Người xứ Nghệ

Người xứ Nghệ ở Thăng Long (Thời hiện đại)

Tôi chỉ có thể và chỉ dám viết về những người tôi được sống cùng thời được biết, trong những phạm vi rộng và hẹp nào đấy, có liên quan đến công việc, đến nghề nghiệp của tôi, là nghề viết. Những người tôi yêu mến, kính trọng và ngưỡng mộ. Những người là tấm gương cho mình soi vào mà nhận ra giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Nếu được bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám 1945, thì bao trùm và đứng ở vị thế cao nhất đó là Hồ Chí Minh - với gốc gác một nhà Nho xứ Nghệ; với đích đến là Hà Nội sau một hành trình hơn 30 năm xa xứ, đi khắp thế giới, qua bao đại dương và lục địa; từ là con người của một vùng quê khô khát gió Lào với tên gọi Nguyễn Sinh Cung mà trở thành con người của nhân loại trong tên gọi Nguyễn Ái Quốc, rồi trở về Tổ quốc trong tên gọi Hồ Chí Minh. Con người đã trở thành biểu trưng của thế kỷ - Thế kỷ XX; của thời đại - Thời đại Hồ Chí Minh. Và với Thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội lại trở về vị thế của thủ đô; là thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nói về người xứ Nghệ trên đất Thăng Long, dẫu chỉ thu hẹp dưới góc nhìn văn hóa, văn chương, học thuật, nghệ thuật, tôi không thể không nói đến Hồ Chí Minh như là một tên tuổi đẹp nhất, là người Việt Nam nhất trước khi trở về với gốc gác xứ Nghệ. Là người từng viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Ngục trung nhật ký (1943), rồi viết và đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945; dẫu đã rời quê nhiều chục năm, nói thông thạo nhiều thứ tiếng, mà vẫn không quên âm sắc và ngữ điệu xứ Nghệ...
Tôi muốn từ điểm nhìn “vĩ mô” này để soi vào “vi mô” là môi trường nghề nghiệp của tôi, là nghề viết, trong thu nhỏ của những người từng là thầy ở bậc Đại học, rồi là thủ trưởng của một đơn vị công tác - đó là Viện Văn học thuộc Ủy ban khoa học xã hội, có trụ sở 20 Lý Thái Tổ. Một là Đặng Thai Mai (1902-1984) và hai là Hoài Thanh (1909-1982). Cả hai tôi may mắn được đọc trước khi được học, được tiếp xúc khi rời quê ra Hà Nội để được là sinh viên Khóa I Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959). Cả hai đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm là Giáo sư Ban Văn Khoa Đại học trong Sắc lệnh số 45/SL, ký ngày 10-10-1945, cùng với các vị Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên. Như vậy là ở chặng kết thúc tuổi học đường tôi là trò của hai vị; và mở đầu con đường lập nghiệp, cả hai vị trở thành thủ trưởng của tôi, khi Viện Văn học được thành lập vào năm 1959, là năm tôi ra trường, và được phân công một mình về Viện. Những năm công tác ở Viện Văn học, với Viện trưởng Đặng Thai Mai và Viện phó Hoài Thanh, là những năm tôi được dẫn dắt những bước đi đầu tiên trên con đường nghề nghiệp; để được hiểu thế nào là sự uyên bác và sự tinh tế trong thẩm định văn chương; thế nào là tư chất học giả và phẩm cách đích thực của người nghiên cứu- phê bình. Hai người lãnh đạo Viện, trong vị trí sáng lập cũng là hai người có chung trách nhiệm lãnh đạo Hội văn hóa Việt Nam và Hội văn nghệ Việt Nam, ở hai cương vị Chủ tịch và Tổng thư ký của Hội qua nhiều nhiệm kỳ, từ sau 1954, có trụ sở là 51 Trần Hưng Đạo. Nhiều năm sau này, kể từ khi về Viện, tôi thường suy nghĩ về mối quan hệ gắn bó và về tình bạn giữa hai người lãnh đạo đầu tiên để mà ao ước cho mình. Cả hai đều tôn trọng nhau, và dường như có cả sự bổ sung và hô ứng cho nhau. Trong kháng chiến chống Pháp một bên Giảng văn “Chinh phụ ngâm” thì một bên Nói chuyện thơ kháng chiến; một bên viết Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng, thì bên kia viết Quyền sống con người trong “Truyện Kiều”. Trong thời kỳ lãnh đạo Viện Văn học, một người phụ trách văn học cổ điển, một người chăm lo văn học hiện đại - cả hai đều là chuyên gia hàng đầu, là bậc thầy rất am hiểu và rất trân trọng lịch sử văn học dân tộc. Khỏi phải nói thêm hiện tượng Phan Bội Châu như là điểm giao thoa, điểm nối và tiếp tục giữa hai người; một người soạn Văn thơ Phan Bội Châu, năm 1957 trước khi về Viện; một người viết truyện danh nhân Phan Bội Châu năm 1978, sau khi nghỉ hưu.
