Người xứ Nghệ
Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn với Mặc Ông sứ tập
Cách đây ngót 10 năm, ông Đinh Nho Liêm có nhờ tôi tìm cho ông một tài liệu. Đó là cuốn Mặc Ông sứ tập của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn. Nhà ngoại giao Đinh Nho Liêm là hậu duệ của cụ Đinh, muốn nhờ tôi dịch cho cuốn ấy để lưu truyền trong gia tộc.Nhưng vấn đề không chỉ có như vậy, bởi vì Mặc Ông sứ tập là cả một di sản thơ, cần được giới thiệu rộng rãI với mọi người. Rất mừng là nay Nhà xuất bản Văn học đã cho ấn hành tác phẩm này.
Họ Đinh xã Sơn Hoà huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh là một dòng vọng tộc đất Hoan Châu. Tộc phả cho biết gốc tích dòng họ là hậu duệ của Đại tướng quân Đinh Điền, tông thất nhà Lê ở Trường Yên (Ninh Bình), nhưng phả chỉ ghi được từ thuỷ tổ Đinh Phúc Diên là thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu thuộc phe phù Lê chống Mạc. Sau khi Lê Tuấn Mậu bị sát hại, Đinh Phúc Diên và hai em là Phúc Tiên và Phúc An đưa gia quyến lánh vào Nghệ An. Phúc Diên định cư ở làng Bình Hoà (nay là xóm 3 xã Sơn Hoà) huyện Hương Sơn; Phúc Tiên lập nghiệp ở Nghi Lộc và Phúc An ở huyện Hưng Nguyên. Phả dòng Phúc Tiên là chi thứ ở làng Kim Khê (nay thuộc xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có vài dị biệt: anh em Đinh Phúc Diên có 4 người chứ không phải 3, nhưng ông út về sau tung tích không rõ. Bà mẹ và anh em Phúc Diên lúc đầu đến Kim Khê, sau chỉ Phúc Tiên ở lại, còn ông trưởng là Phúc Diên qua sông Lam lên lập nghiệp ở Sơn Hoà, Hương Sơn. Tham khảo gia phả họ Đinh làng Hàm Giang (nay thuộc TP Hải Dương) là họ của Đinh Văn Tả - cũng ghi thủy tổ họ này là Đinh Phúc An. Nhưng phả này có ghi người cháu xa đời đã từng làm gia lệnh ở cung Cung vương (sau lên ngôi là vua Lê Thánh Tông), so với phả họ Đinh Sơn Hoà còn có khoảng xa chưa khớp. Các cụ dòng họ Đinh các chi nói trên hiện vẫn tiếp tục sưu tầm, xác minh để viết phả của dòng họ.
Cụ Đinh Nho Công (1637-1695), hậu duệ đời thứ bảy của cụ Đinh Phúc Diên từ Bình Hoà dời xuống lập nghiệp ở làng Gôi Mỹ (nay cũng thuộc xã Sơn Hoà). Cụ cũng làm lụng ruộng vườn, nhưng chuyên chú kinh sử, thi hương đỗ Giải nguyên, thi Hội rồi thi Đình, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), trở thành tổ khai khoa của dòng họ. Cụ Đinh Nho Công trước giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, sau đựoc điều về kinh thăng Thiêm đô ngự sử. Cụ có 2 vợ, sinh 6 con trai. Người con thứ 6 của cụ là Đinh Nho Côn sang định cư ở làng Thanh Liêu –nay là xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương, Nghệ An, lập thành một ngành thứ của họ Đinh Hương Sơn. Đến đời thứ 4 ngành thứ này có Tiến sĩ Đinh Nhật Thận( Minh Mệnh Mậu Tuất, 1838). Do quen thân Cao Bá Quát, Đinh Nhật Thận liên luỵ bị bắt giam. Trong ngục thất, Nhật Thận sáng tác bài Thu dạ lữ hoài ngâm giãi bày nỗi oan khuất của mình. Ngôn từ chân thành ai oán của khúc ngâm khiến các triều quan xúc động, nhờ đó Đinh Nhật Thận được tha và khúc ngâm Thu dạ lữ hoài cũng nổi tiếng trong lịch sử văn học.
Do ngành thứ đã tách ra, dòng trưởng vẫn ở quê cũ tại Sơn Hoà, từ đó được gọi là họ Đinh Nho, con cháu về sau đông đúc, nhiều người thành đạt.
Đinh Nho Hoàn tự Tồn Phác, hiệu Mặc Trai (cũng gọi là Mặc Ông), là con thứ ba của cụ Đinh Nho Công và phu nhân Đặng thị, sinh ngày 5 tháng 10 năm Tân Hợi niên hiệu Cảnh Trị 9 (7-11-1671). Thông minh hiếu học, từ nhỏ được cha kèm học, sau về Kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư. 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700). Chính sử như các sách Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục v.v…không thấy chép trước khi đi sứ (1715) giữ chức gì. Nhưng chính Đinh Nho Hoàn cho biết:
“Cha mẹ tôi có 12 con, Mặc Trai tôi là con thứ. Khoa Canh Thìn 30 tuổi thi Hội đỗ thứ hai, vào thi Đình được ban Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Tháng trọng thu (tháng 8) năm Nhâm Ngọ (9-1702) phụng sai Sơn Tây xứ.Tháng mạnh thu (tháng 7) năm Giáp Thân (8-1704) phụng sai đốc trấn Cao Bình …”.
