Những góc nhìn Văn hoá

Giải mã Tây du ký (kỳ 11)

 

Nỗi Lòng Giấy Trắng

Nghe tin báo thầy trò Đường Tăng đã đến, “Phật Tổ mừng lắm, lập tức xuống chiếu vàng, cho gọi tám vị bồ tát, bốn vị kim cương, năm trăm vị a la hán, ba nghìn vị yết đế, mười một vị đại diệu, mười tám vị già lam vào đứng xếp thành hai hàng, sau đó mới xuống chiếu vàng cho gọi Đường Tăng vào. ([1])

Mở đầu cho việc truyền kinh mà tả tỉ mỉ cảnh đón tiếp long trọng hiếm có như thế nhằm ngụ ý rằng đạo pháp không phải dể duôi truyền thụ.([2]) Phải chọn đúng người xứng đáng mới truyền trao thì có thể tránh được kẻ phản thầy phá đạo. Đó là lý do Chúa dạy: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” ([3])

Trong chùa Lôi Âm, được vào chầu Phật Tổ Như Lai tại điện Đại Hùng,([4]) sau một số nghi lễ cho đủ thủ tục, Đường Tăng quỳ lạy và thưa rằng:

“Muôn xin Phật Tổ ra ơn, ban cho chân kinh sớm mang về nước.” Như Lai bèn mở miệng từ bi, động lòng thương xót, nói với Tam Tạng: “Cõi Đông thổ ([5]) của nhà ngươi (...) người đông vật thịnh, tham lam độc ác, trí trá gian dâm, (...) bất trung bất hiếu, bất nghĩa bất nhân, lừa mình dối người (...). Nay ta có ba tạng kinh có thể siêu thoát khổ não, giải trừ tai ương (...). Các ngươi từ xa xôi tới đây, ta cũng muốn trao cho tất cả mang về, chỉ e người phương đó ngu si lỗ mãng hủy báng chân ngôn, không biết ý chỉ sâu xa trong đạo của ta.” ([6])

Trước khi tìm hiểu dụng ý của Ngô Thừa Ân vì sao phải dông dài như thế, cũng nên biết rằng đoạn văn trên đây của Tây Du hoàn toàn phù hợp với lịch sử truyền giáo của nhà Phật.

Ba lần thỉnh pháp

Lịch sử đạo Phật ở Ấn Độ, khi chép về thời kỳ tu chứng của tu sĩ khổ hạnh Cồ Đàm (Gautama), cho biết rằng lúc đắc quả Phật chánh đẳng chánh giác, ngồi ở gốc cây Ajapala bên bờ sông Ni Liên Thiền (Neranjara), Đức Phật đã trầm tư về vấn đề có nên đem cái đạo pháp giải thoát mà Phật đã tự chứng đắc truyền bá cho người đời hay không, thì mấy lượt Ngài đã do dự.

Lần thứ nhất, Đức Phật nghĩ rằng: “Đạo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, mà tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu (...) Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được đạo pháp. Không cần phải phổ biến đạo pháp ngay lúc này. Người thế gian còn mang nặng tham ái và sân hận không dễ gì thấu triệt.”

Liền sau đó, một vị Phạm Thiên (Brahma) ở cõi trời đọc được tư tưởng của Phật, liền cầu thỉnh Phật từ bi mà truyền đạo. Phật trả lời: “Người đời tham ái chìm đắm trong đêm tối, bị đám mây mù tham ái bao phủ, sẽ không thấy được đạo pháp bởi vì đạo pháp đi ngược dòng tham ái. Đạo pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức, và tế nhị. Vì suy gẫm như thế, Như Lai chưa quyết định truyền bá đạo pháp.”

Vị Phạm Thiên khẩn nài lần thứ nhì, Phật cũng đáp như thế. Mãi đến lần thỉnh pháp thứ ba, Phật mới đồng ý và tuyên bố: “Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh. Hãy để cho ai có tai nghe đặt trọn niềm tin tưởng!” ([7])

Trương Lương ba lần nhặt dép mới được ông tiên Hoàng Thạch Công trao quyển thiên thư. Lưu Bị ba lần hạ mình tới nhà tranh (tam cố thảo lư) mới thỉnh được Khổng Minh về làm quân sư. Cái gì khó khăn mới đạt được, càng khó thì đời càng quý, càng trọng. Cái gì dễ dàng có được thì người ta dể duôi, coi thường. Và chỉ ai biết giá trị của quý mới ráng sức đánh đổi tương xứng để đạt được bảo vật đó. Đây cũng là ẩn ý đạo pháp bất khinh truyền.

