Người xứ Nghệ

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ Nghi Xuân đến Thăng Long

Dưới thời Lê Trung hưng, trấn Nghệ An có ba dòng họ thuộc hàng thế gia vọng tộc, có truyền thống văn hóa lâu đời, con cháu dòng họ nối đời khoa bảng, rất nổi tiếng về học vấn văn chương, đó là dòng họ Nguyễn ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu, huyện Thiên Lộc, và dòng họ Phan Huy ở làng Canh Hoạch, xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc.

Cả ba dòng họ đều có công trong việc xây dựng trấn Nghệ An thành một vùng đất thi thư văn vật. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền mà chúng ta nói đến ở đây là chỉ dòng họ Nguyễn đã sản sinh ra đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; đó cũng là danh xưng quen gọi nhằm khu biệt rõ hơn với một dòng họ Nguyễn khác cũng rất nổi tiếng về gia thế là dòng Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu. Hai dòng họ vốn cũng có nhiều mối liên hệ mật thiết với nhau, vừa có giao lưu trong các sinh hoạt văn hóa văn chương ở địa phương cũng như ở triều đình, vừa có quan hệ thông gia được coi là “môn đăng hộ đối”.

TheoHoan Châu Xuân Tiên Nguyễn gia thế phả (HV. 29)[1], họ Nguyễn Tiên Điền đời thứ nhất được tính từ Nam Dương công. Nhưng tuy là vị tổ mở đầu dòng họ ở Tiên Điền, song gia phả cũng không ghi chép được gì nhiều về hành trạng, chỉ biết ông là con nhà thế gia[2], vốn quê gốc ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam.Nam Dương công nguyên tên là Nguyễn Nhiệm, thời Lê Thế Tông trung hưng do có dự mưu khôi phục lại nhà Mạc, bị thua trận phải chạy về Nam và giấu hẳn tên thực nên chỉ gọi là Nam Dương. Ông là người có chí khí, quyết đoán, ai cũng sợ phục; về sau đến lập nhà tại xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An[3]. Sang đời thứ hai và thứ ba trong dòng họ cũng chưa có bước phát triển đặc biệt. Đến đời thứ tư Bảo Lộc phong công Nguyễn Thể dường như lại phát về đường võ nghiệp: thuở trẻ học nghề võ, bắn cung cưỡi ngựa đều giỏi, từng có công đánh giặc cướp vùng Hưng Hóa và từng hỗ giá nhà vua Nam chinh. Điều đặc biệt là bắt đầu từ rất sớm - ngay từ đời thứ hai - dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã rất có ý thức vượt thoát ra khỏi vùng đất quê nhà, đến trung tâm lớn “thứ nhất Kinh kỳ” để mưu sinh, tồn tại và phát triển, nghĩa là không ít con cháu dòng họ từng đến Kinh đô và có nhiều năm sống tại Kinh đô Thăng Longnhư Lệnh Thiện công (đời thứ hai) thuở trẻ đã ra chơi kinh đô rồi mất và táng tại đó (nay thuộc huyện Hoài Đức), như Nguyễn Mao (đời thứ ba) lúc trẻ cũng ra kinh đô ở nhà Khuê quận công Phạm Trịnh Tài[4], như Nguyễn Thể (đời thứ tư) “trong khoảng ba mươi năm khi làm lính túc vệ ở trong, khi đi chinh phạt ở ngoài”, đến lúc mất cũng mất tại Kinh đô. Ở mấy đời đầu tiên của dòng họ, người gần gũi hơn với môi trường văn hóa kinh kỳ phải kể đến con trai của Nguyễn Thể là Nguyễn Quỳnh, tự Phụ Dực (đời thứ năm). Theo gia phả hiện có, Nguyễn Quỳnh lúc trẻ học để đi thi, văn chương nổi tiếng, năm Quý dậu niên hiệu Chính Hòa (1693), thi Hương đậu tam trường rồi được làm Nho sinh ở cục Tú lâm, thường được vào hầu ở cung Tiềm để của Thái tử; như vậy cũng có lẽ ông là người đầu tiên của dòng họ bộc lộ thiên hướng yêu thích sách vở, chú trọng đường cử nghiệp, biết tìm niềm vui trong hứng thú sơn thủy. Song đối với dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nguyễn Nghiễm (đời thứ sáu) mới thực sự là người bắt đầu con đường khoa bảng rực rỡ, “mở đường lối văn chương” cho dòng họ, có thể nói đã “ làm vẻ vang cho đời trước, để phúc ấm cho đời sau”.
Sinh ra ở một vùng quê thuộc phủ Đức Quang, Nghệ An có tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt[5], Nguyễn Nghiễm (1708- 1775)[6] đã thấm nhuần ít nhiều phong khí học hành đỗ đạt của quê hương. Không giống ông nội Nguyễn Thể đi theo thiên hướng võ biền từ rất sớm và đã lập nghiệp bằng con đường võ công, song có lẽ Nguyễn Nghiễm cũng đã chịu ảnh hưởng ít nhiều tư chất này của người ông nội. Thân phụ ông là Nguyễn Quỳnh- một người say mê đọc sách và chuyên chú viết sách, sau khi ở cung Thái tử bị thải ra, ông về quê nhà, từng được Trấn tướng Nghệ An là Trung quận công Lê Thì Liêu dùng làm mạc tân 幕賓(Khách quý trong nhà). Nguyễn Quỳnh tuy vậy chí hướng lại không để ở công danh, ông chỉ cầu một cuộc sống giản dị, thanh nhàn không nhiều ham muốn tranh cạnh, không vướng bận những ràng buộc tục lụy, đúng như bài thơ ông viết trả lời Trấn tướng Nghệ An:世路險巇甚/人生有百年/日充三餉飯/夜足五更眠/富貴京城客/清閒地界僊/静覓消長理/歸去老林泉。