Những góc nhìn Văn hoá

Mùa xuân và hy vọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11- 2021 tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh ( nguồn Tuổi trẻ online)

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (được coi như hội nghị lần thứ ba: 1946, 1948, 2021) là một sự kiện lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân, đã xác định vị thế và nâng tầm vóc của văn hóa lên như là một trong bốn trụ cột chính của đổi mới và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới (chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội). Hơn thế, văn hóa là “hồn cốt dân tộc”, là “sức mạnh nội sinh” của cộng đồng dân tộc có khát vọng hòa nhập cùng nhân loại tiến bộ yêu chuộng công lý, hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái. Chúng ta không thể đua tranh, sánh vai với thế giới bằng những tập đoàn “khủng” kiểu/mô hình siêu tập đoàn Microcof của Bill Gates, chế tạo tàu vũ trụ đưa người lên quỹ đạo, hoặc tàu ngầm trang bị đầu đạn hạt nhân như các cường quốc vũ khí Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc,... Nếu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng sáng rỡ hơn là nhờ vào văn hiến - văn hóa dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo); “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Các danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh đều là những nhà văn hóa - nhà văn lớn của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du. Danh sách này có thể còn được nối dài trong tương lai gần và xa khi UNESCO vừa qua đã ghi nhận (ghi danh) một số tên tuổi khác của Việt Nam (Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu).

Chiến lược con người là chiến lược văn hóa: Có thể khẳng định, chiến lược con người mới là chiến lược phát triển lâu dài và bền vững nhất đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào vì "Tột cùng văn hóa là con người". Con người là tài nguyên lớn nhất, quý giá nhất mà tạo hóa sinh ra và ban tặng chúng ta. Trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tổ chức tại nơi cư trú (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, ngày 17-11-2019), đã khẳng định: “Nguồn lực phát triển của đất nước không phải là "rừng vàng biển bạc", mà chính là gần 100 triệu người đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng đất nước” (Báo điện tử Chính phủ, 17-11-2021). Trong nhà trường ở nước Nhật, học sinh các cấp đều được dạy thuộc lòng câu khẩu hiệu sau: “Nước Nhật không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhưng nước Nhật có nhiều tài nguyên con người!”. Chiến lược con người đồng nghĩa, đồng hành, đồng bộ với chiến lược văn hóa như lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Văn hóa soi đưường cho quốc dân đi”. Con người trong ý nghĩa cao cả và nhân văn nhất ("Con người hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào!” - M. Gorki), chính là chủ thể sáng tạo ra thiên nhiên thứ hai - văn hóa. Nói đến con người là nói đến nhân dân lao động, chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị, là cội nguồn duy nhất và vô tận của những giá trị tinh thần; Nhân dân là nhà triết học anh minh nhất trong lịch sử loài người (cũng theo ý của văn hào Nga M. Gorki). Trong Diễn văn của Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đã nhấn mạnh: “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới”. Con người ở đây gắn với phạm trù “nhân cách” và được đặt trong một “môi trường văn hóa lành mạnh”. Ở đây định đề của Các Mác đã chứng tỏ tính tổng kết dự báo: “Muốn con người trở nên nhân đạo hơn thì phải làm cho hoàn cảnh nhân đạo hơn”. Nói thẳng thì, môi trường văn hóa của chúng ta đang bị ô nhiễm (từ sinh thái đến văn hóa, giáo dục, đạo đức). Vì thế, nếu coi văn hóa là hồn cốt dân tộc, là nội sinh phát triển thì cần kiến tạo một môi trường văn hóa lành mạnh và bền vững hơn bao giờ hết. Đó là cách gia tăng sức đề kháng văn hóa để bảo vệ chúng ta trước sự “xâm lăng” của các thế lực mềm.

Lý do để hy vọng khi văn hóa được khai phóng: Trong ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại phiên bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, có thể nói là lần đầu tiên, trên một diễn đàn văn hóa phạm vi quốc gia, có tính chất vĩ mô/chiến lược, chúng ta nghe nói trực tiếp về những vấn đề văn hóa căn cơ: “chấn hưng văn hóa từ giáo dục”, “dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn”, “chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt”. Hai phương diện văn hóa đầu, trong thực tế chúng ta đã thu được nhiều thành tựu khả quan ("Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” - Hồ Chí Minh). Nhiều người lạc quan tin tưởng khi đầu tư cho văn hóa sẽ có thể tăng đến hai phần trăm (2 o/o) GDP. Nhiều người tin tưởng giáo dục nước nhà sẽ đi vào quỹ đạo “thực học/thực dạy/thực kết quả” để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào cho đất nước trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng vấn đề thứ ba trong ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thiết nghĩ, mới có khả năng gây men hứng thú sáng tạo văn hóa: “Cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến, thậm chí khác biệt, miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước” (VnExpress.net, 28-11-2021). Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thiết nghĩ, phù hợp với đường lối (chính cương) lãnh đạo văn hóa của Đảng. Nhưng trong tình hình và nhiệm vụ mới được đánh giá là có sách lược mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, sát sao thực tiễn. Xét đến cùng thì ý kiến này phù hợp với quan điểm chính thống của UNESCO khi coi trong phạm trù/giá trị văn hóa không có đẳng cấp (cao/thấp), chỉ có cái bản sắc riêng của các cộng đồng dân tộc/quốc gia khác nhau góp vào bản tổng sắc muôn màu muôn vẻ của văn hóa nhân loại.

Lý do để hy vọng khi văn hóa, văn học nghệ thuật đã thuộc về quyết sách của Nhà nước. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (ngày 12-12-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật phải góp phần hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”. Các giá trị căn bản đó cũng chính là “giá trị cốt lõi của dân tộc ta”. Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ niềm tự hào về thành tựu nền VHNT nước nhà, đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo; VHNT đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đồng hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần và cùng dân tộc vươn lên (Thời báo Văn học nghệ thuật, số 50, ra ngày 16-12-2021). Tại cuộc làm việc quan trọng này, lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã báo cáo, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển VHNT giai đoạn tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước (1945-2035), 100 năm thành lập Đảng (1930-2030). Đồng thời đề xuất Chương trình đầu tư chiều sâu phát triển VHNT chất lượng cao trong trung hạn và dài hạn để các cấp lãnh đạo phê duyệt và sớm hiện thực hóa. Những chương trình quan trọng này khi đi vào thực tiễn sẽ tạo đà mới cho phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà. Có thể nói, đó là những thông điệp đáng phấn khởi, được chào đón với người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà. Mùa xuân đang đến gần. Niềm hy vọng thiêng liêng như thể giơ tay chạm được./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528713

Hôm nay

294

Hôm qua

2275

Tuần này

2986

Tháng này

215409

Tháng qua

0

Tất cả

114528713