Những góc nhìn Văn hoá

Tiếng Nga với cách mạng Việt Nam

Về mức độ giao tiếp rộng rãi trên trường quốc tế, tiếng Nga thua xa tiếng Anh, thậm chí cũng chưa sánh được với tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp. Đó là sự thực. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc dạy và học tiếng Anh ở nước ta càng rộng rãi càng tốt. Và không phải chỉ trên lời nói, chỉ hô khẩu hiệu, mà khi làm Chủ nhiệm khoa tiếng Nga (1988 - 1992) của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) tôi đã thực thi điều đó bằng những biện pháp như mở các lớp dạy tiếng Anh cho giáo viên tiếng Nga, vào năm học 1989 lập ra quy trình đào tạo Nga - Anh đầu tiên ở nước ta cho học sinh chuyên Nga đã đỗ vào Khoa tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa tôi tán thành cái chủ trương thiển cận chủ tâm tạo mọi điều kiện cho tiếng Anh độc chiếm hệ thống giáo dục của nước nhà. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một sai lầm lớn về mọi mặt: khoa học, văn hóa, giáo dục (cả về chính trị nữa!)  và nó chứng tỏ chúng ta chưa rút ra được bài học gì từ quá khứ chưa xa khi độc tôn tiếng Nga trong hệ thống giáo dục.

Tôi dám khẳng định: không một ngôn ngữ nào trên thế giới có thể địch với tiếng Nga về vai trò cách mạng và xây dựng cuộc sống mới, vai trò giải phóng con người, giải phóng các dân tộc chậm tiến khỏi ách áp bức của đế quốc thực dân.

Không cần thiết phải nói thay cho các dân tộc ít người trong đế quốc Nga hoàng rộng lớn xưa kia. Aitmatov, tác giả Chuyện núi đồi và thảo nguyên , dịch sang tiếng Việt từ năm 1964 và đã tái bản nhiều lần, khẳng rằng định tiếng Nga chẳng những đã giải phóng người Kiêghizi khỏi ách áp bức dân tộc mà còn làm bà đỡ cho chữ viết của dân tộc ông ra đời năm 1924 để chỉ bốn chục năm sau, nền văn học bằng văn tự đó vươn lên ngang tầm những nền văn học lớn trên thế giới. Nhà thơ Raxun Gamzatov, tác giả Đaghêxtan của tôi, thiên ký sự vừa trữ tình, vừa triết lý thông minh, cũng đã được dịch sang tiếng Việt, từng làm hai bài thơ, một bài gọi tiếng Avar của tộc người sơn cước giỏi cưỡi ngựa mà ông đại diện, là tiếng mẹ đẻ, một bài khác lại gọi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ , cho nên bị một ký giả phương Tây cạnh khóe: có thể cùng một lúc cưỡi trên hai con ngựa được không? – “Không thể! - ông đáp: - Nhưng có thể thắng hai con ngựa vào một cỗ xe để đi nhanh và xa hơn”.

Cũng không phải nói nhiều về điều mọi người đã biết là Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Văn Giầu v.v... học tiếng Nga ở Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Moskva và tiếp thu lý luận cách mạng Nga và Tây phương qua tiếng Nga.

Nhưng có lẽ còn ít người biết rằng tiếng Nga đã đến Việt Nam cùng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hẳn nhiều người tham quan Bảo tàng Cách mạng Việt Nam không để ý những dòng chữ trên hai biểu ngữ mà đoàn quần chúng cách mạng Thủ đô Hà Nội đi biểu tình trên đường phố Tràng Tiền dương cao:

Doloi imperialism!

Nez[avisimost ili smert!]

Cụ Nguyễn Trọng Phấn, nguyên cộng tác viên Trường Viễn Đông bác cổ (nơi có nhà bác học Nga B.Golubev làm việc!), sau Cách mạng tháng Tám trở thành Chánh văn phòng của viện nghiên cứu đó, là người đầu tiên mách bảo cho chúng tôi biết đó là tiếng Nga viết bằng chữ cái La-tinh, biểu ngữ thứ nhất có nghĩa: Đả đảo chủ nghĩa đế quốc!, biểu ngữ thứ hai bị che khuất, chỉ còn nhìn thấy 3 chữ cái La-tinh “Nez-” chính là các từ tiếng Nga: Độc lập hay là chết!

