Đất Nghệ

Thanh Chương - Dấu ấn những con đường

Trong “Thanh Chương huyện chí”, khi nhận xét về địa thế huyện ta, Tiến sĩ Bùi Dương Lịch cho là đất tứ tắc. Không biết khi nói “tứ tắc”, quan đốc học họ Bùi còn có ngụ ‎‎ý gì khác nữa không, nhưng cái tắc về đường đi lại, giao lưu ra bốn phương thì đã rõ mười mươi. Thuở ấy, từ huyện đường Thanh Chương, muốn xuôi Vinh hoặc “ngược Lường”, chỉ có cách duy nhất là đi đò, nếu không đi đò dọc thì cũng phải qua đò ngang rồi mới theo đường bộ mà đi. Đã “qua sông thì phải lụy đò”, bao nhiêu chuyện lỡ đường, lỡ sá cũng tại con đò.

Không hiểu vì sao một số con đường được gọi là “đường quan”? Có phải vì đó là con đường giành cho quan đi, hay đó là con đường được mở theo lệnh của quan(?). Chỉ biết đó là những con đường chính, hàng năm huyện, xã có tu sửa, rải sỏi đá để đỡ trơn trượt, dù vẫn lổm nhổm, ghồ ghề nhưng cứ đi đâu mà được đi trên “đường quan” là thuận lợi lắm rồi. Khắp nơi trong huyện, giao thông đi lại thật khổ sở. Đường lầy lội, gập ghềnh, sông suối chia cắt, đi đâu cũng cầu tạm, cũng chờ đò. Từ Dùng mà đi công tác đến Hạnh Lâm, Thanh Lâm, Thanh Thủy… thì phải nghĩ đến chuyện nghỉ lại hôm sau mới về hoặc hôm qua đi để hôm nay họp…Đen đủi mà gặp trời mưa trên đường Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Mai, nhất là Kẻ Chẻo - Thanh Tùng thì chỉ muốn quăng xe, quăng dép mà đi bộ.
Thật tiếc là một người như thế hệ U60 chúng tôi không thể nhớ lại cho đủ, cũng không thông hiểu được hết để nêu lên được những nét tiêu biểu nhất về giao thông từ Cát Ngạn - Hoa Quân - Võ Liệt - Bích Hào - Xuân Lâm - Đại Đồng. Vì ở đâu cũng có những đoạn đường, những khe suối, những cây cầu, những con đò, mà chỉ những con người gắn bó với vùng đất ấy mới biết rõ và sẽ không bao giờ quên.
Nhớ những kỷ niệm vui, buồn với giao thông, có khi kể lại cười chảy nước mắt. Ví như vùng Cát Ngạn 1 thì ai cũng nhớ một thời qua cầu Ma Ca từ chợ Chùa lên Thanh Nho. Giáo viên đi mua lương thực về phải tăng bo 2, 3 chuyến là gạo, khoai, xe đạp trên chiếc cầu vắt vẻo, người yếu bóng vía phải lội, nhờ người khác vác đồ qua hoặc bò bốn chân qua cầu. Vùng Cát Ngạn 2 ai cũng ngán khi phải qua cầu Khe Chẹt, cầu Bến Quan - Thanh Mỹ. Bên hữu ngạn sông Lam, các cháu thiếu nhi hay chạy ra đường xem ô tô vì mấy khi có xe chạy qua. Mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến phà Dùng, phà Rộ, có phà mới có ô tô qua. Với lại cầu Chùa, cầu Gia Hang và bao nhiêu cầu vùng hữu ngạn cũng có phải là cầu giành cho ô tô đâu! Đường 533 từ Cát Văn xuống Thanh Lâm, qua Nam Đàn, Hà Tĩnh vào mùa mưa có những năm cao điểm nhiều đoạn không hơn gì đi dưới ruộng! Trên đó, nhiều cây cầu có khi như cái bẫy. Mỗi khi qua cầu, phải dừng lại “nghiên cứu” mãi mới tìm được giải pháp.
Nhớ đường 15B – bây giờ ta gọi là đường 46B, từ Đô Lương xuống; ai cũng nhớ dốc Rạng, dốc Nguộc, dốc chợ Cồn. Đi xa là phải nắm cơm, lỡ đường chỉ có nhịn đói hoặc mua quả cam, quả chuối gì đó, trên tuyến đường một thời chỉ có quán phở cố Doạt. Đi xe đạp khi ngược gió thì chỉ có dắt bộ. Mỗi khi đi ô tô, qua ổ gà, ổ voi nó xóc lộn ruột, có khi đầu va vào cả trần xe. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đi công tác ở Vinh về phải ngủ lại Nam Đàn, Thanh Dương không chỉ một lần vì đường xấu, vì xe hỏng.
