Người xứ Nghệ

Hoàng Ngọc Hiến - Ông văn hiến trí thức, người làm văn học đích đáng

NGƯỜI LÀM VĂN HỌC ĐÍCH ĐÁNG

Hoàng Ngọc Hiến trước hết là một chuyên gia về văn học xô viết. Luận án phó tiến sĩ của anh làm về Mayakovsky. Qua các bản dịch và các công trình nghiên cứu của mình, anh đã giới thiệu một cách khá tập trung, có hệ thống, nhà thơ lớn xô viết này.

Nếu như trước đây, Maya đến Việt Nam do nhu cầu của cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng, và do đó chỉ mới được chủ yếu khai thác ở mặt trữ tình công dân, thì những năm sau này nhờ công trình nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến và các chuyên gia khác, Maya hiện ra với người đọc Việt Nam trong toàn vẻ con người của mình như là một cá tính sáng tạo độc đáo, phong phú và phức tạp. Song song với việc đi sâu vào một tác gia cụ thể, Hoàng Ngọc Hiến còn bao quát toàn bộ quá trình phát triển của văn học xô viết hiện đại. Cuốn sách gần đây của anh về mặt này trên cơ sở tư liệu phong phú cùng những tìm tòi, lý giải khá sâu sắc đã cho người đọc thấy được bức tranh toàn cảnh với những xu hướng chính, những tác giả tác phẩm tiêu biểu của văn học xô viết đang trong quá trình vận động, phát triển. Nhưng cái được của tập sách này không phải chủ yếu là ở mặt tư liệu thông tin. Mọi điều nói trong đó nhanh chóng bị thời gian vượt qua, có cái còn đúng, nhưng cũng có cái đã bị bác bỏ hay được nhìn nhận đánh giá lại. Điều chủ yếu Hoàng Ngọc Hiến góp được cho giới nghiên cứu phê bình ở đây là cái cách tiếp nhận, cái lối phân tích, đối với những hiện tượng văn học nhất định. Có nghĩa là mặt phương pháp luận. Đây chính là một vấn đề mà Hoàng Ngọc Hiến rất quan tâm trong công việc nghiên cứu, dù là đi vào văn học hay triết học, dù là tư liệu của trong nước hay của nước ngoài. Anh đã có lần nói: nhà nghiên cứu cần phải tìm ra vấn đề đích đáng, biết dùng những lời đích đáng gọi nó lên và giải quyết được nó một cách đích đáng. Phương pháp nghiên cứu đích đáng, đấy là cách gọi của anh. Có lẽ nhờ nó mà khi chuyển từ nghiên cứu văn học xô viết sang văn học Việt Nam anh đã có những khám phá, phát hiện sâu sắc, đột ngột, đầy tranh cãi.

Năm 1979, báo Văn Nghệ số 23 đăng bài viết Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến. Một bài báo đã làm lao đao số phận người viết ra nó, nhưng cũng đã đem lại vinh quang cho tác giả. Vinh quang của người đi tiên phong đổi mới tư duy nghiên cứu văn học, mà rộng ra là tư duy chính trị học thuật của cả một thời. Niềm vinh quang cay đắng! Được gợi ý từ một bài viết của Nguyễn Minh Châu, nhưng nếu như ở nhà văn những ý tưởng chỉ là ý tưởng được gợi nên từ kinh nghiệm viết của bản thân, thì ở nhà nghiên cứu những ý tưởng đó đã được khái quát thành luận điểm, nâng lên thành lý luận và phát triển lớn đến mức phổ quát. Đặc điểm cơ bản, bao trùm của văn học suốt cả giai đoạn vừa qua, tức là văn học chiến tranh, theo Hoàng Ngọc Hiến, đó là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Dưới tên gọi đó tác giả gợi chúng ta cách hiểu là: trong văn học, phạm trù cái cao cả lấn át các phạm trù khác, sự ưu tiên vượt trội của việc thể hiện cái phải tồn tại đối với việc miêu tả cái đang tồn tại, tác phẩm bị quy về yếu tố xã hội nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật. Hoàng Ngọc Hiến còn đi xa hơn, anh khơi tìm căn nguyên nguồn gốc tạo nên thứ “văn học phải đạo” ấy ở thế thái nhân tình của một thời qua, khi lối tư duy về con người – đối tượng chính của văn học – chỉ dừng lại ở những tập hợp dấu hiệu, đặc tính bề ngoài và sự thỏa mãn bằng lòng với kết luận muôn thuở “về cơ bản là tốt…”.