Như vậy, sau khi thi đỗ, Đinh Nho Hoàn làm Hậu bổ Hàn lâm viện khoảng 2 năm rồi được bổ chức Tham chính xứ Sơn Tây, chưa đầy 1 năm lại được điều bổ chức Đốc trấn phủ Cao Bình (tức Cao Bằng). Thời gian ở Cao Bằng ông thi hành nhiều việc lợi dân, như sửa đường, phá ghềnh đá cho thuyền bè đi lại giao thương dễ dàng. Thuyền buôn của người Trung Quốc (Khách thương) sang buôn bán trước phải chờ đợi lâu mới được khám hàng cho lưu thông. Thời cụ Đinh làm Đốc trấn có lệnh khám hàng phải làm nhanh chóng, thuận tiện cho chủ hàng. Nhớ ơn việc ấy, Hoa thương ở Cao Bằng góp tiền dựng một tấm bia trước cửa nhà Hội quán để ca ngợi công đức của Đinh đốc trấn. Không thấy tài liệu nào ghi Đinh Nho Hoàn làm Đốc trấn Cao Bằng bao nhiêu năm. Nhưng thơ ông có bài ghi chuyện trên đường đi sứ gặp lại một người Hoa quê Phúc Kiến sang làm ăn buôn bán ở Cao Bằng: “Từ khi chia tay người ấy đến nay đã 5 năm mới gặp lại”, như vậy có căn cứ đoán định ông ở Cao Bằng đến khoảng năm 1710 được điều về kinh. Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép Đinh Nho Hoàn làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, tức là chức quan của ông sau khi từ Cao Bằng về, và chức vụ “Thượng bảo tự khanh” khi đi sứ là chức quan giữ ấn triện ở Hàn lâm viện. Còn về chuyến đi sứ năm 1715, các bộ sử (đã dẫn) đều ghi thống nhất: “Năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), mùa xuân, tháng giêng, sai sứ sang nhà Thanh”. Cương mục ghi đủ chức tước: Chánh sứ là Hộ bộ Tả thị lang Nguyễn Công Cơ, Thái bộc tự khanh Lê Anh Tuấn. Phó sứ là Thượng bảo tự khanh Đinh Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng.
Sứ bộ lên đường giữa tháng 2-1715, đi cả bằng thuyền bằng xe, đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh nay) dâng quốc thư và lễ vật vấn an chúc thọ rồi lên đường về nước. So với một sứ bộ khác đồng thời ( chẳng hạn sứ bộ Hồ Phi Tích lên đường 4-1721 về 9-1722) thì sứ bộ Nguyễn Cong Cơ về sớm khoảng hơn một tháng rưỡi vì trong đoàn xẩy ra một sự việc rất đau buồn: Phó sứ Đinh Nho Hoàn không may lâm bệnh đã mất trong chuyến đi sứ. Gia phả họ Đinh Sơn Hoà ghi cụ lâm bệnh, khi về đến Vũ Hán thì qua đời. Tuy vậy, sau khi đọc di cảo của cụ, tôi thấy bài thơ có địa danh xa nhất của cụ là bài Quá Hoàng Hà làm khi sứ bộ đã vượt sông sang địa phận tỉnh Hà Bắc mà không thấy có các bài viết ở Yên Kinh. Sau bài đó đã thấy nói đến việc cụ bị ốm (Bệnh trung ức Tú Thuỷ tiên sinh), nhưng có lẽ lúc ấy bệnh mới phát, cụ còn tỉnh táo làm thơ được. Tiếp sau là ba bài Tụng chúc thọ vua Thanh. Có thể do lo trước về sức khoẻ nên cụ đã làm trước ba bài này để có sẵn khi sứ bộ vào cung hành lễ. Sau ba bài Tụng ấy không có bài nào ghi lại bất cứ cảm tưởng hay cảnh vật nào ở Yên Kinh. Đọc kỹ lại bài Dẫn đầu tập di cảo thấy con rể cụ là Nguyễn Trọng Thường cũng viết: “Tiếc là không may cụ đã từ trần ở ngoài thành Yên Kinh”. Như vậy có thể xác định Đinh Nho Hoàn không phải mất trên đường về mà là trên đường đi – lâm bệnh khi mới vào địa phận tỉnh Hà Bắc, đến vùng gần Yên Kinh thì qua đời. Đến nơi, sứ bộ dâng biểu cáo tang lên triều đình. Vua Thanh sai quan bộ Lễ bạn tống sứ bộ là Cam Lai đến làm lễ dụ tế, cho khâm liệm trong quan ngoài quách [1] để sứ bộ chuyển theo khi về nước. Do có việc buồn, sứ bộ làm xong thủ tục dâng biểu và lễ vật chúc mừng vua Thanh, nghỉ ngơi hơn mười ngày rồi khẩn trương lên đường về nước. Vừa đường bộ vừa đường thuỷ, tháng 4 năm Bính Thân (5-1716) sứ bộ Nguyễn Công Cơ về đến Thăng Long, cả đi về mất ngót 16 tháng. Chánh sứ Nguyễn Công Cơ vào triều tâu việc tang của Đinh phó sứ, triều đình sai Hữu thị Lang bộ Lễ Tạ Đăng Huân – người đỗ cùng khoa với quan Phó sứ đến làm lễ dụ tế, truy tặng Phó sứ Đinh Nho Hoàn chức Lại bộ Thượng thư. Không thấy sử ghi tước hiệu của vua ban cho cụ Đinh trong dịp ấy, nhưng người đi sứ giữ tròn danh tiết mà chết dọc đường thường được ban tước Đại vương, phong phúc thần. Phả họ Đinh Sơn Hòa cũng ghi ngài được phong phúc thần, hiệu là “Đắc đạt đại vương Tuấn lương lượng trực Đoan túc dực bảo trung hưng chi thần”. Trong họ đến nay vẫn xưng “Mặc Trai đại vương” hoặc “Đại vương tử” vì còn có bậc trên là cụ Đinh Nho Công được gọi là “Đại vương phụ”.
