Người xứ Nghệ

Hoàng Tân Hưng – “Dị nhân” Hà thành

 
Anh được xem là “dị nhân” vì sau khi sống, học tập, làm việc ở Nga 25 năm, có vợ con, có bằng tiến sỹ nhưng về Việt Nam tay không. Anh sống 10 năm tại Hà Nội, ở trong những ngôi nhà gần như bỏ hoang; không hộ khẩu, không tiện nghi, thậm chí phương tiện đi lại cũng không. Hoàn cảnh như vậy, nhưng anh không hề than vãn, không cảm thấy thiếu thốn, khổ sở, buồn phiền… Ở tuổi 65, với nụ cười thơ trẻ, anh miệt mài tìm cái đẹp, cái thiện trong hội họa.

Phác thảo chân dung “ dị nhân”
 
DSCN8903.JPG
                               Vì không thích lên báo, "dị nhân" quay mặt đi.
 
Tháng 9 – 1975, chúng tôi tập trung ở Thanh Xuân, Hà Nội , học tiếng Nga để đi nước ngoài. Trong số hàng trăm người, có một người luôn luôn nổi bật vì vóc dáng của mình: cao lêu đêu và gầy như que củi. Đó là Họa sỹ Hoàng Tân Hưng, anh được xem là người “cao hơn tây, gầy hơn ta”.
Từ năm 1968 đến năm 1975, anh là họa sỹ của Đoàn văn công Tây Nguyên. Sau ngần ấy năm công tác, anh được xem là họa sỹ có tài, được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Sang Liên Xô, anh được vào học tại Học viện Nghệ thuật mang tên Surikov tại Moskva. Surikov (1848 – 1916) là một danh họa Nga nổi tiếng, những người được học ở cơ sở đào tạo mang tên ông đều cảm thấy tự hào. Anh Hưng học đại học, rồi làm nghiên cứu sinh ở đó. Năm 1999, anh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với đề tài “Hình tượng người lao động trong hội họa Việt Nam ”.
Là họa sỹ nhưng anh không hút thuốc, không uống cà phê; bia rượu thì chiều bạn bè, chỉ nhấp môi. Có lẽ anh chỉ đạt “tiêu chuẩn” họa sỹ ở một khâu thôi, đó là bẩn. Hỏi: “Anh tắm chưa đấy?”, “Rồi, mình mới tắm hôm trước?”, “Cụ thể là hôm nào? Ngày mấy? Tháng mấy?...” Tính ra thì đã cách nay vài tháng. Trời lạnh, chỗ anh sống không có bình nước nóng, hỏi: “Anh tắm thế nào?”, “Mình đun một ít nước, đổ vào xô, lấy khăn lau người…”
Anh Hưng hiền lành, nhũn nhặn, dịu dàng như phụ nữ. Trước những lời trêu chọc, chê bai của bạn bè, anh chỉ cười – nụ cười thơ trẻ như của học trò trường mầm non. Nhưng có lẽ anh cũng là người cục tính. Có một lần anh đã bực tức tới mức văng tục. Đó là sau nhiều lần mời gọi một người quen (cùng quê, cùng học, ít tuổi hơn, Phó ban, hàm thứ trưởng) đến gặp mặt bạn bè, nhâm nhi cốc bia hơi, nhưng đều bị từ chối bằng câu “em bận họp”, anh cau mặt, quát: “Họp, họp cái con c…! Chúng mày càng họp nhiều, càng có hại chứ lợi ích gì?!”. Từ đó, anh không bao giờ liên hệ với con người này nữa.
Để trở thành “dị nhân”, một trong những yếu tố cần thiết nhất là gàn. Điều này thì anh Hoàng Tân Hưng không thiếu, vì “phi gàn, bất thành Nghệ nhân”, mà anh lại sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An – nơi tập trung nhiều phẩm chất điển hình của người Nghệ.
 
