Những góc nhìn Văn hoá

Nhà văn không ở Hội Nhà văn

Bao nhiêu cái ngẫu nhiên của cuộc đời xô đẩy người ta vào nghiệp văn chương. Nhưng một đời văn vật vã dễ gì đã trả hết nợ với cái ngẫu nhiên vô hình ấy.

                                                                 Khuất Bình Nguyên

Năm 2011. Còn ngót nghét một tháng thì Tết Tân Mão. Anh Hai Nghĩa cho người gọi tôi lên trụ sở cơ quan ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Anh là nhà chính trị chuyên nghiệp am hiểu sâu sắc lẽ đời chìm nổi với văn chương. Anh bảo: "Tặng em 3 quả bưởi da xanh anh mang từ vườn nhà trong Nam ra để thờ Tết. Chúc mừng em được vào Hội Nhà văn. Bước chân vào đấy như vào nhà đỏ văn chương rồi. Người ta nói đã đốt lửa lên phải thắp sáng một cái gì đấy. Người viết văn phải xem trọng ngòi bút. Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người cho là vàng lấn át tất cả. Nhưng em xem, bao nhiêu người cho cô Long Thành cầm giả ca vàng bạc châu báu, chỉ Nguyễn Du cho cô ấy sự im lặng và giọt lệ. Hơn 200 qua rồi. Bao nhiêu vàng bạc không còn nữa. Chỉ còn sự im lặng và giọt lệ ấy thôi. Em cố gắng. Giữ gìn". Tôi mang bưởi về thờ Tết và luôn nhớ lời anh dặn.

