Diễn đàn
Về bài báo Bản lĩnh Hồ Tông Thốc… (trao đổi với tác giả Hồ Sĩ Hùy)
Trên vanhoanghean.com.vn vào 14:30 thứ sáu, ngày 03 tháng 6 năm 2022, tác giả Hồ Sĩ Hùy đã phúc đáp lại bài viết trao đổi của tôi trước đó. Nhận thấy bài viết này không có sức nặng để phản biện những vấn đề mà tôi đã nêu ra trước đó, nên tôi xin được trao đổi lại tiếp như sau.
Trước khi viết bất cứ một bài viết nào đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, tạp chí, hay kể cả là các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… tôi đều rất cẩn thận và tỉ mỉ. Vậy nên, khi đọc bài viết của tác giả Hồ Sĩ Hùy, tôi không “hiểu nhầm” mà đó là sự nhận xét trung thực khách quan. Việc tác giả Hồ Sĩ Hùy cũng “như bất cứ một tác giả nào khi viết các luận văn nghiên cứu lịch sử đều phải sử dụng các nguồn sử liệu và thừa hưởng kết quả của người đi trước mình” là đúng, nhưng từ đó bản thân tác giả phát triển thêm được những gì, mang lại giá trị như thế nào mới là điều đáng nói. Còn nếu cứ “xào nấu” và chắp ghép đơn thuần như vậy, thì ai ai cũng có thể làm được.
Còn trong bài viết về danh sĩ Hồ Tông Thốc đã đề cập ở đây, tác giả có giới thiệu rằng đã đăng hết nơi này qua nơi khác và khẳng định “Lần này đăng lại tôi lại tiếp tục bổ sung thêm nhiều tư liệu mới. Bài viết là kết quả một quá trình tìm hiểu công phu”. Thực sự tôi đọc mãi mà vẫn chưa thấy những tư liệu mới nào ngoài những thông tin đơn thuần, mà ai ai cũng có thể tìm kiếm được trên internet. Tác giả Hồ Sĩ Hùy phần nhiều đều viết bài theo lối chắp ghép và “xào lại” những thông tin cũ, chứ chưa hề có những luận cứ luận chứng mới mẻ được xây dựng nên bởi việc nghiên cứu từ tư liệu gốc. Điều này tạo nên hệ quả tai hại là ai đó viết như thế nào thì tác giả Hồ Sĩ Hùy chép lại y như vậy (chỉ thêm một vài câu tán tụng để câu văn khác đi một chút ít). Khi đã không phải là chính kiến, mà chỉ là đi chép theo, thì rất dễ dẫn đến việc “chép lại cái sai của nhau”. Những điều này đã dẫn tới việc tác giả Hồ Sỹ Hùy có nhiều khẳng định hết sức sai lầm, như: tên gọi “Thanh Chương” có từ sau năm 1729 (chép theo sách Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại), vua Lý Thái Tông là người không có học (chép theo bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư), Hai chữ “Nghệ An” không phải là điển tích (tự suy diễn)…
Điều tệ hơn là ngay cả trong bài viết về danh sĩ Hồ Tông Thốc, tác giả Hồ Sĩ Hùy lại đi bê nguyên bản dịch của người khác vào bài viết của mình mà không hề chú thích, khiến cho người đọc nghĩ rằng tác phẩm văn học đó chính là do tác giả Hồ Sĩ Hùy dịch thuật. Chúng ta dễ dàng nhận ra ở câu thứ 2 bài thơ Đề Hạng Vương từ có nguyên văn chữ Hán là “攜將子弟入關中。Huề tương tử đệ nhập Quan Trung”. Địa danh chính xác là “Quan Trung” nhưng trong bài viết của tác giả Hồ Sĩ Hùy lại là “Quang Trung”. Sở dĩ có việc như trên là bởi tác giả Hồ Sĩ Hùy “copy - paste” tác phẩm này trên internet và bê nguyên luôn cái sai của họ.
Bản thân tôi vẫn chưa hiểu tác giả Hồ Sĩ Hùy xưa nay chỉ đi “xào lại” những thông tin cũ, mà bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng và nhanh chóng trên internet. Viết bài như vậy thì viết làm gì?! Mới hay, việc nghiên cứu đích thực từ tư liệu gốc để đưa ra những luận cứ mới, thông tin mới, so với việc chắp ghép “xào nấu” thông tin cũ có một khoảng cách thật là to lớn.
Văn bia "Phổ Thành tự bi" tại tỉnh Bắc Ninh, do danh sĩ Hồ Tông Thốc soạn vào ngày 16 tháng 9 mùa thu năm Bính Ngọ niên hiệu Đại Trị thứ 9 (1366).
