Những góc nhìn Văn hoá

Không gian văn hóa xã hội với sự hình thành tục thờ Mẫu ở Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Trong truyền thuyết dân gian và các tư liệu Hán Nôm còn lưu lại ở địa phương thì thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên được coi là nơi giáng hạ đầu tiên của mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XV (1434). Cùng với di tích phủ Nấp (hay phủ Quảng Cung) thì từ lâu trong tâm thức dân gian ở đây đã gắn tên tuổi một người con gái duy hiếu duy trinh thuộc dòng họ Phạm và họ Đoàn với tiên thiên đệ nhất mẫu Liễu Hạnh. Với những hiểu biết còn hạn hẹp, trong bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng phác thảo lại những nét chính về không gian văn hóa xã hội của xã Yên Đồng, từ đó làm cơ sở phân tích để đóng góp một ý kiến cho việc tìm hiểu sự hình thành và biến đổi của tục thờ Mẫu ở Yên Đồng.  

I. KHÁI QUÁT VỀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA XÃ HỘI XÃ YÊN ĐỒNG(1)
a) Khái quát về vùng đất
Yên Đồng là một xã thuộc hạ lưu sông Hồng nằm ở phía nam huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, phía bắc giáp với xã Yên Thắng, phía nam giáp xã Yên Trị và sông Đáy, phía đông giáp xã Yên Nhân, phía tây giáp sông Sắt là phân giới tự nhiên với xã Yên Khang. Từ đường Quốc lộ số 10 tính từ ga xe lửa Cát Đằng xuôi theo huyện lộ chừng 8km thì đến địa vực xã Yên Đồng. Sơ lược địa danh Yên Đồng qua các thời kỳ như sau:
Năm 791 (Phùng Hưng) và Lý Trần gồm 5 phường: Trần Xá, Cốc Dương, Lê Lợi, Đồi Trung, An Hạ thuộc huyện Đại An trấn Sơn Nam.
Thời Hậu Lê gồm 5 xã: Vỉ Nhuế (với 5 thôn: Nhuế Duệ, Quảng Nạp, Tràn, Gon, Đáy); Cốc Dương; An Trung; La Ngạn (do Lê Lợi lên làm vua nên xã Lê Lợi tránh tên húy đổi là xã La Ngạn) và xã An Hạ (về huyện Đại An sát nhập vào Nghĩa Hưng).
Năm 1831 Minh Mạng thứ 10 đổi thành tổng Vỉ Nhuế gồm 5 xã như trên.
Từ 1945 -1959 có tên gọi là xã Đại Đồng thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Từ năm 1959 đến nay là xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Hiện nay xã Yên Đồng gồm 8 thôn, 35 xóm, diện tích mặt bằng là 1010 ha, tổng dân số là 13.200 khẩu. (8 thôn gồm: Các thôn 1, 2 La Ngạn, Cốc Dương, Khang Giang, An Trung, Nam Đồng, Tiến Thắng, An Hạ). Thôn Tiến Thắng xưa có tên gọi là Quảng Nạp – làng Nấp.
Căn cứ vào những phát hiện các lớp sú vẹt dưới các lớp vỏ sò vỏ hến, các nhà nghiên cứu dự đoán vùng đất Yên Đồng xưa thuộc vùng biển nông, sau được phù sa sông Đáy lắng đọng bồi đắp nâng cao dần thành đồng ruộng, cửa biển Độc Bộ xưa (nay là cửa biển Đại Ác) cũng đã lùi xa mấy chục km. Theo truyền ngôn thì ông Trần Xuân Hằng người Tiên Du là người đầu tiên về đây lập ấp nên làng mới có tên gọi chệch là Trần Xá xã (làng Tràn).  
Với khoảng hơn một ngàn năm hình thành và phát triển, đây là nơi cư trú của nhiều dòng họ đời nối đời tạo dựng nên ruộng đồng, cây trái và cộng đồng làng xã[1]Các sản vật địa phương ngoài nếp hương, lúa dự, tám xoan ra, Yên Đồng còn nổi tiếng với khoai lang La Ngạn, củ cải và dưa hấu Cốc Dương..
Ngoài nông nghiệp là nghề chính thì người dân Yên Đồng còn có thêm một số nghề thủ công như nghề trồng cói dệt chiếu gon ở làng Gon, nghề trồng bông kéo sợi dệt vải ở làng Gon, làng Tràn. Ngoài ra còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề đan lát tre, nứa.
Từ xa xưa Yên Đồng đã là một vùng quê có sự mở cửa thông thương buôn bán với bên ngoài. Nơi đây có hai bến đò là đò Vọng và đò Vọng Châu, có ba chợ để trao đổi hàng hóa là chợ Đồi, chợ Nấp và chợ Gon. Trong đó chợ Đồi xưa là chợ lớn nhất vùng họp ở bến sông Đồi, một tháng họp tới chín phiên.        
Hiện nay, nông nghiệp vẫn là nghề chính của Yên Đồng. Ngoài ra còn có thêm một số nghề phụ như máy may quần áo, găng tay, mũ, thêu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một số gia đình có mở cửa hàng cung cấp các dịch vụ thương mại cho bà con.
Như vậy, có thể thấy Yên Đồng là một vùng quê lâu đời có bề dày lịch sử. Đây là một làng quê nông nghiệp điển hình, đồng thời cũng là một làng quê có sự mở mang thông thương chợ búa “trên bến dưới thuyền”…
b) Yên Đồng - một vùng quê địa linh nhân kiệt
Về Yên Đồng, dạo qua các thôn xóm chiêm ngưỡng các di tích hoặc đã hoang tàn, hoặc đang được phục hồi…rồi lắng nghe các cụ cao niên say sưa giới thiệu về quê hương, con người và các vị thánh thần...Điều mà chúng tôi cảm nhận được thì đây quả là một vùng quê đặc biệt có địa linh nhân kiệt. Dường như mỗi tên gọi, mỗi dấu tích, mỗi câu chuyện, mỗi bút tích…được truyền tụng nơi đây đều nói lên sự huyền diệu của đất và người một thuở.        “Năm thôn, sáu đình thờ 17 ông thần”(1)
câu giới thiệu khái quát của các cụ ở đây về vùng quê Yên Đồng ít nhiều đã nói lên bề dày lịch sử của vùng đất này.        
Trước hết, thông qua các di tích đình, đền miếu mạo và tên gọi các tên địa danh hoặc qua truyền ngôn cho thấy Yên Đồng xưa từng là nơi được nhiều bậc đế vương biết đến.
Truyền thuyết ở đây kể rằng vào cuối thế kỷ thứ VIII, trên đường đi chiêu mộ quân sĩ và lương thực để chống quân đô hộ nhà Đường, Phùng Hưng có ghé đất Quảng Nạp thuộc xã Trần Xá để phủ dụ dân chúng, làng có 23 người ứng nghĩa tòng quân theo ông. Sau khi ông mất, làng đã lập đền thờ ông cùng các nghĩa sĩ của làng. Đình Nấp là nơi thờ tự Phùng Hưng.
Vào thế kỷ X trên đường kéo quân đi thu phục sứ quân Trần Lãm, Đinh Tiên Hoàng đã cho dừng quân tại khu vực từ làng Đại Nhuệ (Yên Đồng) tới làng Tam Đăng, Dương Hồ (Yên Thắng). Vì làng Đại Nhuệ là điểm tập trung quân nên làng đổi tên là Đại Duyệt, năm thớt voi được ăn nghỉ tại cánh đồng quanh làng nên được gọi là Ngũ Triều.
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư là một nhân vật lịch sử còn để lại nhiều dấu tích ở địa phương. Truyện kể rằng sau khi đánh thắng giặc Nguyên ông về quê lập ấp. Năm Quý Hợi (1323) thấy cảnh vật nơi đây tươi đẹp, yên bình ông đã sai hai gia trưởng họ Bùi và họ Nguyễn xây dựng nhà để vương ở lại. Ông đã chiêu mộ đất đai lập ra 4 điền trang mới từ Thanh Khê (Yên Nhân) đến làng Gon (Yên Đồng). Đình Vọng là nơi dân chúng thờ tự Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Hiện ở khu vực thôn Đại An còn lại dấu tích “Điện kinh thiên”, theo truyền lại lúc đầu là nơi thờ Khổng Tử, sau này đổi là miếu Báo Vua, dân gọi là “Ngõ Vua”, có cây cối um tùm. Cũng trong khu vực này người ta đã đào được nhiều cổ vật như đĩa, bát, vại, nồi, lọ tiền xu… không rõ niên đại. Rất có thể đây là những dấu tích liên quan đến việc xưa kia nhà Trần lập điền trang ở đây chăng?
Ngoài ra, sự có mặt của “Phúc Lâm Tự” - một ngôi chùa cổ ở Yên Đồng tương truyền còn liên quan đến một vị tôn thất nhà Lý. Truyện kể rằng thấy địa thế làng Đồi đẹp vị tôn thất này đã định lập thái ấp. Nhưng sau một đêm thấy dân phu không đào đủ 100 cái giếng, cho rằng lòng trời không thuận nên chuyển sang xây ngôi chùa đặt tên là “Phúc Lâm Tự”.(1)
Là một vùng quê tươi đẹp, trù phú, phong cảnh hữu tình nên Yên Đồng cũng là nơi từng được các bậc đế vương ghé thăm và lưu lại bút tích. Có không ít các bài thơ, câu đối ở Yên Đồng được truyền là của các vị vua ghé thăm đề tặng. Theo thầy giáo Đoàn Xuân Phiên trong tài liệu Địa danh Yên Đồng xưa và nay thì một vị vua thời Lý đã ghé thăm đình Nấp và đề đôi câu đối: Vị thủy sung quân tồn nghĩa khí - Phùng Hưng cựu miếu trước linh thanh (Dân bến Vị gia nhập quân ngũ là vì nghĩa khí -Ngôi đền thờ Phùng Vương từ thưở trước vẫn nổi tiếng linh thiêng). Còn vào tháng chạp năm Nhâm Tý 1492, vua Lê Thánh Tông khi đi xem xét tình hình hạn rét ở vùng này có ghé thăm và làm một bài thơ ca ngợi công đức cụ Nguyễn Công Bạch một nhân thần người địa phương được dân chúng thờ phụng ở đình Nhuế .(2)
Như vậy, sự có mặt các vị thần ở các ngôi đình cùng những dấu tích lịch sử để lại đã cho thấy Yên Đồng là miền quê không những có địa thế đẹp mà còn có phong cảnh tốt tươi, từng là nơi được các bậc đế vương biết đến.
Địa linh sinh nhân kiệt, đất Yên Đồng qua các đời đều có những nhân vật đã góp phần vào lịch sử dựng nước và giữ nước làm rạng danh cho quê hương, được con cháu đời sau biết đến.
Trước hết đó là 23 nghĩa sĩ đã theo Phùng Hưng đi đánh quân đô hộ, tuy không lưu lại tên tuổi nhưng vẫn được dân chúng thờ phụng cùng với Bố Cái Đại Vương ở đình Nấp.