Thế lộ hiểm hi thậm, Nhân sinh hữu bách niên/ Nhật sung tam hướng phạn/ Dạ túc ngũ canh miên/Phú quý kinh thành khách/ Thanh nhàn địa giới tiên/Tĩnh mịch tiêu trưởng lý/Quy khứ lão lâm tuyền (Đường đời rất hiểm nghèo/ Người đời chỉ sống trăm năm/ Ngày đủ cơm ba bữa/ Đêm ngủ trọn năm canh/ Phú quý là khách kinh thành/ Thanh nhàn là tiên trần gian/ Lặng lẽ suy tư về lẽ thịnh suy/ Tuổi già nên về nơi rừng suối).Nguyễn Nghiễm ngay từ khi 5 tuổi đã được cùng học với người anh cả là Nguyễn Huệ- một người “văn chương tươi đẹp, có những câu làm cho người ta kinh ngạc”, từng đậu khoa Hoành từ, được bổ tri huyện La Sơn, nhưng “tuy làm quan mà không để chí vào việc làm quan”, thường dành thời gian đi ngao du khắp nơi, cho là không vì đấu gạo mà phải khom lưng luồn cúi[7]. Như vậy có phần chắc Nguyễn Nghiễm đã tiếp thu nhiều từ người cha ở phương diện sách vở, văn chương, song ông khác với chí hướng của cha và cũng khác với chí hướng của anh; ý nguyện của ông là muốn được thi thố tài năng, dùng sở học của mình phục vụ đất nước. Ông đã biết bổ sung và hoàn thiện những phẩm chất, cũng như tư chất vốn có được truyền từ cha và ông nội, đó là khả năng võ biền, tinh thần hiếu học, lòng yêu trọng học vấn văn chương, cũng như thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc được giao. Chính vì vậy, con đường của ông là con đường cử nghiệp tất yếu của rất nhiều thế hệ các nhà nho: đi học- đi thi- thi đỗ- làm quan. Ông tuân thủ và tin theo những gì học được từ cửa Khổng sân Trình như một lẽ tự nhiên ở cuộc đời. 8 tuổi bắt đầu làm văn, 13 tuổi đi hạch ở huyện được đậu đầu; năm Quý mão (1723), ông đi hạch ở tỉnh và đậu đầu huyện, đến kỳ thi Hương lại đậu tứ trường. Năm Giáp thìn (1724) ông dự kỳ hạch tứ trọng ở Quốc Tử Giám được đứng đầu bảng, được giới có học ở kinh đô biết tiếng từ đó. Năm Đinh mùi 1724, ông thi Hội trúng tam trường, 4 năm sau (tháng Mười năm 1731) ông thi Hội trúng cách thứ 8, đến tháng Chạp vào thi Đình lại đậu Đệ nhị giáp (Hoàng giáp), năm ấy ông mới 24 tuổi, trẻ nhất trong những người đậu khoa ấy. Với một khả năng văn chương và học vấn như thế, sau khi đỗ Hoàng giáp, ngay năm sau (1732), Nguyễn Nghiễm được nhận chức Hàn lâm viện Hiệu lý, hàm chánh thất phẩm. Bắt đầu từ đây đường hoạn lộ mở ra cho ông nhiều cơ hội thể hiện tài “kiêm văn võ” của mình và cũng bắt đầu từ đây cuộc đời ông gắn nhiều với những biến cố của triều Lê Trịnh và kinh đô Thăng Long. Điều này thể hiện rõ trong những chiến công liên tiếp ông đạt được trên đường chiến trận, những lần thăng cấp và những ân sủng đặc biệt của triều đình[8].
 Tuy vào những năm tháng làm quan của Nguyễn Nghiễm, triều Lê đã bộc lộ những dấu hiệu suy thoái, song bản thân Nguyễn Nghiễm có lẽ vẫn còn hy vọng vào sự vãn hồi thời thịnh trị, nên ông đã hết sức “phò nghiêng đỡ lệch” chèo chống cùng chúa con thuyền đất nước đã nhiều phen nghiêng ngả. Cho đến cả lúc ốm nặng sắp mất, ông vẫn đang trên đường trận mạc, điều này ít nhiều lý giải niềm tin chân thành và nỗ lực không mệt mỏi tìm cách “yên dân” của một con người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình vốn đã mang nặng nghĩa vua tôi, đạo quân thần và lý tưởng “trí quân trạch dân” như ông. Phải chăng ý thức trách nhiệm cao và tinh thần không quản ngại khó khăn, dám xông vào những nơi gian khổ, với hy vọng “cứu nguy phò an” cho đất nước ở thời điểm chính sự rối ren, nhân tâm ly tán, “lòng người ước ao sự loạn lạc” cũng là một thái độ “dấn thân” của một bộ phận nho sĩ trí thức như một Nguyễn Nghiễm, một Ngô Thì Sĩ, một Lê Quý Đôn… ; và chính điều này đã làm nên diện mạo tinh thần hết sức phong phú và phức tạp của giới nho sĩ trí thức Thăng Long ở thế kỷ XVIII đầy biến động.
Đời sống của Nguyễn Nghiễm không chỉ gắn bó một thời gian dài với đất “thần kinh”, dần hòa nhập với môi trường văn hóa kinh kỳ, mà nhiều dấu vết văn hóa của ông cũng còn để lại trên mảnh đất này. Với tư cách là Tế tửu quốc tử giám, một trường học lớn của giới nho sĩ trí thức Thăng Long và cũng là của cả nước, ông đã làm được một số việc nhằm ổn định quy chế trong nhà Giám và chấn hưng việc học. Ông cũng cho đúc 4 quả chuông nhỏ, một quả chuông lớn, soạn 2 văn bia (khoa Tiến sĩ năm 1760 và khoa Tiến sĩ năm 1766), nhuận sắc bia Tiến sĩ năm 1769. Trên tấm hoành phi treo trên xà ngang gian chái nam bái đường Văn miếu hiện còn bốn chữ bút tích của ông: “Cổ kim nhật nguyệt”. Bề dày tri thức, cùng sự từng trải, lịch lãm và phong cách nghiêm cẩn của ông chắc đã là tấm gương cho con cháu dòng họ. Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng của Nguyễn Nghiễm chính là đã gây dựng cho con cháu một nếp sống văn hóa và tình yêu văn chương hiếm có. Các con cháu ông phần lớn đều có chí học hành, có tư chất và thiên hướng văn chương, nhiều người đã coi văn chương là hứng thú tinh thần và nơi gửi gắm tâm sự của đời mình, có lẽ chính vì tất cả đã bắt đầu được khơi nguồn, nuôi dưỡng, đắp bồi từ môi trường văn hóa, học vấn do Quan tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm tạo dựng. Và có thể nói, vai trò định hướng về học vấn văn chương của Nguyễn Nghiễm đối với các thế hệ con cháu ít nhiều đã được khẳng định qua thành tựu văn chương rất phong phú của dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng ở Bắc Hà.
Cũng có thể nói, người nối tiếp cha, góp phần làm cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt và được biết đến như một dòng họ văn hóa ở Thăng Long là người con trai trưởng Nguyễn Khản (1734- 9.1786)[9], do bà vợ đầu Đặng Thị Dương sinh. Về Nguyễn Khản, Hoàng Lê nhất thống chí, Vũ trung tùy bút, Lịch triều tạp kỷ đều chép khá thống nhất:
