Người xứ Nghệ

Những cống hiến xuất sắc của Gs Tạ Quang Bửu trên lĩnh vực quân sự

Nói đến Giáo sư Tạ Quang Bửu ai nấy trong mỗi chúng ta đều cảm phục và tỏ lòng kính trọng đến một con người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đến nay, các đồng nghiệp, bạn bè và học trò đã có nhiều bài viết ca ngợi đức độ và tài năng của ông trên các lĩnh vực khác nhau.

Họ quả quyết rằng, ông là niềm tự hào của trí thức nước nhà, là vị trưởng lão của khoa học Việt Nam, là vị kiến trúc sư của nền toán học Việt Nam, là bậc thầy khoa học- văn hóa mãi mãi được kính trọng, là một con người có trí tuệ uyên bác và giàu nhiệt huyết,v.v…Nhưng không dừng lại ở đó, ông còn là một nhà quân sự tiêu biểu- người có nhiều cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh này 23 tháng 7 năm 1910 tại thôn Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là con trong một gia đình nhà giáo, lại được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của quê hương nên ông sớm bộc lộ tài năng của mình. Năm 1922, Tạ Quang Bửu thi đỗ vào Trường Quốc học Huế, sau đó ông ra Hà Nội học trường Bưởi (một trong những ngôi trường danh tiếng của Việt Nam thời bấy giờ). Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ông nhận được học bổng sang Pháp học. Sau một thời gian đèn sách trên đất khách quê người, năm 1934 ông trở về nước nhưng không ra làm quan mà đi dạy học tại các trường tư. Lúc đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Từ năm 1942 đến 1945, ông được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu hãng Điện nước Trung Kỳ[1]. Đến tháng 8 năm 1945, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia hoạt động cách mạng. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Giáo sư Tạ Quang Bửu, là sự chuyển biến từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cách mạng.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với chủ trương đúng đắn là kêu gọi những người có tài, có đức mang trí tuệ và tài năng của mình ra giúp dân, giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi cuốn được đông đảo những bậc hiền tài của Việt Nam lúc đó tham gia vào công cuộc dựng xây và bảo vệ nhà nước Việt Nam dân chủ non trẻ. Với tài năng vốn có, Giáo sư Tạ Quang Bửu sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ những chức vụ quan trọng.
Tháng 3 năm 1946, Bộ Quốc phòng được thành lập[2], Giáo sư Tạ Quang Bửu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng[3]. Đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập, điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt là trình độ khoa học kỹ thuật quân sự của Việt Nam hầu như chưa có gì là một thử thách không nhỏ đối với Giáo sư Tạ Quang Bửu. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn hiện tại của quân đội và đất nước, bằng vốn kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng của mình, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng những người đứng đầu Bộ Quốc phòng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng quân đội sao cho có đủ sức mạnh để đối trọi với kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần.  
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, do chênh lệch về lực lượng, chúng ta phải di chuyển cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến lên núi rừng Việt Bắc. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Tạ Quang Bửu, các cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng cũng lần lượt di chuyển lên Việt Bắc. Đến địa điểm mới, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định nơi ăn chốn ở, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt của Giáo sư Tạ Quang Bửu, các cục chuyên mộn thuộc Bộ Quốc phòng nhanh chóng bắt tay vào việc nghiên cứu cải tiến, chế tạo sản xuất một số loại vũ khí, đạn dược, y dược, quân dụng… cung cấp cho bộ đội chủ lực đánh địch.
Cũng tại núi rừng Việt Bắc, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa- lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục Quân giới và nhiều cán bộ kỹ thuật quân sự, công nhân các xưởng quân giới thực hiện một chương trình cấp bách là nghiên cứu, chế tạo ngày càng nhiều các loại vũ khí có sức công phá tương đối lớn. Với tinh thần trách nhiệm hết lòng vì công việc, vượt lên trên những thiếu thốn của cuộc chiến, điều kiện khắc nghiệt của thời tiết địa hình, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng các cộng sự của mình đã chế chế tạo thành công đạn badôca- được sử dụng hiệu quả trong chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông 1947. Tiếp đó đã chế tạo thành công súng SKZ (súng không giật), tiến hành phóng thử thành công bom bay- một loại tên lửa nặng 30kg, có thể đánh các mục tiêu cách xa đến 4km,v.v…
Dù là người có công lớn trong việc sản xuất, chế tạo ra nhiều loại vũ khí cho bộ đội đánh địch, nhưng không bao giờ Giáo sư Tạ Quang Bửu coi đó là thành tích của riêng mình, trong hoàn cảnh nào ông cũng đặt lợi ích của Đảng của dân tộc lên trên hết. Giáo sư Tạ Quang Bửu thường nói với giám đốc các Cục chuyên môn: “Chúng ta là những tri thức Việt Nam yêu nước được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Chúng ta chỉ phân biệt cương vị trong khi làm việc, chứ chúng ta cùng chung một nỗ lực là phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thông minh, cần cù, dũng cảm, đoàn kết, dám nghĩ dám làm để phục vụ quân và dân đánh giặc Pháp xâm lược, giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”[4]. Chính sự gần gũi và khiêm nhường của Giáo sư Tạ Quang Bửu đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao giữa các cơ quan trong Bộ Quốc phòng, biến sức mạnh của mỗi người thành sức mạnh tập thể, cùng nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ kháng chiến.  
