Xứ Nghệ ngày nay

Âm vang Ca trù Kẻ Lứ

                                                            CLB ca trù Kẻ Lứ biểu diễn tại Lễ hội Đền Cuông

Theo sử sách thì từ thế kỷ 16,17, Nghệ An có 4 giáo phường Ca trù đại hàng cùng hàng trăm giáo phường Ca trù tiểu hàng. Tuy nhiên giáo phường Ca trù đại hàng Kẻ Lứ nay là xã Diễn Yên được cho là nổi tiếng và lâu đời, có một thời vàng son, rực rỡ nhất ở xứ Nghệ.

Dù có bao nhiêu thăng trầm bởi nhiều loại hình âm nhạc đương đại thì thưởng thức ca trù tại đình làng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường lệ của người dân Diễn Yên. Trong dịp đầu xuân, ngày hội đại đoàn kết hay hội làng, hàng trăm người yêu Ca trù lại đến Đình Cháy để được nghe những nghệ nhân của làng biểu diễn. Có lẽ là cái nôi Ca trù hàng trăm năm tuổi nên nhịp phách, tiếng đàn, lời ca thánh thót khoan thai dìu dặt đã ngấm vào máu thịt mỗi người ở đây như hồn quê ân tình sâu nặng tồn tại mãi với thời gian. Ông Lê Văn Nghiêm - thành viên CLB Ca trù Diễn Yên chia sẻ: Ca trù là bộ môn nghệ thuật rất khó từ ca nương, kép đàn, quan viên kép trống tất cả đều phải học và từ xưa đến giờ chủ yếu học theo cách truyền khẩu. Muốn có ngón đàn hay thì người cầm đàn phải biết hát. Người cầm trống chầu đại diện cho quân viên khen chê chấm phẩy câu văn. Còn ca nương là cách hát phun câu nhả chữ, phải qua quá trình luyện tập lâu dài.

Vợ chồng ông Phạm Tài Khoản - Thành viên CLB ca trù Kẻ Lứ biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc

 

Các thành viên CLB ca trù Kẻ Lứ biểu diễn tại đình làng

Giáo phường Ca trù Kẻ Lứ vốn có ảnh hưởng cả một vùng khá rộng thuộc phủ Diễn Châu cũ (cả huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu). Có dịp về tìm hiểu tại nhà thờ tổ sư giáo phường Kẻ Lứ, được biết đây vốn là một trung tâm Ca trù lớn và phát triển rực rỡ từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 16. Dòng họ Trần nơi đây chính là tộc giáo phường tài hoa. Ông tổ sư Ca trù Kẻ Lứ là cụ Trần Đức Chính, huý Mập, người lập nên giáo phường Ca trù Tư Chính nổi tiếng đất Thăng Long, được vời vào đàn hát trong phủ Chúa Trịnh. Tại đây còn giữ được gia phả tộc phường và 13 đạo sắc phong cả triều Lê và triều Nguyễn cho các quản giáp xuất sắc. Ông Trần Văn Ánh - Thành viên Hội đồng gia tộc họ Trần cho biết: Trước đây, cứ rằm tháng giêng hay rằm tháng 7, đại hàng Kẻ Lứ tổ chức đi hát Ca trù từ đền Cờn về đình Kẻ Lứ vào đến đền Cuông. Cụ Tổ trước đây được nhà Vua gọi vào cung hát cho nhà vua nghe, các quan tước đi qua về lại thì đều ghé Kẻ Lứ để nghe Ca trù.

Các sắc phong nhà Vua ban cho Đại hàng ca trù Kẻ Lứ vẫn được dòng họ Trần lưu giữ cẩn thận

Với tâm huyết giữ lại hồn cốt văn hóa của cha ông, những năm qua, chính quyền xã Diễn Yên cũng như các nghệ nhân cao tuổi đã phục hồi các lễ hội truyền thống, tạo không gian diễn xướng nên giáo phường Kẻ Lứ vẫn phát triển mạnh mẽ. Cả câu lạc bộ có tới 3 người chơi đàn đáy và 10 đào nương thanh sắc. Ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Yên cho biết: Bà con ở đây vẫn truyền nhau câu ca: "Đồn rằng trong Lứ có trò/Rủ nhau ôm áo gửi bò vô coi". Câu ca dân gian ấy đã nói lên niềm say mê Ca trù nói chung và sức hút mãnh liệt của Ca trù Kẻ Lứ nói riêng. Để tiếp tục phát huy nghệ thuật Ca trù, địa phương tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật này vào các buổi giao lưu nghệ thuật quần chúng ở Diễn Yên để thế hệ trẻ tiếp thu, hàng năm tổ chức từ 5-6 cuộc hát ca trù phục vụ bà con Nhân dân, tạo không gian để câu lạc bộ tập luyện và biểu diễn.

Ca trù là vậy, cứ thoang thoảng mà say nồng, giản dị mà tinh tế đã có sức sống lâu bền từ đời này sang đời khác. Đó là sự kết tụ tinh thần vô giá, là niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân trên cái nôi ca trù Kẻ Lứ nói riêng và người Diễn Châu nói chung.

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 7, tháng 12/2022)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487789

Hôm nay

2203

Hôm qua

2337

Tuần này

22143

Tháng này

215101

Tháng qua

120271

Tất cả

114487789