Nhớ một thời, huyện ta thật lắm đò. Đã có khi nghe nói người ta thống kê được 36 bến đò(?). Không biết có đúng không vì con số 36 nghe như một con số gì đó nó gắn với dân gian vậy, chứ kê chính xác không khéo nhiều hơn 36?! Chỉ nêu một số như xã Cát Văn đã có Đò Phà, đò Già, đò Cung; Phong Thịnh có đò Gành, đò Ổ Ga, đò Giăng, đò Cận, đò Chùa; Hạnh Lâm có đò Chợ Hội, đò Ông Nguyệt, đò Chè; Thanh Lĩnh có đò ông Châu, đò Ba Bến, đò Đông Du, đò Dùng; Ở Thanh Hương có bến đò có tên là đò Hai Xu vì giá của nó là 2 xu một chuyến! 
Nhớ khi chờ cho được một chuyến đò Rộ, đò Dùng, đò Cung, nhất là mùa nước to, những ngày lễ, tết, lúc gặp học trò đi học hoặc tan trường thì thật khủng khiếp! Mỗi lần đến bến, không phải chờ lâu, được qua đò, nhất là lúc vội, lúc tối trời người ta cho như một sự may mắn lắm.
Nhớ khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Thanh Chi nâng cấp được đoạn đường, anh Phan Thanh Chương đã có bài hát khá hay, trong đó có đoạn: Nếu bạn về thăm quê tôi - Thanh Chi phải lặn lội trên con đường sống dao. Vì nhớ bạn nên phải về, qua mấy hói, qua mấy nhịp cầu tre. Nhưng hôm nay, bạn về quê tôi…Thực ra thì cũng là một sự “lãng mạn cách mạng” và là dự cảm của văn nghệ sĩ thôi; khi tôi ngồi viết những dòng này thì đường Thanh Chi cũng đang nhiều nơi phải lặn lội.
Nhớ một ngày của năm1985 – một bi kịch đau buồn ở vùng Cát Ngạn: Trong cảnh chen chúc, sợ đến trường chậm học, 11 học sinh tuổi ô mai trường Thanh Chương 3, chủ yếu quê Thanh Tiên, Thanh Liên đã có chung ngày giỗ vì bị đắm đò! Đó cũng là một trong những tiếng kêu khẩn thiết, bức xúc nhất để sau đó cầu treo chợ Chùa (còn gọi là cầu treo sông Giăng) được xây dựng và khánh thành vào ngày 15 tháng 1 năm 1987.
Nhớ sáng 10-1 âm lịch năm 2002, một tai nạn thảm khốc khi chiếc xe ca mang biển số “9 nước”(!) rơi xuống sông tại dốc rú Nguộc. Đó là đoạn đường mà máu của dân ta đã đổ trong chiến tranh để giữ huyết mạch giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến. Mọi người hốt hoảng vì nghe nói trong xe có thể đến 100 người. 17 sinh linh ra đi trong nỗi đau đớn chung của huyện. Tai nạn ấy cũng là lời kêu van khẩn thiết nhất, bức xúc nhất để năm 2003, các tảng đá chắn đường được giải tỏa, con đường được nâng cấp và đặc biệt là năm 2008, đường từ cầu Rộ lên Dùng được nâng cấp, mở rộng lên đường cấp 4 như hôm nay, xóa đi cái “cổ chai” khó chịu khi bỏ qua việc rẽ sang cầu Rộ.
Nhớ năm 1992, sau 5 năm tập trung nguồn lực, xoay xở bằng mọi cách, cầu Dùng được cắt băng khánh thành. Cả huyện náo nức với sự kiện trọng đại. Mà trọng đại thật. Ai chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng hữu ngạn, nhất là vùng Cát Ngạn, Hoa Quân ngay sau khi có cầu Dùng mới thấy là trọng đại. Một thời, cầu Dùng là công trình biểu hiện niềm kiêu hãnh của cả huyện – Có khách là dẫn ra cầu Dùng chụp ảnh lưu niệm!
