Những góc nhìn Văn hoá

Từ Thiên cư thuyết đến sự thể hiện con người cá nhân trong thơ Cao Bá Quát

1. Vào năm Tân Mão (1831), Cao Bá Quát thi Hương tại trường thi Hà Nội, đỗ Cử nhân. Mùa xuân năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào Huế thi Hội. Năm ấy ông tròn 24 tuổi.

Khi Cao Bá Quát trở về Bắc thành thì vợ ông đã chuyển nơi ở từ Hoàng Đình - Đình Ngang (khoảng đầu phố Nguyễn Thái Học - Cửa Nam) tới phía Cửa Bắc (khoảng phố Nguyễn Biểu - Đặng Dung ngày nay). Với tâm hồn nghệ sĩ, Cao Bá Quát chạnh lòng trước việc dọn nhà, xúc cảm trước sự thay đổi của thành Thăng Long và thế cuộc nên đã ghi lại những suy tưởng của mình trong bài văn loại Thiên cư thuyết (Câu chuyện dời nhà). Ngay từ dòng mở đầu, ông đã khái quát khả năng nhận thức của con người trước thế giới đang vận động, đổi thay: "Đại phàm vật có cái lâu cái chóng, việc có lại có đi, người hiểu thấu tình lý có thể biết trước được"(1). Sau khi kể lại ngọn ngành câu chuyện thừa kế, quá trình dọn nhà và hết lời ngợi ca vẻ đẹp "một ngôi nhà của bên ngoại", Cao Bá Quát tiếp tục mở rộng tầm suy tưởng: "Nghĩ lại, người ta sống ở trên đời, dài ngắn có hạn mà tính chất của sự vật thì có lâu có chóng, có đi có lại, có nối tiếp không cùng; đem cái có hạn ứng phó với cái không cùng, tâm với cảnh gặp nhau, tình cảm tự nhiên vấn vít"... Đến đoạn kết, Cao Bá Quát kết hợp việc mô tả những điều mắt thấy tai nghe, diễn giải những chiêm nghiệm trong cuộc đời và đúc kết thành bài học nhân sinh: "Than ôi! Những cái mới ta đã biết đâu mà người cũ thì nay là ai nhỉ? Đã đành rằng động hay tĩnh là tùy từng nơi, khổ hay vui là tùy từng cảnh, song trông thấy vật mà cảm đến việc, rồi lặng lẽ mà ngậm ngùi cho cái đã qua, âu cũng bởi chữ tình xui nên như thế! Vả lại tôi sống trọ ở đất này từ thuở bé, đã từng thấy những tường đổ nhà hoang, phần nhiều trước kia là chốn ăn chơi của những nhà quyền quý, như vậy khi nơi đây là khu vực lầu gác của các triều xưa, tôi đã được nghe nói. Kịp khi thay đổi triều đại, tên cũ Thăng Long vẫn còn, như vậy khi nơi đây trở nên tòa thành lớn của một ông tướng trấn giữ một phương, tôi đã được trông thấy; không bao lâu, ngày nay lệ thuộc vào một tỉnh thành, tôi lại được trông thấy. Nghĩ lại tuổi tôi mới ngoài hai kỷ mà đã thấy núi sông thành quách thay đổi ba lần, thì cái nhà tôi ở mấy tháng kia có đáng kể chi! Bảo rằng con người ta sống lâu ở trên đời để xem cái vui của chốn thành thị hẳn là không đúng"... Từ những điều sở học, Cao Bá Quát nhận thức rõ đời người là hữu hạn, cuộc sống là vô thường, luôn luôn đổi thay, suy thịnh - thịnh suy tiếp nối. Điều khác biệt hơn, từ bản chất nghệ sĩ và ý thức con người cá nhân, Cao Bá Quát nhấn mạnh bài học kinh nghiệm riêng: "Nghĩ lại, người ta sống trên đời...", nhấn mạnh tình người: "tâm với cảnh gặp nhau, tình cảm tự nhiên vấn vít", "lặng lẽ mà ngậm ngùi cho cái đã qua, âu cũng bởi chữ tình xui như thế" và đặc biệt nhấn mạnh vị thế chủ thể cá nhân, điểm nhìn con người cá nhân cá thể: Nhà tôi lúc đầu..., Thoạt tiên, tôi ở kinh về..., Vả lại tôi sống trọ ở đất này từ thuở bé..., tôi đã được nghe nói..., tôi đã được trông thấy..., tôi lại được trông thấy..., tuổi tôi mới ngoài hai kỷ..., cái nhà tôi ở mấy tháng kia, v.v... Điểm nhìn và thước đo cái tôi, sự trải nghiệm của cái tôi cá nhân trong trường đời đã giúp Cao Bá Quát chuyển hóa, nâng cấp một sự kiện, hiện tượng dọn nhà cụ thể, đời thường và bình thường lên thành vấn đề mang tính triết lý sâu sắc.
2. Trên thực tế, Cao Bá Quát từng làm khá nhiều thơ trong kỳ đi thi Hội, trước thời gian viết Thiên cư thuyết. Việc nhấn mạnh vị thế của Thiên cư thuyết ở đây chỉ nhằm phác vẽcác mối liên hệ, các chiều hướng tư tưởng, các khả năng xuất lộ ý thức về con người cá nhân và rồi sẽ tiếp tục hiện diện trong phần sáng tác thi ca. Từ đây chúng tôi tập trung khảo sát sự thể hiện con người cá nhân trong thơ Cao Bá Quát trên ba phương diện cơ bản: 1) Xu thế giản lược tiếng nói quan phương; 2) Khả năng đổi mới các chủ đề truyền thống; 3) Khả năng nhận thức thực tại và sự tự ý thức về cái tôi cá nhân...
2.1. Xu thế giản lược tiếng nói quan phương thể hiện nhất quán trong suốt đời thơ Cao Bá Quát, kể từ khi đi thi đến khi ra làm quan, khi được trọng dụng cũng như khi bị giam giữ và phải đi "dương trình hiệu lực", cả khi nhập cuộc đời sống quan trường cũng như khi một mình đối diện với chính mình... Thông thường với mọi nho sĩ, việc thi cử là điều tối hệ trọng cho bản thân và cả gia tộc. Thi cử thành đạt gắn với viễn cảnh tươi sáng "võng anh đi trước, võng nàng theo sau" và mở ra con đường quan lộc, hứa hẹn cuộc sống vinh thân phì gia. Với riêng Cao Bá Quát, ngay khi mới dời khỏi cổng làng vào Nam thi Hội, ông đã cảm thấy ngại ngần, băn khoăn, thậm chí mất lòng tin vào con đường công danh và đánh mất sự tự tin ngay với bản thân mình:
                                    Du du từ cố quốc,
                                    Man man hướng trường lộ...
                                    Ức ngã tích niên du,
                                    Dĩ vi phù danh ngộ...
                                    Đa tạ chư thiếu niên,
                                    Luyến ngã độc an thủ?
                                                (Phó Nam cung, xuất giao môn biệt chư đệ tử)
                                    (Lòng rời rợi từ biệt nơi quê nhà,
