Đất Nghệ

Chùa Ân

 

Cách trung tâm thành phố Vinh chừng 4km về phía đông bắc, xóm Xuân Trung xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc là một làng quê trù phú, địa tượng tươi sáng. Tại đây có một bãi đất rộng, phẳng, màu mỡ, hữu tình. Trên mảnh đất ấy có một hiện vật văn hóa vừa được phục dựng bằng tấm lòng, tình cảm của những người dân địa phương và đóng góp của tín hữu bốn phương, đó là chùa Ân.

Theo những gì còn truyền lại trong dân gian, chùa Ân có lịch sử hàng 700 năm. Một nhũ mẫu của Hoàng đế Trần Duệ Tông - bà Phạm Thị Ngọc Dung – sau khi rời khỏi kinh thành đã về cùng nhân dân địa phương quyên góp xây dựng chùa Ân vào thế kỉ XIII tại quê hương làng Ơn xã Ân Hậu huyện Chân Phúc (nay thuộc Nghi Đức, Tp Vinh) . Sau khi bà mất, nhân dân tưởng nhớ công đức bà đã lập đền thờ gọi là đền nhà Bà, với miếu hiệu là “Thánh mẫu Phạm Thị Hoa Nương”, gọi nôm na là “bà Vương Mẫu” tại làng Hòa Cam, nay thuộc xã Nghi Thái cách chùa Ân 3km về phía đông nam. Từ đấy, chùa Ân trở thành cái nôi tâm linh của những người mộ phật bản địa trong nhiều thế kỉ.

Chùa Ân sau khi xây dựng đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó lần trùng tu quan trọng vào thế kỉ XVI do ông huyện thừa họ Bạch phụ trách. Trong lần trùng tu này có dựng thêm cả đình, diện tích toàn bộ khuôn viên chùa được mở rộng thêm trên 3 ha, tôn tạo và xây dựng mới gồm hệ thống chùa - đền - đình, thể hiện khát vọng về sự hòa hợp của hai hệ thống giáo lí Nho và Phật, điều này cho thấy từ xa xưa, vùng đất này đã có sự tiếp cận và nhận thức khá sâu sắc về mặt triết học các học thuyết đang được thịnh hành, chứng tỏ sự phát triển tương đối sớm và có chiều sâu của đời sống văn hóa. Điều đáng nói, ngôi đình được xây dựng ở đây chính là trụ sở hành chính có mộc triện của bộ máy hành chính huyện Chân Lộc. Cùng với việc xây dựng, Bạch huyện thừa đã cho đào một con sông nhỏ gọi là Con Trén từ bàu đồng Nường chảy xuống sông Lam để tiêu thủy và vận chuyển vật liệu, chủ yếu là những cây lim lớn để dựng đình. Công trình được xây dựng công phu, bề thế và tốn nhiều thời gian. Dân gian còn kể rằng thời gian trùng tu, xây dựng quần thể này, người thợ ăn mít, thả hạt, đến khi hạt lên cây ra quả mà công trình vẫn chưa hoàn thành. Câu chuyện này phần nào phản ánh quy mô và sự cầu kì trong việc thi công. Trong kí ức dân gian, tác phẩm kiến trúc đình tròn (cột, xà, cầu phong đều tròn), kể cả kiệu bát cống của thợ Ân Hậu là sản phẩm văn hóa vật thể có một không hai của xứ Nghệ. Thế kỉ XIX, thời nhà Nguyễn, trong thời kì phát triển thịnh vượng về mọi mặt của Ân Hậu, dưới sự điều hành của cụ cử họ Nguyễn (chưa rõ tên thật là gì), cụm di tích lại được tôn tạo một lần nữa (điều này còn được ghi lại trong bài văn thúc ước ở đình Ân do chính cụ cử chấp bút). Cụ cử còn cho lập riêng một xóm Xuân Bình, tập trung các nghệ nhân của xóm tập luyện để trở thành một đội nghi thức “chuyên nghiệp” biểu diễn phục vụ các nghi lễ quanh năm, đặc biệt là lễ lục nguyệt (tiếng thổ âm là “lục ngoạt”) diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng sáu hàng năm - ngày 16 là ngày giỗ của sư cả Trương Quốc Điển. Tại lễ hội này, người dân trong tổng, ngoài làng tấp nập kéo về xem hội, cầu tài, cầu lộc hết sức náo nhiệt. Xung quanh các lễ hội này, dân gian còn lưu lại những câu chuyện linh thiêng, huyền bí về các phép màu nhiệm của các bậc thần phật, như chuyện Đức Thánh Ân cầu mưa gọi gió giúp dân chống hạn, giáng đơn bốc thuốc trị bệnh…

Tuy nhiên, trước thời gian và trên mảnh đất nhiều biến động này, số phận cụm di tích chùa Ân đã chịu những chìm nổi, đau xót. Hầu như, trước khi sửa chữa lại gần đây, cụm di tích đã trở thành hoang phế, nếu không nói là bị xóa sổ. Ngay đến cả hai ngôi mộ cổ bên phải chùa cũng không tránh khỏi lưỡi xẻng của những kẻ tìm kiếm cổ vật. Việc phục dựng ngôi chùa thực ra là làm mới, như một sự ghi nhận tấm lòng thành kính của bà con nơi đây hướng về nguồn cội.