Gần một thập niên đã trôi qua, tính từ bài viết ấy. Bình tĩnh mà nhìn lại, thấy Hoàng Ngọc Hiến đã có giác quan “tiên tri”. Vấn đề anh nêu lên vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận. Cái tên gọi “phải đạo” định danh cho đặc điểm ấy quả còn gây tranh cãi, nhưng không phải không được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, anh cũng để lộ cho thấy điểm yếu về mặt khái quát lý luận không dựa chắc trên cơ sở văn học sử và ngay bản thân lý luận cũng ít nhiều có tính chất tư biện. Chính tính chất tư biện này theo tôi mới là nguyên nhân chủ yếu gây nên những cuộc tranh cãi sôi nổi quanh bài viết của anh. Anh gọi ra đúng căn bệnh nhưng lại luận giải không chặt, không thật hoàn hảo, thấu đáo, nên bị phản ứng lại cũng là lẽ thường tình. Đây có lẽ đã trở thành một đặc điểm của cây bút lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến thông minh, sắc sảo nhưng cũng đồng thời rất tư biện, cực đoan. Thông minh nên tư biện hay tư biện do thông minh, thật khó mà rạch ròi. Chỉ biết do vậy nên bất kỳ bài viết nào của anh cũng đều khoa học và đều có một chút gì đáng ngờ về mặt khoa học. Đỉnh cao của sự tư biện của Hoàng Ngọc Hiến là bài anh viết gần đây trong mạch suy nghĩ về con đường phát triển của văn học qua các giai đoạn, nhưng mười năm trước ý kiến của anh là một sự phát hiện, mười năm sau trong bài viết mới này đó chỉ còn là sự ngụy biện và tư biện. Qua lý thuyết “âm-dương”, anh muốn đạt cho kỳ được một điều này: văn học trước đây dương thịnh âm suy, bây giờ cần phải để cho văn học được dương suy âm thịnh. Thực chất cái ý của bài không phải là cái gì mới mẻ bởi vì anh đã nói ra từ mười năm trước. Mượn cách nói của Engels khi nhận xét về hệ thống của Hégel, tôi muốn nói bài viết đó của Hoàng Ngọc Hiến là cái thai đẻ non cuối cùng – tuy là khổng lồ – trong hệ thống của nó.

Vốn là người luôn trăn trở, tìm tòi trước thực trạng văn học nước nhà nên khi bắt gặp hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến sung sướng, vui mừng cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ đây là cơ may cho cả hai người: nhà lý luận tìm thấy ở nhà sáng tác thực tế khẳng định cho những luận điểm của mình; nhà văn có được nhà lý luận dọn đường, bảo vệ cho sáng tác của cá nhân. Quả thực bài tựa của Hoàng Ngọc Hiến cho tập truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp nhan đề “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” đã dự cảm khá chính xác tầm vóc và nêu lên được một số đặc điểm ban đầu của nhà văn mới này. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã là một cơ sở vững chắc cho Hoàng Ngọc Hiến nói đến một bước phát triển mới của văn học, một bước ngoặt vượt qua giai đoạn “phải đạo”, xuất phát từ cái nhìn khác đối với hiện thực, từ quan điểm khác trong việc khai thác và thể hiện các mâu thuẫn của cuộc sống bằng nghệ thuật. Về sau ở bài “Tư duy tiểu thuyết và tư duy fonklore hiện đại”, Hoàng Ngọc Hiến vừa luận chứng cho những tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp vừa phát triển cao hơn những tư tưởng trước đây của mình. Sự song hành tương hỗ sáng tác – lý luận trong trường hợp này tỏ ra thật đắc lực và có hiệu quả. Cố nhiên ngay cả ở đây Hoàng Ngọc Hiến vẫn nghiêng theo chỗ “lệch” của mình: có lúc, có nơi, anh đã cường điệu đến mức thái quá những đánh giá, nhận định về Nguyễn Huy Thiệp. Vận dụng những lý thuyết văn học của M. Bakhtin anh đã thực hiện được một phép chứng minh xuất sắc như đã nói, nhưng trong đó không khỏi có chỗ gò ép, khiên cưỡng lý thuyết cho vừa ý muốn định chứng minh. “Thái quá bất cập”, luận đề Nho giáo này có lẽ đúng với anh. Trường hợp với truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh mà anh cho rằng nó đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ “văn học sám hối” để chuyển sang thời kỳ” văn học bước qua lời nguyền” thì người đọc rất hiểu anh cũng đâm nghi hoặc không biết nên hiểu anh thế nào cho đúng. Về mặt đặt tên, gọi tên cho một tác giả, một tác phẩm, một hiện tượng văn hóa văn học kiểu như thế, thì Hoàng Ngọc Hiến rất có tài. Trên đây đã nói đến cái tên “phải đạo”. Gần đây anh còn có: tác phẩm “có đáy” và “không có đáy”, tác phẩm “viết nội dung” và “kể nội dung”… Những tên gọi – đúng hơn, những khái niệm – như vậy thường được anh lấy từ tài liệu nước ngoài và vận dụng rất linh hoạt cho văn học trong nước, nhưng lắm khi tên gọi và cái được gọi tên của anh không phù hợp, hoặc nội hàm khái niệm anh xác định còn khá mơ hồ, trừu tượng, không “vào” được thực tế.

