Người xứ Nghệ

Nhà văn Sơn Tùng - Con người nghĩa khí

Mỗi dịp có cuốn sách mới in hoặc tái bản, nhà sử học Hoàng Nhật Tân, bút danh Hoàng Thanh Đạm (1926 - 2014) lại mang tặng nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021). Lời đề tặng sách khi nào cũng có cụm từ “người bạn nghĩa khí” hoặc “người bạn tâm giao, nghĩa khí

”.

Nhà văn Sơn Tùng

NGƯỜI BẠN KHÍ TIẾT

Từ thuở ở trong quê, Sơn Tùng hoạt động cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc, rồi ra học trường Vũ Đăng Khoa ở thị trấn Cầu Giát đã biết tiếng và gặp Hoàng Nhật Tân một cán bộ trẻ đang lãnh đạo Huyện ủy Quỳnh Lưu. Hơn 20 năm sau, Sơn Tùng từ chiến trường miền Nam trở ra Bắc thì cũng vừa lúc Hoàng Nhật Tân hết hạn đi vào lao động thực tế trong nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Thành quả là cuốn “Lịch sử nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo” ra đời. Hai anh em cùng vịn vai nhau bước tiếp con đường tải đạo văn chương.

Tôi có vài dịp gặp nhà sử học Hoàng Nhật Tân lúc ông còn khỏe, được nghe ông kể một số mẩu chuyện về cuộc đời mình. Nhớ lại những tháng năm gian khó sau ngày đất nước thống nhất, lâm vào cảnh “họa vô đơn chí” chẳng giống ai, ông không thể nào quên người bạn Sơn Tùng đã luôn bên ông. Người thương binh hạng ¼ thương tật mất 81% sức khỏe lại dìu người bạn đồng hương trụ vững trong tâm bão rồi bước đi tiếp những chặng đường đời đầy chông gai, nhọc nhằn.

Trong căn phòng cũ ở khu tập thể E5B Trung Tự - Hà Nội, nhà sử học Hoàng Nhật Tân lúc này đôi tai đã ít muốn nghe chuyện thế gian, chỉ có trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm “Thiên thu định luận”. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông nhớ lần gặp nhà văn Sơn Tùng đầu tiên tại nhà riêng của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Dương Quân, cán bộ báo Lao động. Ông Tân không ngờ thương tật như vậy mà ngày ấy Sơn Tùng đã viết xong mấy đầu sách văn học (Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm), và mới xuất bản truyện ký “Con người con đường” (Nxb Phụ nữ, 1976) về cụ Đặng Quỳnh Anh, người phụ nữ đầu thế kỷ 20 đã xuất dương sang Lào, Thái Lan làm cơ sở phong trào yêu nước từ Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi. Cuốn sách bị lãnh đạo nhà xuất bản tự ý cắt bỏ nhiều trang trong nhiều chương mà không cần hỏi ý kiến tác giả, trong đó có khoảng 10 trang sách viết về Hoàng Trọng Nghĩa.

“Mười trang sách đó anh kể về một nhân vật quan trọng là Hoàng Trọng Nghĩa, bí danh là Dương ở Thái Lan, được cụ Đặng Thúc Hứa và bà Đặng Quỳnh Anh đánh giá cao về năng lực lãnh đạo và đạo đức cách mạng. Ngày ấy Sơn Tùng đã viết thư phản kháng với nhà xuất bản với lời lẽ khá căng, và anh đã gửi tặng cha tôi cuốn sách, kèm theo bức thư phản kháng, để tỏ lòng kính mến. Đọc “Con người con đường” cùng lời phản kháng của tác giả, tôi quý mến tinh thần đấu tranh đầy nghĩa khí của Sơn Tùng, và thường tìm đến anh”, nhà sử học Hoàng Nhật Tân viết.