Tháng 8 năm 1947, trước yêu cầu mới của cách mạng, Giáo sư Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ đây, lịch sử đã đặt lên vai Tạ Quang Bửu một sứ mệnh cao cả là lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Quốc phòng hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến mà Đảng và Bác Hồ giao phó. Trên cương vị mới, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng do yêu cầu trước mắt là phải chống lại sự đánh phá bằng không quân của thực dân Pháp trên bầu trời Việt Nam, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã ngày đêm nghiên cứu và chỉ đạo biên soạn cuốn sách Bắn máy bay bằng súng trường tập trung sau đó phổ biến rộng rãi khắp nơi. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn máy bay phản lực của Mỹ. Ngạc nhiên về kĩ thuật bắn máy bay của Việt Nam, phi công Mỹ khi bị giam ở Hilton Hà Nội (Hỏa Lò) đã viết thư cho Đài Tiếng nói Việt Nam hỏi: “Làm sao dân quân du kích Việt Nam có thể dùng súng trường bộ binh để bắn rơi máy bay phản lực?”. Để trả lời câu hỏi của phi công Mỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhờ Giáo sư Tạ Quang Bửu viết và đọc vào máy ghi âm, Đài Tiếng nói Việt Nam cho phát đi phát lại nhiều lần, phi công Mỹ nghe rất thỏa mãn.
Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông 1947 chúng ta thu được nhiều chiến lợi phẩm, đặc biệt là vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch… Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương: “Tận dụng tất cả những cơ sở vật chất kỹ thuật đó để rèn cán chỉnh quân, xây dựng những tổ chức ban đầu cho các chinh chủng kỹ thuật”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc này trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và quyết định thành lập Cục Pháo binh, Cục Công binh trực thuộc Bộ Quốc phòng và Ban nghiên cứu thủy quân, Ban nghiên cứu không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu… Đây là những quyết định đúng đắn, mở ra một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, điều quan trọng, với việc thành lập những đơn vị mới trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu đã khai thác và tận dụng tốt nhất những vũ khí trang bị thu được của địch, phục vụ cho việc huấn luyện và chiến đấu của quân đội trong những năm tháng kháng chiến gian khó.
Đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một năm, tháng 8 năm 1948, Giáo sư Tạ Quang Bửu đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn ông xin giữ chức Thứ trưởng giúp Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trong công tác khoa học- kỹ thuật quân sự. Cũng trong năm 1948, khi Hội đồng Quốc phòng Tối cao được thành lập, Giáo sư Tạ Quang Bửu được bầu làm Ủy viên Hội động Quốc phòng Tối cao, sau đó làm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Giáo sư Tạ Quang Bửu còn là thành viên Đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơnevơ (1954). Tại Hội nghị quan trọng này, Giáo sư Tạ Quang Bửu là người đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kí văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dù được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước[5], nhưng Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn có nhiều đóng góp xuất sắc cho quân đội ta. Năm 1972, khi cuộc thương lượng giữa Mỹ và Việt Nam đang diễn ra trên bàn đàm phán thì Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Richar Ních Xơn trở mặt, ra lệnh ném bom trở lại và phong tỏa miền Bắc Việt Nam. Triển khai kế hoạch này, Richar Ních Xơn ra lệnh đem cả thủy lôi chiến lược MK52 (đủ sức đánh đắm tàu 10 vạn tấn) hòng bịt chặt cảng Hải Phòng, bóp nghẹt cổ họng của đối phương và chặn đứng sự viện trợ quốc tế.
Trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, để mở luồng, thông tuyến chi viện cho tiền tuyến miền Nam cần phải nhanh chóng nghiên cứu khám phá cơ cấu, tính năng của các loại thủy lôi mới của Mỹ, từ đó sáng chế ra các phương tiện, khí tài phù hợp mới có thể ngăn chặn được sức công phá của chúng. Lúc này, dù không còn trực tiếp lãnh đạo quân đội, nhưng những kinh nghiệm và tài năng của Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn vô cùng quý giá đối với lĩnh vực khoa học quân sự Việt Nam. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Giáo sư Tạ Quang Bửu nhanh chóng chỉ đạo thành lập một tổ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khí tài phá thủy lôi mang mật danh GK1 (G- là giao thông; K- là bách khoa) và khí tài phá bom từ trường mang mật danh GK2 do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng. Dưới sự theo dõi và chỉ đạo sát sao của Giáo sư Tạ Quang Bửu, trong một thời gian ngắn những khí tài phá thủy lôi mang nhãn hiệu GK72-2, GK72-3, GK72-4… lần lượt được chế tạo thành công, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Cho đến hôm nay, mặc dù Giáo sư Tạ Quang Bửu đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Giáo sư vẫn còn mãi với non sông đất nước[6]. Đối với quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo sư Tạ Quang Bửu không chỉ là người thầy, người lãnh đạo quân đội tận tụy mẫu mực mà ông còn là một tài năng xuất chúng, một người có nhiều cống hiến xuất sắc đối với quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếc thương sự ra đi của Giáo sư Tạ Quang Bửu[7], trong lời cảm tưởng của mình tại Lễ truy điệu, cố Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Vĩnh việt anh với tình cảm tiếc thương người đồng chí đã góp phần tận tâm, tích cực vào sự nghiệp trưởng thành và thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
 

