Những góc nhìn Văn hoá

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-11-2021 (nguồn ảnh dangcongsan.vn)

Trong bối cảnh mới, hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài được ví như mở cánh cửa để đón “luồng gió mới” vào nước ta. Trong luồng gió đó, ngoài những “ngọn gió” mát lành, trong trẻo, thơm tho, còn có những “bụi bặm”, thậm chí “vi rút độc hại” có thể xâm nhập sâu vào nước ta khiến văn hóa dân tộc có nguy cơ bị lai căng, mất gốc và ảnh hưởng xấu đến lối sống con người và đạo đức xã hội. Vì vậy, để nền văn hóa Việt Nam không chỉ kế thừa được tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại mà còn phát huy được những tinh chất văn hóa đó nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân thì đẩy mạnh xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có vai trò then chốt.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với chống lai căng về văn hóa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam mới ra đời. Trong quá trình xây dựng nền cộng hòa dân chủ, theo đúng định hướng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-11-1946 và theo đúng tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), nền văn hóa mới được xây dựng theo ba nguyên tắc: Dân tộc hóa; Đại chúng hóa; Khoa học hóa.

Điều này nghĩa là, nền văn hóa mới được xây dựng ở Việt Nam phải đảm bảo tính “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa” - tức là phải “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, “chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và “chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ” (gọi chung là văn hóa lai căng). Chủ trương này đã được triển khai trong thực tế, dù sau đó không lâu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bùng nổ trong toàn quốc.

Với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, dù phải tập trung thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, song nền văn hóa mới được xây dựng đã góp phần từng bước thực hiện “nhiệm vụ cấp bách là giáo dục lại nhân dân chúng ta”, đã dạy cho học trò biết “yêu nước, thương nòi”, “có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”; đã thực thi xây dựng đời sống mới trên tinh thần “cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[1]. Đặc biệt, việc xây dựng nền văn hóa mới cũng đã được triển khai trên tinh thần tân dân chủ, “lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam”[2].

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và “văn hóa đã gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”[3] đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bức thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai.

Tuy nhiên, để tiếp tục “cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân”, thì văn hóa và những người làm công tác văn hóa cần phải chú trọng sáng tác những tác phẩm có chất lượng để tuyên truyền, cổ động trong nhân dân, tuyên truyền ra thế giới và lưu lại cho đời sau những thành tựu của một nước Việt Nam mới. Cùng với đó, để tuyên truyền chủ nghĩa Mác vào Việt Nam; xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ mới của đất nước; xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đúng tinh thần Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16 đến 20-7-1948), Hồ Chí Minh khẳng định, cần phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”[4].

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cả nước cùng đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cuộc cách mạng tư tưởng - văn hóa được đẩy mạnh. Khi đó, Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa “cả về nội dung và hình thức”; trong đó, tính chất dân tộc của văn hóa được coi trọng, đồng thời có tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Văn hóa thực sự đã “thiết thực phục vụ nhân dân”, “gắn liền với lao động sản xuất”, “tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà”; đồng thời, cũng phải phản ánh được thực tiễn sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng bào và chiến sĩ cả nước ở tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ này không chỉ phản ánh cuộc sống, chiến đấu và lao động sản xuất ở hai miền Nam, Bắc; tư tưởng xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; lối sống mình vì mọi người, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, bản vị, lối sống hoang phí, xa xỉ… mà còn chống lại tư tưởng dân tộc sô vanh, dân tộc cực đoan vốn hiện hữu trong đời sống chính trị lúc bấy giờ.

Cùng với đó, văn hóa góp phần tích cực, chống lại sự ảnh hưởng của văn hóa và lối sống chủ nghĩa thực dân mới, ý thức hệ tư sản (thông qua những tài liệu, sách báo, phim ảnh… mà đế quốc Mỹ sử dụng như một vũ khí/một công cụ tuyên truyền cho lối sống Mỹ, nhằm che đậy cho cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam) đúng như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Mỹ đang tuyên truyền chống cách mạng, chống kháng chiến… Mỹ đang ra sức đầu độc người Việt Nam bằng “văn hóa” Mỹ? Ta phải kịch liệt chống thứ “văn hóa” Mỹ đó”[5], bởi đó chính là “những thứ thuốc độc” đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung, đồng bào miền Nam nói riêng.

Khi cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội đến nay, chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, ở thập niên 1980, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và sự tiêu cực không còn là hiện tượng đơn lẻ, thì những hiện tượng văn hóa thiếu lành mạnh, lệch lạc cũng đã xuất hiện (thông qua băng đĩa, phim ảnh, sách báo với những nội dung đồi trụy, phản động…) được lén lút đưa vào trong nước.

