Đất Nghệ

Tập Kiều, lẩy Kiều

CHÚNG ta đều biết truyện Kiều tuy là tác phẩm đề cập một vài mảnh đời riêng, nhưng có sức cảm thông và phổ cập đến mọi hạng người. Trong cuộc đời đầy bất trắc, dường như ai ai cũng thấy một vài câu thơ trong truyện Kiều nói lên thân phận mình.

Như hoàn cảnh đưa đẩy phải làm một việc liều lĩnh, biết mai kia ra làm sao, người trong cuộc đành chép miệng:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.
Hoặc số phận hẩm hiu, bước trầm luân không dứt, kẻ xấu số đành an ủi:
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Nói về đường ứng dụng của truyện Kiều thì muôn màu muôn vẻ. Chuyện kể một anh nhà nông đang cày ruộng, gặp ông thầy đồ đi trên đường, bèn dừng lại nói:
“Thầy hay ngâm Kiều, tôi đố thầy đọc một câu Kiều, mà có thể sai khiến con bò của tôi được.”
Ông thầy đồ thấy khó lắc đầu, anh nhà nông bèn đằng hắng, ngâm câu thơ:
“Nàng rằng" Phận gái chữ tòng,
Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi.”
Anh đọc to chữ đi, nên con bò theo lệnh cất bước kéo cày. Bắt bò dừng lại, nhà nông ta thường thét “hò”. Lần này anh nhà nông đọc trại chữ “họ” thành “hò” trong câu thơ:
Họ [hò] Từ, tên Hải vốn người Việt Đông,
Thì con bò lại ngoan ngoãn dừng lại.
Về mặt văn chương, có rất nhiều thơ, văn, câu đối theo thể tập Kiều, lẩy Kiều ra đời. Tập Kiều là chắp nối nhiều câu nguyên văn rải rác trong chuyện Kiều, làm nên một công trình mới có vần, để diễn tả theo ý mình. Lẩy Kiều là sửa chữa hay thay đổi một vài chữ trong câu Kiều, nhằm diễn đạt một đề tài. Làm một bài thơ tập Kiều không quá khó, chỉ cần thuộc chuyện Kiều, khéo léo chọn lựa những câu hợp vần mà diễn tả. Câu đối gay hơn, vì chuyện Kiều theo thể lục bát, cước vận [vần cuối câu] và yêu vận [vần giữa câu] đều dùng âm bằng; đối liễn có hai vế đối nhau theo luật bằng trắc, nên người làm cần phải giỏi lẩy Kiều, để rút ra những phần thích hợp. Đến như làm bài phú vừa tập Kiều, vừa lẩy Kiều lại là một tác phẩm dài hơi hơn cả thơ và câu đối.
Bài phú chúng tôi giới thiệu dưới đây, nhan đề là Phú Thuốc Phiện, dài trên 70 câu, sử dụng có đến hàng trăm câu Kiều, tác giả là cụ Trúc Đình Lê Hữu Nghiêm, tự Lê Khoan Hoàng. Cụ là nhà Nho triều Nguyễn, quê tại Nghệ Tĩnh, đồng thời với cụ Phan Bội Châu; một số thơ văn của cụ trước đây được đăng trên tạp chí Nam Phong, chúng tôi đã từng giới thiệu bài văn điếu cô đào Mộng Duyên của cụ. Bài phú này được giới Nho sĩ đương thời ca tụng vì lời đẹp, ý sâu; tập Kiều và lẩy Kiều đắc thể.
Về lịch sử, Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều mất vào năm Minh Mệnh nguyên niên [1820], nha phiến được người Anh buôn lậu vào Trung Quốc sau đó, và đã xẩy ra cuộc Chiến Tranh Nha Phiến vào năm [1840]; vậy rõ ràng đời cụ Nguyễn Du chưa hề biết đến nha phiến. Nhưng kỳ lạ thay, qua truyện Kiều, những lời tình tự thiết tha giữa Thúy Kiều và Thúy Vân trong buổi biệt ly:
Mai sau dầu có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Được cụ Trúc Đình, dùng một cách tài tình thích hợp, đượm vẻ Liêu Trai, trong câu mở đầu của bài Phú Thuốc Phiện như sau:
