Những góc nhìn Văn hoá

Giải mã Tây du ký (Kỳ 6)


Vạn Năm Chờ Quả Chín

Trên con đường sang phương Tây thỉnh kinh, năm thầy trò Đường Tăng không thiếu những cơ hội tiếp xúc với các đạo sĩ Lão Giáo, và chuyện họ đến núi Vạn Thọ, ghé vào tá túc ở quán Ngũ Trang là một trường hợp.([1])

Chùa (hay tự) là nơi nương thân của tăng ni. Quán (hay đạo quán) là chỗ náu mình của đạo sĩ. Quán Ngũ Trang do quyền cai quản của Trấn Nguyên Đại Tiên. Ông chủ này còn có tên là Dữ Thế Đồng Quân.

Một hôm trước mặt học trò, Trấn Nguyên Đại Tiên dặn dò: “Sắp tới, có một cố nhân của ta đi qua đây, hai con phải tiếp đón nồng hậu, mang hai quả nhân sâm ra mời ngài xơi, để tỏ chút tình cố cựu. (...) Năm trăm năm trước, ta với ngài ấy có quen biết nhau (...). Ngài đã từng tự tay mời trà ta, kính trọng ta. Từ đấy ta coi như bạn cũ. ([2])

Khi mượn miệng Đại Tiên nhìn nhận Đường Tăng là “cố nhân”, là “bạn cũ”, Ngô Thừa Ân đã tế nhị bày tỏ quan điểm Tiên Phật đề huề, Thích Lão không hai.

Thầy trò Đường Tăng đến núi Vạn Thọ và tạm trú trong quán Ngũ Trang nhằm lúc Trấn Nguyên Đại Tiên đi vắng, vì phải dự buổi thuyết pháp quan trọng do Nguyên Thủy Thiên Tôn triệu tập. Hai đồ đệ Thanh Phong, Minh Nguyệt ở nhà vâng lời dặn dò của sư phụ, đón tiếp Đường Tăng chu đáo. Đường Tăng được mời thưởng thức hai trái nhân sâm, trông hao hao dạng người.

Vốn tu hành, trường trai giới sát (ăn chay trường, không giết hại sinh mạng), nhìn thấy hai trái sâm, Đường Tăng hoảng vía, cho nên “run rẩy sợ hãi, lùi xa ba thước, nói: Lạ quá! Lạ quá! Năm nay được mùa, mà sao nơi đây thất bát đến nỗi phải ăn cả thịt người? Đứa trẻ này chưa đầy ba ngày mà mang cho tôi giải khát ư?” ([3])

Nài ép cách mấy, giải thích cách chi cũng không mời được Đường Tăng, hai đệ tử của Trấn Nguyên Đại Tiên về phòng riêng bèn bảo nhau thay mặt Đường Tăng chia đôi mỗi người một quả xơi tất.

Rủi ro, Bát Giới đang ở khít vách nghe lóm chuyện hai tiểu đồng bàn bạc, biết được đấy là của quý có một không hai, lập tức xúi Tề Thiên lén ăn trộm nhân sâm chia nhau ăn cho biết mùi mẽ. Đến khi việc ăn trộm đổ bể, Tề Thiên giận, phá nát cây nhân sâm, đánh cho bật gốc chết khô. Sau phải cầu viện Quan Âm tới cứu cho cây nhân sâm sống lại.

Chuyện dẫn từ Hồi thứ Hai Mươi Bốn, sang cuối Hồi thứ Hai Mươi Sáu mới dứt. Coi như trọn đủ ba hồi. Dài dòng và vô lý đến khó hiểu! Vô lý, vì lẽ trên đời làm gì có cây nhân sâm nào to như thế, linh diệu đến thế!

Những điều vô lý khi tả cây nhân sâm

Ngô Thừa Ân miêu tả hình dáng cây nhân sâm ở quán Ngũ Trang như sau: “Một thân cây cổ thụ cực to, cành xanh thơm ngát, lá biếc um tùm, lá trông từa tựa lá chuối, dựng đứng cao hơn nghìn thước, gốc to đến bảy tám ôm. Hành Giả tựa vào gốc cây nhìn lên, thấy cành phía nam lấp ló một quả sâm rất giống đứa trẻ, cuống quả dính vào ngọn cây, chân tay đung đưa, đầu mặt gật gù, gió thổi qua kẽ lá như tiếng trẻ kêu. ([4])

Trái nhân sâm đặc sản của quán Ngũ Trang còn có tên là nhân sâm quả hay thảo hoàn đơn. Theo Ngô Thừa Ân thì: “Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa như trẻ mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả. ([5])

Người học thuốc, nghiên cứu nhân sâm đều biết rằng không có cây nhân sâm nào to như đại thụ, không có lá nhân sâm nào giống như lá chuối, và rõ nhất là không có trái nhân sâm nào mọc đong đưa trên cành chờ hái, mà chỉ có củ (hay rễ) nhân sâm nằm dưới đất phải đào lên mới lấy được.