“Khản người Tiên Điền huyện Nghi Xuân, là con tả tướng Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm. Từ trẻ Khản đỗ Tiến sĩ, thờ Trịnh Sâm ở nơi phủ đệ khi còn làm thế tử, rất được Sâm chú ý và yêu. Kíp khi Sâm lên ngôi chúa, Khản càng được chiều chuộng tin dùng. Cũng như giám ban, Khản được ra vào trong phủ chúa. Khản có tính hào hoa, trong nhà thường tưng bừng giọng hát, trầm bổng tiếng đàn, là một vị đại thần phong lưu. Chỗ Khản ở là tòa Kim Ân đình, có sơn thủy, có trúc, có đá, rất là thanh thú. Tĩnh vương đã từng đến chơi nhà Khản, ban thưởng không tiếc thứ gì, Khản làm quan đến tả thị lang, bồi tụng. Rồi đó, đổi sang chức Trấn thủ Sơn Tây và Hưng Hóa. Năm trước đây Khản liên quan vào án [Trịnh Tông] phản nghịch, tội đáng phải chết, nhưng Tĩnh vương đặc ân cho giảm xuống một bậc, chỉ bị cầm tù ở nhà dinh quận Huy. Quận Huy và Đặng tuyên phi thường muốn ám hại đẩy vào chỗ chết. Khản có làm bài Tự tình khúc ngầm gửi đến Tĩnh vương. Tĩnh vương thương tình nên Khản được khỏi chết. Kịp khi Trịnh Tông lên ngôi, Khản được phục chức và trở lại văn ban”.[10]
Đặc biệt, trong Vũ trung tùy bút Phạm Đình Hổ đã ghi lại khá cụ thể, sinh động về tư chất văn hóa của Nguyễn Khản và mối quan hệ thân thiết giữa ông và chúa Trịnh Sâm thuở thịnh thời:
 “Khi chúa Thịnh vương còn ở Lưỡng quốc phủ, thì ông Nguyễn Khản làm phiên liêu, hàng ngày được vào hầu yến trong nội cung của Thịnh vương, thân thiết như bạn áo vải. Năm Đinh hợi (1767) thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm Quản nhất hùng cơ, tước Kiều nhạc hầu. Khi ấy trong nước bình yên vô sự. Thịnh vương lại thích đi ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá, thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi ông trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại vào ra không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh nghe hát, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông được đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát”[11].
            Phạm Đình Hổ còn kể chuyện có lần Nguyễn Khản bày tiệc, thiếu chè uống, nhân có quan Trung sứ đến nhà, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: “Thần Khản khất trà nhất lạng”, thế rồi chúa Trịnh cũng ban cho một hòm chè. Dưới ngòi bút của Phạm Đình Hổ hiện lên một Nguyễn Khản tài hoa và phong lưu rất mực, vừa giỏi thơ nôm vừa có tài hội họa, đỗ đạt sớm, làm quan đến Nhập thị Bồi tụng, được chúa Trịnh Sâm đặc biệt sủng ái, yêu mến “thân thiết như bạn áo vải”, cuộc sống cũng phóng khoáng, không quá câu nệ hình thức lễ nghi. Nhưng về sau tai biến dồn dập xảy đến: năm 1780 xảy ra vụ “mật án năm Canh tý”, Nguyễn Khản bị bắt giam, rồi lại được Trịnh Sâm thương mà tha cho; khi Trịnh Tông lên ngôi, Nguyễn Khản được bổ làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản quận công, rồi được thăng Tham tụng. Không lâu sau Nguyễn Khản bị quân tam phủ kéo đến phá nhà và suýt nữa bị giết chết, và từ hàng quan triều được tri ngộ, con người phong lưu ấy trở thành một tội nhân phải trốn chạy lánh ẩn, phải cải trang trốn lên Sơn Tây, rồi về quê ở Tiên Điền.
Dù sao những ngày tháng Nguyễn Khản ở Thăng Long từng được hưởng sự vinh sủng đặc biệt của chúa Trịnh Sâm[12] và nếp sống phong lưu, hào hoa của ông tại phường Bích Câu chắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nhận của các anh em con cháu trong dòng họ. Không phải ngẫu nhiên mà hai người con gái của ông là Nguyễn Thị Bành (1750-1773) và Nguyễn Thị Đài (1752-1819) đều thông minh, giỏi làm thơ quốc âm. Bà Bành 14 tuổi được gả cho Nguyễn Huy Tự (1743-1790), là con trai của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) và là cháu ruột của Tiến sĩ năm Nhâm thìn 1772 Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) (tác giả của Thác lời người con gái phường nón, Thuận Quảng đạo sử tập). Không chỉ là con cháu dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng ở Trường Lưu, Nguyễn Huy Tự còn là Đốc đồng Sơn Tây và là tác giả của truyện thơ Nôm Hoa tiên. Bà Bành sinh được hai con trai là Nguyễn Huy Tượng và Nguyễn Huy Vinh (sinh tại Thăng Long năm 1770, mất năm 1818, là tác giả của Chung Sơn di thảo); Bà Đài sau khi chồng đầu chết, lại lấy lẽ Nguyễn Huy Tự và sinh ba trai, trong đó có Nguyễn Huy Hổ (1783-1841, tác giả của Mai đình mộng ký). Phải chăng ở đây cũng có thể cho rằng những sinh hoạt văn hóa tao nhã và lý thú tại gia đình ở phường Bích Câu Thăng Long đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư chất văn hóa và năng khiếu thơ Nôm của hai người con gái Nguyễn Khản, và cũng có thể nói, hai bà rất có thể đã là hồng nhan tri kỷ thực sự của Nguyễn Huy Tự trong sáng tác văn chương, cũng như đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người con trai là Nguyễn Huy Vinh và Nguyễn Huy Hổ. Mối quan hệ giữa hai dòng họ văn hóa và khoa bảng nổi tiếng này còn để lại nhiều giai thoại trong sinh hoạt ca hát ở địa phương và còn