Một năm sau. Vượt 600 cây số đường bộ vào Huế thăm Trần Vàng Sao. Trời rải mùa đông mưa rét suốt dọc đường đi. Trần Vàng Sao bảo. Mưa bên bờ này sông chưa kịp sang đến bờ bên kia đã tạnh. Tôi qua sông rồi, mưa vẫn đầy trời xứ Huế. Buổi chiều tôi đến 38 đường Nguyên Khoa Vi thì trời lại ngớt mưa. Trần Vàng Sao dí dỏm nói "Cách đây mấy hôm nhà mới được đeo số. Không chừng nó và mưa đón anh vào cũng nên?" Ngày hôm sau, tôi mang Khoảng vẳng mùa thu ngủ trên cỏ may Tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen của Trần Vàng Sao về Hà Nội. Ngay đêm viết liền một mạch bài Giọt nước trong lá sen gửi đăng số Tết báo Văn nghệ Nhâm Thìn. Rồi sau đó gửi gấp báo vào Huế. Không ngờ Trần Vàng Sao vui đến thế. Anh reo to trong máy: "Tui nhận được báo rồi anh ơi!". Như thể vinh dự lắm khi được đứng chân trong tờ báo Tết của Hội. Tháng 5-2020, Tuyển thơ Trần Vàng Sao mang tên Bài thơ của một người yêu nước mình trang trọng được phát hành trên toàn quốc; Lập tức trở thành một trong số ít tập thơ đặc sắc từ năm 2000 trở lại đây. Lần trước đọc thơ anh hầu hết qua văn học mạng, tôi bảo anh: Thơ Trần Vàng Sao có 3 vòng sáng Đất nước - mẹ và em lồng vào nhau trong nỗi xót xa, trong sáng mà ngậm ngùi. Lần này đọc ấn phẩm giữa thanh thiên bạch nhật, cũng những bài ấy thôi mà tôi như sống lại trong thơ tự do đã không vần lại rất dài, đặc sắc chất tự sự kể về đời thi sỹ tài năng mà bất hạnh này. Bắt đầu từ tuổi thơ đến với đời giữa đồng bắt gió nhốt vào trong áo mà không hay biết sau lưng có con mắt đang nhìn. Cả cuộc đời qua cầu Tràng Tiền mà không đội được nón vì gió lớn. Nắng nửa dòng sông Hương bên kia thả những ngọn lá tre để đi ra biển. Đầu hôm, nghe súng nổ ở cầu Ông Thượng, Cha bị Tây bắn chết ở An Hòa. Mưa tháng 7 ngoài sân bong bóng nổi bong bóng chìm nên mạ không đi lấy chồng. Cơm cục chấm cơm rời cực như ngọn lá xanh trôi ngược dòng nước, giọt mưa không chìm biết có ai hay? Cậu bé mồ côi Trần Vàng Sao thả diều trên đồng và nhặt những bát cơm cúng trên mả mới ăn cho đỡ đói. Giống như Văn tế thập loại chúng sinh, nhà thơ vào loại đặc sắc nhất của xứ Huế nửa sau thế kỷ 20 nhập hồn mình vào Chử Đồng Tử, Từ Thức, Trương Chi, Người mất trí, Người ngậm ngải tìm trầm, Người gọi tìm xác đồng đội, Người kéo xe tay, Người chèo đò, Lão ăn mày v.v... để bày tỏ sự cảm thông và đồng điệu với một thế giới chúng sinh khổ đau mà chưa hết niềm hy vọng. Bút pháp trữ tình giàu tính tự sự chân thực và sử dụng thế giới những ảo giác trong một ngôn ngữ thơ tự nhiên như lời người đời vẫn nói, đặc biệt là những ảo giác về mặt trời Tôi chạy đuổi bắt tôi suốt cả ngày trên đồng trống. Mặt trời trước mặt mặt trời sau lưng. Nàng như ngọn gió thổi qua song tôi không thể nào lấy tay che mặt được... Trần Vàng Sao làm đúng cái điều mà Chế Lan Viên nói về thơ thế kỷ 21: Lột trần áo bào và mũ triều thiên, thơ cầm bị gậy đi ăn xin bên đường nhân loại trẩy. Tất cả thân phận đau thương của người cùng khổ quy tụ lại chính là tâm hồn thơ đầy sức biểu cảm của Trần Vàng Sao. Anh làm tất cả những điều đó để được làm một nhà thơ của thời đại mình. Với Trần Vàng Sao, trước khi trở thành nhà văn phải là người yêu nước mình, đồng cảm sâu sắc với những khổ đau, hy sinh, mất mát của Nhân dân. Những bài thơ không vần kể chuyện như kể văn xuôi, trầm luân dài một kiếp người đau đớn xót xa. Đọc thơ anh, ta như đọc Kinh Cựu Ước, thấy được tư cách một nhà văn yêu Nhân dân mình không phải ở lầu son gác tía mà ở bên ngọn đèn dầu nhỏ bé tha thiết với đời ta. Anh kêu lên:Thơ tôi là đời tôi là tôi đây. Hai cánh tay tôi bơ vơ suốt cuộc đời hãy lấy thơ tôi đắp mặt cho tôi,dưới một vòng sáng kỳ lạ - vòng sáng nhỏ bé, linh thiêng của ngọn đèn dầu chẳng bao giờ tắt trên khám thờ thi ca. Tuyển chỉ 32 bài thơ đã thấy 12 lần Trần Vàng Sao khêu ngọn đèn dầu trên trang viết như nhắc nhở thầm tư cách một nhà văn.

Tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một ngọn đèn để lên bàn thờ. Đèn hết dầu,Tôi lấy chai ra đường đứng kêu cửa mua chịu.Ngọn đèn chai tắt đỏ dưới sông. Cây đèn dầu hỏa không có bỏng ngọn cứ chớp chớp lòa lòa.Người đàn bà mở cửa giữa đưa tay che ngọn đèn thắp hương lên bàn thờ. Đêm khuya thắp đĩa dầu đầy, đĩa dầu khô nước mắt này không khô.Tôi vặn đèn sáng lên.Cây đèn trên bàn thờ vẫn đỏ. Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai...

Không ai rõ ràng như Trần Vàng Sao. Đọc thơ thấy người. Trần trụi một kiếp người. Qua kiếp người ấy ta thấy người khác. Thấy đồng loại. Thấy nhân cách một nhà văn. Đã 3 lần Hội Nhà văn mời anh vào Hội. Tháng 5-2018, Trần Vàng Sao mất ở Huế. Đến lúc đó, anh vẫn là nhà văn không ở Hội Nhà văn.

Trên đất nước của chúng ta, có bao nhiêu người giống như Trần Vàng Sao, suốt đời dâng hiến cho văn học nhưng họ đâu có nghĩ một ngày nào đó được bước vào ngôi nhà đỏ của văn chương? Đơn cử các nhà văn làm lý luận phê bình văn học. Hàng trăm giáo sư tên tuổi ở các trường đại học và học viện khắp Bắc Trung Nam. Họ âm thầm lấy nghiên cứu văn chương làm lẽ sống. Tôi xin đơn cử hai người của Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Theo cách gọi trước đây: Giáo sư Trần Nho Thìn và Phó giáo sư Nguyễn Bá Thành.