Năm 1979, cơn gia biến đến với gia đình họ Hoàng. Không ai dám qua lại. Nhà văn Sơn Tùng nói với vợ, bà Phan Hồng Mai: “Em ra chợ, mua 5 quả cau, 5 lá trầu, hai vợ chồng mình đi sang 29 Nguyễn Gia Thiều để thăm bà. Ông đi đây là nạn chính trị. Cháy nhà người ta đem nồi đem xoong ra chia cho nhưng nạn chính trị không ai đến đâu”. Bà Hồng Mai đạp xe đưa chồng từ ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên sang thăm cụ Phan Thị Uyển. Vốn xưa, cụ Nguyễn Thị Nhiên thân mẫu nhà văn Sơn Tùng và cụ Phan Thị Uyển thân mẫu nhà sử học Hoàng Nhật Tân đã biết nhau khi tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Nhà sử học Hoàng Nhật Tân ứa nước mắt ôm lấy đôi vai nhà văn Sơn Tùng, người bạn hàn sĩ xứ Nghệ không có chức tước gì đến ngay với ông khi hay tin bạn hoạn nạn.  Mấy ngày sau, tin Sơn Tùng đến thăm Hoàng Nhật Tân không cánh mà bay nhanh khắp chốn cùng nơi. Một vị giám đốc nhà xuất bản ghé tai nhà văn có ý dặn dò: “Sơn Tùng ơi, ông phải giữ mình để mà in được sách chứ. Ông không có chức có tước gì nhưng ông phải in sách, sao ông lại chơi với... Ông đến nhà 29 Nguyễn Gia Thiều, bây giờ người ta đang theo dõi...”. Sơn Tùng bình thản trả lời: “Tôi viết sách, in là quý nhưng không phải vì vậy mà tôi sợ không in được sách, tôi lại đi bỏ bạn lúc hoạn nạn à?”.

Ông Hoàng Nhật Tân lại nhớ những năm sau đó: “Cảnh ngộ éo le của tôi ngày ấy nhiều bạn thông cảm nhưng không ai dám lên tiếng bênh vực. Chỉ có Sơn Tùng, trong một dịp về quê cùng với anh Văn Cao, đã thẳng thắn thanh minh sự kiện éo le của gia đình tôi. Sau đó Sơn Tùng thường giới thiệu các bài viết của tôi để được đăng trên một số báo và tạp chí”.

Nhà văn Sơn Tùng chia sẻ với nhà sử học Hoàng Nhật Tân ngay lúc hoạn nạn: “Anh giờ đến nhà khác người ta sợ liên quan. Trong khi hoạn nạn này, anh cứ đến đây với tôi. Trước đây và cả bây giờ, anh Văn Cao lúc hoạn nạn vẫn đến với tôi”.

Chơi cùng Viện trưởng Viện Từ điển Bách khoa Nguyễn Kim Thản, lại cùng khu tập thể ngõ Văn Chương, nhà văn Sơn Tùng bộc bạch: “Giờ anh Hoàng Nhật Tân chỉ có đến nhà tôi, hai nữa là có chơi là chơi với anh. Bây giờ, tôi làm sao giữ đừng để cho anh Tân mất cân bằng trong lúc này. Tôi tạo điều kiện để anh Tân viết bài rồi ký tên tôi cái đã. Còn anh tạo điều kiện khác để anh Tân làm việc. Như vậy anh Tân mới khuây khỏa được”.

Nói là làm. Những bài viết của nhà sử học Hoàng Nhật Tân ký tên Đông Mai được vợ chồng nhà văn Sơn Tùng gửi đến báo Tổ quốc, sau đó là báo Nhân dân… Tòa soạn yên trí đó là tác giả Sơn Tùng lấy tên vợ - bà Phan Hồng Mai - làm bút danh.