Phục dựng là đúng. Bởi không chỉ chùa Ân có giá trị văn hóa, về đời sống tín ngưỡng của nhân dân và tín hữu gần xa, mà cụm di tích chùa Ân còn có giá trị rất lớn về mặt lịch sử. Một phần của di tích chùa Ân chứa đựng một thời điểm lịch sử đau thương và bi tráng của dân tộc ta.

Vào thế kỉ XV, thất bại trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, Trùng Quang đế bị bắt, không chịu khuất phục đã trầm mình xuống sông Lam. Bấy giờ tả hữu cận thần của nhà vua, hai ông Trương Quốc Điển và Trần văn Định lánh vào chùa Ân xuống tóc đầu phật. Trong thời gian tu hành, hai ông đã tận hiến công sức, giúp dân nhiều việc, nhất là chữa bệnh cứu người. Hai ông viên tịch, di thể được táng tại chùa Ân. Cảm công đức, nhân dân đã tôn họ làm thành hoàng bốn mùa hương khói. Đền thờ Trương Quốc Điển được dựng ngay trong khuôn viên chùa Ân gọi là đền Cả; đền thờ Trần Văn Định được dựng tại làng Na bên cạnh gọi là đền thờ Đức Thánh Trung. Trải qua các triều Lê, Nguyễn, các ông đều được truy phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng sãi anh linh. Đời Nguyễn ban một đạo sắc phong thần đền Cả là Dực bảo Trung Hưng tối linh tôn thần. Chính điều này đã làm nên một nét hết sức độc đáo trong đời sống tín ngưỡng - tâm linh ở đây là thờ phật chung với thờ thần và do vậy kiến trúc cũng có nét đặc biệt là tiền từ hậu tự. Còn có thông tin nói rằng trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng trú tại chùa Ân cùng ông Phạm Duy Thanh(1) người xã Ân Hậu với nhiều cốt cán cách mạng tại địa phương lãnh đạo đấu tranh(2).

Chùa Ân hôm nay được phục dựng trên nền cũ, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc mang nhiều nét dáng hiện đại nhưng vẫn phần nào đó thể hiện được những mô típ nghệ thuật cổ xưa. Nội thất của cụm di tích tuy chưa thực sự được trang bị đầy đủ, khang trang, nhưng bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và các quy tắc thờ phụng của nhà chùa… Nếu khách thập phương để ý thấy những cột cái ngày nay hơi nhỏ trong tương quan với những hòn đá táng chân cột, thì đó là một trong những điều kì lạ còn thấy ngày nay: trong bao nhiêu thăng trầm, tai biến, hầu như các vật dụng, vật liệu khác của đền đều mất, duy có những hòn đá tảng là những cái nhân dân đã có công bảo quản, cất giữ, và khi chùa Ân phục dựng thì mỗi gia đình một viên đem trả lại đền. Chỉ mấy hòn đá nhưng đủ nói lên tấm lòng của nhân dân hướng về đền, về những nhân vật lịch sử - là niềm tin, là lương tâm của nhân dân.

Về chùa Ân, ngoài những câu chuyện, những huyền tích còn truyền tụng trong dân gian và văn hóa lễ hội in đậm trong kí ức của những người già, một hiện tượng văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến, đó là bản văn thúc ước của chùa do cử nhân họ Nguyễn viết. Bài văn được viết ngắn gọn, súc tích, nói lên niềm tự hào về nền văn vật của làng xã Ân Hậu cũ, có giá trị như một bài học giáo dục niềm tự hào và khơi dậy ý chí xây dựng quê hương.(3)

