Imre Kertész là một nhà văn lớn: có lẽ ông vẫn được trao giải Nobel như thường, ngay cả khi ông không viết văn bằng một thứ tiếng ít thông dụng như tiếng Hung, mà bằng tiếng Anh chẳng hạn.
Imre Kertész là một nhà văn lớn: có lẽ ông vẫn được trao giải Nobel như thường, ngay cả khi ông không viết văn bằng một thứ tiếng ít thông dụng như tiếng Hung, mà bằng tiếng Anh chẳng hạn.
Trong những tác phẩm của mình, Imre Kertész, nhà văn đã vượt qua những hoàn cảnh tưởng chừng không thể vượt qua, luôn cố gắng diễn đạt điều không thể diễn đạt; ông đòi hỏi ở độc giả - cũng như ở chính mình - một sự dũng-cảm-chết-người, khi ông khẳng định tính hiển nhiên của cái ác và tính phi tự nhiên, tính hãn hữu của cái thiện; ông miêu tả bằng một sự chính xác đến phát ngượng hình ảnh con người bị ném vào cuộc hiện tồn, hiện tồn trong lưu đày, xa lạ với thế giới, mọi nơi mọi lúc không ngừng bị săn đuổi bởi những câu hỏi căn cốt về sự sống và cái chết - mà trước hết là về cái chết, những cái chết vì bị giết hàng loạt. Điều này đúng với những gì ông viết trong nhật ký năm 1990: "Thầm hài lòng vì mình là kẻ hoàn toàn xa lạ trên quên hương, xa lạ với mọi người, xa lạ với thế giới. Làm bổn phận của mình như một sứ giả từ một thế giới khác, mà mình lại không hề biết gì rõ ràng về thế giới này ngoài việc biết rằng: nó không tồn tại". Tất nhiên, sự xa lạ của Kertész không nên hiểu theo nghĩa văn học. Ngược lại, hoàn toàn có thể xếp ông vào truyền thống [quen thuộc] của văn học Hungary và văn học châu Âu, một truyền thống mà ông thường xuyên đối thoại: từ Dostojevsky tác giả Bút ký dưới hầm tới Chekhov người viết Ở nơi đày ải, từ Kafka, Camus tới những đồng nghiệp cùng thời đại và số phận: Celan, Jean Améry, Tadeusz Borowski, Solshenizyn, Varlam Salamov, Gustav Herling-Grudzinski, hay người chiến hữu trong vòng khổ nạn vì bị công kích Thomas Bernhard, hay Sandor Márai, Géza Ottlik, Péter Nádas, János Pilinzky..., ấy là chưa kể tới dấu ấn của các triết gia từ Pascal tới Nietzsche. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những nguồn suối tinh thần này, với một sự châm biếm lạnh tanh (có cội nguồn từ Kierkegaard và Thomas Mann), vâng, một kiểu hài rùng rợn kiểu giá treo cổ - mà ở đây là lò thiêu, đã tạo cho Kertész một phong cách riêng không thể nhầm lẫn.