Sở dĩ có điều tạm coi là sử bỏ sót đó, thiển ý của tôi nghĩ rằng tiếp theo cái chết của Đinh Nho Hoàn còn có việc vợ thiếp cụ Đinh là bà Phan thị tuẫn tiết. Đó là sự kiện rất nổi bật trong con mắt các sử gia, cho nên các bộ sử đều ghi: “ Tháng 10 năm Định Dậu (11-1717) vua biểu dương bà Tiết phụ Phan thị”, nhân việc bao phong đó mà ghi gộp cả việc Đinh Nho Hoàn mất trên đường đi sứ, tiếp sau bỏ sót không ghi thụy hiệu tước hiệu vua ban cho chính viên Phó sứ không may đã qua đời.
Sự kiện bà Phan thị tuẫn tiết được rất nhiều sử sách nói đến, nổi tiếng hơn cả chuyến đi sứ của chồng bà là Đinh Nho Hoàn. Dưới chế độ phong kiến, không những lòng trung thành của bề tôi đối với vua, mà cả lòng trung thành của vợ đối với chồng cũng được đề cao rất mực. Bà Phan thị được dự vào hàng những phụ nữ vẻ vang đó. Bà Phan thị Viên ( Phan thị ) là con quan Thủ bộ họ Phan làng Do Lễ huyện Hưng Nguyên, về nhà chồng năm 18 tuổi [2]. Ngày quan Hoàng Giáp lên đường đi sứ, bà qua sông Nhị Hà theo tiễn đến trạm Lã Côi (Gia Lâm). Quan Hoàng giáp cởi chiếc áo đang mặc đưa cho bà - như lời trong câu ca dao: “Để đêm thiếp đắp, ban ngày xông hương”. Không ngờ tin dữ báo về, Phan thị đau xót câm lặng, viết thư tuyệt mệnh từ tạ nhà chồng, rồi dùng ngay tấm áo chồng đưa dạo trước làm dây treo lên xà ngang thắt cổ tự tử. Cả họ Đinh bàng hoàng: năm trước Hoàng giáp Mặc Ông qua đời, mới 45 tuổi, tiếp đến bà Phan thị tuẫn tiết, chỉ mới ngoài đôi mươi. Triều đình tâu lên, vua Lê phong cho Phan thị tước hiệu: “Trinh nhất Á thận phu nhân”, sai lập từ đường và ban biển vàng để hai chữ “Tiết phụ” [3].
Ông bà Mặc Trai không có con trai, chỉ có hai người con gái, trong đó có một người chồng là Nguyễn Trọng Thường người làng Trung Cần huyện Thanh Chương -nay là thôn Trung Cần xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Trọng Thường ba năm trước khi bố vợ đi sứ đã đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn Vĩnh Thịnh 8 (1712), về sau làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Lại.
Sau ngày an táng cụ Phó sứ, di vật của cụ cũng được triều đình chuyển về quê cho gia đình. Tất cả vẫn để nguyên trong chiếc rương sơn son vốn là đồ đựng hành trang của quan Phó sứ. Ít lâu sau Nguyễn Trọng Thường mở hòm kiểm lại các di vật, tìm thấy bản thảo các bài thơ của nhạc phụ làm trên đường đi sứ. Ông Nguyễn bèn sắp xếp các bài theo nhật trình, ghi thêm ít chú thích, rồi viết một bài Dẫn và đặt tên cho tập sách là Mặc Ông sứ tập.
Bài Dẫn có đoạn viết:
“Năm Ất Mùi (1715) nhạc phụ tôi vâng mệnh đi sứ Bắc quốc (nhà Thanh). Phàm những nơi đi qua cụ đều có thơ về vịnh. Thơ quốc âm (chữ Nôm) và thơ Đường luật làm sáng nghĩa cho nhau, hoặc dùng Ngũ ngôn, hoặc dùng Thất ngôn không giống nhau, mà về thể loại lại rất đầy đủ. Nói tóm tắt thì ngoài hai đầu mối chính là trung với vua và hiếu kính cha mẹ mà thôi. Tiếc là không may ông đã từ trần ở ngoài thành Yên Kinh!”
