lĩnh vực chuyên sâu của ông là Ngữ âm học tiếng Việt, ngữ pháp học tiếng Việt.

Trong thời gian công tác ở trường, nhờ có ý thức tự học cao, Cao Xuân Hạo nắm chắc tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga với trình độ rất điêu luyện. Ngoài ra, ông còn nắm vững tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng La Tinh.

1. Cao Xuân Hạo - nhà ngôn ngữ học xuất chúng

Cao Xuân Hạo trước hết là một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của nước ta, nổi tiếng, uyên thâm và kiệt xuất. Ông có nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa (Nhà xuất bản Giáo dục - Hà Nội, 1998), Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt (NXB Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh, 2001), Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng (NXB Khoa học - Hà Nội, 2002), Âm vị học Tuyến Tính (NXB Trẻ, 2003) Ngữ pháp ngữ nghĩa (NXB Khoa học, 2004), Sổ tay lỗi hành văn (NXB Trẻ, 2005) v.v… Cuốn "Tiếng Việt - sơ thảo ngữ pháp chức năng sau 12 tuần ra mắt "đã" được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm xuất sắc và từ thời điểm đó, Cao Xuân Hạo bắt đầu nổi tiếng.

Về ngôn ngữ học, đóng góp to lớn nhất của Cao Xuân Hảo là ông đã mạnh dạn, quyết liệt làm một cuộc cách mạng về ngữ âm tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Việt. Cao Xuân Hạo là người đầu tiên và duy nhất chỉ ra rằng không thể phân tích hệ thống ngữ âm tiếng Việt giống như hệ thống ngữ âm các tiếng châu Âu bởi vì đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt khác hẳn đặc trưng ngữ âm của các tiếng châu Âu. Phát hiện ấy của Cao Xuân Hạo là một cú sốc lớn đối với giới chuyên môn trong và ngoài nước đến nỗi ông Jean Chambon (nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Pháp) đã phải thốt lên rằng: "Cái hướng Cao Xuân Hạo chỉ ra đúng là cái hướng mà ta phải đi theo để tìm đến một cuộc cách mạng thực sự cho ngữ âm học" (Jean Chambon - Về cái hướng đi của Cao Xuân Hạo trong ngữ âm học - Tạp chí Ngôn ngữ - tháng 8/1989). Vào thời điểm đó, không chỉ các nhà ngữ âm học Việt Nam như Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Tri Niên, Đoàn Thiện Thuật, v.v… mà cả các nhà ngữ âm học châu Âu đều thừa nhận Cao Xuân Hạo đã đi đúng hướng. "Anh Cao Xuân Hạo đã nói đúng. Nghiên cứu hệ thống ngữ âm tiếng Việt phải đi từ bên trong bản thân nó, không thể rập khuôn theo tiếng châu Âu được" (Nguyễn Tri Niên - Bàn về ý kiến anh Cao Xuân Hạo - Tạp chí Ngôn ngữ tháng 6/1990)

Giáo sư Cao Xuân Hạo cũng làm một cuộc cách mạng về ngữ pháp tiếng Việt. Giáo sư cho rằng không thể phân tích cấu trúc câu tiếng Việt theo sơ đồ "Chủ ngữ - Vị ngữ" như cấu trúc câu tiếng châu Âu. Ông khẳng định: "Câu trong tiếng Việt có cấu trúc khác hẳn tiếng châu Âu. Câu trong tiếng Việt gồm hai phần, trong đó phần thứ nhất nêu lên một cái Đề (đề tài), còn phần thứ hai nói một điều gì đó liên quan đến cái Đề ấy, gọi là phần Thuyết. Phần Đề có thể có quan hệ nào đó với phần Thuyết. Như vậy theo tôi cấu trúc câu tiếng Việt không phải là cấu trúc "chủ - vị" mà là cấu trúc "Đề - Thuyết" tức là cấu trúc ngữ pháp chức năng. (Cao Xuân Hạo - Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng). Như vậy, Cao Xuân Hạo là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đề xuất phân tích ngữ pháp tiếng Việt theo hướng "Đề - Thuyết" (tức là theo hướng ngữ pháp chức năng) ngữ pháp chức năng không dựa vào những dấu hiệu hình thức mà đi sâu vào các mối quan hệ ngữ nghĩa trong câu nói. Ngay lập tức, ý kiến của anh thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn và đông đảo bạn đọc, được ca ngợi là ý kiến mới mẻ và đúng hướng. "Ý kiến của Cao Xuân Hạo đã thực sự mang đến một bầu không khí mới cho ngữ pháp tiếng Việt. Nếu tôi không nhầm thì ở Việt Nam, người đầu tiên gặt hái thành quả đáng kể về việc nghiên cứu ngữ pháp chức năng chính là Cao Xuân Hạo. Tinh thần thường trực ở Cao Xuân Hạo là luôn luôn cố gắng thoát ra khỏi những bế tắc do sự rập khuôn ngữ pháp châu Âu đưa lại, tiến tới nhìn nhận tiếng Việt sao cho sát đúng hơn với bản thể và linh hồn của nó (Nguyễn Quang Hồng - Hoài niệm về anh Cao Xuân Hạo).

Như vậy, Cao Xuân Hạo là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đề xuất ra hai chủ thuyết mới, một chủ thuyết cho việc phân tích và xác lập hệ thống ngữ âm tiếng Việt, một chủ thuyết cho việc phân tích và xác lập cấu trúc câu trong ngữ pháp tiếng Việt. Đây là hai trong những cống hiến to lớn của Giáo sư Cao Xuân Hạo cho ngành Việt ngữ học hiện đại.