Một thời gian sau, nhà văn Sơn Tùng mời nhà sử học Hoàng Nhật Tân cùng đến gặp ông Nguyễn Chính - Tổng biên tập báo Tổ quốc. “Hôm nay tôi nói thật với anh - nhà văn mở đầu - đây là anh Hoàng Nhật Tân, do ông cụ đi như thế mà phải treo bút. Bài này anh Hoàng Nhật Tân viết, tôi ký Đông Mai. Phải nói rõ với anh như vậy nếu không sau này người ta lại bảo lâu nay tôi đội tên người khác”. Đến tòa soạn báo Nhân dân, Sơn Tùng cũng nói rõ sự việc. Về phía ông Nguyễn Kim Thản, sau khi có lời tâm tình của Sơn Tùng, ông đã tạo điều kiện đưa hai công trình tiếng Pháp để ông Hoàng Nhật Tân dịch là “Bàn về Khế ước xã hội” (tác giả Rouseau) và “Bàn về Tinh thần pháp luật” (tác giả Montesqieu). Hai bản dịch được xuất bản sau đó với bút danh Hoàng Thanh Đạm đã được bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao trong giới nghiên cứu. Cũng chính nhà văn Sơn Tùng là người giới thiệu với nhà xuất bản để nhà sử học Hoàng Nhật Tân hợp tác viết cuốn sách về danh nhân Nguyễn Trường Tộ.

THỔN THỨC QUÊ NHÀ

Trước nhà sử học Hoàng Nhật Tân, trong nhiều năm, nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca, trong bước “gập ghềnh xa” cũng tìm đến Sơn Tùng để vượt qua bao tháng năm khốn khó: Khi là trên căn gác con con sáu mét vuông vợ chồng nhà văn Sơn Tùng thuê ở phố Nguyễn Trường Tộ, bên dưới là chuồng nuôi lợn của chủ nhà; lúc là ngõ Thụy Chương phố Thụy Khuê; rồi về căn buồng nhỏ số 30 nhà A1 khu tập thể Văn Chương phố Khâm Thiên. Cho đến tuần đầu tháng 6 năm 1995, dù sức khỏe đã rúng động, nhạc sĩ Văn Cao được người bạn đời Nghiêm Thúy Băng hộ vệ đã đi bằng cả trái tim đến với nhà văn Sơn Tùng…

Những người cầm bút khi bị văng ra bên lề cuộc sống, họ tìm đến nhau, nép vào nhau, động viên nhau đi con đường chính đạo: Vạn biến lôi phong nhất tâm văn đạo! Đã nhiều lần, tôi được xem những trang bút tích của nhạc sĩ Văn Cao đề tặng nhà văn Sơn Tùng trên những trang sách để nhớ về thuở hàn vi. Từ sau ngày tác giả Quốc ca hóa thân (1995), vợ ông, bà Nghiêm Thúy Băng nhờ con trai thứ Nguyễn Nghiêm Bằng gửi sang những trang sách mới in với lời đề tựa nhắc nhớ tới kỷ niệm của hai người bạn văn cùng đội số phận…

Kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Cao kể sao cho xiết. Đã có lần, nhạc sĩ thốt lên cùng bạn hữu đại ý rằng, cùng là nam nhi Diễn Châu - Nghệ An, anh Sơn Tùng bạn tôi che chở cho tôi; còn người khác lại “đánh” tôi khi cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới ra đời… Khi viết về con người nghĩa khí với bạn đọc hôm nay, tôi xin trích một phần nội dung bài nhà văn Sơn Tùng đã viết kỷ niệm trong dịp Văn Cao cha đẻ Trường ca “Những người trên cửa biển” về thăm làng biển Hoa Lũy quê ông tháng Chạp Kỷ Mùi, dương lịch đã sang tháng 1 năm 1980:

“Ngay tối hôm ấy, bà con làng Kim đến kín nhà văn hoá, ngồi tràn cả sân đón mừng nhạc sĩ Văn Cao. Dân làng tôi gọi mộc mạc, chân phương: “Ông Quốc Ca về thăm quê ta”. Với tôi, đây là dịp được gặp khá đông đủ bà con họ hàng, làng xóm, lòng mọi người đang trĩu nặng lo âu việc: “dời làng… sắp xếp lại Giang Sơn!??”

Tôi chia sẻ với bà con cái nông nỗi ấy, và đề đạt với đoàn cán bộ trên không nên xoá bỏ làng Kim mà rất Cổ này. Tôi xin vắn tắt đôi điều về làng cổ đất tổ của chúng ta.

