Người xứ Nghệ

Góp thêm tư liệu về các nhà cách mạng xứ Nghệ (Nhân đọc bài Mẹ tôi người con gái Hưng Nguyên)

Tạp chí Văn hóa Nghệ  An số 154 ra ngày 10- 8-2009 có đăng ở trang 29 một bài báo với tiêu đề như trên của tác giả Lệ Tân Sitek ở Oslo (Nauy). Bài báo có một số tư liệu lịch sử ít người biết. Một bài báo của người con gái đầu lòng có mẹ tên là Lý Sâm, người cùng ngồi tù với Tống Văn Sơ (Nguyễn ái Quốc) hồi ở Hồng Kông. Đọc bài báo này tôi chú ý đến đoạn sau đây. (Trích): “Trong phiên tòa đầu tiên cuối tháng 7 năm đó (1931) vì không có chứng cớ, mẹ tôi tự khai là mới 15 tuổi, thêm vào đó là vì thân hình mẹ nhỏ nhắn, nét mặt trẻ thơ nên được tha nhưng bị buộc trục xuất khỏi Hồng Kông trong vòng 2 tuần. Từ nhà tù, Nguyễn ái Quốc kịp liên lạc và trao cho bà lá thư gửi Cường Để... Trong thư Bác nhờ ông giúp mẹ lánh nạn. Mẹ tôi gặp lại Ba tôi (Bùi Hải Thiệu), Lê Thiết Hùng và Cao Văn Bình khi ba người sang gặp Cường Để”... Cuối bài báo tác giả viết:... “Tôi hy vọng là những người có trách nhiệm với lịch sử sẽ tìm lùng qua những ghi chép tài liệu có nguồn gốc từ Việt Nam và từ những quốc gia liên quan khác để trong tương lai sẽ được thêm thông tin, soi sáng sự thực...” (hết trích).