                                    Đi trên con đường dài thăm thẳm...
                                    Nhớ lại những chuyến đi năm trước,
                                    Đã bị lầm vì chút phù danh...
                                    Đa tạ các bạn thiếu niên,
                                    Ta có gì đáng quyến luyến?)
                                                (Đi thi Hội, ra đến cổng làng từ biệt các học trò)
Khác với thói thường, Cao Bá Quát không những không hân hoan, hy vọng vào tương lai mà trái lại chỉ cảm thấy sự bi quan, bấp bênh, bất định cho số phận cá nhân và cả một thế hệ:
                                    Thiếu niên tật tẩu chung hà sự?
                                    Úy lộ man man trước lữ hoài!
                                    (Tuổi trẻ bôn ba được gì nhỉ?
                                    Mênh mang dặm khách rợn lòng ta!)
                                                            (Trọ ở Lạc Sơn - Khương Hữu Dụng dịch)
Khi đứng trên núi Hoành Sơn nhìn ra bể, Cao Bá Quát chỉ thấy cảnh sóng nước rợn ngợp và liên hệ thấy con đường công danh cũng nào đâu có an nhàn? Sâu xa trong tâm thức, ông cảm nhận cái xu thế vô thức của cộng đồng, cái con đường khoa hoạn theo quán tính mà mình phải chấp nhận, trôi nổi, cuốn theo: Quan cái phân phân ngã hành hỹ (Mũ lọng nhộn nhịp, ta cũng đi đây!)... Có thể nói đó là chỗ khác người, khác đời và cũng chính là những nhận thức khác biệt của chàng trai Cao Bá Quát so với quan niệm của số đông nhà nho quan phương chính thống...
Trong xu thế giản lược tiếng nói quan phương, Cao bá Quát hầu như không tìm thấy nguồn sáng, không biết noi theo những tấm gương nào. Vì thế ông hiếm có những vần thơ tụng ca thánh đế, tụng ca vương triều, tụng ca vua sáng tôi hiền và hầu như không mấy khi nhắc đến những mẫu hình Đường Nghiêu, Ngu Thuấn cùng một thời thịnh trị Thương, Chu(2). Trong khi đó, phần lớn các nhân vật Bắc sử được nhắc đến lại thường là những tài năng giàu bản lĩnh, những danh nhân văn hóa, thi nhân như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Thức...; các nhân vật Nam sử linh thiêng, tiết tháo như Sơn Tinh, Mỵ Nương, Chu Văn An, Nguyễn Trãi... Bản thân nhà thơ Cao Bá Quát cũng không nói nhiều đến trách nhiệm của một nhà nho với dân với nước mà thường bộc lộ nỗi buồn, nỗi lo, nỗi thất vọng trước tương lai. Ông không cảm nhận được niềm tin và niềm tự hào mà trái lại, trong suốt quãng đời làm quan luôn thấy bị trói buộc, tù túng, chua chát. Khi bị hạ ngục vì tội lấy muội đèn chữa bài phạm qui, ông vẫn tự khẳng định một nhân cách, một lối ứng xử ngang tàng, trước sau chỉ biết tựa vào tài năng của chính mình:
                                    Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu,
                                    Ngã vô hành dã diệc vô lưu...
(Trường giang thiên - III)
                                    (Bước tới đường danh chẳng cúi đầu,
                                    Ở đi ta có ý gì đâu)
                             (Một thiên vịnh cái gông dài, III - Nguyễn Văn Tú dịch)Cao Bá Quát hiểu rõ mình có tài nhưng lúc này đành chấp nhận làm kẻ hủ nho, vô dụng, người thừa, phế phẩm: Vị tử tàn hình nhất hủ nho (Chưa chết thân tàn một hủ nho - Trong lúc ốm). Trong nghịch cảnh trớ trêu, ông vẫn giương vây như thách đố số phận, vẫn bất cần nói rằng mình không tiếc tấm thân, vẫn nói mát rằng nhà vua đã rộng lượng và chỉ rõ sự thật "sợ trái ý trời bị trời ghét":
                                    Hồi tư đãi sĩ chủ ân khoan,
                                    Cảm tích vi tư lý vận gian...
                                    Nghĩ hướng bình nhân thoại tâm sự,
                                    Đê thanh trường khủng ngỗ thiên khan.
                                                (Thập nguyệt thập thất nhật, thừa Lễ Bộ
 nghiêm tấn hậu, cưỡng bệnh mạn chí - Kỳ nhị)
                                    (Cảm tạ ơn vua thực đãi tài,
                                    Phận hèn dám tiếc gặp chông gai...
                                    Muốn đem tâm sự cùng ai tỏ,
                                    Thấp giọng vì e trái ý trời)
(Ngày 17 tháng 10, sau khi Bộ Lễ tra tấn nghiêm ngặt rồi,
gượng đau viết luôn bốn bài, Bài 2 - Khương Hữu Dụng dịch)
Giản lược và ly tâm với tiếng nói quan phương, ngay cả khi được bổ vào Viện Hàn lâm, Cao Bá Quát vẫn không nói nhiều đến ơn vua lộc nước mà thường làm thơ xướng họa với bạn bè, ngâm vịnh vẻ đẹp biển hồ, núi non sông nước. Thơ ông cũng không trích dẫn nhiều điển tích điển cố, ý đẹp lời hay của thánh hiền, không nối vần những lời khuôn thước, giáo điều. Trên tất cả, xu thế giản lược tiếng nói quan phương trong thơ Cao Bá Quát đồng nghĩa với quá trình hóa giải những tín niệm xưa cũ, góp phần khắc phục nếp nghĩ đã trở thành lối mòn, từ đó gợi mở cho cái mới có thể nảy mầm, phát triển.