Theo tục truyền, từ thời Hùng Vương, ở đất Việt Thường (từ Thanh Hoá vào Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay) đã có người trên rừng xuống ở dọc bãi ngang hoang vu trước cửa biển, gọi là “mường nước mặn”. Nhóm ngư dân ở sát cửa lạch sâu (nay là cửa lạch Vạn, sông Bùng) theo dọc bãi ngang, ra tận giáp với hòn đảo Câu (nay là làng Đức Thịnh, xã Diễn Hải) gọi là Kẻ Lũy. Bởi phía trước là biển cả, phía nam là sông, bao bọc quanh là rừng sác, luỹ tre, luỹ dứa, luỹ dừa, bạt ngàn cổ thụ… Đến thời nhà Thục Phán An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà, lập “giao hảo, thông gia” dẫn đến thảm họa nước Âu Lạc sụp đổ, Thục Phán kéo cả thân vương, quần thần tháo thân khỏi Loa Thành - Kinh đô Phong Khê, chạy vào đất Hoài Hoan (Nghệ An ngày nay).

Từ khi có người từ kinh đô Phong Khê - Cổ Loa chạy theo hộ vua Thục Phán đến Kẻ Lũy định cư, một thời gian sau có tên mới là Lũy Hoa. Mãi tới thời nhà Trần mới có tên là trang Kim Hoa. Sang thời nhà Lê, đổi là Hoa Lũy, thường gọi là Làng Hoa.

Từ khởi nguyên Kẻ Lũy tới trang Kim Hoa, rồi làng Hoa Lũy cho đến thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có ba đền nguy nga thờ thần và một đình trung đồ sộ.

“Đình Cả ở “thôn Thượng” gọi nôm là thôn trên, nơi xuất xứ Kẻ Lũy. Đền Cả thờ thần thời Lý Nam Đế (Lý Bôn) quốc hiệu Vạn Xuân. Vùng biển Hàm Hoan (Diễn Châu), nơi diễn ra nhiều trận ác chiến (trong đó có Trang Hoa) giữa quân Lâm Ấp với quân ta, do Phục Man tướng quân Phạm Tu và Tả Tướng quân Triệu Quang Phục chỉ huy. Dẹp xong giặc Lâm Ấp, về sau dân ở Đức Thịnh, nay là xã Diễn Hải dựng đền thờ Triệu Quang Phục. Bên làng Hoa có đền Cả. Trước hai đền là cánh đồng màu rộng lớn, gọi là Đồng Ngô. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hàng năm đến ngày rằm tháng Ba (âm lịch), họ Bùi cúng giỗ tổ ở nhà thờ họ, đồng thời bày biện lễ vật tế tổ tại cánh Đồng Ngô. Ông tổ Mạnh Bá Đại tướng quân Bùi Văn Thôn tử trận tại đây.

Đền thứ hai là đền Trang, ở thôn Trang (tên Trang có từ thuở trang Kim Hoa). Đền này, thờ thần thời Lam Sơn - Bình Định Vương “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, kháng chiến chống giặc Minh xâm lược (…).

Giữa năm 1425, Bình Định Vương Lê Lợi điều quân Lam Sơn bao vây Thành Trài (Diễn Châu), hạ thành Nghệ An phía nam. Tướng nhà Minh là Tiết Tụ bối rối trước thế lực quân Lam Sơn áp đảo, phải kêu cứu… Bọn giặc Minh cấp tốc đem 300 chiếc thuyền quân, lương vượt biển đến Cửa Vạn, qua Hoa Lũy vào sông Trài để cứu viện. Tướng quân Đinh Lễ trực tiếp chỉ huy quân Lam Sơn đánh diệt viện ngay từ Cửa Vạn đến các ngả sông Bùng, sông Trài. Tương truyền, tướng nhà Minh (Tiết Tụ) ôm đầu máu kéo tàn quân tháo chạy ra phía cung Đất Đỏ, Hoàng Mai. Về sau làng Hoa xây đền Trang ngay trên mảnh đất nghĩa quân Lam Sơn ác chiến với quân Minh.

