Ai cũng đồng ý rằng không có sự phân kỳ thì khó có thể hình dung ra lịch sử văn học, dù đó là lịch sử văn học dân tộc hay lịch sử văn học thế giới. Nhưng cho sự phân kỳ một ý nghĩa như thế nào thì về việc đó lại có ý kiến trái ngược nhau.
Ai cũng đồng ý rằng không có sự phân kỳ thì khó có thể hình dung ra lịch sử văn học, dù đó là lịch sử văn học dân tộc hay lịch sử văn học thế giới. Nhưng cho sự phân kỳ một ý nghĩa như thế nào thì về việc đó lại có ý kiến trái ngược nhau.
Có những người xem đó là một việc làm bắt buộc, không hay ho gì, nhưng lại cần thiết, vì mọi sự phân kỳ đều là chuyện áp đặt đối với tiến trình phát triển phức tạp và liên tục của văn học. Bởi thế, đối với việc phân chia các thời kỳ, người ta quan niệm như một thao tác kỹ thuật nhằm phân định các tư liệu nghiên cứu chứ không phải như một nguyên tắc hay như một công cụ quan trọng để nắm bắt bản chất lịch sử. Và thay cho việc xác định các thời kỳ đích thực, người ta chỉ định ra (thường là một cách máy móc) ranh giới các thời kỳ trên cơ sở các thế kỷ hoặc theo thời gian xẩy ra những sự kiện lịch sử nổi bật.
Tất nhiên có người đã phủ nhận tính hợp lý của việc đó. Ví dụ người ta căn cứ vào văn học Pháp thế kỷ XVII, khi mà hai trường phái Ba rốc và Cổ điển cùng tồn tại song song khá lâu, vậy mà không trường phái nào có thể đóng vai trò quyết định cho đặc điềm của từng thời kỳ. Hoặc người ta nhắc đến một số nhà văn lớn như Goethe chẳng hạn, rằng trong sự nghiệp văn học của ông đều có mặt chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn. Mặc dù người ta có ý nghĩ nghi ngờ các khái niệm thời kỳ như ba rốc, lãng mạn, thì họ cũng không tránh được việc sử dụng chúng, và không có cách gọi nào khác. Vì vậy chúng ta cần phải chấp nhận việc có tồn tại những thời kỳ văn học như Phục hưng, Ba rốc, Cổ điển, Lãng mạn để làm xuất phát điểm, mà không cần tranh luận về sự hợp lý của chúng, chỉ cần cố gắng định nghĩa chúng một cách đúng đắn.
Có lẽ thay thế chữ định nghĩa bằng chữ xác định thì đúng hơn, vì mọi cố gắng muốn dồn ép bản chất của từng thời kỳ văn học vào một công thức nào đó đều phạm sai lầm. Một phạm trù thời kỳ không bao giờ thích hợp cho việc lý giải hết thảy mọi hiện tượng của từng thời kỳ nhất định. Những nỗ lực khoa học của thế kỷ trước đã mang lại cho khái niệm Phục hưng và Ba rốc những nội dung ngày càng phong phú hơn, nhưng vẫn chỉ nêu được các xu hướng chính và đặc điểm nổi bật của thời kỳ liên quan. Trong thời kỳ Phục hưng không phải tất cả đều là phục hưng, và trong thời kỳ Ba rốc cũng không phải tất cả đều Ba rốc. Nói đến thời Phục hưng hay Ba rốc thì chỉ có nghĩa là nói đến những thời kỳ mà các yếu tố Phục hưng và Ba rốc là thống soái.
Nhưng tình hình đó cũng không phải là lý do để chúng ta nghi ngờ sự thống nhất của một thời kỳ văn học mặc dù phức tạp, nhưng vẫn có những mối liên quan mang tính chất hệ thống. Nếu cứ gán các nhãn hiệu ba rốc hay lãng mạn khi phân tích tác phẩm của tất cả các nhà văn sống cùng một thời là một việc làm sai lầm như thế nào thì việc coi nhẹ các thời kỳ và xóa bỏ những khái niệm thời kỳ cũng đều không có căn cứ như thế. Nếu trước đây sai lầm thường thấy là sự phổ cập tuyệt đối của "tinh thần thời đại" thể hiện qua việc gán cho tác phẩm văn học những cái nhãn định sẵn, thì thời gian gần đây chúng ta đã thấy những hiện tượng phá vỡ tính thống nhất thời kỳ.