Bởi thế, muốn lấy được bảo bối của Phật, tức là thỉnh được chân kinh mầu nhiệm có thể cứu người thoát vòng luân hồi sinh tử, Đường Tăng đương nhiên phải đánh đổi lại cho tương xứng. Đánh đổi cái gì và đánh đổi như thế nào?

Mật nghĩa việc đánh đổi bình bát

Truyện Tây Du kể:

Phật Tổ, A Nan, Ca Diếp [Léon Wieger 1927: 352]

“A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường Tăng: Thánh tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho.

Tam Tạng nghe xong nói: Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả.

Hai vị tôn giả cười nói: Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất. ([8])

Đọc lơ tơ mơ, lắm người bảo rằng A Nan và Ca Diếp đòi ăn hối lộ! Thực ra, làm gì có chuyện vòi vĩnh của đút lót ở cửa Phật!

Trong mười đại đệ tử của Phật, ông Ca Diếp đứng hạng ba, A Nan đứng thứ mười, đều đắc quả a la hán, dứt bỏ hết các lỗi lầm (nhất thiết lậu tận), không lẽ lại vướng lụy vì chút của cải vụn vặt của thế gian ư?

Theo lịch sử Thiền Tông Ấn Độ, Phật Thích Ca (Phật Tổ) là Sơ Tổ, Ca Diếp là Nhị Tổ, A Nan là Tam Tổ. Bậc giác ngộ đã lìa thế gian, thoát vòng sanh tử, làm sao có thể mở miệng vòi của lót tay?

Khi Hành Giả (Tề Thiên) khiếu nại sự việc bị đòi lễ vật, Phật Tổ cười nói: “Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người [A Nan,Ca Diếp] vòi lễ các ngươi, ta đã biết rồi. Có điều kinh không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được. ([9])

Rốt cuộc, khi đổi kinh vô tự để lấy kinh có chữ, Đường Tăng vẫn bị đòi dâng lễ vật. “Tam Tạng chẳng có vật gì dâng, đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng (...) A Nan nhận lấy chiếc bát, tủm tỉm cười.” ([10])

Tại sao Tam Tạng chẳng có vật gì dâng? Thực ra Tam Tạng còn có hai bảo vật của Phật Quan Âm tặng: chiếc cà sa báu và cây thiền trượng. Thế thì tại sao lại chỉ dâng cho A Nan chiếc bình bát?

Trong đời sống xuất gia, bình bát (patra) vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực (khất sĩ trì bát). Nhưng chiếc bình bát bằng vàng nguyên là của vua Đường tặng cho ngự đệ (em vua) kết nghĩa. Vì thế, trong tình huống này, nó còn tượng trưng cho của cải và danh vọng ở thế gian.

Ngoài ra, nói rằng Tam Tạng chẳng có vật gì đem theo là ám chỉ kẻ xuất gia tu hành không còn tư hữu (tăng vô nhất vật). Để lãnh kinh báu của Phật, dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.

Hành động của Đường Tăng ở đây là ẩn dụ, có tính cách biểu tượng. Theo truyền thống đạo học thì đạo pháp không thể truyền thụ dể duôi (pháp bất khinh truyền), cho nên kẻ học đạo, muốn thọ pháp, phải đánh đổi. Đánh đổi có nhiều hình thức.

Khi Thái Tử Cồ Đàm tìm đạo giải thoát, Ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương.

Khi Thần Quang (tức Huệ Khả, Nhị Tổ Thiền Tông Trung Hoa) cầu đạo với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, và bị từ chối, ngài đã tự mình chặt lìa cánh tay trái dâng lên thầy. Đó là ngụ ý sẵn sàng đánh đổi sinh mạng phàm phu để thọ lãnh đạo giải thoát tối thượng của thiền môn.

Huệ Khả chặt tay cầu đạo với Đạt Ma (tranh Nhật, thế kỷ 16)

Vì sao A Nan và Ca Diếp sợ người sau chết đói?

Ngoài ý nghĩa pháp bất khinh truyền và phải đánh đổi như trên, cũng nên chú ý đến lời nói của A Nan và Ca Diếp: “Hai vị tôn giả cười nói: Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất. Tại sao lại là người sau chết đói? Tại sao có chuyện ăn uống nơi đây?