Hoàng Ngọc Hiến bây giờ đã ở vào cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”. Tuổi ấy cái gì có thì đã có và đã phát lộ hết, cái gì không có thì đã không có và đành tự bằng lòng mình. Chân dung tự họa của anh, qua các bài viết, kể cũng đã khá sắc bén và hoàn chỉnh. Tôi chỉ tiếc một điều: giá như anh đừng quá mải theo văn học xô viết những năm gần đây rồi lại văn học xô viết đương đại, mà tập trung trí tuệ cho cho một cuốn sách về phương pháp luận nghiên cứu văn học và một cuốn sách về văn học Việt Nam hiện nay! Điều tiếc có vẻ như vô lý nhưng thật ra là có lý trên một sự thật là: Hoàng Ngọc Hiến là một trong số không nhiều các nhà lý luận nghiên cứu của ta hiện giờ có đủ khả năng làm được hai cuốn sách quan trọng bậc nhất đó cho văn học nước nhà. Tôi tiếc và vẫn thầm chờ đợi: biết đâu đấy, cái thời đã khác.

Hà Nội 1989.

 

 

 

 

ÔNG VĂN HIẾN TRÍ THỨC

 

Ông tên Hiến làm Văn nên gọi người văn hiến.

Ông cách thế trí thức nên là người trí thức.

Người được gọi là trí thức phải có hai điều: có một căn bản tri thức và có một bản lĩnh cá nhân.