Thời Lý, nơi đây có hai anh em sinh đôi cao to khỏe mạnh là Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Định (sinh năm Canh Thìn 1040) sinh trưởng trong một gia đình làm nghề chài lưới, cha là Nguyễn Văn Thụy, mẹ là Lý Thị An. Lớn lên hai anh em dựng cờ khởi nghĩa chiêu tập quân giết các tên quan gian ác Hoàng Xá (Yên Nhân ngày nay) và Vọng Doanh (Yên Quang ngày nay). Năm 1073 được nhà Lý chiêu hàng giao cho chức chánh phó trấn thủ Nghệ An cùng với Lý Đạo Thành. Sau này các ông có công giúp Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành và đánh quân nhà Tống. Ông Nguyễn Văn Bình sau khi về quê có công giúp dân sửa sang đền chùa, đắp đường khơi mương. Sau khi mất ông Nguyễn Văn Bình được vua sắc phong là Đông Nha đại vương còn ông Nguyễn Văn Định là Tây Nha đại vương, được dân thờ phụng ở đình Tràn.     
Vào thời Lê, Vỉ Nhuế có cụ Nguyễn Công Bạch sinh năm 1401, cha là Nguyễn Công Thanh, mẹ là Vương Thị Thủy, là người văn võ song toàn, giỏi y dược, năm 1420 chiêu tập 20 thủ hạ đi theo Lê Lợi đánh giặc Minh. Ông đã cùng với Lý Đăng Thông đánh thắng nhiều trận, đặc biệt là ông đã chế ra bài thuốc giúp 5000 quân thoát khỏi bệnh sốt rét trong trận vây đánh thành Điêu Diêu, được Lê Lợi phong là “Tả Vệ Úy Dược Tài Đại Tướng Quân”. Sau khi về quê ông có công giúp dân chữa bệnh, đắp đê, xây quán, làm cầu, tu bổ đình chùa, xây dựng chợ Vọng…Ông mất ngày 22 tháng chạp năm Giáp Thìn 1484, được dân thờ cùng với cụ Lý Đăng Thông ở đình Nhuế. Nếu quả đúng bài thơ ca ngợi ông của vua Lê Thánh Tông là thật thì ngay sau khi chết ông đã được dân lập đền thờ và chỉ sau đó 8 năm (năm 1492) vua Lê Thánh Tông đã ghé thăm đền và có thơ đề tặng như trên đã nói.
Cùng thời với cụ Nguyễn Công Bạch ở làng Tịch Nhi (xóm Gon) có ông Lê Vĩnh Lộc sinh năm 1402, cha là ông Lê Hiển, mẹ là Đoàn Thị Tâm, là người có trí tuệ thông minh hơn người, văn võ song toàn. Năm 1421 ông cùng với ông Nguyễn Hưng và Bùi Đại Liệu ra mắt Lê Lợi. Lê Lợi trọng dụng phong Lê Vĩnh Lộc là Thủy Tào Tiên Phong đại tướng, ông Bùi Đại Liệu chức Thủy Tào Tiên Phong phó tướng và Nguyễn Hưng chức Thái y. Hiện các ông được dân thờ phụng ở đình Gon được dân chúng gọi là Tam vị đại vương.
Như vậy Yên Đồng đã có tới 4 vị anh hùng địa phương theo giúp Lê Lợi diệt giặc.  
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, Yên Đồng có nhiều nho sĩ và nhân vật nổi tiếng liêm khiết một lòng vì nước vì dân như các ông Đỗ Huy Cảnh, Đỗ Huy Uyển, Đỗ Huy Liêu.
Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của tiểu đoàn 307 nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến là người con họ Bùi ở thôn La Ngạn. Hiện ông được thờ phụng tại nhà thờ tổ của họ Bùi. Cũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều chiến sĩ du kích trung kiên bị địch tra tấn dã man nhưng không khai ra tổ chức, bị giặc đem đi thủ tiêu như các ông Đoàn Đình Trác, Hà Tiến Yêng, Phạm Văn Khiếu, Hà Tiến Ái, Đỗ Công Tơn.  
Ngoài ra Yên Đồng còn là vùng đất nổi tiếng hiếu học, qua các đời đều có người đỗ đạt làm quan. Các cụ ở Đại An cho biết, theo dân gian truyền lại thì thời Lê ở đây có tới 18 người đỗ tiến sĩ, còn tra theo sử sách thì có 9 vị. Đây là một con số rất đáng kể. Chẳng thế mà dân gian ở đây vẫn truyền tụng câu:
                   Đồi An Hạ quê ta
                   Có cây đa cả
                   Có mả Tam Khanh
                   Có giành tiến sĩ
                   Có bị cử nhân
                   Có sân tú tài(1)
Trong các gia đình khoa bảng ở Yên Đồng nổi tiếng có gia đình cử nhân Đỗ Huy Cảnh, từ ông đến cháu 3 đời hiển đạt làm quan to trong triều Nguyễn. Chính vì vậy mà đình nguyên Đỗ Huy Liêu đã từng ca ngợi quê hương mình là “văn hiến địa”:
               Nhị giáp thế truyền văn hiến địa
               Thập thôn nhân xuất đáng hưng tài
              ( Hai giáp đời truyền đất này văn hiến
                 Mười thôn sinh ra nhiều bậc anh tài)(2)
c) Yên Đồng – nơi gặp gỡ của nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng:
Là một vùng quê có bề dày lịch sử và văn hóa đồng thời Yên Đồng còn  là nơi người dân có đời sống tâm linh khá đa dạng, phong phú. Từ hệ thống di tích đền, chùa, miếu mạo, nhà thờ tổ của các dòng họ… cho thấy Yên Đồng là nơi hội tụ, tiếp thu và giao lưu biến đổi của nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, từ tín ngưỡng dân gian bản địa đến các yếu tố du nhập.
Thờ cúng tổ tiên, dòng họ là tín ngưỡng phổ biến ở các gia đình và dòng họ Việt Nam, đây cũng là tín ngưỡng nổi trội ở Yên Đồng. Cho đến nay hầu như dòng họ nào ở đây cũng có nhà thờ tổ. Nhiều nhà thờ tổ được con cháu tôn tạo, phục dựng lại khá khang trang bề thế như nhà thờ tổ họ Bùi, nhà thờ tổ họ Đỗ, họ Trần… ở La Ngạn. Điều đáng chú ý là trong hệ thống thờ cúng tổ tiên ở đây, bên cạnh việc thờ phụng các bậc tiền bối là cha mẹ, ông bà, cụ kị… thì việc thờ cúng Bà cô tổ (Tổ cô) và các ông hoàng tại gia (Tổ cậu) được đặc biệt coi trọng, nhất là việc thờ Bà cô tổ. Trong mỗi gia đình thì Bà cô tổ thường được đặt ở một ban độc lập. Còn trong nhà thờ tổ của các dòng họ thì ban thờ Bà cô tổ được đặt phía bên trái ban tổ tiên. Chẳng hạn bài trí trong nhà thờ tổ của họ Bùi ở La Ngạn như sau:
                    Ban Tổ cô                 Ban Tổ tiên                 Ban Tổ cậu
Việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ và thờ Bà cô tổ là tín ngưỡng phổ biến ở mọi gia đình người Việt (Kinh) nói chung. Tuy nhiên, nếu các vị tổ tiên là ông bà, cha mẹ thường được thờ cúng theo bài vị rõ ràng thì Bà cô tổ ở nhiều gia đình thường không được xác định rõ ràng, có khi chỉ được hiểu chung chung là một nữ giới chết trẻ trong dòng họ, khi kêu cầu thì gọi là “Bà cô tổ”. Trong dân gian có nhiều cách lý giải khác nhau về tục thờ Bà cô tổ nhưng đều thống nhất ở chỗ: Đó là vong nữ giới chết trẻ hoặc bất hạnh không chồng con, do quyến luyến gia đình dòng họ nên sau khi chết rất thiêng và chưa đi đầu thai mà ở lại giúp con cháu trong nhà. Bà cô tổ có trách nhiệm đặc biệt lo cho con cháu nhỏ trong gia đình khỏi bị tà ma quấy nhiễu hoặc bị tai nạn chết khi nhỏ. Về sau chắc mọi người thấy các "Bà cô tổ" thường thiêng nên xin cả về làm ăn buôn bán, giải hạn...(1)
Qua sự bài trí cho thấy Bà cô tổ có vị thế khá quan trọng trong hệ thống thờ cúng tổ tiên ở Yên Đồng. Sở dĩ chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thờ Bà cô tổ ở đây vì nó ít nhiều có liên quan đến tục thờ Mẫu mà dưới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập thêm. Nó còn đặc biệt thú vị vì trong nhà thờ tổ của họ Phạm ở La Ngạn – tương truyền là quê nội của Mẫu Phủ Nấp cũng có một ban riêng thờ Bà cô tổ và một cụ bà họ Phạm có nói với chúng tôi rằng: “Mẫu Phủ Nấp là Bà cô tổ của họ Phạm chúng tôi”. Hơn nữa, nghe nói dòng họ Phạm ở Hải Dương có gia phả lưu lại từ  năm 1430 cũng có tuyên bố  rằng Mẫu Phủ Nấp là Bà cô tổ của họ!
Có thể nhận thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Yên Đồng ít nhiều đã được quy củ và bài bản về lễ thức. Với một vùng quê văn vật có nhiều người thi cử đỗ đạt thì việc coi trọng lễ giáo cũng như việc tôn vinh dòng họ cũng là lẽ thường tình. Nó đã góp phần quy củ hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà ngày nay đang có xu hướng phục hồi và phát triển.
Cũng như nhiều làng quê khác, thờ Thành hoàng là một tín ngưỡng cộng đồng khá đậm nét ở Yên Đồng. Như trên đã trình bày, cả 5 thôn trước đây của Yên Đồng đều có đình thờ Thành hoàng. Các vị thần ở đây hầu hết đều là các nhân thần gồm các nhân vật lịch sử có công lao với đất nước như Phùng Hưng (đình Nấp), Trần Khánh Dư (đình Vọng) hoặc là các nhân vật lịch sử của địa phương, có tên tuổi, cha sinh mẹ đẻ, có năm sinh năm mất, có công tích cụ thể như hai anh em Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Định (đình Tràn), như ông Nguyễn Công Bạch (đình Nhuế) và các ông Bùi Đại Liệu, Lê Vĩnh Lộc, Nguyễn Hưng (đình Gon). Sự có mặt của hệ thống đình làng cùng với tục thờ Thành hoàng cho thấy đây là nơi hội tụ của các phong tục lễ hội và nơi giao lưu của các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mang đậm nét của một làng quê đồng bằng Bắc bộ. Đó là sự kết hợp của tín ngưỡng bản địa (tục thờ Thổ thần) với các yếu tố Nho giáo được du nhập thông qua thể chế của nhà nước phong kiến. Hiện nay các lễ hội đình làng đã và đang được phục hồi ở hầu khắp các thôn.
Theo chiều dài lịch sử thì đây còn là vùng đất có sự gặp mặt của nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Phật, đạo Giáo, đạo Thiên Chúa…
Đạo Phật du nhập vào vùng đất này từ rất sớm. Toàn xã hiện có 8 ngôi chùa, trong đó chùa Trung La Ngạn được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước.  Ngoài ra ở đây có Phúc Lâm Tự là ngôi chùa có từ thời Lý, đến thời Lê được tôn tạo, mở rộng hàng trăm gian để làm nơi sinh hoạt cho các phật tử trong toàn vùng, năm 1950 chùa mới bị dỡ bỏ. Hiện ở làng Đồi còn dấu vết giếng khơi, khu vực đất chùa còn 14 ngọn am, tháp và vết tích xưa của chùa. Theo kết quả điều tra dân số đầu năm 1999 thì Yên Đồng có khoảng 80% dân số tự nhận mình là tín đồ đạo Phật.(1)

