Những góc nhìn Văn hoá
Con hổ trong tâm thức người Việt
hình tượng ngũ hổ - tranh hàng Trống
1. Trong số các mãnh thú có “tên tuổi” trên địa cầu, loài hổ được xếp vào hạng đầu bảng, với biệt danh chúa sơn lâm, trở thành sinh linh quyền uy nhất của muôn thú! Quen sinh sống ở vùng nhiệt đới, có khí hậu ẩm thấp và rừng rậm bạt ngàn, hổ với bản năng tự nhiên luôn dũng mãnh, mang vẻ đẹp thân hình rực rỡ và cường tráng, nhanh nhẹn đã du nhập vào các nền văn hóa khác nhau với những nét chung cho biểu tượng về sự oai linh, hung dữ, tinh khôn, được con người sớm tôn sùng thành một linh vật, phụng thờ như một biểu tượng của cộng đồng, thậm chí như biểu tượng của một quốc gia, dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà, trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian hay các hình thức nghệ thuật truyền thống của khá nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hổ luôn luôn xuất hiện ở nhiều vai trò và diện mạo khác nhau cùng hàng loạt các tên gọi (ông Cọp, ông Kễnh, ông Ba Mươi,…), trở thành hình ảnh/hình tượng vừa mang ý nghĩa xã hội đa dạng, vừa thể hiện những quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan của các cộng đồng, trên tiến trình lịch sử sinh tồn và phát triển.
Là một loại dã thú, vừa hung ác vừa sẵn sàng gây ra tai họa cho muôn loài, trong đó có cả con người, nhưng khi nhập vào văn hóa châu Á, hổ trở thành linh vật đứng vị trí thứ ba trong hệ thống/đội quân 12 con giáp, tượng trưng cho sự dũng mãnh và sức mạnh can trường vô địch giữa muôn loài, trở thành biểu tượng sang trọng trong nền văn hóa cổ phương Đông. Chính vì thế, trong tâm thức con người, hổ trở thành một trong những loài biểu tượng cho sự hùng cường và sức mạnh vô song, được con người tôn sùng, huyền thoại hóa, rước vào đời sống văn hóa tâm linh để phụng thờ cùng các điện thần khác với những cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau, tùy thuộc vào ý thức và tâm thức của từng dân tộc, tộc người.
2. Con hổ “hiện hình” trong tâm thức người Việt từ khi nào? Thật khó có câu trả lời về thời khắc chính xác. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng, Việt Nam là nơi thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm thấp, rừng rậm núi đá chiếm phần lớn diện tích, là môi trường thích hợp với đời sống của các loại thú dữ, trong đó có hổ, báo. Chính vì thế, người Việt Mường từ thời tiền sử, khi bắt đầu bước ra từ cuộc sống hang động của xã hội nguyên thủy, lần tìm đất đai để mở rộng sinh kế nơi rừng sâu núi thẳm, hoặc dần dần tiến xuống thung lũng hay theo triền sông lập chòm xóm trồng lúa nước, đương nhiên đã phải đương đầu trực diện với sức mạnh của các lực lượng tự nhiên như mưa gió bão lụt, sấm chớp và nhất là với sự tàn bạo để sinh tồn của thú dữ như hổ, báo, sư tử, chó sói,… Hình ảnh được các nhà khảo cổ học nghĩ rằng có thể là dáng dấp của một con hổ đã được phát hiện trên một phiến đá mềm nằm trong tầng văn hóa có độ tuổi khoảng 21 ngàn năm trước tại hang Xóm Trại thuộc quần thể núi đá vôi thuộc Xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vào năm 1980. Căn cứ vào nét khắc trên phiến đá, có thể suy luận rằng, từ hơn hai chục ngàn năm trước, cư dân thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã dùng dụng cụ săn bắt thú rừng để rạch/khắc trên phiến đá này những đường nét nguệch ngoạc mang dáng hình con hổ, như muốn ghi lại dáng dấp con thú mình gặp sau cuộc đi săn hoặc sau một tai nạn của thành viên trong cộng đồng bị thú dữ là con hổ nào đó gây ra chăng? Thực tế cho thấy, do đặc tính khó chịu của thịt hổ mà từ thời tiến sử, hổ không phải là đối tượng của săn bắn lấy thức ăn để sinh tồn của cộng đồng Việt Mường, mà chỉ là hình ảnh mang tính đe dọa, phương hại đến sự tồn vong của cộng đồng, do vậy