Người xứ Nghệ

Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822 - 1891)

Cách thành phố Vinh 40 km về phía Tây thuộc hữu ngạn sông Lam, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương là một miền đất giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước của tỉnh Nghệ An. ở đây có đền Bạch Mã - một trong tứ từ linh của Nghệ Tĩnh (Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng), có đình Võ liệt với những hàng bia đá danh nhân,cũng là nơi ghi dấu đỉnh cao của Xô viết Nghệ Tĩnh. ở đây còn có nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục - một đại quan tài năng, thanh liêm rất mực mang cốt cách của con người xứ Nghệ.

Cụ sinh năm 1822 trong một gia đình nông dân nghèo theo đòi Nho học, thân phụ là cụ ông Phan Sĩ Cung một người nhân từ ,giỏi chữ nho làm nghề thầy thuốc, mẹ là cụ bàNguyễn Thị ứng làm ruộng, cần cù thuần hậu. Vốn thông minh, Phan Sĩ Thục chăm chỉ học tập, có chí giúp đời. Năm 1840 đậu Tú tài, năm 1846 đậu Cử nhân, năm 1849 đậu Tiến sĩ. Sau khi đi phúc khảo trường thi Thừa Thiên, trường thi Hà Nội, tháng 4-1851 được bổ Tri phủ Cam Lộ(Quảng Trị) bắt đầu cuộc đời làm quan dưới triều Nguyễn. Trước khi đi nhận chức, Ngài đã đến xin ông nội và cha chỉ giáo. Ông nội bảo “ làm quan nên làm cho dân yêu không nên làm cho dân sợ”. Tư tưởng sống thương dân, vì dân là đạo lý lớn của người làm quan đã được các đấng sinh thành trao lại , tiến sĩ Phan Sĩ Thục ghi nhớ suốt đời. Tháng 10-1854 làm tri phủ Kiến Thụy - một vùng dân trí không yên. Bằng đức độ tài năng của mình, Cụ đã dần dần làm cho vùng đó yên ổn. Năm 1861 Cụ đươc bổ làm Ngự sử đạo Nam Trung, rồi được bổ chức Thị độc quản đạo Phú Yên. Năm 1864 làm đốc học Nghệ An, năm 1868được điều về Kinh nhận chức Lang trung Bộ Lại. Thượng thư Nguyễn Tri Phương tâu lên nhà vua “Phan Sĩ Thục là người thuần cẩn có lòng ưu ái”. Năm 1872 Cụ làm Bố chánh Quảng Ngãi, rồi đươc chọn làm Chánh sứ sang nhà Thanh để giải quyết những vấn đề phức tạp về biên giới.Uyên bác tài hoan vừa cứng cõi vừa mềm dẻo được người Thanh kính nể, nhiều sứ thần nước khác khâm phục, Cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ. Năm 1875 vua Tự Đức ban chế khen ngợi: “Phan Sĩ Thục là người nho nhã nêu cao phong thái, hiên ngang khí tiết bao trùm, tính khoan giản thẳng thắn ôn hòa luôn rạng rỡ, tài văn chương chính sự hạng ưu đáng để tin dùng” bèn thăng làm Hình bộ Thị lang. Nhà vua cử Cụ đi thanh tra “từ Kinh vào Nam gia tâm xét hỏi kiến văn nghề thuốc đồng thời nghiêm xét quan lại hào hữu tham tàn cưỡng bức hoành hành đều được nghiêm khắc tâu lên”. Sau khi công cán về, tiến sĩ có nhiều ý kiến tốt tâu trình được nhà vua cho thi hành. Năm 1876 được cử làm Bố chánh Quảng Bình rồi thăng tuần phủ Quảng Trị. Mẫu thân qua đời, Cụ xin từ chức về chịu tang, mãn tang lại giữ chức cũ. Năm 1878 thực thụ chức Trung phụng Đại phu, tham tri Bộ Binh kiêm chức phó Đô Ngự sử viện Đô sát, tuần vũ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đốc thúc Quân lương và phân phối lương thưởng. Năm 1882 bị các quan Bộ tâu trình “Năm trước trong tỉnh bị bão lụt không kịp thời đích thân đến điều tệ” nên bị giáng xuống chức Viên ngoại. Tháng 10 năm ấy Cụ xin về hưu. Năm 1890 đình thần tập cử xin khôi phục hàm Quang lộc Tự thiếu khanh. Vua Thành Thái ban chế khen Phan Sĩ Thục là người “mẫn cán gánh vác việc công, đạt nhiều thành tích, nêu cao gương sáng, đáng được lựa chọn ở chốn triều đình” thăng thụ cho Cụ là Triều liệt đại phu Quang lộc tự Thiếu khanh cử làm đốc học Nghệ An. Đây là lần thứ hai Cụ được giao làm Đốc học tỉnh nhà.