Đạo Thiên Chúa du nhập vào Yên Đồng khoảng giữa thế kỷ XIX. Theo thống kê của UBND xã Yên Đồng thì năm 2005 toàn xã có 3140 hộ, trong đó số hộ theo đạo Thiên chúa là 697 hộ, chiếm 22% dân số toàn xã.  Hiện xã có một nhà thờ lớn và ba nhà thờ đạo lẻ đều tập trung ở Vỉ Nhuế là thôn có phủ thờ Mẫu, đồng thời cũng là thôn có tới 92% người dân theo Công giáo. Đây cũng là một nét riêng trong tục thờ Mẫu ở Yên Đồng.
Là một vùng quê có truyền thống khoa cử nên Nho học cũng để lại nơi đây những dấu ấn đậm nét. Trước đây nhiều làng ở đây đều có miếu thờ Khổng Tử. Thôn An Trung có đình Văn Từ do huyện Đại An xây dựng, hàng năm đến kỳ thi các Nho sinh toàn huyện đến dâng hương. Còn làng La Ngạn có ngôi đình khá kiên cố gọi là “Giao Hiếu đình” vốn là nơi các khóa sinh đến tập bài, thi thử trước khi thi hương.(1)
Với một vài phác thảo như vậy cho thấy Yên Đồng là một vùng quê có không gian văn hóa xã hội và đời sống tâm linh khá đặc biệt. Đó chính là một trong những yếu tố để Yên Đồng trở thành một trong những cái nôi của sự phát sinh, hình thành và biến đổi của tục thờ Mẫu – một hình thức Đạo giáo dân gian của người Việt ở châu thổ Bắc bộ.    
II. BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ SỰ PHÁT SINH, HÌNH THÀNH VÀ BIẾN ĐỔI TỤC THỜ MẪU Ở YÊN ĐỒNG
Dường như câu chuyện về sự giáng sinh của Mẫu Liễu Hạnh gắn với di tích phủ Nấp đã trở nên quen thuộc với người dân ở khu vực này. Tuy nhiên từ nhiều lý do mà sự tích Mẫu Liễu giáng sinh ở phủ Dày lại được người đời biết đến nhiều hơn là ở phủ Nấp. Dưới đây là những lý giải ban đầu của chúng tôi liên quan đến sự phát sinh, hình thành và biến đổi của tục thờ Mẫu ở Yên Đồng.
a) Hành trạng của Mẫu ở Yên Đồng
Trước tiên chúng tôi muốn tập trung trả lời cho câu hỏi: Có hay không có một nhân vật nữ có thật ở Yên Đồng để sau bao thời gian và năm tháng đã làm nên huyền thoại trong dân gian về sự giáng sinh đầu tiên của Mẫu ở Yên Đồng?
Như chúng ta được biết thì sự tích Mẫu Liễu giáng sinh ở phủ Nấp được truyền lại ngày nay chủ yếu thông qua truyền thuyết dân gian địa phương và qua các tư liệu Hán Nôm như câu đối, thơ giáng bút, các văn bản chữ Hán của các nhân sĩ. Có lẽ tài liệu sớm nhất về Mẫu được biên soạn lưu truyền đến nay là  Quảng cung linh từ phả ký do tiến sĩ Vũ Huy Trác phụng soạn năm 1781, sau này có Cát thiên tam thế thực lục, bản khắc gỗ ở phủ Nấp do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển soạn năm 1913…
Từ các tài liệu nói trên, cùng với sự hiện diện của hệ thống đền phủ và lễ hội có gắn với những truyền thuyết dân gian lưu truyền tại địa phương đã cho phép chúng tôi đoán định rằng trước khi được tôn xưng là Mẫu nghi thiên hạ thì Mẫu đã từng là một nhân vật nữ có thật ở địa phương mà từ đây chúng tôi tạm gọi là Cô  họ Phạm.
Cô họ Phạm xuất thân trong một gia đình thuộc hàng hào phú ở địa phương, cha họ Phạm, mẹ họ Đoàn, đây là một thông tin khá thống nhất trong các tài liệu. Ông họ Phạm làm nghề buôn bán tre gỗ, lấy vợ và định cư ở Nhuế Duệ quê vợ. Có gia sản nhưng hiếm muộn nên chắc hẳn vợ chồng ông rất tích cực làm từ thiện và đi chùa cầu tự. Cô họ Phạm ra đời khi ông bà bước sang tuổi tứ tuần được coi là kết quả của lòng thành cầu nguyện (chi tiết cho thấy sự ra đời khác biệt của Cô họ Phạm). Xét trong bối cảnh nông thôn và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ thì việc ông họ Phạm không có con trai nối dõi tông đường và trông coi hương hỏa cũng là một mối lo âu lớn nếu không nói là bất hạnh. Hơn nữa, một số chi tiết còn cho thấy có thể do nhà họ Đoàn không có con trai, vợ ông họ Đoàn cũng là con một mà ông họ Phạm đã đến nhà họ Đoàn để ở rể.(1)Đây có thể là một căn nguyên khiến Cô họ Phạm vì hiếu thuận mà ở nhà chăm sóc cha mẹ không đi lấy chồng. Bản phả ký của tiến sĩ Vũ Huy Trác(2)
có chi tiết nói khi cô 15 tuổi có nhiều người đến hỏi nhưng đều khước từ và bảo bố mẹ “nên sớm xin ông bác cho con trai thứ 6 sau này về đây lo việc khói nhang, không việc gì phải lo nhiều” và có chi tiết mô tả sau khi mẹ mất “…cô lúng túng bàn gọi các cụ già trong thôn về tìm con ông bác ruột đến lo hộ” đã nói lên hoàn cảnh neo đơn của gia đình Cô họ Phạm. Sau khi cha mẹ mất, cải táng cho bố mẹ xong cô đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền của vào làm việc công đức. Phả ký ghi lại khá chi tiết những việc cô làm theo trình tự thời gian như sau: Năm 35 tuổi giúp dân đắp đê ngăn nước, trên từ phía phải núi Tiên Sơn, dưới đến trại Tịch Nhi làm 15 tòa cầu đá, khơi nguồn dẫn nước tưới tiêu, khẩn ven sông, giúp dân bần bệnh tiền bạc, sửa chữa chùa chiền, cấp lương cho các vị hương sư giúp các cháu nhà nghèo học tập. Năm 36 tuổi dựng chùa Kim Thoa tự ở ngã ba bờ sông Đồi, trên thờ Nam Hải Quan Thế Âm, dưới thờ thân phụ mẫu. Hai năm sau tu sửa chùa Sơn Trương – Ý Yên, chùa Long Sơn – Duy Tiên, chùa Thiện Thành ở Đồn Xá, Bình Lục, chiêu dân tái lập làng xã ở Đồn Xá. Tháng chín năm 1472 thì cô trở về quê gặp mặt các anh chị em con bác, đem tiền bạc trong nhà tu sửa đền thờ tổ họ Phạm, nội tẩm 3 gian, trung đường 5 gian, cách một cái sân nhỏ đến bái đường 5 gian, ngoài ra còn có dãy hành lang tả hữu.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm mà Cô họ Phạm đã làm được rất nhiều việc hữu ích cho gia đình, dòng họ và xã hội. Đây là cách làm phổ biến của các nhân vật nữ có hoàn cảnh éo le mà ta vẫn thường bắt gặp ở các địa phương khác. Chẳng hạn trường hợp các bà phi vì không có con cái mà về quê sung tiền bạc để xây dựng đền chùa làm nơi thờ tự sau khi chết là khá phổ biến. Trường hợp cô công chúa Tĩnh Huệ con tướng Phạm Ngũ Lão ở làng Phù Ủng (Hưng Yên) là một ví dụ. Truyền rằng do không con cái nên bà đã về quê xây chùa, khi chết dân chúng lập miếu thờ, hàng năm vào dịp mở hội có rước kiệu về đình thờ vua cha Phạm Ngũ Lão.
Theo tác giả Vũ Huy Trác cho biết thì các tư liệu ông dùng để soạn bản phả ký là lấy trong gia phả họ Phạm, họ Đoàn và Quảng Cung từ chí. Thời điểm ông viết phả ký là vào năm 1781, cách năm Mẫu mất khoảng 300 năm. Đây là một quãng thời gian quá dài để có thể kiểm chứng các tư liệu. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là ở chỗ tác giả đã dựa vào gia phả của hai dòng họ Phạm và Đoàn để biên soạn.Với một vùng quê văn vật, coi trọng Nho học và dòng họ thì việc có một bản gia phả họ Phạm và họ Đoàn  bảo lưu từ thế kỷ XV sang thế kỷ XVIII là một điều có thể tin được. Đây là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu về Mẫu có thể tiếp tục tìm hiểu và làm rõ thêm.
Như vậy, nhiều chi tiết cho thấy Cô họ Phạm là một nhân vật nữ có thật ở địa phương. Đó là một cô gái con gái con độc trong một gia đình có gia sản, do có nhiều công đức với địa phương mà sau khi mất cô đã được dân làng thờ tự. Việc thờ tự cô lúc đầu có lẽ cũng giống như việc thờ hậu các nhân vật có công lao với địa phương. Lễ hội Phủ Nấp truyền thống từ xưa đã  có tục rước kiệu Mẫu về La Ngạn bái yết tổ tiên. Đây cũng là một chi tiết khẳng định thêm việc Mẫu có hai quê nội (La Ngạn) và ngoại (Vỉ Nhuế) như dân gian truyền tụng.