2.2.Cao Bá Quát sống trọn vẹn vào giai đoạn triều Nguyễn chưa phải trực diện đối đầu với phương Tây thực dân. Chỉ còn ba năm, ba năm nữa thôi, lịch sử dân tộc sẽ sang trang với cuộc chiến chống quân xâm lược Pháp diễn ra hết sức lâu dài, quyết liệt. Cả cuộc đời và thơ văn ông đều đứng hẳn về bờ bên này của lịch sử, thuộc về giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Những vấn đề đặt ra cho xã hội và cho chính Cao Bá Quát vẫn còn lẩn khuất trong lớp khói sương mờ ảo, chưa phải đã hiện hình rõ nét. Với tư cách là nhà trí thức nho sĩ, ông trăn trở suy nghiệm, kiếm tìm nhưng trước sau vẫn đành bất lực với những suy tưởng trong thơ, với một trời câu hỏi chưa có lời giải đáp. Một cách chắc chắn, ông đã đúc kết được trạng thái không khí xã hội giai đoạn nửa đầu thế kỷ, đồng dạng với cách cảm nhận của nhiều nhà nho đương thời như Phạm Văn Nghị (1805-1881), Vũ Phạm Khải (1807-1872)... Một cách không thật chắc chắn, ông đã dự cảm cho bước ngoặt một cuộc biến thiên lịch sử đang cận kề, báo hiệu sự ra đời những tiếng nói canh tân quyết liệt của một thế hệ nhà nho nối tiếp ngay sau đó như Phạm Phú Thứ (1821-1882), Đặng Huy Trứ (1825-1874), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), Bựi Viện (1839-1878)(3)... Có thể nói những đặc điểm mang tính thời đại này đã chi phối sâu sắc khả năng đổi mới các chủ đề truyền thống trong thơ Cao Bá Quát ở tất cả mọi giai đoạn sáng tác.
Trước hết, với chủ đề quân quốc, có thể nói Cao Bá Quát đã giản lược đến tối đa lối thơ tụng ca vương triều, thánh đế. Điều này vừa thể hiện xu thế gián cách với tiếng nói quan phương và đồng thời cũng cho thấy khả năng vận động, đổi mới đề tài quân quốc... Trong tâm thế thất vọng trước nhà vua và triều đình, Cao Bá Quát khôn khéo mượn câu chuyện Ngũ Tử Tư can gián vua Ngô để nhấn mạnh phẩm chất con người trung nghĩa và tỏ lòng cảm thán trước thực tại:
                                    Phiếm sà mạn tự đàm Trương Sứ,
                                    Quyết nhãn bằng thùy điếu Ngũ Viên.
                                    Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật,
                                    Tây phong hồi thủ lệ phân phân.
(Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự,
triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi)
                        (Dong bè những rắp làm Trương Sứ,
                                    Khoét mắt ai người viếng Ngũ Viên.
                                    Ta cũng như người Trung thổ cũ,
                                    Gió tây ngoảnh lại lệ đầm khăn)
(Cùng Hoàng Liên Phương nói chuyện hải ngoại,
có điều cảm xúc, viết chạy đưa bạn - Hoàng Tạo dịch)
Trong bài thơ viết nhân ngày về thăm quê nhà, Cao Bá Quát nói rõ sự bất bình và nhấn mạnh mình không được sống toại nguyện là bởi còn sợ cái uy "mệnh lệnh" (úy giản thư) của nhà vua đó thôi:
                                                Tuế cửu vị qui khứ,
                                                Chỉ ưng úy giản thư.
                                                Tiêu tiêu hoàn đáo thử,
                                                Mạch mạch dục hà như?
            (Tương đáo cố hương)
                                                (Lâu năm chưa về được,
                                                Vì sợ lệnh thiên đình.
                                                Bơ phờ nay trở lại,
                                                Ấm ức nghĩ sao đành)
(Sắp đến quê nhà - Khương Hữu Dụng dịch)
Thất vọng trước nhà vua và triều thần, Cao Bá Quát thường ngụ ý ví mình với Khổng Dung, Tô Đông Pha, Đỗ Phủ - những bậc trung thần cương trực song không được lòng nhà vua và đều bị hại, bị đày đi nơi biên viễn. Soi xét trên hai chiều cảm xúc, rõ ràng khi đã không thể cất lên những lời tụng ca vương triều thì cũng là lúc thi nhân thức tỉnh, bày tỏ nỗi bất bình về lẽ thiếu minh chủ:
                                                Phù thế thùy thanh nhãn?
                                                Kinh ba tự bạch đầu.
(Thập lục nhật yết đĩnh Lữ Thuận, thứ Trần Ngộ Hiên)
                                                (Cuộc đời trôi nổi, biết ai là người mắt xanh?
                                                Ngọn sóng càng dữ dội, tự nhiên cứ bạc đầu)
(Ngày 16, neo thuyền ở bến Lữ Thuận, họa thơ Trần Ngộ Hiên)
Nhà thơ cảm thấy ngột ngạt và xa gần mơ ước một cuộc thay đổi sơn hà:
                                                Tứ hải dĩ vọng vũ,
                                                Ngũ lôi trường bế sơn.
                                                Cử thủ thị thiên biểu,
                                                Nguyện ngôn túng cao phan.
(Du vân)
                                                (Trần gian đang ngóng mưa rào,
                                                Sấm đâu còn ở nơi nào im hơi?
                                                Ngẩng lên trông tận chân trời,
                                                Ước gì bay bổng tuyệt vời cùng mây)
(Đám mây trôi - Nguyễn Văn Tú dịch)
Chuyển sang chủ đề vịnh sử, Cao Bá Quát không tìm thấy mẫu hình anh hùng lý tưởng nên không có được sự đồng cảm để mà tôn vinh, ca ngợi. Ngược trở lại, ông thường chỉ nhắc đến những Bá Di, Thúc Tề, Ngũ Tử Tư, Trương Lương, Đào Tiềm, Lý Bạch, Tô Thức (Trung Hoa), Chu Văn An, Nguyễn Trãi (Việt Nam)... vốn là những người trung nghĩa nhưng sinh bất phùng thời, chịu nhiều gian nan lao khổ. Ông chạnh lòng, cảm thông với người xưa và chê trách đời nay thiếu vắng anh hùng. Vì thế ông ngỡ như tấm gương Chu Văn An, Nguyễn Trãi đã một đi không trở lại, không còn tìm thấy đâu giữa cõi đời này:
                        Thử bang cổ vị phú danh nhân,
