Người xứ Nghệ

GS. HOÀNG XUÂN HÃN - Nhà trí thức yêu nước, nhà khoa hoc, nhà văn hoá lớn của dân tộc

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 18 tháng 3 năm 1908, mất ngày 10 tháng 3 năm 1996 và ngày 13 tháng 3 năm 1996 được chủ tịch nước truy tặng Huân chương độc lập hạng hai. Có thể nói cuộc đời của GS Hoàng Xuân Hãn gắn với tháng 3. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 102 và 14 năm ngày mất của giáo sư, trên tạp chí Văn hoá Nghệ An tháng 3, chúng tôi muốn mọi người biết đến cuộc đời của một con dân Nghệ Tĩnh – GS Hoàng Xuân Hãn. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ra trong một gia đình nho học truyền thống tại làng Yên Phúc, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là quê ngoại. Nguyên quán là kẻ Trổ, cách quê ngoại 5km, thuộc làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tinmhr Hà Tĩnh).

Thuở nhỏ, Ông học chữ Hán với cha mình và sau đó học chữ quốc ngữ ở quê nhà. Lúc này phong trào Cần Vương đã tan rã, gia đình cụi Tú Vạn, thân sinh ông Hãn rất túng bấn. Quyết chí nuôi các con ăn học, hai cụ cầm bán hết ruộng vườn, lấy tiền theo con ra trường Quốc học Vinh, cách nhà khoảng 15km, thầu nấu cơm cho ký túc xã nhà trường, để có điều kiện nuôi con cháu ăn học lâu dài. Thấu lòng cha mẹ, các con cháu cụ đều học giỏi. Riêng ông Hãn luôn đứng đầu lớp. Sau khi đỗ bằng thành chung năm 1926, ông chuyển ra Hà Nội thi đậu vào trường Bưởi, học được 1 năm thì chuyển sang khoa toán trường trung học Albert Sarraut.Năm 1928, ông thi đỗ tú tài toàn phần với điểm số rất cao và được nhận học bổng du học tại Pháp của chính phủ Nam Triều.Với tinh thần khổ công cầu học, tại Pháp ông đã lần lượt thi đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp và Châu Âu lúc bấy giờ như trường Cao đẳng sư phạm, trường Bách khoa, khoa toán trường đại học Sorbonne.Năm 1934 về nước với tấm bằng kỹ sư cầu đường, chính phủ thuộc địa gợi ý ông nhận chức Giám đốc công chính Đông Dương với điều kiện ông phải gia nhập quốc tịch Pháp. Người kỹ sư trẻ Hoàng Xuân Hãn đã từ chối chức vụ này và quay lại Pháp tiếp tục học nâng cao ở khoa toán đại học Sorbonne, và nhận bằng thạc sĩ toán vào năm 1925.

Năm 1926, ông trở về nước với một ước mong cháy bỏng là nhanh chóng mở mang trí tuệ cho thanh niên và nâng cao dân trí, nhờ đó mà dân tộc thoát được vòng nô lệ. Vì vậy, ông đã nhân chức giáo sư trung học tại trường Bưởi với đồng lương thấp hơn nhiều so với lương giám đốc Công chính Đông Dương, song đó là nghề tâm huyết cúa ông. Những năm này, ông cũng được mời giãng dạy toán cao cấp ở các trường Công chính, Canh nông và Cao đẳng sư phạm Hà Nội.

Bên cạnh việc giãng dạy, để mở mang kiến thức cho thanh niên, ông cùng một số bạn bè như Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu sáng lập ra tạp chíÔng luôn nung nấu xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, nên từ rất sớm ông đã bắt tay vào soạn thảo cuốn Danh từ khoa học gồm 5 ngành khoa học là toán, lý, hoá, cơ và thiên văn. Đây là cuốn sách đầu tiên đã diễn đạt hàng loạt các thuật ngứ, các khái niệm khoa học chính xác bằng tiếng Việt, đã được giải thưởng của Hội khuyến học Nam Kỳ năm 1943 và được đánh giá như một công trình mở đường cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt sau này.

Khoa học.