dấu vết trong thơ văn của họ. Ngoài Thác lời người con gái phường nón củaNguyễn Huy Quýnh, Thác lời người con trai phường vải của Nguyễn Du, ngay trong tập Chung Sơn di thảo củaNguyễn Huy Vinh, cũng có thể mường tượng các danh sĩ Tiên Điền đã có quan hệ mật thiết như thế nào với con cháu dòng Nguyễn Huy bởi khá nhiều thơ văn tặng đáp của Nguyễn Huy Vinh được viết gửi cho Nguyễn Du và Nguyễn Hànhđã cho thấy mối thâm tình này: Ký Tố Như tử dữ Bá Hưng[13], Quan hải thi tập tự[14], Thướng Cần chính điện đại học sĩ thư [15], Ký Tiên Điền Nguyễn Tử Kính thư, Nghĩ cổ “Trường tương tư” trình Tố Như công. Chuyện đối đáp, giao lưu giữa văn nhân Tiên Điền và văn nhân Trường Lưu một lần nữa cho thấy các sinh hoạt văn hóa dân gian địa phương chắc đã được tiếp thêm sinh khí và sắc thái văn hóa mới từ chính những người con của quê hương từng được đào luyện ở môi trường học vấn cao và có cơ hội giao lưu với các vùng miền văn hóa khác, đặc biệt là với văn hóa Thăng Long.
   Dòng họ Nguyễn Tiên Điền đến Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản có thể nói là đã cực thịnh, và sự gắn bó với Thăng Long của họ cũng không phải một sớm một chiều. Ngay Nguyễn Điều (1745-VII. 1786)[16], tuy không hiển đạt bằng anh, song chính tích cũng không phải mờ nhạt, và những năm tháng ở Thăng Long chắc cũng để lại không ít dấu ấn trong cuộc đời ông: hai lần thi hội trúng tam trường, một lần thi hương đỗ tứ trường, từng được bổ Thị nội văn chức trong phủ chúa, rồi Đại lý tự thừa, Viên ngoại bộ Lại và Lang trung bộ lại, rồi được cử làm Đô chỉ huy sứ và có công cùng Nguyễn Khản dẹp loạn Hoàng Văn Đồng, từng được bổ các chức Trấn thủ Tuyên Quang, Hưng Hóa, và Sơn Tây.     Trong dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nguyễn Đề (1761- 1805)[17] có lẽ là trường hợp được coi là không thuần nhất trong ứng xử với các triều đại. Trước hết ông là một người rất ham học, từng kết thân với 9 người bạn nữa (trong đó có Ngô Vi Quý, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đỗ Tố Định, Nguyễn Gia Cát...) thành một nhóm nho sinh nổi tiếng học giỏi, hay chữ ở Thăng Long. Ông rất được khen ngợi vì 3 lần đậu đầu ở các kỳ thi khảo khóa ở Quốc tử giám, kỳ hạch ở huyện Thọ Xương và kỳ thi ở trường Phụng Thiên; năm 1783 ông đậu tứ trường (Cử nhân) ở trường Phụng Thiên cùng với em trai là Nguyễn Nhưng và cháu Nguyễn Thiện (con trai trưởng của Nguyễn Điều); rồi được bổ làm Thị nội văn chức, giữ việc thường trực tại nhà học của con chúa Trịnh; sau được kiêm chức phó Tri thị nội thư tả lại phiên ở phủ chúa, rồi thăng Xu mật viện sự Đức phái hầu cai quản đội quân phân nhất, rồi Hiệp tán quân cơ đạo quân Sơn Tây dưới thời Lê Chiêu Thống. Khi vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi theo không kịp bèn về quê mẹ ở Bắc Ninh sống một thời gian; đến thời Quang Trung ông được người quen tiến cử ra giữ việc từ hàn, được bổ chức Hàn lâm viện thị thư, là người đã đón La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra với nhà Tây Sơn và từng hai lần được cử đi sứ Trung Hoa, được thăng Đông các đại học sĩ, gia thăng Thái sử, rồi Tả đồng nghị Trung thư sảnh. Khi vua Gia Long ra Bắc thành, ông cũng đi theo và có ra làm quan cho nhà Nguyễn một thời gian (1802-1805), ở lại Bắc thành làm việc dưới quyền viên Tổng trấn. Ông có hai tập thơ chữ Hán Hoa trình tiền hậu tập, Quế Hiên giáp ất tập và một số ít bài thơ Nôm.
Không rõ sau khi cha, rồi mẹ đẻ nối nhau qua đời, Nguyễn Đề sống ở đâu, riêng Nguyễn Du thì về sống cùng người anh cả khác mẹ hơn ông 31 tuổi là Nguyễn Khản lúc ấy đang làm Tả thị lang bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Vì cha mất sớm nên những cảnh phú quý của cha, đối với Nguyễn Du có lẽ chỉ là một thời vang bóng nhưng sự hiển đạt và cuộc sống phong lưu trong khu dinh thự của gia đình người anh ở ngay phường Bích Câu Thăng Long thì Nguyễn Du có lẽ được chứng thực hàng ngày. Và Nguyễn Khản do đó rất có thể có một vai trò rất lớn, thậm chí có thể lớn hơn Nguyễn Nghiễm trong việc ảnh hưởng đến Nguyễn Du, nhất là ở giai đoạn hình thành nhân cách Nguyễn Du, cả về thái độ đối với triều Lê- Trịnh, về cách sống hào hoa phóng khoáng, và cả trong nhu cầu thưởng thức và sáng tạo văn chương. Vai trò ấy của Nguyễn Khản ít khi được nói đến, trong khi Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ có những dòng ghi chép chân thực, rất đáng chú ý về cuộc sống phong lưu và sinh hoạt văn hóa của gia đình Nguyễn Khản ở Thăng Long vào thời kỳ còn được chúa sủng ái: “Ông Nguyễn Khản ham thích hát xướng, gặp khi con hát tang trở, cũng cứ cho tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc. Khi ông có tang quan Tư đồ, ngày rỗi cũng vẫn sai con hát đồ khúc gọi là “ngâm thơ Nôm”[18]. Như vậy, rất có thể mãi đến khi có loạn kiêu binh, Nguyễn Khản phải chạy trốn, Nguyễn Du mới rời Thăng Long. Và hiển nhiên tất cả những biến động, đổi thay dồn dập, thậm chí là một “cuộc tang thương” của gia đình và cuộc thế trước mắt không thể không ảnh hưởng đến những cảm nhận về sự đa đoan, bất trắc của cuộc sống trong tâm hồn Nguyễn Du. Những câu hỏi da diết và niềm khắc khoải mong chờ người tri kỷ trong thơ ông như một lời chất vấn khôn nguôi đối với cõi nhân thế về nỗi cô đơn của con người: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?