Nền tảng của tri thức là triết học. Người có căn bản tri thức là người có hiểu biết triết học, biết suy tư vấn đề bằng các phạm trù triết học, biết nhìn hiện tượng dưới góc độ triết học. Hoàng Ngọc Hiến do tư chất bẩm sinh của mình và do sự đào luyện/tự đào luyện của mình nên biết hướng đến triết học từ sớm. Kỷ niệm hai trăm năm sinh Nguyễn Du (1965) ông đã có bài viết “Triết lý  Truyện Kiều”. Ngay từ khi đó ông đã đề xuất cách nhìn hệ thống khi nghiên cứu một tác giả, một tác phẩm. Ông đã thấy “triết lý của Nguyễn Du quả là không tương xứng với tác phẩm thiên tài của Nguyễn Du”, nhưng tác giả truyện Kiều vẫn là một trí tuệ lớn. Đó là “trí tuệ của trái tim” chứ không phải “trí tuệ của trí tuệ”, theo cách phân biệt của Lev Tolstoy mà ông dẫn ra. Và ông Hiến cho cách phân biệt này của nhà đại văn hào Nga là “biện chứng hơn sự phân biệt thường lệ giữa lý và tình”. Có thể thấy xu hướng triết học như thế xuyên suốt học thuật của ông Hiến, mà dấu hiệu nhận biết là ông thường nâng vấn đề lên tầm triết. Những quan niệm ông đưa ra bằng những cụm từ có tính triết học đã làm nên tên tuổi HNH và gây ra tranh cãi quanh tên tuổi ông. “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, “văn học âm dương”, “văn học bước qua lời nguyền”, nhắc đến là thấy ra vấn đề, nhưng cũng rắc rối và phức tạp trong các vấn đề đó. Ngay cả cái câu “Cái nước mình nó thế” thốt ra từ miệng ông để rồi thành câu cửa miệng cũng có ý vị triết luận, triết lý một sự đời, một chiêm nghiệm sống! Cho nên không ngẫu nhiên khi ở chặng cuối đời ông lại hăng hái, nhiệt tình giới thiệu và truyền bá nhà nghiên cứu triết học Pháp F. Jullien vào Việt Nam.  “Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu”, tư duy nghiên cứu của HNH là tư duy triết, nên khi bắt gặp một nhà nghiên cứu triết Tây bàn sâu bàn rộng về triết Đông là ông mê liền. Ông đã bỏ nhiều công sức tổ chức dịch thuật và giới thiệu F. Jullien sang tiếng Việt. Ông đã hào hứng thuyết giảng về cái cách nhìn phương Đông, mà cụ thể là Trung Quốc, từ chỗ đứng của một nhà nghiên cứu triết học phương Tây, ở Pháp. Mười năm trước, ở độ tuổi bảy mươi, lòng ham mê cái mới, làm việc cho cái mới, nhiệt tình truyền bá cái mới, đến như ông Hiến thật là đáng nể phục, đáng trân trọng. Cũng không vô cớ mà mối quan tâm chính hiện nay của ông là minh triết Việt. Địa hạt mới mẻ này đủ sức mời gọi và thách thức sức nghĩ của một đầu óc như ông Hiến.

Bản lĩnh cá nhân của người trí thức là biết suy nghĩ khác biệt và độc lập. Theo nhà triết học Pháp Montaigne, có ba vị thế đối với chân lý và các giá trị tinh thần: vị thế của người hư vô chủ nghĩa - những người từ chối tìm kiếm chúng; vị thế của người giáo điều - những người đã tìm thấy chúng; và vị thế của người nghiên cứu không mệt mỏi - những người tiếp tục tìm kiếm ngay cả nếu như họ biết rằng sự tìm kiếm không đi đến đâu cả. Ông Hiến ở vị thế thứ ba. Tôi đã từng viết về ông cách đây hai mươi năm: “Thông minh nên tư biện, hay tư biện do thông minh, thật khó mà rạch ròi. Chỉ biết do vậy nên bất kỳ bài viết nào của ông cũng đều khoa học và đều có một chút gì đáng ngờ về mặt khoa học”. Muốn đi đến một mục tiêu thì phải tìm đường, mở đường, quá trình này có thể bị lạc hướng, sai chốn, nhưng không vì sợ sai sợ lạc mà chùn bước đi, mà ngại mở đường.

Theo nhà nghiên cứu Nga V. I. Maksimenko, tất cả mọi tấn kịch của trí thức đều xa gần liên quan đến một mâu thuẫn nảy sinh tự chính bản chất của trí thức: định hướng tự trị về tư tưởng-cuộc sống-hoạt động và nhu cầu biến sự tự trị đó thành cái được xã hội thừa nhận, điều này thể hiện rõ nhất ở quan hệ với “quyền lực” và “nhân dân”. Trong quan hệ với quyền lực, trí thức có thể đứng ở vị trí hợp tác hay đối lập, đối thoại hay bác bỏ hoàn toàn, nhưng có một điều nó không thể làm: trùng khớp với quyền lực và biến thành một trong những hiện thân của nó mà vẫn giữ được mình là trí thức. Ông Hiến đã trải nghiệm tấn kịch này. Ông đã vượt qua bằng tâm thế của Maia: Chết không có gì là khó / Sống để bảo vệ và chứng minh chân lý, khó hơn nhiều.