Với thời kỳ đầu mà tôi muốn gọi là “thời hoàng kim” của Viện Văn học, dưới sự lãnh đạo của Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, và với dàn chuyên gia sáng lập gồm những tên tuổi nổi danh như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Nam Trân, Hà Văn Đại, Nam Mộc... thế hệ sinh viên như tôi có được một may mắn lớn, so với các thế hệ đến sau, đó là được ở cùng cơ quan, được là người học việc, rồi là đồng nghiệp của họ. Và tôi nghĩ, nếu sau này tôi có chút kết quả gì được gọi là sự nghiệp thì có lẽ một phần chính vì mình đã được sống và làm việc trong khí quyển những ngày đầu thành lập Viện, những năm tháng đối với tôi là không thể quên.
Trong gia đình lớn Viện Văn học, tôi còn có hạnh phúc được là đồng hương của nhiều bậc đàn anh và bậc thầy, trong đó thật sáng giá là hai nhà Hán học uyên thâm: Cao Xuân Huy (1900-1983) và Phạm Thiều (1904-1986). Cao Xuân Huy mà năm nay là chẵn 110 năm sinh, rất ấn tượng trong phong thái một bậc hiền triết phương Đông, nhưng nói đúng ra là cả Đông và Tây; vì sự hiểu sâu cả hai phía đã đưa ông đến với những kiến giải sâu sắc về thế giới và nhân sinh, vượt hẳn lên trên tất cả những người cùng thời. Trong phong thái một nhà tư tưởng, bậc thầy Cao Xuân Huy là người không tự tách mình ra khỏi ngoại giới, nhưng cũng không đặt mình vào tư thế phải hệ lụy với ngoại giới. Khó có thể chọn một cách hiểu nào khác: ấy là một sự cường tráng về tinh thần và nội lực, hiếm có ai sánh được, không phải chỉ trong các bài giảng về một nền văn minh phương Đông cổ truyền, lùi rất sâu vào quá khứ mà vẫn không cách biệt với hiện tại; mà ngay cả trong ứng xử của đời thường thời hiện tại. Tôi đã nhiều lần ngạc nhiên về sự ổn định, gần như tuyệt không thay đổi mấy trong phong thái của thầy, từ giữa những năm 50 khi tôi được học với thầy ở bậc Đại học, cho đến những năm 60, 70 khi được công tác cùng cơ quan. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn vậy. Sự vận động ráo riết của tư duy vào các cõi sâu của thế giới vật chất và ý thức, khiến cho tinh thần con người luôn luôn cường tráng và luôn luôn trẻ; việc tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong sự vận động ấy không chỉ giúp cho con người gạt bỏ được những bận tâm nhỏ nhặt mà còn đạt được sự thư thái tâm hồn và tư thế ung dung tự tại - đó là bài học tôi chỉ mới thấy có ở riêng Cao Xuân Huy. Bên cạnh Cao Xuân Huy, Phạm Thiều là một chân dung khác - như một bổ sung, với kinh lịch hoạt động khá dầy dặn - từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, với nhiều chức trách quan trọng - như Chủ tịch Ủy ban hành chính Gia Định - Chợ Lớn, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Giám đốc Nha giáo dục phổ thông Nam Bộ...; rồi sau 1954, trong hoạt động ngoại giao ở cương vị Đại sứ; cuối cùng trở về với tư cách người phụ trách Viện Hán Nôm đầu tiên của Ủy ban khoa học xã hội. Với bút danh Miễn Trai - tức là gắng gìn giữ sự trong sạch, nếu cách hiểu đó là đúng, thì bút hiệu ấy tôi thấy không ai thích hợp hơn Phạm Thiều - kể từ những ngày sơ tán lên Hà Bắc được sống cùng ông, những năm 60, cho đến khi nghe tin ông qua đời một cách không bình thường ở TP. Hồ Chí Minh. Đối với lớp thanh niên thế hệ tôi, thầy Thiều, hay bác Thiều, hay cố Tư, hay Phạm Mỗ đều là hiện thân gần như trọn vẹn sự toàn tâm toàn ý với các công việc được giao mà không có chút bận tâm gì về quyền lợi, về đãi ngộ. Là người có thể gom đủ, hơn thế là kết tinh cao các phẩm chất cần cù, giản dị, tận tụy, nghiêm túc, liêm khiết, trong sạch, nhân hậu... khiến cho khó ai có thể chê, hoặc bàn tán gì về ông trong tất cả mọi hành vi, ứng xử. Chính từ sự gương mẫu đó mà có giai thoại về chuyện cố Tư tu dưỡng bản thân theo lối vận dụng hai lọ đỗ đen - trắng của một môn sinh họ Khổng thời Trung Hoa cổ đại...
