Những góc nhìn Văn hoá

Một khát vọng sống thành thật

Có thể nói, Nguyễn Công Trứ là một con người nổi danh trên mọi phương diện. Ở sáng tác văn chương , ông như là một chủ soái tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác đầy chất tài tư  .Tôn vinh ông là “Hoàng độc thi nhân”, “Ông Hoàng hát nói” - kể cũng không ngoa. Những giá trị mới mẻ của ý thức con người cá nhân  nơi ông , cho dù là nửa vời và không thể hoàn thiện được , nhưng sản phẩm nhận thức ưu việt và độc đáo này hoàn toàn không lỗi thời. Nó như có sự tương thích để gặp gỡ và giao tiếp với hôm nay. Bài viết này hy vọng như là thêm một tiếng nói góp lời “ thiên cổ sự “ nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ , để đoan chắc rằng hiện tượng văn học này không thể cạn kiệt , chừng nào chúng ta còn có thể đổi mới quan niệm về nó.

             Triết luận “Thích chí” và “Con người ham chơi”

Thực ra, Nguyễn Công Trứ rất nhiều lần nói đến chí , cũng có thể xem đây là ý chí – theo cách hiểu hiện đại. Ý chí và tri thức là cấu trúc của ý thức con người. Tri thức là sự nhận biết khách quan thì ý chí lại thể hiện rất rõ ưu tính chủ quan. Vì vậy trong văn thơ của Nguyễn Công Trứ , “ chí “ xuất hiện với tần số khá cao. Bởi trước hết và hơn ai hết , con người Nguyễn Công Trứ là con người hào kiệt , con người chấp nhận , con người của hành động , luôn vượt qua mọi khó khăn , thách đố để hoàn thành bổn phận. Chí thường gắn với các giá trị khác, như chí anh hùng, chí nam nhi, chí làm trai. Chí như là dấu hiệu đặc định ở con người ông. Trong những trường hợp này, chúng ta nên xem chí là chí hướng, chí nguyện. Như vậy, khi bàn về chí anh hùng, chí làm trai, chí nam nhi như vừa nói, nó thiên về trí tuệ. Con người Nguyễn Công Trứ , do đó nếu xét trên bình diện ý chí, thì thể tất vẫn là con người xã hội hướng ngoại nhiều hơn. Thật nếu chỉ có như vậy , thì chắc hôm nay, chúng ta không có một Nguyễn Công Trứ “đa chiều kích” để mà khám phá. Vì chỉ bàn đến chí khí, ý chí thì cái cá nhân nơi Nguyễn Công Trứ xét đến cùng chỉ là phiên bản “tốc ký lý tính” (chữ dùng của M. Arnauđốp) , vì “lý tính không thêm một cái gì, không mở ra một cái gì và cũng chẳng thể tạo ra một xung động cần thiết cho tâm trạng…”(1) . Hình như, không dưới một lần, vô thức cá nhân nơi Nguyễn Công Trứ cũng đã mách bảo ông nguy cơ này. Đọc thật kỹ các tuyên ngôn lý tưởng , tuyên ngôn hành động nơi ông, ta thấy hầu như là cách nói buột miệng, tiện thể của ràng buộc nghĩa vụ. Tuy tinh thần trách nhiệm có vẻ như thường trực , nhưng không hẳn là mục đích tối hậu , là cứu cánh của ông. Cái bả công danh sự nghiệp của ông dẫu có chi phối đến đâu, Nguyễn Công Trứ vẫn trở về với cái cố hữu ao ước của cá nhân mình.  Thực ra, ai mà chẳng có riêng cho mình một cái cố hữu ao ước, song chỉ ở Nguyễn Công Trứ, cái cố hữu ao ước này như là một giải pháp để hoá giải trạng huống sấp ngửa giữa nghĩa vụ và ý thích :

            Ngoài vòng cương toả chân cao thấp

            Trong thú yên hà mặc tỉnh say ( Thú yên hà )

            Hơn nữa , vị quan đại thần này còn huỵch toẹt ra :

Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi

Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi

Nhắn cơn trời đất xoay vần lại

Để khách tang bồng rộng đất chơi” (Lẽ nhân sinh)

Không chỉ là công danh, nam nhi, tang bồng, trần hoàn, quân thân… mà cái cố hữu ao ước , cái sở thích cũng là một món nợ đánh đổi , để ông phải sòng phẳng thanh toán . Chỉ ở dư địa này , ông mới trở về với ông :

… Sách có chữnhân sinh thích chí

Đem ngàn vàng chác lấy tiếng cười

Bao nhiêu nợ tang bồng đem giả hết  (Cầm kỳ thi tửu)

… Nợ phong lưu tính đã lãi rồi

Ngàn vàng chác lấy trận cười  (Nợ phong lưu)

Với Nguyễn Công Trứ, cho dù lý trí đạo đức có khắt khe như thế nào, thì các khe hở tự do, một bản thể “thích chí”, bằng cách này hay cách khác vẫn luôn lồ lộ hiện ra. Nguyễn Công Trứ như là hiện thân của con người tự do trong cõi tục. Tất nhiên , là một kẻ từng trải , ông thừa biết những hệ luỵ vấp phải khi thoả mãn sở thích. Nhưng , do là kẻ dám làm, dám chịu, dám chơi , nên con người này , trong bất kỳ hoàn cảnh nào , cũng đều tỏ ra mẫn tiệp khác thường :

            Tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt

            Hữu duyên hà xứ bất phong lưu

( Thấy được bổn phận , thời thế là người tài giỏi

Mình hào hoa thì chỗ nào mà chẳng phong lưu )( Còn nhiều hưởng thụ )

Ông như có khả năng đứng trên tình thế , đứng ngoài trần ai. Tuy có lúc thừa nhận sự chi phối của con Tạo “ngẫm cho kỹ bất nhân là tạo vật, đã sinh người lại hẹn lấy năm”, nhưng ông còn phát hiện ra một logic tất yếu khách quan, mà lại phù hợp cho triết luận thích chí của mình :

… Song bất nhân mà lại chí nhân

Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy  (Con tạo ghét ghen)

…Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đây

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù ( Nghề chơi cũng lắm công phu )

              Cũng chính điều này giúp ông đạt được sự cân bằng tâm thái (équilibre psychique ) , dẫu rằng đây là một cân bằng khó khăn thật , “ngất ngưởng” một cách chơi vơi giữa những cường lực trái ngược đến chóng mặt. Có cân bằng được thì mới tồn tại được :

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng

. . . Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

. . . Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng ( Bài ca ngất ngưởng)

Ông như tự mình đóng nhiều vai diễn , tự phân thân trong cái khó phân thân. Trong con người ông như có 3 con người ( Ông quan đầy công trạng , ông quan về hưu và một ông quan mãn nguyện , thích chí )

Có hay không một cuộc đời vô nghĩa , khi nó là một thực tại chuyển động khách quan bởi quy luật tự nhiên và xã hội. Người khác thì cứ đau đáu chuyện này , còn ở Nguyễn Công Trứ thì không như thế. Bởi ông có cho riêng mình một triết lý “ thích chí “ , với “ bầu nhân dục “ dồi dào. Ông đã tìm ra mình để trở về với chính mình. Đây chính là quá trình nhận thức được cái hiển nhiên trong sự tất yếu . Con người ông là con người chấp nhận và không hề giới hạn mình trong phi ly, để vượt thoát ra ngoài vô nghĩa của cuộc đời :

Cái hình hài đã chắc thực chưa

Mà lẽo đẽo khóc hoài rứa mãi.

Trời đất hễ có hình là có hoại

Cậy chi chi mà chắc cái chi chi ( Chơi là lãi )

 Một khi mà Nguyễn Công Trứ cho rằng vạn sự trên đời này đều do ông Tạo cắc cớ đúc rót vào bản ngã, bắt con người phải thực hiện , thì hầu như mọi chuyện cũng chẳng có gì là quan trọng cả. Hóa nhi đã “đa hý lộng”, buộc con người phải làm con rối cho bao trò thăng trầm điên đảo, thì con người chỉ có cách thoát duy nhất đó là : coi việc đời như một trò chơi không hơn không kém . “Cầm, kỳ, thi, tửu” là chuyện chơi đã đành, ngay đến công danh , sự nghiệp cũng là trò chơi mà thôi :

… Ngắm cùng trăng gió vài câu kiểng

Tính với giang san mấy chuyện đời .  (Thích chí ngao du)

Chính sự bình thản của cá tính này đã giúp cho Nguyễn Công Trứ  thoát khỏi cái nhìn bi phẫn kiểu Nguyễn Du : “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” (Người tráng sĩ buồn bã ngó trời đến bạc cả tóc), hoặc giả như Cao Bá Quát thấy cuộc đời toàn là “bãi cát bãi cát dài, một bước là như lùi”, đời thật là lạc lõng, vô vị “sống kiếp gân gà đời lạt lẽo” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát).

Tuy vẫn chấp nhận khuôn khổ của trật tự xã hội vốn có, nhưng hơn người ở chỗ là Nguyễn Công Trứ có cách làm biến dạng và làm thay đổi nó nếu ông muốn. Thực ra, Nguyễn Công Trứ đã rất hiểu mình trước khi chấp nhận yêu cầu tu thân dưỡng tính. Ông như đối lập với chính mình, để đi sâu vào tận cõi lòng mình, hiểu cho rõ hơn tính khí của mình, từ đó hiểu hơn nỗi đời và có ứng xử vượt thoát hơn.

… Dở dang với rượu khôn từ chén

Trót  nợ cùng thơ phải chuốt lời (Cầm, kỳ, thi, tửu)

Thoắt sinh ra thời đà khóc choé

Trần có vui sao chẳng cười khì ( Ngày tháng thanh nhàn )

Đường mây trắng thênh thênh cử bộ

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo ( Chí khí anh hùng )

Theo Nguyễn Công Trứ, công danh là cái nợ đã đành, một cái nợ đạo lý tiền định của kẻ làm trai, mà có trả được thì cũng chẳng có gì đáng vinh quang. Phong lưu thoả thích cũng là một loại nợ, nên dẫu đam mê thì cũng chẳng có gì làm xấu hổ. Hơn nhau là việc thực hiện cá tính thiên phú của mình. Cái cá tính này lắm khi không phải do bản thân con người muốn, mà là sự trêu ngươi khiếm khuyết của ông trời. Vì vậy việc gì mà phải câu nệ hẹp hòi, cứ phải động tâm vào chuyện khen chê , được mất, vinh nhục. “Nhân sinh quý thích chí” mới là đáng bàn. Hình như , ý thích cá nhân “ tuỳ thích “ của ông đã đạt được độ thẩm mỹ bởi triết lý “ quên “. Triết lý “ quên “ nơi ông hoàn toàn không phải là một sự phó mặc , và cũng không thuộc phạm trù đạo đức. Cái “quên “ ở đây như là quên đi những gì ta ăn được để trở thành máu , nó sẽ giúp ta dễ dàng vượt thoát và đĩnh đạc hơn. 

Linh khâm bảo hợp thái hòa.

Sạch không trần lụy ấy là thần tiên.

Ngang tàng lạc ngã tính thiên (Thích chí ngao du).

Chính tiền đề tự do này đã tạo cho Nguyễn Công Trứ ngoài “hoạt động làm”, còn là “hoạt động chơi”, đều là các hoạt động có tầm vóc quan yếu như nhau. Trong Luận ngữ, Khổng Tử có răn “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Dốc chí vào đạo, giữ vững ở đức, nương tựa vào nhân, và vui chơi ở nghệ)(2). Ba vế đầu nhằm chỉ hoạt động làm, vế thứ tư – du ư nghệ, có lẽ muốn nói nhiều về hoạt động chơi. Tất nhiên đây là mô hình nhân cách của người quân tử theo hướng nhân trị mà Khổng Tử đã xác định. (Du ư nghệ ở đây là lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Chính vậy mà Lê Quý Đôn cũng nhận xét “Đó là nói ngang theo bình diện, chứ không từng phân biệt gốc ngọn” (Vân đài loại ngữ, tập 2). Chính Nguyễn Công Trứ đã thực hiện rất đích đáng vai trò của mình bằng các hoạt động đầy cá tính. Hành trình làm người của Nguyễn Công Trứ “lên voi xuống chó” liên tục, nhưng do có quan niệm “nhân sinh quý thích chí”, mà ông đều sung sướng nhận ra rằng, dù trồi, dù sụt, dù ở hoàn cảnh nào ông cũng luôn tìm được sự thoải mái. Đây vừa là khả năng thích ứng cao độ, đồng thời  cũng tạo ra một ưu tính trẻ trung , độc đáo kiểu Nguyễn Công Trứ.