                        Tiều Ẩn, Ức Trai đĩnh song tuyệt.
                        Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế
phù cương thường,
                        Tọa thị đương đạo kiêu sài lang...
                        Túng nhiên địa hạ qui lai kiến nhị tẩu,
                        Diện hậu, tâm quí, thần thảm thương...   
(Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín
kiêm trí Lê Hy Vĩnh lão khế)
                        (Đất này xưa lắm anh tài,
                        Cụ Tiều Ẩn, cụ Ức Trai ai bì?
                        Khách nam nhi chẳng vì thế thái,
                        Đem thân ra đỡ lấy cương thường...
                        Về chín suối gặp hồn hai cụ,
                        Hẳn mặt dầy, hình rũ khó trông)...
(Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín,
đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Hy Vĩnh -
Nguyễn Quý Liêm dịch)
Chính với tâm thức đó mà khi đến thăm Côn Sơn, Cao Bá Quát như gián cách với người xưa, cảm thấy mình cũng không xứng đáng với phẩm chất cao vời của Nguyễn Trãi:
                        Ức Trai phú tại dữ thùy luân?
                        Thiên cổ cao danh phó tình hiệu...
(Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn,
nhân tác Côn Sơn hành vân)
                        (Ức Trai phú đấy, cùng ai đọc?
                        Muôn thuở danh cao trời thẳm xa)...
(Lên chơi núi với bạn thơ Phan Long Trân,
nhân viết Côn Sơn hành - Hoàng Tạo dịch)
Đối sánh trở lại, Cao Bá Quát tỏ ra nhạy cảm với bài thơ Hoàng điểu (trong Kinh Thi)chê trách chính sự nhà Chu khiến cho dân phải ly tán và ngầm so sánh tài năng cũng như cảnh ngộ của mình giống với Gia Cát Lượng khi còn ẩn ở Nam Dương chỉ biết ngâm thơ đợi chờ minh chủ trong bài thơ Dư hốt ư mộng trung vãng thám Tuần phủ, ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả, nhân ký Tuần phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử - Kỳ nhị (Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ, nghĩ thầm có lẽ các bạn ở kinh cũng có người đang nhớ đến mình, nhân gửi bài này cho ông Tuần phủ đồng thời gửi ông Phạm Đôn Nhân - Bài 2):
                        Dĩ bất nhẫn văn Hoàng điểu phú,
                        Khả năng độc ký Ngọa Long ngâm?
                        (Đã không nỡ nghe bài thơ Hoàng điểu,
                        Lẽ nào chỉ gửi vào khúc ngâm của Ngọa Long?)
Đến những bài thơ thù ứng, xướng họa vốn thuộc chủ đề ưa thích của thi nhân muôn đời thì Cao Bá Quát cũng có những cách diễn tả riêng, tạo nên những điểm nhấn độc đáo. Trong đời, Cao Bá Quát giao du với nhiều hạng người, từ nhà vua đến Tùng Thiện vương Miên Thẩm (con thứ mười đức Minh Mạng), từ bậc quan lại đồng liêu đến bạn bè hàn vi xưa cũ, từ người da đen kéo xe nơi xứ người đến hình ảnh vợ con chốn quê nhà và tất cả đều hiện hình trong thơ ông. Nói riêng những bài thơ xướng họa với bạn bè, Cao Bá Quát không tán tụng, ngợi ca một chiều mà thường thông qua tình bè bạn để bộc bạch nỗi niềm, mở rộng suy tư và gửi gắm những chuyện muôn năm xưa cũ, những thăng trầm thế sự và xa gần mơ ước một cuộc đổi thay, một cơn mưa nhuần thấm đất trời. Trong hoàn cảnh đặc biệt, vào ngày 9-9 năm Nhâm Dần (1842), Cao Bá Quát mời bạn hữu uống rượu nhân tròn một năm được giảm tội "giảo giam hậu". Ông vẫn ngang tàng đùa vui, coi đây là ngày "thắng du kỳ tuyệt", coi đây là dịp may để được làm thơ, coi đây là trò đùa tạo hóa thử thách đấng khách tiên và thức nhận ý nghĩa cuộc sống:
                        Cơ thê hựu kiên miểu thu thiên,
                        Tiếu bả trùng dương trước túy diên.
                        Lạc mạo thùy thư tân lệnh tiết?
                        Phụ kinh sơ thí tiểu ngoan tiên.
                        Nhãn trung khách tử chân ngô bối,
                        Tọa lý tiên sinh chính thiếu niên.
                        Tha tịch tha thời vô thử hội,
                        Thắng du kỳ tuyệt ngã tư biên.
(Cửu nhật chiêu khách)
            (Trong cảnh giam cầm nay lại đã cuối thu rồi,
            Mượn ngày trùng dương rót rượu mời khách.
            Ngày tết tốt lành nào ai viết văn đùa người rơi mũ?
            Người ta chỉ mới thử chàng tiên bướng có hối lỗi không.
            Nhìn lại những khách trong tiệc đều bọn ta cả,
            Mà người hơn tuổi đó lại là chàng trai trẻ nhất.
            Lúc khác tiệc khác, không bao giờ có buổi họp thế này,
            Thật là một cuộc vui tuyệt, ta ghi lại bài này)
(Ngày trùng cửu mời khách)
Cao Bá Quát tự bảo rằng, tính từ ngày nhà vua giảm tội xử trảm xuống tống giam đến nay được tròn năm thì cũng coi như mình đã tái sinh một kiếp đời nữa để sang thu này vừa đầy một tuổi. Dường như thi nhân đã thức nhận, đốn ngộ ra một điều gì khác và tự nghiệm rằng đời mình đã sang trang, cần soát xét lại tháng năm quá khứ và tìm lối thoát cho một chặng đường mới.
Trong khi đối thoại, đề vịnh với bạn bè, Cao Bá Quát cũng thường sử dụng lối nói khiêm nhường song tư chất con người đầy cá tính trong ông đã đẩy sắc thái tự trào lên một tầm mức mới. Ông giống nhiều người ở chỗ coi mình là khách đa tình, vẫn phải lụy hai chữ công danh nên lỗi hẹn với bạn tri âm. Ông khác nhiều người ở chỗ đặt mình riêng ngoài thói tục, biết tự trào và tự ý thức về tiếng cười cay đắng cao sang của mình:
                        Bằng quân ký ngữ cựu tương thức,