hổ lại được người dân tôn sùng về sức mạnh, thần thánh hóa để trở thành vật thiêng trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Phải đến thời kỳ Đông Sơn, dấu ấn về hổ mới in rõ trên các hiện vật khảo cổ được bới lên từ lòng đất. Những hình ảnh mô phỏng mang giá trị nghệ thuật về hổ đã đọng lại trên các hiện vật của người Đông Sơn, cách ngày nay từ khoảng trên dưới 3 đến 5 nghìn năm. Trên chiếc thạp đồng được tìm thấy tại khu mộ Vạn Thắng, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội, được đắp nổi lên bốn khối tượng hổ đang cắp con mồi rất sinh động. Tương tự với hình ảnh săn được mồi ấy của hổ là bức tượng hổ được đắp nổi trên chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn được khai quật thấy ở khu vực rừng núi giáp ranh hai tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa. Tại di chỉ Lãng Ngâm thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tấm khiên bằng đồng trổ thủng, trên mặt chạm khắc cảnh con hổ đang đuổi săn con hươu,… Như vậy, sự xuất hiện các hình ảnh của loài hổ trong nghệ thuật Đông Sơn đã tương đồng với nhiều truyền thuyết về Vua Hùng và Sơn Tinh dạy dân săn bắn hiện lưu truyền quanh vùng Ba Vì (Hà Nội) và Việt Trì, Lâm Thao (Phú Thọ). Điều đó chứng tỏ một sự thật là, con hổ từ nhiều nghìn năm nay đã xuất hiện song hành với đời sống sinh tồn của các thế hệ Việt Mường và các thế hệ của nhiều dân tộc, tộc người khác trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Với đặc tính về sức mạnh và bản ngã của loài hổ đã được người dân trân trọng, thậm chí sùng bái, tôn thờ, tôn vinh cho biệt danh chúa sơn lâm, dần dần loài dã thú này trở thành một hình tượng đặc biệt trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.
3. Từ những con hổ mang đặc tính hung hãn của loài thú dữ ngoài đời, bước vào tâm trí người dân, hổ vừa là biểu tượng đe dọa của sức mạnh vừa mang vẻ đẹp lung linh của loài thú có thân diện hấp dẫn, bắt mắt. Để rồi, người dân từ chỗ sợ hãi, trốn tránh, phòng vệ đến ý thức ước muốn có được sức mạnh như hổ, có sự tự lập để hiện diện với đời như loài cầm thú oai linh này, đủ sức trấn ngự mọi mối gây hại, tác động đến sự sinh tồn của gia đình, dòng họ và làng xóm mình. Cũng từ đó, hổ bước vào không gian thiêng của sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Bóng dáng của con hổ trong những di tích tín ngưỡng của người Việt, vì nhiều lý do khác nhau trải qua nghìn năm chống Bắc thuộc, đã chỉ có thể nhận biết được từ thời Lý - Trần. Hình ảnh con hổ qua bàn tay nghệ sĩ của người dân đã hiện ra hấp dẫn một cách dân dã trên bức chạm khắc năm 1357 của nhang án bằng đá tại chùa Đại Bi (Quế Dương, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và chùa Xuân Lũng (Phú Thọ) năm 1386. Phải từ cuối thế kỷ XVI trở đi, hình ảnh con hổ mới xuất hiện dày hơn tại hàng loạt di tích tín ngưỡng tâm linh, qua các bức chạm khắc dân gian, đưa hình ảnh con hổ trở thành hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh. Cũng từ đây, hổ dần dần vượt qua các bức hoành phi, ngai tượng, nhang án trong nội thất phụng thờ để xuất hiện ngoài tiền đường hoặc không gian ngoài trời, tạo nên phối cảnh giữa nghệ thuật cham khắc đá hoặc gỗ với cảnh quan của không gian thờ phụng, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh của vật thờ. Hàng loạt các bức bình phong tại mặt trước các nơi thờ phụng đã đặt hổ vào vị trí mang tư cách “hiện thân của thần cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà, sát quỷ, là biểu hiện của sức mạnh tầng dưới, là vật canh của thần. Trong một trường hợp khác, người ta còn thờ ngũ hổ để cầu an bình cho năm phương với hổ vàng ở giữa gọi là trung phương, hổ đỏ là phương Nam, hổ xanh lá cây là phương Đông, hổ trắng là phương Tây, hổ đen là phương Bắc” (1).
