Người xứ Nghệ

Nhớ thầy Hoàng Ngọc Hiến.

Những năm 1982 – 1985 thế kỷ trước, học sinh khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du chúng tôi được học với các thầy giáo nổi tiếng về tri thức và cốt cách: Nguyễn Từ Chi, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thành Long, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Đình Hượu, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Khắc Phi, Phan Ngọc, Hồ Ngọc Đại, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư…Thầy Hiến và thầy Cư vừa dạy vừa trực tiếp lãnh đạo nhà trường.

Đấy là những năm tháng bao cấp cực kỳ gian nan, nhưng vui vẻ, trong sáng . Bọn học trò chúng tôi ở trong một dãy nhà tranh, thưng phên nứa cạnh hồ nước mọc đầy bèo tây . Gia đình thầy Hiến ở trong hai căn phòng hẹp, lúc nào cũng sâm sẫm và nồng mùi khói bếp than tổ ong của khu tập thể Đại học Văn hoá. Ngày hai lần, có ngày hơn, thầy Hiến đến, vào từng phòng hỏi han chuyện học, chuyện ăn uống. Sự giản dị, chân thật của thầy đã sớm gắn bó với gần 50 học sinh khắp 3 miền Trung, Nam, Bắc, đủ mọi lứa tuổi, mọi tính cách. Biết tôi người Hà Tĩnh, cùng quê, thầy nói về chè xanh, về khoai lang, về hến Thượng…với sự hiểu biết sâu rộng đời sống thôn quê Hà Tĩnh làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Hôm sau thì thầy lên lớp.   Nhiều lắm tri thức thầy truyền sang cho bọn chúng tôi trong vòng hai tiết dạy mà mãi những năm sau đó ấn tượng về một người thầy, một nhà lý luận sắc sảo, một nhà văn hoá uyên thâm, một nhà tư tưởng sâu sắc và độc đáo không hề phai mờ trong tôi. Dạo ấy, dường như nhiều người cũng như tôi vốn yên lòng với những thứ lý luận, những quan điểm, tư tưởng  đã tồn tại như bất biến bỗng giật mình nhận ra mọi thứ đang cần vận động, đang cần thay đổi. Tiếp đó là những ngày tháng chúng tôi tranh thủ tối đa thời gian, tận dụng mọi cơ hội có thể để tiếp xúc với thầy, lắng nghe thầy nói về  đời sống tinh thần con người, về sự thật, về tư tưởng triết học, về sáng tạo nghĩa mới trong cách tân văn học… Chúng tôi ham hố tri thức còn thầy thì nhiệt tình, quan tâm hết mực tới “ đời sống tinh thần” của chúng tôi. Sự quan tâm nhiệt tình ấy tiêu tốn của thầy không ít thời gian và cả sức lực nữa. Điều ấy khiến lớp trưởng Hà Đình Cẩn phải lên tiếng: Để cho thầy yên, các chú “ bóc lột” thầy quá lắm. Tư duy độc đáo, luôn mới mẻ và sáng tạo của thầy trước mọi vấn đề, mọi hiện tượng của đời sống văn học, văn hoá - xã hội đã làm nên hiện tượng Hoàng Ngọc Hiến vào những năm đầu đổi mới. Sau này, mỗi năm tôi được gặp thầy vài lần tại các cuộc hội thảo khoa học và được đọc những bài viết của thầy về minh triết phương Đông, phương Tây, minh triết Bác Hồ, về tư tưởng Nho, Lão, Phật…Vẫn độc đáo, mới mẻ và rành mạch. Lần gặp gần đây nhất là tại Hội thảo về Nguyễn Công Trứ ở huyện Nghi Xuân. Thầy hỏi, Đức Ban có ham chơi và có sức để chơi không? Tôi ngơ ngác chưa kịp trả lời thì thầy nói tiếp, chơi của cụ Trứ là một sự thể nghiệm, một sự từng trải có tính thời đại đấy. Tư duy của thầy Hoàng Ngọc Hiến là thế, sâu sắc và da diết với con người, với cuộc đời mà nặng trĩu trách nhiệm thời cuộc. Chợt nhớ, trong cuốn Nhà văn hiện đại Việt Nam thầy viết: “ Yêu văn học là yêu những giá trị tư tưởng, sự khô cạn của tình yêu này đương là sự khốn cùng của thế giới hiện đại.”

Giờ thì thầy đã đang thanh thản trên nẻo về cõi Trời .

Tôi biết nỗi nhớ thầy sẽ mãi không nguôi và một khoảng trống trong lòng mình chưa biết lấy gì bù đắp./.

                                                                                            Đêm 25- 1-2011

                                                                         

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528590

Hôm nay

2246

Hôm qua

2291

Tuần này

2863

Tháng này

215286

Tháng qua

0

Tất cả

114528590