 

Học sinh trường THPT Tân Kỳ 3, tham quan học tập tại Di tích Lưu niệm Phan Bội Châu, huyện Nam Đàn ( Ảnh Lệ Thu)

Hiện nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, kiên trì phương châm là kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phòng và chống văn hóa lai căng, phản tiến bộ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ yêu cầu: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”[6].

Cùng với đó, Đảng cũng ban hành một số nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận về văn hóa như Nghị quyết số 03-NQ/TW khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 46-CT/TW khóa X về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quan trọng này.

Có thể thấy, tất cả những văn kiện nêu trên đều nhấn mạnh vấn đề căn cốt trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, có sự thống nhất hữu cơ giữa nội dung và hình thức: “tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung”[7] và “đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”[8].

Cũng có thể thấy là, sau 75 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã ngày càng phát triển về nhiều mặt; không chỉ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới cũng đang được hình thành và phát triển thông qua quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa với nước ngoài. Sự kế thừa, phát huy, giao lưu, tiếp biến đó không chỉ làm giàu thêm cho nền văn hóa của dân tộc mà còn góp phần làm cho đời sống tinh thần của con người Việt Nam ngày càng được cải thiện phong phú và toàn diện.

Nền văn hóa Việt Nam phát triển hài hòa giữa kế thừa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại không chỉ thấm đẫm những giá trị nhân văn, dân chủ, tôn vinh cái đẹp và phẩm giá con người mà còn đồng thời thể hiện rõ bản lĩnh trong đấu tranh với cái xấu, cái thấp hèn, phản văn hóa. Các hoạt động văn hóa như văn học, nghệ thuật, thư viện, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống đều được quan tâm phát triển; nhiều công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc được công chúng đón đợi…

Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống văn hóa xấu độc trong bối cảnh mới

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì cũng có thể thấy rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chịu sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền văn hóa Việt Nam không chỉ đem lại cho công chúng những cơ hội thuận lợi khi được tiếp cận và thụ hưởng những sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú đến từ nhiều quốc gia, dân tộc mà còn cùng lúc phải đối diện với những “hạt sạn” trong không ít những sản phẩm văn hóa có nội dung lai căng, độc hại; tác động xấu đến nhận thức của công chúng và gây bức xúc trong cộng đồng.

Trong đó, phải kể đến những sản phẩm văn hóa xấu độc, lai căng được in ấn, xuất bản trong nước và từ nước ngoài thẩm thấu, phát tán trên mạng xã hội. Những sản phẩm văn hóa độc hại đó hoặc ca ngợi chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, sống gấp không có tương lai, hoài bão, thiếu lý tưởng hoặc gieo rắc tư tưởng hoài nghi chế độ xã hội chủ nghĩa, hoài nghi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền; chạy theo thần tượng, theo trend (nghệ thuật, phong cách, âm nhạc, sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài…) đã và đang len lỏi vào không gian của từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, gia đình và tác động không nhỏ đến nhận thức, hành động của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.

Thực tế là, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được triển khai trong thực tế. Trong quá trình đó, đi đôi với việc kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, là việc kiên quyết phủ định những yếu tố lạc hậu, phản tiến bộ; đi liền với việc đón nhận, tiếp biến những tinh hoa văn hóa của nhân loại là việc kiên quyết chống sự lai căng văn hóa, sự xâm nhập của văn hóa xấu độc. Điều đó được quán triệt trong suốt quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới kể từ sau khi nước nhà giành được độc lập đến nay; đã được các cơ quan, ban, ngành chức năng nhận thức và tổ chức thực hiện, kết hợp hài hòa giữa xây dựng và phát triển với phòng và chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại/phản văn hóa.

Thực tế cũng cho thấy là, một nền văn hóa biết làm giàu chính mình là khi xây dựng và phát triển phải vừa biết kế thừa vừa biết giao lưu để đón nhận. Song sẽ là “đón nhận được” khi có ý thức và bản lĩnh để chọn lọc những tinh hoa, góp phần làm giàu vốn văn hóa của dân tộc; nhưng sẽ là “làm mất đi” khi du nhập bừa bãi, không sàng lọc, thậm chí sao chép, học đòi, lai căng. Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư ngày 27-7-2010 về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” chỉ rõ: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng”.

Hơn 10 năm sau khi Chỉ thị số 46-CT/TW ra đời và việc triển khai thực hiện Cương lĩnh xây  dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… dường như những hiện tượng văn hóa phẩm độc hại “lan tràn” trong đời sống tinh thần của người dân vẫn chưa được ngăn chặn. Vì thế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu phải “chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[9].