Cảm thấy đây là một ý kiến hay, người viết bài này mặc dù đã nhiều tuổi (83) hiểu biết nông cạn, cũng xin góp phần một ít tư liệu lấy được từ phía chính quyền Pháp ở Đông Dương và Nhật do giáo sư Vĩnh Sính (Canada) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) cung cấp.
Cách đây mấy năm, giáo sư Vĩnh Sính, một chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ Việt - Nhật đã tìm thấy trong văn khố Bộ Ngoại giao Nhật Bản (Gaiko Shiryokan Tokyo) một tư liệu đáng tin cậy về việc tiếp xúc ở Nhật giữa Lê Quốc Vọng (tức Lê Thiết Hùng), Bùi Hải Thiệu, Cao Văn Bình với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để bấy giờ đang cư ngụ tại Tokyo - Tài liệu này mang số: A.1.3.5.2, phần đầu ghi là: “Fiche de renseignement” (phiếu tình báo) bằng tiếng Pháp do cảnh sát an ninh chính quyền Pháp ở Đông Dương lập ngày 30-1-1933, gửi cho nhà đương cục Nhật Bản. Trong “Phiếu tình báo” này chính quyền Pháp chỉ ghi tên ông Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu (không có nhân vật Cao Văn Bình và Lý Sâm). Với thời điểm ghi như trên, thì bấy giờ quả đúng ở Nhật chỉ còn lại hai người. Theo “Phiếu tình báo” thì ba người này đã đến Nhật vào ngày 24-11-1932; Như vậy ông Cao Văn Bình có đến Nhật nhưng đã rời khỏi đây đi Hồng Kông ngày 3-12-1932, như thế chứng tỏ ông Bình chỉ ở lại Nhật 10 ngày. Và cũng theo hồ sơ này thì ông Bùi Hải Thiệu (có thể cả Lý Sâm - TG) sau đó cũng rời khỏi Nhật Bản.
Các chiến sĩ cộng sản Việt Nam xuất hiện ở Nhật làm cho tình báo Pháp lo ngại, họ bèn chỉ thị đại sứ Pháp ở Tokyo làm công văn gửi Bộ ngoại giao Nhật đề nghị phối hợp điều tra tình hình. Tiếp được công văn, Cục trưởng Cục châu á bèn làm văn thư phúc đáp như sau: (Trích)... “Trong hai người này, trước hết về nhân vật mà chúng tôi xác nhận là Lê Quốc Vọng, chúng tôi biết rằng người này đã đến ở với Cường Để vào cuối năm ngoái (1932) đang học tiếng Nhật, ngày 27-2 năm nay (1933) đã bỏ đi Thượng Hải. Người này trong thời gian ở lại Nhật không phát biểu và cũng không làm điều gì có thể xem là một đảng viên cộng sản. Chúng tôi không phát hiện một ai đi lại với Cường Để tên là Bùi Hải Thiệu” (hết trích).
Từ nội dung trên thì rõ ràng Bùi Hải Thiệu đã rời khỏi Nhật đi Quảng Châu. Và chúng ta có thể suy luận rằng: Cao Văn Bình ở lại Nhật 10 ngày, Bùi Hải Thiệu ở khoảng 1 tháng, Lê Quốc Vọng ở lâu nhất là 3 tháng 3 ngày. Riêng Lý Sâm làm liên lạc đưa thư và lánh nạn đã sang trước gần một năm. Trong khoảng thời gian trên những chiến sĩ cách mạng này đều được Cường Để tạo điều kiện nơi ăn chốn ở, mặc dầu ông sống cuộc đời lưu vong bị cô lập, túng bấn, sống bằng tiền trợ cấp có hạn của bạn bè. Căn cứ vào các mốc thời gian trên thì các chiến sĩ cách mạng này sang Nhật sau ngày Nguyễn ái Quốc bị bắt giam là một năm 5 tháng 18 ngày. Lúc này nhờ có bức thư của Lý Sâm mang đến, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã biết trước đó 6 tháng, nên ông đã biên thư cho Nguyễn ái Quốc. Từ đây ta tự hỏi, ba chiến sĩ này sang Nhật với mục đích gì? Theo tôi có thể họ cũng là những người lánh nạn bởi sự truy nã gắt gao các đảng viên cộng sản của chính phủ Pháp và Tưởng Giới Thạch trên đất Trung Quốc. Khi họ lánh sang Nhật thì lại vấp phải việc phối hợp điều tra giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Nhật nên đã gây cho họ nhiều khó khăn, lại sợ liên lụy đến Cường Để v.v..., do đó các đồng chí này đã tự động phân tán mỗi người đi mỗi nơi.
Về nội dung bức thư Nguyễn ái Quốc gửi cho Cường Để nói gì hiện nay chưa rõ. Ngay cả trong hồi ký của mình, Cường Để không hề đề cập đến. Thế nhưng bằng phương pháp suy luận, chúng ta có thể biết một phần nội dung qua bức thư trả lời của Cường Để gửi cho Nguyễn ái Quốc. Sau đây là nội dung của bức thư viết bằng chữ Hán, không may bị Pháp thu giữ, rồi được dịch ra bằng tiếng Pháp, từ đó dịch ra tiếng Việt, hiện còn lưu trữ bản tiếng Pháp tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Ngày 17 tháng 12 năm 1931
Gửi đồng chí Nguyễn ái Quốc
Tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm cho tôi vô cùng lo lắng. Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh.
Điều đó cần cho sự nghiệp của Tổ quốc. Chúc đồng chí sớm bình phục.
                         Phúc Dân