Nhưng phổ biến và thể hiện đậm đặc nhất hình ảnh con hổ trong không gian văn hóa thiêng liêng của người Việt chính là tín ngưỡng thờ thần hổ trong điện thờ Mẫu ở các phủ, đền tại các làng quê châu thổ Bắc Bộ. Trong hệ thống các ban thờ của thần điện mà chủ điện thờ trung tâm là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bao giờ ban thờ các mẫu thuộc Tam phủ cũng được bố trí ở vị trí trang trọng, cao nhất, phía dưới là các ban thờ hệ thần linh, nhân thần bao gồm các Quan, Hoàng, Chầu, Cô, Cậu và Ngũ Hổ, ông Lốt (Rắn), sao cho đảm bảo ý nghĩa của sự vận hành pháp đạo được trường tồn. Chính vì thế, các tượng pháp trong điện thờ được sắp xếp theo trật tự không gian từ cao xuống thấp. Trong đó, trung điện thờ các chư vị thiên thần và nhân thần, hạ điện thờ ngũ hổ ở vị trí dưới điện thờ cộng đồng, thể hiện sự cân bằng giữa hai miền thiên phủ và địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện. Một số đền, phủ thờ Mẫu lại tách riêng ban thờ ngũ hổ ra vị trí riêng hoặc chuyển về vị trí dưới động sơn trang, bài trí như một hang động riêng, vừa huyền bí vừa mang dáng dấp của rừng núi hiểm địa. Theo quan niệm của các đồng thầy, các thủ nhang và con nhang đệ tử, việc sắp xếp ban thờ ngũ hổ trong không gian tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ, mà còn để thể hiện quyền uy của các vị thần trong phép nhà thánh. Dưới cái bóng bao phủ của thánh Mẫu, hình tượng ngũ hổ tiêu biểu cho sức mạnh toàn năng, có thể cứu độ, giúp đời, trấn yên bảo điện; đồng thời trở thành bộ ba đắc lực của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong việc trừ tà ma, ngoại đạo. Và cũng giống như tất cả các vị Thánh trong điện Thần, từ Ngọc Hoàng, Thánh mẫu tới các hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu, thì Ngũ Hổ và ông Lốt (rắn) đều được hình tượng hóa bằng hệ thống các tượng, tranh vẽ và diễn xướng Thánh giáng Đồng (2).
4. Với các đặc tính của một loài thú dữ như đã nêu trên, hổ không chỉ bước vào đời sống văn hóa dân dã của cộng đồng dân chúng Việt, mà nó còn thu hút sự chiêm bái, thậm chí sùng bái của tầng lớp quan phương, từ thượng tầng quyền lực quốc gia đến các lớp quan lại thứ cấp. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam, kể từ thời nhà Đinh (968 - 979) trở đi đều có sự quan tâm đến uy quyền và sức mạnh của loài hổ ngoài đời cũng như thành biểu tượng gán cho hoặc tự thu nhận vào vương quyền nơi triều chính; đồng thời vừa lấy hổ làm thú vui thưởng ngoạn, vừa có ý giáo dục, răn đe quan quân không ngừng rèn luyện võ nghệ, bồi bổ sức khỏe để phụng sự triều chính.Về triều nhà Đinh, sử cũ còn ghi: “Mậu Thìn năm thứ 1 (968) (Khai Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế. Vua muốn lấy uy để chế ngự thiên hạ, mới đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: Người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không ai dám trái” (3). Và như vậy, sự hung dữ của dã thú đã được triều đình lợi dụng để tạo uy lực gìn giữ ngai vàng và trấn áp kẻ nổi loạn.