Như lời Nguyễn Trọng Thường, thơ đi sứ của Mặc Ông có cả thơ Nôm và thơ Đường luật (chữ Hán), hai phần làm “sáng nghĩa” cho nhau. Nhưng trong Mặc Ông sứ tập hiện còn chỉ có tất cả 103 bài đều là chữ Hán, không có phần thơ quốc âm (Nôm). Vấn đề này hiện chưa rõ ra sao: Trong số di cảo của Mặc Ông có cả Thơ Nôm mà văn bản hiện còn không có phần ấy, hay những thơ Nôm ấy được chép thành tập riêng ? Nếu vậy thì cần lưu tâm tìm kiếm – Nhưng trong các sử sách và thư mục mà tôi đã đọc thì không thấy tài liệu nào nói đến các sáng tác thơ Nôm của Đinh Nho Hoàn.
Lạ lùng thay là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường sau này cũng gặp hoạn nạn như bố vợ: Năm Long Đức 3 (1734) ông cũng vâng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, khi trở về đến Hán Khẩu không may cũng lâm bệnh qua đời. Nhưng việc này chính sử cũng bỏ sót, may có Lịch triều đăng khoa lục, và Nghệ An ký có ghi[4], cho nên chúng ta mới biết việc hy hữu trong lịch sử ngoại giao đi sứ của nước ta: cùng trong một gia đình (bố vợ, con rể), cùng một việc (đi sứ), cùng một cái chết (lúc đang đi đường). Người xưa nói chim hồng bay xa, vết móng còn in trên bãi cát, các truyền bản Mặc Ông sứ tập của Đinh Nho Hoàn còn lại cho hậu thế cũng như vết móng ấy của chim hồng!
Mặc Ông sứ tập hiện còn 3 văn bản đều của Viện NC Hán Nôm: Bản A. 2823; bản VHv. 1443 và bản A. 1409. Ngoài ba bản ấy, trong một sách khác có tên Chỉ Trai văn tập (VHv.97) cũng có chép thơ của Mặc Trai. Trong số đó, bản A.1409 theo chữ viết và con dấu bết là bản do Viện Viễn đông Bác cổ (cũ) sao chép. Người chép sách không ghi rõ theo bản gốc nào, nhưng qua so sánh có thể xác định bản chép này căn cứ vào một hoặc cả hai bản kê trên. Trong hai bản đó, đáng chú ý hơn cả là bản A.2823. Bản này đầu sách đóng kèm với một tờ giấy cũ của tri huyện Vũ Nhai (Thái Nguyên) là Hoàng Đình Đạt tước Đạt Tài tử [5]. Xem chữ viết thì thấy cả tập thơ Mặc Ông đóng sau tờ giấy đó cũng cùng một nét chữ của Hoàng Đình Đạt. Bản này chữ tên huý các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều kiêng huý đầy đủ đúng thể cách, nhưng tên huý vua Thành Thái - như chữ Chiêu trong câu: “今?辰?啣?詔t憩?昭?城?Kim thìn hàm chiếu khệ chiêu thành”(tờ 11a) viết nguyên dạng không kiêng huý. Điều đó xác nhận văn bản này được sao chép trong thời Tự Đức (1848-1883). Tuy nó không phải là một bản chép có từ thời của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, nhưng là một truyền bản có xuất xứ niên đại được xác định, rất đáng quý. Bản A.97 đóng chung trong Chỉ Trai văn tập cũng có nguồn gốc trong nhân dân. So với A.2823 thì bản này chỉ giữ mấy chữ huý của Tự Đức còn chữ huý các vua Gia Long Minh Mệnh không viết kiêng, mà chữ Chiêu huý Thành Thái cũng không kiêng, có thể xác định bản này chép trong khoảng niên hiệu Đồng Khánh (1886-1887). Khi biên tập để đưa nguyên văn chữ Hán vào lần xuất bản này chúng tôi một mặt căn cứ vào bản A.1409 là bản chép chữ chân rõ ràng dễ đọc, một mặt đối chiếu từng chữ để so với các bản đã dẫn trên, cố gắng chỉnh lý các chữ chép sai chép sót mà không một bản nào có thể tránh khỏi.
Tình cờ mà vị sứ thần đầu tiên của Đại Việt cũng là một người họ Đinh, đó là Nam việt vương Đinh Liễn (đi sứ năm 972). Người đi sứ có thơ truyền lại sớm nhất (1 bài) là Đinh Củng Viên (? - 1294) cũng là một danh sĩ họ Đinh đời Trần.