                        Thử khách sầu trung chỉ tự trào.
(Thù hữu nhân úy vấn)
            (Xin gửi lời nói với những người quen cũ rằng:
            Cái lão ấy, hễ buồn chỉ tự nhạo mình mà thôi!)
(Trả lời người bạn hỏi thăm)
Có khi Cao Bá Quát cực tả tâm trạng cô đơn và nỗi khắc khoải cá nhân thành           sự khác biệt, dị thường, độc lập và đối lập với chúng nhân. Đó là khi ông lấy làm thẹn, hối lỗi trước vong linh các bậc trung thần Chu Văn An, Nguyễn Trãi rồi nói với bạn: Thả báo cố nhân Lê Hy Vĩnh - Đạo ngã hảo tại, bất tử duy mệnh cuồng (Và cũng báo cho bạn tôi là Lê Hy Vĩnh biết - Rằng tôi còn khỏe, chưa chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi - Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín...).
Với dòng thơ đề vịnh phong cảnh, Cao Bá Quát thừa sức trổ tài "thả lá thơ chơi", thừa sức múa bút đề vịnh cảnh đẹp bốn mùa và những điển lệ "phong, hoa, tuyết, nguyệt", "tùng, cúc, trúc, mai", "long, ly, qui, phượng"..., song gánh nặng suy tư suy tưởng trước cõi đời đã khiến ông nhiều khi không còn được thanh thản nữa. Ngay cả với chủ điểm du ký vốn đầy mỹ vị nghệ thuật cũng thường được ông gia giảm thêm nhiều món đắng cay, chua chát. Với Cao Bá Quát, thiên nhiên bình dị lại thường trở nên sắc cạnh, sôi sục, thấm đậm tâm trạng chủ thể tác giả. Đi trên bãi cát mà ông thấy dùng dằng, phân vân đôi ngả:
                        Trường sa phục trường sa,
                        Nhất bộ nhất hồi khước...
(Sa hành đoản ca)
                        (Bãi cát dài, lại bãi cát dài,
                        Đi một bước như lùi một bước)...
(Bài ca ngắn "Đi trên bãi cát")
Con người bất như ý ấy băn khoăn giữa đi đứng, giữa nhất bộ thượng lập, thấy phía Bắc "núi muôn trùng", phía Nam "sóng muôn đợt", cho đến câu kết bài ca vẫn đau đáu câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của kiếp người và con đường hành đạo: Quân hồ vi hồ sa thượng lập? (Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?)... Nhìn rộng ra, trong thơ Cao Bá Quát xuất hiện trở đi trở lại hình ảnh những cuộc ra đi, những chuyến vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, đi thi, đi làm quan và đi dương trình hiệu lực. Bên cạnh đó, những ám ảnh về thời cuộc khiến ông nhìn ra những chiều kích khác nhau của thiên nhiên. Trong buổi sớm đi qua sông Hương yên bình, ông cảm nhận, phát hiện một hình ảnh, một thi tứ lạ kỳ:
                        Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền,
                        Trường giang như kiếm lập thanh thiên...
(Hiểu quá Hương giang)
                        (Muôn dãy núi như chạy vòng quanh khu ruộng xanh tốt,
                     Sông dài như thanh kiếm dựng giữa trời xanh)...
                                                    (Buổi sáng qua sông Hương)
Vũ Mộng Hùng dịch thơ:
                                    Muôn núi quanh co diễu cánh đồng,
                                    Trời xanh gươm dựng một dòng sông...
Không bằng lòng với thực tại, khi thấy trời nắng thì Cao Bá Quát mong mưa, nhưng khi trời mưa thì ông lại mong nắng:
                                    Bạo vũ khuynh thiên lậu,
                                    Phi đào táp địa lai...
                                    Xích nhật hành hà đạo?
                                    Thương sinh thán kỷ hồi?
(Đối vũ)
                                    (Mưa dữ như nghiêng trời đổ nước xuống,
                                    Sóng tung tóe tràn ngập mặt đất...
                                    Mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào?
                                    Để dân đen than thở mãi)...
(Nhìn mưa)
Với tài năng thi nhân và tầm vóc nhà thơ triết lý xuất chúng, chỉ một thoáng gặp gỡ với thiên nhiên cũng đủ giúp Cao Bá Quát có được tứ thơ mới mẻ, tân kỳ. Một lần đi chơi núi, tắm suối và nhặt hai viên đá cuội cũng đủ làm nên sự đối sánh giữa con người với thiên nhiên và tầm vóc thi nhân vượt lên tầm vũ trụ:
                                    Triêu đăng Hoành Sơn lập,
                                    Mộ há Bàn kính dục.
                                    Huề thủ lưỡng phiến thạch,
                                    Giang sơn bất dinh cúc.
(Dục Bàn Thạch kính)
                                    (Sớm lên đứng trên núi Hoành Sơn,
                                    Chiều xuống tắm dưới khe Bàn Thạch.
                                    Nhặt lấy mỗi nơi một viên đá,
                                    Cả non sông không đầy một vốc tay)
(Tắm ở khe Bàn Thạch)
Hóa Dân dịch thơ:
                                    Sáng lên Hoành Sơn trông,
                                    Chiều xuống Bàn Thạch tắm.
                                    Nhặt hòn đá mỗi nơi,
                                    Núi sông không đầy nắm.
Vào thời đại Cao Bá Quát và với Cao Bá Quát, hình như sóng gió cũng mãnh liệt hơn, bãi biển cũng mênh mang hơn, con đường ven núi cũng quanh co hơn, mặt trời cũng tỏa nắng gay gắt hơn, cơn mưa cũng sôi sục hơn, mặt trăng cũng âu sầu hơn, bóng chiều cũng đổ dài hơn và tấm lòng thi nhân cũng khắc khoải nhiều hơn. Trước bao nhiêu chủ đề chủ điểm xưa cũ, Cao Bá Quát đã cố gắng khắc phục tính qui phạm, khơi sâu và mở rộng đường biên tâm hồn thi nhân, bổ sung thêm những cách hình dung mới mẻ về thế giới tự nhiên, thiên nhiên và con người.