Ngôi đền thứ ba, thờ thần Cá Voi - gọi là Đền Ông. Đền tọa vị trước cửa biển của làng. Và đình làng, ở trung tâm ba trục đường liên hương giao điểm trước bến Bầu Giang (sông Trái Bầu) và rừng đước, sú, vẹt bạt ngàn.

Làng Hoa nguy nga đền đài, phong cảnh hữu tình, trù phú, cổ thụ ngàn tuổi. Ngày nay một viên gạch nền đền, một long đỉnh, một cán lọng… không còn. Các đấng Huyền Thần, Nhân Thần làng Hoa bơ vơ, lạnh tanh hương khói”.

Đêm giáp Tết Canh Thìn (2000) từ Thủ đô Hà Nội, trong nhớ quê nhà, nhà văn Sơn Tùng viết mấy vần thơ (về sau tôi chép lại, xin được ghi ra như sau):

“Canh Thìn rồng mở cánh tiên

Đón Nàng Xuân hứa hẹn nghìn trang văn

          Phòng văn thoảng ấm hương Xuân

Nhớ quê Hoa Lũy, lòng Xuân bồi hồi

Biển khơi lớp lớp sóng dồi

Cát vàng dương liễu xanh ngời vầng đông

Đền Trang, Đình Cả, Đền Trong

Nguy nga trước biển Đền Ông tam tòa

Giếng thơi từ thuở làng Hoa

Đường làng cổ thụ tuổi thừa trăm xuân

Tình làng nghĩa họ tương lân

Ngô khoai qua bữa mà Xuân - xuân giàu

Hoa Lũy đó!

                             Quê hương đâu?

Biển hoang, đền xóa sạch làu nát tan

Giếng thơi lấp, cổ thụ tàn

Đại danh thần với Thành hoàng bơ vơ!

Không hương khói, chẳng cúng thờ

Làng Hoa ơi!

                             Biết bao giờ là Hoa?

Vui thiên hạ.

                             Buồn quê ta.

Ngàn xưa còn vọng lời ca muôn đời

Đi xa nhớ trống thành Trài”

Nhớ chuông chùa Bốn, nhớ người làng Hoa”.

Ngày Xuân ở chốn phồn hoa

Mà lòng thổn thức quê nhà… là đâu?...

Những ngày tháng 6 năm 2010, miền Bắc trải qua đợt nắng nóng cao điểm trong lịch sử. Nhà văn Sơn Tùng về quê theo lời mời để ông nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã nhà Diễn Kim về lịch sử thôn xã, về những ngôi đền đã không còn nay đang mong muốn được khôi phục. Bản thân ông cũng là người được dân làng tin cậy gửi gắm nhờ uy tín và đức độ để còn giữ 18 sắc phong (trong tổng số 42 sắc phong) của làng Hoa Lũy xưa, làng Kim Lũy nay, từ thời Lê Cảnh Hưng (1767) đến đời Nguyễn Khải Định (1924).

Trong đó, ông từng đọc để người dân làng Kim được nghe nội dung đạo sắc thứ ba, vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44) phong ngày 16 tháng 5 năm 1783:

“Sắc cho vị Đại Vương Đô Thái uý, Thành Quốc công, gia phong là đấng cầm quyền trung hậu, theo điều nhân nghĩa, nêu cao tiết tháo, mưu lược sâu rộng, mạnh mẽ cương nghị, phù bật quân vương, khang dân trạch vật, giúp đời linh ứng. Lòng dạ sắt đá, chí khí sáng trong. Nơi trận tiền quyết tử trung trinh, hiển hách tựa thiên lôi, tấm thân tiết nghĩa, lưu tiếng thơm mãi về sau, sáng chói như mặt trời, tinh tú, thật đáng ngợi khen, vinh dự đã nêu cao:

Gia phong bốn chữ Kinh Văn Vĩ Vũ, linh ứng đại vương”.

