Đất Nghệ

Văn hóa Quỳnh Văn gần 100 năm nhìn lại

Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khảo sát di chỉ Quỳnh Văn

Quỳnh Văn là một văn hóa khảo cổ tiêu biểu cho giai đoạn Trung kỳ Đá mới phân bố trên hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, mà tập trung phần lớn ở vịnh biển Quỳnh Lưu, Nghệ An, là một trong ba trung tâm gốm sớm nhất ở nước ta.

Văn hóa Quỳnh Văn lần đầu tiên được biết đến khi Nhà nữ khảo cổ học Madele Colani là người đầu tiên phát hiện và ghi nhận loại hình di tích cồn sò điệp khu vực Cầu Giát (Nghệ An), được ghi chép trong Recherches sur le pre’histoique indochinoises (M. Colani, BEFEO 1930,30). Năm 1963, địa điểm Quỳnh Văn được phát hiện, ngay sau đó, trong những năm 1963-1964, Đội Khảo cổ học, tiền thân của Viện Khảo cổ học ngày nay đã tiến hành 3 đợt thám sát với diện tích 13m2 và hai đợt khai quật với tổng diện tích 150m2, thu được khối lượng lớn hiện vật đá, xương, vỏ nhuyễn thể và vài mảnh gốm. Đợt khai quật đặt nền móng cho việc phát hiện và nghiên cứu một hệ thống các di tích có cùng đặc điểm, tính chất với Quỳnh Văn tập trung xung quanh địa điểm Quỳnh Lưu và lan rộng xuống phía Nam đến Hà Tĩnh. Trong những năm 1963-1964, hàng loạt di tích cồn sò điệp đã được phát hiện và khai quật như Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa I, II, III, Quỳnh Tùng, Thạch Lâm, Thạch Lạc, Thạch Đài, Cẩm Thành hình thành nên một tuyến văn hóa Tiền sử ven biển Bắc Trung Bộ. Tư liệu của đợt điều tra, thám sát và khai quật này được Hoàng Xuân Chinh tổng kết, đánh giá qua bài viết trong Kỷ yếu Một số báo cáo về khảo cổ học Việt Nam năm 1966 (Hoàng Xuân Chinh, 1966).

Năm 1974, địa điểm Phái Nam (Hà Tĩnh) thuộc văn hóa Quỳnh Văn, được Bùi Vinh khai quật và có những nghiên cứu đánh giá chi tiết, xác định phạm vi phân bố của văn hóa Quỳnh Văn lan rộng xuống vùng ven biển Hà Tĩnh (Bùi Vinh, 1978).

Những năm 1978-1979, Viện Khảo cổ phát hiện thêm một số di tích thuộc loại văn hóa Quỳnh Văn như Gò Lạp Bắc, Lèn Hang Thờ, Cồn Đất, Cồn Nghĩa Trang… Những phát hiện trên đã nổ ra cuộc tranh luận chưa đi đến hồi kết giữa các nhà khảo cổ học và các nhà địa chất về nguồn gốc của những cồn sò điệp là tự nhiên hay nhân tạo (Nguyễn Địch Dĩ, Nguyễn Lân Cường 1979).

Văn hóa Quỳnh Văn ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm của các học giả thuộc cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội quan tâm, cùng thảo luận, các nhà nghiên cứu (đặc biệt vào những năm 80 thế kỷ 19) như Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Trung Chiến, Bùi Vinh, Nguyễn Địch Dĩ, Hoàng Kim Cường… Những thành tựu nghiên cứu văn hóa Quỳnh Văn đã được thể hiện khá toàn vẹn trong cuốn Văn hóa Quỳnh Văn của Nguyễn Trung Chiến.

Tính đến nay đã có 22 địa điểm văn hóa Quỳnh Văn được ghi nhận, trong đó có 20 địa điểm thuộc tỉnh Nghệ An, hầu hết được phát hiện và khai quật trước 1982, chỉ có địa điểm duy nhất (Rú Điệp, Hà Tĩnh) phát hiện và khai quật năm 2014-2015.

Kết quả khai quật những di chỉ cồn sò điệp Quỳnh Văn đã phát hiện nhiều loại hình di tích như mộ táng, di tích bếp, di tồn động vật và các dấu tích cư trú khác như hố cột nhỏ/cọc và hố đất đen. Bếp và tàn tích xương động vật phong phú bao gồm xương các loài động vật sống trong rừng như hươu nai, khỉ, trâu bò rừng, voi, tê giác; các loài cá nước mặn và nước lợ; một số loài chim, rùa cạn và rùa biển, vỏ sò điệp, càng cua… cho thấy nguồn thức ăn dồi dào, đa dạng của cư dân Quỳnh Văn cổ. Phương thức mai táng phổ biến của cư dân văn hóa Quỳnh Văn là chôn ngồi hoặc nằm co bó gối trong huyệt đất. Đồ tùy táng đa phần là công cụ đá, ngoài ra còn có công cụ xương và đồ trang sức như dao xương, trâm cài tóc bằng xương ống hươu nai, vỏ nhuyễn thể có xuyên lỗ để luồn dây đeo. Những hố đất đen có thể là nơi cất giấu lương thực, vũ khí hay công cụ lao động. Những hố cột nhỏ tìm thấy tại di chỉ Rú Điệp cho thấy cỏ thể cư dân thời kỳ này đã dựng những căn lều nhỏ làm nơi tạm trú trong khi thu lượm, tìm kiếm thức ăn (Philip Piper, Trần Kim Quý … 2020).