Theo M. Buber, có hai kiểu người mang văn hóa trí thức thay nhau bước ra tiền đài lịch sử. Kiểu “ổn thỏa” thể hiện trong mình văn hóa như là hệ thống chức năng chuẩn mực; kiểu “gây sự”, ngược lại, - đó là người mang sự khủng hoảng văn hóa, sự tả tơi, đổ nát, và sự thay thế các hình thức của văn hóa. Ông Hiến thuộc kiểu trí thức “gây sự”. Cuộc khủng hoảng của văn học Việt Nam sau 1975 đã được ông thức nhận sớm và báo động sớm bằng việc chỉ ra nguyên nhân “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” khi mà những tụng ca vẫn đang vang lên không ngớt.

Và vì thế, tôi đã có lần mách cùng ông Hiến cuốn sách Contre François Jullien của Jean François Billter. Ông F.B. chống ông F.J. mấy điều, nhất là ở quan niệm về Trung Hoa và triết học Trung Hoa. Theo F.B. các tác phẩm của  F.J. hoàn toàn dựa trên huyền thoại về tính khác biệt của Trung Hoa, dựa trên tư tưởng rằng Trung Hoa là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới phương Tây, thậm chí đối lập với thế giới phương Tây. Đó là một huyền thoại, không phải là cơ sở để làm khoa học, để suy tư triết học. Một nhận định khác của F.B về F.J. là: “Ông mở ra cho ta một số chân trời, ông gợi ra cho ta những cuộc gặp gỡ có thể có, nhưng những cuộc gặp này rốt cuộc là không diễn ra vì luôn luôn chỉ là ông nói. Ông trích dẫn các tác giả Trung Hoa nhưng bao giờ cũng thoáng qua, để nuôi dưỡng ý kiến riêng của mình. Ông không để cho họ lên tiếng, ông không cho ta nghe thấy giọng nói của họ, ông không để họ triển khai theo cách của họ những lập luận của họ.” Nếu điều này là đúng, thì nó đúng cả cho tư duy của ông Hiến trong một số trường hợp, điều mà tôi gọi là “thông minh tư biện” hai chục năm trước. Ông Hiến nghe tôi rồi bảo là cuốn đó cũng nên dịch ra tiếng Việt và đưa in. Tư duy “chống” này không xa lạ với văn triết Pháp. Marcel Proust chẳng đã từng viết cuốn “Contre Sainte-Beuve” đó sao! Chống đây là nói phản biện, tranh luận với nhau ở tầm tri thức cao và trí thức thật để tiếp cận chân lý sát đúng hơn.

Có nhà nghiên cứu đã phân văn học thế giới thành hai loại: loại trong nhà và loại ngoài nhà. Loại trong nhà được che chắn khỏi các cơn bão thế giới, loại ngoài nhà ở gần vực thẳm cuộc sống. Loại trong nhà nhìn rộng nhưng không nhìn xa mấy, loại ngoài nhà nhìn hẹp nhưng nhìn được xa hơn. Loại trong nhà là sự hiền minh, loại ngoài nhà là trí tuệ. Tôi muốn nhìn ông Hiến thuộc loại văn học ngoài nhà “năng động, khao khát tìm kiếm sự hài hoà và trong khi đi tìm sự hài hoà đó, thường xuyên rảo bước, rồi chuyển qua chạy, đôi khi bứt lên khỏi mặt đất, cất cánh bay.” (Fazil Iskander).

Ông Hiến là phó tiến sĩ ngữ văn Hoàng Ngọc Hiến, không phải phó giáo sư, giáo sư. Mà những chức danh này chẳng bận tâm tới ông. Bằng vào cái ông làm trong nghiên cứu văn học tôi gọi ông là người văn hiến. Bằng vào cái ông sống trong nghề và trong đời tôi gọi ông là người trí thức. Nhưng khi đã gọi là văn hiến trí thức thì đây là một khái niệm tập hợp, chứ không còn là một phép cộng của các phần tử. Mừng ông tám mươi tuổi, tôi mừng ông văn hiến trí thức.   

Hà Nội 19.7.2010

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521508

Hôm nay

2282

Hôm qua

2303

Tuần này

2282

Tháng này

219447

Tháng qua

121009

Tất cả

114521508