Xin thưa, đạo giải thoát cũng được gọi là pháp thực 法食. Con người thân xác hữu cơ vốn cần có thực phẩm hữu cơ nuôi dưỡng thì con người tâm linh cũng cần có đạo pháp làm thực phẩm dưỡng nuôi tâm linh.

Muốn cho đời này sang đời khác vẫn có được pháp thực nuôi tâm linh con người thì đạo pháp phải được trường lưu. Muốn đạo pháp trường lưu bất tận thì phải có con người xứng đáng nắm giữ đạo pháp để xiển dương và hoằng giáo. Đạo tuy thiêng liêng, nhưng bắt buộc phải có vai trò chủ sử của con người. Bởi thế, sách Nho có câu: Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân.([11])

Nếu dể duôi truyền đạo pháp cho người không xứng đáng, chẳng những kẻ ấy không thể hoằng dương được chánh pháp mà còn khiến cho dòng đạo pháp suy tàn, bế tắc. Như thế, đời sau sẽ không còn hưởng được vị ngọt pháp thực nữa, nghĩa là tâm linh con người sẽ đói, chết đói.

Chính vì lẽ sống còn này mà các bậc giáo tổ ngày xưa trước khi được lãnh trọng trách, đã phải chịu thử thách, chịu bầm dập đủ điều từ nội tâm tới thân xác và ngoại cảnh.

Đức Mạnh Tử đã sớm nói rõ điều trọng yếu ấy như sau: “Thế nên hễ Trời định phó thác trách nhiệm lớn lao cho người nào, trước hết phải làm cho người ấy khổ não tâm chí, lao nhọc gân cốt, đói khát cầu bơ cầu bất, nghèo nàn thiếu trước hụt sau, và làm rối loạn, điên đảo các việc làm của người ấy. Làm thế để mà phát động lương tâm của người, cho nhẫn kiên tánh tình của người, và gia tăng tài đức còn khiếm khuyết của người.” ([12])

Trở lại với việc A Nan và Ca Diếp đòi lễ vật. Ngoài những ý nghĩa hàm ngụ như đã trên đây, hư cấu sự kiện này còn để gài vào một tình tiết hợp lý là lãnh kinh không chữ và đổi kinh có chữ.

Từ kinh vô tự đến kinh hữu tự (pháp vô vi ra pháp hữu vi)

Thoạt đầu, A Nan và Ca Diếp trao kinh không chữ (kinh vô tự), các quyển kinh toàn giấy trắng! Phật Tổ dạy thầy trò Đường Tăng: “Quyển trắng tinh là chân kinh không chữ, cũng là những kinh hay.” ([13]) Tuy vậy, Phật cũng đồng ý cho đổi lấy kinh có chữ. Then chốt ở đây là kinh vô tự có trước rồi sau mới có kinh hữu tự. Nó đúng với lịch sử truyền pháp của đạo Phật và nhiều tôn giáo khác ở phương Đông.

Khai sáng Thích Giáo (Phật Giáo Nhị Kỳ Phổ Độ) là Thích Ca. Khi Thích Ca đi tu, không có tụng kinh, không có lễ bái, dộng chuông, thắp nhang, đốt sớ. Thích Ca đắc đạo, chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề) thì Ngài vốn không có thầy. Không thầy, không kinh, biết lấy chi bám víu mà đạt đạo? Ngài chỉ nhờ giác ngộ được bổn tâm của mình. Bằng con đường tham thiền mà Ngài giác ngộ. Kinh vô tự ám chỉ pháp môn thiền. Thiền hay nội giáo tâm truyền (esotericism) dành cho những bậc đại căn đại trí.

Khi Phật truyền tâm ấn cho Nhị Tổ Ca Diếp, cũng không có văn tự. Sử chép rằng: Ngày kia, Phật tại núi Linh Thứu, trước đông đảo đệ tử Phật bắt đầu thuyết pháp bằng cách im lặng (vô ngôn) và cầm một cành hoa đưa lên trước đại chúng (niêm hoa). Mọi người bàng hoàng chẳng hiểu ý chi. Riêng đại đệ tử thứ ba là Ca Diếp nhoẻn miệng cười (vi tiếu). Phật thấy Ca Diếp đã lãnh hội được, bèn truyền tâm ấn cho Ca Diếp làm Nhị Tổ Thiền Tông với lời lẽ như sau: “Ngã hữu chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, vi diệu pháp môn, thật tướng vô tướng, kim phó chúc Ma Ha Ca Diếp.” ([14]) (Ta có kho tàng con mắt của chánh pháp, tâm huyền diệu của niết bàn, cửa pháp vi diệu, thật tướng vô tướng, nay đem trao lại cho Đại Ca Diếp.)