Nhớ khi làm cầu Giăng, cầu Dùng, dân tình còn đói khát theo đúng nghĩa đen của nó. Buổi sáng, tại nhà ăn UBND huyện, chị Quí nấu cho mỗi người dăm ba củ khoai lang theo định lượng. Lãnh đạo, cán bộ huyện lên chợ Chùa chủ yếu đi xe đạp, có khi “sáng kiến” đi đò dọc cho nhanh vì đường xấu. Được ngồi trên chuyến đò dọc mà đi lúc ấy sao mà nó sướng đến thế! Nghe nói khi ra Hà Nội xin dự án, lãnh đạo huyện gói đi dăm cân lạc nhân, dăm cân nếp, mấy chai mật ong làm quà. Đến Đô Lương, xe xóc vỡ mất một chai, thầy trò tiếc rẻ, vét vô tận dụng! Ra Hà Nội, khi trịnh trọng đưa quà lên bàn để “thưa chuyện” mới biết kiến đỏ trong lạc chui ra cắn cả khách, cả chủ! Trong một lần rất quan trọng, lãnh đạo huyện đã “quyết” phải đối ngoại, cảm ơn những người đã tận tình giúp huyện bằng cách làm thịt một con me, xẻo đi những miếng nạc, miếng ngon để làm quà, tận dụng “phần đầu đày” cho một phiên họp Thường vụ và những người khó nhọc…! Thế hệ chúng tôi được nhiều bác đi trước nhắc nhở: Hai cái cầu ấy, kể cả khi làm Phó Chủ tịch và khi làm Bí thư Huyện ủy, ông Trần Ngọc Mỹ có công lớn lắm! Đã có nhiều bài thơ viết về cầu Giăng, cầu Dùng.
Nhớ những năm giữa của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, dân khịa ra chuyện tự trào: học sinh Thanh Chương đi thi môn địa lí trúng quả vì đề thi họ ra “Em hãy cho biết huyện nào trong cả nước ít đường nhựa nhất”! Học sinh Thanh Chương không phải lục tìm đâu xa vì cả huyện chỉ có 800 mét cầu Dùng là láng nhựa “làm ví dụ”, nó như thứ kẹo lạc mà thiếu mật, chủ yếu là những hạt lạc deo!
Cũng năm 1995, ban tổ chức cuộc thi chạy việt dã Tiền phong của Tỉnh đoàn rất lúng túng khi chỉ riêng đoàn Thanh Chương là anh em xin đăng kí chạy đường đất, vì sợ chạy trên đường nhựa không quen sẽ kém thành tích!
Nhớ năm 1995, trong một lần công tác, đã có nghệ sĩ người quê “láu cá”, đưa ra “sáng kiến”, mọi người vui, cười chảy nước mắt và anh ta cũng khóc: Bây giờ nếu ta làm hai cột ba rie từ “mộ ông ăn mày” (ranh giới giữa Thanh Hưng và Thuận Sơn) và đầu cầu Rào Gang (ranh giới giữa Thanh Khai và Nam Thái) thì chỉ mươi năm nữa thôi, Thanh Chương sẽ mở tua du lịch để du khách tham quan “làng cổ Việt Nam”, không khéo lại đắt hàng!
Trong nhiều năm, do đường lầy lội, việc huy động người, trâu để kéo ô tô không phải chuyện hiếm!
Nhớ năm 1984, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê ngoại, đến chợ Đàng – Thanh Xuân, bùn đến đầu gối, bánh quay tít mà xe nằm tại chỗ. Dù mưa lội, trời đã tối, không điện, dân nhiều xã vẫn đổ về “xem” người con rể kính mến của quê hương và đẩy xe cho ông. Ông chan hòa trong niềm vui mừng nhưng không khỏi ngậm ngùi trước dân chúng – những người dân xứ Bích Hào.