Triều Lê sơ đến hơn 30 đoàn đi sứ, nhưng không có vị nào còn nguyên cả tập, chỉ 15 vị hiện còn từ một hoặc vài bài: Phan Phu Tiên 3 bài, Nguyễn Khắc Hiếu 4 bài, Lê Thúc Hiển 3 bài, Trình Thanh 11 bài, đặc biệt Lê Hoằng Dục và Đàm Văn Lễ mỗi vị đều còn 31 bài là nhiều nhất – nhưng tất cả đến nay vẫn còn lưu nguyên dạng trong các sách sưu tập mà chưa từng được công bố.
Tôi đọc thơ Đinh Nho Hoàn, thoạt đọc dăm bài đã cảm thấy một cái gì đó rất khác lạ. Trước hết thấy tập Mặc Ông khác với nhiều thơ sứ trình khác thường có những ghi chép tỉ mỉ: ngày tháng nào đi qua đâu, dừng nghỉ yết kiến thăm viếng các nhân vật di tích danh thắng nào v.v… Cả tập Mặc Ông chỉ có vài chú thích di tích, địa điểm, vài ngày tháng như 19 tháng năm Lễ chính mừng thọ vua, ngày giỗ mẹ v.v… Bất giác nhận ra tác giả Mặc Ông chỉ chú tâm vào các vần thơ thôi. Cả tập hầu như vắng bóng những ngôn từ khuôn sáo như thánh thượng, thánh cung, van thọ vô cương v.v…Lướt qua bài đầu tiên nói việc sứ bộ qua sông Nhị, tưởng như muốn lướt đi nhanh hơn, nhưng chỉ đến câu thứ ba đã thấy ý vị mới mẻ:
天香惹透千重水
碧練平鋪十里蘭
(Thiên hương nặc thấu thiên trùng thủy
Bích luyện bình phô thập lý lan)
Hương trời thơm nức thấm cả ngàn lớp nước
Làn sóng như tấm lụa xanh ngọc trải ngang mười dặm.
Cao Thế Lữ dịch:
Hương trời thơm nức muôn trùng nước,
Sóng Nhị rờn xanh mấy dặm mờ.
Thái Kim Đỉnh dịch:
Nghìn trùng nước biếc hương thơm ngát,
Mười dặm sông xanh sóng trải cùng.
Đinh Phạm Thái dịch:
Hương trời thơm thấu muôn làn nước,
Sóng lụa xanh phơi chục dặm mờ.
Qua sông lớn người ta thường nói sóng cuộn, dòng trôi, câu thơ đây của Mặc Ông lại bắt được cả trên sông làn hương trời thấm đượm, thi tứ thật kỳ thú thanh tân. Bài Qua trạm Lã Côi đặt ta vào vị trí như đứng trước một bức tranh: Sau cơn mưa những tia nắng hình ốc xoè ra trên rặng núi xa, người lính trạm gò cương trên lưng ngựa từ xa quay lại để báo tin cho sứ bộ biết sắp đến trạm Lã Côi, nền trời xanh in bóng một nhà sư chống gậy đi mải miết trên con đường xa thẳm, còn đoàn xe của sứ bộ thì sắp đi qua ngôi miếu cổ dưới lùm cây đang vang lên tiếng kêu hót của đn chim. Họa sĩ vẽ tranh bằng bột màu thuốc
nước, thi sĩ Mặc Ông dệt ngôn từ thành bức tranh. Nghệ thuật chính ở nơi những sợi tâm hồn tinh tế đón bắt những chiếu xạ trong không gian ngoại vật xa xôi. Thơ Mặc Ông quả có được như thế chăng?
Vẫn trên đường đi, chỗ bãi núi vô danh đẹp như bức tranh ấy ít lâu sau Mặc Ông còn nhớ đến một lần nữa: Vẫn rặng núi đó, nhưng lần này là với những hàng nhạn đang bay ngang qua bầu trời thơ rất mực cổ điển:
馬高衡嶺千行雁
氣壓天蹻萬碟城
(Mã cao hành lĩnh thiên hàng nhạn
Khí áp thiên kiêu vạn điệp thành)
Bóng ngựa cao ngang với ngọn núi có nghìn hàng chim nhạn bay qua,
Khí nhẹ đẩy bầu trời lên cao, mây đùn như vạn chiếc đĩa úp.
Giữa mênh mông, ngựa vì đứng gần nhà thơ nên bóng nó in trên nền trời cũng cao ngang bằng rặng núi đằng xa – một bức tranh cổ nhưng tuân thủ rất chính xác quy tắc viễn cận của hội họa hiện đại. Những câu thơ đẹp như vậy phải coi là một thông điệp mỹ học vượt ngàn lớp thời gian để đến với chúng ta. Ở đây tuyệt không có tính sử liệu hoặc lời giảng đạo đức nào, chỉ thuần thúy một cảm xúc mỹ học của Mặc Ông mà thôi.
Bài thứ 5 trong tập ghi việc gặp lại một người quen khi còn ở Cao Bằng. Không thấy ghi rõ địa điểm nhưng nơi gặp có lẽ ở Đoàn thành tức thành Lạng Sơn. Một đêm trăng trên ngôi thành nơi sơn cước:
銀散滿城遊子月
金吹千里故人風
Ngân tán mãn thành du tử nguyệt,
Kim xuy thiên lý cố nhân phong.