Lẽ thường lá nhân sâm mọc vòng, cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt; củ hay rễ nhân sâm không hề giống như truyện Tây Du miêu tả. Cây nhân sâm từ năm thứ ba trở đi là đã đơm hoa kết trái được rồi. Quả mọng và dẹt, to bằng hạt đậu xanh, khi chín thì đỏ... Còn củ hay rễ nhân sâm thì sau sáu năm trồng cây là đã có thể đào lên dùng.

Người Việt Nam gọi nhân sâm là củ sâm vì chính là rễ sâm (radix ginseng) mới có dạng hao hao như hình người. Thực ra, khi mới đào lên thì củ sâm nhìn chưa giống dạng người cho lắm, phải qua một quá trình chế biến rất công phu như sau:

Nhân sâm: hoa, lá, củ [Đỗ Tất Lợi 1981: 800]

- Lấy củ: Cây sâm tối thiểu đã trồng được sáu năm thì có thể đào lấy củ. Đào củ khoảng cuối mùa thu (trung tuần tháng Chín) hay đầu mùa đông (thượng tuần tháng Mười). Lúc đào củ phải ráng giữ để khỏi làm đứt các rễ lớn, nhỏ. Còn phải giữ nguyên độ ẩm của củ, do đó không được hong gió hay phơi nắng.

- Rửa củ: Dùng bàn chải nhỏ cọ rửa từng củ cho sạch đất. Lúc rửa phải ngâm củ trong nước.

- Hấp và sấy củ: Củ rửa sạch cho vào nồi hấp chừng một tiếng rưỡi, ở nhiệt độ 80o-90o. Sau đó sấy khô khoảng sáu, bảy giờ (nếu nhiệt độ 50o-60o).

- Sửa và phơi củ: Củ đã sấy khô rồi, dùng tay bứt các rễ nhỏ để dùng vào việc khác. Rễ này gọi là tu sâm (tức sâm râu hay râu sâm). Dùng tay sửa nắn lại vị trí các rễ lớn, tạo dáng dấp như một người có đủ hai tay hai chân (nên gọi là nhân sâm). Tùy theo củ sâm nhỏ lớn mà đem phơi cho khô để bảo quản được lâu. Thời gian phơi từ một tuần đến nửa tháng là xong quy trình chế biến.([6])

Trong quá trình thực hiện sáu công đoạn (đào, rửa, hấp, sấy, sửa, phơi), củ sâm đã phải tiếp xúc đầy đủ với cả ngũ hành: củ nằm trong đất (Thổ), rửa và ngâm trong nước (Thủy), hấp trong nồi kim loại (Kim), sấy bằng lửa (Hỏa), phơi nắng thì bày trong nia, hay mẹt (Mộc). Như vậy, nhờ có đủ cả ngũ hành mà nhân sâm mới trở thành một thứ củ quý trần gian.

Ngược lại, “quả” nhân sâm mọc từ cây báu ở núi Vạn Thọ, vốn đã có “từ khi còn hỗn độn mới chia, trời đất còn mờ mịt chưa phân,” ([7]) và lạ thay, thứ quả sâm này lại rất kỵ ngũ hành, nghĩa là phải chịu cảnh ngũ hành tương khắc. Truyện Tây Du nói rõ chỗ ngũ hành tương khắc như sau: “Quả này gặp Kim thì rụng, gặp Mộc thì khô, gặp Thủy thì hóa, gặp Hỏa thì héo, gặp Thổ thì nhập. Hái quả phải dùng đồ kim khí mới rụng được, rụng rồi phải đựng trong một cái khay lót vải, nếu không chạm vào đồ gỗ là khô ngay, ăn vào cũng vô ích không thể kéo dài tuổi thọ được. Muốn ăn phải đựng vào đồ gốm, chiêu với nước trong. Quả này gặp Hỏa là héo, vô dụng, gặp Thổ là chui vào đất. ([8])

Óc tưởng tượng của người thuật chuyện Tây Du như vậy là vô địch! Mà nào đã hết! Trước khi xem lại sự huyền diệu của quả sâm ở quán Ngũ Trang cũng nên biết qua về dược tính của nhân sâm, để hiểu phần nào vì sao tác giả Tây Du lại mượn củ sâm mà bịa ra chuyện quả sâm.