Ví dụ như việc đưa ra những khái niệm kiểu chống Phục hưng, chống Ba rốc. Hiram Hayđn trong cuốn sách The counter-Renaissance (1950) và Carlo Calcaterra trong cuốn Il parnaso in rivolta - Barocco e Antibarocco nella poesia italiana (l940) từ chỗ cho rằng trong thời đại Phục hưng và Ba rốc có thể gặp nhiều yếu tố nằm ngoài các hiện tượng tiêu biểu cho thời đại, họ đã dựng lên một trào lưu chống Phục hưng và Ba rốc. Theo họ thì thay cho thời kỳ Phục hưng chúng ta cần phải nói về một thời kỳ mà sự bất hòa giữa Phục hưng và chống Phục hưng là đặc điểm chủ yếu. Quan điểm này có cơ sở từ hai sai lầm về phương pháp luận. Một mặt nó bó hẹp nghệ thuật Phục hưng trong một xu hướng duy nhất thực hiện cái lý tưởng thẩm mỹ duy nhất là hài hòa, cân đối. Chỉ với những yếu tố đó thì mới được coi là "nghệ thuật Phục hưng đích thực" còn những yếu tố chứa đựng mâu thuẫn rối ren và bí ẩn đều thuộc phạm trù chống Phục hưng. Cái khái niệm chống Phục hưng này được duy trì bởi sự xa rời các tư tưởng vẫn xem là lý tưởng Phục hưng, với những yếu tố trái ngược. Sự phân loại này cản trở việc lý giải đúng đắn các hiện tượng bởi vì trong phạm trù chống Phục hưng đó lẫn lộn những hiện tượng tiếp tục tồn tại của thời Trung cổ, những trào lưu "không phải cổ điển" của thời Phục hưng và những yếu tố chuẩn bị cho thời kỳ mới, tiếp theo. Như vậy thì công việc nghiên cứu buộc phải dựng lên một sự thống nhất giả tạo nào đó từ những yếu tố vừa nêu lên, cuối cùng làm đơn giản hóa nền văn học của thời kỳ thành một thứ công thức nhị nguyên, thành cuộc đấu tranh giữa hai tư tưởng mâu thuẫn. Trong thực tế suốt thế kỷ XV-XVI không diễn ra cuộc đấu tranh giữa Phục hưng và chống Phục hưng mà chỉ có quá trình nở hoa kết trái và phát triển của một nền văn học Phục hưng đa dạng, nhiều trào lưu trong những nét cơ bản nhất vẫn gắn bó với nhau tạo nên sự thống nhất.