Rũ bức rèm châu,
Đốt lò hương cũ.
Còn thoang thoảng trầm,
Thấy hiu hiu gió.
Ai cũng biết cơn đam mê của thuốc phiện rất mạnh; vậy còn sự diễn tả nào đắc thể hơn là mượn sự say mê Thúy Kiều của hai kẻ si tình Thúc Sinh và Kim Trọng (1) gộp lại, để tạo thành hai câu đối ngẩu trong bài phú:
Thanh khí một dây một buộc ai giằng cho ra,
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ khiến người ngồi đó.
Đến cảnh vướng vào nghiện ngập, mê mẫn như con thiêu thân; được tác giả cực tả qua lối vay mượn truyện Kiều những văn ảnh đam mê nhục dục và tình ái :
Đuốc hoa để đó nàng nằm, cho mê mẫn đời cho lăn lóc đá.
Hương lửa sẵn đây ta đốt, càng quen thuộc nết càng dan díu tình. (2)
Thêm vào, phải kể đến kỹ thuật chơi chữ trong bài phú đạt đến trình độ cao, tác giả sử dụng khéo léo các từ về đong lường “phân, lượng" trong nguyên văn truyện Kiều:
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường đã bớt vài bốn phân.
Hoặc:
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Để biến thành những thành ngữ nhà nghề trong tiệm hút như “vài phân thuốc”, “hương yên”, "ba trăm lạng bạc”, “khách khứa xôn xao”:
Được một vài phân, hương khói một nhà thức nức,
Có ba trăm lạng, yến anh ngoài cửa xôn xao.
Cuối bài, với tổng luận về định mệnh khắt khe trong đoạn kết truyện Kiều:
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Được tác giả an ủi thêm rằng, việc này chỉ xẩy ra trong thời nô lệ “Cá chậu chim lồng”, và khuyến khích nghị lực con người rán “Dìn ngọc giữ vàng, về sau còn nhiều hưởng thụ”:
Cho thanh cao thời thanh cao mới được,
Bắt phong trần phải phong trần như ai.
Ai ơi! Dìn ngọc giữ vàng, về sau còn nhiều hưởng thụ,
Bỏ chi chim lồng cá chậu, làng chơi chưa dễ mấy người.
Xét cho cùng, những lời của người giới thiệu cũng chỉ là rườm rà, không đáng có; mong được độc giả trực tiếp thưởng thức giá trị văn chương, qua nguyên văn tác phẩm Phú Thuốc Phiện dưới đây:
PHÚ THUỐC PHIỆN
(Thể tập Kiều, lẩy Kiều)
Rũ bức rèm châu,
Đốt lò hương cũ.
Còn thoang thoảng trầm,
Thấy hiu hiu gió.
Thanh khí một dây một buộc ai giằng cho ra,
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ khiến người ngồi đó.
Mấy cành phù dung,
Trăm năm trong cõi.
Lạc suối Đào Nguyên đâu đến, giá càng gieo, phẩm càng cao,
Mua ở Bắc Kinh đưa về, ngàn cũng qua, sông cũng lội.
Một đời anh hùng được mấy, hể thấy thời mê,
Đã lòng quân tử đa mang, được lời như cởi.
Đặt giường thất bảo,
Khép cửa phòng thu.
Khi tựa gối,
Khi cúi đầu.
Liền tay ngắm nghía chốn nằm, thay đen đổi trắng,
Ngọn đèn hiu hắt trong lò, nhả ngọc phun châu.
Dập dìu tài tử giai nhân, đèn khuya chung bóng,
Đua nhau vương tôn quí khách, tơ liễu buông mành.
Đuốc hoa để đó nàng nằm, cho mê mẫn đời cho lăn lóc đá.
Hương lửa sẵn đây ta đốt, càng quen thuộc nết càng dan díu tình.
Ngoài ngàn dặm,
Chốc ba đông.
Hương càng đượm,
Lửa càng nồng.
Tiễn đưa một chén quan hà, gọi là gặp gỡ,
Há nợ ba sinh hương lửa, chốc để lạnh lùng.