Đông y coi có bốn thứ thuốc đại bổ, theo thứ tự từ hạng nhất tới hạng tư là sâm, nhung, quế, phụ.

- Phụ tức là phụ tử (tên khoa học: aconitum napellus).

- Quế (cinnamomum, tiếng Anh là cinnamon).

- Nhung tức là lộc nhung hay mê nhung, là sừng của con hươu (con lộc).

- Sâm (tên khoa học là panax gingeng).

Ginseng là tên phiên âm hai chữ nhân (gin) sâm (seng). Còn panax xuất phát từ gốc tiếng Hy Lạp là panakes, tương đương với chữ panacea trong tiếng Anh, ý nghĩa của nó là trị đủ bệnh, trị bá chứng (all-healing, cure-all).

Xét về từ nguyên cũng đủ rõ giới thầy thuốc đã coi nhân sâm là linh dược thần diệu cho con người. Sách thuốc cổ từng cho rằng nhân sâm bổ ngũ tạng (tim, gan, bao tử, phổi, thận), giúp nhẹ mình, tăng tuổi thọ, trị bệnh đường ruột. Theo Đỗ Tất Lợi, các cuộc thí nghiệm ở Nga, Nhật, Trung Quốc vào giữa thế kỷ Hai Mươi cũng cho thấy nhân sâm làm giảm mệt mỏi, hưng phấn, tăng hô hấp, tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm lượng đường trong cơ thể, và tăng cường khả năng tình dục!

Tuy nhiên, cho dù nhân sâm thực sự có là panax đến đâu thì cũng chưa ai dám bạo miệng như Ngô Thừa Ân khi miêu tả dược tính của quả nhân sâm núi Vạn Thọ, quán Ngũ Trang, quả quyết rằng: “Ai có duyên được ngửi quả này một lần, thì sống lâu ba trăm sáu mươi (360) tuổi; ăn một quả, sống mãi bốn vạn bảy nghìn (47.000) năm. ([9])

Vốn dĩ nhân sâm trong dân gian đã là huyền thoại cho nên Ngô Thừa Ân đã thừa gió bẻ sâm, bằng cách khuếch đại nên câu chuyện hoang đường, biến củ thành trái, biến rễ thành quả, tức là đem cái dưới đất mà đặt lên ngọn cây. Nói cách khác, đây là nghịch chuyển, nghịch hành. Hiểu như vậy, là bắt đầu nắm được chiếc chìa khóa để giải mã câu chuyện hư cấu này.

Những sợi chỉ mỏng manh

Họ Ngô đã tạo nên những tình tiết nho nhỏ hỗ trợ cho chủ đề chính của câu chuyện. Đó là những sợi chỉ mỏng manh nhưng sẽ giúp người đọc Tây Du lần phăng ra manh mối của trái nhân sâm.

Thoạt đầu, mới vào chuyện liền giới thiệu tên núi là Vạn Thọ. Mà vạn thọ đồng nghĩa với truờng sinh bất tử.

Lại nói quả nhân sâm còn có tên là thảo hoàn đơn.([10]) Đơn (đan) gợi nhớ đến nghĩa luyện đơn, nấu thuốc (thiền) của đạo Lão. Đã vậy, muốn ngầm mách nhỏ người đọc Tây Du hãy hiểu câu chuyện này qua lăng kính đạo Lão cho nên vừa vào chuyện là đã nhắc ngay đến Đại Tiên, đạo quán.

Nói rằng quả nhân sâm ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, ba nghìn năm mới chín, tức là nói đến chín nghìn năm. Số chín ám chỉ cửu chuyển công thành hay cửu chuyển đơn thành trong phương pháp tu luyện của đạo Lão.([11])

Nói rằng nhân sâm có hình đứa trẻ mới sinh chưa đầy ba ngày ([12]) là ngụ ý nhắc đến anh nhi, xích tử (new-born child).

Anh nhi cũng là thánh thai (holy embryo). Nhân sâm trong câu chuyện này tượng trưng cho tinh trùng của người. Sống theo nếp đời trần tục, nam nữ phối hợp thì tinh cha huyết mẹ sẽ tạo nên phàm thai (human embryo), sản sinh con nít. Đó là con đường mà tinh đi xuống để nói dõi tông đường, bảo tồn giống nòi. Đi xuống như vậy thì cây nhân sâm cho củ dưới đất.