Nhớ ông Phan Văn Tích, nguyên Chủ tịch UBND huyện, khi về Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên Cát Văn công tác, xe sa lầy, không làm sao lên được; dân quý ông lắm, đưa hai con trâu đực ra kéo xe lên cho ông. Lại có chuyện hài hước có thật xẩy ra năm 2000: Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển “vi hành” đến Thanh Tiên, Thanh Liên, đường lầy lội, xe ông bị kẹt, dân ra đào bới, chèn đá, bắc ván, đẩy giúp. Trong đám đông, có người dân nói trạng (mà như để nói cho ông nghe): Đường ra ri thì tỉnh lu thì lu, huyện lu thì lu chứ để dân lu thì khổ lắm! Là người Nghệ về “trấn thủ” đất Nghệ, ông nghe, ông hiểu, ông nhớ và ông chỉ đạo sửa bằng được đoạn đường này trước Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII!
Nhớ năm 1996, nhiều người say sưa nói đến sự quan trọng của giao thông. Thực ra, “cái khó nó bó cái khôn” chứ ai mà chẳng biết nó quan trọng. Rồi thực hiện Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Chương đã có những chiến dịch làm giao thông nông thôn. Năm 1997 là năm làm được cầu Ba Bến, cầu Hói Lâm. Đò Ba Bến – mỗi chuyến đò cập ba bến – một nét độc đáo của nơi giáp giới giữa Thanh Lĩnh, Thanh Hương, Thanh Thịnh, của sông Trai và Hói Chạc mới chịu đi vào dĩ vãng. Suốt nhiều năm, người dân oằn mình góp quỹ giao thông; đắp đường, sửa đường bằng thủ công. Mãi đến năm 2005, quỹ giao thông mới được bãi bỏ.
Nhớ năm 1995, khi anh Võ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Bến Thành Matxcơva về tặng quê nhà khoảng 3 km đường bê tông từ đường quan vào làng Hoa. Đó là đoạn đường bê tông đầu tiên của huyện. Mọi người trầm trồkhâm phụccả tấm lòng thơm thảo của anh, cả quy mô “hoành tráng” của con đường. Vì ở quê tại thời điểm ấy có ai lại làm đường như thế bao giờ!
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) nhưng đối với giao thông ở Thanh Chương phải đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI mới thấy rõ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII năm 2000 là kỳ Đại hội đầu thế kỷ XXI. Sau Đại hội, Nghệ An đã có bước đột phá, đó là tỉnh chịu lãi suất ngân hàng, cho các huyện vay ứng xi măng làm đường giao thông nông thôn và kênh mương thủy lợi. Thanh Chương là huyện tranh thủ được nhiều nhất cơ chế này. Gần 600 km đường xi măng nông thôn, 488 km kênh mương được đầu tư xây dựng từ cơ hội này. Các xã Ngọc Sơn, Thanh Lĩnh, Cát Văn, Đồng Văn, Thanh Tiên, Thanh Dương, thị trấn…là những xã đi đầu trong phong trào này. Đó là một dấu ấn đậm nét - rất đậm nét về đổi mới, về giao thông của huyện ta trong nhiều năm đầu của thế kỷ. Đó cũng là thành tích nổi bật để huyện được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2001.
Nhớ năm 2000, Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh xây dựng trên cơ sở đường 471 (một đoạn của đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước) chạy qua Nghệ An 135 km, riêng Thanh Chương, từ Thanh Đức xuống Thanh Lâm, qua 11 xã của huyện với chiều dài 53 km. Người dân không tưởng tượng được sự tập trung nguồn lực của Nhà nước cho công trình chiến lược này. Riêng nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình này trên địa bàn huyện đã lên tới gần 9 tỷ đồng, với hơn 200 gia đình. Có gia đình được Nhà nước đền bù với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trên quê ngheo, đó là khoản tiền nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy. Sự