Không như một thứ tự do chật hẹp “ Một mai , một cuốc , một cần câu “ ( Nguyễn Bỉnh Khiêm ) , “ Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ , ngồi rù uống rượu với con chơi “ ( Cao Bá Quát ) ,  nên Nguyễn Công Trứ luôn tìm cách bày ra ngổn ngang trong cuộc đời mình toàn những thú vui. Từ những thú vui thanh cao đến những thú vui trần tục nhất. Nhờ lão luyện với cuộc chơi,  mà một Nguyễn Công Trứ tài tử đã tạo ra được những sản phẩm của “du hý tự do” (I.Kant), luôn sống động, nhộn nhịp. Từ thú ngao du đến thú rượu thơ, thậm chí là thú “đỏ đen”, và kể cả thú ả đào :

… Thú tiêu sầu rượu rót đề thơ

Có yến yến, hường hường mới thú

Khi đắc ý mắt đi mày lại

Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng (Tài tình)

Ngay cả ngày “ đô môn giải tổ chi niên “ – sẽ rất nghiêm trọng với những ai còn luyến tiếc bả công danh , thì một Tham tán , một Tổng đốc , một Đại tướng là Nguyễn Công Trứ lại thản nhiên, lại bày ngay ra trò :

     Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Cho dù ông đã thừa nhận gác kiếm để thành “ dạng từ bi “ , nhưng vẫn cứ phải “ gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì “. Và tận cùng của triết lý chơi này chính là :

Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong ( Bài ca ngất ngưởng )

Tổng kết toàn bộ cuộc đời bằng lý thuyết trò chơi “ ngất ngưởng “ này , có lẽ ông là “ độc nhất vô nhị “ so với thời đại.

Rõ ràng , Nguyễn Công Trứ đã khách quan hóa cái chủ quan của mình để ý thức cá nhân có điều kiện tìm kiếm bản ngã thanh thản hơn. Con người ông vừa là con người nghĩ (homo sepieus), con người làm (homo faber) và còn là con người ham chơi (homo ludens). Cái chơi của một ý thức cá nhân như Nguyễn Công Trứ hoàn toàn không phải là dung tục, phóng dục, buông tuồng theo kiểu “phát tiết sinh lực thừa” (H. Spenxe). Ngược lại, nó đòi hỏi một sự làm chủ bản thân, sự hun đúc ý chí, mài rũa tài nghệ cốt cách đến mức mã thượng. Dĩ nhiên , Nguyễn tiên sinh thừa hiểu “ hoạt động chơi “ của mình không nhằm tạo ra và cũng không thể tạo ra được sản phẩm như ở “ hoạt động làm “ , nhưng cũng chính nhờ hoạt động chơi này khiến ông đã tái sản sinh ra mình và đi đến chỗ hoàn thiện mình. Bởi vì ông rất khát khao sống và sống một cách đầy khát vọng , những khát vọng thành thực. Người ta thường hay đóng khung độ dài cuộc đời bằng khái niệm “ trăm năm “ ( tất nhiên đây là cách gọi ước lệ ), thì Nguyễn lại đo đếm rất chi li, rất thực tiễn : “ ba vạn sáu nghìn ngày ” . Hơn nữa, ông chỉ đóng khung ngay trong hiện tại. Vì hiện tại là nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hậu lai. Ong không muốn quay về quá khứ để hoài cổ, để bảo chứng cho nhân cách của mình , cũng không mộng tưởng về tương lai vô định:

 Này phút chốc kim rồi lại cổ

Có hẹn gì sau chẳng bằng nay  ( Kiếp nhân sinh )

 Nhiều khi, “con người chơi” Nguyễn Công Trứ như đạt được độ cảnh giới thượng thừa: “Không Phật, không Tiên, không vướng tục “ (Bài ca ngất ngưởng).

Cái đáng quý ở con người ham chơi Nguyễn Công Trứ là ở chỗ xác lập  một trình độ sống với nghệ thuật chơi siêu việt - làm như chơi và chơi như làm , của một khả năng vươn tới tự do. Ông đúng là một “đấng trích tiên” ngay giữa cõi tục này. Nhà thơ người Đức F. Sile (1759 – 1805) cũng từng nói “Con người chỉ chơi khi nó là con người trong ý nghĩa đầy đủ của từ này và con người chỉ thực sự đúng là người khi chơi”. Cũng nhờ thế mà Nguyễn Công Trứ trở nên gần gũi hơn với thời hiện đại của chúng ta hôm nay.

Hành lạc và sống nhàn.

            Như đã nói, triết luận “quý thích chí” và lý thuyết hoạt động chơi nơi Nguyễn Công Trứ như là hạt nhân cơ bản. Nó đã làm nảy sinh xung lực cho các khát vọng sống mới,  trong đó tư tưởng hành lạc là một biểu hiện đậm đặc nhất. Nguyễn Công Trứ, do đã giữ được thế quân bình với ông Tạo cắc cớ, với thế sự, nên trong mọi trường hợp xảy ra, nếu có thể được là ngay lập tức ông tận dụng triệt để các khe hở của số phận để mà hành lạc.