Nhìn lại những chặng đường đời của Nguyễn Du, có thể đoán định ông chắc đã được tiếp nhận thêm - ở một tầng bậc cao - một nền tảng văn hóa sâu dày từ môi trường văn hóa Thăng Long kinh kỳ đô hội, từ những ngày lưu lạc ăn nhờ ở đậu ở Thái Bình, những ngày làm quan khá hanh thông dưới triều Nguyễn khi ở nơi này khi ở nơi khác, những ngày sống tại kinh đô Huế, được giao lưu với các thi văn gia trong các sinh hoạt văn chương[19], và từ cả những ngày dằng dặc ruổi rong trên những dặm đường Bắc sứ. Điều này cho thấy ảnh hưởng mà ông tiếp nhận được đã vượt ra ngoài phạm vi địa phương quê hương mà mang tính chất dung hợp sắc thái văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước, đặc biệt là từ hai trung tâm văn hóa lớn là cố đô Thăng Long và kinh đô Huế. Như vậy hai nguồn tri thức - văn hóa và vốn sống- tiếp thu từ cha và anh, từ một trong những dòng họ văn hóa văn chương nổi tiếng ở Bắc Hà là dòng họ Nguyễn Tiên Điền và từ vùng đất văn hiến lâu đời Đàng Ngoàilà Thăng Long trong đó có nhiều gia tộc văn hóa (dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, dòng họ Phan Huy ở Thiên Lộc),chính là những nhân tố quan trọng góp phần đào luyện nên thi tài Nguyễn Du. Gia phả chép có phần khuyếch trương về Nguyễn Du như một người đặc biệt đa tài, học rộng nhớ lâu, về cầm kỳ thi họa, môn nào cũng tinh diệu, ông cùng với người cháu Nguyễn Hành được coi là hai trong năm nhà thơ giỏi nhất ở An Nam (“An Nam ngũ tuyệt”), song những tác phẩm của ông để lại cho đời quảđã có đượcnhững giá trị văn chương đột xuất: Thanh Hiên thi tập, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Nam trung tạp ngâm, Truyện Kiều, Bắc hành tạp lục, Văn chiêu hồn. Dù sao, có thể nói, trong cuộc đời rất nhiều “xê dịch” của mình, Thăng Long tuy không phải là nơi Nguyễn Du đã sống những năm tháng dài nhất, nhưng đó lại là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của một thời vui tươi êm ả. Cũng vì vậy, cố đô Thăng Long không chỉ được Nguyễn Du đề cập đến ở các bài Điếu La thành ca giả trong Thanh Hiên thi tập, Long thành cầm giả ca, Ngô gia đệ cựu ca cơ và hai bài thơ Thăng Long trong Bắc hành tạp lục, Ngẫu hứng V, Mộng đắc thái liên trong Nam trung tạp ngâm... còn thấy thấp thoáng qua một số bài thơ khác. phải chăng hình ảnh của một xã hội thị dân trải nhiều biến cố trong Truyện Kiều, những cảnh đời lăn lóc phong trần trong Văn chiêu hồn hay thân phận mỏng manh của người con gái tài sắc trong Độc Tiểu Thanh ký... cũng đã được viết ra trong cảm hứng chung về nét hào hoa phong nhã cũng như cái phức tạp bề bộn của đời sống kinh kỳ.
Khi nói đến vai trò ảnh hưởng qua lại của trung tâm văn hóa văn hiến Thăng Long đối với văn nghiệp của dòng họ Nguyễn Tiên Điền thiết tưởng không thể không nhắc đến hai con trai của Nguyễn Điều là Nguyễn Thiện (hiệu Thích Hiên) và Nguyễn Đàm (tức Nguyễn Hành, tự Tử Kính). Đó là những người cháu đã nối theo truyền thống văn chương của dòng họ - đặc biệt yêu thích thơ ca và đều có thi tập để lại cho hậu thế: Nguyễn Thiện có tập thơ Đông Phố thi tập và Nguyễn Hành có hai tập thơ Minh quyên thi tậpQuan đông hải. Như đã nói ở trên, Nguyễn Thiện cùng với hai chú là Nguyễn Đề và Nguyễn Nhưng đã đỗ tứ trường (Cử nhân) ở trường Phụng Thiên- Thăng Long, còn Nguyễn Hành cũng là người sống ở Thăng Long khá lâu. Ngay bài tựa đầu tập Minh quyên thi tập ông cũng ghi rõ viết năm Kỷ mão (1819), sau tiết thanh minh hai ngày tại nơi ở phường Đồng Xuân Bắc thành. Nhiều bài thơ của ông viết về Thăng Long, về đời sống của gia đình và cá nhân mình tại nơi cố đô với một tâm trạng buồn: Bắc thành trừ tịch, Du Trấn Quốc tự, Lưu giản Đồng Xuân phường ông, Đại dịch (theo nguyên chú của tác giả thì năm Canh thìn 1820, có nạn dịch lớn chết hàng mấy chục vạn), Đối nguyệt, Kỷ mão tứ thập cửu tuế cố kinh xuân nhật, Tiễn Đồng Xuân phường mỗ nhân tòng vãng Bắc sứ, Đăng trình tác, Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác, Trung thu, Nhị Hà, Thành thị đan quyết, Bắc thành tống xuân, Đàm cổ, Tây Hồ...
Như vậy, vốn từ làng quê Tiên Điền ra Thăng Long đỗ đạt, làm quan và thành danh ở đó, Nguyễn Nghiễm rồi Nguyễn Khản và Nguyễn Điều đã gắn bó sâu đậm với triều đình Lê Trịnh và kinh đô Thăng Long, họ thủy chung đến cùng với triều đại này cũng là điều dễ hiểu. Khác với lớp cha anh, Nguyễn Đề và Nguyễn Du, rồi sau nữa là những người cháu Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành đều sinh ra tại Thăng Long vào cái thời vẫn còn hiện diện những cung điện đền đài hoa lệ của vua Lê chúa Trịnh; thời niên thiếu của mấy chú cháu cũng chủ yếu trôi qua ở mảnh đất kinh kỳ văn vật này; hơn nữa các ông đồng thời cũng được chứng nghiệm và trải nghiệm sâu sắc những tác động dữ dội do “một phen thay đổi sơn hà”và nỗi bơ vơ mất phương hướng khi thoáng chốc bể dâu biến đổi “mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?”. Vì thế, thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Hành có những bài, những chi tiết viết về Thăng Long rất sâu sắc, đặc biệt là Nguyễn Hành có nhiều bài viết về cảnh ngộ của mình tại vùng đất cố đô đã trở thành trấn thành thời đầu nhà Nguyễnnhững thức nhận về sự vật đổi dời, Thăng Long chỉ còn là “dấu xưa” và những cảm thương thân phận rõ ràng đã được thể hiện ở những khía cạnh thật tinh tế và với âm điệu buồn man mác.