Bộ Việt Nam thế chí chỉ còn mỗi bài tựa được ghi lại trong Văn tịch chí của bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Những thông tin cơ bản như thế này bản thân tôi đã đọc và nắm được từ rất lâu. Thậm chí bản thân tôi còn sưu tầm được phần nguyên văn chữ Hán từ rất nhiều bản gốc khác nhau để thực hiện công tác văn bản học (đồng thời tự dịch thuật). Trong khi đó tác giả Hồ Sĩ Hùy chỉ đọc được mỗi bản dịch bằng tiếng Việt (do người khác dịch). Vậy thì chính tác giả Hồ Sĩ Hùy mới chính là người “không biết đầy đủ thông tin này”, hoặc có biết nhưng lại không đến nơi đến chốn.
Tác giả Hồ Sĩ Hùy cho rằng: “Xin thưa: Đúng là Việt sử cương mục không còn nhưng đại sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc kỹ & đánh giá rất cao tác phẩm này, xem nó vượt cả 2 bộ chính sử Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu & Sử Ký tục biên của Phan Phu Tiên như tôi đã trích dẫn trong bài, xin miễn nhắc lại.”
Ở một đoạn khác, tác giả Hồ Sĩ Hùy cho rằng “Ngay từ thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên chắc hẳn cũng đã đánh giá y như chúng tôi nên ông đã “triệt để tham khảo nguồn tư liệu” mà Hồ Tông Thốc đã chép trong quyển 1 Việt Nam thế chí”.
Đầu tiên, tác phẩm sử học của sử gia Phan Phu Tiên là Đại Việt sử ký, chứ không phải là “Sử Ký tục biên” như tác giả Hồ Sĩ Hùy đã viết. Trong bài tựa của sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) cũng cho thấy điều đó: “Bản triều, Nhân Tông lại sai quan tu sử Phan Phu Tiên chép tiếp từ Trần Thái Tông trở xuống cho đến khi người Minh về nước, đều gọi là Đại Việt sử ký”. Bản thân tôi vẫn chưa bao giờ thấy trong kho tàng thư tịch nước ta có tác phẩm nào với tên gọi “Sử Ký tục biên” như tác giả Hồ Sĩ Hùy đã viết.
Qua những điều trên, đã minh chứng cho nhận định của tôi về tác giả Hồ Sĩ Hùy là chỉ đi chắp ghép và xào nấu lại từ khuôn mẫu có sẵn do người khác viết ra, mà không hề có tư duy phân tích. Cho nên câu trước lại mâu thuẫn với câu sau. Tác giả Hồ Sĩ Hùy khẳng định Việt sử cương mục không còn, nhưng lại viết “đại sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc kỹ & đánh giá rất cao tác phẩm này, xem nó vượt cả 2 bộ chính sử Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu & Sử Ký tục biên của Phan Phu Tiên”
Trí tưởng tượng thật phong phú. Sách đã không còn thì sao sử gia Ngô Sĩ Liên có thể đọc kĩ và đánh giá rất cao tác phẩm này được? Ngay chính trong bài tựa của sách Đại Việt sử ký toàn thư sử gia Ngô Sĩ Liên đã khẳng định “Nhưng sau khi binh lửa, sách ấy không truyền. Như vậy hoàn thành bộ sử thật khó”. “Binh lửa” được ở đây chính là khoảng thời gian giặc Minh đô hộ nước ta (1407-1427), chúng đã tiêu hủy nhiều thư tịch có giá trị nhằm xóa bỏ nền văn hóa dân tộc ta. Như vậy thì đến khoảng thời gian mà sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn xong ĐVSKTT (1479), sách Việt sử cương mục đã không còn để tham khảo, nên sử gia Ngô Sĩ Liên mới cho rằng: “như vậy hoàn thành bộ sử thật khó”.
Mâu thuẫn chồng lên mâu thuẫn. Ở đầu thì tác giả Hồ Sĩ Hùy khẳng định sử gia Ngô Sĩ Liên xem bộ sách Việt sử cương mục “vượt cả 2 bộ chính sử Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu & Sử Ký tục biên của Phan Phu Tiên” nhưng ở sau lại trích dẫn từ ĐVSKTT rằng: “Sách này làm ra gốc ở 2 bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và của Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại rồi khảo đính, biên tập mà thành”.
Việt sử cương mục được xem là vượt trội hơn Đại Việt sử ký và Sử ký tục biên, và “đại sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc kỹ & đánh giá rất cao”, vậy mà khi biên soạn ĐVSKTT, sử gia Ngô Sĩ Liên lại không hề lấy đó làm gốc, và cũng không hề có một câu nào trích dẫn từ đó. Lạ lùng quá!