Sự có mặt của những xu hướng khác nhau cùng phát triển song song và đối lập nhau trong thời kỳ Phục hưng, hay ở bất kỳ thời kỳ nào khác đã dẫn đến kết quả là tất cả các trào lưu và thời kỳ sau đó đều có thể tìm thấy "tiền bối” của mình trước đấy. Ví dụ nghệ thuật cổ điển xây dựng trên nghệ thuật Phục hưng, kể cả nghệ thuật lãng mạn cũng khai thác ở Phục hưng trong nhiều phương diện. Rồi Ba rốc cũng bắt rễ từ đây, thậm chí chủ nghĩa hiện thực cũng có thể tìm thấy "ông tổ" của mình ở đây. Sự phối hợp này đã dẫn đến một sai lầm khác của việc xóa bỏ tính thống nhất thời kỳ, đó là việc đưa ra những khái niệm như tiền Phục hưng, tiền cổ điển, tiền lãng mạn và các khái niệm tương tự. Ví dụ cái thời kỳ mà người ta thường gọi bằng thuật ngữ tiền Phục hưng, thực ra vẫn không vượt qua những giới hạn của thời Trung cổ. Bằng các khái niệm này, người ta cắt đứt một số trào lưu của văn học thời Trung cổ với những mối liên hệ văn bản thật sự của chúng, và để làm cho văn học thời kỳ sau phong phú người ta đã cố làm nghèo đi nền văn học của thời kỳ trước đó. Mặt khác người ta cũng dễ dàng tách các tác phẩm của Sếchxpia ra khỏi thời Phục hưng như Friednich và Malone trong cuốn Outline of comparative literature (1954) đã làm, đưa nhà viết kịch này vào thời tiền lãng mạn. Cứ cái đà này mà tiếp tục thì rồi chúng ta sẽ thấy tiền chủ nghĩa tự nhiên ở Rabelais, hoặc tiền Ba rốc hay tiền Cổ điển, ở nhiều nhà văn khác! Bằng cách đó người ta cóthể lấy tất cả các đặc điểm của thời kỳ trước phục vụ cho những thời kỳ sau, đề cao sự khởi đầu của các thời kỳ nhưng lại làm phương hại cho những thời kỳ trước đấy. Cách làm này hoàn toàn xóa bỏ các khái niệm lịch sử, gây cho chúng sự bấp bênh. Cho nên, hợp lý nhất vẫn là giữ nguyên ý nghĩa lịch sử chính xác của các khái niệm, và lý giải những thời kỳ phổ cập của văn học một cách biện chứng, từ nhiều phía.
Biểu hiện thứ ba của sự xem nhẹ tính thống nhất của thời kỳ là việc đưa ra khái niệm thời kỳ quá độ. Hiển nhiên là với sự thay thế các thời kỳ văn học lớn thì sự phát triển của nó cũng đặc biệt phức tạp và rắc rối. Việc phân tích những vấn đề đa hợp này của văn học, xem xét sự phát triển từ những chuẩn mực cũ sang những chuẩn mực mới là nhiệm vụ cao cả đối với khoa nghiên cứu lịch sử văn học. Nhưng dễ dãi xếp những hiện tượng văn học như thế vào cái gọi là thời kỳ quá độ, không nhận định xem thực chất những hiện tượng đó là gì, thì có nghĩa là né tránh vấn đề. Có sự quá độ giữa các thời kỳ, nhưng không có thời kỳ mà bản chất của nó là quá độ. Trong các trường hợp nhất định thì sự tồn tại của những hiện tượng quá độ vẫn chưa là nguyên nhân để đặt giả thiết về toàn bộ những thời kỳ quá độ.
Với những điều đã nói, tôi không hề muốn nghi ngờ lợi ích của nhiều công trình có tầm cỡ, được viết ra nhằm giả thiết và chứng minh sự tồn tại của những thời kỳ như chống Phục hưng, tiền lãng mạn, hoặc thời kỳ quá độ. Các tác phẩm này đã giúp soi sáng những vấn đề quan trọng, mới mẻ chưa được giải quyết, góp phần nghiên cứu văn học một cách đa dạng. Từ những điều đã nói, tôi chỉ muốn rút ra kết luận cuối cùng là không thể chấp nhận được xu hướng hoàn toàn phá bỏ tính thống nhất của các thời kỳ. Trong tình hình nghiên cứu lịch sử văn học hiện nay - và nhất là với tinh thần chuẩn bị viết một bộ lịch sử văn học lớn nhằm tổng kết sự phát triển của văn học châu Âu - thì vạch ra một cách dứt khoát sự thống nhất của các thời kỳ, sử dụng và phân tích một cách nghiêm túc nhất các thuật ngữ chỉ thời kỳ là một việc làm có lợi. Để làm được những điều đó, quan trọng nhất là phải kiểm tra các yếu tố quyết định của từng thời kỳ, xác định được mối liên hệ bên ngoài và bên trong của chúng có thể làm hình thành trật tự của sự phân kỳ dựa trên nguyên lý thống nhất.
