Đất Nghệ

Di tích Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí

Tượng thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, tại di tích. Ảnh Nguyễn Đạo

Căn cứ nột số tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Khâm Định Việt sự thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Nghệ An ký, Bách thần lục, Từ điển Nhân vật xứ Nghệ, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, sắc phong thần, văn bia, gia phả họ Nguyễn Đình... cho biết: Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, đạo Hoan Châu (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Sau khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, ông và anh trai Nguyễn Biện là những người đầu tiên gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, ông sớm được Lê Lợi để ý và huấn luyện trở thành một vị tướng tài ba. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều trận chiến oanh liệt chống giặc Minh thời bấy giờ như trận Tốt Động, Xương Giang...

Nghi Môn đền thờ Nguyễn Xí. Ảnh Nguyễn Đạo

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi, Nguyễn Xí được đánh giá là bậc “khai quốc công thần”, đứng thứ 5 trong 9 bậc công thần, được ban quốc tính, là “rường cột” dưới 4 triều Vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông) với nhiều chức tước quan trọng như Long Hổ tướng quân suy trung bảo chính công thần, Khai quốc suy trung dương võ minh nghĩa phụ quốc tá lý tịnh nạn trung hưng công thần Á quận hầu, Sái quận công, Nhập nội tướng quốc, Thái úy... Nguyễn Xí không chỉ là vị tướng lỗi lạc mà còn là nhà chính trị có nhãn quan sáng suốt. Sống và hoạt động ngay giữa chốn quan triều đầy bất trắc, hàng loạt khai quốc công thần bị vu cáo, hãm hại, ngay đến Nguyễn Trãi cũng không bảo toàn được tính mạng, vậy nhưng, Nguyễn Xí vẫn vượt qua được tất cả, đặc biệt là đánh dẹp bè đảng phản nghịch, phế truất Lê Nghi Dân, đưa Hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế, tức Vua Lê Thánh Tông - vị vua anh minh nhất của triều đại Lê Sơ - điều mà bình sinh Nguyễn Trãi hằng mong muốn. Bởi vậy, lịch sử gọi ông là “Người hai lần khai quốc”.

Lăng Mộ Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

Ông mất ngày 30/10 năm Ất Dậu (1465), thi hài được an táng tại quê nhà ở làng Thượng Xá. Vua Lê Thánh Tông thương tiếc, 3 ngày không ngự triều và truy tặng ông là “Thái sư Cương Quốc công đặc ân khai quốc”. Đánh giá về con người ông, Vua Lê Thánh Tông đã viết “... Lúc nước có biến phi thường, chỉ Ngươi lo toan cứu nạn. Cha con một nhà, cùng một lòng diệt phường gian ác. Nghĩa Vua - Tôi nghìn thuở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao. Công kém gì đình thần nhà Hán, việc hơn cả các quan nhà Đường. Ba mối rường đã đứt lại được nối, vầng nhật nguyệt đã tối lại sáng ra...”.

Đền thờ Nguyễn Xí, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc. Ảnh Nguyễn Đạo

Hai năm sau ngày ông qua đời, năm Đinh Hợi (1467), Vua Lê Thánh Tông đã cho lập đền thờ theo chế độ “quốc tạo, quốc tế”. Đền được lập trên một vùng đất rộng lớn, cao ráo. Phía sau là quần thể núi non hùng vĩ gồm núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi làm điểm tựa. Tuy nhiên, trải qua các cuộc giao tranh giữa các tập đoàn phong kiến đền bị phá hủy nghiêm trọng. Đến thời Nguyễn, các công trình của đền lần lượt được tu bổ, tôn tạo lại hòn chỉnh như ngày nay. Cách di tích không xa là khu Lăng mộ của Cương quốc công Nguyễn Xí có kiến trúc theo kiểu mộ tròn, ghép đá xanh.

Mặt trước nhà Hạ điện đền Nguyễn Xí. Ảnh Nguyễn Đạo

Kiến trúc nhà Trung điện. Ảnh Nguyễn Đạo

Di tích gồm có đền thờ và nhiều công trình phụ trợ như tam quan, gác chuông, khánh, tả, hữu vu... cách đó không xa là khu lăng mộ của Nguyễn Xí. Đền thờ có mặt bằng kiến trúc kiểu "nội công, ngoại quốc”, phía trước Nghi môn là hồ bán nguyệt vừa tạo thế phong thủy cho đền. Các bộ phận kiến trúc được bố trí đăng đối, hài hòa, đó là những mẫu mực của hệ tư tưởng Nho giáo. Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc được các nghệ nhân xưa tạo tác tỷ mỹ đến từng chi tiết nhỏ thể hiện qua các  đề tài trang trí phong phú và đa dạng như long, ly, quy phượng, lưỡng long triều nguyệt, long ngư hí thủy, phượng hàm thư, phượng vũ, hổ phù, hổ, long mã phụ hà đồ, thần quy phụ lạc thư, rùa đội hạc, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa, dơi, cá chép, chim, chuột… Về cỏ cây hoa lá có: tứ quý, mai hóa long, trúc hóa long, dây leo hóa rồng, hoa thị, lựu, đào, nho, phật thủ, cúc, sen, lá đề… về người và bảo vật có: lính canh, bát tiên, bát bửu, lược, đàn, sáo, kiếm, quạt, dây thao, bầu rượu, túi thơ, văn triện…  chủ yếu là thể hiện trên chất liệu vôi vữa và chạm khắc trên chất liệu gỗ.

Lễ hội đền Nguyễn Xí diễn ra từ ngày 29/01 - 01/02 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo Nhân dân. Lễ hội không chỉ là dịp hậu thế biểu hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc mà còn góp phần vào giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

 Sân trung thiên di tích đền Nguyễn Xí. Ảnh Nguyễn Đạo

Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. Đến năm 2020, di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020)./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520856

Hôm nay

2224

Hôm qua

2339

Tuần này

21897

Tháng này

218795

Tháng qua

121009

Tất cả

114520856