Đọc kỹ bài này, tôi phải ngước lên để hình dung một cảnh đêm nhiều mây có những đám mây bạc bay nhanh trên bầu trời, bất ngờ sau lùm cây hoặc từ trong một đám mây đen nặng, mặt trăng bất ngờ hiện ra. Tôi đã từng gặp vài ba lần như vậy mà mỗi lúc đều có cảm tưởng như phải giật mình, bởi như mắt thấy không phải là mây, mà chính là mặt trăng đang chạy trên bầu trời. Đó là ý nghĩa chính xác của ba chữ “du tử nguyệt 遊子月”: mặt trăng – cái anh chàng lang thang (du tử). Thi nhân ngày xưa biết bao người đã ví mặt trăng như chị Hằng Nga, như cung Quảng Hàn, chẳng dám chắc có ai đã có cụm từ tuyệt mỹ “du tử nguyệt” như Mặc Ông dành tặng cho “chị Hằng”? Mặt trăng như anh chàng lang thang trên bầu trời đêm, một cảm xúc thơ thật đặc sắc, thật nhẹ nhàng mà rộng lớn biết ngần nào. Cuộc du chơi của “chàng lang thang” đó đã gây nên cái gì? Không, không gây ra cái gì cả, chỉ là rắc đầy ánh bạc trên ngôi thành nơi sơn cước mà thôi. Nhớ đến bức tranh trời đêm thành cổ rắc đầy ánh bạc ấy, tâm hồn dù mệt mỏi mấy có thể cũng thanh thản được vài phần. Không biết có phải đó là một phần nào ý nghĩa của thơ ca cổ đối với hiện đại hay không, chỉ biết rằng với câu thơ ấy tôi và ông bạn Đinh Phạm Thái mỗi lần gặp nhau là nhắc nhỏm, thưởng thức, bình luận mãi không dứt ra được.
Câu trên đã hay như vậy, câu dưới có lẽ cũng không thể xoàng:
Kim xuy thiên lý cố nhân phong
Từ phía tây thổi đến ngọn gió đã từng thổi qua người xưa khi đi trên con đường thiên lý vàng thu này. Ôi, đến câu này thì cả tôi , nhưng nhất là Đinh Phạm Thái nét mặt biểu lộ xúc động thực sự. Không phải là ngọn gió bình thường mà là ngọn gió từ thời xa xưa nào đã thổi qua các đoàn đi sứ đã từng đi trên con đường này. Câu thơ đọc qua cũng bình dị, nhưng cấu tứ kinh lạ biết dường nào. Cũng là con đường, cũng ngọn gió, nhưng chỉ những câu thơ thực sự có chất thơ mới có thể làm rung động tâm hồn người đọc như thế được. Không phải ngọn gió đã từng thổi qua sứ bộ của Mặc Ông, mà cả chỗ tôi chỗ anh cũng có ngọn gió đã từng thổi qua người xưa! Văn học của ta cũng có những viên ngọc như thế, tiếc là ta dường như có phần thiên vị, thường chỉ đề cao một số ít nào còn số nhiều khác thì chưa mấy lưu tâm.
Trong thơ Mặc Ông có một ngọn núi tên Kê Sơn – núi Gà, có lẽ đó là một hòn núi nhỏ ở huyện Hương Sơn. Đứng trên dốc không cao lắm của ngọn núi đó nhìn xuống chưa hết tầm có một chòm hai ngọn cây cao chơ vơ bên cạnh một lối mòn. Hai cây ấy, một cây là cây trăn – âm Hán Việt là “trăn” mà tên thường gọi cũng là “trăn”, một loại cây ngày trước người ta hay lấy nhựa để làm bả chim, hình như nhựa ấy còn dùng để chế chất sơn mài, nó có đặc điểm là đụng vào thường bị ngứa. Một ngọn là cây hạt dẻ (cây lật). Hai cây ấy đã đứng đó bao năm nhìn theo thôn dân làng Gôi Mỹ mỗi khi có việc đi đâu xa gần. Đến lượt nó, có một người khi sắp qua biên giới, đang ngoái đầu nhìn về phía nó từ phương trời xa. Người đó là Mặc Ông. Nhưng dưới lùm cây Mặc Ông còn như nhìn thấy một cảnh nhỏ có lẽ cũng hay gặp thường ngày: một con ngựa vẫn thồ hàng lâm thổ sản xuống bán dưới các chợ xuôi, giờ đy nó đang đứng yên nghỉ ngơi, phía trước nó có vài chàng trẻ tuổi đang đánh đàn ngâm hát:
故園榛栗雞山下
遊子詩琴馬首前
Cố viên trăn lật Kê sơn hạ,
Du tử thi cầm mã thủ tiên.
Cảnh miền quê sơn cước mới đẹp làm sao, ước gì một sớm tạm xa chốn phồn hoa xe cộ nườm nượp để trở về du ngoạn trong cảnh mộng của người xưa.