Bảo vệ Phó Tiến sỹ văn học năm 1989 tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô với đề tài: Quan niệm của nho giáo về nhân cách và sáng tác của Nguyễn Du, được Nhà Xuất bản của Viện Hàn lâm ấy in thành sách, năm 2004, Trần Nho Thìn được phong Phó Giáo sư. Năm 2016, được phong Giáo sư. Hiện anh là thành viên Hội đồng Giáo sư chuyên ngành văn học. Trong sách của anh bắt gặp nhiều trích dẫn khoa học có sức nặng tham khảo từ các nguồn tài liệu tiếng Nga, Anh, Trung. Là một chuyên gia hàng đầu về văn học Trung đại Việt Nam có sự hiểu biết sâu sắc và nghiêm cẩn của nhà nghiên cứu văn học. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. In các lần 2003 - 2008 - 2009. Văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, in năm 2012 với 700 trang như bách khoa về văn học trung đại. Gần đây nhất là Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học... in 12/2017. Tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết, về tầm nhìn sâu rộng cũng như đức tính cẩn trọng và thái độ trung thực của một nhà văn. Năm 2007, Thìn chủ biên Truyện Kiều - Khảo dị - Chú thích và bình luận. Anh dày công nhìn lại 200 năm hành trình của Truyện Kiều từ chỗ bản thảo viết tay đến khi được khắc bản in rồi phổ biến bằng chữ quốc ngữ. Đời sống Truyện Kiều như được dựng lên từ 5 bản kiểu chữ nôm của Liễu Văn Đường khắc in năm 1866 đến bản của Kiều Oánh Mậu khắc in 1902 với 9 bản quốc ngữ từ bản của Trương Vĩnh Ký in 1875 đến 8 bản khác do các nhà nho uyên thâm và đức độ cùng các học giả danh tiếng thực hiện suốt thế kỷ 20. Từng câu, từng chữ được dọi chiếu bằng ánh sáng của học vấn và tình yêu văn chương, nối lại gần nhau những khoảng cách văn hóa của nhiều thời đại. Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu giảng dạy văn học như là một công trình đi trước phục vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 11/2021. Trần Nho Thìn nhất quán chọn hướng tiếp cận văn hóa, lấy con người làm đối tượng trung tâm cho sự nghiệp nghiên cứu văn học là một lựa chọn rất có ý nghĩa, góp phần làm cân bằng môi trường nghiên cứu phê bình ở nước ta, khi thì nghiêng về tính giai cấp, lúc lại nghiêng về tính hình thức xem nhẹ môi trường văn hóa xã hội. Anh đã thuyết phục người đọc luận điểm nói đến văn hóa là nói đến con người. Chạm vào không gian văn học là chạm vào thân phận con người. Anh tổng kết những quan niệm về văn hóa trên nền tảng con người với nhiều giác độ chính trị, văn hóa ứng xử với thiên nhiên; Con người cộng đồng và con người cá nhân v.v… suốt chiều dài của lịch sử văn học từ trung đại đến thời hiện đại từ đó lý giải những vấn đề thi pháp như tinh lược chủ ngữ trong thơ, bút pháp ước lệ tượng trưng v.v… Đặc biệt lý thú việc thơ cổ Phương Đông thiếu vắng đại từ nhân xưng làm chủ ngữ của câu thơ, coi đó là đặc điểm mà không phải là hạn chế trước khi văn hóa phương Tây mang theo chủ ngữ câu thơ ào ạt đổ bộ lên bờ biển phương Đông theo những chuyến tàu chạy bằng máy hơi nước chở theo đại bác và súng trường có khương tuyến...

Nguyễn Bá Thành một đời gắn bó với thi ca hiện đại Việt Nam. Anh cũng như bao người gửi phận mình vào cõi văn chương. Lúc về già, khi chiếu văn ở quán cuộc đời còn chưa gấp lại, nào nguôi được chuyện ân tình với chữ nghĩa. Cao Bá Quát viết. Chỉ kỳ tập thủ mãn gia thư, tàng nhật danh sơn tam bách quyển. Nghĩa là chỉ mong gom sách cho đầy nhà, cất 300 quyển vào ngọn danh sơn.