Nếu so với các nhân vật khác cùng thời được thờ phụng ở địa phương như nhị vị đại vương Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Định ở đình Tràn, tướng quân Nguyễn Công Bạch ở đình Nhuế, Tam vị đại vương Bùi Đại Liệu, Lê Vĩnh Lộc, Nguyễn Hưng thì thành tích và công trạng của Cô họ Phạm thực ra cũng không có gì thật đặc biệt. Vậy thì tại sao với thân phận nữ nhi thường tình, gia cảnh éo le vậy mà Cô họ Phạm không những được dân chúng tôn sùng thờ tự như một vị Thành hoàng mà danh tiếng còn vượt ra khỏi khuôn khổ làng xã của mình để cuối cùng được tôn vinh là Mẫu nghi thiên hạ trong khi cô chưa hề một lần làm vợ, làm mẹ? Đây là một câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề thuộc về bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội mà dưới đây chúng tôi sẽ thử tìm hiểu và lý giải.         
Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên hình tượng Mẫu chính là quá trình thiêng hóa một nhân vật có thực ở địa phương. Với thân phận là con cầu tự, không chồng con, cộng với huyền thoại là con Thượng Đế phụng mệnh giáng trần thì có thể nói cô đã là một nhân vật có gia cảnh khác người ngay từ khi còn sống. Tuy các tư liệu không nói rõ nhưng chúng tôi ngờ rằng với thân phận như vậy thì nếu không phải là người có căn quả ngồi đồng thì cô cũng là một đệ tử trung thành của Phật giáo theo tiếng gọi của tâm linh mà đi làm việc thiện. Có một chi tiết đáng chú ý trong phả ký là sau khi dựng xong ngôi chùa “Kim Thoa tự” thì cô mới biết mình là con gái thứ hai của Thượng Đế. Phải chăng sự nhận biết này chính là được thông qua những giá đồng?
Sự thiêng hóa về cô chắc hẳn còn được tiếp tục ngay sau khi cô mất đi và được phát triển, bồi đắp bởi sức sống của truyền thuyết dân gian. Trong thực tế thì cho đến nay các truyền thuyết dân gian về Mẫu ở đây vẫn tiếp tục được thêu dệt, truyền tụng và bổ sung thêm theo thời gian và năm tháng. Đó có thể là những điềm mộng triệu, là những bài giáng bút, là sự hiện diện của những con vật “thiêng” như bướm, rắn (Hoàng xà)…Đặc biệt đó còn là sự linh ứng của những lời cầu khấn. Giống như nhiều làng quê khác, vào các thế kỷ XV,  XVI đời sống của người dân Yên Đồng có lẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi nghèo nàn, lạc hậu và ốm đau bệnh tật. Tương truyền Mẫu thiêng nhất là ở việc trị bệnh. Bởi vậy mà việc chữa bệnh bằng tàn hương nước thải, bằng các bài thuốc qua lời sấm dạy của Mẫu cho đến nay vẫn được tin dùng ở phủ Nấp. Tại phủ Trung nơi quê nội của Ngài hiện người ta vẫn tin rằng chỉ với một vài chiếc lá cây vặt ở quanh phủ là có thể chữa được một số bệnh bằng mẹo cho trẻ con! Trong thực tế, sau bao thăng trầm ngôi phủ lại được xây dựng nguy nga, bề thế được như ngày nay cũng chính là  bởi nó được bắt đầu từ những điềm báo, mộng triệu và những sự linh nghiệm rất khó lý giải được.
Như vậy, so với các nhân vật khác được thờ tự ở địa phương thì lai lịch xuất thân cũng như hành trạng của Cô họ Phạm đã có sự kỳ ảo hơn rất nhiều.
Tuy vậy, để uy danh của Mẫu lẫy lừng ra thiên hạ còn phải kể đến công lao đóng góp của nhiều thế hệ các danh sĩ, quan lại địa phương – là những người hoặc là có tiền của, hoặc là có thế lực và chữ nghĩa. Đền thiêng tất sẽ được nhiều người biết đến. Chúng tôi cho rằng nhờ có những linh ứng kỳ lạ mà Mẫu đã thu hút được sự quan tâm của cả các bậc chức sắc, danh sĩ ở địa phương và khu vực. Với một vùng quê là trung tâm của khoa cử, nơi có nhiều người đỗ đạt làm quan thì đây chắc hẳn cũng là nơi qua lại gặp gỡ của nhiều nhân vật có thế lực trong khu vực. Tâm thành cầu nguyện, sau khi được Mẫu linh ứng phù hộ, để trả ơn Mẫu người ta thường công đức lại bằng cách góp tiền đúc tượng hoặc xây dựng sửa sang lại khang trang đền phủ – đây cũng là cách làm phổ biến xưa nay. Qua các nguồn tư liệu để lại cho thấy các vị quan lại, chức sắc qua các đời đều có rất nhiều đóng góp cho việc tu sửa nơi thờ tự Mẫu, thậm chí còn có truyền thuyết kể rằng vua Khải Định hiếm hoi nhờ cầu tự ở phủ Nấp mà đã sinh được người con kế vị là Bảo Đại, do vậy mà vị vua này đã ban rất nhiều sắc phong cho Mẫu phủ Nấp! Theo chúng tôi tầng lớp này (vua quan, danh sĩ) đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc mở mang và phát triển tục thờ Mẫu mà dưới đây chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thêm. Có một giai thoại ở đây kể rằng làng La Ngạn xưa có một bà cung nữ (chưa rõ tên tuổi) không con cái muốn phát tâm xây đình An Hạ nhưng do làng có nhiều người làm quan vì không muốn chấp nhận công đức của bà nên đã bảo nhau: “Làng này thiếu gì người tài mà phải nhờ đến tiền của con điếm để xây đình”. Bà chúa nọ giận nên đã kéo xuống xây chùa ở An Hạ! Trích dẫn này cho thấy trong xã hội phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ, lại giữa một vùng quê nhiều bậc túc nho như vậy thì chắc hẳn Mẫu phải hết sức siêu phàm thì mới được tồn tại và tôn vinh như vậy. Trong thực tế có thể thấy ở Cô họ Phạm – tiền thân của Mẫu đã hội đủ những phẩm chất quan trọng sau đây:
Duy hiếu duy trinh + Có tâm đức, có công với quê hương + Nguồn gốc siêu phàm (người tiên) + thiêng và linh ứng
b) Việc thờ phụng Mẫu và quy mô đền phủ qua các thời kỳ
Bản phả ký của tác giả Vũ Huy Trác cho biết tính đến thời điểm năm 1781 thì đền Quảng Cung đã có 23 đạo sắc, đạo sắc sớm nhất là vào niên hiệu Hoàng Định năm đầu (1601). Cứ tạm cho rằng đây là một thông tin chính xác thì thời điểm Mẫu được sắc phong lần đầu cũng sau năm Cô họ Phạm qua đời (năm 1473) là 128 năm và trước năm ông Vũ Huy Trác viết phả ký là 180 năm. Đó là một quãng thời gian khá dài để hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Yên Đồng gắn với nhân vật Cô họ Phạm. Từ những thông tin bước đầu còn rất ít ỏi, chúng tôi tạm đưa ra những đoán định như sau về việc thờ tự cũng như quy mô thờ tự Mẫu theo chiều lịch đại:
Thời gian từ 1473- 1601: Trước hết việc thờ tự Cô họ Phạm có thể được bắt đầu ngay sau khi cô mất (1473) nhưng quy mô đơn giản và phạm vi chủ yếu là trong dòng họ và thân tộc là chính. Nếu đúng như truyền thuyết và như bản phả ký nói thì nơi thờ tự cô đặt ngay trong vị trí ngôi nhà của cha mẹ cô. Nếu xét theo logic thì do không chồng con nên mới đầu cô cũng chỉ được thờ tự như một Bà cô trong dòng họ Phạm. Tuy nhiên, sau khi cô mất đi do nhà họ Phạm không có ai thừa kế nên ngôi nhà (có thể là rất bề thế) của cô đã bị bỏ không, bên cạnh ban thờ ông bà Phạm thì con cháu trong họ có lập thêm ban thờ Cô họ Phạm với tư cách là một Bà cô rồi sau là Tổ cô. Do có những công lao đóng góp cho gia đình, dòng họ và làng xóm – có thể có cả việc đóng ruộng hậu như cách nhiều người thường làm mà việc thờ tự cô và cha mẹ cô được thực hiện rất chu đáo. Qua thời gian ngôi nhà cũ của cô cũng bị tàn phá, do sự linh ứng kỳ lạ của cô – với tư cách là Tiên Chúa mà dân làng đã xây dựng lại nơi thờ mới cho cô trên nền nhà cũ của gia đình họ Phạm. Điều này phù hợp với mô tả trong phả ký “sau khi Tiên Chúa đi rồi, mọi người trong phường liền đổi nơi cũ thành hai ngôi đền, một ngôi thờ Tiên Chúa, một ngôi thờ song thân của người và thờ vọng tổ, cùng với nhà thờ tổ xã Trần Xá (tức đình Nấp thờ Phùng Hưng - NTY), ba ngôi gần nhau, gỗ lớn ngói rực rỡ bề thế…”. Có lẽ vì ông họ Phạm được thừa kế gia sản nhà vợ (họ Đoàn) mà nơi thờ song thân của Cô họ Phạm cũng là nơi thờ tổ họ Đoàn. Phả ký có nói thêm về điều này như sau: “…từ khi Tiên Chúa mất đi, dân địa phương mới đổi (đền thờ tổ họ Đoàn – NTY) thành nơi thờ Tiên Chúa ở dưới, còn bên trên thờ tổ họ Đoàn”. Hiện nhà thờ tổ họ Đoàn vẫn nằm cạnh khu di tích phủ Nấp. Như vậy rõ ràng là ở đây đã có sự bóc tách từ tín ngưỡng thờ Bà cô tổ trong tục thờ cúng tổ tiên của một dòng họ (họ Phạm và họ Đoàn) ra thành tục thờ Tiên Chúa – Mẫu bên cạnh tục thờ tổ làng – tục thờ Thành hoàng của làng xóm. Có thể thấy ở đây vị thế linh thiêng của Mẫu trong làng xóm cũng giống như vị thế linh thiêng của Bà cô tổ trong gia đình và dòng họ.