Người đạo Cao Đài, nhất là các hành giả Chiếu Minh học Đại Thừa Chơn Giáo đều hiểu rõ lý này. Đức Chí Tôn dạy:

“Trong Tây Du, Tề Thiên hái trái nhơn sâm, không biết cách móc quèo. Rung rẩy cho trái nhơn sâm ấy rớt xuống đất, chun lọt hết, không còn trái nào, là tại không biết cách hái. Nhơn sâm ấy ăn đặng sống đến mấy ngàn năm, thiệt là đơn dược trường sanh bất tử. Trái nhơn sâm ấy hình thù giống hệt người ta. Trái nhơn sâm là chi? Là nguơn tinh của con người.Biết cách hái nó thì còn, không biết cách hái nó thì mất (để cho tinh tẩu lậu ra ngoài thì trái nhơn sâm chun lọt vậy).”([13])

Sống theo đời tu hành thiền định của Lão, Phật và Cao Đài thì khởi đầu phải tập giữ thân thanh tịnh bằng cách trường trai, ăn thuần rau quả (nên quả nhân sâm có tên thứ hai là thảo hoàn đơn, thảo là cây cỏ); kế đó, tiến lên một nấc cao hơn là tuyệt dục, tránh giao hợp, giữ gìn tinh huyết để có đủ nguyên liệu mà đốt lửa bắc lò bát quái.([14]) Cũng phải dứt hết những lo nghĩ, những việc làm nào khiến cho hao thần tổn khí.

Theo đạo Lão và Cao Đài, Tinh, Khí, Thần là ba món báu (Tam Bửu) của hành giả tu thiền. Lão Giáo và Cao Đài coi việc giữ gìn Tinh, Khí, Thần là quan trọng nên luôn dạy hành giả phải bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần. Đề cao Tam Bửu hơn nữa thì nói đến Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần. Vậy, đâu phải khơi khơi mà Ngô Thừa Ân bèn đặt tên cho chủ nhân quán Ngũ Trang là Trấn Nguyên Đại Tiên 鎮元大仙. Trấn hiểu là gìn giữ, bảo vệ; còn Nguyên lại gợi nhớ đến Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần.

Tu theo đạo Lão (cũng như Cao Đài) cần giữ Nguyên Tinh để tham thiền tịnh luyện, tạo thành thánh thai,([15]) trường sinh bất tử. Đó là đi ngược lại thói tục đời thường, đó là nghịch chuyển công phu, cho nên Tây Du mới bảo cây nhân sâm mọc trái lên ngọn.

Anh Nhi Hiện Hình Đồ [Max Kaltenmark 1965: 175]

Đạo sĩ tham thiền, đã tạo được thánh thai ở bụng.

Nói nhân sâm kỵ ngũ hành thì phải hiểu là ngũ hành hậu thiên, ám chỉ thân xác con người.([16]) Sự chung đụng xác thịt trong vòng tình dục sẽ chỉ tạo ra phàm thai chứ không biến tinh ra thánh thai. Ngược lại, nhờ tuyệt dục, trường trai mà cơ thể, thân xác được tinh khiết, thanh tịnh; đó là điều kiện tối yếu để luyện đạo cho thành công. Cho nên Ngô Thừa Ân mới đặt tên quán là Ngũ Trang. Trang là trang nghiêm. Ngũ là số năm, liên quan tới thân người. Ngũ Trang nghĩa là tất cả ngũ quan (mắt, tai, mũi, miệng, thân thể), ngũ tạng (tim, gan, tì, phổi, thận) đều trong sạch. Nói theo Phật, ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không còn làm người tu hành điên đảo nội tâm; người tu dứt bỏ xong dục vọng, mê luyến, sân giận, v.v... thì khi ấy thân xác ngũ hành (Phật gọi là ngũ đại) biến đổi nên cõi thanh tịnh, trang nghiêm, là Ngũ Trang quán. Chỉ với những điều kiện như vậy mới tác thành nổi quả nhân sâm. Quả cũng là kết quả.

