Đất Nghệ

“Thanh âm của núi rừng” miền Tây giữa lòng thành Vinh

Núi rừng miền Tây Nghệ An là địa bàn cư trú của cộng đồng các dân tộc ít người (Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ đu…) với những nét văn hóa mang đậm bản sắc. Trải nghiệm vẻ đẹp núi rừng là khát vọng của những người ưa thích khám phá nhưng vì một lí do nào đó chưa có dịp ngược ngàn, bạn có thể khám phá “Thanh âm của núi rừng” ở Bảo tàng Nghệ An, giữa lòng thành Vinh.

Cuộc sống bận rộn, đường sá xa xôi hay điều kiện sức khỏe chưa cho phép nên không ít người phải hoãn chuyến du ngoạn miền Tây Nghệ An với niềm tiếc nuối. Sự nuối tiếc sẽ phần nào vơi đi khi bạn dành thời gian cho chương trình triển lãm “Thanh âm của núi rừng” tại Bảo tàng Nghệ An. Chương trình nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn tổng quan về đời sống văn hóa, phong tục và bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số miền Tây. Nội dung trưng bày gồm hai chủ đề: Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số và Bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật trình diễn dân gian.

Du khách nghe thuyết minh triển lãm “Âm vang của núi rừng” ở Bảo tàng Nghệ An. Ảnh:Nguyễn Hậu

Với hơn 150 tư liệu hình ảnh, hiện vật, phim tư liệu, trong đó có nhiều hiện vật quý thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ An; Ban Dân tộc tỉnh và các nhà sưu tầm, nghệ sĩ thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được trưng bày tại triển lãm sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn khái quát về nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, phản chiếu bức tranh nhiều màu sắc về đời sống vật chất, tinh thần hết sức phong phú và đặc sắc của đồng bào miền Tây Nghệ An.

 

Du khách trải nghiệm tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh Nguyễn Hậu

Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những bức ảnh ghi lại các hoạt động văn hóa - văn nghệ của đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ mú và Ơ đu. Đó là phút giây thả hồn mình vào tiếng khèn của nghệ nhân bản làng; cùng vui điệu lăm vông, múa sạp, múa xòe, hát tơm và hòa điệu cồng chiêng, uống rượu cần; niềm vui bên khung cửi, bên chiếc gùi lên nương, bên bếp lửa tỏa hương nếp thơm lừng. Không kém phần hấp dẫn là những chiếc váy áo sặc sỡ, chiếc khăn piêu, thắt lưng, túi xách, xà tích bạc và các loại đồ trang sức của chị em phụ nữ vùng cao. Qua đó, nói lên nhịp sống yên bình, giản dị, chăm chỉ, yêu lao động và tâm hồn thiết tha yêu đời của cư dân miền sơn cước. Tại đây còn có những bức ảnh cỡ lớn về nhà sàn vùng cao và cổng trời Mường Lống với núi rừng trập trùng, hoa đào nở thắm để người xem và du khách có thể “check-in”. Trong ngày khai mạc, công chúng còn được xem các nghệ nhân trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc mình.

Chị Hoàng Thị Hạnh, người dân phường Bến Thủy (TP. Vinh) cho biết: “Tôi quê ở miền Bắc, lấy chồng và sinh sống ở Vinh. Từ lâu tôi ấp ủ dự định trải nghiệm đời sống văn hóa đồng bào miền Tây Nghệ An nhưng chưa thực hiện được. Hôm nay, đến với triển lãm, tôi thực sự cảm thấy thú vị và nắm bắt được phần nào bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Thú vị nhất là ở thành Vinh nhưng vẫn có thể “check-in” và có được những tấm ảnh ở cổng trời Mường Lống, nơi được ví là Sa Pa của xứ Nghệ”.        

Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm “Âm vang của núi rừng” ở Bảo tàng Nghệ An

Đồng thời, tham quan triển lãm, Nhân dân và du khách gần xa có dịp được giới thiệu về đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An, đặc biệt là về đời sống âm nhạc và trang phục dân tộc. Trong đó, phải kể đến dân tộc Ơ đu, là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam và chỉ có ở Nghệ An, đang được Nhà nước quan tâm bảo tồn, phát triển. Ngày lễ lớn nhất của người Ơ đu là lễ đón tiếng sấm đầu tiên diễn ra vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Trong ngày này, người Ơ đu sẽ dùng ống tre gõ xuống đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm, dùng gậy nhọn gõ xuống đất tượng trưng cho hoạt động chọc lỗ tra hạt với mong muốn năm mới mùa màng bội thu.

Theo Ban Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, chuyên đề triển lãm “Âm vang của núi rừng” là dịp để công chúng được trải nghiệm, tôn vinh giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An, là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các nghệ nhân về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số. Đồng thời, góp phần kêu gọi các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc trong thời đại ngày nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528537

Hôm nay

2193

Hôm qua

2291

Tuần này

2810

Tháng này

215233

Tháng qua

0

Tất cả

114528537