Bên các bậc thầy là những bậc đàn anh đồng hương tôi quý mến trong đó Hoàng Trung Thông (1925-1993) có 10 năm (1975-1985) là Viện trưởng của tôi. Nhà thơ - Viện trưởng vào một thời khó khăn của đất nước, sau chiến tranh. Khó khăn về vật chất - đó là thời gần như tất cả mọi người dân đều mang chung gương mặt của “người mất sổ gạo”. Khó khăn về tinh thần, đó là thời phải chống chủ nghĩa bành trướng phía Bắc và chủ nghĩa thực dân mới phía Nam. Từng là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ của Đảng chuyển sang quản lý một cơ quan học thuật - ông biết cách điều hành để sao cho công tác văn học (gồm cả sáng tác và nghiên cứu) không xa rời sự lãnh đạo của Đảng, trong tình thế mới - với yêu cầu trọng tâm vẫn là tính chiến đấu trong một cuộc chiến giữa hai giai cấp, hai hệ ý thức, hai con đường trong một thế giới chia làm hai phe. Giữ vững cho nghiên cứu, phê bình phải là một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ ông vẫn không quên tư cách nhà thơ của mình. Từ Bài ca vỡ đất trong chống Pháp đến Mời trăng vào cuối đời - đó là quá trình Hoàng Trung Thông trở về với cốt cách một nhà thơ, vừa rất ưu thời mẫn thế, lại vừa như muốn nhờ vào rượu và trăng để thoát đời với những u uẩn khó nói thành lời. Hình ảnh ông với râu tóc lòa xòa, bạc trắng trên con đường từ nhà riêng ở phố Ngô Quyền, lững thững, rồi khật khưỡng đến cơ quan 20 Lý Thái Tổ - đó là hình ảnh tôi còn lưu giữ được trước khi ông qua đời ở tuổi 68... Tiếp tục chức trách Viện trưởng của Hoàng Trung Thông là Hoàng Trinh (sinh 1920) - người có một sự nghiệp nghiên cứu về Phương Tây - văn học và con người, và về ký hiệu học và lý thuyết thông tin, thuộc trong số những gương mặt khai sáng của Viện.
Nếu mở rộng danh sách những người lập nghiệp trong các lĩnh vực khoa học văn chương công tác ở nhiều nơi trên đất Thăng Long thì đó là con số hàng trăm người. Riêng Viện Văn học thì con số cán bộ quê xứ Nghệ là con số trên dưới một nửa. Còn nói đến các thế hệ lãnh đạo và cốt cán thì có dễ phải đến hai phần ba, tính cho đến bây giờ, với nhiều tên tuổi quen thuộc, trong đó Cao Huy Đỉnh (1927-1975) là người để lại dấu ấn sâu sắc, trong hành trình tìm về nguồn cội văn hóa dân gian dân tộc. Qua đời quá sớm ở tuổi 49 ông là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi... Một địa chỉ khác của văn nhân xứ Nghệ ở Hà Nội - đó là Tạp chí Văn nghệ quân đội, ở số 4 Lý Nam Đế mà có lúc có người gọi tên một cách chân xác là Văn đội quân Nghệ - nơi hội những tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hải Hồ, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Vương Trọng, Lê Thành Nghị...
Nếu tìm đến danh sách hội viên Hội nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ, chắc chắn số người viết có quê sinh xứ Nghệ sẽ chiếm một tỷ lệ cao, thậm chí rất cao, so với nhiều nơi.
Nhìn rộng ra các Viện nghiên cứu và các trường Đại học, cùng các đơn vị cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể thuộc nhiều ngành nghề khác ở Thủ đô, ngoài khu vực nghề nghiệp như tôi, tôi nghĩ có lẽ cũng là như thế.
