Người xứ Nghệ

Phan Bội Châu với thế hệ thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ XX

Trong vòm trời của những “vì sao” soi đường cứu nước, Phan Bội Châu mãi mãi là một minh tinh. Cho dù có lúc Tiên sinh đã bị gièm pha. Nhưng  lớp mây đen phủ nhận cũng chỉ nhất thời. Phan Bội Châu vẫn là ngôi sao sáng của mọi thế hệ. Qua Duy Tân hội và phong trào Đông Du, Phan Bội Châu đã gieo vào lòng người một nguồn hy vọng mới sau 47 năm (1858 -1905) liên tiếp thua trong sự nghiệp chống ngoại xâm cứu nước.

Còn hy vọng là chưa tuyệt vọng. Chưa tuyệt vọng sẽ làm nên sức mạnh.Với vị thế Việt Nam, Đông Du thuở đó là đi về phía mặt trời sáng láng. Vài trăm con người ra đi theo Phan Bội Châu chưa phải là nhiều nhưng chính vài trăm con người đó đã thức tỉnh, đã gieo niềm tin và đã làm dấy lên một tiềm năng mới trên toàn cõi giang sơn.

Đông Du - Việt Nam Quang Phục Hội - Việt Nam Quốc Dân Đảng với Phan Bội Châu là những bước đi trên con đường cứu nước và canh tân vô tư, minh bạch. Nhưng không gặp thời. Xu thế đầu thế kỷ XX sau thắng lợi của Cách Mạng Tháng Mười Nga vĩ đại , nhân loại bị áp bức dưới cường quyền đều nhìn về hướng đó, Phan Bôi Châu lại cố tìm cho Dân tộc mình một lối đi riêng đương nhiên phải gặp trở lực.Giá mà Phan Bội Châu không bị bắt. Giá mà Phan Bội Châu thành công! Mười lăm năm (1925 – 1940) bị quản thúc bên dòng sông An Cựu (Huế) với một phía là Toà Khâm sứ Trung Kỳ, một phía là Đế đô quân chủ chuyên chế, Phan Bội Châu lại toả sáng từ tư thế một “Ông Già Bến Ngự”. Người Pháp dùng sức mạnh viễn chinh với hành vi hải tặc đánh chiếm Việt Nam cuối thế kỷ XIX đã làm nên vết nhơ lịch sử của nền cộng hoà. Người Pháp bắt giam Phan Bội Châu vô tình đã đẩy Dân tộc Việt Nam vào tai hoạ khủng khiếp hơn.
 
Tuy vậy, dù ở Đông Kinh, Quảng Châu hay Bến Ngự Phan Bội Châu lúc nào cũng là lá cờ vẫy gọi mọi tấm lòng yêu nước chân chính.
Năm 1975 tôi vào Sài Gòn được bố trí ở tạm trong một ngôi nhà thuộc cụm 57 đường Tú Xương. Chủ nhà và gia đình mới di tản nên giấy tờ đồ đạc còn ngổn ngang bề bộn. Tôi ý thức được rằng tất cả những thứ đó không phải của mình nên đã làm bản thống kê tài sản của người vắng mặt. Tình cờ trong một ô kéo tôi nhặt được mẫu giấy viết dở có lẽ là thơ.
 
    “Con đường người đi,
    Một thời chìm trong biển sóng.
    Mặt trời chưa lên.
    Chưa thể nhìn ra vòm trời rộng…”
 
Viết về Phan Bội Châu chăng? Có thể. “Ngụy quân” hay “ngụy quyền” thì chủ nhân của những câu viết này cũng là người Việt. Người Việt hai miền yêu quý Phan Bội Châu như là một lẽ đương nhiên. Bởi Phan Bội Châu là hiện thân của tình yêu non sông và là “hạt nhân” của sự đoàn tụ.
 
Trong phạm vi hẹp mà tôi may mắn được biết từ ông Nội tôi : Mai Đình Hoè vốn là một sĩ phu nhà quê từng theo Tuần phủ Hoàng Xuân Dương và Bố chánh Nguỵ Khắc Kiều lên Sơn Phòng phò vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương rồi sau đó đổi thành Mai Khắc Nhượng làm suất đội dưới trướng Phan Đình Phùng. Đầu thế kỷ XX hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu đã kết giao với Lê Văn Huân (Giải Huân) ở Ngu Lâm (Đức Thọ) và Trần Sĩ Dực ở Đan Hải (Nghi Xuân), Hoàng Minh Kha ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Vương Thúc Oánh ở Nam Đàn... Thế hệ Những Lê Duy Điếm, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Hoàng Ngọc Ân,Trương Văn Lĩnh…lần lượt xuất dương qua Trại Cày Đặng Thúc Hứa từ lớp người giao thời này. Chùa Đồng Tương ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu là nơi làm lễ thề kết nghĩa tâm giao của họ.
 
Tôi lại may mắn được gặp Đinh Chương Dương thành viên cuối cùng còn lại của phong trào Đông Du, người làm sợi dây liên kết lớp Thanh niên Bắc miền Trung với Phan Bội Châu ở Hải ngoại. Vương Thúc Oánh (Nghệ An), Đinh Chương Dương (Thanh Hoá), Trần Đình Sóc (Nam Định) là dấu nối Trung - Bắc mà 47 phố Hàng Dầu thành phố Nam Định (nhà Trần Đình Sóc con rể Lương Văn Can, Sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục) vốn là nơi hội tụ hai miền. Tại đây lớp Thanh niên Thái Bình như Đặng Châu Tuệ, Vũ Ngọc Ba, Nguyễn Thế Rục (người đã cùng Trần Phú, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Ngô Đức Trì thành lập Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại trường Đại học Đông Phương Mạc Tư Khoa) kết giao với Lê Hồng Sơn, Phan Trọng Bình (Đức Thọ), Vương Thúc Oánh (Nam Đàn). Sự kết nối của Đinh Chương Dương theo hướng dẫn của Phan Bội Châu đã làm nên một giàn người nô nức ra đi và chính họ là nòng cốt của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Hội về sau. Lê Mạnh Trinh (Thanh Hoá - Phó Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng TƯ), Đông Tùng Nguyễn Tư Hồng (Nghệ An) là những người gắn bó với Đinh Chương Dương một thuở đều đánh giá rất cao thế hệ Thanh niên đầu thế kỷ XX qua sự dẫn dắt và ảnh hưởng của Phan Bội Châu.
 
Nhân kỷ niệm lần thứ 140 ngày sinh Phan Sào Nam Tiên sinh tôi nhớ lại (có thể nhiều sai sót) những điều đã được nghe trực tiếp từ Đinh Chương Dương, Lê Mạnh Trinh, Nguyễn Tư Hồng …viết ra như là nén tâm nhang dâng lên hương hồn những người bôn ba đi tìm cho Dân tộc mình một con đường giải phóng khỏi mọi áp bức bất công nhưng chưa toại.
 
    “Quốc phá gia diệc vong, trấp niên lai bạt thiệp phong trần, sinh ký cam lâm vô định cốt.
    Mệnh cùng thời bất lợi, cửu tuyền hạ lâm ly huyết lệ, tử quy vị toại bán sinh tâm”.
             (Câu đối trước mộ Đinh Doãn Tế, một Hội viên Quang Phục Hội, ở đông bắc Thái Lan).
 
                                                                                                                         Làng An Lạc, Huế, 2007
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528419

Hôm nay

275

Hôm qua

2291

Tuần này

2692

Tháng này

215115

Tháng qua

0

Tất cả

114528419