Chính nhờ có sự linh ứng đáp ứng các nguyện vọng và nhu cầu đời thường của người dân (tài, lộc, chữa bệnh, cầu tự…) mà vị thế của Mẫu ngày càng được nâng cao trong làng xã, cuối cùng được tôn làm phúc thần, được nhận được sắc phong của nhà vua. Tạm thời lấy mốc năm 1601 là năm Mẫu được sắc phong thì quãng thời gian để từ Cô họ Phạm từ một Bà cô tổ họ Phạm được tôn vinh là Tiên Chúa – Mẫu là trên một trăm năm. Quãng thời gian đó đủ để Mẫu chứng minh công đức và hình thành nên trong dân chúng nơi đây một tâm thức về sự thờ cúng Mẫu giống như là một sự phát triển tục thờ Tổ cô trong dòng họ. Chúng tôi đoán định rằng rất có thể lần đón nhận sắc phong lần đầu của Mẫu cũng có gắn với dịp khánh thành tu sửa đền phủ của Mẫu. Để có được sự vinh danh này chắc chắn là phải có sự đóng góp công sức của nhiều danh sĩ, quan lại ở địa phương. Nếu lấy năm 1601 là năm Mẫu ở phủ Nấp được sắc phong so với năm 1578 là năm Mẫu giáng sinh lần hai ở phủ Dày qua đời thì quãng thời gian khá ngắn: 23 năm. Đây cũng là một chi tiết cần lưu ý khi tìm hiểu về sự phát sinh, biến đổi của tục thờ Mẫu theo truyền thuyết “Tam thế luân hồi” đã và đang lưu truyền trong dân gian.
Như vậy, nếu tạm lấy mốc thời gian từ 1473 (năm Cô họ Phạm mất) đến năm 1601(nhận sắc phong lần đầu) thì đây là khoảng thời gian Mẫu được tách từ nhà thờ họ ra thờ riêng, sau đó có thể có những tu sửa nhỏ. Lúc này đã có tượng Mẫu được tạc bằng gỗ mít, quy mô thờ lúc đầu mới chỉ là một ngôi miếu. Có thể coi đây là giai đoạn phát sinh và hình thành tục thờ Mẫu ở Yên Đồng.
Một chi tiết cần lưu ý nữa ở đây là việc Cô họ Phạm về trời đã được truyền tụng giống như kiểu các tiên nữ bay về trời trong truyện cổ tích. Nếu như Cô họ Phạm là có thật bằng xương bằng thịt thì không thể có chuyện vô lý như vậy được. Loại trừ khả năng cho rằng không có Cô họ Phạm thì chắc hẳn đây phải có một ẩn ý nào đó mà truyền thuyết và các tài liệu do các Nho sĩ ghi chép lại đã cố ý tạo nên. Qua một số tư liệu có ý giải thích “Vì mẫu hoá về trời nên không có mộ”(1),
chúng tôi cho rằng đây có thể là một cách giải thích cho nguyên do không có mộ hoặc mất mộ của Cô họ Phạm. Từ những suy luận ở trên về nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh gia đình của Cô họ Phạm, tạm thời chúng tôi có giả thiết như sau: Sau khi Cô họ Phạm qua đời, vì gia đình không còn ai nên lâu ngày mộ phần bị thất lạc. Điều này phù hợp với nhận định của chúng tôi về quá trình chuyển từ việc thờ Cô họ Phạm với tư cách là Bà cô tổ của họ Phạm sang thờ Tiên Chúa là một khoảng thời gian dài, nằm trong khoảng từ 1473 -1601 khi Mẫu được sắc phong lần đầu. Như vậy, rất có thể vấn đề mộ phần của Tiên Chúa cũng đã từng được người đời sau đưa ra thảo luận khi Cô họ Phạm được tôn vinh và để giải thích cho lý do không có mộ mà người ta đã đưa ra truyền thuyết rất khó tin là cô được chư tiên rước về trời!
- Thời gian 1601 - 1781: Đây là thời gian Mẫu nhận được 23 bản sắc phong. Theo như vậy thì việc thờ phụng ngài đã có nhiều thay đổi về quy mô và cách tổ chức. Bản phả ký cho biết “Đền này khi xưa có lệ quốc tế, từ niên hiệu Cảnh Hưng năm đầu (1740) trở đi thì mỗi khi đến ngày kị, quan phủ Nghĩa Hưng vâng mệnh bề trên tế lễ, về sự linh ứng thì hết chỗ nói”. Như vậy có thể coi năm 1740 là một cái mốc quan trọng đánh dấu một bước mới cho việc thờ tự Mẫu, đó là việc chuyển sang quốc tế có sự tham gia của quan đứng đầu địa phương. Rất có thể việc tổ chức lễ hội phủ Nấp với quy mô như ngày nay là được khởi đầu từ cái mốc này.
Quãng thời gian này đền Mẫu được trùng tu sửa chữa với quy mô vừa và nhỏ. Việc này có được ghi lại trong bức văn bia đề niên hiệu Lê triều Cảnh Hưng thứ 22 (1761) - tấm bia này mới được khôi phục lại trong đợt phủ Nấp được xây dựng lại năm 2004.
Theo như phả ký của ông Vũ Huy Trác thì trong khoảng thời gian trước ngày kị mẫu năm 1781 quan bản trấn Thanh Oai là Cao đại nhân đã giúp tiền sửa lại tòa chính tẩm, làm lại tượng phụ mẫu của Mẫu từ tượng gỗ mít ra tượng đồng rồi khuyên giáo thập phương sửa tòa trung đường chi phí tới vài vạn quan tiền. Còn vợ chồng Phạm đại nhân ở Lạng Giang thì cung tiến đúc lại tượng đồng của Thánh Mẫu to hơn tất cả các nơi thờ tự khác. Lễ khánh thành được tiến hành vào ngày kị mồng 2 tháng 3 năm Tân Sửu (1781). Theo ông Vũ Huy Trác thì lần tu sửa này là lớn nhất “Hình dáng này từ xưa cũng chưa từng có”.
Như vậy, trước thời điểm 1781 trong phủ mới có 3 bức tượng, bức tượng Mẫu bằng đồng và hai bức tượng thân phụ mẫu bằng gỗ mít. Từ sau 1781 cả ba tượng đều được đúc bằng đồng. Từ đây có thể suy luận tuy có tu sửa nhưng đến thời điểm này bài trí trong đền Mẫu vẫn còn khá đơn giản: Tượng Mẫu ở giữa, tượng phụ mẫu đặt hai bên. Về cơ bản đây là cách bài trí thờ tự như trong gia đình. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn tục thờ Mẫu đã có sự phát triển nhất định về điện thờ và quy mô tế tự.
Thời gian từ 1858 – 1912: Đây là giai đoạn phủ Nấp được trùng tu và mở rộng quy mô thờ tự, theo đó kéo theo các sinh hoạt tín ngưỡng, chẳng hạn như tục lên đồng. Dưới đây là một số mốc quan trọng:
Văn bia tạc năm Tự Đức thứ 12 (1858) có ghi: Tri phủ huyện Nghĩa Hưng là ông Lê Huy Phan đã cho tôn tạo lại đền phủ to đẹp hơn. Vì vậy có thể lấy mốc năm 1858 là năm phủ Mẫu được tôn tạo mở rộng.
Năm Duy Tân thứ năm (1911) được đánh dấu là năm có sự trùng tu, mở rộng phủ có quy mô lớn nhất, sự kiện này được ghi lại qua câu đối ở phủ:
                Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu
                Duy Tân ngũ tuế xưởng linh từ
           (Năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức (1473) lập miếu thờ
            Năm thứ năm niên hiệu Duy Tân (1911) sửa lại đền thiêng)(1)        -         
Năm 1912: Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển và đốc học Bắc Ninh Trần Xuân Thiều đã cùng tạc văn bia trả ơn Mẫu Liễu, đồng thời cho xây dựng và mở mang thêm cửa phủ.(2)Truyền rằng Đốc học Bắc Ninh có con trai bị bệnh nặng, nhờ cầu cửa Mẫu mà khỏi nên ông đã phát tâm tạ ơn Mẫu.

