Những góc nhìn Văn hoá

Về thơ Pilinszky János

 Pilinszky János (1921-1981) là một trong những nhà thơ lớn nhất của văn học Hungari thế kỉ XX, ông thuộc về số những nhà thơ hiếm hoi mà các sáng tác của họ được những đại diện xuất sắc cùng thời của văn học thế giới chú ý đến và dịch ra nhiều thứ tiếng. Ông thường xuyên tham dự các cuộc liên hoan thơ khác nhau ở Tây Âu.

Ông đã chắt lọc những khả năng và cơ hội của thơ bằng sự tập trung và đòi hỏi cao. Nhiều người nhắc đến ông như một “kẻ khắc kỉ của thơ ca”, người chỉ viết những bài thơ chọn lọc. Ông thuộc về thế hệ nhà thơ đã trải qua Đại chiến thế giới lần thứ hai và phải im lặng trong những năm năm mươi bởi chính sách văn hóa thời đó. Trong thơ ông, tuy có những chấn động lịch sử mạnh thì những chấn động đó cũng không bao giờ mang tính chất chính trị. Mọi hoạt động đời thường đều xa lạ đối với Pilinszky. Niềm tin Thiên Chúa giáo, nền giáo dục của ông hầu như đều thẩm thấu qua thơ ông, nhưng chúng ta vẫn không thể xếp ông vào đội ngũ những nhà thơ tôn giáo, tìm kiếm Thượng đế trong ý nghĩa truyền thống. (Loại hình nhà thơ tìm kiếm Thượng đế đã có truyền thống lớn trong thơ Hungari; loại hình nhà thơ tôn giáo thì lại chưa có những tác phẩm xuất sắc tồn tại trong ý nghĩa thẩm mĩ của thế kỉ XX, ở nước Hung). Pilinszky đã tìm được con đường của mình ở cái ranh giới bí ẩn, mong manh, khó qua lại giữa hai loại thơ này. Trong thơ ông, điều ông quan tâm không phải là có hay không có sự tồn tại của Thượng đế, mà là sự hiện hữu của Thượng đế. Nhà thơ không đến với Thượng đế của mình ở chỗ kết thúc của một con đường dài (có thể nói là “sự phát triển”), không phải nhận thức từ bên ngoài đã dẫn ông đến với Thiên Chúa giáo, mà - giống như một trong những tác giả được ông ưa thích thời trẻ là Francois Mauriac -, ông vốn đã ra đời trong lòng Thiên Chúa giáo. Niềm tin của ông, mặc dù vậy, nói chính xác hơn, chính vì vậy là niềm tin chịu nhiều đau khổ(1) “Nếu người ta hỏi, ngôn ngữ thơ của tôi là gì, thì thật sự tôi cần phải trả lời là loại ngôn ngữ không ngôn ngữ, một loại suy ngôn ngữ. Tôi học tiếng mẹ đẻ từ người bác gái đau ốm, người không nói được gì hơn ngoài sự lắp bắp của đứa trẻ. Đây không phải là nhiều. [...] Nhưng trong nghệ thuật, sự suy ngôn ngữ cũng có thể làm cho thay đổi; nói theo niềm tự hào của những người nghèo. Trong nghệ thuật, người khiếm thính nghe được; người khiếm thị nhìn được; người bại liệt đi được, tất cả mọi sự khiếm khuyết đều có thể trở thành sức mạnh sáng tạo có đẳng cấp cao”(2). Đoạn văn trích này nói đến môi trường tu viện của tuổi thơ mà ông thường hay nhắc đến trong các cuộc phỏng vấn. Một trong những người bác gái của nhà thơ là tu viện trưởng, người đã cùng ông quan tâm đến những cô gái có số phận lang bạt, bị nguy hiểm đe dọa; những cô gái điếm trẻ: “Họ là những người bạn đầu tiên của tôi... và đây là những dữ kiện “nằm ngoài xã hội”. Trong những cô gái này có tình thương vô tư... ở đây không có dấu vết của sự giả dối. Thực ra, từ đó, trong các mối quan hệ con người tôi đã tìm kiếm sự vô tư này, và nhiều lần, ứng xử xã hội đã làm hỏng các mối quan hệ đích thực của tôi”(3). Bên cạnh nền giáo dục Thiên Chúa giáo, thì chiến tranh đã trở thành ấn tượng quyết định thứ hai đối với thơ ông. Năm 1944 ông phải đi lính, và chẳng bao lâu, ông đã đến nước Đức. Ông không tham gia các trận đánh, nhưng là nhân chứng của những cuộc tàn sát; ông cũng đã gặp những tù nhân được giải phóng khỏi trại tập trung. Kết thúc chiến tranh ông bị bắt làm tù binh của Mỹ, và cuối năm 1945 ông được trở về Budapest. Ông đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống văn học vừa mới được tổ chức và cùng với các đồng nghiệp thành lập tờ tạp chí Trăng mới đã trở thành huyền thoại.