Tháng giêng năm Thành Thái thứ 3 (1891) dẫ 70 tuổi Cụ xin hưu nhưng quan tỉnh yêu cầu lưu lại, Ngày 12 tháng 11 năm ấy Tiên sinh mất tại công sở.
Từ lúc làm quan cho đến khi mất, tiến sĩ Phan Sĩ Thục và gia đình vẫn sống trong sự thanh bần, Tổng đốc Nghệ An là ngài Đào Tấn tâu lên triều đình: “Phan Sĩ Thục xuất thân khoa giáp lâu năm đã được triều trước đặc biệt chọn giữ chức Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, đã được thăng qua các chức Tham tri, Tuần vũ giữ chức siêng năng, người có kiến thức, độ lượng, bình sinh thanh liêm cẩn thận, an tâm sống đói nghèo trong sạch, thân sĩ trong hạt đều khen là bậc mô phạm lão thành. Ngày mất đồ khâm liệm không đủ, không có nhà để rước linh cữu về, tình cảnh rất đáng thương xót và tưởng nhớ. Xin triều đình gia ân truy thụ để tỏ lòng tưởng nhớ kẻ Nho thần, khuyến khích sĩ tiết”. Vua Thành Thái ban chế ngợi khen, thương tiếc: “Phan Sĩ Thục là người kinh luân học đủ, chính sự tài ưu, biểu dương mấy bận, luôn luôn trong sạch chuyên cần, một dạ trung thành, mê mải gắng công phù trợ… Nay truyền cho truy thụ Quang Lộc tự khanh. Ô hô! Mất vẫn như còn, vàng đá thiên thu bất diệt, Khâm tai!”
Nhận xét về cuộc đời làm quan của Tiến sĩ Phan Sĩ Thục, sách Đại nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Sĩ Thục làm quan hơn 4o năm trong cái nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn bị rỗng không mà vẫn thản nhiên.Có người hỏi rằng: làm quan má vợ con đói rét, chẳng cũng là kiểu ư? Thục nhân thuật lại lời của ông cha rằng: “ở đời nên được nhân dân yêu, không nên làm cho nhân dân sợ, làm quan cần phải thanh liêm để không thẹn cái tiếng khoa bảng, chớ thấy nhà nghèo , bố mẹ già mà đổi tiết tháo”. Vì vậy chung thân không dám sai lời(Đại nam liệt truyện - Quốc sử quán triều Nguyễn. Tập 4 NXB Thuận Hóa 1997, trang 293). Có hiếu với cha mẹ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục hết lòng vì dân vì nước, đó chính là truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc..
Năm 1885 Vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan nhanh ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”. Tiến sĩ Phan Sĩ Thục đã sớm nhìn thấy những hạn chế trong tư tưởng này. Đang nghỉ tại quê nhà, Cụ động viên người nhà, học trò và nhân dân “Bình Tây”, làm đường cho vua Hàm Nghi và các tướng sĩ rút vào nơi an toàn (gọi là đường dọn). Thế nhưng Cụ không tán thành “sát tả”. Cụ nói: “Tả đạo cũng là dân nước Việt ta. Để dân lương giáo chém giết lẫn nhau thì sức Cần vương bị phân tán, lòng người chia rẽ không thể đánh Tây được”. Điều đó thể hiện một nhãn quan chính trị sâu sắc, vượt lên những hạn chế của lịch sử, biết phân biệt kẻ thù để đoàn kết toàn dân tăng cường lực lượng của cuộc kháng chiến đồng thời thể hiện tấm lòng thương dân sâu sắc của Cụ. Tổng Võ Liệt có hai xứ đạo thiên chúa là Bàn Thạch, Lai Nhã. Với uy tín của mình Cụ đã che chở được cho nhiều giáo dân ở hai xứ đạo này không bị giết hại. Sau khi Cụ mất, nhiều giáo dân đến ngày giỗ của Ngài tiến sĩ vẫn đến dâng hương tỏ lòng biết ơn. Khi nông dân nổi dậy chống quan lại tàn ác, họ vẫn hết sức kính nể Cụ. “Năm ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh (1886) trong quận ấp bị cuộc binh hỏa tàn phá, có lần họ đị qua vùng Thục ở đều bảo nhau đừng xâm phạm đến. Vì thế làng xóm ấy được toàn vẹn” (Sách đã dẫn trang 293).