Cũng chính cụ Phấn từ năm 1995 cũng đã cho chúng tôi biết rằng ngay khi khai giảng lại Đại học Việt Nam, tiếng Nga đã được đưa vào giảng dạy ở Lớp Chính trị - xã hội đặc biệt mà cụ là một học viên; giáo viên là một người Nga, cụ không nhớ chính xác họ tên, chỉ mang máng như họ của người Đức Verner hay Rezner gì đó. Được phép của cụ Phấn chúng tôi đã 2 lần công bố thông tin này trên báo chí và trong lần phát biểu khai mạc triển lãm “Tiếng Nga ở Việt Nam” tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội nhân ngày Văn hóa Nga và hội thảo “Tiếng Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” năm 2005. Hai năm sau, trên báo Nhân Dân ra ngày 1 - 4 - 2007, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, dựa vào tài liệu do nhà Việt Nam học TS Anatoli Sokolov cung cấp, đã giới thiệu tên họ của vị giáo sư tiếng Nga đầu tiên này là Orest Pletner và viết khá tỉ mỉ về nhân thân của ông, cũng như hoàn cảnh ông đến Việt Nam năm 1941 (dạy tiếng Nhật).

Như vậy là không phải chỉ xuất hiện trong mấy ngày bừng bừng khí thế khởi nghĩa Tháng Tám rồi biến mất, mà lập tức từ đường phố sục sôi cách mạng tiếng Nga đã hiên ngang, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà, bước vào giảng đường Đại học Việt Nam trên phố Lê Thánh Tông. Chúng tôi đã phát hiện những chứng từ khẳng định rằng tiếng Nga đã được đưa vào nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một cách chính thức:

1.                  Nghị định 03 - 11 – 1945 của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ký về việc mở lớp chính trị - xã hội đặc biệt trực thuộc Đại học Văn khoa nhằm đào tạo viên chức cao cấp cho các cơ quan hành chính quốc gia và ngoại giao, trong đó tại điều 2 quy định chương trình học, mục 7 ghi rõ: “dạy một sinh ngữ chọn trong 3 sinh ngữ (Trung Hoa, Nga, Anh), mỗi tuần 4 giờ (cả năm)[1] (chúng tôi nhấn - VTK). Trong Nghị định không nhắc tới tiếng Pháp đơn giản là vì lúc ấy, tất cả những người tốt nghiệp trung học đều đã làu làu ngoại ngữ đó.
2.                  Nghị định 29 - 01 - 1946 của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, trong đó viết nguyên văn như sau: “Cho đến khi ký một tờ giao kèo mới và kể từ ngày mồng 1 tháng 7 năm 1945 ông Orest de Pletner, giáo sư Nga ngữ ở Ban Đại học Văn khoa và lớp Chính trị - (kể cả phụ cấp) Xã hội, tạm lĩnh như cũ lương hàng tháng (kể cả phụ cấp) là 1.040 đ 00”[2].
3.                  Tờ trình Quốc dân Đại hội (tức Quốc hội khóa I, khai mạc ngày 2 - 3 - 1946), trong đó Bộ trưởng Quốc gia giáo dục báo cáo:
-                     Trường Đại học Việt Nam đã khai giảng ngày 15 - 11 – 1945;
-                     Ban Văn khoa đã bắt đầu giảng những khóa Triết học Đông phương, Văn chương Việt Nam, Văn chương Trung Hoa, Văn chương Tây phương, Sử ký, Địa dư, Nga ngữ (chúng tôi nhấn - VTK);
Số người ghi tên theo học là 230 sinh viên và 81 bàng thính viên (tức dự thính).
-                     Lớp Chính trị xã hội đã giảng những khóa Dân luật, Hiến pháp, Kinh tế, Anh ngữ, Nga ngữ ở năm thứ nhất; Tài chính, Luật thương mại và Hàng hải, Anh ngữ và Nga ngữ dành cho sinh viên năm thứ hai trường Luật cũ (tưc Khoa Luật Đại học Đông Dương của Pháp trức Tháng 8 - 1945);
Tổng số sinh viên hai lớp ấy là 398 sinh viên và 196 bàng thính viên (theo Nghị định nói trên, môn ngoại ngữ được tự chọn 1 trong 3, nhưng trong Tờ trình không nói rõ bao nhiêu chọn tiếng Anh, bao nhiêu chọn tiếng Nga, và không nhắc gì đến tiếng Trung)[3].
 