Theo ý kiến tôi, chúng ta có thể nói về một thời kỳ văn học, nếu song song tồn tại cùng với nó một giai đoạn lịch sử nhất định của cấu trúc kinh tế, xã hội làm cơ sở cho toàn bộ nền văn hóa vật chất và tinh thần. Thật vậy, các thời kỳ văn học đều tương xứng với những thời kỳ văn minh; và Phục hưng, Ba rốc, Lãng mạn cũng đều làm thỏa mãn những nhu cầu trí tuệ-nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử lớn trên con đường phát triển của xã hội và văn minh. Không chỉ có văn học nghệ thuật Phục hưng và Ba rốc, mà cùng với nó còn có cả nền văn minh Phục hưng, Ba rốc. Phục hưng là kết quả của sự phồn vinh lớn về kinh tế và xã hội của các đô thị và giai cấp tư sản cuối thời trung cổ, của việc ra đời một châu Âu hiện đại; còn Ba rốc thì phù hợp với một thời kỳ tương đối trì trệ về kinh tế, thời kỳ phục hồi lại xã hội quý tộc và hiện đại hóa chủ nghĩa phong kiến. Phục hưng và Ba rốc là con đẻ của những lực lượng xã hội đã nắm vai trò chính trong sự phát triển của thời đại. Vì vậy văn học, nghệ thuật Phục hưng và Ba rốc có thể trả lời những câu hỏi trọng tâm của thời đại chúng, có thể làm thỏa mãn nhu cầu phổ cập và chịu sự đồng hóa của các giai cấp trong xã hội. Chẳng hạn chủ nghĩa Manie sở dĩ không thể thuộc về thời kỳ quá độ vì nó gắn liền với một tầng lớp xã hội thu hẹp; không vượt qua được phạm vi tinh thần thượng lưu quý tộc.
Như vậy, trong việc phân kỳ văn học, tôi lấy quan điểm xã hội học làm xuất phát điểm, nói chính xác hơn tôi xem các nhu cầu, lợi ích, cùng những điều kiện tồn tại của các giai cấp xã hội giữ vai trò nổi bật trong sự phát triển của văn hoá và văn học, là xuất phát điểm. Khi mà một giai cấp mới đã trở thành người đại diện đầu tiên của sự phát triển văn hoá, hoặc khi có sự thay đổi chính xuất hiện trong những cố gắng vì lợi ích và các nhu cầu của giai cấp nắm vai trò lãnh đạo văn hóa, thì thường cũng bắt đầu một thời kỳ mới trong văn học. Hơn nữa, những lúc đó toàn bộ nền văn hóa của xã hội biến đổi, tư tưởng chính thống cũng đổi thay kéo theo sự xuất hiện của những phong cách mới. Trong những trường hợp như thế, toàn bộ hệ thống các yếu tố nội dung và hình thức của văn học đều thay đổi, rồi lại định hình hoàn toàn cho tới khi xảy ra bước ngoặt lớn. Tôi cho rằng các yếu tố xã hội, tư tưởng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành thời kỳ văn học và những đặc điểm nội dung của nó.
Phục hưng là ví dụ tốt về những mối liên hệ giữa cấu trúc xã hội và phong cách sáng tác, về việc xác định một thời kỳ văn học. Lúc này ở Tây Âu, một giai cấp mới, giai cấp tư sản đã đến dẫn đầu sự phát triển của văn hóa và văn học, còn ở Đông Âu thì giai cấp phong kiến tiêu biểu vẫn tiếp tục biến đổi một cách sâu sắc. Lợi ích và nhu cầu của giai cấp mới đã được thể hiện trong những tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo, còn các tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng những tư tưởng đó thì ra đời với cái vỏ ngoài là phong cách Phục hưng. Thời kỳ này kết thúc khi mà chủ nghĩa phong kiến đã trụ lại vững vàng ở toàn thể châu Âu, và như vậy hoặc là vai trò lãnh đạo lại thuộc về tầng lớp quý tộc, hoặc phải xẩy ra sự thay đổi căn bản mới vì lợi ích của tầng lớp quý tộc, nếu quá trình Phục hưng vấn đề vai trò lãnh đạo thuộc về ai đã không cần phải bàn cãi. Cùng với điều đó, chủ nghĩa nhân đạo cũng tàn phai và phong cách Phục hưng cũng tan rã.