Sang triều nhà Lý, hổ đã được tiếp cận từ phía phong thủy, ban Chiếu dời đô, qua đó nhận diện thế đất Đại La mang hình dáng “Long bàn, Hổ cứ” - Rồng cuộn, Hổ ngồi - để lựa chọn nơi làm đất dựng nghiệp đế vương muôn đời! Đến thời nhà Trần (1226 - 1400), hình tượng con hổ hiện diện phong phú và đa dạng hơn, gắn với nhiều phạm vi hoạt động văn hóa của triều chính cũng như dân chúng ở khắp mọi miền quê. Là giai đoạn lịch sử gắn với chiến công ba lần thắng quân Nguyên hiển hách, chủ nhân của giai đoạn lịch sử oai hùng này vì thế đã thường dùng hình ảnh loài hổ để phản ánh khí thế và hào khí thượng võ của một dân tộc cùng sức mạnh thiện chiến của đội quân nhà Trần (Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu - Ba quân khí thế mạnh như hổ báo nuốt trâu, như tướng quân Phạm Ngũ Lão từng viết) đứng đầu là các vị minh quân, trong đó Đức vua Trần Hưng Đạo đã được dân chúng tri ân và tôn vinh là bậc Thánh của dân tộc. Cũng trong thời kỳ nhà Trần tinh thần thượng võ, chuộng bạo lực được thể hiện qua hành vi của các quý tộc thích đánh nhau để chứng tỏ sức mạnh, địa vị, tục xăm mình ngày càng thịnh hành, việc rèn luyện thao trường, các hội thề được phổ biến thì các vị hoàng đế cũng thích nuôi nhiều hổ để đấu với voi xem đó làm tiêu khiển, ở thời kỳ này thì các trận quyết đấu này chỉ giới hạn trong Hoàng thành. Thậm chí chính vua Trần Nhân Tông còn có một thú vui là được xem quân lính đấu với hổ vì thế ông đã cho làm chuồng đấu hổ ở Vọng Lâu.Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Thượng hoàng thường làm chuồng hổ ở thềm vọng lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Vì lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ chợt nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, những người trên lầu đều chạy tan cả, duy có thượng hoàng và thái hậu cùng 4,5 người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy cái chiếu che cho thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu rồi kêu gầm lên mà nhảy xuống, không vồ hại ai cả” (4). Đề cập đến sự cố này, chính sử thần Ngô Sĩ Liên khi nhắc đến Bảo Thánh đã ca ngợi rằng: Voi và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang, Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu vậy!
Đến thời hậu Lê, triều đình cho xây dựng trường hổ quyền ngay trước sân đấu võ để cho vua tôi thưởng lãm các trận đấu giữa hổ với voi trên đất kinh đô Thăng Long. Sử cũ còn ghi: Có lần chuẩn bị cho một cuộc đấu giữa hổ với voi, các quan võ sợ hổ làm dữ có thể nguy hiểm đến tính mệnh mọi người và để bảo vệ loài voi quý có ích cho chiến trận nên cùng bàn với quan phủ liêu ngầm sai người dùng kìm cắt hết móng vuốt của hổ một tuần trước trận đấu. Vì vậy, chỉ đấu độ vài ba hiệp, hổ đã bị gục trước voi. Cũng như các cuộc đấu hổ với hổ và hổ với voi như thời nhà trần, nhưng triều đại hậu Lê muốn nuôi dưỡng cho tướng sĩ tinh thần thượng võ, luôn luôn có ý thức “văn ôn, võ luyện” để hoàn thành mọi trọng trách triều đình giao cho, nhất là tham gia chống giặc ngoại xâm hoặc đi diệt những đám giặc cỏ muốn nổi loạn ở một địa phương nào đó.