Con đường tu luyện để đắc đạo đương nhiên rất khó. Vì bắt buộc phải đi ngược dòng thế tục. Cho nên Tây Du bảo rằng đúng mười ngàn năm mới được ăn được quả nhân sâm.([17]) Còn khi đã “hái” được “quả” nhân sâm rồi thì đắc đạo, thành Tiên thành Phật, trường sinh bất tử, không còn phải chịu cảnh luân hồi sinh tử nữa. Thế nên, kết thúc chuyện nhân sâm ở quán Ngũ Trang, núi Vạn Thọ, Ngô Thừa Ân nhắn nhủ rằng:

Có duyên ăn thảo hoàn đơn,

Sống lâu ma quỷ tai ương lo gì.([18])

Người có được “nhân sâm”, ấy là người đắc đạo. Đắc nhưng mà vẫn không có chỗ được. Vì có ai cho ai đâu mà nói được nói đắc! Căn Tiên cốt Phật (chủng tử) vốn đã tự có, tự hữu, hằng hữu ở mỗi con người, đâu phải từ bên ngoài đem vào trong thân mà có. Vì thế Ngô Thừa Ân mới bảo rằng cây nhân sâm đã hiện hữu từ lúc vũ trụ còn hỗn mang, khi chưa tạo thiên lập địa,([19]) tức là tiên thiên.

Theo Phật, người đắc đạo chưa vội vào niết bàn mà còn chung sống với phàm phu cõi tục để cứu đời, tùy duyên hóa độ. Phật gọi đó là bồ tát 菩薩 (bodhisattva). Theo Đạo Đức Kinh, đó là bậc thánh nhân, biết “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần”,([20]) tức là dù đã giác ngộ, nhưng vẫn đem cái sáng (quang) của mình hòa cùng cái sáng phàm tục của đời, tuy thân thoát ra vòng trần cấu mà vẫn không nỡ riêng mình rời bỏ trần gian. Triết lý sống đạo này cả Phật, Lão và Cao Đài xưa nay đều cùng chủ xướng.

Hiểu Phật và Lão cho đến kẽ tóc chân tơ, cho nên Ngô Thừa Ân mới dám trộn lộn cả chuyện Phật lẫn chuyện Tiên thành một bộ Tây Du. Họ Ngô lại kín đáo nói tới cái chủ trương người đắc đạo tuy thoát tục mà không lìa tục của Lão, Phật, bằng cách bảo rằng chủ nhân cây nhân sâm ở quán Ngũ Trang nơi núi Vạn Thọ còn có tên là Dữ Thế Đồng Quân 與世同君,([21]) tạm hiểu là bậc cùng sống chung lẫn lộn với thế nhân cõi tục.

Bằng hình tượng ngôn ngữ Vạn Thọ, Ngũ Trang, Trấn Nguyên, Dữ Thế Đồng Quân, thảo hoàn đan; bằng tượng số chín ngàn năm đơm hoa kết quả và trái chín; bằng biểu tượng nhân sâm giống trẻ con mới đẻ, tất cả những điều ấy, qua óc tưởng tượng phong phú, tài nghệ hư cấu tuyệt kỹ của Ngô Thừa Ân, tác giả đem cái chuyện luyện đan nấu thuốc, tham thiền tịnh luyện ẩn náu sau câu chuyện tưởng chừng chỉ để mà giải trí mua vui. Trong cái giả tưởng lại hàm tàng cái phi giả tưởng. Sau lớp hư cấu là chân lý giải thoát bằng tu chứng của Phật và Lão. Để đạt đến sự chứng đắc ấy, con đường nhiêu khê chi xiết! Ai đâu dám lấy thời gian mà đặt cuộc cho sự viên thành. Ôi, một vạn năm mới chờ ăn được quả chín! Con đường ngược chiều, con đường phản bổn hoàn nguyên, là con đường của Đường Tăng đi về vĩnh cữu thường hằng, mà Ngô Thừa Ân ví von là vin cành hái trái.

06-11-1991

Bổ túc 27-5-2010


([1]) [TDK III 1988: 71-139].

([2]) [TDK III 1988: 76].

([3]) [TDK III 1988: 82].

([4]) [TDK III 1988: 86].

([5]) [TDK III 1988: 75].

([6]) [Đỗ Tất Lợi 1981: 799].

([7]) [TDK III 1988: 75].

([8]) [TDK III 1988: 88].

([9]) [TDK III 1988: 75].

([10]) [TDK III 1988: 75].

([11]) Xem bài Ngọn Gió Trong Lò.

([12]) [TDK III 1988: 75].

([13]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 346].

([14]) Tức là tham thiền luyện đạo (công phu), xem bài Ngọn Gió Trong Lò.

([15]) Xem hình Anh Nhi Hiện Hình Đồ.

([16]) Xem bài Núi Cao Chi Mấy Núi Ơi.

([17]) [TDK III 1988: 75].

([18]) [TDK III 1988: 139].

([19]) [TDK III 1988: 75].

([20])和其光 ,同其塵.

([21]) [TDK III 1988: 75].

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530034

Hôm nay

2203

Hôm qua

2297

Tuần này

2203

Tháng này

216730

Tháng qua

0

Tất cả

114530034