Nhìn ra thế giới

Thảm họa của Nhật Bản, cơ hội cho Trung Quốc

Liệu hải quân Trung Quốc, lâu nay vẫn bị kìm chân bởi một liên minh do Mỹ dẫn đầu, giờ sẽ sử dụng hoạt động nhân đạo để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực?

Tháng 8 năm ngoái, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố tập trận chung với Hạm đội 7 của Mỹ. “Chúng tôi sẽ cho Trung Quốc thấy rằng Nhật Bản có ý chí và khả năng bảo vệ quần đảo Nansei (âm Hán Việt: Tây Nam Chư Đảo – ND). Cuộc tập trận này sẽ làm Trung Quốc thoái chí”. Trên danh nghĩa, hoạt động tập trận chung giữa hai lực lượng hải quân biển xanh (blue-water navy, nghĩa là hải quân viễn dương – ND) lớn nhất thế giới chẳng có liên quan gì đến Trung Quốc. Nhưng lời bình luận xấc xược của vị quan chức Nhật nọ phản ánh những nỗ lực ngày càng tăng, do Mỹ dẫn dắt, nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của hải quân Trung Quốc. Vài tuần sau cuộc tập trận, xích mích giữa một Trung Quốc mở rộng hải quân và một Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ, với việc Nhật Bản bắt một tàu đánh cá Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp. Xích mích sau đó đã tiến triển thành một trong những vụ căng thẳng ngoại giao đáng sợ nhất, ngày càng xuất hiện nhiều trong quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc.

Năm qua, Mỹ đã khai thác căng thẳng này để kích động phần còn lại của Đông Á chống lại Trung Quốc, dưới sự quản lý của Mỹ – một hình thức can thiệp được áp dụng chủ yếu ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Mới cách đây hai ngày (tức là 9-3-2011 – ND), Nhật Bản cùng Việt Nam và Philippines chính thức phản đối những nỗ lực ngày một hung hãn của Trung Quốc nhằm trình diễn sức mạnh hải quân ở Biển Đông, mà gần đây nhất là việc họ triển khai trực thăng đến quấy rối một tàu khu trục của Nhật Bản. Hôm nay, hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị đổ vào Biển Đông, nhằm hướng Nhật Bản, vì một mục đích nghe có vẻ khác hẳn với sự thật đằng sau nó: hoạt động nhân đạo và cung cấp viện trợ tái thiết cho Nhật Bản, đất nước đang quay cuồng sau thảm họa động đất và trận sóng thần ngay sau đó.

Không rõ liệu Nhật Bản có chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc không; với lực lượng phòng vệ quốc gia và lực lượng quân đội hùng hậu của Mỹ hiện diện tại Nhật (sẽ sớm được bổ sung bởi các tàu sân bay USS Essex, USS Blue Ridge và USS Tortuga, đều đang trên đường tới Nhật), thì có thể họ không cần đến Trung Quốc. Nhưng chẳng thể biết điều gì sẽ xảy ra trong 24 giờ tới. Thiên tai và hậu quả của nó là cái không dự đoán được; cho đến giờ phút này, 6.000 người dân Fukushima đã được sơ tán, đề phòng nhà máy điện hạt nhân gần đó có thể rò rỉ phóng xạ.

Nếu dân chúng Nhật Bản cần được sơ tán khẩn trương, hoặc nếu cần triển khai nhiều nhân viên cứu hộ hơn, địa hình độc nhất vô nhị của Nhật Bản cho thấy rằng cách tốt nhất để di chuyển mau chóng một lượng lớn người là sử dụng tàu quân sự đổ bộ. Nhưng khả năng đổ bộ của Hải quân Mỹ hiện tại không phải ở mức cao nhất. Việc cắt giảm ngân sách của những chương trình đổ bộ, một thập kỷ tập trung vào hàng không mẫu hạm và các công cụ hải quân khác có thể ứng dụng ngay ở Iraq và Afghanistan, cùng nhiều năm trì hoãn nâng cấp hạm đội hải quân đánh bộ già cỗi, tất cả những cái đó đã khiến năng lực vận tải ra vào cảng nhanh chóng của Mỹ hiện giờ ở trình độ thấp nhất. Còn Trung Quốc có một hạm đội tàu đổ bộ ngày càng mạnh, lại trẻ trung, ở gần, và sẵn sàng triển khai ngay khi có thông báo. Thậm chí ngay cả khi không đổ bộ, hải quân hùng mạnh của Trung Quốc và sự gần kề của họ với Nhật Bản cho thấy, nếu Nhật Bản rơi vào tình thế tuyệt vọng, sự đối lập về mặt chính trị và văn hóa của Nhật với Trung Quốc có lẽ cũng không đủ để ngăn họ chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ phía Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc có thể tham gia vào các hoạt động nhân đạo của Nhật Bản sau động đất, khi đó tất nhiên bất cứ việc gì có thể cứu dân và góp phần tái thiết đều là điều tốt mà các chính trị gia Nhật cũng như Mỹ không thể ngăn cản, mà như thế là đúng. Song rất cần phải hiểu rõ sự thay đổi nhỏ nhưng quan trọng mà điều ấy sẽ mang đến cho thế cân băng quyền lực tinh tế ở Đông Á. Trong năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng thể hiện ảnh hưởng to lớn hơn ở vùng biển xung quanh, bằng sức mạnh thô kệch, cục súc. Cách làm của họ thường phản tác dụng, chỉ khiến cho Nhật và các nước châu Á khác đoàn kết với Mỹ hơn để chống lại Trung Quốc. Giờ thì Trung Quốc có lẽ đã thấy rằng trợ giúp Nhật Bản vào lúc cần thiết sẽ tạo cho Trung Quốc cái ảnh hưởng mà họ muốn. Cho dù hải quân Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng lớn rộng hơn ở Biển Đông và Biển Nhật Bản vì họ xấn xổ tự dọn đường, hay vì Nhật Bản, trong cơn tuyệt vọng, buộc phải mời họ vào, cả hai cách ấy đều không quan trọng miễn đạt được kết quả cuối cùng là tàu Trung Quốc có thể giương buồm tự do hơn với số lượng lớn hơn.