Có thể nói cả cuộc đời giáo sư Hoàng Xuân Hãn gắn liền với công tác giáo dục. Ông không những giãng dạy ở bậc đại học, trung học, mà ông còn chú ý đến công cuộc truyền bá quốc nhữ cho nhân dân. Năm 1943, ông cũng là thành viên sáng lập Hội truyền bá quốc ngữ và là trưởng ban tu thư của Hội. Cùng với một vài cộng sự, ông đã chủ xướng ra phương pháp học i tờ, mà sau Cách mạng tháng Tám, trong phong trào “diệt giặc dốt” phương pháp này trở thành chủ đạo giúp cho hàng triệu nông dân nghèo thoát khỏi nạn mù chữ một cách dễ dàng trong vòng 3 – 6 tháng.

Trước Cách mạng háng Tám, ông tham gia làm bộ trưởng bộ Giáo dục và Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trong Kim cũng với mong muốn xây dựng một nền giáo dục Việt Nam, nhằm nâng cao dân trí cho mọi tầng lớp nhân dân. Chương trình giáo dục ba cấp với việc chia ngành ở cấp chuyên khoa trong thời kỳ này chúng ta cũng thấy thấp thoáng trong chương trình cái cách giáo dục những năm gần đây. Và đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của ông, chỉ sau 4 tháng nền giáo dục Việt Nam đã chuyển hẵn từ giãng dạy bằng tiếng Pháp sang giãng dạy bằng tiếng Việt và kỳ thi tú tài năm 1945 là kỳ thi tú tài bằng tiếng Việt đầu tiên.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng một số trí thức tiêu biểu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến và tháng 4 năm 1946 giáo sư Hoàng Xuân Hãn được chính phủ cử làm chủ tịch tiểu ban chính trị trong phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại hội nghị Việt – Pháp ở Đà Lạt. Thấm nhuần lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, ông cùng các thành viên trong đoàn đã giữ vững đoàn kết, đấu tranh bảo vệ quyền độc lập dân tộc và mềm dẻo thương lượng để kéo dài nền hoà bình mong manh nhưng rất cần thiết cho chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ.

Sau hôị nghị Đà Lạt, ông tiếp tục giãng dạy môn kỹ thuật quân sự cho các khoá huấn luyện đầu tiên của trường võ bị Trần Quốc Tuấn (Ông đã tốt nghiệp trường quân sự Xanh Xia trong thời gian du học ở Pháp).

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình giáo sư Hoàng Xuân Hãn bị kẹt lại trong thành Hà Nội cho đến năm 1950. Trong những tháng ngày này, gia đình giáo sư trở thành cơ sở của ta ở nội thành, bí mật liên lạc với kháng chiến và đã ủng hộ tài chính, thuốc men theo con đường bí mật. Từ năm 1950 ông bị chính quyền Pháp và nguỵ quyền o ép do không chịu ra làm việc cho chúng. Vì vậy, ông cùng gia đình rời Hà Nội sang cư ngụ ở Paris. Tại đây ông vừa nghiên cứu khoa học vừa tham gia hoạt động trong hội Việt kiều yếu nước ở Pháp. Ông hăng hái hoạt động tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Năm 1954 ông đến Giơ-ne-vơ Thuỵ Sĩ đóng góp nhiều ý kiến cho phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cầm đầu. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông luôn có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc trên các diễn đàn của hội Việt kiều yêu nước tại Paris, mà ông là uỷ viên đoàn chủ tịch.

Về mặt khoa học, ông tiếp tục học tập và năm 1956 nhận bằng kỹ sư nguyên tử tại trường đại học Sác-lây. Có thể nói ông là kỹ sư nguyên tử đầu tiên của Việt Nam.

Ngoài việc nghiên cứu, ông còn dành thời gian giúp đỡ đào tạo các tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực toán học, mà tiêu biểu là thành lập hội khuyến học Cam Tuyền tại Paris mà ông là người sáng lập.

Trong những năm xa Tổ quốc, ông vẫn giữ mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều đồng nghiệp và các viện nghiên cứu, các thư viện, các nhà xuất bản trong nước. Nhiều nhà khoa học trong nước có dịp gặp gỡ và làm việc với giáo sư tại Paris đã không bao giờ quên sự giúp đỡ ân cần, đầy tình nghĩa của giáo sư trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Có thể nói giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một nhà khoa học bách khoa. Sự nghiệp nghiên cứu của ông bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học. Với khoa học tự nhiên, ngoài toán học ông còn nghiên cứu thiên văn, lịch pháp. Ông đã so sánh đối chiếu tìm ra những ngày khác nhau giữa lịch ta và lịch Tàu, tuy cùng dùng âm lịch. Nhờ đó mà có thể điều chỉnh được niên đại nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà

Không được đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn, song ông đã có những công trình nổi tiếng về sử học và văn học được học giả trong ngoài nước đánh giá cao. Đặc điểm nổi bật của các công trình này là từ những nguồn tư liệu do ông tự tìm kiếm thu thập qua văn bia, gia phả, thần phá ở các đền chùa, dòng họ và bằng tư duy khoa học tự nhiên, ông đã so sánh đối chiếu để rút ra những nhận định, kết luận có sức thuyết phục cao. Trong thời kỳ trường Bưởi phải sơ tán về Thanh Hoa tránh máy bay đồng minh oanh tạc thời thế chiến II và tranh thủ những lần về thăm quê hương Nghệ Tĩnh, ông đã thu thập được nhiều văn bia, thần phả, gia phả để viết nên hai công trình sừ học có giá trị. Đó là cuốn Thường Kiệt và cuốn La Sơn Phu Tử. Cuốn Lý Thường Kiệt xuất bản năm 1950 trình bày một cách chuẩn xác cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân dân ta cùng đời sống văn hoá xã hội cũng như Phật giáo thời Lý. Cuốn La Sơn Phu Tử xuất bản năm 1952 làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn Lê Mạt – Tây Sơn và về một nhân cách trí thức chân chính thời bấy giờ, nhân cách La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp, người đã ra giúp anh hùng Nguyễn Huệ với tư cách là cố vấn trong buổi nhiễu nhương, rối ren của đất nước.

Cũng về lịch sử, phải kể đến bài báo đăng trong hai số tạp chí Sử Địa xuất bản ở Sài Gòn trong thời Mỹ nguỵ chiếm đóng miền Nam cung cấp nhiều sử liệu chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Với cứ liệu phong phú, lập luận chặt chẻ, bài báo như một mũi tên có sức công phá mạnh bấn vào kẻ xâm lược.

Ngoài ra, ông cũng cung cấp nhiều tin tức có giá trị giúp Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện khai quật một số di tích có quan hệ hoặc thuộc Ly Cung của Hồ Quý Ly ở Thanh Hoá.

Về văn học, Ông đã dày công sưu tập được nhiều bản dịch truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hạnh am thi cảo, Song tinh nhất dạ, nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương. Với những tư liệu này, bằng các phương pháp giám định văn bản học, giáo sư Hoàng xuân Hãn đã nêu lên nhiều giả thuyết có sức thuyết phục cao.

Chẳng hạn giáo sư đã thu thập được 7 bản dịch Chinh phụ ngâm, trong đó có văn bản liên quan mật thiết đến tiểu sử và văn nghiệp Phan Huy Ích. Nhờ đó giáo sư đã viết công trình Chinh phụ ngâm bị khảo nhằm nêu lên một giả thuyết sắc sảo có sức thuyết phục về người đã dịch bản Chinh phụ ngâm hiện nay. Hay như cuốn Song tinh nhất dạ một truyện thơ chữ nôm thế kỷ 18 là một tác phẩm văn học hiếm hoi của miền cực nam Tổ quốc đã được giáo sư cho sao chép lại và dày công phiên âm, biên dịch, đính chính và gữi toàn bộ tư liệu cho gia đình quả phụ thi sĩ Đông Hồ là người đã phát hiện ra nó và tác phẩm đã được nhà xuất bản Văn học Hà Nội xuất bản năm 1987.

Đối với truyện Kiều, trong những năm tháng cuối cùng của đời mình, ở tuổi ngoài 80, giáo sư Hoàng xuân Hãn đã dồn hết tâm sức để hoàn thành một công trình khảo cứu đặc biệt là Kiều tầm nguyên là đitìm nguyên tác truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là một công trình khảo cứu văn bản học Hán Nôm rất công phu mà tác giả đã dày công thu thấp tư liệu, khảo cứu gần 50 năm qua. Tiếc thay, khi tập bản thảo viết tay dày 750 trang chi chít chữ Việt, chữ Hán và chữ Nôm sắp hoàn thành thì giáo sư đột ngột qua đời. Được biết các đồng nghiệp của giáo sư ở trong và ngoài nước đang tiếp tục công việc bị bỏ dở của giáo sư. Hy vọng công trình sớm được ra mắt bạn đọc.