Việc lấy xã hội là cơ sở, và lấy phong cách sáng tác làm dấu hiệu để xác định các thời kỳ là hợp lý, vì làm như vậy thực chất là chúng ta đưa những nguyên tắc chính lên hàng đầu, những nguyên tắc mà trong việc xác định một phạm trù cơ bản khác, phạm trù dân tộc, chúng cũng đóng vai trò quyết định. Dân tộc và thời kỳ là hai phạm trù cơ bản mà trong phạm vi của chúng, các hiện tượng văn học, về mặt lịch sử, có thể hệ thống hóa. Chỉ có điều, trong khi văn học dân tộc là văn học của một xã hội nhất định, nó phát triển trong sự nối tiếp liên tục của các loại cấu trúc xã hội, thì văn học của một thời kỳ là kết quả của một cấu trúc xã hội giống nhau, ít nhiều đã xuất hiện cùng một lúc ở những dân tộc khác nhau. Nếu văn học dân tộc có cơ sở phát triển là sự tiếp nối liên tục của các loại cấu trúc xã hội, thì văn học của một thời kỳ lấy sự tương đồng của cấu trúc xã hội làm cơ sở. Quá trình tiếp nối liên tục của xã hội làm hình thành trong văn học dân tộc những yếu tố cố định, và chỉ thay đổi từ từ, chúng thể hiện bản sắc dân tộc của một nền văn học nhất định mà ngôn ngữ chỉ là công cụ chuyên chở chính chứ không phải là biểu hiện duy nhất.
Tính dân tộc này - hoặc nếu muốn thì chúng ta cũng có thể gọi là phong cách dân tộc - có thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng vẫn luôn luôn giữ được tính bền vững, liên tục của nó. Tương tự như vậy, nền văn học của một thời kỳ cũng có những dấu hiện chung nhất định, chúng xuất hiện trong các biến thể dân tộc mà vẫn cho thấy sự đồng nhất cơ bản. Bởi thế, phong cách thời đại hay là tính thời đại thì tất yếu cũng mang tính quốc tế, và chính cấu trúc xã hội tương đồng cùng một thời điểm bảo đảm sự thống nhất đó.
Ai cũng biết trước khi văn học so sánh phát triển thì nghiên cứu lịch sử văn học hầu như chỉ diễn ra trong phạm vi dân tộc, chú trọng nghiên cứu nền văn học dân tộc. Vấn đề phân kỳ văn học, do vậy mà phụ thuộc vào những quan điểm dân tộc, và chủ yếu dựa vào những đặc điểm riêng của lịch sử dân tộc. Một trong những công lao to lớn của văn học so sánh và nghiên cứu lịch sử văn học đại cương là đã hạn chế sự thiên lệch dân tộc một chiều đó và đưa lên hàng đầu những đặc điểm nối liền các dân tộc. Sự phân kỳ văn học một cách bao quát đối với các nền văn học, nói đúng hơn việc xác định chính xác các phạm trù thời kỳ mang tính phổ biến, có thể làm tăng cường đáng kể tiến trình nói trên. Nếu trong nghiên cứu lịch sử văn học mà cũng xác định phạm trù dân tộc, và cũng đưa phạm trù thời kỳ lên vị trí tương tự, thì có thể có được tỷ lệ và sự cân xứng giữa phạm trù dân tộc và các quan điểm khác trong nghiên cứu lịch sử văn học. ý nghĩa phổ quát của các thời kỳ sẽ tránh được sự thiên lệch dân tộc một chiều, nhưng việc biến tính phổ quát của thời kỳ văn học thành công thức trừu tượng, cứng nhắc thì lại cản trở sự phát triển đa dạng và phong phú của các biến thể dân tộc1
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG dịch
(Từ sách Những thời kỳ lớn của quá khứ, Budapest, 1973)
2271
2297
2271
216798
0
114530102