Đó là một phong cách pha trộn giữa suy nghiệm triết lý, tiểu luận triết học và "văn học thuần túy", và nó được viết bằng một bút lực cuồn cuộn bởi "mỗi câu hỏi lại dẫn đến một câu hỏi khác; những câu hỏi xoay thành vòng tròn và không có cách nào để thâm nhập vào một vòng tròn cả", và điều xảy đến sau đó không là gì khác ngoài "sự chết lặng, trong khi đội hành quyết chuẩn bị nạp đạn mới", như thể ông muốn viết tiếp câu cuối của Kafka trong tiểu thuyết Vụ án, câu nói hấp hối của Josef K. khi đã bị thọc dao vào ngực và xoay hai vòng: "Như một con chó! [...], như thể sự xấu hổ sẽ còn lại."[1] Có vẻ như những tác phẩm của Kertész đều hướng đến một cái gì đó gần giống như tôn giáo, nhưng thoát khỏi mọi huyền thoại và có thể hiểu được bằng lý trí, một cái gì đó tuyệt đối - một sự xấu hổ thấm đẫm toàn vũ trụ, nhưng cái gì đó ấy lại không nhất thiết dành cho cảm giác của con người - bởi con người đã bị giết chết - mà cho "ai đó, ai cũng được, bất kể là ai", kẻ mà chúng ta vừa vẽ lên trên cái vòm thiên đường trống không vì bị Thượng đế Kitô cũng như Do Thái bỏ quên, "để cho kẻ đó, bất kể đó là ai, xấu hổ thay cho chúng ta vì đã lỡ tạo ra chúng ta". Con người chỉ có thể dành cả cuộc đời mình để cung cấp chất liệu cho sự phán xét của vị Thượng-đế-xấu-hổ vì Auschwitz này, và anh ta chỉ có thể hoàn tất "nhiệm vụ tôn giáo" đó nếu ngày ngày anh ta nỗ lực học hỏi để xa rời đời sống mê muội và hướng đến một đời sống trong ý thức thường trực, để "tìm về bản thể của mình, trở thành một con người, một cá thể", và trong mọi hành động, anh ta phải không ngừng nghĩ lại những gì đã xảy ra với con người ở Auschwitz. Cho dù, ngay cả khi "những kẻ nhân đạo giả hiệu [...] vẫn nghĩ rằng Auschwitz chỉ xảy ra với một số người, những người không may sống ở đó vào thời đó, chứ không xảy ra với số đông, với CON NGƯỜI nói chung!", thì, trên thực tế, Auschwitz vẫn xảy ra với tất cả chúng ta, với toàn bộ nền văn hóa châu Âu, và vì thế, Kertész đã biến nó thành một biểu tượng [rùng rợn] của văn hóa châu Âu.
Điều gì đã xảy ra với chúng ta ở Auschwitz? Câu trả lời của Kertész có thể tóm gọn trong một từ: cưỡng đoạt số phận, và hệ quả của nó: không số phận. Khó có thể tìm thấy ở đâu, hay trong bất kỳ cuốn từ điển nào, luận lý mới mẻ này của Kertész, và nó có thể được hiểu là: "Cá thể bị cưỡng đoạt [trở thành không số phận] khi nó bị tước đoạt mọi quyền quyết định". Quá trình tha hóa này, quá trình biến một con người tự do thành tù nhân [tự nguyện], đã (và vẫn đang) xảy ra ở mọi chế độ toàn trị. Song bản chất của những điều không thể tưởng tượng nổi ở Auschwitz lại không hẳn chỉ có vậy, và hiển nhiên điều đó không phụ thuộc vào con số những nạn nhân của chủ nghĩa phát xít (Đức quốc xã đã muốn tiêu diệt người Do Thái và toàn bộ những gì thuộc về Do Thái, song có kẻ độc tài nào lại không muốn tiêu diệt một cộng đồng hay một dân tộc nào đó – như cách Stalin đã làm với dân Tác-ta chẳng hạn?), mà là ở cái nghĩa thứ hai, cái nghĩa ẩn dụ của khái niệm “cưỡng đoạt số phận”: đó là một quá trình, một guồng máy giết người cơ học, ở đó con người bị biến thành tù nhân, rồi từ tù nhân, con người bị biến thành không-phải-con-người, nghĩa là một con vật chỉ có đời sống chứ khôngcó số phận (không phải ngẫu nhiên mà Josef K. chết “như một con chó!”). Rồi đến lượt nó, con vật ấy lại bị biến thành một cái gì đó hoàn toàn không có bản chất, hay đơn giản chỉ là một đồ vật được đánh số. Quá trình tha hóa của nhân vật chính trong Tiểu thuyết của một người không số phận đã bắt đầu ngay từ khoảnh khắc ở Buchenwald khi anh ta nhận ra sự khác biệt giữa những cảnh binh (những kẻ có bộ dạng “lạnh lùng một cách hoàn hảo tới từng cử động”) và bản thân anh ta (“Tất cả đều vô ích, cho dù tôi