Tiến sĩ Phan Sĩ Thục còn là một thầy giáo mẫu mực “Khi giảng dạy học trò ăn mặc tới lui đều nghiêm theo lễ phép”, tinh thiên văn địa lý giỏi thơ văn là tác giả các tập “ Câu trình thuật phú” “Câu trình thi tập” “Thù thế thi văn”. Thơ văn của Cụ thấm đẫm lòng yêu nước thương dân. Khi tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết cùng với em là Nguyễn Duy con là Nguyễn Lâm để giữ thành Hà Nội, Cụ làm câu đối viếng:
                                    Nhất gia phụ tử huynh đệ
                                    Trăm năm thành quách nhân dân.
Chỉ với mười hai từ câu đối trên vừa ca ngợi sự hy sinh vì dân tộc của một gia đình, vừa khẳng định sự bất diệt của người anh hùng trong lòng dân tộc. Câu đối ấy còn thể hiện cái nhìn rất tiến bộ của Cụ thấy được sức mạnh bất diệt của nhân dân.
Là một đại quan, một thi nhân Cụ thích ngắm trăng, làm thơ. Nhìn trăng đẹp mà lòng đại quan Phan Sĩ Thục lại nghĩ đến nỗi vất vả của dân. Trong bài  “đêm trung thu ngắm trăng” sau khi mô tả cảnh trăng đẹp, lòng người trĩu nặng yêu thương và ưu tư:
            “Mỗi khi nhà có việc/ rối rít khiến gia đồng/ gia đồng lo cuống quít/ mệt nhọc nào ai mong. Sai phái nên vừa phải/ bày biện lắm làm chi/ để nhọc nhằn người khác/ tiệc rượu có vui gì!.
Sang Trung Hoa, đoàn sứ bộ gặp cô gái xứ Lạng lưu lạc hơn mười năm ở đất Ngô Châu. Như Bạch Cư Dị khóc người đàn bà đau khổ trên bến Tầm Dương, tiên sinh Phan Sĩ Thục lòng đầy thương cảm viết nên bài “Tỳ bà tân thanh” rất xúc động.
Với tài năng đức độ và tấm lòng yêu thương dân cao đẹp ấy đại quan Phan Sĩ Thục được mọi người rất kính trọng. Năm 1896 - năm năm sau ngày mất học trò đã dựng nhà thờ để tôn vinh người thầy lớn của mình. Nhà có 3 gian, 4 vì rộng 50m2 bằng gỗ lim hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Trong nhà ngoài những hiện vật quý như thanh trường kiếm có ghi tên Cụ, các triện, con dấu, chiếc nón gỗ lúc đi sứ còn có nhiều hoành phi câu đối, thơ từ ca ngợi công đức của Cụ. Mặt trước nhà thờ là bức đại tự “Thanh đức từ đường”. Gian giữa thờ tiến sỹ có treo bức hoành phi “Tiên ưu hậu lạc” được rút ra từ câu “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” của phó Tể tướng Phạm Trọng Yêm (989 – 1052) đời Bắc Tống nói về cốt cách của người quân tử. Hậu sinh mượn lời của người xưa để nói lên cốt cách của người thầy đạo cao đức trọng. Chăm chỉ, tận tụy trong công việc, ra sức làm tròn trách nhiệm góp phần tích cực trị quốc an dân, Ngài đã lo trước nỗi lo của nhiều người; dân còn khổ, nước còn nghèo, có chức cao quyền lớn nhưng  không lơi dụng để tham ô công quỹ, không nhận hối lộ để mưu giàu sang cho mình, cho vợ con, Cụ đã vui sau thiên hạ. Giữa đám quan trường bao kẻ lo vơ vét công quỹ, ức hiếp dân lành để vinh thân phì gia, tiến sĩ Phan Sĩ Thục vẫn sống thanh bạch thật là một nhân cách cực kỳ cao đẹp. Trong nhà thờ còn có câu đối của sứ thần Triều Tiên, nhân sĩ Trung Hoa tặng, những câu đối của các bậc hiền sĩ ca ngợi tiến sĩ Phan Sĩ Thục. Hoành liễn gian bên trái khắc dòng chữ Hán của một nhà hiền sĩ Trung Hoa :