Vốn người quê Hà Tĩnh chân thành và cương trực. Anh mang đức tính rất cần thiết đó vào tư cách một nhà nghiên cứu lý luận phê bình. 5/1972 đang là sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội, Thành đi tòng quân. Ở trong quân ngũ đến 1976 trở về trường học tiếp. Rồi được Khoa Văn giữ lại làm giáo viên. Năm 1989, anh bảo vệ luận án Tiến sỹ văn chương. 1995, trở thành Chủ nhiệm Khoa Văn - Tổng hợp Hà Nội. 2006, nhận chức Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Đại học quốc gia. Anh có điều kiện tiếp xúc với văn hóa nước ngoài trong khoảng thời gian 1987 - 1989 và 2001 - 2002 khi dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho Đại học Pnomphenh Campuchia và Chung Woon Hàn Quốc. Cuộc đời bảy nổi ba chìm không ngăn nổi anh hành xử như là một nhà văn chính hiệu. Tin cậy, ân tình và quả cảm. Văn học Việt Nam (1965-1975). 1990. Tư duy thơ hiện đại Việt Nam. 1996. Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng. 2009. Toàn cảnh thơ Việt Nam. 2015. Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học. 2016. Bình và luận thơ và đời. 2019lần lượt đưa Bá Thành đến tên gọi người của thi ca.

Tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Toàn cảnh thơ Việt Nam, Bình và luận thơ và đời có tiếng nói riêng nhờ tầm nhìn bao quát khía cạnh lịch đại và đồng đại của cả một nền thơ bằng hệ thống luận điểm tin cậy từ những vấn đề vĩ mô như văn học Việt Nam 1945 - 1975 là một chỉnh thể… kết hợp với những vấn đề học thuật cụ thể, như sự phân định giữa thơ tự do và thơ mới…Với vốn trải nghiệm sâu sắc văn học Việt Nam và khả năng hiểu biết tiếng Anh, tiếng Hán… Bá Thành có điều kiện làm rõ nét sự giao lưu văn học qua lý giải Walt Whitman, Nguyễn Du, Nhật ký trong tù… Thẳng thắn và trung thực khi đề cập đến thơ dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thơ dưới chính thể quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, không ngần ngại nêu lên những thành tựu cũng như những bất cập của thi ca miền Nam trước năm 1975. Bá Thành thật có lý khi nhận xét: Nam Bộ là cái nôi của văn học chữ quốc ngữ. Anh chỉ ra sự vận động của thi ca miền Nam từ 1955 đến 1975 với 462 tác giả cùng những nhận xét sắc sảo về từng khuynh hướng. Ví như: nhận xét về nhóm tác giả tiếp theo thơ mới lãng mạn. Nguyên Sa. Bùi Giáng. Du Tử Lê…

Trần Nho Thìn, Nguyễn Bá Thành như những nhà văn không ở Hội Nhà văn. Họ sống hết mình với văn chương. Biết kế thừa sáng tạo thành tựu nghiên cứu văn học thế kỷ 20. Hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam để chỉ ra sự giao lưu của văn học Việt Nam ẩn sâu những duyên nợ lịch sử với văn học phương Đông, nhất là với văn học Trung Hoa cũng như với văn học phương Tây mà điển hình là văn học Pháp, Nga... Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học của Nguyễn Bá Thành và Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu giảng dạy văn học của Trần Nho Thìn là hai bộ sách làm sáng tỏ nhiều vấn đề về hệ giá trị của con người Việt Nam và bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi nắc nỏm chờ họ viết đơn xin vào Hội mà chưa thấy.