có nhìn rõ khuôn mặt và điệu bộ, màu mắt hay màu tóc, nét này hay nét kia, thậm chí cả những khiếm khuyết – như một mụn trứng cá trên mặt họ chẳng hạn, cho dù vậy, trong tôi cũng không đọng lại nét nào cả, tôi gần như tuyệt vọng, tôi không hiểu những kẻ đang diễu hành bên cạnh tôi đây có thực hiện hữu hay không, họ có cùng là đồng loại, cùng là con người da thịt như tôi hay không. Rồi tôi chợt nhận ra rằng, có thể tôi đã nghĩ sai, bởi chắc chắn tôi không giống họ, không có cùng một thứ da thịt như họ.”) Và hệ quả: “đây vẫn là cơ thể tôi, tôi biết nó rất rõ, nhưng chính tôi lại không tồn tại ở trong nó nữa”. Sự thâm nhập của những guồng máy cơ giới là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình “cưỡng đoạt số phận” trong xã hội đại chúng, và điều này luôn có nguy cơ lặp lại. Có gì khác biệt giữa kẻ đứng coi đồng hồ gas trong trại tập trung Auschwitz với người đứng canh barrie trên đường tàu, giữa những công nhân sản xuất vòi tắm với những anh thợ may những bộ quần áo sọc cho tù nhân, và, nói như Péter Nádas, “cho tới những gã cạo giấy hiền lành, nhỏ nhẹ, đáng mến”, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người, toàn bộ nhân loại tham gia vào quá trình này mà không cảm thấy - không cần phải cảm thấy - ý thức tội lỗi hay tinh thần trách nhiệm, bởi tất cả những gì họ làm đều được giải thích như bổn phận và đạo đức trước công việc - một công việc kiếm cơm mà họ phải làm hàng ngày; nghĩa là, họ chỉ sống đời sống thường nhật của họ. Kertész viết: “Có lẽ cái ác ẩn náu ở đâu đó, nhưng không phải ở chỗ con người thích giết chóc, mà ở chỗ, họ có thiên hướng thúc đẩy cái mong muốn khẩn thiết về một trật tự thế giới nơi sự giết chóc ngự trị”.
Bằng nghệ thuật xuất sắc, Kertész đã dựng một cậu bé mười lăm tuổi ngây thơ thành người hùng trong Tiểu thuyết của một kẻ không số phận. György Köves (tên cậu bé) phải trải qua trường học của cuộc đời (mà trong trường hợp này là trường học của sự chết chóc), trải qua hai cấp bậc (nói trên) của sự cướp đoạt số phận. Theo nghĩa này, tác phẩm của Kertész mang dáng dấp của một "tiểu thuyết giáo dục" (hay "phản-giáo dục" thì cũng vậy, bởi ở đó, cậu học trò học cách xem sự giết người, xem cái chết, trại tập trung và lòng căm hận như là lẽ tự nhiên, còn khả năng sống sót lại là điều đặc biệt phi tự nhiên.) Sự hấp dẫn của tác phẩm còn đến từ kỹ thuật hồi tưởng: thường xuyên có những đoạn so sánh những suy nghĩ minh triết của nhà văn-người kể chuyện [hiện tại] với những suy nghĩ [trước đây] của nhân vật. (Trong phép so sánh "tự nhiên - phi tự nhiên" của Kertész không phải không có dấu vết của những người đi trước. Kafka chẳng hạn, trong tiểu thuyết viết dở Nước Mĩ, ông đã cho nhân vật chính là một cậu bé 15 tuổi "trôi dạt" đến New York, và theo một sự nhầm lẫn có chủ ý, cậu bé ngây thơ đã tưởng rằng cậu nhìn thấy trong tay của Nữ thần tự do một thanh kiếm chứ không phải một ngọn đuốc. Sau Kafka, có lẽ Camus là người sử dụng triệt để nhất sự phi lý cho tác phẩm của mình.) […] [2]
Song, bên cạnh tính phản-tiểu thuyết, Tiểu thuyết của một kẻ không số phận còn có tính phản-phản-tiểu thuyết, nghĩa là bên cạnh sự tha hóa còn có sự trưởng thành thực sự, còn có con đường từ không-số-phận trở về có-số-phận. Bước đầu tiên của quá trình trở lại thành người là việc tìm lại căn cước của mình. Khi người y tá ở bệnh viện Buchenwald, nơi György Köves được cứu sống, hỏi anh là ai, thì anh ta cứ nói mãi một con số: "phải một lúc lâu, mi mới nhận ra rằng người ta cũng quan tâm tới tên của mi, và cũng phải một lúc lâu, mi mới khó nhọc nhớ lại được tên của mình". Cái gì đã trở lại với György Köves? Số phận là gì? Ta có thể hiểu khái niệm này theo hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, số