Tin tức

Quy định mới về quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức

Định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận đối với tiền trong hòm công đức (nếu có)

Bộ Tài chính đã có Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo đó:

1. Đối với quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội được quy định cụ thể tại Điều 4,5,6,7,8 của Thông tư.

Nguồn tài chính để tổ chức lễ hội được xác định từ: Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội; thu từ hoạt động dịch vụ; tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định; ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với lễ hội truyền thống.

Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí được quy định chi tiết tương ứng với từng chủ thể tổ chức lễ hội bao gồm: Lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức và Lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức.

Nội dung chi cho công tác tổ chức lễ hội gồm: các hoạt động tuyên truyền, quảng bá lễ hội; phục dựng, trình diễn, biểu diễn, ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức lễ hội; các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, hội nghị, hội thảo và sự kiện văn hóa lễ hội; công tác đảm bảo an ninh trật tự, y tế, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ; văn phòng phẩm, điện, nước, lễ tân, khánh tiết; thù lao các thành viên BTC và các thành viên liên quan; hương, hoa, lễ vật; hoạt động từ thiện, nhân đạo…

Mức chi do Trưởng ban Tổ chức lễ hội quyết định theo Quy chế tổ chức, tài chính lễ hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với lễ hội truyền thống trong hoạt động phục dựng, phát huy giá trị lễ hội. Mức chi hỗ trợ căn cứ vào phương án tổ chức được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các khoản chi thực hiện khi có dự toán được cấp thẩm quyền giao và phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Đối với quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được quy định tại Điều 9,10,11,12,13,14,15,16 của Thông tư.

Việc tiếp nhận thông qua các hình thức: Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại; tiếp nhận tiền mặt; tiếp nhận giấy tờ có giá; tiếp nhận kim khí quý, đá quý.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ được quy định chi tiết tương ứng với từng chủ thể: di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng, di tích thuộc sở hữu tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, BQL di tích.

Nội dung chi bảo vệ và phát huy di tích được quy định cho các khoản chi thường xuyên và các khoản chi đặc thù. Mức chi do người đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích quyết định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí tu bổ, phục hồi di tích được quy định chi tiết: Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc tu bổ, phục hồi di tích. Xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn. Chi phí tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ cho việc tu bổ, phục hồi di tích của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước.

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 19/3/2023

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443281

Hôm nay

2172

Hôm qua

2305

Tuần này

21094

Tháng này

218455

Tháng qua

112676

Tất cả

114443281