Cũng theo bài tựa trong ĐVSKTT đã trích dẫn ở trên, rõ ràng sử gia Ngô Sĩ Liên không hề kế thừa một câu chữ nào từ 2 tác phẩm Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục của danh sĩ Hồ Tông Thốc (vì sách đã không còn thì làm sao mà kế thừa được), mà ngoài lấy Đại Việt sử ký làm gốc ra, thì còn “…tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại rồi khảo đính, biên tập mà thành”. Như vậy, rõ ràng việc đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta có từ 2 tác phẩm Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái mà chính bản thân tôi đã nêu ra từ trước. Tác giả Hồ Sĩ Hùy lập luận vòng vo, mâu thuẫn, một mặt không thừa nhận những quan điểm của tôi, nhưng sau cùng lại khẳng định tán thành với tôi: “Chính Hồ Tông Thốc và sau ông là Ngô Sĩ Liên đã tham khảo nguồn tư liệu từ 2 tác phẩm này để viết các tác phẩm sử học của họ”. Và như vậy thì rõ ràng, nhận định: “…con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào lịch sử nước ta” của tác giả Hồ Sĩ Hùy là hoàn toàn không chính xác.
Tuy nhiên, ở đoạn sau, chắc hẳn tác giả Hồ Sĩ Hùy đã nhận thấy mình sai lầm, nhưng vẫn không thừa nhận mà lại vòng vo, lập lờ khi cho rằng: … “nên Ngô Sĩ Liên mới được xem là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử đó thôi!”. Tôi phản biện với tác giả Hồ Sĩ Hùy là ở chỗ: danh sĩ Hồ Tông Thốc không phải là người đưa thời đại Hùng Vương vào LỊCH SỬ nước ta (và sử gia Ngô Sĩ Liên không kế thừa từ đó), chứ không phải ở chỗ: “Ngô Sĩ Liên mới được xem là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử đó thôi!”. Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử thì ai cũng đã công nhận, việc gì phải bàn đến nữa.
Tác giả Hồ Sĩ Hùy cho rằng: “…Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh là 2 tác phẩm ghi chép truyền thuyết, thần thoại về thời mở nước chứ đâu phải là tác phẩm sử học…”. Thực sự tôi hơi lạ, lẽ nào tác giả Hồ Sĩ Hùy lại không biết tới khái niệm “văn sử triết bất phân”. Vậy chẳng lẽ vì “Liệt truyện” mà Sử ký lại không phải là một tác phẩm sử học?! Lại nữa, tác giả Hồ Sĩ Hùy cho biết: “Ngoài ra, Tử Quang còn dẫn một số tác phẩm văn học, bi ký… tôi không bàn ở đây vì đó không phải là tác phẩm sử học để tránh tình trạng ông nói gà, bà nói vịt”. Sao lại có thể không bàn đến những cứ liệu quan trọng như thế này được, khi mà người Việt lúc bấy giờ (trước danh sĩ Hồ Tông Thốc) đã nhắc rất nhiều tới thời đại Hùng Vương và đặc biệt là đã xuất hiện tín ngưỡng thờ phụng các nhân vật lịch sử của thời đại đó. Thời đại Hùng Vương phải được ghi chép trong sách lịch sử thì người nước ta khi ấy mới biết đến rõ ràng và đưa vào tác phẩm của họ chứ.
Cuối cùng, tác giả Hồ Sĩ Hùy cho rằng “Thời Hồng Bàng chỉ sử cũ nhắc. Hàng loạt các công trình hiện đại chỉ nói đến thời đại Hùng Vương nên nói thời Hồng Bàng cũng là thời Hùng Vương thì có gì là lạ. Trước và sau tôi, nhiều người đã viết như vậy!”. Không quan trọng là nhiều người hay ít người viết như vậy, mà quan trọng là viết như vậy có đúng hay không mà thôi. Cũng như nhiều người đã viết tên gọi Thanh Chương có từ sau năm 1729; vua Lý Thái Tông không có học… mà bản thân tác giả Hồ Sĩ Hùy đã chép lại y hệt; nhưng rồi cũng sai cả đấy thôi. Tôi xin khẳng định lại rằng: họ Hồng Bàng không chỉ là 18 đời vua Hùng như tác giả Hồ Sĩ Hùy đã viết, mà còn là các đời trước đó nữa.
tin tức liên quan
Videos
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Điển cố trong Truyện Kiều
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan
Bàn thêm về phân tầng xã hội ở nước ta trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945
Thống kê truy cập
114489430
2307
2310
21240
216742
120271
114489430