Người xứ Nghệ vừa với cốt cách riêng vừa hòa chung và làm nên cốt cách Hà Nội - thủ đô, trong những bổ sung và hô ứng cho nhau, trên cả hai chiều, ngược về trước và lùi về sau, trong giới nghề nghiệp của tôi - đó còn là Trần Trọng Kim (1882-1953) và Lê Thước (1891-1975); Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) và Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993); Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) và Nguyễn Khắc Viện (1913-1997); Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) và Trương Chính (1916-2004); Xuân Diệu (1916-1985) và Huy Cận (1919-2005); Lê Khả Kế (1918-2000) và Nguyễn Tài Cẩn (sinh năm 1926); Hà Xuân Trường (1924-2006) và Hoàng Ngọc Hiến (sinh 1930); Đinh Xuân Lâm (sinh 1925) và Hà Văn Tấn (sinh 1937); Vũ Ngọc Khánh (sinh 1926) và Chương Thâu (sinh 1933); Phan Huy Lê (sinh 1933) và Nguyễn Huệ Chi (sinh 1938)... những tên tuổi đã quá quen thuộc trong đời sống văn chương và học thuật dân tộc.
Nhiều người đi mà thành đường. Tôi - thuộc lớp học trò và hậu sinh cũng cứ nương theo các bậc tiền nhân để tìm đến sự hòa quyện và hội nhập giữa quê sinh và quê ở...
Tháng 7-2000, trong một thư gửi nhà văn Đức Ban - Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tĩnh, cho Tạp chí Hồng Lĩnh tôi có nêu một ý, cho một vế: “Với tôi, Hà Tĩnh là quê sinh, Hà Nội là quê ở, cả hai khó nói nơi đâu quan trọng hơn... Thế nhưng trong đời người, những kỷ niệm của tuổi thơ là không thể phai, là cứ nguyên vẹn thế mà đi cùng với đường đời. Do thế mà Hà Tĩnh luôn ở trong tôi, và Hồng Lĩnh luôn thân thiết với tôi... Với tôi, người Hà Tĩnh là tình nghĩa, là cần cù, là chịu thương chịu khó. Nhưng không chỉ có thế...”.
Khi viết đến những giòng này, người hậu sinh đồng hương là tôi bỗng nhớ hai câu thơ của các bậc tiền nhân, là Hoàng Xuân Hãn:
                                    Đã hay bốn bể là nhà
                        Lam Hồng ta mới thật là quê hương
Và Nguyễn Khắc Viện:
                                    Đêm khuya nghe giọng ai hò
                        Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên
Cuối 2009, trong Lời đầu cuốn sách Viết từ Hà Nội, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, tôi lại có dịp viết tiếp vế thứ hai: “Trong chuẩn bị đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi - một công dân có thời gian cư ngụ ở Hà Nội hơn năm mươi năm; và cũng có ngót bấy nhiêu năm học hỏi và theo đuổi nghề viết, tôi không khỏi xúc động nghĩ: nếu mình không ở Hà Nội, không có những tên tuổi mình từng quý mến và ngưỡng mộ sống và viết ở Hà Nội, không có thầy và bạn ở Hà Nội, không có môi trường văn hóa và bầu không khí Hà Nội, không có những đam mê và quyến rũ ở Hà Nội... nhất định sẽ không có những trang viết nói hộ cho tôi biết bao điều trong một công việc mà tôi đã chung thủy với nó hơn năm mươi năm đã qua”.
Nói về người xứ Nghệ lập nghiệp ở Hà Nội, chỉ riêng nghề viết trên hai lĩnh vực: sáng tạo văn chương, khoa học nhân văn và khoa học xã hội, ở thời hiện đại, là cả một danh sách dài, mà một số tên tuổi tôi đã dẫn trên chỉ là một vài dẫn chứng, trong phạm vi rất hẹp của sự quen biết của tôi. Tôi muốn qua họ để hiểu tác động giữa hai chiều, quê sinh và quê ở; và trong từ trường đó, qua kiểm nghiệm của bản thân, tôi cũng muốn được là một minh chứng nhỏ cho một vấn đề lớn, đó là: sự lập nghiệp và làm nên sự nghiệp của nhiều lớp người ở nhiều nơi, trong đó có người xứ Nghệ trên đất thủ đô, với câu trả lời chắc chắn sẽ là: phải có nguồn sáng của văn minh, văn hóa thủ đô mới có thể phát lộ và phát huy hết tiềm năng của họ, để đưa họ từ là người trí thức của một xứ quê trở thành người của công chúng trong cả nước./.
 
                                                                                                Thái Hà 6-4-2010
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521574

Hôm nay

23

Hôm qua

2345

Tuần này

2348

Tháng này

219513

Tháng qua

121009

Tất cả

114521574