Qua cửa Nam Quan là một ngày hệ trọng, có người cảm hứng đến mấy bài, nhưng Mặc Ông không thấy việc ấy có gì đặc biệt, chỉ nhớ ra khỏi thành Đoàn, qua đồn lính thú dưới sương mai đang chìm trong tiếng tù và rúc quân. Từ khi xuống thuyền trên đất Trung Quốc, mỗi khi qua phủ huyện nào Mặc Ông phần nhiều đều có làm một hai bài. Những thơ ấy của Mặc Ông, đọc qua một lượt dễ cảm nhận được những thi tứ nhẹ nhàng. Vùng Minh Giang núi non trùng điệp, chỉ thấy hai bờ một giải khói lam mờ, dòng sông vờn qua các lèn đá đen xạm. Vẫn tiếp tục là những ký hoạ bằng thơ : núi My Sơn như ba dấu chấm nâu sẫm; lên thành Nam Ninh, ghé thăm tháp Tiêu Hà, nhưng không kể sử, Mặc Ông chỉ vẽ cảnh mây đọng trên tháp Tiêu tướng quốc. Qua bãi Ô Man đề miếu Mã Phục Ba, Mặc Ông theo phép vẫn phải “khen lao” uy danh Mã Viện, nhưng ý chính vẫn là để ca ngợi: “ Lãng Bạc trung thành niểu niểu hương” ( miền Lãng Bạc lòng trung của Hai Bà Trưng vẫn nức thơm). Qua huyện Vĩnh Thuần rượu ngon nổi tiếng chợt nhớ Đào Tiềm, qua sông Tiêu Tương, bến Tầm Dương, lèn Bán Tiên từ xa đã ngóng xem bãi cát trắng có dòng nước thơm nổi tiếng, đều như gặp mỹ nhân người cũ, tỉnh ra mới biết vẫn một con thuyền lênh đênh trên sông nước mênh mang. Bao nhiêu dòng sông đã trôi đi, không biết sóng nước còn lưu ảnh hình các tao nhân mặc khách đã từng qua lại chốn này? Giờ đây giữa bao la chỉ thấy:
明朝寶器孤渠在
蜀馬堪休叫替興
(Minh triều bảo khí cừ cô tại,
Thục mã kham hưu khiếu thế hưng)
Triều Minh còn lại đây di sản,
Ngựa Thục đâu rồi hý núi sông.
Quá Nam Kinh, để Báo Ân tự
Cao Thế Lữ và Đinh Phạm Thái dịch
Cảnh đẹp Nam Kinh chỉ vẽ phác vài nét với con hươu chiều muộn trong khu vườn:
園林花草嗟蕉鹿
夜夜長江暗咽鳴
(Viên lâm hoa thảo ta tiêu lộc,
Dạ dạ Trường Giang ám yết minh)
Vườn rừng hoa cỏ hươu ngơ ngác,
Đêm sóng trường giang vỗ trước mành
Vãn phỏng Nam Kinh cổ thành
Cao Thế Lữ và Đinh Phạm Thái dịch
Dằng dặc đường xa, nỗi lòng người đi sứ thời xưa ngổn ngang trăm mối. Qua nhà dịch trạm muốn mua một cành mai đẹp gửi về nhà, đỗ thuyền trên bãi sông Tương tư nhớ quê nhà dưới đm mây núi Tiều Sơn: “ Duẩn mỹ tuyền cam trăn lật lục” (suối ngọt măng ngon, cây dẻ xanh tươi tốt). Nhưng buồn nhớ da diết nhất là ngày 17 tháng 7 – ngày giỗ mẹ năm ấy ông vẫn còn bồng bềnh trên chuyến đường xa. Mới qua thành Trường Sa, chưa đến Động Đình hồ, còn ở chặng đi đường sông, nhưng hôm ấy sứ bộ lên nghỉ trên bờ. Ông ngồi bên cửa sổ căn nhà lá bùi ngùi thương nhớ người mẹ đã qua đời từ khi ông còn chập chững:
Đáng thương cho con từ năm lên ba đã mồ côi mẹ
Trong lòng kính nhớ nhưng sáng nay con còn ở chốn quê người.
Đường xa đau lòng không được rót ba chén rượu cúng mẹ,
Bên cửa sổ căn nhà lá khóc thầm tàn một nén nhang.
Mây xoà xuốg sát đầu ngựa, nhà ta ở phương nào?
Lệ rơi ướt vạt áo kẻ đường xa, tình cảnh buồn thương bội phần.
Phải chăng trung với vua cũng là cách làm cho cha mẹ được vẻ vang?
Dịch thơ
Thương mình mất mẹ thuở lên ba
Đền hiếu, mai này lạ ở xa
Đất khách đau lòng không rượu tế
Cửa lều ứa lệ nén hương nhoà
Mây vờn đầu ngựa nhà đâu tá?
Mắt khóc buồn thương, áo đẫm tà
Hát “Lục nga”xong hồn nhập mộng
Lấy trung làm hiếu phải chăng là …
Thái Kim Đỉnh
Thơ đi sứ của Mặc Ông chẳng có bóng dáng công thức khuôn sáo, phần lớn các bài đều có thể xếp vào hạng danh thi. Tiếc là hồi ấy không nhớ rõ là bận việc gì mà việc góp sức để xuất bản tác phẩm của Mặc Ông tôi chỉ làm được phần dịch nghĩa, còn phần sau thì nhờ có các ông Cao Thế Lữ , Thái Kim Đỉnh và Đinh Phạm Thái tham gia phần dịch thơ rất công phu.