Tập thơ đầu của ông, Hình thang và giới hạn, gồm 19 bài thơ, được xuất bản nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, chỉ với 300 bản mà vẫn gây tiếng vang lớn. “Trong lịch sử thơ ca Hungari chưa có một tập thơ đầu tiên nào có được sự trong sáng thi ca như tập Hình thang và giới hạn... Pilinszky János không chỉ lên tiếng bằng một giọng bình thản, độc lập trong tập thơ đầu tay này mà còn với một giọng điệu làm cho người đọc phải điều chỉnh những hình dung của mình trước đây về thơ”. Jelenits Tstván, một trong những người hiểu nhà thơ nhất đã viết như vậy(4). Các bài thơ của ông là những khắc họa mang tính chất ảo mộng về các tình huống riêng tư, trực tiếp mang kịch tính, chúng luôn luôn cho thấy cái thảm trạng của sự cô đơn hiện sinh ở từng cá thể. Đúng như có nhà phê bình đã chỉ ra rằng những bài thơ này thường bắt đầu ở nơi mà người khác trước đó đã im lặng và hoàn thành bài thơ của mình. Truyền thống thơ trữ tình Hungari hồi đó có điều lạ là không có sự mô tả về các tình huống đời sống và cội nguồn ấn tượng, nó loại bỏ các yếu tố tiểu sử của nhà thơ. Tính chất bi kịch trong quan niệm sống của nhà thơ đã hình thành qua những bài thơ viết từ hồi trẻ, nơi những ảo mộng ra đời trong từng tình huống kịch tính, chứa đầy tuyệt vọng. Lúc đó, bản thân nhà thơ cũng không lấy làm chắc chắn rằng cái bi kịch của thế giới mà ông nhìn thấy có đúng là bi kịch của thế giới, hay đó chỉ là bi kịch của một người, của chính ông? Để hiểu được đây không phải là bi kịch cá nhân, sự bất hạnh ngoại lệ, mà là trạng thái chung của thế giới, nhà thơ đã có một quá trình nghiền ngẫm các ấn tượng chiến tranh.

 Sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên, Pilinszky được nhận một giải thưởng văn học có ý nghĩa và một suất học bổng 3 tháng đến Thụy Sĩ và ý. Ông trở về nước được một thời gian ngắn thì tình hình chính trị thay đổi, bảy năm liền người ta không in thơ ông. Tập thơ mới của Pilinszky được xuất bản năm 1959, và mặc dù bị giới phê bình chính thống phản đối, nó vẫn được đông đảo bạn đọc yêu thích. (Chỉ trong một thời gian ngắn người ta đã mua hết, chỉ có thể mua tập thơ này ở chợ đen với giá đắt gấp mười lần, bằng một tháng lương thời đó). Tập thơ có tựa đề Vào ngày thứ ba, gợi nhớ đến sự kiện Giêsu bị đóng đinh và sự phục sinh của Chúa. Nhiều người cho rằng tập thơ này như là tác phẩm của Chủ nghĩa hiện sinh Thiên Chúa giáo, những người khác thì chào đón nó như là sự thực hiện những khả năng hiện đại của thơ ca thần bí. Suốt 12 năm trời, ông chỉ viết tổng cộng ba mươi ba bài thơ mới, nhưng bài nào cũng đạt tới tầm cao của thơ Hungari hiện đại. Trong số các bài thơ này, có những bài tạo thành một tập với chủ đề riêng nói về những kỉ niệm chiến tranh. Những bài thơ này, trước hết, được ra đời từ sự đối mặt với tội lỗi đã xẩy ra, từ sự thể nghiệm tạo lập mối quan hệ giữa hai thế giới thế tục và thần thánh đã bị tách biệt một cách bi thảm. “Năm 1945, ở nước Đức bị tàn phá, tôi nhận thức ra một điều rằng đây là mảnh đất mà Chúa đã bỏ rơi. Nơi đây đã trở thành sự thật điều mà Babits Mihály từng tiên đoán: Con người đã từ bỏ Chúa, giờ đây Chúa từ bỏ thế giới... Không còn gì nữa, chỉ còn lại sự thiếu vắng không thể bù lấp như là ấn tượng xấu, thần bí của một kẻ ở địa ngục”. Nhà thơ viết trong một bài tiểu luận(5). Ông nhận ra rằng chiến tranh không phải là cái gì ngẫu nhiên, xuất hiện như là điều khủng khiếp xa lạ, mà chiến tranh như là hậu quả của bản tính tội lỗi của chúng ta; nguyên nhân của nó cũng như của mọi tội lỗi, có thể tìm thấy trong từng con người. “Chiến tranh kết thúc vẫn cho thấy tác hại lâu dài về mặt đạo đức. Sự phi đạo đức thảm hại còn để lại sau nó “đất không người đạo đức”, và có lẽ nhiều lần để lại tác động xấu trong tâm hồn những con người không hề chịu trách nhiệm về nó”.