Những tác phẩm ấn tượng
 
DSCN8906.JPG
                                             "Suối mơ" - Chân dung Nhạc sỹ Văn Cao
 
Những ngày gần đây, nơi anh sống dường như trở thành một “điểm du lịch mini” đối với bạn bè, người quen. Căn phòng chỉ 18 mét vuông, lộn xộn, ẩm thấp nằm sâu trong Ngõ Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng những người hào hoa, phong nhã vẫn thường lui tới. Trong số đó có thầy Văn Như Cương, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Ngô Hoàng Quân, các nhà thơ, nhạc sỹ, nhà ngoại giao… Có người bạn tôi, anh Nguyễn văn Quang, Hiệu trưởng trường THPT tận Đăk Nông, ra Hà Nội chơi, cứ nằng nặc đòi được đến thăm “dị nhân” Hoàng Tân Hưng. Sau khi được phép chụp một bức ảnh bằng điện thoại di động để làm kỷ niệm, anh Quang xem đây như là một báu vật. Cái thu hút mọi người chính là tính cách và các tác phẩm của anh.
Dù là người không quan tâm đến bản thân mình là mấy, nhưng anh lại rất dịu dàng và chu đáo với bạn bè, khách khứa. Anh không thích bia rượu, nhưng khách đến nhà thường được mời những món này. Có hôm tôi đến, anh đưa ra một chai rượu quý, còn khoảng một phần tư và nói: “Đây là rượu anh Ngô Quang Xuân mang về từ châu Âu. Hôm uống, thiếu một số người, anh Xuân bảo để cho Nguyễn Trọng Tạo và HBK mỗi người một ly, uống để biết “hàng xách tay” khác với rượu mua ở các siêu thị, cửa hàng Việt Nam như thế nào”.
Nhưng mọi người đến đây không phải uống bia, uống rượu là chính, mà là để xem tranh. Anh vẽ một số tranh lạ và táo bạo. Tôi thích bộ ba chân dung Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Trịnh Công Sơn. Bức chân dung Văn Cao được anh đặt tên là “Suối Mơ”. Tôi xem mãi, không hiểu vì sao anh đặt tên như vậy, hay chỉ đơn giản anh lấy tên một bài hát của Văn Cao? Anh chỉ cái ly Văn Cao cầm trên tay bảo: “Suối Mơ” ở đây này!”.
Cái thu hút nhiều người xem nhất là bộ bốn bức tranh nude của anh. Đó là những bức tranh khổ lớn, vẽ bằng sơn dầu rất công phu. Cảm hứng chủ đạo cho những bức tranh này, có lẽ là những tứ thơ nổi tiếng của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, vì tôi thấy trên đầu giường của anh là những công trình nghiên cứu về Hồ Xuân hương. Thầy Văn Như Cương gội bộ tranh này là “Tứ Tuyệt”, còn anh gọi là “Mẹ Nhân Gian”. Chỉ một bức tranh rất táo bạo, anh thì thầm vào tai tôi: “Một lần mình về quê, gặp một phụ nữ đã luống tuổi, nhưng vẫn còn nhan sắc. Người đó nói “Em yêu anh từ hồi em 15 tuổi cơ, nhưng chỉ là tình yêu thầm lặng, đơn phương; muốn giúp anh một việc gì đó mà chẳng có cơ hội”. Người đó đã giúp mình là làm người mẫu cho bức tranh này”.
 
DSCN8899.JPG

             Mờ tỏ bộ tranh "Mẹ thế gian"

 

DSCN8908.JPG

            Trích đoạn bức tranh người xưa làm mẫu

Có ma lực từ những nét vẽ?