Trướng loan hiu hắt, Đồng Tước một nền xuân tỏa,
Tay tiên dìu dặt, Lam Điền hạt ngọc ấm đông.
Buộc lấy mình vào,
Gắn bó tất giao.
Thầm mong trộm nhớ,
Rày ước mai ao.
Được một vài phân, hương khói một nhà thức nức,
Có ba trăm lạng, yến anh ngoài cửa xôn xao.
Mái Tây để lạnh hương nguyền, mai dàu giọt tuyết, gương lờ nước thủy,
Song the trông chừng khói ngất, lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao.
Gái sắc tài trai,
Mấy mặt làng chơi.
Ngày xanh mòn mỏi,
Má hồng phôi pha,
Từ khi hơi tiếng vừa quen một ngày nặng một,
Đến lúc phong trần rất mực, mười phân vẹn mười.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da;
bây giờ lạt phấn phai hương, mười phần xuân có gầy ba bốn,
Thao lược gồm tài, côn quyền hơn sức; khi đà
xương mòn thịt nát, chín chục thiều quang ngoài sáu mươi.
Những kẻ hàm én mày ngài, ba sinh cho phỉ
mười nguyền, rồi cũng nợ nần mang lấy,
Những người buôn hùm bán hổ, trăm năm đổ
không một trận, bao nhiêu vốn liếng đi đời.
Não nùng thu ba,
Vắn dài châu sa.
Rằng quen mất nết,
Biết gỡ cho ra!
Chơi cho liễu chán hoa chê, rõ mặt bây giờ rồi sẽ!
Làm cho xiêu đình đổ quán, đoạn trường lúc ấy dở mà!
Có giở bài bây, đến cơ hội này,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?
Đã tu tu trót qua thì thôi, xin chớ rày lần mai lữa,
Họa dần dần bớt chút nào được, nghe ra ngậm đắng nuốt cay.
Khi hương sớm,
Khi trà trưa.
Bàn vây điểm nước,
Họa đàn đường tơ.
Bầu tiên rót rượu,
Câu thần nối thơ.
Những thấy truy hoan trong cuộc, thức thức sẵn bày,
Làm chi đeo thói khuynh thành, khăng khăng mình buộc.
Mà gầy như mai,
Mà vàng như trúc.
Mà cau đôi mày,
Mà vò chín khúc.
Tiếc chi đến hương, thương chi đến ngọc, đem tình cầm sắt đổi ra kỳ,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn, nát thân bồ liễu đền nghì trúc.
Gẫm cơ hội ngộ, mua vui cũng được vài canh,
Dại nết chơi bời, đau đớn trãi qua một cuộc.
Nghĩ rằng:
    Trăm năm tính cuộc,
     Muôn sự tại trời.
Cho thanh cao thời thanh cao mới được,
Bắt phong trần phải phong trần như ai.
Ai ơi! Dìn ngọc giữ vàng, về sau còn nhiều hưởng thụ,
Bỏ chi chim lồng cá chậu, làng chơi chưa dễ mấy người.
                                                                   Trúc Đình Lê Hữu Nghiêm
                                                                           tự Lê Khoan Hoàng
 


(1) Câu thơ diễn tả Thúc Sinh say mê Kiều:
 Lạ chi thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc, ai giằng cho ra.
và câu thơ về Kim Trọng thưởng thức nàng Kiều dạo đàn như sau:
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
(2) Văn ảnh được lần lượt lấy trong những câu thơ Kiều sau đây:
- Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ.
- Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẫn đời.
- Miệt mài trong cuộc truy hoan,
Càng quen thuộc nết càng gian díu tình


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521535

Hôm nay

2309

Hôm qua

2303

Tuần này

2309

Tháng này

219474

Tháng qua

121009

Tất cả

114521535