Những ý kiến của Giáo sư Cao Xuân Hạo đã làm cho giới ngôn ngữ học phải xem xét, điều chỉnh lại cách miêu tả ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt như nó đang hành chức. Những cống hiến đó của Giáo sư xứng đáng được coi là một thành tựu, một dấu ấn trong chặng đường phát triển của Việt ngữ học. Qua ý kiến của Cao Xuân Hạo, giới ngôn ngữ đều có thu lượm được nhiều điều bổ ích về ngữ âm học, ngữ pháp học, về phương pháp nghiên cứu.

Không những thế, Giáo sư Cao Xuân Hạo còn có những đóng góp cho một số vấn đề khác của ngôn ngữ học, của Việt ngữ học. Ông được nhiều người chú ý khi đề xuất một số vấn đề liên quan đến văn học, văn hóa của người Việt (trong cuốn Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt). Ông nêu ý kiến về các vấn đề của âm vị học (trong cuốn Âm vị học và tuyến tính). Ông đề xuất một số việc làm cụ thể để góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (trong cuốn Sổ tay sửa lỗi hành văn). Ông nêu và giải thích một số cách nghiên cứu ngôn ngữ học cấu trúc (trong cuốn Những phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc) v.v…

Do khuôn khổ của một bài viết nhỏ, chúng tôi chỉ nêu một số đóng góp chính của Giáo sư cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Chỉ riêng những đóng góp này đã chứng tỏ Cao Xuân Hạo là một trong những nhà ngôn ngữ học có tầm cỡ, uyên thâm, kiệt xuất.

2. Cao Xuân Hạo - dịch giả tài năng

Đã có nhiều câu chuyện về khả năng ngoại ngữ đặc biệt của Giáo sư Cao Xuân Hạo. Giáo sư Đinh Văn Đức, người đã cùng giảng dạy với Giáo sư Cao Xuân Hạo trong nhiều năm ở Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (hiện nay Giáo sư Đinh Văn Đức vẫn còn dạy ở đó) có kể lại rằng: năm 1971, ông Đức trong Ban chiếu bóng của Khoa Văn có mượn được phim Liên Xô "Anh em nhà Caramazov" về chiếu cho anh em xem. Có điều trục trặc là đến giờ chiếu phim rồi mà cơ quan cho mượn phim vẫn chưa mang bản thuyết minh phim bằng tiếng Việt đến. May quá, lúc đó chúng tôi thấy anh Cao Xuân Hạo đang ở đó nên đã nhờ anh thuyết minh phim bằng tiếng Việt. Anh Cao Xuân Hạo vui vẻ nhận lời, vừa nhìn lên màn ảnh vừa dịch một cách trôi chảy lời nhân vật trong phim. Thật là một tài năng ngoại ngữ hiếm có.

Cao Xuân Hạo là một dịch giả văn chương nổi tiếng. Ông đã từng dịch khoảng 25.000 trang sách văn học của các nhà nổi tiếng trên thế giới. Có thể kể tên một số tác phẩm Cao Xuân Hạo đã dịch như: Người con gái viên đại úy (1959), Chiến tranh và hòa bình (1962), Núi đồi và thảo nguyên (1963), Trên những nẻo đường chiến tranh (1964), Truyện ngắn Gooc-Ki (1966), Con đường đau khổ (1973), Tội ác và trừng phạt (1974), Đèn không hắt bóng (1976), Khải hoàn môn (1978), Papillon Người/Tù khổ sai (1982), v.v…

Nhờ nắm vững nhiều ngoại ngữ và đặc biệt mẫn cảm với tiếng Việt, Cao Xuân Hạo đã Việt hóa các bản dịch đến mức người đọc cảm nhận chẳng khác gì đọc tác phẩm của người Việt. Cao Xuân Hạo đã dịch các bản dịch với phần tiếng Việt trau chuốt, thoát ý. Nhà thơ Thanh Thảo đã nhận xét "Lối dịch văn học của Cao Xuân Hạo vừa sáng vừa chuẩn. Đó là điều không hề dễ dàng với bất cứ dịch giả nào. Khi dịch, Cao Xuân Hạo không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại rất thăng hoa chất văn trong Việt ngữ. Sở dĩ có được thành công ấy là vì trong sâu thẩm tâm hồn mình, Cao Xuân Hạo là một nghệ sỹ, một nghệ sỹ ngôn từ, một nghệ sỹ của tiếng Việt" (Dịch giả Cao Xuân Hạo - Báo Văn nghệ 28/2/1990).

Năm 1985, Cao Xuân Hạo đã được tặng giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam.

Có thể nói Giáo sư Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một dịch giả đầy tài năng. Giáo sư qua đời ngày 16/10/2007, tại TP.HCM. Trong sổ tang, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Giáo sư Cao Xuân Hạo là một bản lĩnh trí thức đáng kính trọng. Vượt qua mọi khó khăn, Giáo sư đã có những cống hiến khoa học xứng đáng với ngành ngữ văn học Việt Nam, không những thế, Giáo sư còn cống hiến cho người đọc những thành tựu của văn học nước ngoài qua sự nghiệp dịch thuật. Tinh thần của Giáo sư Cao Xuân Hạo sống mãi". Xin được lấy những lời đánh giá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để làm phần kết cho bài viết này./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441795

Hôm nay

2195

Hôm qua

2317

Tuần này

21699

Tháng này

216969

Tháng qua

112676

Tất cả

114441795