Diễn đàn

Về bài báo Bản lĩnh Hồ Tông Thốc… (Trao đổi với tác giả Tử Quang)

Ảnh  minh hoạ.

Trên vanhoanghean.com.vn vào thứ hai, 23/5/2022 bạn Tử Quang có trao đổi với tôi về bài “Bản lĩnh Hồ Tông Thốc trong nền văn hóa Thăng Long - Đại Việt” (đăng trên vanhoanghean.com.vn vào thứ hai, 09/5/2022). Nay tôi xin có mấy lời phúc đáp.

Đọc bài này tôi hết sức bất ngờ vì bị hiểu nhầm hết sức tai hại! Tác giả này từng cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều tư liệu quan trọng quý hiếm như các bản dịch văn bia, sắc phong, gia phả. Mới hay việc cung cấp tư liệu với việc biết sử dụng tư liệu cho các công trình nghiên cứu có một khoảng cách không hề nhỏ. Tử Quang hoàn toàn hồ đồ khi cho rằng bài của chúng tôi “đơn thuần chỉ là chắp ghép thông tin ở một số nguồn khác nhau để tạo thành một bài viết, chứ chưa phải là một bài nghiên cứu thực sự, nên chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy được “Bản lĩnh Hồ Tông Thốc” cụ thể như thế nào”. Hẳn ai cũng biết sử học không phải là văn học. Người viết hoàn toàn không có quyền hư cấu, tưởng tượng, suy diễn chủ quan. Việc tôi cũng như bất cứ một tác giả nào khi viết các luận văn nghiên cứu lịch sử đều phải sử dụng các nguồn sử liệu và thừa hưởng kết quả của người đi trước mình lại được tác giả nhận định hết sức kỳ quặc là lắp ghép thông tin từ các nguồn khác nhau (!)

Tử Quang phê phán: “Tác giả Hồ Sĩ Hùy viết: “…Không thấy Ngô Sĩ Liên nhận xét gì về tác phẩm Việt Nam thế chí 越南世誌của Hồ Tông Thốc, nhưng chính ông là người đã đi tiếp con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta. Nguyên bản Việt Nam thế chí đã mất, nhưng may mắn “Lời tựa” tác phẩm này được đại sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) chép lại đầy đủ trong thiên Văn tịch chí 文籍誌 bộ Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌 đồ sộ. Lời tựa này cho ta biết Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng và các đời nhà Triệu. Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa ra danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu; người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương)…”

Ở đoạn trích này, tác giả Hồ Sĩ Hùy khẳng định chính danh sĩ Hồ Tông Thốc là người khai sáng, đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta (và sử gia Ngô Sĩ Liên là người tiếp nối việc đó). Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nhận định này không đủ cơ sở khoa học bởi hai bộ sử Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục đều đã thất lạc, cho nên chúng ta không thể biết được nội dung bên trong viết những gì, cụ thể như thế nào (riêng Việt Nam thế chí chỉ còn lại mỗi bài Tự chép trong Lịch triều hiến chương loại chí).

Xin thưa: Đúng là Việt sử cương mục không còn nhưng đại sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc kỹ & đánh giá rất cao tác phẩm này, xem nó vượt cả 2 bộ chính sử Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu & Sử Ký tục biên của Phan Phu Tiên như tôi đã trích dẫn trong bài, xin miễn nhắc lại.

Còn Việt Nam thế chí? Trong phần Văn tịch chí của bộ Lịch triều hiến chương loại chí, ngoài việc trích nguyên văn bài tựa, Phan Huy Chú còn cho ta biết tác phẩm này gồm 2 quyển: “quyển nhất chép 18 đời họ Hồng Bàng, quyển nhị chép thế phả của họ Triệu, sự tích có phần rõ ràng, nhưng lời văn phần nhiều kỳ dị, cũng có thể bổ khuyết cho sử trước”. Tử Quang không biết đầy đủ thông tin này, lại không nhận thức được tầm giá trị của Lời tựa, nhất là đoạn quan trọng nói về mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử: “Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ thời Hồng Bàng thời gian xa cách, trong lúc mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có thì bởi đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện cóp nhặt được đều là lượm lặt được ở tiếng vang, chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nếu lưu tâm nhận kỹ, có sức suy nghiệm thì ngọc và đá đều sẽ rõ ràng, những hình bóng tiếng vang của những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ…