Chúng tôi cho rằng, cùng với sự lên ngôi của Mẫu ở các nơi thờ tự khác (chẳng hạn như ở phủ Dày) thì ở giai đoạn này việc thờ Mẫu ở Yên Đồng  đã có sự biến đổi về quy mô thần điện. Có lẽ tên gọi “phủ” là xuất hiện ở giai đoạn này thay cho cách gọi miếu, đền trước kia. Lúc này đền thờ có thêm các ban bệ bài trí như sau: Ngoài tiền đường có mũ công đồng, tiếp đến là cung Đệ Tam là ban thờ Công đồng Tứ phủ. Tiếp theo là cung Đệ Nhị gồm 3 ban thờ: Ban chính giữa thờ Đức Vua Cha Ngọc Hoàng, phía bên trái thờ phụ mẫu, phía bên phải thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Trong cùng là cấm cung, nơi đặt tượng đồng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây cũng là giai đoạn có sự đóng góp tích cực của các danh sĩ, quan lại không chỉ ở việc mở mang điện thần mà còn ở các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, chẳng hạn như biên soạn các bài văn chầu, ghi chép và truyền bá các bài thơ giáng bút. Tương truyền tập Cát thiên tam thế thực lục xuất hiện vào năm 1912 là do Mẫu ứng vào ông thủ bằng cách “Đoàn thủ Duyệt lấy ngón tay viết trên mâm gạo”, ông Đào Tiến Tuân là Tam trường dịch và viết ra, sau đó lưu truyền trong nhân dân Vỉ Nhuế.(3)
Liên quan đến vai trò của giới trí thức đối với sự hình thành, phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu là một vấn đề thú vị mà việc khảo cứu các tài liệu Hán cổ, các đạo sắc phong, văn bia,v.v…chắc hẳn sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích.
- Từ 1912 - 1973: Từ sau 1912 không có tư liệu nào nói thêm về việc tu sửa đền phủ. Đây là giai đoạn phủ Mẫu giữ nguyên hiện trạng như được trùng tu năm 1911 như đã miêu tả ở trên cho đến khi bị “hạ giải” năm 1973 - toàn bộ khu di tích phủ Nấp bị phá bỏ, các hiện vật bị mất mát.
- Thời gian từ 1973 – 1993: Thời gian này khu di tích được đào thành “Ao cá Bác Hồ”.
- Từ 1993 đến nay: Đây là thời gian phủ Nấp dần được phục dựng và xây dựng lại được đánh dấu qua một số mốc chính sau đây:
Năm 1993 các phụ lão trong thôn đứng ra xin phép chính quyền địa phương dựng nên ba gian phủ thờ Mẫu nhỏ cạnh hồ nước chỗ cổng phụ ngày nay và giao cho cụ Bùi Xuân Huân thuộc gia đình có nhiều đời làm thủ từ trông coi.
Năm 1996 các cụ quyên tiền công đức lấp được hai sào ao dựng thêm được hai gian nhà khách.
Năm 2002 một tòa phủ nguy nga được thiết kế theo phong cách hiện đại với hai cung Đệ Nhất và Đệ Nhị đã được khánh thành vào ngày 20 tháng 6 năm 2002 là kết quả nỗ lực của bà thủ nhang Trần Thị Vân và các cụ phụ lão trong ban kiến thiết.
Từ đó đến nay việc xây dựng mở rộng khu di tích vẫn đang được tiếp tục. Cùng với sự phục hồi ngôi phủ thì các sinh hoạt tín ngưỡng xung quanh ngôi phủ cũng được phục hồi. Liên quan đến việc phục dựng, kiến thiết lại ngôi phủ này đã có vô số các câu chuyện ly kỳ và huyền ảo, từ chuyện những người phá phủ bị trừng phạt đến chuyện các cụ phụ lão trong làng (như cụ Đào Tiến Diện) và bà Trần Thị Vân ở thành phố Nam Định nhận được điềm báo và báo mộng phải khôi phục phủ…Điều đó càng khẳng định thêm cho sự linh thiêng kỳ lạ của ngôi đền mà sau biết bao thăng trầm vẫn  tiếp tục được truyền tụng trong dân chúng.
Như vậy, tục thờ Mẫu ở Yên Đồng được phát sinh, hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian lâu dài, tuy có lúc ngắt đoạn (vào thời gian gần đây) nhưng cuối cùng thì vẫn được phục hồi. Đó là quá trình đi từ tục thờ cúng Tổ cô trong gia đình chuyển sang thờ Tiên chúa rồi thờ Mẫu mà cùng với nó là sự mở rộng và phát triển quy mô đền phủ cũng như các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng liên quan.
III. THAY LỜI KẾT LUẬN
Trên đây là những phác thảo ban đầu về tục thờ Mẫu nhìn từ góc độ  không gian văn hóa xã hội ở Yên Đồng. Để đi đến một cái nhìn toàn diện, cặn kẽ hơn về vấn đề này đòi hỏi cần có thời gian và sự bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu và phân tích trên nhiều bình diện văn hóa xã hội khác nhau. Chẳng hạn như sự kiểm chứng với nguồn tư liệu thành văn qua hệ thống bằng sắc, gia phả các dòng họ, bia ký…; xem xét sự tác động cũng như vai trò của tầng lớp trí thức vào việc mở mang phát triển tục thờ Mẫu qua các thời kỳ; mối liên quan giữa tục thờ Mẫu ở Yên Đồng với thờ Mẫu ở các địa phương khác; những vấn đề liên quan đến “Tam thế luân hồi” và việc giáng sinh ba lần của Mẫu…Đây là công việc lâu dài đòi hỏi sự đóng góp công sức của nhiều người mà bài viết này mới chỉ xuất phát từ một góc nhìn nhỏ.   
                                                                               N.T.Y
                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH ở khu dân cư” và 5 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, 1995 -2005, Ban chỉ đạo cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư xã Yên Đồng”, 2005.
2. Bản báo cáo tổng kết về công tác văn hóa thông tin & thể thao xã Yên Đồng, Ban Văn hóa thông tin Yên Đồng, 2009.
3.Nguyễn Văn Bắc trong Góp phần tìm hiểu lịch sử phủ Quảng Cung thôn Vỉ Nhuế- xã Yên Đồng – huyện Ý Yên – tỉnh Nam Định, Khóa luận tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Lịch sử văn hóa, khoa Lịch sử, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2004.
4.Cát thiên tam thế thực lục, Hoàng Nam Duy Tân, Quý Sửu trọng xuân phụng thuyên Quảng Cung Tiên Chúa linh từ tàng bản, Bản phiên dịch do cụ Đỗ Huy Vinh thực hiện.
5. Di tích lịch sử văn hóa phủ Quảng cung Vỉ Nhuế, Ban quản lý di tích phủ Quảng Cung, 2007.
6. Đệ nhất giáng sinh Quảng Cung phủ Nấp Yên Đồng – Ý Yên – Nam Định, tài liệu đánh máy do thầy giáo Đoàn Xuân Phiên biên soạn.
7. Địa danh Yên Đồng xưa và nay, Tài liệu đánh máy do thầy giáo Đoàn Xuân Phiên người địa phương biên soạn cung cấp.
8. Địa chí Nam Định, Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Nxb Chính trị quốc gia, 2003.
9. Kinh thánh Mẫu Sòng Sơn, nhà in Thanh Bình, 1952.
10. Website Diễn đàn văn hóa phương Đông:          
                                     http://www.vanhoaphuongdong.com
 