Với nội dung trên, chúng ta có thể suy ra rằng thư của Nguyễn ái Quốc gửi Cường Để do Lý Sâm chuyển chỉ là việc báo tin bị ốm. Rồi Cường Để biên thư hỏi thăm kèm theo tiền mua thuốc. Nhưng thư và tiền không đến tay Nguyễn ái Quốc mà lọt vào tay Pháp. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bình luận sự việc này như sau (trích):... “Nguyễn ái Quốc gửi thư cho Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập trên một năm rưỡi. Nguyễn ái Quốc gửi thư cho Cường Để chứng tỏ lập trường chính trị của Nguyễn ái Quốc và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để rất gần nhau, lúc đó Nguyễn ái Quốc đang ở tù, bị kiết lỵ và có dấu hiệu lao phổi cần tiền để chữa trị, được Kỳ Ngoại Hầu gửi tiền (dầu không đến) nhưng cũng rất có ý nghĩa. Qua bức thư, chúng ta thấy Kỳ Ngoại Hầu rất quý trọng Nguyễn ái Quốc. Ông xem sức khoẻ của Nguyễn ái Quốc “cần cho sự nghiệp của Tổ quốc”. Đó là một ý tưởng chính xác, đúng đắn, chân tình không có gì có thể hơn thế được” (hết trích).
*
*    *
Đọc xong bài báo, người viết bài này có cảm tưởng tác giả Lệ Tân Sitek vì hoàn cảnh nên biết rất ít quá trình hoạt động cách mạng của cha mình. Cũng như GS.TS Vĩnh Sính và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi viết tham luận khoa học, cũng đã từng ghi ở phần chú thích rằng: “Bùi Hải Thiệu có lẽ là một biệt hiệu. Chúng tôi không thấy tài liệu nào khác nhắc đến nhân vật này. Mong các bậc thức giả chỉ giáo" (Vĩnh Sính).
Với cảm tưởng như trên, cộng thêm yêu cầu của hai nhà nghiên cứu, tôi hiện có ít tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn về nhân vật Bùi Hải Thiệu, tiện đây xin ghi lại đôi nét về tiểu sử của người chiến sĩ cộng sản này.
Bùi Hải Thiệu (1908-1945) quê quán làng Phổ Đông, xã Nam Kim (nay là xã Nam Cường) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai trưởng cụ Bùi Xuân Cánh và bà Trần Thị Hai (vợ cả). Sau ông còn có 3 em trai đều tham gia cách mạng. Bùi Hải Thiệu có tên khai sinh là Bùi Tín, bí danh là Nam Hồng, hoặc Lý Quốc Lương. Năm 1929, ông bị Pháp bắt giam, sau thoát khỏi nhà lao Vinh, mang thẻ căn cước số 162663 cấp ở Vinh ngày 27-11-1929; với thẻ căn cước này ông trốn sang Trung Quốc, đổi tên họ là Lý Quốc Lương (lấy tên của người em Bùi Hữu Lương đang bị tù tại nhà lao Vinh, hồ sơ mang số 4721/C, số phim ảnh: 1709). Hoạt động ở Quảng Châu một thời gian, ông được vào học trường Hoàng Phố. Sau khi ra trường ông được phân công hoạt động cách mạng tại thành phố Quảng Châu. Sau đó được chuyển về làm công tác địch vận ở Hán Khẩu (một địa danh gần biên giới Trung - Việt thuộc tỉnh Quảng Đông) tại đây ông bị theo dõi trong quá trình tuyên truyền địch vận các lính thủy và lính tập người Việt đang đóng quân ở đấy. Cảm thấy đã bị lộ, được phép cấp trên, ông rời Hán Khẩu sang Hồng Kông. Tại đây ông gặp cô Lý Sâm. Sau đó, ông đi Sán Đẩu (Shanton) thì bị bắt, đưa về Quảng Châu giam giữ, được phóng thích ngày 27-11-1931. Ông lại đi Hương Cảng, rồi về lại Hán Khẩu tiếp tục làm công tác địch vận. Giữa tháng 11 năm 1932, ông cùng Lê Quốc Vọng, Cao Văn Bình sang Nhật. ở lại Nhật khoảng hơn 1 tháng ông đi Hồng Kông rồi sang Quảng Châu. (Ghi chú: có thể Lý Sâm cũng rời khỏi Tokyo vào dịp này) sang Trung Quốc ông hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn Lý Sâm thì làm liên lạc và trinh sát cho ban cán sự Đảng ta ở hải ngoại. Vào khoảng năm 1936-1937, ông và Lý Sâm kết duyên vợ chồng, thường đi lại với gia đình Hồ Học Lãm và Lê Thiết Hùng. Năm 1939, vợ chồng ông có con gái đầu lòng. Năm 1945, ông bị bệnh nan y qua đời tại Hồ Nam (Trung Quốc) hưởng dương 37 tuổi. Cách mạng Tháng 8 thành công, vợ ông (bà Lý Sâm, còn có tên là Lý Phương Thuận) đem các con về Hà Nội, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Về già, bà ở với con trai. Bà mất năm 1995, thọ 89 tuổi.
Thay lời kết: Tác giả Lệ Tân Sitek mồ côi cha lúc 6 tuổi. Mẹ gửi về quê nội nuôi nấng dạy bảo trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, cô xa mẹ đi học ở nước ngoài (Ba Lan), tốt nghiệp kiến trúc sư, rồi lấy chồng, hiện gia đình đang định cư ở Nauy. Năm nay tác giả tròn 70 mùa xuân. Dù xa quê hương đã hơn nửa thế kỷ... mà văn phong bài báo vẫn nhẹ nhàng, đượm nỗi niềm hoài niệm về quê hương, dòng họ và gia đình nội ngoại. Thật đáng trân trọng. Xin chúc chị Lệ Tân và gia đình ở phương xa nhiều điều tốt lành.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521455

Hôm nay

2229

Hôm qua

2303

Tuần này

2229

Tháng này

219394

Tháng qua

121009

Tất cả

114521455