Nhân dịp tác phẩm của Mặc Ông vấn thế, tôi sưu tầm thêm ít tư liệu về thân thế sự nghiệp của cụ cũng ghi cả đây để quý độc giả tiện tham khảo khi thưởng thức tác phẩm của Mặc Ông.
Hà Nội, 19-8-2008
Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ
_
[1] Việc chở tử thi đi đường dài 7-8 tháng việc khâm liệm tất phải có một phương pháp ướp tẩm đặc biệt.Như trường hợp sứ thần Giang Văn Minh cũng mất trên đường đi sứ (1638), tục truyền phải mổ bụng đổ thuỷ ngân vào để ướp xác chở về v.v… Tuy vậy chúng tôi chưa đọc thấy một tài liệu nào nghiên cứu chính xác kỹ thuật này. Như trường hợp cụ Đinh đây các tài liệu cũng không nói gì về chi tiết đó.
[2] Sự tích ghi trong Gia phả họ Đinh: Cụ Đinh Nho Công làm Giám sát ngự sử, nhân một chuyến về thanh tra chính sự tại Nghệ An, xét đến việc của ông họ Phan bị giam lâu ngày chưa xử, thấy tình tội bị oan nên cụ cho lệnh tha ngay. Ông Thủ bộ được minh oan, trở về sinh được đứa con gái. Trước khi qua đời, ông Thủ bộ dặn vợ con làm sao báo đền công đức của ngài Thiêm đô ngự sử họ Đinh. Sau, gặp thời lọan ly, vợ con ông Thủ bộ tìm đường ra làm ăn sinh sống ở đất Kinh kỳ. Một dịp tình cờ ông Hoàng Giáp trẻ tuổi vào nghỉ ở quán hàng của mẹ con bà Phan thị. Quan Hoàng Giáp nhân hỏi bà quê quán ở đâu v.v…, bà chủ quán chân tình trả lời và qua đó tình cờ được biết ngài chính là con trai của quan Thiêm Đô. Bà mừng quá, gọi Thị Viên ra, kể lại chuyện xưa và nói với quan Hoàng Giáp xin gả Thị Viên nâng khăn sửa túi để đền đáp công ơn cứu mạng của quan Thiêm Đô xưa. Khi ấy ông Hoàng Giáp đã có vợ là bà họ Lê rồi, nhưng thấy Phan thị nết na xinh đẹp nên bà chính thất họ Lê cũng thuận tình cho quan Hoàng Giáp cưới Phan Thị Viên làm thiếp.
[3] Đại việt sử ký tục biên, Bản dịch, H., Nxb. Khoa học xã hội, 1991. tr.72; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q. 35-tờ 20, Bản dịch tr. 1601; Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (A/67/3, Q.9, tờ 7b), Hồng Hà nữ sĩ (Đoàn Thị Điểm) Truyền kỳ tân phả ( An Ấp liệt nữ truyện); Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên) H. Nxb. Từ điển bách khoa, 2007, tr. 26. Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cũng có chép truyện của bà Phan thị, nhưng theo các cách xưa không ghi rõ tên, bản dịch của Nxb. KHXH 1993, tr 2007 người dịch lại đặt trong ngọc vưông tên là Thuấn. Như vậy là nhầm, vì bà Phan thị vợ thiếp Đinh Nho Hoàn là Phan Thị Viên, còn bà Phan Thị Thuấn là Tiết phụ, vợ Ngô Cảnh Hoàn Chỉ huy Tiền trạch đội thời cuối Lê người xã Trảo Nha huyện Can Lộc. Hai bà cùng họ Phan, cùng được phong Tiết phụ, nhưng sự tích, địa phương và thời đại khác nhau. Bản dịch Nghệ An ký chua thêm chữ Thuấn là nhầm (Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, bản dịch, H.Nxb. KHXH, 1993, tr 290)
[4] Nguyễn Trọng Thường đi sứ năm 1734 mất trên đường về, xem: Lịch triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoàn, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.
[5] Dòng chữ ghi chức tước của Hoàng Đình Đạt ghi “thổ cai huyện”, “thổ lại mục” có ý nhấn mạnh mình là tri huyện người địa phương (miền núi) chứ không phải người nơi khác do triều đình điều đến.
[6]Lục nga: tên bài thơ nổi tiếng trong Kinh thi (Tiểu nhã, Cốc phong) nói tình cảm của người con nhớ thương cha mẹ, có những câu như: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao”(Xót thương mẹ cha, vất vả sinh ta)
tin tức liên quan
Videos
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Cầu đường sắt Yên Xuân
Hãy xây dựng gia đình dựa trên sự bình đẳng và tình yêu thương (Trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên)
Phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ trên không gian số
Thống kê truy cập
114521456
Hôm nay
2230
Hôm qua
2303
Tuần này
2230
Tháng này
219395
Tháng qua
121009
Tất cả
114521456