Xem toàn bộ sáng tác của Hoàng Tân Hưng, thấy anh sử dụng nhiều đề tài, nhiều thể loại, từ phong cảnh đến chân dung. Tranh phong cảnh của anh có cái thâm trầm của làng quê Việt, cái bao la của những cánh đồng Nga, sự cổ kính, trang nghiêm của đền đài, miếu mạo. Điều này thì hầu như họa sỹ nào cũng có.
Cái đáng nói là những lời to nhỏ về những bức chân dung do anh vẽ. Anh vẽ chân dung, nhưng không vẽ cho tất cả những ai muốn. Có những người thân thiết nài nỉ, nhưng anh không vẽ. Còn có những người anh gặp một lần và mong muốn được vẽ người đó. Có một điều, chính anh nói và nhiều người khác xác nhận: Sau khi anh vẽ chân dung, cuộc sống của người đó sẽ có nhiều thay đổi, cả thay đổi tích cực lẫn tiêu cực.
Chẳng có cơ sở nào để tin là những nét vẽ chân dung có thể tác động tới số phận của những người được vẽ. Nhưng có ba trường hợp diễn ra trước mắt tôi. Một phụ nữ có chồng con, có công ty đang ăn nên làm ra, tỏ ra rất hạnh phúc; sau khi vẽ chân dung, ngoại tình, bỏ chồng theo trai. Một cô gái tuổi cũng đã khá nhiều, chạy vạy ở nhiều tòa soạn, vẫn chỉ là cái chân cộng tác viên quảng cáo; sau bức họa chân dung, trở thành phóng viên, lấy chồng, sinh con, mua nhà bạc tỷ. Người thứ ba sau khi ngồi cho họa sỹ Hưng vẽ, chồng lên chức, bản thân có chỗ làm việc lương cao, sinh con trai.
     Dẫu được tận mắt chứng kiến ba trường hợp và nghe kể về nhiều trường hợp khác, tôi vẫn không tin là những nét vẽ của anh có ma lực. Chẳng qua có một số sự kiện diễn ra ngẫu nhiên, người ta xâu chuỗi lại và khoác cho chúng cái áo bí ẩn. Tuy thế, vẫn có những người nửa tin, nửa ngờ khi suy nghĩ về việc đến chỗ Hoàng Tân Hưng vẽ chân dung.
 
Tranh khó bán được hay anh không muốn bán?
 Đây là điều mà một số bạn bè thân thiết của anh thường tranh cãi. Từ ngày thân quen với anh, tôi chỉ chứng kiến anh bán tranh một lần. Đó là bức tranh ba con gà. Thật ra, anh không bỏ nhiều công sức để vẽ bức tranh này, mà anh chỉ vẽ đùa đùa và đặt tên cho bức tranh là “Đánh Ghen”. Một người phụ nữ đến vẽ chân dung cứ nằng nặc đòi mua, chúng tôi nói giúp chị mấy câu, thế là anh nói “thì bán”. Anh không ra giá mà bảo: “Chị trả bao nhiêu thì trả”. Người phụ nữ đưa ví ra xem và nói: “Em có trong người 800 đô la Mỹ, em gửi anh cả”. Anh nhận tiền và kéo chúng tôi đi ăn bún ngan.
Gần đây, thấy tranh của anh thì nhiều mà sống thì thiếu thốn, chúng tôi bảo anh bán bớt tranh đi. Anh chỉ im lặng. Có người đưa ra ý kiến, bán tranh đâu phải dễ, có thể tranh của anh khó bán? Chúng tôi nửa đùa, nửa thật kể câu chuyện: “Ở Italia có một họa sỹ tài năng, vẽ rất nhiều tranh, nhưng không bán được. Một doanh nhân đến đặt vấn đề là sẽ mua lại tất cả tranh giá cao với một điều kiện: Người họa sỹ này phải giả chết và biến khỏi Italia. Người họa sỹ đồng ý…”. Nghe đến đây, anh Hưng giãy nảy lên: “Đấy không phải là một họa sỹ đích thực!”.
Khi ngồi thủ thỉ với tôi, anh cho biết, có một doanh nhân vào cỡ đại gia muốn mua bức chân dung Trịnh Công Sơn có tên là “Lãng Du”(bức này hiện được cất giữ tại kho tranh của anh ở quê). Anh chưa muốn bán và chỉ bán với điều kiện là bức tranh được đấu giá để làm từ thiện. Còn bộ “Mẹ nhân gian”, dù với giá nào, anh cũng không bán.
Dù có bán tranh hay không thì anh vẫn sống được và vẽ. “Dị nhân” không cần nhiều thứ để sống: Mỗi tháng chục cân gạo, vài cân thịt, mấy chục ngàn tiền rau. Anh cũng chẳng đi đâu, mỗi lần về quê, bạn bè mang xe đến nài nỉ thì anh mới đồng ý về. Dường như anh có một thế giới riêng yên bình, trong trẻo đầy màu sắc giữa cái ồn ào, bụi bặm của phố phường./                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114527738

Hôm nay

211

Hôm qua

2274

Tuần này

211

Tháng này

214434

Tháng qua

0

Tất cả

114527738