thực, khoản tiền ấy không chỉ là sự đền bù, đảm bảo công bằng cho nhân dân mà còn là nguồn lực quan trọng cho một bộ phận người dân vùng xa thoát nghèo. Công trình vĩ đại ấy được thi công chủ yếu bằng cơ giới, bạt đồi núi, bắc cầu qua sông bằng phương tiện hiện đại, kỹ thuật tiên tiến. Con đường được hoàn thành, thông xe cơ bản vào năm 2003. Những cầu Thanh Đức, cầu Khe Ác, cầu khe Su, cầu sông Trai, cầu Đàng xuôi, cầu Đàng ngược,… cùng với con đường cấp 4 thảm bê tông nhựa hoành tráng, nối liền những vùng cư dân vốn xưa nay “cát cứ” sống đâu biết đấy, đã mở cho họ một tầm nhìn mới khi được giao lưu với mọi miền đất nước.
Có thể nói, một may mắn và hạnh phúc lớn cho huyện là cũng thời gian này, Nhà nước cho xây dựng đường 46A từ Cửa Lò, qua quê Bác, cầu Rộ, vào cửa khẩu Thanh Thủy. Trên con đường đó, cầu Rộ là một điểm nhấn quan trọng. Tháng 5-2003, khởi công cầu Rộ, không thể nói hết niềm vui của mỗi người dân Thanh Chương. Khi nghe nói chỉ thi công trong một năm sẽ hoàn thành thì nhiều người không tin nổi; nghĩ rằng cứ cho là hai, ba năm gì đó xong là tuyệt với lắm rồi. Vậy mà sau đúng một năm – ngày 19-5-2004, cầu chính thức đưa vào sử dụng.
Nhớ những chuyện buồn khó quên khi giải phóng mặt bằng đoạn qua Xuân Tường: Dân thắc mắc, kiện cáo, sau phải bỏ con đường cũ, mở thẳng phía ngoài. Vậy mà lại hay, rẻ tiền hơn, đường thẳng hơn, ít gặp các ngõ ngách trong khu dân cư hơn. Lại có người viết đơn ra tận Trung ương, cho rằng đường này làm to quá, lãng phí! Và cũng buồn, khi đền bù xây dựng cầu Rộ, chỉ vì tiền mà có những người bị cộng đồng coi rẻ!
Đường giao thông đến đâu, văn minh về đến đó. Rừng xanh, núi thẳm, những “thôn cùng, xóm vắng” lên hương nhờ những con đường. Đường Hồ Chí Minh, đường 46A và cầu Rộ tạo ra một điều kiện tiên quyết, cơ bản để phá đi cái thế tứ tắc của huyện. Đường đi qua khu vực khó khăn đã làm cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa, mà đầu tiên là mở mang tầm nhìn cho một bộ phận dân cư lâu nay đói thiếu thông tin. Gà, măng, chè, sắn, cây nguyên liệu giấy,… ngồn ngộn cạnh các con đường. Một hệ thống hồ đập hữu ngạn ngủ quên bao ngày, nay “như những cô gái đẹp ngủ trong rừng”, nằm trong tầm ngắm du lịch sinh thái của các đại gia. Trước năm 2000, đất trang trại, đất vườn ở Hạnh Lâm, Thanh Thủy có khi cho người ta không lấy, sau khi có đường, đất được tính bằng mét mặt đường, rồi tính bằng mét vuông với giá như đô thị.
Nhớ năm 2006, tỉnh thực hiện tái định cư cho một bộ phận nhân dân sống trong vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ. Gần 40 km đường nhựa được xây dựng, dựa trên các đường lâm nghiệp cũ, liên kết giữa Thanh Thịnh, Thanh Hương, Hạnh Lâm. Đây cũng là một cơ hội để hệ thống giao thông vừa phục vụ dân sinh vùng tái định cư, vừa mở ra những con đường cho vùng hữu ngạn tới những trang trại vùng Cát Ngạn, Hoa Quân, đồn Biên phòng 559.
Cũng trong năm 2006-2007, đường từ trước cổng UBND huyện qua nhà máy sắn, đi đường 15A được xây dựng. Cầu Yên Thượng, dù phải khảo sát, thiết kế hai lần nhưng cuối cùng đã nối lền hai bờ sông Gang.