 
        


(1) Phần này ngoài tư liệu điền dã ở địa phương còn tham khảo thêm tài liệu Địa danh Yên Đồng xưa và nay do thầy giáo Đoàn Xuân Phiên người địa phương biên soạn cung cấp.
 
 
[1] Theo thầy giáo Đoàn Xuân Phiên thì Yên Đồng có tới 91 cửa họ.
(1) Trong 6 đình là đình Nấp, đình Vọng, đình Tràn, đình Nhuế, đình Gon và đình Đáy thì riêng đình Đáy chưa rõ thờ vị thần nào.
(1) Cũng có thuyết nói rằng chùa này là do vua Lý Nhân Tông xây dựng, lý do xây dựng tương tự như câu chuyện kể ở trên.
(2) Bài thơ có nội dung như sau:
Vẹn phúc toàn danh được mấy người
Nguyễn Công Vỉ Nhuế xóm sông thôi
Sách binh đánh giặc siêng vì nước
Thuốc chữa cho quân nghiệp nối đời
Ý giúp nghèo hèn không mấy kẻ
Dạy nên hòa hiếu chẳng riêng ai
Nhớ ơn hương khói theo nền cũ
                            Khuyên nhủ đàn sau gắng học đòi.
(1) Nay dân gian còn thêm một câu nữa vào cuối là: “…Có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
(2) Theo Nguyễn Văn Bắc trong Góp phần tìm hiểu lịch sử phủ Quảng Cung thôn Vỉ Nhuế- xã Yên Đồng – huyện Ý Yên – tỉnh Nam Định, Khóa luận tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Lịch sử văn hóa, khoa Lịch sử, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2004. 
(1) Theo http://www.vanhoaphuongdong.com
(1) Theo Nguyễn Văn Bắc, Tài liệu đã dẫn, tr.9.
(1) Theo Nguyễn Văn Bắc, Tài liệu đã dẫn, tr.10.
 