2.3. Đặt trong bối cảnh lịch sử - văn hóa - xã hội nửa đầu thế kỷ XIX và trong tư cách một nhà nho thi nhân, một ông quan hạng ba, Cao Bá Quát chỉ có thể nhận thức về đời sống thực tại theo cái cách mà thời đại ông qui định và theo mức độ kiến văn mà ông có thể có được. Đương nhiên ông chưa thể hình dung ra được một mô hình xã hội nào khác hơn nhà nước phong kiến với chế độ vua quan và thiết chế đạo đức tam cương ngũ thường. Vì lẽ đó khả năng nhận thức thực tại của nhà nho Cao Bá Quát chủ yếu thể hiện ở những xét đoán thế sự, đạo lý, thiên về dự cảm, dự báo ban đầu.
So với nhiều nhà nho đương thời, Cao Bá Quát được coi là người từng trải, đi nhiều, hiểu rộng. Sau khi đỗ Cử nhân, vừa tròn 24 tuổi ông đã khăn gói vào kinh đô Huế thi Hội. Vừa chịu xong án chữa bài thi, ông liền bị/ được điều đi "dương trình hiệu lực" ở Hạ Châu - Tân Gia Ba (Singapore) rồi trở về làm việc ở Bộ Lễ và Viện Hàn lâm, có điều kiện giao lưu, mở mang kiến thức. Nếu trong thời gian chịu tù tội, Cao Bá Quát thường âu lo, than thân trách phận thì chỉ với nửa năm trời xuất dương hiệu lực đã cho ông thấy cả một chân trời mới, cuộc sống mới, con người mới. Vốn là người không chịu nếp sống gò bó, tù túng, Cao Bá Quát cảm thấy hân hoan bởi nhờ chuyến công cán chuộc tội này mà có dịp mở rộng tầm hiểu biết:
Biều lạp Tây lai đệ kỷ châu?...
Hải sự hỷ đa văn kiến ngoại...
(Tiểu ẩm hý bút)
(Đeo bầu xách nón sang Tây, không biết đã qua mấy cõi?...
Việc ngoài khơi mừng có nhiều điều lạ tai lạ mắt)...
(Uống chơi viết đùa)
Gặp con tàu hiện đại của người Hồng Mao - Anh Cát Lợi, Cao Bá Quát thừa nhận tài năng vượt trội của họ và miêu tả sức mạnh con tàu với sự ngỡ ngàng và niềm khâm phục thành thực. Cái tôi nhà nho và cái tôi cá nhân nghệ sĩ có dịp thử thách. Đây cũng là lần đầu Cao Bá Quát thấy hình ảnh thiên long (rồng trời) lại do con người tạo lập nên và có thể đối đầu được ngay cả với cuồng phong:
                                                Cao yên quán thanh không,
                                                Tả tác bách xích đôi.
                                                Yêu kiều thùy thiên long,
                                                Cương phong xuy bất khai...
                                                Luân phiên lãng phá, ẩn kỳ sinh nội lôi,
                                                Hữu thời hoành hành, đảo tẩu tật bôn mã.
                                                Vô phàm, vô lỗ, vô nhân thôi...
                                                Đàn chỉ tảo khước kinh lan hồi...
(Hồng Mao hỏa thuyền ca)
                                    (Khói ùn ùn tuôn lên trời xanh,
                                    Tỏa ra thành một đống cao hàng trăm thước.
Ngoằn ngoèo như con rồng trên trời sa xuống,
                                    Gió mạnh thổi cũng không tan...
                                    Guồng quay, sóng tung tóe ầm ầm như sấm ran,
                                    Có lúc đi ngang, chạy ngược, nhanh như ngựa phi.
                                    Không buồm, không chèo cũng không người đẩy...
                                    Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người)...
(Bài ca "Tàu thủy Hồng Mao")
Mở cửa nhìn ra thế giới, dẫu chỉ mới chạm đến phần đất thuộc địa của phương Tây, Cao Bá Quát đã cảm nhận được tầm vóc của thế giới hiện đại và tự phản tỉnh, phản vấn, thành thực soi nhìn lại vốn kiến thức cũ kỹ, lạc hậu:
                                                Hoạn du tỉnh thức ngư thiên lý,
                                                Ngu kiến chân thành báo nhất ban...
(Nhị thập nhị nhật đắc phong, hý trình đồng châu)
                                    (Có cuộc hoạn du mới biết cá lớn nghìn dặm,
                                    Kiến thức hẹp hòi, khác nào nhìn con báo chỉ thấy một vằn)...
(Ngày 22 thuận gió, viết đùa đưa các bạn cùng thuyền)
Đặt trong mối liên hệ với thực tại, sau khi đọc tập thơ của bậc huynh trưởng cựu Tiến sĩ Chánh sứ Bùi Ngọc Quỹ (1796-1861), dường như Cao Bá Quát có ý muốn mượn chuyện đời mình để phản biện, cảnh tỉnh họ Bùi - rộng ra là cả truyền thống khoa cử từ chương:
                                                Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự,
                                                Hữu như xích hoạch lượng thiên địa.
                                                Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn,
                                                Thủy giác lục hợp hà mang mang!
                                                Hướng tích văn chương đẳng nhi hý!
                                                Thế gian thùy thị chân nam tử,
                                                Uổng cá bình sinh độc thư sử.
                                                (Đề Sát viện Bùi công "Yên Đài anh ngữ" khúc hậu)
                                    (Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa gọt giũa câu văn, lải nhải từng câu từng chữ,
                                    Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời?
                                    Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn,
                                    Mới thấy vũ trụ là bao la,