Việc Trung Quốc to giọng đề nghị giúp đỡ Nhật Bản cũng có thể mang lại một cơ hội nối lại tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Chắc chắn là một vài chương trình cứu trợ nhân đạo ít ỏi không thay đổi được hàng thế kỷ đối kháng, cũng như ít khả năng khiến chính sách đối ngoại Nhật Bản có những thay đổi mang tính cách mạng. Song, chính những động thái ngoại giao nhỏ bé này có thể mở đường cho nhiều động thái ngoại giao hơn nữa và có thể cho hai nước cơ hội giảm căng thẳng, tuy cũng cần vài năm, nếu mọi việc tiến triển tốt và cả hai bên đều sẵn lòng. Sau khi thảm họa sóng thần tháng 12/2004 tàn phá một phần lớn Indonesia, hải quân Mỹ đã viện trợ rất đáng kể những thứ rất cần thiết. Mặc dù quan hệ Mỹ – Indonesia không đặc biệt ấm áp trước khi có sóng thần, song nỗ lực cứu hộ chung đã giúp hai nước từng bước cải thiện quan hệ, đến mức chỉ sau vài năm, Indonesia đã trở thành một trong những liên minh Hồi giáo thân cận với Mỹ nhất trên thế giới.

Tất nhiên, cả Mỹ và Indonesia đều có một số lý do xác đáng khiến họ muốn hữu nghị với nhau; và khó mà nói là Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ đặc biệt chú tâm đến việc thay đổi chất lượng mối quan hệ giữa họ. Nhưng suốt một năm qua, tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” giữa Nhật và Trung Quốc đã không đặc biệt sinh lợi cho bên nào, mặc dù đó là một mối lợi về chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Một môi trường hợp tác nhiều hơn trên Biển Đông và Biển Nhật Bản sẽ khiến Nhật và Hàn Quốc không còn phải quá khao khát – thậm chí dung nạp – một lực lượng hải quân Mỹ hùng mạnh hiện diện trong khu vực. Nhưng điều ấy cũng làm giảm nguy cơ những va chạm nhỏ, như vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc, leo thang thành xung đột lớn. Không thể dự đoán hợp tác sâu rộng hơn giữa hải quân Trung Quốc và Nhật Bản sẽ diễn ra như thế nào và ai sẽ được lợi nhất. Khi người dân Nhật còn đang mong mỏi thoát khỏi những lò phản ứng hạt nhân rò rỉ, những bệnh viện quá tải, và bất kỳ hậu quả gì tiếp theo của sóng thần, họ chắc chắn sẽ đón nhận sự trợ giúp của bất cứ ai, kể cả hải quân của bất cứ nước nào có thể. Nếu Trung Quốc can thiệp, không ai đặt vấn đề liệu viện trợ nhân đạo nhiều hơn có phải chỉ có khía cạnh tích cực thôi không. Việc làm của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng gì tới thế cân bằng về an ninh vốn đã rất mong manh của khu vực, là điều mọi người đều còn phải đoán xem.
Ảnh: Một người lính Trung Hoa đứng gác gần tàu chiến khu trục Nhật Bản Sazanami, trước đông đảo người theo dõi, tại cảng hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, ngày 27/6/2008. Tàu chiến Nhật này vào cảng Trung Quốc từ ngày 24/6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Nhật Bản đến Trung Quốc kể từ sau Thế chiến II, trong một cuộc trao đổi về quân sự nhằm đưa mối quan hệ giữa hai cựu thù lên một vị thế vững chắc hơn. Ảnh của Alvin Chan/Reuters.

 

Người dịch: Thủy Trúc

Nguồn:BS.info, theoThe Atlantic

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114495120

Hôm nay

2241

Hôm qua

2290

Tuần này

22519

Tháng này

212513

Tháng qua

120308

Tất cả

114495120