Cuộc làm vui ( hành lạc ) liều phải kịp thì

Khi đắc chí lại khi thất khí

Trông gương đó hãy suy cho kỹ

Dẫu xưa nay nào có trừ ai ( Chơi là lãi )

            Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ còn quan niệm hành lạc như là một chuẩn mực, một giá trị của đời sống:

Nhân sinh bất hành lạc

Thiên tuế diệc vi thương

 ( Con người sống mà không biết tạo niềm vui,

nghìn tuổi vẫn như đứa bé chết yểu ) ( Đánh thức người đời)

Dẫu có thừa nhận sự chi phối số phận, nhưng ngoài việc tiếp thu được tư tưởng trọng sinh, “tự nhiên nhi nhiên“, nhất là sức sống của đời sống bình dân: Con người có miệng có môi. Khi buồn thì khó, khi vui thì cười ( Ca dao ) , khiến ông không phải như người khác , chỉ chăm chắm đi tìm một điều gì đó cho mình cao hơn thực tế , ông chỉ nhằm đề cao vai trò chủ động của cá nhân :

… Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù (Con tạo ghét ghen)

. . . Cơn chuếnh choáng xoay vần trời đất lại

Lúc ngâm nga xáo trộn cổ kim đi ( Danh chẳng bằng nhàn )

. . . Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi

Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu ( Hành tàng )

. . . Ngày tháng đi dòng nước chảy mau

Lần lữa mãi cũng bạc đầu tráng sĩ

Nợ phong lưu dan díu mấy mươi lần

Thú thi tửu lại chen chân gánh vác ( Chơi xuân kẻo hết xuân đi )

Mặt khác, Nguyễn Công Trứ còn coi hành lạc như là một phần thưởng, một sự đãi ngộ cho những kẻ như ông đã dày công đóng góp cho xã hội:

Nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung

…Gẫm việc đời mà ngắm cảnh tục thanh

Này này sĩ mới hoàn danh (Luận kẻ sĩ )

Có lúc, hành lạc cũng trở thành “chí’ của người tài trai:

… Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên

Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí      

(Cầm kỳ thi tửu)

Cả hai phương diện hành lạc lẫn hành đạo như cùng thống nhất trong một con người Nguyễn Công Trứ. Đều nhằm khẳng định cá nhân cả thôi, nhưng nếu tạo công danh phải là hướng ngoại, còn thích chí hành lạc lại bằng ngả đường hướng nội vào bản thể. Cái công danh như bất hủ với thời gian thì hưởng lạc chỉ nằm trong chỉ số hữu hạn của đời người. Sự hòa hợp này như nằm trong một khuynh hướng triết lý hoạt động nơi Nguyễn Công Trứ. Dẫu hành lạc hay hành đạo thì cũng đều là hành động. Con người cứ hành động, cứ thản nhiên “vẫy vùng cho phỉ chí” một khi đã chấp nhận, còn kết quả hãy chờ số phận, luật định :

Cái hình hài đã chắc thực chưa.

Mà lẽo đẽo khóc hoài rứa mãi.

Trời đất hễ có hình là có hoại.

Cậy chi chi mà chắc cái chi chi.

Cuộc làm vui liền phải kịp thì.

Khi đắc chí lại khi thất chí  ( Chơi là lãi ).

Ở một trang tài tử hào kiệt như Nguyễn Công Trứ, thì đây thực sự là cốt cách trượng phu. Cho nên, nếu hành đạo là một phương cách nhằm thể hiện chí nguyện, thì cũng tương tự như hành lạc là một phương cách để thể hiện quan niệm sống và sở thích của một cá nhân. Hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ  biết rõ hành đạo tức là tìm tới công danh. Mà công danh lại là con đường vinh nhục “dưới công danh đeo khổ nhục” (Nguyễn Trãi), nên Nguyễn Công Trứ không giấu diếm : “Làm trai chỉ sợ áng công danh”. Cộng sinh với công danh là vinh nhục , là trồi sụt :

… Cõi vinh nhục nhục vinh là đắp đổi

Lại mang lấy lợi danh vinh nhục

Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan (Chơi xuân kẻo hết xuân đi)

Cho nên ông cũng chủ động “hành lạc” tức là làm vui ngay trên cái cuộc đời vinh nhục đáng nguyền rủa đó:

… Này tiếng đàn tinh tính tỉnh tình tinh

Thú vui ném ngang vành tráng sĩ  (Cầm kỳ thi tửu)

… Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi

Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu (Hành tàng)

Dẫu dọc ngang trời đất, vẫy vùng bốn bể, xẻ núi lấp sông - những việc phi thường đó của kẻ anh hùng dẫu rộng lớn đến mấy, cũng không nhằm một thứ tham vọng nào, mà chỉ mong một ngày được hoàn trả, được thanh thản khi đã chu tất:

Đường mây rộng thênh thang cử bộ

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu. (Chí khí anh hùng)

Cái lạc quan này như là dấu hiệu đối ứng với xã hội, theo kiểu “ ly tâm bất ly thân “ của ông. Khí phách anh hùng đâu chỉ ở riêng kinh bang tế thế hay xông pha trận mạc, mà còn là trong phong cách sống. Phải quên những điều phi lý cuộc đời bằng cách của riêng mình.

… Khi chuếnh choáng xoay vần trời đất lại

Lúc ngâm nga xáo trộn cổ kim đi  (Nhàn nhân với quý nhân)

… Gió trăng chứa một thuyền đầy

Của kho vô tận biết ngày nào vơi (Vịnh tiền Xích Bích)

Ông muốn trả về cho mình đạo cốt “trích tiên”, vì ông rất hiểu cái ô trọc của cuộc đời. Có dịp, ông lập tức dứt khoát lìa bỏ nó một cách rất “ngông”:

. . . Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng    

. . . Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngại đông phong (Bài ca ngất ngưởng)

Trên cơ sở nhận thức mới về cuộc đời, về xã hội, cùng với ý thức cá thể hóa cao độ, Nguyễn Công Trứ đã nâng tầm khái niệm “Lạc” thành triết thuyết nhân sinh. Vấn đề cần bàn là “hành lạc” – tạo ra niềm vui, hay là “hưởng lạc” – tầm thường trong triết lý của ông ? Vì rằng kẻ luôn chủ động tạo niềm vui khác  hẳn kẻ tìm đến lạc thú một cách yếm thế và thụ động. Một bên nặng về dấn thân và làm chủ hoàn cảnh, một bên lại tìm cách chối bỏ và buông xuôi. Quan niệm “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ như là một lợi khí, nhằm phân biệt mình với bọn “chuồn áo mũ  mượn màu đạo đức”, “thịt hay ăn một cục tham si”. Rất tích cực, Nguyễn đã nâng hành lạc lên thành một thứ nghệ thuật sống lão luyện , để thách đố với cuộc đời ô trọc.