Vào thời nhà Nguyễn (1882 - 1945), hình ảnh con hổ đã được tiếp nhận rộng mở hơn, gắn liền với sự hình thành và kiện toàn nhà nước phong kiến chuyên chế quân chủ Việt Nam. Truyền thuyết vùng Đông Nam Bộ còn truyền lưu rằng, vào lúc hàn vi, khi Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi, gặp cảnh đói khát, Nguyễn Ánh cùng đội tùy tùng đã được một con hổ tha thịt thú rừng đến cho mỗi ngày, nhờ đó mà tồn tại. Sau khi phá tan quân Tây Sơn và xưng vương, Nguyễn Ánh đã sức cho quan quân xây miếu thờ để tri ân con hổ đã cứu mạng mình tại vùng Mô Xoài, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được dân gian gọi là miếu ông Hổ. Cũng từ đó, vua ra lệnh cấm giết hổ, kẻ nào lỡ tay giết chết hổ sẽ bị phạt 30 gậy, còn nếu bắt được hổ mang về trình sẽ được thưởng 30 quan. Vì lệ này mà hổ còn được dân chúng gọi là ông Ba Mươi. Học theo các triều đại trước, Nguyễn Ánh đồng thời cũng cho quân xây dựng đấu trường bên bờ sông Hương, đặt tên là Hổ Quyền, làm nơi dành cho các cuộc tỉ thí giữa voi và hổ trước sự chứng kiến của vua quan và dân chúng kinh thành. Đấu trường này hiện nay đang là di tích lịch sử - văn hóa quý hiếm ở Cố đô Huế. Cũng phải đến triều Nguyễn, nhất là dưới triều đại của vua Minh Mạng (con vua Gia Long), với chính sách chấn hưng văn hóa dân tộc, hàng vạn đình, đền, chùa đã được khôi phục, tôn tạo hoặc xây mới ở khắp mọi vùng trên phạm vi cả nước. Và, trong phạm vi các không gian văn hóa tâm linh đó, hổ đã hiện diện ở các vị trí phụng thờ khác nhau đồng thời hiện diện trên các kiến trúc và thiết kế mỹ thuật gắn với các kết cấu nhà cửa và thực hành tín ngưỡng tâm linh. Thậm chí, ở khá nhiều địa phương, người dân còn lập miếu thờ những con hổ hung dữ, chuyên về phá hoại cuộc sống người dân, bắt các loại gia cầm và làm chết người, bày tỏ thái độ vừa căm ghét vừa tôn sùng đối tượng đặc biệt này. Cũng từ đây, với đặc tính của một loại dã thú đặc biệt, hổ đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh cho thiết chế văn hóa ở các địa phương, phục vụ cho mục đích cai trị của triều đình nhà nước phong kiến.
Như vậy là, nhận diện qua hình ảnh/hình tượng của loài hổ, một thực thể được dân chúng tôn vinh là chúa sơn lâm, trên tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, có thể thấy rằng, con hổ mặc dù là loại động vật hoang dã nhưng đã sớm gắn bó với lịch sử loài người, can dự vào không ít điều kiện sống thường nhật và thực hành tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng dân chúng. Và hơn nữa, với sức mạnh vốn có cùng vẻ đẹp oai hùng, hổ còn trở thành biểu tượng của sức mạnh và quyền uy gắn với sự hiện tồn của các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Trong tâm thức người dân đất Việt, mặc dù hổ là một loại ác thú, nhưng với sức mạnh can trường, vẻ đẹp uy linh và tính độc lập hiên ngang trong cuộc sống, hổ đã trở thành biểu tượng của sự hùng cường, được con người thần thánh hóa và đón rước vào đời sống văn hóa - xã hội cũng như đời sống văn hóa - nghệ thuật, đời sống văn hóa - tâm linh với ngôi vị thiêng liêng, không gì thay thế được!
--------------
Chú thích:
* GS.TS. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN
1. Tham khảo: Trần Lâm Biền - Trịnh Sinh, Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2011, tr. 271-273).
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528674
255
2275
2947
215370
0
114528674