Đất Nghệ
Di tích quốc gia Đặc biệt - Đền thờ Mai Hắc Đế
Lăng mộ Mai Hắc Đế. Ảnh: Hồ Phong
Cách thành phố Vinh khoảng 20km về phía Tây, cụm di tích đền thờ Mai Hắc Đế là một trong những di tích trọng điểm của huyện Nam Đàn, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, thăm viếng.
Cụm di tích đền thờ Mai Hắc Đế gồm 2 địa điểm: Khu vực Đền thờ và khu vực Miếu Mộ tạo thành một quần thể thống nhất, tọa lạc tại vị trí đắc địa, sơn thủy hữu tình. Mỗi địa điểm đều gắn liền với những huyền tích, cuộc đời và sự nghiệp của Vua Mai Hắc Đế từ khi sinh ra, khởi nghiệp và qua đời.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại núi Dẻ, thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn). Tương truyền, thân mẫu Ngài một hôm trông việc nấu muối, bỗng thấy một làn khói ngũ sắc quấn quanh người, trong lòng thấy động rồi có thai, 12 tháng sau thì hạ sinh Ngài và đặt tên là Mai Thúc Loan. Mai Thúc Loan có sức khỏe hơn người, mặt đen như sắt, người cao hơn bảy thước, khí phách hùng vĩ, là một đô vật nổi tiếng trong vùng và được nhiều người yêu quý.
Năm 713 (Quý Sửu) trước sự đô hộ hà khắc của nhà Đường khiến cho cuộc sống của người dân ở đây càng trở nên cùng cực và túng quẫn, Nhân dân trăm họ lầm than, oán thán, tại chính quê hương mình, Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự hưởng ứng tích cực của dân chúng trong vùng và các châu lân cận, các nước lân bang như Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, Xảo Oa, Ja Va, giữ vùng biển Nam, quân số có đến 30 - 40 vạn người. Được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân ở lưu vực sông Lam và 32 châu quanh vùng, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã từng bước lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập trên địa bàn Hoan Châu và giải phóng toàn bộ Ái Châu (khu vực Thanh Hóa), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội), khiến cho tướng giặc là Quang Sở Khách khiếp sợ bỏ chạy về nước.
Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế, lấy quốc hiệu là Vạn An. Sau khi xưng Đế, Vua Mai đã cho xây thành trì, từng bước hình thành nên bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương và ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khoan thư sức dân như: Xóa bỏ tô, dung, cống nạp, Nhân dân được hưởng cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Đất nước 10 năm hưởng thái bình.
Năm Nhâm Tuất (722), dưới thời Đường Huyền Tông, vua Đường sai Dương Tư Húc đem 10 vạn quân cùng Quang Sở Khách phối hợp đánh chiếm thành Vạn An. Trước sức mạnh của kẻ địch, lại bị tấn công bất ngờ, thành Vạn An thất thủ, Vua Mai lui quân về núi Hùng Sơn (còn gọi là Hùng Lĩnh hay Đụn Sơn) cố thủ và qua đời,sau đó được các tướng lĩnh an táng dưới chân núi Đụn – nơi ông dựng cờ khởi nghĩa. Trước khi mất, vua Mai trao lại toàn bộ binh quyền cho con là Mai Thúc Huy (thường gọi là Mai Thiếu Đế) tiếp tục sự nghiệp chống giặc được một thời gian ngắn thì cuộc khởi nghia thất bại.
Về sau, để tưởng nhớ công lao của Mai Hắc Đế, Nhân dân đã lập đền, xây miếu phụng tại khu vực kinh đô Vạn An nơi ông khởi nghiệp chống lại nhà Đường để quanh năm hương khói phụng thờ. Trong tâm thức của những người dân Nam Đàn, người anh hùng Mai Thúc Loan được khắc họa một cách giản dị nhưng đầy tự hào:
Có Vua Mai Hắc Đế
Người trên rừng dưới bể
Từ kẻ chợ người cày
Người như nước như mây
Đất An Nam tụ khí
Đất Nam mình tụ khí...
Đền thờ Mai Hắc Đế được xây dựng vào thời Hậu Lê, được trùng tu lớn vào năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng đãng, phía trước là sông Lam, xung quanh là khu dân cư trù phú. Đây là nơi thờ phụng, tưởng nhớ Mai Hắc Đế; Thân mẫu, vợ, con của ngài cùng các vị tướng lĩnh, những người đã có công trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Kiến trúc đền Vua Mai được bố trí đăng đối từ ngoài vào trong, bao gồm các công trình: Cổng, sân, Thượng, Trung, Hạ điện, tả, hữu vu,… các cấu kiện được đắp, chạm trổ hoa văn họa tiết độc đáo với nhiều chủ đề tứ linh, tứ quý,…
Đền thờ Mai Hắc Đế. Ảnh: Hồ Phong
Khu Lăng mộ Mai Hắc Đế, Ảnh: Hồ Phong
Cách di tích đền thờ Mai Hắc Đế 200m về hướng Tây là khu miếu mộ vua Mai, đây là nơi an táng thi hài của Ngài. Khu miếu mộ vua Mai có vị trí “tọa sơn, vọng thủy”, phía trước lấy dòng sông Lam làm tiền án, phía sau và hai bên tả hữu dựa vào núi Đụn tựa thế tay ngai vững chãi. Kiến trúc di tích chia làm 2 khu vực được xây dựng theo kiểu tiền miếu hậu mộ. Miếu thờ kiến trúc theo kiểu chữ khẩu và khu lăng mộ được làm từ đá xanh nguyên khối.
Hiện nay tại đền thờ và miếu mộ Vua Mai còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, qúy như: tượng thờ Mai Hắc đế, hoành phi, câu đối, hương án,… có giá trị khoa học và thẩm mĩ. Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại phong cho Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế được xem là những tư liệu lịch sử quý hiếm có niên đại hàng trăm năm.
Lễ hội đền vua Mai
Tại đền thờ Mai Hắc Đế diễn ra nhiều kì lễ trọng như ngày giỗ Mai Hắc Đế (17/9 âm lịch), Khai xuân (Rằm tháng Giêng), Thanh minh, tết Đoan dương, tết Trung nguyên, lễ Thường tân, lễ Lạp nghi,.... nhưng kì lễ được tổ chức quy mô nhất là Lễ hội đền Vua Mai, diễn ra trong 4 ngày: 13-14-15 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động lễ, hội hấp dẫn như: lễ rước thủy, rước bộ, lễ thả đèn hoa đăng, đu tiên, kéo co,… đặc biệt là hội vật vua Mai mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương và thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Nam Đàn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đặc biệt. Ảnh: Hồ Phong
Đền thờ Mai Hắc Đế là công trình văn hóa tâm linh lâu đời, nơi tôn vinh và tri ân Mai Hắc Đế, người anh hùng kiệt xuất có công giải phóng dân tộc, đưa vị thế của đất nước lên ngang hàng với phương Bắc cùng những người có công với dân, với nước. Với giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ đang hiện hữu tại di tích, năm 1996, Mộ và đền thờ Mai Hắc Đế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Bằng xếp hạng di tích đền thờ vua Mai Hắc Đế là di tích quốc gia đặc biệt.
tin tức liên quan
Videos
Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Toni Morrison
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thống kê truy cập
114487778
2192
2337
22132
215090
120271
114487778