                                    Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con!
                                    Trong thế gian này có ai thực là bậc tài trai,
                                    Lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ?)...
(Đề sau khúc "Yên Đài anh ngữ" của ông Đô sát họ Bùi)
Trải qua trường đời, thời cuộc, thời gian và tuổi tác, Cao Bá Quát dần hiểu rõ sự bất lực của văn chương: Lão khứ văn chương bất tự mưu (Về già văn chương không mưu tính được việc gì cho mình) nhưng cũng không biết làm gì khác, không biết lấy gì thay thế, nương tựa, đành trở lại tự an ủi bằng mối sầu tâm và ánh trăng suông quen thuộc mấy ngàn năm.
Nhờ có chuyến đi lao công chuộc tội, Cao Bá Quát có điều kiện quan sát và bước đầu cảm nhận được sự phong phú, phức tạp của cuộc sống. Bên cạnh việc nhận ra lối sống, lối ăn mặc, lối ứng xử của vợ chồng người Tây khác xa với tầm nhìn, thói quen và truyền thống nhà nho, Cao Bá Quát còn thấy rõ một sự thật:
                                                Thiết ly vô tỏa qui xa nhập,
                                                Cá cá ô nhân ngự bạch nhân.
(Hạ Châu tạp thi)
(Cổng sắt không đóng, xe về cứ việc vào,
                                    Rặt những người da đen đánh xe cho người da trắng)
(Thơ vặt làm ở Hạ Châu)
Đương nhiên Cao Bá Quát chưa biết đến thực trạng cuộc sống bất công, sự phân chia chủ tớ, giàu nghèo. Ngay cả khi biết tin về cuộc chiến tranh thuốc phiện Hổ Môn (1840), ông có cảnh tỉnh, châm trích đoàn kịch người Thanh nhưng vẫn chỉ là sự công kích thiên về hình thức:
                                                Hổ môn cận sự quân tri phủ?
                                                Thán tức hà nhân ủng tỵ khan!
(Dạ quan Thanh nhân diễn kịch trường)
                                    (Việc ở Hổ Môn gần đây anh có biết không?
                                    Đáng phàn nàn cho ai đó cứ nghểnh mũi ngồi xem!)
(Đến xem người Thanh diễn kịch)
Cao Bá Quát chưa thể biết đến tương quan Đông - Tây và công cuộc thực dân hóa của người phương Tây có tính lịch sử toàn thế giới. Điều quan trọng hơn, Cao Bá Quát đã thể hiện sâu sắc một cái tôi bất định trước ngã ba đường, tựa như cánh chim bằng trong chiều trở gió. Ông suy tư trong sự trăn trở, mất phương hướng. Ông phá cách, ly tâm với lề lối quan phương chính thống nhưng càng ly tâm càng thấy cô đơn, vô vọng. Ông liên tục tự phủ định và hướng tới khám phá cái mới, tìm đến nhận thức mới. Ông từng làm thơ nói rằng từ ngày thoát khỏi tội chết mới tính là ngày sinh ra một lần nữa và rồi lại đem ngay cái ý tưởng ấy chất chính bậc cha chú Nguyễn Công Trứ:
                                                Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ,
                                                Khởi ưng lục thập cửu niên phi!
(Phụng họa Kinh doãn Nguyễn công thất thập thọ, thứ vận)
                                    (Nghe nói người muốn quay về ngọn núi Hồng,
                                    Lẽ nào sáu mươi chín năm qua đều là sai cả?)
(Họa bài thơ thọ bảy mươi của ông Kinh doãn họ Nguyễn)
Nhưng nghịch lý của sáng tạo thi ca lại chính là "Người cùng thì thơ mới hay". Cao Bá Quát ly tâm với chức phận quan phương để tìm đến/ tìm về cái tôi đích thực - cái tôi chim hạc tự kỷ đứng cao hơn bọn gà tầm thường và ngang tàng chấp nhận sóng gió:
                                                Cố ưng kê hạc đồng thê địa,
                                                Cộng chứng phong ba hiện tại thân.
(Đoàn Tính lâm hành bả tửu vi biệt tẩu bút dữ chi)
                                    (Đã đành đây là chỗ chim hạc phải sống chung với gà,
                                    Và nhận thấy cái thân đang đứng giữa cơn sóng gió)
(Ông Đoàn Tính sắp lên đường, nâng chén từ biệt,
viết vội bài này để tặng)
Ly tâm với chức phận quan phương, Cao Bá Quát mở rộng thi tứ với hình ảnh người thiếu phụ Tây dương "áo trắng như tuyết", "tựa vai chồng", "níu áo chồng", "đòi chồng nâng dậy" (Dương phụ hành) và mở rộng nguồn cảm hứng tình yêu đôi lứa, làm mới trở lại và hiện đại hóa một lối thơ tập cổ:
                                                Tự quân chi xuất hỹ,
                                                Dạ dạ thủ không sàng.
                                                Hải nguyệt chiếu cô mộng,
                                                Giang phong sinh mộ lương.
                                                Tiểu kính ký viễn kháp,
                                                Hàn y lưu cố phòng.
                                                Trì thử các tự úy,
                                                Bất khiển lưỡng tương vong!
                                    (Từ ngày anh ra đi,
                                    Đêm đêm em giữ chiếc giường không.
                                    Trăng bể soi giấc mộng cô đơn,
                                    Gió sông thổi lạnh trời chiều.
                                    Chiếc gương nhỏ đã gửi vào tráp người đi xa,
                                    Tấm áo rét để lại trong phòng cũ.
                                    Giữ những vật ấy để cùng tự an ủi,
                                    Không để cho đôi ta quên nhau)
(Từ ngày anh ra đi)
           