Rất tiếc dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Thăng Long không giữ mãi được phong khí thịnh thời. Sau khi Nguyễn Khản và Nguyễn Điều mất, nhà Tây Sơn lên, con cháu của Nguyễn Nghiễm phiêu bạt, thực sự rời lầu son gác tía để sống “kiếp long đong gió bụi” như một Nguyễn Du, một Nguyễn Hành, hoặc sống bình dị nơi quê nhà, cũng có một số người ra làm quan với nhà Nguyễn, không còn nhiều điều kiện gắn bó với Thăng Long, có chăng cố đô chỉ còn là hoài niệm, thấp thoáng trong sáng tác của họ như một niềm tiếc nuối khôn nguôi về dĩ vãng. Sự nghiệp văn chương của họ Nguyễn ở Tiên Điền có thể nói được khơi nguồn từ Nguyễn Nghiễm, phát triển rực rỡ ở các con trai Nguyễn Đề, Nguyễn Du… và hai người cháu là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, góp vào thi đàn dân tộc những thi phẩm tồn tại mãi với thời gian, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.
                                                    *
*               *
Một vài nhận xét:
            Khảo sát gia phả và văn nghiệp dòng họ Nguyễn Tiên Điền, có thể tạm rút ra 3 nhận xét sau đây:
1. Họ Nguyễn ở Tiên Điền, trấn Nghệ An là một dòng họ văn hóa. Con cháu của dòng họ - những người đỗ đạt, có trình độ học vấn và khả năng văn chương, đạt được thành tựu lớn trong sáng tác - thường được sinh ra, hoặc lớn lên tại Thăng Long, hoặc từng có thời gian sống ở đó. Nói cách khác, những người con của dòng họ sống ở quê hương Tiên Điền hoặc quê mẹ thì con đường khoa bảng và năng khiếu văn chương không thực sự nổi bật. Như vậy, cũng có thể nói, thành tựu trước tác của dòng họ cũng gắn nhiều với cố đô Thăng Long, gắn với những sinh hoạt văn hóa từng nổi tiếng một thời ở Thăng Long; nói cách khác, vai trò trung tâm văn hóa văn hiến của Thăng Long kinh kỳ đô hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của dòng họ Nguyễn Tiên Điền.                      
            2. Với dòng họ Nguyễn Tiên Điềnvà dòng họ Nguyễn Huy tại Trường Lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần như hát ví, hát đối, hát dặm, hát phường vải... không chỉ là thú vui nơi thôn dã mà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa vừa dân dã vừa tao nhã, hàm chứa nội dung văn hóa tinh thần cao của cả giới văn nhân và người có học. Cũng có thể nói dòng họ Nguyễn Tiên Điền và dòng họ Nguyễn Huy đi ra Thăng Long và trở lại quê nhà đã mang theo về quê hương những sắc thái văn hóa mới. Sự giao lưu văn hóa và học vấn với kinh kỳ Thăng Long như vậy, đến lượt nó, lại đánh dấu sự tác động, chuyển biến của văn hóa vùng Nghệ An. Có thể nói sự xuất hiện những nhân tố mới này chính là biểu hiện cụ thể của quan hệ giao thoa văn hóa giữa kinh đô Thăng Long và Nghệ An thời đó.
            3. Các nhà thơ trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền rất có sở trường về thơ Nôm, truyện thơ Nôm, bên cạnh thành tựu không nhỏ về thơ chữ Hán. Truyền thống viết truyện thơ Nôm ở Nghệ An được khởi đầu bằng truyện Hoa tiên của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, song lại được dòng họ Nguyễn Tiên Điền phát triển đến đỉnh cao với kiệt tác Truyện Kiều.
            Hơn nữa, do tiếp xúc với môi trường và sinh hoạt văn hóa chốn kinh kỳ, trong đó có các cuộc hát xướng, lại cũng là những người đi nhiều, chứng kiến không ít, các tác giả họ Nguyễn Tiên Điền không chỉ viết nhiều về cảnh ngộ thực của bản thân mà còn có điều kiện viết sâu sắc về thân phận những ca nhi, kỹ nữ tài sắc, hoặc cuộc sống khốn cùng của nhân dân. Vì thế sáng tác của dòng họ nhìn chung thường hết sức suy cảm và giàu chất trữ tình, ý thức về tài và tình, cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ được bộc lộ khá rõ, đặc biệt là ở Nguyễn Du và Nguyễn Hành. Như vậy, trên phương diện thơ Nôm, cùng với dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã đánh dấu bước phát triển mới của văn học trung đại Việt Nam, nhất là tinh thần nhân đạo trong việc thể hiện vấn đề tình yêu lứa đôi và quyền sống của con người. Đây cũng có thể coi là một hiện tượng khá đặc biệt đối với những dòng họ có bề dày về văn hóa truyền thống và rất gần với trung tâm văn hóa lớn, cho thấy một sự cởi mở/một bước chuyển trong tư tưởng, nhận thức và quan niệm văn chương của đội ngũ trí thức thời Lê Trung hưng. Sự xuất hiện của “hiện tượng văn hóa” và văn học này góp phần thức tỉnh ý thức cá nhân trong trào lưu nhân văn của thế kỷ XVIII – XIX, điều đó quả đã được kiểm chứng từ thành tựu của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.
 