            Nguyễn Công Trứ là người vừa đa tài và đa tình. Đây là năng lực sống đặc biệt của ông. Ông vừa là người tài trai “yếu vi thiên hạ kỳ”, đồng thời cũng là người phong lưu hào hoa. Nói cho cùng, một “trượng phu kềnh”, một “khách phong lưu” mà Nguyễn Công Trứ đã tự thú nhận mình như thế,  là sản phẩm của con người trong thực tế đời sống. Anh chàng sĩ tử “ trượng phu kềnh“ đã đặt một chân vào lối sống đô thị “ khách phong lưu “. Đặt một chân thôi , vì rằng dẫu rất thị tài , thị tình , nhưng  do những hạn chế của thời đại , nên cái cá nhân ở ông không thể hoàn chỉnh được , và không thành một thực thể. Tuy nhiên , ông vẫn có những nhịp đi trước thời đại , như vậy cũng đã là tiên phong lắm rồi.  Ở cuộc sống “thoát tục”, phong lưu này, hình như một Nguyễn Hy Văn đã thực hiện được cá tính của mình triệt để hơn là ở phần sống “vi tử vi thần” của một Uy Viễn tướng công :

Gió trăng chứa một thuyền đầy

Của kho vô tận biết ngày nào vơi (Vịnh tiền Xích Bích)

 

… Đủ lếu láo với người thiên hạ

Tính đã quen đài các mấy lâu

Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu

Khi đắc chí ngao du ờ cũng phải (Thích chí ngao du)

Tinh thần của “bầu nhân dục” này quả như là động lực, cứu cánh để chi phối mọi hoạt động và hành vi trong việc tìm lạc thú hạnh phúc riêng tư, ông tỏ ra rất biện chứng khi cho rằng:

… Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì?

Khi hỉ nộ, khi ai lạc, khi ái ố, lúc sầu bi

Chứa chi lắm một bầu nhân dục  (Chữ nhàn)

Ông “khách phong lưu” Nguyễn Công Trứ cũng rất tự đắc về cái tài cầm kỳ thi tửu của mình. Tất nhiên, đây cũng là qui ước chung cho các văn nhân tài tử thời phong kiến. Tuy vậy, ở Nguyễn Công Trứ , không hẳn là thứ cầm kỳ thi tửu đường mòn lối cũ, mờ nhạt, chung chung, mà nói như Nguyễn Bách Khoa : “Quan niệm cầm kỳ thi tửu là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này, người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo - NVN) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc - NVN). Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống với đẹp…”(3). Bản chất cá nhân hiện hữu nơi con người Nguyễn Công Trứ đã làm sống động hơn cái khung nhân cách quân tử cũ kỹ, bảo hoàng . Hơn nữa, như là tìm cách đối trọng lại danh lợi , tước vị xã hội. Hoặc , ít ra thì cũng là cách biện minh cho ứng xử , tìm ra một lối thoát riêng :

Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng…

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi…

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.

Không Phật, không Tiên, không vướng tục (Bài ca ngất ngưởng).

            Con người cá nhân nơi Nguyễn Công Trứ không chỉ là khát vọng sống “hành lạc” mà còn hướng tới sống nhàn. Tất nhiên, triết lý sống NHÀN đã thành một chuẩn mực sống cho các nhà nho ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Thực ra tư tưởng sống nhàn này xuất phát từ giá trị tương đối giữa hữu vivô vi của Lão giáo. Lão Tử cho rằng, trừ cái tuyệt đối là ĐẠO và ĐỨC, còn lại mọi sự trên đời chỉ có giá trị tương đối. Cũng chính bởi quan niệm này mà Lão Tử mới chủ trương sống xuất thế hưởng nhàn, vừa thích thú, vừa thảnh thơi lại có giá trị không kém gì hành đạo. Sống nhàn mà gắn với thiên nhiên thì như là cái khung nhân cách của các bậc túc nho. Không có gì đáng khinh bỉ và nguyền rủa bằng việc tách con người ra khỏi địa hạt thiên nhiên và cầm tù chúng trong vòng xã hội nhân sự. Hơn nữa, cái sống nhàn của Nguyễn Công Trứ còn như là nốt lặng của bản hợp xướng cống hiến. Nhàn cũng là một sự chủ động, chứ không phải là miễn cưỡng hoặc  thoái bộ :

            Mượn phong tình mà giả nợ phong lưu

                        Thanh nhàn ngâm một vài câu

                        Biết đâu ấm lạnh , biết đâu ngọt bùi (Nhàn nhân với quý nhân)        

…Ngó lại hàng rào hương cúc trộn

Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.

Vào vòng cương tỏa chân không vướng.

Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen (Tự vịnh).

Xét đến cùng, sống nhàn ở Nguyễn Công Trứ không còn là thái độ thụ động , tiêu cực , mà là sự khẳng định cá nhân một cách tích cực , chủ động và liên tục. Nguyễn Công Trứ đã không lập luận sống nhàn như thông lệ, mà ông chỉ cho rằng sống nhàn như là quyền được sống sau thời kỳ hành đạo, như là mặt sau của tấm huân chương . Phớt lờ lễ giáo bằng hành lạc, bằng sự ngông nghênh đã đành, sống nhàn ở Nguyễn Công Trứ cũng là một  ứng xử tương tự  :

Người nhân thế muốn nhàn sao được.

Nên phải giữ lấy nhàn làm chước (Chữ nhàn)

…Đem thân thế nương miền toàn thạch

Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn (Con tạo ghét ghen).