Có thể nói khả năng nhận thức thực tại và sự tự ý thức về con người nhà nho, về cái tôi cá nhân nhà nghệ sĩ Cao Bá Quát thể hiện sâu sắc và nhất quán trong toàn bộ các sáng tác của ông. Trên thực tế, ngay ý thức giản lược tiếng nói quan phương và mở rộng, đổi mới cách thể hiện các chủ đề truyền thống cũng chính là một khía cạnh của tinh thần tự do, hướng đến khắc phục những định đề phong kiến khuôn thước và mở đường cho tư duy sáng tạo nghệ thuật. Trên phương diện phản ánh đời sống hiện thực, Cao Bá Quát đã cảm nhận và thể hiện được tiếng nói của một người vượt lên thời đại, đi trước thời đại bằng những mẫn cảm nghệ thuật và sẵn sàng trả giá bằng chính cả cuộc đời mình.
3. Kết luận
Trở lại với Thiên cư thuyết, có thể nói những suy tư suy tưởng ở chặng đầu cuộc đời Cao Bá Quát vừa thể hiện dấu hiệu một tài năng, một cá tính nghệ sĩ, một năng lực trực giác tuyệt vời để rồi những phẩm chất ấy sẽ theo ông đi trọn đời người. Với tư cách một thi nhân từng được vinh danh "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán", thơ Cao Bá Quát đã thâu nạp được năng lượng thời đại, góp phần nới rộng diện đề tài và tầm bao quát đời sống thực tại, khai thác sâu hơn dự cảm đời sống nội tâm con người trước cơn giông bão từ phương Tây đang cận kề phía trước. Chỉ ba năm sau khi ông qua đời, ba năm nữa thôi, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp sẽ khai hỏa và lịch sử dân tộc sẽ sang một trang mới với cuộc thử thách, đối đầu quyết liệt Đông - Tây, giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, hội nhập khu vực và toàn cầu hoá...
Hà Nội, tháng 9 - 2008
________________
            (1) Thiên cư thuyết, trong sách Thơ Cao Bá Quát (Nhiều người dịch, Vũ Khiêu giới thiệu). In lần thứ ba. Nxb Văn học, H., 1984, tr.341-345. Các chú dẫn thơ văn Cao Bá Quát trong bài đều theo sách này.
            (2) (3) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Cao Bá Quát và những suy tưởng trong thơ. Nghiên cứu Văn học, số 2-2005, tr.3-26. Tuyển in trong Cao Bá Quát - về tác gia và tác phẩm. Tái bản. Nxb Giáo dục, H., 2007, tr.484-511.
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528676

Hôm nay

257

Hôm qua

2275

Tuần này

2949

Tháng này

215372

Tháng qua

0

Tất cả

114528676