phận là tất cả những gì "thiên định", áp đặt vào một con người từ khi anh ta sinh ra và hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của anh ta, như các hoàn cảnh chính trị xã hội, sắc tộc, tôn giáo. Song, theo nghĩa thứ hai, số phận còn có phần "nhân định", nghĩa là còn phần cho con người được tự do, dù thực ra cũng chỉ là sự tự do giới hạn thôi - nhưng vẫn là tự do, để tổ chức cuộc sống cho mình, nơi anh ta có thể tự chủ được. Một đứa trẻ chỉ sở hữu số phận theo nghĩa thứ nhất, bởi thế cũng có thể gọi là "không số phận". Những nỗ lực của đứa trẻ, những nỗ lực để trưởng thành, để tạo dựng cho mình một số phận thứ hai đã bị ngăn cản bởi những hoàn cảnh khốc liệt. Và phải mãi tới khi được giải phóng, trở về quê hương, quá trình trưởng thành này mới thực sự diễn ra. Trước cặp mắt theo dõi của độc giả, György Köves kể lại những kinh nghiệm của mình với người hàng xóm sống sót: "Nếu quả thực có một số phận, thì tự do là không thể có được, nhưng nếu - tôi nói tiếp, càng lúc càng kinh ngạc hơn, sôi nổi hơn - nếu, ngược lại, tự do là có thực thì số phận không thể hiện diện, điều đó có nghĩa là - tôi dừng lại, nhưng chỉ để lấy hơi - có nghĩa là, chúng ta chính là số phận, đột nhiên tôi hiểu ra điều này, và trong khoảnh khắc ấy, nó trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết". Và György Köves chỉ thực sự ý thức một cách đầy đủ về số phận của mình khi anh gặp lại những nạn nhân Ausschwitz, những người mãi ở trạng thái "trẻ con" vì bị cưỡng đoạt số phận như anh, song họ không có khả năng trưởng thành, không có khả năng trở lại thành người có số phận, chỉ bởi họ sợ hãi trước nhận thức rằng, họ sẽ phải bắt đầu từ số không. Đối với họ, tất cả những điều khủng khiếp, từ chủ nghĩa quốc xã, sự trục xuất người Do Thái, trại tập trung, cho tới lò thiêu…, tất cả, chỉ đơn giả là những gì "đã xảy ra"; họ không nhận ra điều [có tính phản tỉnh] mà György Köves đã nhận ra cho mình: "[Trên con đường tới lò thiêu], mỗi chúng ta đều góp bước đi của mình, cho tới chết, tôi cũng vậy, và điều này không phải mới bắt đầu xảy ra ở trại tập trung Birkenau, mà ngay ở quê hương đây […] Bây giờ tôi có thể nói với các bạn rằng, "người Do Thái" là gì: chẳng là gì cả, chẳng là gì với tôi và sâu xa hơn, cũng chẳng là gì cả, nếu như không có những bước đi [tới lò thiêu] ấy. Tất cả đều sai, bởi không hề có một dòng máu khác, không có gì cả, ngoại trừ…". Tới cuối truyện, cậu bé György Köves đã trưởng thành và hóa thân thành nhà văn-người kể chuyện Imre Kertész, người có nhiệm vụ hòa giải hai cuộc đời: một cuộc đời không số phận và một cuộc đời tự do trong sự hiểu biết. Phải mười năm sau khi được giải thoát, Kertész mới có thể bắt tay vào viết tiểu thuyết. "Có thể tôi đã tìm tới việc viết như một cách trả thù thế giới. […] cho việc tôi từ đồ vật trở thành ông chủ. Tiểu thuyết của tôi chẳng là gì khác hơn là một cách trả lời cho thế giới – có lẽ là cách trả lời duy nhất mà tôi có thể. Liệu tôi có thể hướng câu trả lời này đến ai khác đây, khi mà, Thượng đế - như chúng ta đều biết - đã chết? Vậy là, tôi hướng đến cái không-gì-cả, tới người không quen biết, tới thế giới. Đó không phải là một lời cầu nguyện, mà là một tiểu thuyết. […] Và, bằng một con đường kỳ bí nào đó, sự thúc bách phải tìm câu trả lời đã đưa tôi tìm đến tự do. Sự tự do này đã cho phép tôi hòa hợp các phần đời bị giằng xé thành một số phận của riêng mình, để mình có thể chấp nhận được nó và, ít ra một lần, có thể nói đến "hạnh phúc trong trại tập trung", bởi mỗi số phận đều có hạnh phúc riêng của nó, và "cuộc đời của mỗi cá thể chẳng phải là vô nghĩa, ngược lại, mỗi cuộc đời tự nó đã là một sứ mệnh và đồng thời, nó phải hoàn tất nhiệm vụ được đặt ra cho sứ mệnh ấy".