Cũng như ở hành lạc ,  cái NHÀN nơi Nguyễn Công Trứ cũng là một dạng của trạng thái họat động. Nó hướng nhiều đến sự nhộn nhịp hăng say hơn là trầm uất, u mặc. Nhàn đồng nghĩa với hành lạc, tức là luôn bày ra các trò vui để hưởng thụ về  đường cảm giác. Nhàn hạ như là một cơ hội tốt phải  luôn biết tận dụng một cách chủ động, không ngồi đợi cái nhàn vì nó không bao giờ tự đến giữa cuộc đời chộn rộn và bụi bặm này : “… Một chữ nhàn đáng giá muôn chung (Chơi cho phỉ chí).

Cao Bá Quát cũng nói đến nhàn. Nhưng cái nhàn ở họ Cao như đay nghiến và xỉ vả cuộc đời đến độ cần phải giã từ nó một cách đau xót (tống táng) :  “Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu. Trầm tư bách kế bất như nhàn” (Uống rượu tiêu sầu). Cao Bá Quát có nét tương đồng với Nguyễn Quý Tân. Ông nghè họ Nguyễn này từng ca ngợi cái nhàn theo hướng yếm thế: “Tử mạch tùng vinh tranh cập thụy. Chu môn tuy quý bất như nhàn “ (Công danh vinh hiển không sánh kịp giấc ngủ nhàn. Nghèo mà thanh nhàn quí hơn cửa son sang trọng – Say sưa thoả thích).

            Cũng là con người cá nhân đang tồn tại trong một môi trường phi cá nhân, nhưng Nguyễn Công Trứ biết tạo ra các tình thế có lợi trong hòan cảnh bất lợi đó. Ông đã có nguyên tắc sống nhàn “tri chỉ”, tức là phải biết “ngưỡng”, biết dừng lại trong hoàn cảnh của mình. Con người ta ai chả muốn sung sướng, nhàn hạ- bi kịch con người cũng chính từ chỗ không được thỏa mãn khát vọng này. Vấn đề còn lại là làm chủ hiện hữu, tự mình tạo ra sảng khoái cho mình, tạo cho mình một tâm trí an bình, để trí tuệ thêm sáng suốt, để tâm hồn thêm phong phú. Đời sống tinh thần có khả năng sinh ra những giá trị bất tử hơn là cái hữu hạn, phi lý của vật chất dẫu có thừa thãi. Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Công Trứ mang đến cho chúng ta ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, độc đáo, đó là “vô sự”, “vô cầu”  đã đành , mà còn là “phi vụ lợi” :

Hữu danh nhàn phú quý.

Vô sự tiểu thần tiên.

Đấng anh hùng yên phận lạc thiên.

So trời đất cũng nhất ban xuân ý. (Thú rượu thơ);

...Trong vũ trụ là thân nam tử.

Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên.

Đem bẩm trời, trời cũng phải khuyên.

Khuyên khuyên kẻ anh hùng yên sở ngộ (Vô cầu);

…Đường mây rộng thênh thênh cử bộ.

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.

…Thảnh thơi thơ túi rượu bầu(Chí khí anh hùng).

Cũng từ đây, triết lý sống nhàn của ông như có sức mạnh của riêng nó. Nó không những có khả năng hiện thực hóa khát vọng sống hạnh phúc của con người mà còn có năng lực tạo thế quân bình trong tư cách và hành vi sống. Trong trường hợp như thế, nó gần với phần tích cực của Lão Tử , hơn là yếm thế của Trang Chu, và dĩ nhiên nó hoàn toàn xa lạ với khổ hạnh Phật học và khắc kỷ Nho gia.

            Cặp đôi tài tử – giai nhân.

Cũng không hẳn là một hệ luỵ của ý thức cá nhân, nhưng đối với Nguyễn Công Trứ , đã chủ trương hành lạc là phải phong tình. Phong tình không chỉ chuyện gió, trăng, ca, tửu ,thi, kỳ ; mà nó còn là tình yêu đôi lứa, là chuyện tài tử giai nhân. Hơn nữa, lắm khi giá trị của chuyện tài tử và giai nhân còn hơn cả chính sự.

            Và xem ra, màu sắc hấp dẫn ở ý thức cá nhân của ông lại chính là địa hạt đa tình chứ không phải là “gắng gỏi kiếm cung” :

Minh quân lương tướng tao phùng dị.

Tài tử giai nhân tế ngộ nan

 (Vua sáng tướng giỏi gặp nhau còn dễ.

Tài tử và người đẹp tìm nhau khó hơn ) (Duyên gặp gỡ).

Thật thú vị , thú vị đến ngỡ ngàng trước nỗi nhớ nhung của một vị tướng quuan , bởi tính hiện đại của nó so với đương thời :

Tương tư không biết cái làm sao.

Muốn vẽ mà chơi , vẽ được nào

Khi đứng , khi ngồi , khi nói chuyện

Lúc say , lúc tỉnh , lúc chiêm bao

Trang soi trước mặt ngờ chân bước

Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào

Một nước , một non người một ngả

Tương tư không biết cái làm sao ( Tương tư )

Đa tình ở Nguyễn Công Trứ vừa là say mê sắc đẹp, và cũng có thể là đa mang , đèo bòng . Do vậy , Nguyễn dễ bị lôi cuốn vì sắc đẹp và người tài sắc. Tất nhiên , điều này xa lạ với chuẩn mực nên lễ giáo khó chấp nhận.

Xưa nay mấy kẻ đa tình.

Lão Trần là một với mình là hai (Cưới vợ hầu)

Trong lai láng biết tránh đâu cho khỏi…

Càng tài tử càng nhiều tình ái (Vịnh sầu tình).