Đoạn dẫn trên cho biết cơ sở tư liệu & phương pháp biên soạn của Hồ Tông Thốc rất gần gũi với nội dung điều 1 và điều 4 phần Phàm lệ Ngô Sĩ Liên trình bày trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt là ĐVSKTT): “Sách này làm ra gốc ở 2 bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và của Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại rồi khảo đính, biên tập mà thành” … “Những việc chép trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử, những việc quá quái đản thì bỏ đi không chép”. Đánh giá về phần Ngoại kỷ chép lịch sử từ họ Hồng Bàng đến hết đời An Dương Vương - phần biên soạn mới của Ngô Sĩ Liên, cố GS Phan Huy Lê viết: “Phải ghi nhậnđây là một cống hiến lớn lao của Ngô Sĩ Liên. Với phần bổ sung của ông, lịch sử thời đại mở nước mang tính chất nửa lịch sử nửa huyền thoại bao gồm đời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, An Dương Vương, lần đầu tiên được chính thức đưa vào chính sử”. (Phan Huy Lê: Ngô Sĩ Liên và ĐVSKTT in trong sách Phan Đại Doãn (CB): Ngô Sĩ Liên và ĐVSKTT Nxb Chính trị Quốc gia. H.1998, tr.14). Như vậy, nếu nói Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên chính thức đưa thời đại mở nước nửa lịch sử, nửa huyền thoại vào chính sử thì nói Hồ Tông Thốc là người khai sáng, người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta và nói Ngô Sĩ Liên là người kế thừa Hồ Tông Thốc là hoàn toàn xác đáng! Vì Việt Nam thế chí tuy là tác phẩm sử học nhưng chỉ là dã sử, không phải là chính sử do nhà nước phong kiến xưa chính thức tổ chức biên soạn) nên Ngô Sĩ Liên mới được xem là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử đó thôi!

Tử Quang viết tiếp: “Ngay thời Trần, ít nhất đã có 3 tác phẩm sử học ghi chép về thời Hùng Vương. Lĩnh Nam chích quái cho tới nay vẫn chưa xác định được niên đại, còn lại Việt điện u linh ra đời năm 1329 - thời điểm này Hồ Tông Thốc chưa thể viết Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục được bởi bấy giờ ông mới lên 5 tuổi…”. Tác giả còn trích dẫn rất dài dòng nội dung Lĩnh Nam chích quái, có cả chụp ảnh minh họa nhưng thật đáng tiếc, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh là 2 tác phẩm ghi chép truyền thuyết, thần thoại về thời mở nước chứ đâu phải là tác phẩm sử học! Chính Hồ Tông Thốc và sau ông là Ngô Sĩ Liên đã tham khảo nguồn tư liệu từ 2 tác phẩm này để viết các tác phẩm sử học của họ. Ngay tên sách Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam), Việt điện u linh 粵甸幽靈 (Tập truyện về cõi u linh của nước Việt, cụ thể là ghi chép những truyền thuyết về vác vị nhân thần được thờ phụng ở các đền miếu trên đất nước ta) đã cho ta nhận biết thể loại của tác phẩm. Người xưa xếp nó vào loại truyện ký hay truyện chí, còn các nhà nghiên cứu hiện đại xem đó là các tác phẩm văn học. Chính vì vậy, các bộ sách Từ điển Văn học Việt Nam, Lịch sử Văn học Việt Nam đều giới thiệu các tác phẩm này, trong khi đó bộ Lịch sử Sử học Việt Nam giới thiệu các tác phẩm Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục, còn Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linhchỉ được xem đó là những “mầm mống của sử học”. (Xin xem cuốn Lịch sử Sử học Việt Nam (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIX) của Đặng Đức Thi (Nxb Trẻ. 2000).