Vậy là tiếng Nga đã đồng hành cùng cách mạng Việt Nam và nền giáo dục mới của nước ta ngay từ đầu., chẳng những tham gia cổ động quần chúng biểu dương lực lượng mà còn trực tiếp góp phần đào tạo cán bộ cho Nhà nước cách mạng non trẻ.
Trong những năm Kháng chiến chống Pháp gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng vẫn luôn luôn quan tâm sự nghiệp đào tạo cán bộ cho tương lai, trong đó có cán bộ ngoại ngữ và trong cán bộ ngoại ngữ có cán bộ tiếng Nga.
Khoảng cuối tháng 3 năm 1947 tại ATK (an toàn khu) trên chiến khu Việt Bắc đã khai giảng Trường Ngoại ngữ trực thuộc Trung ương do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm Hiệu trưởng. Gọi là “Trường” nhưng chỉ có bốn chục học viên. Môn học chỉ có Triết học Mác-xit, đường lối chính trị của Đảng và ngoại ngữ: Trung, Anh và Nga. Tiếng Pháp lại không đặt ra vì tất cả học viên đều đã thông thạo. Tiếng Nga do Hiệu trưởng “Giáo sư đỏ” (đã tốt nghiệp Đại học Cộng sản Phương Đông tại Moskva) Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp dạy. Nhưng rồi bị máy bay Pháp oanh tạc ngày 30 - 10 - 1947, 10 học viên hy sinh, Trường phải giải thể[4].
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhìn xa trông rộng, vẫn quan tâm việc đào tạo cán bộ tiếng Nga, nên chỉ 3 năm sau, sau thắng lợi của Chiến dịch Thu Đông 1950, giải phóng được biên giới phía Bắc, đã lập tức cử 41 cán bộ trẻ cấp huyện ủy viên sang Trung Quốc học tập tiếng Nga 3 năm ở Trường Chuyên tu tiếng Nga trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số tốt nghiệp khóa đó có những người về sau trở thành cán bộ cao cấp trong các bộ máy của Đảng và Nhà nước như các ông Ủy viên Bộ Chính trị Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, ủy viên Trung ương Đảng Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân. Nhiều người khác trở thành cán bộ lãnh đạo các bộ ngành, hoặc những giáo viên tiếng Nga đầu tiên đã đào tạo ra nhiều tiến sĩ, phó tiến sĩ tiếng Nga cho nước nhà như thầy Trần Thống.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết và hòa bình được lập lại ở Việt Nam, Lào và Campuchia vào tháng 7 - 1954, thì một tháng sau, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lại trực tiếp tỏ sự quan tâm đến vai trò của tiếng Nga trong tiến trình cách mạng Việt Nam bằng quyết định cử 100 học sinh thẳng từ Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh -Trung Quốc sang Moskva học tập tiếng Nga. Sau 2 năm học tập, 80 người đã về làm công tác phiên dịch, kịp thời tham gia thực hiện nhiệm vụ phục hồi và xây dựng lại kinh tế sau chiến tranh. Trong số này cũng có một số trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp như Bí thư Trung ương Đảng Phó thủ tướng Vũ Khoan, Thứ trưởng bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Nhạc, Thứ trưởng Ngoại thương Hồ Huấn Nghiêm. 20 người còn lại đã vào Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Quốc gia Lênin tại Moskva, sau 5 năm học tập đã trở thành những chuyên gia Nga ngữ đầu tiên của nước nhà, hiện thời nhiều người đã là tiến sĩ khoa học như Nguyễn Thị Tuyết Minh, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Hùng, hay những dịch giả có tiếng Hoàng ThuýToàn, Lê Sơn ...
Cho đến nay người ta mới thường nêu con số tổng quát là Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam trên 52 nghìn cán bộ khoa học và quản lý các cấp các ngành. Chưa có ai thống kê đầy đủ con số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong tiến trình cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn, được đào tạo thông qua tiếng Nga trong các nhà trường đại học Liên Xô. Lại càng khiếm khuyết những con số thống kê những cán bộ được đào tạo thông qua tiếng Nga đã đóng góp xây dựng các ngành kinh tế và văn hóa - giáo dục, đặt nền móng cho nhiều ngành và bộ môn hoàn toàn mới mẻ ở nước ta về khoa học - kỹ thuật như chế tạo máy, điện lực, dầu khí, năng lượng nguyên tử ..., về văn hóa - nghệ thuật như sân khấu (kịch nói), điện ảnh, vũ ba-lê, nhạc giao hưởng ... Ấy là chưa kể đến các ngành kỹ thuật quân sự hiện đại.
.
Thiết nghĩ, chỉ có tầm nhìn hạn chế, tư duy nông cạn và tâm lý thực dụng vụ lợi nhãn tiền mới có thể cho rằng tiếng Nga đã hết vai trò cách mạng và xây dựng ở nơi nó đã gắn bó máu thịt với vận mệnh dân tộc.


[1] Việt Nam Dân quốc Công báo, số 9, ra ngày 17 - 11 - 1945.
[2] Việt Nam Dân quốc công báo, sô 8, ra ngày 23 - 2 - 1946.
[3] Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. – Nxb Văn hóa Thông tin & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 393.
[4] Báo An Ninh cuối tháng, số 45, tháng 4 - 2005. bài tác giả Trần Duy Hiển viết theo lời kể của nguyên Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Úc và Niu Zilân.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521215

Hôm nay

2292

Hôm qua

2291

Tuần này

22256

Tháng này

219154

Tháng qua

121009

Tất cả

114521215