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên

Trong nhất kiến tiền duyên như đã (Duyên gặp gỡ)

Cũng nằm trong hệ luận “ tình ái cao hơn sự nghiệp “ nhưng Nguyễn có lẽ là người hiếm hoi vì , không dưới một lần, ông còn nâng cái đẹp của giai nhân ngang tầm  giang sơn , tú khí , đất trời :

   Mở mặt thấy giang sơn cười chúm chím

  … Khuyên ai đừng dở cuộc ly phi

     Trân trọng lấy hương trời cho trọn vẹn (Yêu hoa)  

Nguyễn Công Trứ chẳng những đem tài năng để xét đoán mình và người khác “không công danh thà nát với cỏ cây”, mà ông còn trình bày khuôn hình cặp đôi tài tử – giai nhân, với sắc bóng tình yêu, như là một thứ phần thưởng, một thứ “thù lao” tiêu biểu, thì rõ ràng chính ông đã tạo ra những “đối lập không tuyên ngôn” với “đức” và “tính” của Nho giáo chính thống. Nguyễn Công Trứ có “một thứ tôn giáo thứ hai là tình yêu, và chúa của đạo ấy là người phụ nữ” (Víctor Hugo). Do vậy ông trở nên đi xa hơn của ý thức con người cá nhân trong những khát vọng về hạnh phúc. Phải đợi đến ông thì việc đề cao giai nhân mới đạt ở tầm cao mới. Do đó, Nguyễn Công Trứ cũng dám chấp nhận những hệ luỵ của quan hệ tài tử-giai nhân nếu như nó có xảy ra :

… Thế nhân mạc oán tài tình lụy

Không tài tình quang cảnh có ra chi  (Chữ tình)

Càng tài tử càng nhiều tình ái

Cái sầu kia theo hình ấy mà ra

Mua sầu tại kẻ hào hoa ( Vịnh sầu tình )      

            Ông cũng chẳng ngại ngùng gì khi nói về sự quyến rũ của người đẹp :

Khách thập thúy say màu hoa diễm

Đối mặt hoa mà cầm, mà kỳ, mà tửu, mà thi (Yêu hoa)

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy

Đã gọi người nằm thiên cổ dậy

 Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi (Vịnh chữ tình)

 … Giống ở đâu vô ảnh, vô hình

 Cứ tò mò quanh quẩn bên mình

Khiến ngẩn ngẩn, ngơ ngơ đủ chứng (Vịnh sầu tình)

 Nói như vậy, không có nghĩa là đời sống tình cảm cá nhân nơi Nguyễn Công Trứ tầm thường. Trái lại, nó rất đậm đà sôi nổi với nhiều cung bậc khác nhau. Lúc thì than thở, mơ màng, lúc thì rung động và say sưa. Có lúc nó mang cả màu sắc của tình yêu thời hiện đại như đã nói ở trên.

Cũng từng có ý kiến phê phán tính chất nhục dục, thể xác ở tình yêu cá thể Nguyễn Công Trứ. Vì rằng trên hình thức biểu hiện, người ta dễ bị ngộ nhận, bởi thấy ông có vẻ như tận hưởng ở vương quốc “trái cấm” này: “Kìa những người mái tuyết đã phau phau. Run rẩy kẻ đào tơ manh mảnh” (Cưới vợ hầu); “Khách thập thúy say màu hoa diễm. Đối mặt hoa mà cầm, mà kỳ, mà tửu, mà thi… Trăm hoa cũng bẻ một cành” (Yêu hoa)… “E đến khi hoa rữa trăng tàn.  Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác “(Chơi xuân),“Có yến yến hường hường mới thú. Khi đắc ý mắt đi mày lại. Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng” (Tài tình)… “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” (Bài ca ngất ngưỡng)… Chúng ta không phủ nhận yếu tố nhục dục, thể xác và hiếu sắc nơi tình yêu cá nhân Nguyễn Công Trứ. Có điều, nó hoàn toàn không dâm dục và trần trụi, đồi trụy, nó được biểu hiện tế nhị, che đậy một cách lịch lãm :

Chơi cho lịch mới là chơi.

Chơi cho đài các, cho người biết tay.

Tài tình dễ mấy xưa nay (Cầm, kỳ, thi, tửu – bài 2)

Phạm Vĩnh Cư cũng thống nhất rằng : “ Đa phần nó được kiềm chế và chi phối bởi những yếu tố có tính chất văn hóa, tinh thần thanh lịch, chất tài tử hào hoa phong nhã, thị hiếu thẩm mỹ sành sỏi tinh vi” (4)

Vả lại, nếu xét trên biểu hiện của ý thức cá nhân thì đâu chỉ riêng Nguyễn Công Trứ mới nói về nhục dục, thể xác. Nguyễn Du cũng từng nói về Kiều, về mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng theo chiều hướng kích thích ngoại giới “rõ ràng trong ngọc trắng ngà, dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, “tấm lòng ân ái ai ai cũng lòng”. Còn Nguyễn Gia Thiều thì : “Kìa điểu thú là loài vạn vật. Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng”. Hoặc Ninh  Tốn như mê đắm cô gái ngồi trên lưng ngựa mà hai ngón tay búp măng thon dài, cặp đùi trắng như ngó sen kẹp chặt yên ngựa “Bí trì ngọc lộ song chi duẫn, An cứ kim loan lưỡng ngẫu liênMã thượng mỹ nhân”. Đến Cao Bá Quát cũng phải thẫn thờ trước vẻ đẹp khi nũng nịu chồng của người đàn bà phương Tây (Dương phụ hành). Trong Chinh phụ ngâm, cái thề ước tuy đoan chính, nhưng vẫn là thể xác mới cần thiết hơn “Thiếp xin chàng chớ bạc đầu, thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung”. Còn đến Hồ Xuân Hương thì đấy là cả một hoài niệm phồn thực, cả một thế giới vật dục cựa quậy, đầy phấn khích. Hơn nữa, ý thức tình ái cá nhân của Nguyễn Công Trứ còn như là sự tiếp biến sức sống tự nhiên, tình yêu đôi lứa hồn nhiên, dân dã. Nó lồ lộ một sự khỏe khoắn, một chấp nhận chính đáng và thẳng thắn : Trăng lên trên đỉnh mu rùa . Cho anh chơi chịu đến mùa trả khoai… Cổ tay em vừa trắng vừa tròn . Đừng cho ai mó mà mòn của anh (Ca dao).