(1) Trong dân gian có thuyết nói vị trí phủ Nấp xưa kia là nhà của mẫu nhưng cũng có thuyết nói đây là nơi thờ tổ họ Đoàn, sau khi mẫu mất dân chúng lập làm nơi thờ mẫu và song thân của ngài. 
(2) Theo bản dịch trong tài liệu đã dẫn của Nguyễn Văn Bắc (tác giả không chú thích là ai dịch).
(1) Trong tập Kinh thánh Mẫu Sòng Sơn, nhà in Thanh Bình, 1952, tr.17 có chú giải về việc Tiên Chúa về trời sau khi giáng sinh lần thứ nhất như sau: “Đức – Tiên – Chúa giáng sinh lần thứ nhứt đủ hạn bốn mươi năm, tự nhiên gió rung cây ngã, có đám mây ngũ sắc hạ xuống giữa sân đã có loan xa chực sẵn, khi đó Đức – Tiên – Chúa ngự lên đám mây từ từ bay về Thiềm – cung, nên không có mồ mả như người thường, đó là Đức – Tiên- Chúa tự xuống, hết hạn dưới trần gian, chư Tiên rước về.”
(1) và (2) Dẫn theo Nguyễn Văn Bắc, tài liệu đã dẫn.
 
(3) Có người nói rằng Cát thiên Tam thế thực lục là do Tổng đốc Nam Định Trần Xuân Thiều và Đốc học Đoàn Triển biên soạn in 90 bản vào năm 1913.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530133

Hôm nay

25

Hôm qua

2297

Tuần này

2302

Tháng này

216829

Tháng qua

0

Tất cả

114530133