Dưới thời nhà Nguyễn, có 10 sắc phong Thần ở đền Hoa Luỹ - đổi thành Kim Lũy. Ngày 18 tháng 3 năm 1917, niên hiệu Khải Định nhị niên ban sắc đền thờ Thần Cá Voi:

“… Sắc Nghệ An tỉnh, Đông Thành huyện, Vạn Phần tổng, Kim Lũy xã, phụng sự: Đông hải Thái thú Đại Ngư Ông chi Thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tứ kim phi thừaUông nhuận dực bảo trung hưng Trung đẳng Thần

Nhân “Tứ tuần đại khánh”, năm 1924,  vua Khải Định lại phong tiếp sắc Thần cá Ông và “Đô Thái uý Thành quốc công”…

Tôi hằng mong mỏi - một ngày nào ở đất Diễn Kim hiện lên ngôi đền để được rước Mười Tám Sắc phong về! - Tiếng nói của nhà văn Sơn Tùng đến hôm nay vẫn còn văng vẳng bên tai những người dân xã Diễn Kim qua các thế hệ được nghe ông tâm sự nỗi niềm đau đáu mong mỏi này dưới nắng nóng gay gắt, lại mất điện cả ngày!

Nắng nóng trên 40 độ, và 3 mảnh đạn còn trong đầu nằm phục sẵn, lúc này bất ngờ trỗi dậy. Sau chuyến về nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân xã Diễn Kim, nhà văn Sơn Tùng bị “phục binh” từ 3 mảnh đạn gây sự, ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, không còn khả năng làm việc. Suốt từ đó ông kiên cường chống chọi với bạo bệnh qua 11 năm trường cho đến khi từ biệt mọi người.

Nỗi niềm mong mỏi - một ngày nào ở đất Diễn Kim hiện lên ngôi đền để được rước 18 sắc phong về làng của ông đã thành hiện thực. Một ngôi đền được xây dựng mới khang trang. Vợ ông, bà Phan Hồng Mai nhớ lời ủy thác của ông, đã trao lại cho lãnh đạo xã Diễn Kim 18 đạo sắc để đưa về đền gìn giữ. Nhưng đền thờ ai? Ông đã đau đáu bao năm để rồi khi nghe một người cháu họ Bùi trong Ban liên lạc đồng hương Diễn Châu tại Hà Nội, hiện công tác ở một cơ quan Trung ương, báo cáo lại đền thờ một vị thần được rước từ Hải Phòng về, dù mang trọng bệnh, nhà văn Sơn Tùng đã phải thốt lên: “Sao vội vàng thế?”.   

Viết đến đây, tôi bỗng nhận thấy một sự trùng hợp kỳ lạ giữa đôi bạn Văn Cao - Sơn Tùng. Ngày 10-7-1995 tức 13 tháng 6 Ất Hợi, nhạc sĩ Văn Cao “trên đôi cánh Đàn chim Việt bay về Thiên Thai!”. Đưa tiễn ông, nhà văn Sơn Tùng viết:

Hồn Nhân Văn Ngời Sáng Thiên Thai, Cánh Buồm Thơ Khép Hoàng Hôn Cửa Biển

Đường Cách Mạng Gọi Đàn Chim Việt, Tiến Quân Ca Vang Hào Khí Đất Trời”.

Đúng 26 năm sau, đêm 22-7-2021 tức 13 tháng 6 Tân Sửu, nhà văn Sơn Tùng “ngã xuống đường khát vọng”.

Hành trình đưa nhà văn Sơn Tùng  về yên nghỉ (26-7-2021) trước cửa biển làng Hoa Lũy trong khi Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách, tôi chứng kiến tình cảm của lãnh đạo Đảng - Nhà nước, những người đồng chí, đồng đội, những người con quê hương đã dành cho con người nghĩa khí này trong phút vĩnh biệt thật là sâu sắc.

Khi những thảm cỏ xanh đã phủ lên ngôi mộ nhà văn Sơn Tùng trước cửa biển, khi những dải khói đưa từng lời khấn tiễn người quá cố về bên kia cầu Nại Hà, tôi nhớ đến những câu thơ ông đã viết trong tiểu thuyết Lõm - cuốn tiểu thuyết duy nhất ông hoàn thành về đề tài chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thống nhất hai miền:    

“… Người khát vọng ngã xuống đường khát vọng

Hóa mùa Xuân

Mặt đất nảy mầm…”./.

……………………………….

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476