Trên thực tế, ở Hungary, trong giai đoạn 1945-1948, một hình thức toàn trị mới đã dần thay thế chủ nghĩa phát xít. Kertész đã lưu ý hiện tượng này khi ông nói với bản thân: "tôi thu mình lại vì muốn giữ tự do cho mình" trong tiểu thuyết Thảm bại , và những năm sau đó, ông đã ghi lại sự ẩn mình vào thế giới nội tâm (Kinh cầu cho một đứa trẻ chưa ra đời), [5] "để rồi, sau sự reo mừng của cuộc cách mạng 1989, vẫn nhận ra sự xa lạ của mình" […] "nhận ra mình thuộc về một "thiểu số" với những quan niệm được xây trên những kinh nghiệm tồi".[4][3] (một tác phẩm cách tân mạnh mẽ vào bậc nhất trong văn học Hungary, hòa hợp giữa giọng điệu của Lâu đài và Dịch hạch), cũng tương tự, ông lưu ý rằng trong cuộc cách mạng năm 1956, đất nước Hungary đã rơi vào tình trạng phó thác số phận mình cho bên ngoài (Lá cờ Anh)
Bởi khác với mong đợi của đa số, sự giải phóng Hungary (năm 1989) đã không đồng nghĩa với chiến thắng của những người tự do, bình đẳng trước pháp luật; và nó cũng hoàn toàn không đúng với ý tưởng về tự do nói chung. Ngược lại, trong 8 năm cầm quyền của cánh hữu lại xuất hiện trở lại những "lý thuyết" tiêu diệt bản sắc cá nhân, nhân danh tập thể (chủ nghĩa thanh trừng kiểu Kádárism[6]) như Gyögry Spíró (người đã có công đưa Tiểu thuyết của một kẻ không số phận tới công chúng) viết, rằng ở đây, mỗi cá thể bị coi là một phần của tập thể, và khi cái tập thể này bị kết tội thì các thành viên cũng bị kết tội theo, càng nhiều càng tốt: "Thật là đơn giản khi đưa ra những tội danh tập thể, trừu tượng rồi gán tội ấy cho các cá thể, và người ta đã làm đúng như vậy". Năm 1989, Kertész ghi lại trong sổ tay: "Cái bóng của Hungary trùm lên tôi mọi nơi mọi lúc, và lâu nay – như một quy luật tâm lý – tôi thu mình an ủi trong nó như trong một tấm áo choàng mà tôi tự khoác cho mình", nhưng rồi đến lúc nhà văn nhận ra: "… sau khi đã trải qua đủ các hoàn cảnh […] tôi phải xác định lại tình thế của mình (theo nghĩa siêu hình học), tình thế của một kẻ xa lạ giữa thế giới. Thì đúng vậy, có điều phải hiểu rằng, cái "thế giới" xung quanh tôi ấy chính danh là Hungary và cái sự "xa lạ" ấy với tôi chính danh là "Do Thái". Quan điểm này được Kertész diễn đạt dứt khoát trong phần đầu bài trả lời bài viết của Sándor Csoóri (một bài viết hấp dẫn và gây tranh luận rộng của Csoóri về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc); Kertész viết: "Tôi không chấp nhận để người ta kéo tôi ra khỏi cá nhân mình: tôi không chấp nhận, sau bao năm tù đày của các chế độ toàn trị, để cho ai đó khép tôi vào "Do Thái", bất kể người đó là Do Thái hay không Do Thái. "Do Thái" là cái không tồn tại – ngoại trừ trong các từ điển. Còn nếu ở đâu đó nó vẫn tồn tại, thì cá nhân tôi hoàn toàn không biết gì về nó hết. Chưa bao giờ tôi chối bỏ cội rễ của mình – cái sự ngẫu nhiên thiên định ấy – nhưng tôi không bao giờ chấp nhận để người ta nhân danh các số