Trong Tam bất hủ người xưa nói văn chương là việc cuối cùng. Lập đức, lập công rồi mới đến lập ngôn. Nhưng lại nói Thơ là nguyên âm của trời đất. Và dùng chữ bác tập để chỉ thơ phải bắt rễ từ học vấn. Ở đây có vấn đề tài năng bẩm sinh và trình độ tri thức của nghề viết văn. Nhà văn trong và ngoài hội, già cũng như trẻ đều cần những phẩm chất ấy. Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi v.v... cho chúng ta cách hiểu đầy đủ nhất: Ở Việt Nam thế nào là một nhà văn. Tài năng và trình độ của không ít người trong Hội không thua kém gì nhà văn nước ngoài. Nguyễn Đình Thi có lần nói đùa rằng: Lớp nhà văn Nga sau quê, ít biết về phương Tây. So với chúng tôi các ông ấy sợ bỏ mẹ... Bao nhiêu cái ngẫu nhiên của cuộc đời xô đẩy người ta vào nghiệp văn chương. Cái ngẫu nhiên không làm nên một nhà văn. Mà nó là tài năng, tri thức và phẩm hạnh. Nhưng một đời văn vật vã dễ gì đã trả hết nợ với cái ngẫu nhiên vô hình ấy. Chế Lan Viên viết. Nghìn trang thơ không nói hết một cuộc đời đã vỡ. Giọt lệ nhỏ bên mồ đâu phải giọt văn chương.

Đầu tháng 11 năm 2021, Ban công tác hội viên gửi danh sách nhà văn có đơn xin vào Hội thuộc tiểu ban lý luận phê bình.Chừng 35 người, đơn dồn lại từ năm trước chưa kết nạp và 9 người mới nộp đơn năm nay. Lòng tôi bỗng buồn thương vô hạn. Có tới 10 nhà văn đã 80 tuổi hoặc hơn thế. Vài người trong số họ đã chết rồi. Một người ngồi xe lăn nghe nói vừa được 2 năm... Chắc là Ban công tác Hội có thiện ý muốn xem xét truy phong cho trọn nghĩa vẹn tình với bạn làng văn. Tôi nghe Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều nói tâm niệm của anh sẽ chủ động mời một số nhà văn vào Hội. Nghĩ nên những vấn đề lịch sử để lại thì xem xét kết nạp được ai thì kết nạp cho người ta. Còn không thì từ sang năm nên cân nhắc để đưa hay không đưa vào xét những trường hợp quá lâu rồi. Người ta đã sang đò rồi. Hoặc nguội lạnh với công việc bút nghiên. Là người vinh dự đã bước chân vào nhà đỏ văn chương, tôi bày tỏ với các anh, các chị nhà văn không ở Hội Nhà văn lòng ngưỡng mộ và tin yêu mọi người đã tự nguyện suốt đời dùng chữ nghĩa để ngợi ca bản tính Việt Nam, sức mạnh tinh thần Việt Nam như Nguyễn Đình Thi đã nói: Văn học muốn có hồn lớn, tình cảm lớn phải gắn vào cuộc sống của dân tộc và chúng ta cần có những nhà văn dẫn dắt cho loài người sống giống như cây đàn kia đánh lui quân xâm lược 18 nước. Nồi cơm nhỏ bé kia ân tình nuôi đủ đội quân đông đảo ăn để rút lui...

Nhà văn ở trong hay ngoài Hội nào có phân biệt gì khi chúng ta được bình đẳng yêu nước mình, sống cùng nhịp với Nhân dân dù hy sinh khổ đau cay đắng chẳng bao giờ tắt niềm hy vọng. Dù văn chương bình dân hay văn chương bác học, dù cách nhau hàng vạn dặm thời gian, chúng ta đều bình đẳng nhìn lên bầu trời, nhìn lên vầng trăng muôn thuở chẳng bao giờ cũ, cũng như chẳng bao giờ giành riêng ưu ái cho một ai trong sáng tạo văn chương. Chỉ có sự bình đẳng cho mọi tài năng. Tất cả họ làm nên nền văn học. Suy đến cùng, chỗ đứng của nhà văn là tác phẩm của họ sống trong lòng công chúng.

Cuộc đời Trần Vàng Sao đã trả lời câu hỏi vì sao chưa vào Hội Nhà văn và gửi tâm sự ấy vào bài thơ Khoảng trống ngoài sân khấu.

Tôi dốc cây kèn lên trời

tôi thổi cho hết hơi tôi cho tắt nghỉn đứt đoạn,

Tiếng kèn thở dốc ra...

Tôi xin cất mặt nạ cúi chào mọi người thân mật,

Không có ai ở trong và ở ngoài sân khấu này

Đêm có mùi cỏ khô và rơm ướt ...

Mùa xuân 2022

Mùa xuân 2022

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528646

Hôm nay

227

Hôm qua

2275

Tuần này

2919

Tháng này

215342

Tháng qua

0

Tất cả

114528646