Nhân đây cần thiết phải nói thêm: Bài viết của tôi vốn được đăng lần đầu trên tờ Nghệ An cuối tuần ra ngày 12/12/2010, sau đó tôi còn cho đăng lại có bổ sung tư liệu trên Thông tin Khoa học Công nghệ Nghệ An số 1+2/2014. Điều rất đáng mừng là bài này cũng như nhiều bài báo khác của tôi được không ít bạn đọc đồng tình nên họ đăng lại trên các trang báo mạng, cả trên báo hải ngoại, trong đó có các tờ báo điện tử uy tín của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, báo Chính phủ…. Một số bài còn được đưa vào sách của các nhà xuất bản như Nxb Khoa học Xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Lao Động, Tạp chí Xưa & Nay v.v…, chưa kể Nhà xuất bản Nghệ An in các công trình của trường Đại học Vinh nơi tôi công tác. Khi đăng lại bài viết về Hồ Tông Thốc, có nơi ghi tên tác giả và dẫn nguồn, nhưng cũng có nơi lờ đi; lại có mấy nơi sửa lại ý của tôi khi nói Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào tác phẩm sử học của mình, hoặc đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử, điển hình là trường hợp TS Nguyễn Thành Hữu trong bài Hồ Tông Thốc nhà sử học lớn. Vị TS này sử dụng nguyên xi nhiều nhận định của tôi và hết sức tự nhiên xem là nhận định của chính mình. (Xin xem:…https://khoahocdoisong.vn/ho-tong-thoc-nha-su-hoc-lon-101794.html; https://khoahocdoisong.vn/ho-tong-thoc-nha-su-hoc-lon-ky-2-nguoi-dau-tien-dua-danh-xung-viet-nam-101792.html) (tin đưa ngày 3/5/2018).

Lần này đăng lại tôi lại tiếp tục bổ sung thêm nhiều tư liệu mới. Bài viết là kết quả một quá trình tìm hiểu công phu & vốn là phần đầu của luận văn: Bản lĩnh danh sĩ xứ Nghệ trong nền văn học Thăng Long đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thanh -Nghệ - Tĩnh với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nxb Khoa học Xã hội, 2010 (tr.100 - 107) và còn được sử dụng lại trong luận văn Thời đại Hùng Vương qua các thư tịch cổ (Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử dân tộc. Hà Nội, 9 - 2019, tr. 97-105).

Lại nữa, Tử Quang viết: “Bên cạnh đó, tác giả Hồ Sĩ Hùy cũng cho rằng: Hồ Tông Thốc là “người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương)”. Điều này cũng không đủ cơ sở khoa học bởi bộ sách Việt Nam thế chí đã mất, chỉ còn lại bài Tự chép trong Lịch triều hiến chương loại chí trong đó cho rằng sách Việt Nam thế chí có chép thế phả 18 đời vua Hùng và nhà Triệu. Tuy nhiên, chỉ mỗi thông tin như vậy, không một ai có thể dám đánh giá sử gia Hồ Tông Thốc “có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng” như tác giả Hồ Sĩ Hùy được”. Đây hoàn toàn chỉ là ý kiến chủ quan của Tử Quang. Sau tôi, không ít tác giả các trang báo mạng đã nhắc lại nhận định này. Ngay từ thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên chắc hẳn cũng đã đánh giá y như chúng tôi nên ông đã “triệt để tham khảo nguồn tư liệu” mà Hồ Tông Thốc đã chép trong quyển 1 Việt Nam thế chí. Trong bài Thời đại Hùng Vương qua nghiên cứu của một số học giả nước ngoài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử dân tộc. Hà Nội, 9 - 2019, tr. 64-72) TS Trần Thị Phương Hoa cho biết: “Theo học giả người Nga A.L.Fedorin (2012): “chính Ngô Sĩ Liên và các sử gia kế tục ông lần đầu tiên đưa phần Ngoại kỷ về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương vào chính sử Việt Nam. Giai đoạn này vốn không có trong sử liệu của Trung Quốc, cũng như trong một số thông sử Việt Nam trước khi có ĐVSKTT. Bắt đầu từ ĐVSKTT mới xuất hiện phần Ngoại kỉ. Đây là kết quả của việc ghi lại các truyền thuyết dân gian mà Hồ Tông Thốc đã thực hiện vào thế kỷ XIV và Ngô Sĩ Liên đã triệt để tham khảo nguồn tư liệu này” (chúng tôi nhấn mạnh). Hơn nữa, thông tin Phan Huy Chú cung cấp không hề sơ lược như Tử Quang đã biết mà nói rõ Việt Nam thế chí  gồm 2 quyển “quyển nhất chép thế phả 18 đời họ Hồng Bàng, quyển nhị chép thế phả họ Triệu, sự tích có phần rõ ràng, nhưng lời văn phần nhiều kỳ dị, cũng có thể bổ khuyết cho sử trước” như tôi đã dẫn ở phần trên. Như vậy, sau Ngô Sĩ Liên và các tác giả viết tiếp ĐVSKTT, Phan Huy Chú cũng là người đánh giá cao Việt Nam thế chí. Đặc biệt, việc Hồ Tông Thốc dành hẳn 1 quyển chép về thời đại Hùng Vương trong bộ sử chỉ có 2 quyển của mình khác xa trời vực với việc sách Lĩnh Nam chích quái ghi chép truyền thuyết cũng đã có một nhận xét: “Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy”! Trong 3 tác phẩm Tử Quang đã dẫn chỉ có 1 bộ sử là Việt sử lược. Tác phầm này hiện nay vẫn còn, gồm 3 quyển, quyển 1 từ thời Hùng Vương đến hết Tiền Lê, quyển 2 và quyển 3 chép từ Lý Thái Tổ đến hết thời Lý Chiêu Hoàng. Phần thời Hùng Vương chỉ có mấy dòng ở đầu quyển 1 đúng như Tử Quang và nhiều tác giả khác đã trích làm sao sánh được với cả quyển 1 của bộ Việt Nam thế chí! Đó là chưa nói tác phẩm này ra đời năm 1377 chắc gì đã có trước Việt Nam thế chí.