Kinh nghiệm chiến tranh của nhà thơ xuất hiện trong thơ ông như là ấn tượng của đời sống được lẩy ra từ thời gian lịch sử phổ quát. Hiện trường kịch mang tính biểu tượng lán trại sẽ thể hiện câu chuyện chịu đựng của Chúa Giêsu; còn các môtíp liên quan đến sự trớ trêu lịch sử cụ thể thì được tổ chức trong khung khổ Kinh thánh. Trong những bài thơ này, câu chuyện Passió lại trở thành hiện thực thường nhật. Một trong những bài thơ nhiều người biết nhất (và có lẽ dễ dịch hơn cả) là bài Ravensbrucki Passió.

Ravensbrucki passió.

Bước ra từ đám đông

Y dừng trong im lặng

Như hình quay nhấp nháy

áo quần, đầu tù nhân.

Chỉ có y khiếp sợ

Thấy lỗ chân lông mình,

Mọi thứ đều to lớn

Mọi thứ đều nhỏ nhoi.

Và không còn tiếp tục. Mọi việc

Chỉ bấy nhiêu,

Y quên cả kịp kêu

Trước khi gục xuống đất.

Trong bài thơ này không có một từ nào nói đến Chiến tranh thế giới lần thứ II, hoặc cái địa ngục nơi các trại tập trung; chỉ có đầu đề bài thơ làm gợi nhớ đến mặt sau của ấn tượng nguyên khởi, nhưng xét từ phương diện hiểu bài thơ thì đấy không phải là yếu tố cơ bản. (Ravensbruck là một trại tập trung của phụ nữ ở nước Đức mà công chúng Hungari cũng ít biết đến). Trong đầu đề bài thơ có từ passio gốc Latinh là cái mà nghi thức tế lễ Thiên Chúa giáo dùng để biểu hiện nỗi đau và cái chết của Thiên chúa (hoặc để diễn tả nỗi đau đó trên sân khấu). Đầu đề bài thơ cho ta cái dự cảm rằng bài thơ không bao giờ nói đến một tội ác cụ thể nào cả, việc tử hình một con người vô tận cũng không phải là một trường hợp cụ thể, mà đó chỉ là sự lặp lại của lịch sử nỗi đau muôn thuở. Việc sắp xếp các tình tiết về mặt không gian - thời gian nhằm thể hiện sự bấp bênh một cách cố ý, bởi vì cái sự kiện xa xưa ấy thực ra đang xẩy ra ở đâybây giờ trong một thời gian hiện tại vĩnh hằng và bất biến. Chúng ta không biết được nhân vật trong bài thơ là đàn ông hay đàn bà và tại sao lại bị tử hình. Bài thơ không bình luận mà cũng không rút ra kết luận gì về mặt đạo đức: Mục đích của nó là cho thấy sự bất khả kháng của con người ở mọi thời đại. Bên cạnh đầu đề bài thơ còn có hai câu cuối của bài thơ nhắc đến passio của Thiên chúa: Nếu khi chết chúa Giêsu có kêu lên trên cây thánh giá thì nạn nhân của trại tập trung đổ sụp xuống đất, câm lặng. Tuy nhiên, điều khác biệt này càng gắn kết cái chết của nạn nhân vô danh với câu chuyện passio mà thôi.