Tổ thứ hai mươi tám của Thiền Tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) qua Trung Quốc làm Sơ Tổ vào năm 520 cũng tóm tắt tôn chỉ lập giáo của Ngài như sau:

Bất lập văn tự,                不立文字

Giáo ngoại biệt truyền.    教外别傳

Trực chỉ nhân tâm,         直指人心

Kiến tánh thành Phật.      見性成佛

Tôn chỉ của Đạt Ma có nghĩa là không thông qua chữ nghĩa, không sử dụng kinh điển giáo lý, nhắm thẳng vào nội tâm con người, hễ thấy bổn tánh thì thành Phật.

Tóm lại, kinh vô tự giấy trắng là biểu tượng của tâm pháp, của thiền môn, là nội giáo, cái mà Khổng Tử gọi là hình nhi thượng học (esotericism). Ở Ấn Độ, nó có từ Thích Ca, ở Trung Quốc, nó truyền từ Đạt Ma.

Sau khi Phật Thích Ca tịch diệt, nhập niết bàn, do nhu cầu truyền giáo, các đại đệ tử mới tổ chức ghi chép lại lời dạy của Phật. Công lao này đứng đầu là A Nan. Vì khi Phật còn tại thế, ông A Nan được tuyển làm thị giả hầu cận Đức Phật, nên ông được nghe Phật thuyết pháp nhiều hơn ai hết, và nhờ có trí nhớ kiểu Lê Quý Đôn, nên đã nghe thì bộ nhớ ghi lại trọn vẹn, không sót một lời.

Ông nghe kinh nhiều quá thành ra tu luyện huyền công có phần nào kém cỏi hơn đồng đạo, thần thông đã thua anh em, mà chứng ngộ cũng trễ hơn anh em. Bù lại, trong nhóm mười đại đệ tử thì ông được tôn là Đa Văn Đệ Nhất.([15]) Ông tuy hạng nhất về nghe kinh nhiều, nhưng lại xếp hạng chót trong mười đại đệ tử. (Lý thuyết kém hơn thực hành chăng?)

Vậy vô vi hay kinh vô tự có trước, về sau mới có kinh hữu tự, hữu vi. Có hữu vi nên mới dựng chùa, đúc chuông, tô tượng Phật, tụng kinh, thắp nhang, đốt sớ, v.v... Con đường truyền giáo này phù hợp cho đại chúng, nó là phổ độ, là hình nhi hạ học, là ngoại giáo công truyền (exotericism).

Phật pháp truyền từ Thích Ca đến Ca Diếp đánh dấu bằng tâm ấn niêm hoa vi tiếu,([16]) vắng bặt ngôn ngữ. Ca Diếp là Nhị Tổ, truyền đến Tam Tổ là A Nan thì bắt đầu có tổ chức kết tập kinh điển, văn tự miên man, lời lẽ dằng dặc. Cho nên có thể thấy Ca Diếp là tiêu biểu cho con đường tâm pháp nội tu (kinh vô tự, giấy trắng trơn) và A Nan là tượng trưng cho giáo lý công truyền (kinh hữu tự, mực đen giấy trắng). Hiểu như vậy mới cảm nhận được trọn vẹn chỗ tài tình của Ngô Thừa Ân, vì sao lại phải chọn đúng Ca Diếp, A Nan là người trao kinh cho Đường Tăng trong lúc bấy giờ ở điện Đại Hùng còn có tám bồ tát, bốn kim cang, mười một đại diệu, mười tám già lam, năm trăm la hán, và ba ngàn yết đế.([17])

Kinh vô tự bị đem trả lại chùa Lôi Âm để đổi lấy kinh hữu tự! Đó là con đường mà tâm pháp bị hữu vi hóa, đạo pháp thất chơn truyền. Ở Trung Hoa đó là hình ảnh mà thiền (tâm pháp) từ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống Lục Tổ Huệ Năng thì rẽ ngang nhánh Thần Tú (ngoại giáo). Cũng là hình ảnh của đạo Lão vô vi từ Lão Tử truyền xuống tới Trương Đạo Lăng thì biến ra âm thanh sắc tướng (hữu vi).