liệu trong sổ đăng ký hậu khẩu để tra vấn về nguồn gốc của tôi. […] Tôi chưa bao giờ tìm bản sắc của mình trong bản sắc của một tổ chức tập thể, tổ chức nhân danh chủng tộc, quốc gia hoặc một phe nhóm nào đó, và trong tương lai, tôi cũng sẽ không bao giờ làm vậy; tôi không nhận lãnh mình là người phát ngôn của một chủng tộc, một quốc gia hay một phe nhóm riêng nào để mà nhân danh nó phán xét người khác. Tôi luôn xem sứ mệnh của mình – đồng thời cũng là niềm tin văn học của tôi – là chỉ ra sự mong manh, dễ vỡ của cá thể, phơi bày nó trước thế giới, trước những đội hành quyết của thế giới, nhưng cũng là trước những tấm lòng nhân hậu cởi mở ở khắp nơi". Dù những phát biểu trên đã đủ rõ ràng, song khi tái bản bài viết, Kertész vẫn cảm thấy phải bổ sung thêm một câu rút từ Lời cầu nguyện ("… chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không phải là câu hỏi của niềm tin, mà là câu hỏi của tư chất và cá tính"), đồng thời ông viết thêm một ý: "Trước Auschwitz, kẻ phân biệt chủng tộc là tên giết người giấu mặt; sau Auschwitz, là tên giết người lộ diện". Tuy vậy, trong bức thư công khai xin rút khỏi Hội nhà văn Hungary, ông đã chống lại sự cô lập ông [vì ông là người Do Thái] khỏi cộng đồng Hungary. Ba năm sau, ông hồi tưởng lại sự kiện này một cách cay đắng: "Tôi không cảm thấy một chút hứng thú nào khi đóng vai của mình. Không một chút hứng thú để chui sâu vào những hoạt động [đoàn thể] để chống lại cái gọi là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (mà ban đầu tôi đã tham gia [các hoạt động đoàn thể này] vì sự nhiệt thành, sự ngu ngốc, sự ngạo mạn, và, vì hy vọng)". Vài năm sau đó, con mắt nhà văn của ông, con mắt cực kỳ nhạy cảm với những biến chuyển về chính trị xã hội, đã chụp được một hình ảnh cô đọng bên dòng Theiss (con sông chảy qua thành phố Szeged): "một dấu thập móc, một ngôi sao Betlehem, và bên cạnh đó là khẩu hiệu ‘Nieder mit Trianon!’ - tĩnh vật Hungary, cuối thu 1998".[7] Đó là một hoàn cảnh kéo dài suốt hai năm 2000 - 2002 khi nền dân chủ Hungary rơi vào tình trạng tồi tệ nhất thời hậu cộng sản. Thời gian này (đầu năm 2001), Kertész đã tiên đoán (cũng may không thành sự thật?): "Lại đến thời của cơ bắp, của chủ nghĩa cơ hội hoang dại, có thể là chiến tranh. Chủ nghĩa phát xít (hay là cái gì đó gần giống thế) trỗi dậy khắp nơi". Và ông đã cảm thấy bắt buộc phải viết ra những dòng này: "Nhìn lại mười năm qua, tôi hoàn toàn không thấy gì hòa hợp giữa tình đoàn kết dân tộc với cái gọi là ‘Hungary tính’; có nghĩa: tôi không có cội gốc Hungary, tôi không chia sẻ tình cảm và suy nghĩ của mình với cái hệ tư tưởng tuyệt vọng mang danh ‘Hungary tính’. Và điều đáng buồn là ở chỗ, những kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ bóp méo ý tôi thành: bọn Do Thái đó không quan tâm đến Hungary. Thế là, đằng sau cái vỏ chữ nghĩa dị dạng này, sự lừa dối mặc sức hoành hành".
