Những góc nhìn Văn hoá

Tư thế Hồ Xuân Hương

I - Hai chữ “nước non”

Trong số khoảng bốn chục bài thơ lâu nay vẫn được cho là của Hồ Xuân Hương, chúng ta hay gặp 2 chữ “nước non”. Chính xác là 6 lần gồm nước non: 4 lần và non sông: 2 lần (non sông thật ra cũng cùng nghĩa với nước non, thay cho nước non).

Một tỷ lệ dùng như thế không phải là thấp (khoảng 17%)

Việc một từ nào đấy được sử dụng lặp đi lặp lại (đối với tác giả) có thể là vô tình hay hữu ý. Điều ấy không quan trọng. Quan trọng là tần suất sử dụng cao, là cách sử dụng, hay nói cách khác, thao tác của tác giả diễn ra như thế nào mà thôi.

Xin dẫn ra cả 6 trường hợp để xem xét.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

     Bảy nổi ba chìm với nước non

Bánh trôi nước

         Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

Nín đi kẻo thẹn với non sông

Dỗ người đàn bà khóc chồng

   Canh khuya văng vẳng trống canh dồn

   Trơ cái hồng nhan với nước non

Tự tình (III)

     Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt

     Khối tình cọ mãi với non sông

         Đá ông chồng bà chồng

    Năm canh lơ lửng chờ ai đó

     Hay có tình riêng với nước non

Hỏi trăng

     Tình cảnh ấy nước non này

Dẫu không Bồng Đảo cũng Tiên đây

Cảnh chùa ban đêm

Trước hết phải thừa nhận, đây toàn là những lời tâm huyết, gan ruột từ trong sâu thẳm đáy lòng người làm thơ. Tác giả thông cảm, chia sẻ với những cảnh ngộ, những người cùng giới.

Sau đấy và đặc biệt là hầu hết (5/6) các chữ nước non kể trên đều được tác giả đặt trong mối quan hệ với giới phụ nữ, thân phận người phụ nữ.

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng nhiều lần sử dụng nước non. Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà sau này cũng dùng nước non. Nhưng đơn thuần đó chỉ là nước non theo nghĩa lãnh thổ, vùng miền để bày tỏ tâm sự xa xôi cách trở hay nỗi niềm yêu thương đất nước, nhớ nhung canh cánh đêm ngày. Còn nước non của Hồ Xuân Hương khác hẳn, là nước non trong quan hệ với những người phụ nữ, với thân phận hay tâm tình những người phụ nữ!

Các xã hội phong kiến phương Đông trước đây, chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ bị mờ nhạt, khuất lấp theo đạo tam tòng khắc nghiệt: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Khi còn ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Cả đời chỉ biết theo, theo và theo. Nhẫn nhịn chịu đựng và thấp bé như bèo bọt dưới ao, cây cỏ bên đường.

Ấy vậy mà giờ đây, trong cái nhìn, trong tầm suy nghĩ của Hồ Xuân Hương, thân phận những người đàn bà, phụ nữ bỗng nhiên thay đổi. Địa vị của họ cao lên mấy bậc. Họ được bung ra khỏi cái mối giềng ràng buộc gia đình khắt khe, cổ hủ lạc hậu. Cũng được vượt thoát ra khỏi mấy thứ lệ tục kiềm tỏa sau dày đặc những tường lũy tre làng. Nhờ vậy, họ tới được với nước non, với núi cao, sông dài, biển rộng, với gần xa rộng rãi nhân quần... Họ trở nên bình đẳng hơn, mở mày mở mặt giữa trời giữa nước...

Thao tác này là một trong những đặc điểm riêng của Hồ Xuân Hương mà không gặp ở các tác giả khác.

Do đó, nó còn dẫn ta đến một đoán định khác nữa về mặt văn bản học: Sự nhất quán trong thao tác được lặp đi lặp lại nhiều lần, mang tính ổn định, có thể nói là quy luật. Vậy nó chỉ có thể xảy ra ở một tác giả do tài năng, tư tưởng hay cá tính mà có và tác giả ấy chính là Hồ Xuân Hương - Hồ Xuân Hương là một tác giả có thật trên thi đàn và số thơ vẫn đang được truyền tụng lâu nay nói chung cũng chính là thơ của bà!

II - Độc đáo tự xưng

Do thời đại quy định, thơ ngày trước thường ẩn mình khuất giấu cái tôi. Đến Hồ Xuân Hương thì trái lại, bà phá lệ, một mình một giọng, thấy chẳng có gì phải kiêng kỵ, ngại ngùng.

Mỗi lần tự xưng là một lần tự nhiên, thuần thục và hợp nhẽ cho từng hoàn cảnh.

Khi thì bộc tuệch thân mật bằng ngay cái tên của chính mình

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Mời trầu

Khi thì nhỏ nhẹ, nhẫn nhịn hay nhún nhường nữ tính:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

     Bánh trôi

Của em bưng bít đã bao ngày

Trống thủng

Mảnh tình một khối thiếp xin mang

Không chồng mà chửa

Nhưng cũng con người ấy, khi cần, lời tự xưng trở nên mạnh bạo, dứt khoát, quyết liệt chả ai bằng. Để phản ứng lại những trái ngang, bất công, thua thiệt:

Thân này ví biết dường này nhẽ

Thà trước thôi đành ở vậy xong

Làm lẽ

Hay đáo để già dơ rất đàn bà:

Thân này đâu đã chịu già tom

Tự tình (II)

Đối với đám học trò non choẹt nghịch ngợm, bà sẵn sàng xưng chị như thể xoa đầu lũ ngẩn ngơ thật lý thú, thích đáng.