Tử Quang còn nhắc đến khái niệm “Quốc sử” thời Lý & sách Sử Ký của Đỗ Thiện. Để ngắn gọn, xin dẫn nhận định trong các bộ Lịch sử Sử học Việt Nam: “Lịch sử dân tộc vẫn chưa được tổ chức biên soạn, tuy rằng ở đời Lý đã có các sử quan chuyên ghi chép các sự kiện xảy ra trong triều đình và trong Nhân dân. Cho đến nay chúng ta không có về sách sử nào của thời Lý…” (Phan Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Cơ đồng CB: Lịch sử Sử học Việt Nam Nxb Đại học Sư phạm. 2003, tr.29). “Các bộ chính sử của ta không thấy nói tới 1 quyển sách là Sử Ký và tác giả của nó là Đỗ Thiện, nhưng trong sách Việt điện u linh có tới 6 lần nhắc đến sách Sử Ký của Đỗ Thiện, sách Lĩnh Nam chích quái cũng có 1 lần nhắc đến. Không biết sách Sử Ký ra sao, nhưng xét cách dẫn của Việt điện u linh và của Lĩnh Nam chích quái thì Sử Ký có nhiều khả năng là một sách thuộc loại truyện ký chứ chưa phải là một sách sử đích thực và càng không phải là Quốc sử. Tuy vậy, Sử Ký cũng là một trong những mầm mống của sử học nước ta” (Đặng Đức Thi: Lịch sử Sử học Việt Nam… Sđd, tr.17).

Lại nói “thời Hồng Bàng không đơn thuần chỉ là thời Hùng Vương … mà còn là thời trước thời Hùng Vương bao gồm các thời: Đế Nghi, Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân” như Tử Quang là nhầm lẫn. Đúng ra họ Hồng Bàng thì có 4 đời vua ấy, nhưng thời Hồng Bàng - thời mở nước thì chỉ có Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân (là ông nội & cha của Hùng Vương thứ nhất) và 18 đời Hùng Vương mà thôi! Đế Nghi, Đế Minh làm vua phương Bắc cơ mà! Thời Hồng Bàng chỉ sử cũ nhắc. Hàng loạt các công trình hiện đại chỉ nói đến thời đại Hùng Vương nên nói thời Hồng Bàng cũng là thời Hùng Vương thì có gì là lạ. Trước và sau tôi, nhiều người đã viết như vậy!

Ngoài ra, Tử Quang còn dẫn một số tác phẩm văn học, bi ký… tôi không bàn ở đây vì đó không phải là tác phẩm sử học để tránh tình trạng ông nói gà, bà nói vịt. Trong bài tôi nói rõ Hồ Tông Thốc là người chỉ ra xác đáng mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử và là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta hay nói chính xác hơn là đưa vào tác phẩm sử học của mình như có bạn đã sửa lại (như tôi đã dẫn trên) chứ chưa bao giờ nói ông là người đầu tiên viết về thời đại Hùng Vương.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441578

Hôm nay

2295

Hôm qua

2283

Tuần này

21482

Tháng này

216752

Tháng qua

112676

Tất cả

114441578