Mới đây, nhân dịp hoàn thành việc phục dựng cụm di tích, được sự cho phép của chính quyền địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân dân, tín hữu đã thỉnh Đại đức Thích Minh Trí, uỷ viên Ban trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về trụ trì tại chùa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, xã Nghi Đức trước đây đã từng là một trung tâm đáng kể của văn hóa kiến trúc - tín ngưỡng - tâm linh ở địa phương với hệ thống đình, đền, chùa phong phú (có đến 8 cá thể kiến trúc gồm 5 chùa, 3 đình, đền, trong đó chùa Đức Hậu có cả đền nthờ Thành hoàng làng Đức Hậu với chùa Ân là hai cá thể kiến trúc lớn nhất khu vực này). Việc phục dựng chùa Ân, như vậy là có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng đời sống, nguyện vọng của nhân dân về một đời sống tâm linh; tạo thêm một không gian văn hóa, có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử và với địa thế không xa lắm trung tâm thành phố Vinh, sự có mặt của chùa Ân cùng mộ hai ông Trương Quốc Điển và Trần Văn Định, mộ Trùng Quang Đế,  bia miếu văn vũ ở Xuân Thịnh… sẽ hình thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử quan trọng, góp phần nhỏ vào việc phát triển, không chỉ văn hóa mà còn cả kinh tế Nghệ An thông qua kinh tế du lịch.

 

 

 

Chú thích

Ông Phạm Duy Thanh là người xã Ân Hậu, Đảng viên cộng sản, Ủy viên Nông hội đỏ Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tư liệu do ông, Lương Minh Dần, bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, cung cấp.

Bài văn nay vẫn còn lưu truyền đầy đủ, bản sau đây chép theo trí nhớ của ông Nguyễn Văn Chinh, hơn 80 tuổi, con trai của ông thủ từ cũ.

“Bản đình thúc ước văn/ nay vừa nước yên bản thạch; Đời có minh quân/ nền hoà thái nam sao rạng vẻ/ tiệc xướng ca bốn bể đều xuân; Am muốn nghiêm trang làm trước/ lời ra thúc ước hoà răn; Đình ta nay mở mang cõi phúc xây đắp nền nhân; bia nọ đã ghi công đức/ hồ kia nước rưới bụi trần; tả thanh long hữu bạch hổ, có cồn trống, cồn ngựa, ùn ùn những giống tướng quân/ sau hàn vũ núi Cẩm phong dạng đầu voi trận khoẻ/ trước minh ddường ngàn Hồng Lĩnh vô vẻ gấm xem gần; Đất sẵn có kì sơn tụ thuỷ/ người trời sinh tài tử văn nhân; Văn những đấng kinh luân, bảng khoa giáp chen đường long hổ/ võ những tài thao lược đồ công thần sáng hán kì lân; Sĩ chuyên tâm nấu sử sôi kinh sớm khuya đèn hạnh/ nông vui thú cày mây cuốc nguyệt ngày tháng nỗi sần; công giữ gìn mực thước đăm đăm ra tài lương đống/ thương buôn bán lụa tơ to nhỏ, dạng mĩ miều kiệu khách quan thân. Kiệm cần và có nhượng nhân, trong hương đảng đã nên mĩ tục/ phú quý hẳn sinh lễ nghĩa, an tàng câu mở tiệc sự thần. Trên ngự toạ tôn nghiêm,trước nam thúc vô bài cầm thú/ trong đình trung thị toạ, ngoài bốn diên lả lướt cam trân. Vinh hiển ấy đôi đường sĩ hoạn/ thanh nhàn thay bốn thú tề dân. Tịch chú nay kì phúc báo ân, dâng hương ngãi cho thơm lừng miếu vũ/ lễ sinh phải tồn tâm chính nghĩa, chốn tịnh trường cho tề chỉnh y trân. Trong giám khảo công bình chăm chắm/ ngoài xương tì thế tức vân vân. Lễ sự hành chí kính chí thành. Trống vung mấy nhịp, pháo nổ mấy lần, phụ hoàng thượng đẳng thánh cung vạn tuế chúc hoàng đồ rằng thiên mệnh bình thân. Không tài dụng văn mưu võ lược/ chường mặt bái thiết nghĩa trung thần. Đàn dập dờn tiếng nhặt tiếng khoan tính tình hát dõng dõi/cung nam cung bắc thiết ngân ngân, cách thức phải trông lễ bộ. Nên sẽ nói, vui sẽ cười chớ mượn tiếng chén trà chén rượu/ ăn phải nơi, ngồi phải chốn, dễ mà nghe câu hát câu đờn. Vậy mới phải hoà phong mĩ tục/vậy mới nên biến chú gia tân. Lành thay, thành văn hay cám cách phúc biết từ ngàn, ang cầu phúc thơn danh cõi phúc/ chữ lưu ân phù nguyện làng Ân. Nay ươc, hữu ước thông tri”.

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521569

Hôm nay

2343

Hôm qua

2303

Tuần này

2343

Tháng này

219508

Tháng qua

121009

Tất cả

114521569