.



[1] Do Trung Cần công Nguyễn Nghiễm biên chép; cháu xa đời là tú tài Nguyễn Y, hiệu Hi Giác phủ chép tiếp, cháu xa đời là Nguyễn Thục sao chép tiếp; cháu xa đời là Tiến sĩ Nguyễn Mai, hiệu Hữu Tuyết tiếp tục sao chép. Trước đây khi làm Phả hệ Nguyễn Du cho công trình Toàn tập Nguyễn Du của Ban văn học Trung đại - Viện Văn học, chúng tôi đã dựa chủ yếu vào bản gia phả này và các bản Nguyễn tộc thế phả VHv. 369, Gia phổ tập biên A. 3075. Để cẩn trọng hơn, bài viết này có tham khảo thêm bản lược dịch sách Hoan châu Xuân Tiên Nguyễn gia thế phả của nhà Hán học Lê Thước.
[2]Ông nội là Nguyễn Thiến, đậu Trạng nguyên năm Nhâm thìn niên hiệu Đại Chính nhà Mạc (1532), sau giúp nhà Lê, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Thiếu phó Thư quận công; cha là Nguyễn Miễn tước Phù quận công; bác là Nguyễn Quyện tước Thường quốc công.
 
[3]Nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
[4]Ông người Thanh Hoa, làm Trấn thủ Nghệ An thời Lê Thần Tông.
[5]“Sách xưa có chép rằng riêng người ở châu Hoan, châu Diễn thì thuần tú, hiếu học” (Nghệ An phong thổ ký tự, in trong Nguyễn Huy Vinh với Chung Sơn di thảo, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.132); “Phong tục trong cả phủ đều thuận hòa, chỗ nào cũng có văn học, khoa giáp đỗ đạt thì huyện Thiên Lộc, huyện Nghi Xuân và huyện La Sơn là thịnh hơn cả. Những người làm tôi có tiếng tốt, giúp nước có đức hiền, hơn cả một châu” (Phan Huy Chú- Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, phần Dư địa chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992; tr. 63).
[6] Nguyễn Nghiễm là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, húy là Nghiễm, tên tục là Thiều, tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ. Ông có các tác phẩm Việt sử bị lãm, Xuân đình nhàn vịnh, Quân trung liên vịnh (viết chung với Nhữ Đình Toản), một số văn bia và thơ, trong đó có hai bài thơ được Bùi Huy Bích chọn chép trong Hoàng Việt thi tuyển.
[7]Năm Quý sửu (1733) Nguyễn Huệ đi thi Hội đỗ thứ 6, khi vào thi đình đỗ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân nhưng bị cảm mất ngay trong ngày ăn mừng thi đỗ.
[8] Theo Gia phả, năm Quý sửu 1733 nhân có sứ nhà Thanh sang sách phong cho vua, ông được thăng Hàn lâm viện đãi chiếu (tòng lục phẩm). Tháng Giêng năm Mậu ngọ (1738), ông được thăng làm Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa (Chính lục phẩm). Riêng năm Kỷ mùi (1739) và năm Canh thân (1740), ông đã phối hợp cùng các đạo quân khác đánh dẹp giặc Triều ở đạo Kháng Chính, đạo Cẩm Giàng (Hải Dương), lấy lại trấn sở Kinh Bắc vừa bị thất thủ, đánh đồn Quế Ổ của giặc nên được thăng Tư nghiệp quốc tử giám và thăng Thự tham chính xứ Kinh Bắc, tiến đánh đạo Đông Bắc và nhiều nơi khác. Tháng 8 năm 1740, ông được cử về Nghệ An để chiêu mộ quân lính, tháng 11 lại trở về Kinh. Đặc biệt khi Minh vương đi đánh giặc Ngân già, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ theo đường tắt vào bờ bắc sông Nhị áp sát kinh thành, toàn bộ kinh sư phải giới nghiêm. Ông được lệnh đem quân dàn trận ở bến sông để bảo vệ kinh thành. Tháng 12 năm ấy, ông được lệnh cùng Cổn quận công tiến đánh Đông Nam đạo. Năm 1741 vì có quân công, ông được thăng Tham chính sứ xứ Sơn Nam, đổi làm Tế tửu Quốc tử giám. Năm Quý hợi 1743, được đặc mệnh kiêm chức Cử sát sứ xứ Thanh Hoa, phàm quan lại hay dở, dân gian lợi hại, và các việc hưng lợi trừ hại, được tùy tiện làm việc, đến tháng 11 có chỉ triệu ông về kinh làm việc ở phủ liêu, rồi làm giám thí trường Bắc cử. 1744 được cử Tham thị Nghệ An, Tham tri quân vụ, kiêm quản Tịnh trấn cơ. Tháng 3 năm 1746 được thăng Hữu thi lang bộ công, tước Xuân lĩnh hầu. Tháng Giêng năm Canh ngọ (1750), vì Thanh Hoa thất thủ, ông bị giáng xuống Đông các đại học sĩ, tháng 10 năm ấy Minh vương đi đánh phía Tây đặc sai ông làm Tán lý quân vụ cùng với Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc hỗ giá tiến quân, phá đại đồn Đô Kỳ, phá được đồn giặc bắt được giặc Ngũ (Nguyễn Danh Phương). Năm 1752, sau khi phá xong giặc Tương, khải hoàn về ông được phục chức Hữu thị lang bộ Hình. 1753, vì có công bình giặc Tương, ông được thăng Ngự sử đài phó đô ngự sử, ban cho lộc điền, truyền đời làm của riêng. Năm Mậu dần 1758 ông được thăng chức tổng tài quốc sử quán, kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Ông thấy quốc sử cũ rườm rà nên đã soạn bộ Việt sử bị lãm và sách Lịch triều hiến chương (bộ này đã thất truyền). 1760 được thăng hữu thị lang bộ Lễ. 1761 được thăng Đô ngự sử rồi Thượng thư bộ Công, vào làm chức Thị tham tụng. Tháng 12 sứ nhà Thanh sang sách phong, ông được sai đến Thiều dao công quán thăm hỏi. Ông có làm thơ tặng chánh sứ là Đức Bảo và phó sứ là Cố Nhữ Tu. Hai người rất khen trọng và có thơ họa đáp. Đức Bảo lại viết bốn chữ: “Dịch thế thư hương” tặng ông. Năm Đinh hợi 1767, Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên nối ngôi chúa, ông vẫn được cử giữ chức Nhập thị tham tụng và được thăng Thiếu phó, tước Xuân quận công. Tháng 10 năm Tân mão 1771, Nguyễn Nghiễm làm sớ xin được về trí sĩ sớm hơn thường lệ, chúa Trịnh không đồng ý, chỉ cho về tạm nghỉ ba tháng ở quê nhà, lại gia thăng cho ông chức Đại tư đồ; khi ông lên đường về quê, được vua ban cho một bài thơ ngự chế và cờ biển cùng mười hai bức câu đối. Tĩnh vương Trịnh Sâm cũng tặng một bài thơ và cho thêm lộc điền 20 xã, lại cho ba thuyền hải mã đi đường thủy đưa ông tới nhà riêng. Ân điển trùng điệp như vậy từ trước tới nay chưa có vị Tể tướng nào của bản triều được về trí sĩ với chức Đại tư đồ. Tháng Mười năm Nhâm thìn 1772, Nguyễn Nghiễm trình bày phép chạy trạm từ Nghệ An đến Lạng Sơn, được chúa chuẩn y. Tháng 11 Tĩnh vương đem quân đánh Nam Hà, chia quân làm 4 cơ, sai Nguyễn Nghiễm làm Tả tướng quân. Tháng Ba năm Ất mùi (1775), Nguyễn Nghiễm cùng Việp quận công tiến lấy Quảng Nam. Trên đường đánh dẹp phương Nam, vào tháng Bảy, khi quân tiến đến Châu Ổ, Nguyễn Nghiễm ốm nặng, xin về quê điều dưỡng. Tĩnh vương sai Vũ Huy Đĩnh về làng thăm hỏi. Ngày 17 tháng 11 (tức ngày 9 tháng XII) năm Ất mùi 1775) ông mất tại quê nhà, thọ 68 tuổi, chúa cho quan Trung sứ đến tận nhà viếng tang.
 