Một trường hợp tiêu biểu khác, trước đền thờ thái thú Sầm Nghi Đống, bà lại nôm na dân dã:

Ví đây đổi phận làm trai được

Một khi chủ thể đã xưng “đây” thì người đối diện ắt hẳn sẽ là đấy. Đấy với “đây”. Một thái độ ngang ngửa bằng vai phải lứa chả ngại ngùng thua kém gì nhau.

Cái ý đổi phận làm trai đã tỏ bản lĩnh, khí phách, nhưng hãy còn nghiêng về ý muốn chủ quan, nói mẽ. Chứ chữ đây tự xưng thì dứt khoát, nó mặc định một thế đứng ngạo nghễ, sảng khoái không thể thay đổi trước viên tướng bại trận xấu số.

Một chữ, vâng, chỉ một chữ đây nôm na dân dã, thêm một lần bà đã hạ gục uy danh viên tướng Tàu xuống mấy tầng đất đen để không bao giờ hắn có thể ngoi ngóp chui lên được nữa!

III - Tư thế Hồ Xuân Hương

Nói tư thế ở đây là tư thế Hồ Xuân Hương với tư cách tác giả xuất hiện, thể hiện trong thơ bà chứ không nói đến uy tín, vị trí thơ hay sự nghiệp thơ Hồ Xuân Hương trong nền văn học nói chung.

Những phân tích ở hai phần trước, phần nào đã cho thấy cái tư thế, thế đứng của nhà thơ. Bà chẳng phải hạng nữ nhi tầm thường. Tư thế của bà cao lắm. Đàng hoàng đĩnh đạc đầy bản lĩnh.

Từ vị trí của chị em phụ nữ, bà thông cảm, bênh vực cho tầng lớp thấp bé hẩm hiu nhất, dưới đáy cùng xã hội. Bà ca ngợi, khẳng định phẩm giá của chị em, cái nết na đức hạnh quý đẹp như tấm lòng son không gì có thể thay đổi, đánh đổi.

Bà lại lên cao một bậc để nhìn xuống mà châm biếm, giễu cợt thẳng tay không thương tiếc cả cái đám vua chúa, quan thị, sư sãi ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước bàn dân thiên hạ.

Nhưng độc đáo hơn cả vẫn là cá tính, tính cách, cái riêng đặc sắc làm nên tư thế Hồ Xuân Hương. Hơn đâu hết, chính ở chỗ này, cái tài cái tình quyện vào nhau thành những câu thơ, ý thơ, hình tượng thơ kỳ lạ.

Khi thì hóm hỉnh chơi chơi mà vẫn sang trọng quý phái:

Mát mặt anh hùng khi tắt gió

Che đầu quân tử lúc sa mưa

Cái quạt (II)    

Lúc lại nhắn bảo mang tính đe dọa như câu lệnh cửa miệng:

Muốn sống đem vôi quyét trả đền

Phường lòi tói    

Một lần khác, hỏi, đồng thời là lời đay nghiến, trách móc nhưng rất nghiêm túc, rất quân tử, đạo lý để cảnh báo, nhắc nhở mấy ông có tính lăng nhăng lại dễ hay quên, phủi trách nhiệm:

Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa

Không chồng mà chửa    

Cũng như câu dỗ độc nhất vô nhị vừa bi vừa hài, vừa thương vừa bỡn:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

Nín đi kẻo thẹn với non sông.

         Dỗ người đàn bà khóc chồng

Tư thế Hồ Xuân Hương còn nổi bật và đậm nét hơn bởi những trải rộng không gian Oán hận trông ra khắp mọi chòm và trầm tĩnh suy ngẫm Năm canh lơ lửng chờ ai đó. Ấy là tư thế của nước non, của nhân sinh vũ trụ vừa vang vọng vừa lắng đọng sâu xa, thấm vào cỏ cây, đẫm vào đồi núi.

Cuối cùng vẫn phải nhắc lại hai câu kết nổi tiếng ở bài Đề đền Sầm Nghi Đống để thấy cái gan, cái chí của bà to lớn đến thế nào?

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

Câu trên thách thức với tự nhiên. Câu dưới thách thức với cánh mày râu, với các đấng bậc “anh hùng”!

Không phải ai cũng dễ dàng lên tiếng thách thức được như thế đâu? Hồ Xuân Hương có cơ sở của mình đấy. Cơ sở ấy chính là tầm nhìn, tài năng, bản lĩnh, khí phách, tính cách... vượt trội và đi trước thời đại. Nó cho phép bà có một thế đứng cao hơn người, hay một tư thế: Tư thế Hồ Xuân Hương. Tư thế của nước non, vừa ở giữa đời, vừa ở trong thơ./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528648

Hôm nay

229

Hôm qua

2275

Tuần này

2921

Tháng này

215344

Tháng qua

0

Tất cả

114528648