Đây đó, cũng đã có lúc, Nguyễn bị người ta coi là quá nhẫn tâm với số phận mĩ nữ hoặc người chinh phụ : “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”(Vịnh Thuý Kiều), “Dẫu tình ngay song lí cũng là gian” (Vịnh Nam Xương liệt nữ)… Tuy nhiên, cũng cần có sự đánh giá thấu đáo hơn về điều này. Vì rằng, kết cục bi thảm của Thúy Kiều chính là do xã hội bất nhân thời đó gây nên? Thế mà một số sĩ phu, quý tộc, kể cả Minh Mạng, Tự Đức lại cắt nghĩa bằng sự cảm thông phi lí (Kiều vẫn còn trinh tiết và là trung nghĩa) – nhằm biện minh cho cái thể chế phi lí đó. Quả như Trần Đình Hượu nhận xét : “Có lẽ chính điều đó làm cho Nguyễn Công Trứ lên án Kiều một cách không bình thường … Có lẽ Nguyễn Công Trứ không nhằm nói về Kiều mà nói về những người che đậy những hành vi không xứng đáng của mình dưới danh nghĩa đạo đức” (5). Cũng do mục đích hành lạc , do nhu cầu khẳng định ca nhân và khát vọng sống rất thành thật , nên Nguyễn có thích sử dụng lối văn chương đậm màu hành lạc, cầu nhàn thì cũng là một ý thức văn nghệ mới ”…Với khát khao hướng đến chủ nghĩa hiện thực một cách không ngần ngại, đã lộ ra hết sức rõ ràng những yếu tố của chủ nghĩa lãng mạn, hơn nữa thường là hình thức tình cảm cá nhân…” (6) Vả lại, không chỉ ở địa hạt tình cảm cá nhân đối với khác giới, mà ngay cả trong hành vi hưởng lạc sống nhàn, hình như Nguyễn Công Trứ thể hiện hơi ồn ào cái khát vọng sống thành thật của mình. Xét đến cùng, sự thành thật này cũng có thể là dụng ý của Nguyễn Công Trứ. Vì trên thực tế, đối với một con người có tầm vóc “ngoài khuôn khổ” tới mức có thể dự báo được cả xu thế chính trị , thời đại như ông, thì chắc chắn triều đình cần đã xếp ông vào loại đối tượng cần lưu ý. Cho nên, tốt hơn hết, cứ cường điệu, cứ cổ xuý, cứ tuyên truyền cái hành lạc, tình ái của bản thân, cũng chính là cách che mắt và nguỵ trang hữu hiệu nhất. Mặt khác, bản tính của họ Nguyễn vốn là con người mạnh mẽ , bạo gan , không những ở chính sự mà còn ngay trong đời tư của mình . Rất nhiều giai thoại đại loại như : “ Giang sơn một gánh giữa đồng . Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng. “ , “ Ừ có khôn thiêng thì cũng dưới . Xin quì hai gối chống hai tay “ , “ Ơn này biết lấy chi mà trả “ – dẫu là truyền khẩu , vẫn giúp ta hiểu hơn cái ưu tính này ở ông . Chúng ta không thể không thấy sự cảm thông và cả sự trân trọng của Nguyễn đối với người phụ nữ  qua việc Bỡn cô đào già, hoặc nói giúp Lời tiểu thiếp tự tình, cũng như Vịnh Tỳ bà và nhất là với người vợ lính  Gánh gạo đưa chồng. Cách an ủi “Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết. Hoa tàn song nhụy lại còn tươi – Bỡn cô đào già” , thì có khác gì Nguyễn Du an ủi Kiều “Hoa tàn mà lại thêm tươi. Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Đặc biệt là nỗi cảm thông với vợ người lính trong Gánh gạo đưa chồng. Mượn hình ảnh ca dao , thổi vào đó một không khí thời đại – thời đại loạn ly với tiếng khóc nỉ non của người vợ , thiết tưởng còn gì nhân đạo , nhân văn hơn ?

                                                                        TP.HCM , 12 – 2002

 


(1) M. Arnauđốp , Tâm lý sáng tạo văn học , NXB Văn Học , HN , 1995 , tr 448

(2) Theo Sử ký : Thi , Thư , Dịch , Lễ , Nhạc ,  Xuân Thu là lục kinh hay lục nghệ. Hiện chỉ còn 5 kinh ( Kinh nhạc thất truyền ) , nên chỉ gọi là Ngũ kinh      ( Tứ thư ngũ kinh )

(3) Nguyễn Bách Khoa , Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ , NXB Thế Giới Mới , Hà Nội , 1951 , trang 105

(4) Phạm Vĩnh Cư, Thơ hành lạc của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ  an lạc  thế giới , TCVH , số 7 , 1995

(5) Trần Đình Hượu : Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại , NXB Giáo dục , Hà Nội , 1998 , trang 470

(6) N. Konrat, Phương Đông và phương Tây ,  NXB Giáo dục , Hà Nội , 1996 , trang 331.

 

Tài liệu tham khảo :

      [1]: Đỗ Bằng Đoàn , Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo , NXB TP Hồ Chí Minh  , 1994 , tái bản.

      [2]: S.Freud , Vật tổ và cấm kỵ , Trung tâm văn hóa dân tộc , TP Hồ Chí Minh  , 1998

      [3]: Alain Laurent , Lịch sử cá nhân luận , NXB Thế giới , Hà Nội , 1999.

      [4]: Nguyễn Lộc , Văn học Việt Nam nữa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX , NXB Giáo dục , Hà Nội , 1997, tái bản .

      [5]: Đức Mậu , “ Mối quan hệ giữa hát nói và thơ mới “ , Tạp chí văn học số 6 , 1998.

      [6]: Đức Mậu , “ Hát nói Nguyễn Công Trứ “, Tạp chí văn học số 11 , 2000

      [7]: Nguyễn Viết Ngoạn , Nguyễn Công Trứ – Tác giả, tác phẩm, giai thoại, NXB Đại học Quốc gia  - TPHCM , 2002.

      [8]: Trần Nho Thìn , “ Nguyễn Công Trứ và thời đại chúng ta “ , Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm , NXB Giáo dục Hà Nội , 2003.

[9]: Trần Ngọc Vương, Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam , NXB Giáo dục Hà Nội , 1995.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530034

Hôm nay

2203

Hôm qua

2297

Tuần này

2203

Tháng này

216730

Tháng qua

0

Tất cả

114530034