         Học hữu kinh thuật thị chân danh sỹ
                               Hoành vô hà vưu trực tỷ cổ nhân
Tạm dịch: Học có kinh luân đích thực danh sỹ
                             Hành không sai sót sánh cùng cổ nhân
Gian bên trái có câu:
                             Quốc điển gia phong bí nhưỡng truyền
                             Gia khánh tích nguyên di tôn tử.
Tạm dịch: Sử nước ghi công rạng danh làng mạc
                            Nếp nhà gìn giữ truyền lại cháu con.
Năm 1899 nhân sĩ thôn Yên Trường - nơi làng quê của Ngài “mến nhớ khôn nguôi” bậc hiền sĩ đã ra tận Thanh Hóa mua đá dựng bia, lặn lội ra Hà Nam xin cụ Nguyễn Khuyến viết văn bia. Cụ Tam nguyên Yên đỗ Nguyễn Khuyến đã nhận lời. Hiện nay bia vẫn còn nguyên vẹn.
Như vậy từ lúc còn sống đến khi đã qua đời, từ nhà vua đến dân thường, từ quan lại trong triều đến quan lại địa phương, từ học sinh muôn nơi đén nhân sỹ địa phương đều hết lòng kính trọng và tôn thờ. Người được như thế thật hiếm vậy.
Tiến sĩ Phan Sỹ Thục - vị đại quan triều Nguyễn giàu tài năng và tâm huyết, cả cuộc đời sống thanh bạch, luôn tận tụy với công việc hết lòng vì dân vì nước, là nhà chính trị ngoại giao tài giỏi, là bậc mô phạm kết tinh nhưỡng phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ, của con người Việt Nam. Nhà thờ tiến sĩ Phan Sĩ Thục là nơi tri ân bậc hiền sĩ, là nơi để các thế hệ con cháu hội tụ học hỏi để ngày càng thành đạt. Dưới mái nhà thờ ấy, dù sống nghèo nhưng sáu người con của Cụ thì có bốn người đậu Cử nhân, trong đó có người đậu cả Phó bảng. Hậu duệ của Cụ hiện nay nhiều người đã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, là sĩ quan cấp tướng, là thủ trương các cơ quan lớn của Đảng và Nhà nước. Những người khác ít may mắn không được ăn lương của Nhà nước đang lao đông trên mọi miền đất nước đều là những công dân tốt không ai để mất danh giáo. Tất cả đều bắt nguồn từ phẩm chất cao đẹp của tiến sĩ Phan Sĩ Thục. Nhà thờ tiến sĩ cũng là nơi mọi người có thể đến để ngưỡng mộ và thu nhận những bài học về đạo lý, về cách làm người, làm cán bộ. Vì vậy ngày 09/09/2009, ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 4507/QĐ-UBND.VX công nhận nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngày 17/09/2009 Ban quản lý di tích danh thắng Nghệ An đã lập văn bản số 258/CV-QLDT gửi lên Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch đề nghị công nhận nhà thờ tiến sỹ Phan Sĩ Thục là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Điều đó thể hiện nhân dân Nghệ An luôn trân trọng công đức của các bậc tiền nhân, ra sức gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
                                                                                    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528490

Hôm nay

2146

Hôm qua

2291

Tuần này

2763

Tháng này

215186

Tháng qua

0

Tất cả

114528490