*

Sau khi tập thơ này xuất bản, những năm tiếp theo Pilinszky ít cho in thơ. Tuy vậy, không thể xem sự im lặng này là hệ quả của sự khủng hoảng sáng tạo; điều đó chỉ có thể lí giải bằng sự tìm kiếm một điểm nhìn mới mà thôi. Trong khi nhà thơ tiếp tục quan tâm đến việc một vở kịch gọi là mang tính lịch sử có thể diễn giải như là trạng thái tồn tại đến mức nào; và những cái đã xẩy ra, xét đến truyền thống Kitô giáo thì chúng rút ra được những hệ quả gì. Nhà thơ ngày càng nghiên cứu chuyên sâu hơn cái mà ông gọi là thái độ và mĩ học theo tinh thần Phúc Âm, mà thực chất, theo ông là đối với “Cái nhìn Giêsu” thì mọi nghĩa vụ bên ngoài đều chấm dứt, chỉ còn lại trái tim đã được kiểm chứng là đập. Nếu “trình độ cổ điển” của văn học được thưởng thức bằng chuẩn mực của những tỉ lệ thì đó là chuẩn mực trực tiếp của trình độ Giêsu. Nhà nghệ sĩ Thiên chúa giáo không muốn là người thợ mô tả của nhân vật mà là người anh em của nhân vật; và anh ta muốn đến gần nhân vật hơn trong những giờ khắc của sự thất bại chứ không phải trong giờ khắc của sự may mắn. Nhà nghệ sĩ cổ điển đeo mặt nạ, nhà nghệ sĩ Thiên Chúa giáo trần trụi; nhà nghệ sĩ cổ điển là người thợ, còn nhà nghệ sĩ Thiên Chúa giáo là người làm phúc”(6). Tiếp nối ý tưởng này, nhà thơ muốn để cho yếu tố thần thánh (không cụ thể tên gọi) của nỗi đau có mặt trong thơ ông, tức là những gì mà cho đến lúc này được nói đến bằng cái nhìn của một kẻ đã trải nghiệm với nỗi đau riêng thì giờ đây nó lại được kiểm nghiệm từ vị thế của những nạn nhân vô tội. Tác phẩm Nhà nguyện KZ ra đời năm 1962 là một trong những thể nghiệm của những kinh nghiệm có được trong sự tìm kiếm theo hướng đó. Tác phẩm dành cho sân khấu này đã đưa cái quá khứ tưởng như cắt đứt với hiện tại lịch sử - thường nhật vào thời gian tiếp diễn hiện tại. Trên hết, tác phẩm muốn nhấn mạnh Auschwite không phải là sự rắc rối của lịch sử, mà chỉ có thể nhìn nhận như là sự rắc rối của cây thánh giá. (Như trong các ghi chép của mình, nhà thơ viết: “Trên tấm màn lịch sử có lúc thấm máu mặt Thượng đế. Ngày nay, đây là kịch”). Ông cho rằng việc “làm cho trở nên tốt cái không thể làm cho tốt” chỉ có thể được thực hiện trong quá trình đối thoại giữa Chúa và Con người. ở điểm này thì Pilinszky lại đối mặt với vấn đề đức tin, và nhiều người nghĩ sự im lặng của ông lúc đó là vì vậy.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Pilinszky xẩy ra vào những năm 70, khi cuộc sống riêng của ông tốt hơn. Tuy nhiên đóng vai trò quan trọng trong chuyện này là việc nhà thơ đã đọc các tác phẩm của Simone Weil. Các bài viết triết học của nữ triết gia người Pháp có số phận bi kịch này đã dành cho tính chất trên tự nhiên của nỗi đau và nỗi bất hạnh của con người một vai trò nổi bật, như trong một lá thư bà viết: “Chính trong sự bất hạnh đã ngời sáng lòng nhân từ của Chúa. ở nơi sâu lắng nhất của sự cay đắng. Nếu chúng ta rơi xuống vực sâu bằng tình thương trong trái tim, nơi tâm hồn không giữ lại được tiếng kêu “Chúa ơi, tại sao lại bỏ tôi?”, nếu ở điểm này chúng ta tiếp tục giữ tình thương thì cuối cùng chúng ta gặp được điều gì đó không còn là sự bất hạnh mà đó là hạt mầm trung tâm, thực chất chung cho cả niềm vui và nỗi đau, là tình thương của Chúa”(7). ở Pilinszky, sự chia sẻ nỗi bất hạnh ngày càng được diễn đạt như là phạm trù mỹ học. Hình mẫu cho thái độ của người nghệ sĩ đảm nhận việc mô tả nỗi đau, bi kịch đời sống con người sẽ là kẻ làm phúc nhân từ của Phúc Âm, là sự quan tâm hiến dâng và tạo lập của kẻ đó” (8). “Tình thương là khái niệm sâu sắc nhất của chúng ta nói về hiện thực” - Ông viết. Tức là hiện thực chỉ có thông qua tình thương thì mới tiếp cận được, và như vậy, tác phẩm nghệ thuật cũng là hoạt động tình thương.