Bộ sưu tập di vật văn hóa Quỳnh Văn khá phong phú về chất liệu, bao gồm đồ đá, đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân cổ. Đồ đá tiêu biểu là công cụ ghè đẽo như công cụ hạch, công cụ hình múi bưởi, công cụ ¼ cuội, công cụ hình mai rùa, công cụ hình hạnh nhân, công cụ mũi nhọn, công cụ kiểu rìu ngắn… Công cụ mài chỉ có ở 4 địa điểm giai đoạn muộn: lớp trên Quỳnh Văn, Cồn Đất, Phái Nam và Rú Điệp với loại hình rìu có vai điển hình. Kỹ thuật ghè đẽo trên một hoặc hai mặt tùy theo loại hình công cụ, ghè 1 mặt chiếm ưu thế hơn, mật độ ghè đẽo dày từ 3-4 lớp ghè kế tiếp, tạo ra các công cụ định hình và quy chuẩn. Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là cuội nguyên hoặc đá gốc có nguồn gốc phun trào.

Công cụ xương có các loại hình dao, đục, mũi nhọn và đồ trang sức (trâm cài tóc), được làm từ xương ống hươu nai, răng và sừng động vật, có vết cắt và mài. Đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể chỉ tìm thấy trong mộ táng địa điểm Quỳnh Văn, làm từ vỏ ốc kéo và vỏ ốc trai.

Đồ gốm Quỳnh Văn đặc trưng bởi hai loại: gốm văn chải hai mặt - đáy nhọn và gốm đáy tròn - văn đập nan trơn. Gốm đáy tròn - văn đập chỉ tìm thấy ở một vài di tích như Quỳnh Văn, Gò Lạp Bắc và lớp dưới Cồn Đất (huyện Quỳnh Lưu), trong khi đó gốm đáy nhọn - văn chải hai mặt đã tìm thấy ở hầu hết các di tích của văn hóa Quỳnh Văn. Gốm đáy tròn - văn đập là một loại đồ đựng có kích thước lớn, xương gốm thô pha nhiều sạn sỏi, bụng to, nở, cổ thắt và mép miệng vuốt nhọn, loe cong ra ngoài.  Hoa văn là những đường rãnh nông, to bản, được tạo ra bằng kỹ thuật bàn đập - hòn kê. Gốm đáy nhọn - văn chải hai mặt là một loại hình đồ đựng đặc biệt của văn hoá Quỳnh Văn. Gốm có đáy hình nón, thân hình trụ, miện hơi loe vuốt nhọn, gốm thô với chất liệu sét thạch anh cạnh sắc. Đồ gốm được tạo ra chủ yếu bằng kỹ thuật giải cuộn, sau đó cùng dụng cụ có nhiều răng để hàn miết các mạch ghép con trạch, đã để lại những đường rãnh nhỏ in trên khắp mặt ngoài và trong đồ đựng. Hiện nay gốm đáy nhọn được xem như là một yếu tố nội sinh của văn hóa Quỳnh Văn và điểm khởi đầu cho một truyền thống đầy sức sống của gốm đá mới vùng ven biển Bắc Trung Bộ (Bùi Vinh, 1983)

Sự phát triển từ gốm đáy nhọn sang gốm văn thừng - đáy tròn thấy rõ trong nhiều địa điểm khác ở vùng này. Ở cồn sò điệp Trại Múng (Quỳnh Lưu) hay ở di tích cồn cát Bãi Phôi Phối (Nghi Xuân), chúng ta có thể thấy lớp dưới được đặc trưng bởi gốm đáy nhọn - văn chải hai mặt, lớp trên có đặc trưng bởi gốm đáy nhọn - văn chải hai mặt, lớp trên có đặc trưng ưu thế của gốm văn thừng - đáy tròn, đôi khi có chân đế và văn khắc vạch.

 

Một phần địa tầng di chỉ Gò Lạp

Các mẫu vỏ điệp tại Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa, Phái Nam và các mẫu C14 ở Gò Lạp Bắc và Cồn Đất đều tập trung trong khoảng niên đại 4780 - 3320 năm BP. Chuỗi niên đại mới nhất tại Rú Điệp và lớp sớm Thạch Lạc (tương đương gia đoạn cuối của Quỳnh Văn) cho thấy thời điểm tương đối kết thúc của Quỳnh Văn chuyển sang Thạch Lạc vào khoảng 5100-5000 năm cách ngày nay, tuy nhiên hiện nay tư liệu về thời điểm bắt đầu của văn hóa Quỳnh Văn đang còn bỏ ngỏ.

