Những góc nhìn Văn hoá
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết rất quan trọng. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 19-12-1946 là một trong những bài viết sâu sắc, ngắn gọn, súc tích chứa đựng nhiều tư tưởng lớn của Người. Những tư tưởng đó không chỉ có giá trị chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân ta hiện nay
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Ảnh tư liệu
Nghiên cứu tác phẩm quan trọng này của Người, chúng ta nhận thấy một trong những tư tưởng hết sức quan trọng là ý chí quyết tâm dành độc lập tự do cho Tổ quốc, cho Nhân dân, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, dù phải hy sinh tất cả. Đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là lời hiệu triệu của Người và cũng là ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là kết tinh của những giá trị cách mạng cao cả của chủ nghĩa Mác - Lênin về tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; Là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta được nâng lên một tầm cao mới; Là kết tinh của ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, sau bao nhiêu năm bôn ba khắp các góc biển, chân trời, trở về cứu dân, cứu nước.
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là sự phản ánh lẽ sống, khát vọng độc lập tự do để đi tới ấm no hạnh phúc của dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu năm sống dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là ý chí sắt đá, khát vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Ý Bác, ý Đảng, lòng dân đã hòa quyện chặt chẽ với nhau, phản ánh ước mơ, nguyện vọng thiêng liêng của cả dân tộc. Vì thế, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cổ vũ, lay động lòng người, như tiếng kèn xung trận thôi thúc cả dân tộc ta bước vào một cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra trong bối cảnh tương quan lực lượng không cân sức, ví như “châu chấu đấu voi”, trong lúc kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, lắm súng, nhiều tiền, thì Nhân dân ta lại phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhất là về vũ khí, trang bị, điều kiện đảm bảo về hậu cần. Nhưng với ý chí quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết dành cho được độc lập”, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã huy động đến mức cao nhất sức người, sức của phục vụ kháng chiến, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp oanh liệt và thắng lợi vẻ vang.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa ta và địch càng không cân sức. Trong lúc kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh, thì Nhân dân ta, quân đội ta, mặc dù có miền Bắc XHCN được giải phóng, có sự giúp đỡ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước XHCN anh em và bạn bè quốc tế, nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta từ Bắc chí Nam, từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc thực hiện thống nhất nước nhà đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khu vực Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 . Ảnh tư liệu
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là do nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan, nhưng trong đó có một nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định là ý chí quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta được kết tinh trong lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới ngọn cờ của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả nước đã lên đường, Tổ quốc bùng lên cơn bão lốc diệt thù; người đi, ngôi sao trên mũ như ánh mắt dục dã thiết tha và vùng đạn bom đã nở hoa chiến thắng.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã phản ánh sự gắn bó thống nhất giữa lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý Đảng, lòng dân “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ý chí quyết tâm sắt đá đó là một trong những động lực tinh thần hết sức to lớn và mạnh mẽ, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiền phong dũng cảm đứng lên chiến đấu và chiến thắng.
Hiện nay, chúng ta tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong bối cảnh mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã phân tích sâu sắc tình hình quốc tế, khu vực, trong nước những năm sắp tới, nhất là sau 35 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của lịch sử nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]. Đất nước ra khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; Quốc phòng, an ninh được tăng cường; Văn hóa xã hội có bước phát triển; Bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi… Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; Kiên quyết kiên trí đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó, tạo thêm nhiều thuận lợi cho nhân dân ta đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Tuy nhiên, Đại hội cũng khẳng định, bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp, có mặt diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Phân tích thực trạng đó, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch… Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp”[2]. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động…, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm.
Điều đáng nói là, hiện nay “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[3]. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Như vậy là, cùng với các nguy cơ thì các vấn đề vừa nêu trên đây là thực trạng, đang hiện hữu, đang thách thức chúng ta. Đây là một sự phân tích mới về tình hình sâu sắc hơn, sát hơn, đúng thực tế hơn để chúng ta có nhận thức mới hơn, tìm ra những kế sách đúng đắn, phù hợp để đưa đất nước vượt qua cả nguy cơ và thách thức. Rõ ràng là, những năm tới, đất nước ta có cơ hội lớn để tiến lên, tuy khó khăn còn nhiều. Vì vậy, đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn.
Để đáp ứng yêu cầu khách quan đó, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục tiến lên. Nếu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây, chúng ta đã thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, chúng ta đã động viên đến mức cao nhất sức người, sức của cho sự nghiệp cao cả đó, thì trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta quyết đem tất cả tinh thần và nghị lực, trí tuệ và tài năng để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong muốn.
Điều mới mẻ là, để chiến thắng kẻ thù trong chiến tranh, trên mặt trận đấu tranh vũ trang, sự thử thách bản lĩnh của mỗi người là sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết trước sự thử thách về bom đạn của kẻ thù, thì ngày nay, để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, sự thử thách bản lĩnh của mỗi người lại ở chỗ dám vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền, không ít người đã không bị gục ngã trong chiến tranh vũ trang, mà lại bị gục ngã bởi viên đạn bọc đường trong cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập.
Để dành thắng lợi trong cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu, cuộc chiến phi vũ trang chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong do tác động của “diễn biến hòa bình” và mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, đồng thời sẵn sàng tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc bằng vũ trang, nếu kẻ thù liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh vũ trang chống nước ta, đòi hỏi hơn lúc nào hết chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề sau đây:
Một là, phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Trong cuộc chiến đấu mới không kém phần cam go, quyết liệt này vẫn phải luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, phải bằng công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời để động viên đến mức cao nhất sức người, sức của, sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của toàn dân tộc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa sức mạnh nội lực, đồng thời khai thác triệt để sức mạnh ngoại lực vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ba là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, giải quyết tốt các mâu thuẫn, xung đột, những vấn đề xã hội bức xúc, tạo nên sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp Nhân dân, làm cho “trong ấm”; đặc biệt, trong tình hình hiện nay, phải quyết liệt trong “cuộc chiến” chống tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện vi phạm dân chủ một cách kiên quyết, triệt để, có hiệu quả để củng cố niềm tin cho Nhân dân; đồng thời, giải quyết tốt các quan hệ quốc tế, khu vực, nhất là quan hệ với các nước láng giềng, làm cho “ngoài êm”, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội hướng mọi nỗ lực cho sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta với ý chí quyết tâm “thà phải hy sinh tất cả”.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 25.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 80.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 92-93.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528705
286
2275
2978
215401
0
114528705