Thực tế đúng như vậy, và có lẽ vì thế mà Kertész không bao giờ để mình bị lôi kéo về phía này hay phía kia, ông không trở nên "Do Thái hơn" hay "Hungary hơn", mà trước sau chỉ đơn giản là "Do Thái", cũng như Thomas Bernhard cả đời là "đồng tính luyến ái" vậy. Ông giữ nguyên quan điểm mà ông viết năm 1982: "Tôi có thể xem ‘Do Thái’ như một biểu tượng, một hoàn cảnh sống, một bổn phận có tính đạo đức […], nhưng ‘Do Thái’ như một dân tộc, một tôn giáo, một lịch sử - tôi có thể làm gì với tất cả những thứ đó?". Cũng tương tự vậy, năm 1991, ông ghi trong sổ tay: "Tôi là một kẻ bị săn đuổi như một người Do Thái, nhưng tôi không hề là Do Thái". Thế còn cái gọi là ‘Hungary tính’ - đấy là cái gì thế? Về điều này, Kertész không nói vòng vo, mà năm 2001, ông nói tới những hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể: "Chẳng còn điều gì bí hiểm nữa. Chỉ còn trơ ra đó sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, tụt hậu về lịch sử, đói khổ lầm than và thối nát về chính trị. [Nhưng lần này], tất cả những cái đó không phải do ngoại cảnh gây nên mà là một thực tế có tính nội tại, là hậu quả từ những hoạt động của nhà nước và xã hội […], trong khi đó, sự nhập cư lẽ ra đã phải là một giải pháp tốt; nhưng nó [chính sách nhập cư của nhà nước] cũng chẳng ra gì".
Về phần mình, dù không di cư, Kertész đã tìm mọi cách tách khỏi đất nước mình, dù đất nước ấy gắn với ông bằng một sợi dây bền chặt nhất: tiếng mẹ đẻ. Trong một hội thảo năm 2000 (hội thảo này được nối tiếp vào năm 2001), ông đã trình bày những suy tư của mình, những suy tư xuất hiện ở bất kỳ nhà văn đích thực nào trong chủ đề Lò thiêu: mỗi nhà văn đều viết bằng một thứ tiếng ‘vong bản’ (Kertész viết bằng tiếng mẹ đẻ Hungary chẳng qua chỉ là một may mắn ngẫu nhiên), vì đối với nhà văn lò thiêu, "thứ tiếng nào thì cũng như nhau cả, bởi chẳng có tiếng nào là của riêng mình". Trong tinh thần đó, Kertész nói về bản thân mình: "Tôi thuộc về một nền văn học Do Thái hình thành ở Đông Âu, nền văn học chưa bao giờ được viết bằng ngôn ngữ dân tộc của quốc gia nơi nhà văn sống và cũng chưa bao giờ thuộc về truyền thống văn học của quốc gia ấy. Dòng văn học này kéo dài từ Kafka tới Celan […]". Tất nhiên, chúng ta có thể hiểu Kertész nói gì, mặc dù một phát biểu như vậy có thể khơi dậy những điều thần bí và rất dễ gây hiểu lầm do nó đã bỏ qua nhiều dữ liệu thuộc về lịch sử văn học. Bởi chúng ta có thể nói gì về những thành viên không-Do-Thái của dòng văn học này, nói gì về Dostoievsky, về Camus… hay về Borowski? Hay Kafka sẽ không còn là một phần của văn học Đức nữa, mà sẽ hoàn toàn thuộc về một nền văn học nào đó, văn học Rumani chẳng hạn? Và nếu Celan không viết tiếng Đức thì sao? Trong bài thơ lớn Todesfuge, Celan chỉ sử dụng có một từ duy nhất thuộc ngôn ngữ bình dân trong tiếng Đức, từ Meister, nhưng ông đã thâm nhập sâu vào văn hóa Đức (từ này có liên hệ gần gũi với nhạc phẩm Meistersinger của Wagner, Wilhelm Meister của Goethe…), khiến cho thơ ông trở nên đặc sắc và riêng biệt đến mức không thể dịch ra thứ tiếng khác được.