Gần đây, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, để “chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa. Chú trọng thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên... Điều này cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì văn học, nghệ thuật vẫn còn ít tác phẩm, công trình có giá trị cao, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân - thiện- mỹ chưa được cổ vũ kịp thời và thường xuyên, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ và liên tục, thì đâu đó lại có không ít những tác phẩm, công trình đi chệch hướng, tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu, sự lai căng văn hóa… Trong khi đó, việc đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, phải kể đến một số tác phẩm (phim, truyện, hồi ký…) do các thế lực thù địch, do những phần tử cơ hội, suy thoái tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội có mưu đồ chính trị, nhằm tác động làm lung lạc niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như: Bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền; cuốn cẩm nang du lịch Trương Gia Giới phát cho du khách tại Công ty lữ hành Saigontourist, trong đó in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò ở Biển Đông; cuốn sách Đèn cù của Trần Đĩnh và Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên; Hồi ký của một thằng hèn của Tô Hải; Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh

Sự nguy hiểm ở những văn hóa phẩm xấu độc này chính là đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; không chỉ khiến cho công chúng hiểu không đúng về chủ quyền biên giới quốc gia; hiểu sai về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ trong đời sống chính trị của đất nước ở vào những thời điểm lịch sử nhất định (thời kỳ cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm…), dẫn đến nhận thức trái chiều trong công chúng. Sự lan truyền văn hóa phẩm xấu độc này không chỉ tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của công chúng mà còn gây rối lòng dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của các tầng lớp Nhân dân vào thể chế chính trị và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến hiện tượng lai căng, đua theo trend văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc… trong lĩnh vực thời trang, thẩm mỹ, âm nhạc,v.v… không chỉ trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, làm mất đi phương hướng thẩm mỹ tích cực mà còn dễ làm cho công chúng ngộ nhận, thậm chí bị nhiễm độc nặng những virus phản văn hóa mà vẫn tưởng mình đang theo trend. Lạ là, sự học đòi này không chỉ phổ biến trong giới trẻ ở các đô thị, thậm chí cả một bộ phận người lớn tuổi mà đã lan rộng, sâu đến các vùng nông thôn như một cách để thể hiện sự sành điệu của lớp trẻ thời “4.0”. Cùng với đó còn có cả sự lai căng ngôn ngữ/hoặc vay mượn tiếng nước ngoài vô nguyên tắc, hoặc trong ngôn ngữ giao tiếp có sự pha trộn thái quá (một cách không có điểm dừng) đã làm mất đi sự tinh hoa của ngôn ngữ tiếng Việt với ưu thế vượt trội là tính biểu trưng cao, cân xứng hài hòa, biểu cảm và linh hoạt… để lại những hệ quả xấu.

Thực trạng này cho thấy, việc đón nhận và ứng xử với văn hóa xấu độc/phản văn hóa khi không biết gạn đục, khơi trong, sẽ không chỉ tạo nên sự kệch cỡm phản cảm trong ứng xử văn hóa mà sâu xa hơn chính là sự thâm nhập vào tư tưởng, suy nghĩ của con người, gây những tác động lớn về nhận thức chính trị. Đó chính là làm thay đổi các thang giá trị về đạo đức, lối sống trong xã hội; là khơi dậy bản năng chạy theo lợi ích vật chất, cá nhân mà quên đi đạo lý, nghĩa vụ và trách nhiệm của một con người/một công dân trong một quốc gia văn minh, tiến bộ; thậm chí làm cho con người sa ngã, quay lưng lại với truyền thống, với những giá trị mang đậm bản sắc của cốt cách con người Việt, dân tộc Việt.

Vì thế, để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hơn bao giờ hết mỗi cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban, ngành chức năng cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với trách nhiệm “phải soi đường cho quốc dân đi”. Đồng thời, còn cần phải chủ động triển khai, tổ chức thực hiện đúng, nghiêm để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, đảm bảo để văn hóa góp phần “hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

Trên cơ sở đường lối của Đảng nói chung, của tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba nói riêng, cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển văn hóa và con người Việt Nam toàn diện trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo thích ứng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, với xu thế của thời đại; để nền văn hóa Việt Nam không chỉ kế thừa được tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại mà còn phát huy được những tinh chất văn hóa đó nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; để mỗi con người Việt Nam không chỉ kiên định trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn bản lĩnh trong tiệm cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa một cách thông minh nhất.

 


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.112-113.

[2]Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 351.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.577

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 40.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 223.

[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.75-76.

[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55

[8]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Sđd, tr.55-56.

[9]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.147.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528711

Hôm nay

292

Hôm qua

2275

Tuần này

2984

Tháng này

215407

Tháng qua

0

Tất cả

114528711