Nguồn lực của huyện ta chủ yếu nằm bên vùng hữu ngạn, dân số cũng chiếm phần lớn. Đường 533, chạy dọc huyện từ Cát Văn đến Thanh Lâm, qua 14 xã là “đường quan”, nó có vị trí rất quan trọng. Năm 2002, đường lên trại 6, năm 2003, đoạn từ Ngã ba Đông Du -Thanh Lĩnh lên Cát Văn được nhựa hóa. Từ đó, niềm khát khao nhựa hóa phần còn lại càng cháy bỏng. Ô tô, xe máy ngày càng nhiều, mặt đường ổ gà, ổ trâu, chỉ sửa chữa nhỏ không kịp. Những ngày mưa, hai bên vệt bánh xe ô tô như hai hào giao thông; những ngày nắng lên, bụi mù trời. Khách đi đường, nhất là hội họp, đình đám phải gói thêm một bộ để đến nơi mà thay. Hai bên đường, nhà cửa, cây cối nhuộm một màu ố bạc. Dân đưa những gộc cây, các vật cản ra đường để các phương tiện giảm tốc!
Tháng 5-2007, tuyến đường dọc biên giới được khởi công xây dựng. Đây là con đường có ‎‎y nghĩa quan trọng trong việc giữ rừng, giữ biên cương của Tổ quốc và du lịch sinh thái sau này.
Với nguồn vốn vay gần 80 tỷ đồng của Ngân hàng ADB, đầu năm 2009, đường 533 từ Thanh Lĩnh đến Thanh Lâm được xây dựng. Đây trở thành một dấu ấn quan trọng của cả một nhiệm kỳ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Nét đáng nhớ khi xây dựng con đường này là Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ trương cho mở rộng đoạn đi qua trung tâm Rộ và Phuống, lập dự án xây tràn Cầu Nậy, Cầu Kho để giải quyết vấn đề thủy lợi của cụm Bích Hào. Tiếc là việc đề xuất nắn thẳng từ ngã tư Võ Liệt xuống Thanh Long, qua đình Võ Liệt không được dự án chấp nhận.
Tháng 9 năm 2009, cả huyện đã có hơn 400 km đường nhựa, trong đó 114 km là quốc lộ, và 112 km là của xã, thôn, 600 km đường xi măng nông thôn; huyện đang lập dự án xây dựng cầu treo tại bến Rạng, xây dựng các con đường từ chợ Chùa đi Thanh Đức, Thanh Đồng đi Thanh Phong, Ngọc Sơn vào vùng gạch ngói, từ đường Hồ Chí Minh vào vùng Đá Chông – Thanh Mai; xin lập dự án cứng hóa cầu Dùng,… Cả huyện đã có 280 xe ô tô các loại, 35.000 xe máy, tuyến xe buyt từ Vinh lên Dùng của Công ty Đông Bắc đã thông tuyến từ tháng 5-2009. Cảnh chen chúc mua vé xe ca đã trở thành “chuyện cổ tích” trong hoài niệm của “những người muôn năm cũ”. Những con đường mới xây dựng dăm năm lại đã cảm thấy chật chội. Và trong một tương lai không xa, không chỉ đường Hồ Chí Minh mà đường 46 và một số tuyến khác chắc sẽ được nâng cấp để đáp ứng với xe siêu trường, siêu trọng...
 
***
Trong những năm tới, đất nước và quê hương sẽ có những đổi thay lớn lao và nhanh chóng hơn, trong đó giao thông vẫn tiếp tục vẫn là “đột phá khẩu”. Giá mà có ai đó ghi lại được lịch sử về những con đường thì hay biết mấy. Thế hệ con em nay mai làm sao họ hiểu được “Khi mô cho hết truông Dùng, cho qua truông Rạng, cho cùng truông Si”; làm sao mà họ có thể hiểu được “quê hương là đường đi ủng” và những con đường trên quê hương đã ra đời trong hoàn cảnh thế nào!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521534

Hôm nay

2308

Hôm qua

2303

Tuần này

2308

Tháng này

219473

Tháng qua

121009

Tất cả

114521534