Giai đoạn sáng tác cuối cùng của nhà thơ là từ 1970-1974, khi bỗng nhiên ông viết nhiều, khoảng 100 bài thơ mới. Có thể đọc những tác phẩm muộn này như là những lời tự thú, những tâm sự mang tính chất nhật kí. Có lẽ, bằng đức tin đã phải chịu đựng của riêng mình, trong những năm đó, Pilinszky đã tạo ra dòng thơ bí ẩn có ý nghĩa nhất của nửa sau thế kỉ XX. ở những bài thơ gần như từ khởi đầu đã hoàn tất và chín tới, nếu có sự “phát triển”, thì điều đó có thể tìm thấy trong việc nhà thơ ngày càng giảm thiểu sự thông báo các dữ kiện khắt khe hơn, ngày càng có ít hơn những yếu tố sử thi và ngày càng ít hơn những bình luận trữ tình; nhà thơ ngày càng dựa vào sức mạnh của “các sự kiện”, của hình ảnh và biểu tượng để thể hiện điều muốn nói. Một trong những dịch giả tiếng Anh xuất sắc của nhà thơ đã viết về phong cách này: “Không trang trí, một cách rõ ràng, trực tiếp thơ ông là sự tỏa sáng, sự cân bằng không thể lẫn; nó là sự kì diệu hiện thực của âm nhạc du dương và của sức mạnh, là loại hợp kim không thể so sánh với bất kì cái gì khác”(9).

           Trương Đăng Dung dịch từ nguyên bản.

                          (Tài liệu do Viện Văn học Hungary cung cấp)

________________

 (*) Nhà nghiên cứu - Viện Văn học Hungari.

(1) Pilinszky János: Trò chuyện (Hafner Zoltán biên soạn), Budapest, 1994, tr.42.

(2) Lengyel Péter trong P.J. Trò chuyện, Budapest, 1994, tr.64-65.

 

(3) Czigány Gyửrgy: Những ấn tượng âm nhạc đầu tiên (Sđd, tr.76).

(4) Jelenits István: Lời nói cuối cho tập thơ Hình thang và giới hạn. Székes Fehérvár, 1993, tr.42-43.

(5) Thiên đường như thế nào, mặt đất như thế ấy. (Các bài viết của Pilinszky János, Hafner Zoltán biên soạn) Budapest, 1999. Osiris, tr.67.

(6) Suy ngẫm về “Mĩ học Phúc Âm” (trong P.J: Các bài viết, sđd, tr.200)

(7) Bende Jórzsef: Pilinszky và Simone Weil, Budapest, 2000. Nxb. Nap, 213-214.

(8) Simone Weil: Cái riêng tư, cái thánh thiện. Budapest, 1998. Vigilia, 113-115.

(9) Ted Hughes: Thơ Pilinszky János (Lời nói đầu cho tập thơ dịch ra tiếng Anh của Pilinszky János). Nagyvilág, số 4-1977, tr.584-589.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530034

Hôm nay

2203

Hôm qua

2297

Tuần này

2203

Tháng này

216730

Tháng qua

0

Tất cả

114530034