[9] Tên tự là Hy Trực, hiệu Thuật Hiên, lúc mới vào triều đổi tên là Hân, rồi được ban tên là Lệ, sau trở lại tên húy cũ là Khản; khi có binh biến về quê nhà lại lấy hiệu là Hồng Sơn Độn Ông.
[10] Lịch triều tạp kỷ (Ngô Cao Lãng), Hoa Bằng dịch và chú giải, Văn Tân hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 265 - 266.
[11] Phạm Đình Hổ- Nhà họ Nguyễn Tiên Điền, trong Vũ trung tùy bút (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1972, tr. 178-179.
[12] Theo Gia phả thì khi Trịnh Sâm nối ngôi, Nguyễn Khản được làm chức Tri binh phiên ở phủ chúa, kiêm chức trung phủ phủ Thái Bình, đến tháng 8 lại được thăng Thị giảng và được ban tên là Lệ, lại được thăng Đông các đại học sĩ, kiêm chức Tế tửu quốc tử giám. Sau ông xin từ chức vì mắc bệnh, được cấp tiền kho để sửa sang nhà riêng. Khi thân phụ trí sĩ có lệnh về kinh phục chức, Nguyễn Khản cũng được thăng phó đô ngự sử, rồi Nhập thị bồi tụng, hai cha con đều ở trong chính phủ; ông từng được tham dự tiệc yến ở Long Trì cùng các vị đại thần kỳ cựu, chúa ban cho thơ tứ tuyệt và thơ thủ vĩ ngâm bằng quốc âm. Khi Nguyễn Khản và Nguyễn Điều hành quân ở ngoài, chúa Trịnh Sâm từng ngự đến nhà riêng của Nguyễn Khản để yên ủi thân mẫu ông và ban cho tiền bạc rất hậu; khi bà ốm nặng, lại phái ngự y đem sâm quế thuốc thang điều trị và sai trung sứ đến nhà thăm hỏi mỗi ngày hai ba lần. Khi bà mất, chúa ban tiền bạc gấm đoạn chế y phục và đồ khâm liệm, coi sóc lễ nhập quan, cấp tiền làm lễ tế cơm sáng và cơm tối. Khi Nguyễn Khản đưa thân mẫu về táng tại quê nhà, chúa sai quan thuyền và quan binh đi đường thủy đưa linh cữu. Ngày rước quan tài xuống thuyền, trong nội phủ từ các phi tần, ngoài tỉnh từ các quan văn võ thuộc 13 đạo, ai ai cũng mang lễ vật đến phúng viếng, quan trung sứ cũng về dâng thái lao làm lễ tế (ân điển và tang lễ chưa một bà mệnh phụ nào của bản triều được ban cấp hậu như thế). Khi ông có tang thân phụ và thân mẫu, hay khi ông mất người vợ thứ, chúa Trịnh đều tự tay viết thư thăm hỏi, từng đến tận nhà riêng của ông và đề chữ nói đây « tâm phúc đường », lại sai làm nhà vuông và ban cho tấm biển vàng đề hai chữ « hòa trung ». Tất cả đều được coi là những vinh hiển hiếm có.
[13]Dòng nguyên dẫn của bài thơ ghi chú khá rõ: Tố Như tử tính Nguyễn, húy Du, Nghi Xuân huyện, Tiên Điền xã nhân, thời vi Thường Tín phu Tri Phủ, hậu sĩ chí Lễ bộ Hữu tham tri, phụng sứ (Ông Tố Như, họ Nguyễn, húy Du, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, bấy giờ làm Tri phủ Thường Tín, sau làm quan đến Hữu tham tri bộ Lễ, có phụng mệnh đi sứ).
[14]Bài tựa viết cho Quan hải thi tập của Nguyễn Hành.
[15]Có thể đây là thư Nguyễn Huy Vinh viết cho Nguyễn Đề từ chối lời tiến cử ra làm quan.
[16] Ông hiệu Địch Hiên, là con trai thứ hai của Nguyễn Nghiễm, do bà vợ thứ Đặng Thị Thuyết (em gái bà Đặng Thị Dương) sinh. Bà Thuyết mất sớm, Nguyễn Điều được bà Dương nuôi nấng từ nhỏ cùng với Nguyễn Khản.
[17] Húy là Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên, sau đổi tên là Đề, tự Tiến Phủ, hiệu Tỉnh Hiên, biệt hiệu là Văn Thôn cư sĩ.
[18] Phạm Đình Hổ- Nhà họ Nguyễn Tiên Điền, trong Vũ trung tùy bút (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1972, tr. 178-179.
[19] Theo Gia phả, hồi ông làm quan ở kinh đô Huế, trong những ngày nhàn rỗi ông có dạy học trò làm văn, nhiều văn sĩ theo ông học tập, trong đó có Trương Đăng Quế, Nguyễn Đăng Giai...  Ngoài ra căn cứ vào bài thơ ông viết Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An (Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn (tức Ngô Nhân Tĩnh-PNL) ra làm Hiệp trấn Nghệ An), và việc ông cùng Ngô Thì Vị phẩm bình hầu hết các bài thơ trong Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định- một trong ba nhà thơ trong nhóm Gia Định tam gia có thể thấy ông từng giao du với khá nhiều văn nhân thi sĩ Đàng trong.
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521442

Hôm nay

2216

Hôm qua

2303

Tuần này

2216

Tháng này

219381

Tháng qua

121009

Tất cả

114521442