Loại hình cồn sò điệp ven biển cũng xuất hiện ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Đông Timor. Vùng ven biển Nam Trung Quốc phát hiện 3 địa điểm cồn sò điệp gồm Á Bồ Sơn, Mã Lan Chủng và Bối Giảo Sơn, phân bố ở vùng đồi gò ven biển hoặc nơi giao nhau giữa sông và biển, đều tập trung ở huyện Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây). Tại Đông Timor hang Lene Hara được khảo sát, khai quật và định niên đại trong khoảng 4600-3000 năm cách ngày nay (Sue O'Connor, Matthew Spriggs and Peter Veth 2002). Các địa điểm Guar Kepah, Penang thuộc Malaysia cũng được khai quật, phân tích về cấu tạo, hình dạng và đặc trưng di tích kết hợp công nghệ 2-D (Najmiah Rosli, Nur Azwin Ismail, Hazuddin Mansor and Mokhtar Saidin 2019).

Loại hình di tích cồn sò điệp cũng xuất hiện phổ biến ở các vùng ven biển Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, theo Keiji Imamura (Keiji Imamura 2005), gần một nửa trong số 2,000 địa điểm sò điệp được biết đến tập trung ở quận Kanto (vịnh Utsumi), niên đại khoảng 6,000 - 3,000 năm, tương ứng với thời gian từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Jomon. Thời kỳ Chumul (8,000-3,000 năm BP) Hàn Quốc hình thức kinh tế khai thác nhuyễn thể cũng phổ biến, tạo nên hệ thống di tích cồn sò điệp ven biển phía Nam và phía Tây Hàn Quốc (Jun - Jeong Lee 2001). 

Loại hình di tích cồn sò điệp Quỳnh Văn phân bố tập trung ở Nghệ An, hiện còn được bảo tồn khá tốt, là loại hình di tích đặc sắc không chỉ trên phương diện khảo cổ mà còn là dấu tích sống động phản ánh sự thay đổi môi trường, các giai đoạn biển tiến - biển lùi và khả năng thích ứng của con người trong giai đoạn môi trường đầy biến động này. Do đó, những di tích còn lại của văn hóa Quỳnh Văn nên được xây dựng hồ sơ bảo tồn như một hệ thống di sản đặc biệt quan trọng cần được vinh danh, bảo vệ.

_____________

* Viện Khảo cổ học

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trung Chiến (1998), Văn hóa Quỳnh Văn, Nxb KHXH, Hà Nội. 

2. Nguyễn Trung Chiến (1983), Suy nghĩ ban đầu về mối quan hệ giữa văn hóa Quỳnh Văn và văn hóa Thạch Lạc qua tài liệu gốm, NPHMV KCH năm, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 60-62. 

3. Nguyễn Trung Chiến (1984), Địa tầng Cồn Đất và vấn đền nguồn gốc của các di tích cồn sò điệp thuộc văn hóa Quỳnh Văn vùng ven biển Nghệ Tĩnh, Khảo cổ học (số 4), tr 20-30.

4. Nguyễn Văn Hảo và nnk (1979), Những di chỉ cồn điệp của văn hóa Quỳnh Văn. Khảo cổ học, số 3, tr. 10-19.

30. Huỳnh Ngọc Hương (1976), Bờ biển Nghệ An với đợt biển tiến cuối cùng, Khảo cổ học (số 17), tr. 21-22.

5. Nguyễn Khắc Sử (1975), Điều tra, sưu tầm khảo cổ học ở Quỳnh Hoa và Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học.

6. Hà Văn Tấn (1978), Nghệ Tĩnh trong tiền sử và sơ sử Việt Nam, Khảo cổ học (số 2), tr. 21-29.

7. Bùi Vinh (1978), Khai quật địa điểm Phái Nam (Nghệ Tĩnh), Tư liệu Viện Khảo cổ học.

8. Bùi Vinh (1979), Những vấn đề văn hóa Quỳnh Văn đặt ra sau khi khai quật Phái Nam (Nghệ Tĩnh), Khảo cổ học (số 1), tr. 21-28.

9. Keiji Imamura (2005), Nhật Bản thời Tiền sử, những triển vọng mới trên hòn đảo Đông Á, Nxb Văn hóa Thông tin.

10. Lam Thi My Dung, Nguyen Thi Thuy, Tran Kim Quy, Peter Bellwood, Chales Higham, Fiona Petchy, Elle Grono, Nguyen Chieu, Philip Piper (2020), Ru Diep and Quynh Văn cultural of central Vietnam, Archaeological Research in Asea, Volume 22, June 2020, 100190, Elservi Publisher.

11. Najmiah Rosli, Nur Azwin Ismail, Hazuddin Mansor and Mokhtar Saidin (2019), Resistivity Characterisation of Shallow Stratigraphy in Delineating Shell Midden at Guar Kepah, Penang, Malaysia, Journal of Physical Science, Vol. 30(1), 99-110, 2019.

12. Sue O'Connor, Matthew Spriggs and Peter Veth (2002), Direct dating of shell beads from Lene Hara Cave, East Timor, Australian .4r-chaeology, number 55,2002.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434775

Hôm nay

246

Hôm qua

2349

Tuần này

21425

Tháng này

211823

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434775