Tọa thiền là tụng kinh vô tự

Theo Phật, Lão và Cao Đài, chỉ có thực hành thiền (nội tu) mới có thể giải thoát thực sự. Ngoài ra, tu kinh tu kệ chỉ là lý thuyết. Giáo lý chỉ có thể giúp con người sáng suốt, trang bị thêm một mớ kiến thức chữ nghĩa chứ không biến được phàm phu ra Phật ra Tiên. Nói cách khác, tu bằng kinh hữu tự con người chưa thể đáo bỉ ngạn để qua tới bến bờ giác ngộ. Kinh hữu tự không thể đưa con người đến rốt ráo của giải thoát. Ý chỉ sâu sắc đó được Ngô Thừa Ân diễn tả bằng việc phơi kinh ướt ở bờ sông Thông Thiên,([18]) bị mất hết mấy tờ cuối quyển. Đọc kinh mà không tới chung kết cũng giống như tu hành mà không đạt kết quả (không giải thoát).

Trở lại với lời cảnh tỉnh của Phật Tổ trước lúc trao kinh cho Đường Tăng: “... chỉ e người phương đó ngu si lỗ mãng hủy báng chân ngôn, không biết ý chỉ sâu xa trong đạo của ta.” ([19]) Kinh giấy trắng cao siêu quá, tuy không hủy báng, nhưng đã đặt vào tay mà còn đem trả lại, cũng gần như là chê bỏ!

Không ai giao sách cho người không biết đọc. Kinh vô tự của Phật vì vậy không đọc được bằng nhục nhãn (mắt thịt). Nhục nhãn chỉ đọc đưọc kinh hữu tự không toàn vẹn (thiếu trang chót). Kinh vô tự phải đọc bằng tâm, bằng nghị lực tự thắng của hành giả cô đơn. Và như thế, nỗi lòng giấy trắng không phải để san sẻ cho đại chúng bì phu, mà chỉ hiện chữ cảm thông cho riêng ai âm thầm với trăng sao soi cửa động.

10-02-1992

Bổ túc 05-6-2010

 


([1]) [TDK X 1988: 164].

([2]) Pháp bất khinh truyền 法 不 輕 傳 .

([3]) “Do not give dogs what is sacred; do not throw your pearls to pigs. If you do, they may trample them under their feet, and then turn and tear you to pieces.” Matthew 7:6.

([4]) Vì sao nơi Phật ngự và chánh điện thờ Phật có tên là Đại Hùng? Xem bài Tâm Lập.

([5]) Tây phương là đất Phật nên đối lại, gọi trần gian là Đông thổ (đất phương Đông).

([6]) [TDK X 1988: 165-166].

([7]) [Narada 1964: 60-63].

([8]) [TDK X 1988: 168].

([9]) [TDK X 1988: 172].

([10]) [TDK X 1988: 173].

([11])人能弘道, 非道弘人.(Con người có thể phát huy được Đạo, chẳng phải Đạo phát huy con người.) Luận Ngữ, chương 15, câu 29. Theo Dương Bá Tuấn楊伯峻 (tác giả Luận Ngữ Dịch Chú 論語譯注), các lời dịch xưa nay đều gò theo mặt chữ, vẫn chưa ai hiểu rõ Đức Khổng Tử thật sự ngụ ý gì khi dạy “phi Đạo hoằng nhân”.

([12]) “Cố Thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi. Sở dĩ động tâm nhẫn tánh, tăng ích kỳ sở bất năng.” Mạnh Tử: Cáo Tử, chương cú hạ, 15. 故天將降大任於是人也 , 必先苦其心志 , 勞其筋骨 , 餓其體膚 , 空乏其身 , 行拂亂其所為 . 所以動心忍性 , 曾益其所不能 .

([13]) [TDK X 1988: 172].

([14])我有正法眼藏, 涅槃妙心, 微妙法門, 實相無相, 今付嘱摩訶迦葉.

([15]) Đa Văn Đệ Nhất 多聞第一.

([16]) Niêm hoa vi tiếu拈花微笑(Nhón cành hoa đưa lên, cười mỉm.)

([17]) [TDK X 1988: 164].

([18]) [TDK X 1988: 189].

([19]) [TDK X 1988: 189].

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530102

Hôm nay

2271

Hôm qua

2297

Tuần này

2271

Tháng này

216798

Tháng qua

0

Tất cả

114530102