[1] Cũng trong khoảng thời gian này, ông cũng được bầu làm Huynh trưởng Hướng đạo sinh Trung Kỳ. Đây là phương pháp giáo dục dành cho thanh thiếu niên, những người tham gia công khai nguyện trung thành với Tổ quốc, làm những việc có ích cho xã hội…
[2] Khi mới thành lập, Bộ Quốc phòng gồm Văn phòng Bộ Quốc phòng và 10 Cục chuyên môn. Các cục chuyên môn đặt dưới quyền chỉ huy của Giáo sư Tạ Quang Bửu.
[3] Bộ trưởng là Luật sư Phan Anh. Lúc này, việc điều khiển quân đội trong toàn quốc vẫn thuộc quyền Ủy ban kháng chiến toàn quốc và sau chuyển thành Quân sự Ủy viên Hội do đồng chí Võ Nguyễn Giáp làm Chủ tịch.
[4] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Tạ Quang Bửu- Nhà trí thức và cách mạng, Hà Nội.1996, tr.245- 246.
[5] Từ năm 1954 đến 1958, Giáo sư Tạ Quang Bửu tiếp tục làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy. Thời gian này, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, sau đó đươc cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban. Năm 1956, Trường Đại học Bách Khoa được thành lập, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao thêm nhiệm vụ kiêm Giám đốc Nhà trường đến 1961. Năm 1965, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp được thành lập, Giáo sư Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng đến năm 1976.
[6] Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng đợt 1 về khoa học công nghệ với tập hợp các công trình “Giới thiệu khoa học kĩ thuật hiện đại sau năm 1945; chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà.
[7] Giáo sư Tạ Quang Bửu mất năm 1986 tại Hà Nội.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528304

Hôm nay

2251

Hôm qua

2326

Tuần này

2577

Tháng này

215000

Tháng qua

0

Tất cả

114528304