Các vị lãnh đạo nhà nước đánh giá cao công sức của ông đôí với dân tộc, đối với Tổ quốc. Trong sổ tang ngày truy điệu giáo sư Hoàng Xuân Hãn Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Vô cùng thương tiếc giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhà trí thức yêu nước, nhà khoa hoc, nhà văn hoá của Việt Nam. Giáo sư đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của tổ quốc và hạnh phúc của dân ta”

Về mặt khoa học, năm 2000 nhà nước đã trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho 3 công trình khoa học của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có một cuộc sống giản dị. Khi còn là học sinh suốt ngày chăm lo học hành, không chơi bời bỏ phí thời gian. Thời gian du học bên Pháp, tìm mọi cách thu thập thêm kiến thức để sớm về giúp dân giúp nước, nâng cao dân trí. Trở về nước, là một viên chức cấp cao của nhà nước, song giáo     sư vẫn giũ một cuộc sống bình thường, ăn mặc giản dị. Ngoài việc giãng dạy thì tranh thủ mọi cơ hội đi dã ngoại thăm các đền chùa miếu mạo, từ đường các dòng họ lớn, thu thập bia ký, thần phả, gia phả, thăm các tủ sách, thư viện phục vụ cho công tác nghiên cứu. Nghe kể lại, muốn may quần áo cho giáo sư, người nhà phải làm bẩn, vẫy mực vào quần áo giáo sư, và phải mời thợ may vào đúng lúc giáo sư sắp ngồi vào bàn ăn thì mới buộc được giáo sư để cho thợ may đo.

Giáo sư chú ý giúp đỡ con cháu trong việc ăn ở học hành. Nhà giáo sư ở phố Tràng Thi, Mặt trước là của hàng chế biến và bán thuốc của dược sĩ phu nhân giáo sư. Phía sau là các phòng để cho con cháu từ quê ra ở ăn học. Con cháu sau khi tốt nghiệp trường quốc học Vinh, ra Hà Nội học thì ở nhờ nhà giáo sư. Tiền ăn học có thì trả, chưa có thì sau khi ra trường có việc làm thì trả. Chính nhờ sự giúp đỡ của giáo sư mà con cháu họ Hoàng Xuần từ quê hương Nghệ Tĩnh có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. 

Giáo sư có một trí nhớ phi thường và một sức làm việc ít người theo kịp. Năm 1995, nhân dự hội nghị về khảo cổ ở Paris, tôi đến nhà giáo sư. Được biết tôi làm công tác khảo cổ là một bộ môn của sử học mà ông rất quan tâm, ông rất vui và kể cho tôi nghe nhiều địa danh vùng trung du miền núi phúa bắc cũng như ở Thanh Hoá có liên quan đến các sự kiện lịch sử dân tộc. Lúc ấy giáo sư đã gần 90 tuổi, bị hỏng một mắt, song ông vẫn có thể viết chữ Hán bằng bút lông. Buổi trưa, ăn xong, ông chỉ nghĩ khoảng một tiếng đồng hồ, không ngủ và lại tiếp tục làm việc.

Tuy sông xa quê hương hàng nửa thế kỷ, hàng năm nhân ngày Tết, ông thường làm thơ nói lên nỗi nhớ quê hương. Cho đến cuối đời, sống ở quê người, tuổi già sức yếu, lòng nhớ quê hương càng tha thiết. Ông có làm một bài thơ tặng lúc giả từ người “bên nhà” qua thăm:

                                        Đã hay bốn biển là nhà

                           Lam Hồng ta mới thật là quê hương.

                              Trải bao cuộc biến cuộc thường,

                        Mà lòng tưởng nhớ quê hương vẹn tròn.

Tấm lòng hướng về quê hương Nghệ Tĩnh của giáo sư được thể hiện rõ trong bản di chúc ông đã chuẩn bị từ mấy năm trước khi mất là di cốt của ông được hoả táng, một phần để lại chùa Trúc Lâm tại Paris, một phần rãi trên đất Pháp, một phần đem về Việt Nam. Và con cháu giáo sư đã thực hiện đúng ước nguyện của ông đem một phần di cốt ông táng trong lăng mộ ở quê nhà.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một con người Tây học từ rất sớm, nhưng trong ông vẫn là một con người xứ Nghệ một trăm phần trăm.

 
                                                                           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521380

Hôm nay

2154

Hôm qua

2303

Tuần này

2154

Tháng này

219319

Tháng qua

121009

Tất cả

114521380