Một vấn đề còn lớn hơn nữa đã đưa Kertész trở lại đúng nơi mà ông muốn rũ bỏ: "Mỗi ngôn ngữ, mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh đều có một cái Tôi chủ đạo, cái giúp nó ghi dấu ấn của mình vào thế giới, chiếm lĩnh và phản hồi lại thế giới. Cái Tôi-tập-thể không ngừng hoạt động này là chủ thể, nơi một cộng đồng – một dân tộc, một quốc gia, một nền văn hóa – gắn vào; sự gắn kết này đôi khi mang lại thành công, đôi khi không, nhưng nhờ nó mà một cộng đồng có thể được nhận diện".[8] Ai, hay cái gì, có thể trở thành cái Tôi chủ đạo trong ngôn ngữ hay văn hóa Hungary? Với luận thuyết này, phải chăng chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt, như Béla Hamvas với học thuyết ‘Hungary tính’, hay László Németh với luận điểm về cặp giá trị đối nghịch về một ‘Hungary hời hợt và sâu sắc’. Liệu rằng Kertész, trong những giờ cay đắng – một cách nghịch lý – sẽ quay trở lại với cái ‘bản sắc cộng đồng’ mà bấy nay ông đã từ khước trong cả cuộc đời và tác phẩm? May mắn thay đó chỉ là một câu hỏi có tính lý thuyết, bởi trên thực tế, tiếng mẹ đẻ sẽ khó rời bỏ một nhà văn. Theo nghĩa đó, Imre Kertész là một nhà văn Hungary.
Liệu rằng Sisyphos sẽ hạnh phúc, khi mà lúc này trên cánh đồng còn ít hơn một tảng đá? Liệu Imre Kertész có hạnh phúc khi ông đã vượt qua Auschwitz, qua chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Kádarism và đã phơi bày chúng lên mặt giấy? Chẳng phải con người cá nhân – cho dù đôi khi ông vẫn trực tiếp tận hưởng niềm vui trong công việc – mà là con người nhà văn, kẻ đã đưa lại cho độc giả một mô hình tàn khốc về con người và thế giới. Liệu có ích gì không khi đọc Imre Kertész? (Liệu có ích gì không khi nghe bản tứ tấu cho đàn dây cuối cùng của Beethoven, Chuyến du hành mùa đông của Schubert hay bản Giao hưởng số 6 của Mahler?) Với người này thì Có, người khác thì Không. Với những ai chỉ thích giữ mình trong yên ấm, câu trả lời chắc là: Không. Song những độc giả mạnh mẽ sẽ càng cảm thấy mạnh mẽ hơn khi đọc đi đọc lại tác phẩm của Kertész.
Nguyên bản tiếng Hungary
Đinh Bá Anh dịch từ bản tiếng Đức của Éva Zádor
[1] Tiếng Đức: „Wie ein Hund!“, sagte er, als sollte die Scham ihn überleben." Phùng Văn Tửu dịch là: „Như một con chó! – anh nói, như thể gửi lại nỗi nhục nhã ở đời. (Franz Kafka, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H. 2002, tr. 300). Thực ra, phải hiểu là: ... như thể sự xấu hổ sẽ sống sót [sau cái chết của K.]. Nghĩa là, dù Josef K. có chết đi thì sự xấu hổ vẫn còn lại - bởi sự xấu hổ sống lâu hơn cái chết. Đó là ý mà tác giả bài viết này sẽ phát triển tiếp thành luận điểm về một „sự xấu hổ thấm đẫm toàn vũ trụ“, một sự xấu hổ có tính tôn giáo. (ĐBA)
[2] Dịch giả bỏ một đoạn tác giả trích dẫn Camus vì khó dịch chính xác và xét thấy cũng không quan trọng. (ĐBA)
[3] Tiếng Hung: A kudarc; Tiếng Đức: Fiasko.
[4] Tiếng Anh: The English Flag.
[5] Tiếng Hung: Kaddis a meg nem születt gyermekért.
[6] Kardarism: Chủ nghĩa dân tộc cánh hữu Hungary giai đoạn hậu cộng sản.
[7] Dấu thập móc là biểu tượng của phát xít Đức; Khẩu hiệu “Nieder mit Trianon!” – chưa tìm được nguồn gốc, song trong văn cảnh này, có lẽ nó hàm ý chống đối chính phủ Hungary hiện tại (năm 2001).
[8] Imre Kertesz, Ngôn ngữ lưu vong.
2240
2297
2240
216767
0
114530071