Nhìn ra thế giới

Bảo tồn di sản văn hóa: Chiến công vĩ đại của người Nga

Người Nga luôn luôn xem văn hóa là cội nguồn sức mạnh của họ, vì vậy bảo tồn các di sản văn hóa được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Có thể nói người Nga đã lập được chiến công vĩ đại khi bước sang thế kỷ 21, nước Nga vẫn giữ được vẻ cổ kính với những giá trị văn hóa sâu sắc.

Nhà hát lớn Moscow - là nơi thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của văn hóa Nga và thế giới. Ảnh: Marc Haegeman

Nước Nga rộng mênh mông với nền văn hóa giàu bản sắc

Liên bang Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới với 17.098.246 km2, trải dài từ Thái Bình Dương tới Đông Âu. Từ Đông sang Tây, chiều dài ước tính khoảng 6.800 km; từ Bắc tới Nam, chiều rộng là 4.500 km. Liên bang Nga có đường biên giới dài nhất thế giới với 57.792 km.

Nước Nga có một nền văn hóa được toàn thể nhân loại ngưỡng mộ với sự phong phú đa dạng và đạt đỉnh cao nghệ thuật. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Liên bang Nga hiện nay như một viện bảo tàng khổng lồ với những giá trị lớn lao về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Điều dễ nhận thấy nhất là những công trình kiến trúc hoành tráng và lộng lẫy với hàng trăm năm tuổi. Trước hết phải kể tới nhà thờ của Nga. Ở khắp mọi nơi trên nước Nga, nhà thờ là hình ảnh nổi bật, chúng gần như là “hồn cốt” của nước Nga.

 

Thánh đường Basil

Đầu tiên phải kể đến Thánh đường Basil. Đây là công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thủ đô Moskva, tọa lạc ngay giữa lòng Thủ đô, bên cạnh Quảng trường Đỏ và gần Cung điện Kremlin. Nhà thờ này được khởi công vào năm 1555, hoàn thành vào năm 1561. Đã gần 500 năm trôi qua, nhưng công trình kiến trúc này vẫn tươi rói và đẹp đến ngơ ngẩn.

Nhà thờ thứ hai phải nhắc đến là Tòa Thánh Isaac hay còn được gọi  là Isaakievskiy Sobor. Công trình này nằm ở Sankt - Peterburg, là nhà thờ chính tòa Chính thống giáo. Công trình này uy nghiêm và tráng lệ với chiều dài 111 mét, rộng 97 mét và cao 101,50 mét. Đường kính của mái vòm mạ vàng chính là 26 mét. Không gian nội thất rộng 10.767 m2 của nhà thờ có sức chứa 14.000 người. Thời gian xây dựng nhà thờ là 40 năm, từ năm 1818 đến năm 1858.

Nhà thờ thứ ba cần được đề cập là Nhà thờ Truyền Tin trong điện Kremlin ở Moskva. Đây là một nhà thờ Chính thống giáo Nga dành riêng cho việc truyền tin của Đức Mẹ Mary, nằm ở phía Tây Nam của khu vực Quảng trường. Nhà thờ này được xây dựng trong  5 năm, từ năm 1484-1489.

Sau nhà thờ là các tượng đài. Nước Nga được xem là “đất nước của các tượng đài” vì tượng đài có nhiều và đẹp. Hoành tráng nhất có lẽ là Tượng đài Mẹ Tổ quốc trên đồi Mamayev ở Volgograd, Nga nhằm tưởng niệm cuộc kháng cự anh hùng và chiến thắng quyết định của quân đội Liên Xô trong trận Stalingrad. Đây là tượng đài của thời hiện đại, còn có hàng trăm tượng đài có từ thời xa xưa và hiện nay vẫn hiện hữu như chứng tích của nước Nga bi thường và hùng cường.

 

Một góc Bảo tàng Hermitage ở Sankt - Peterburg. Nguồn ảnh: Crystal Bay Life

Bảo tàng và nhà hát là những công trình văn hóa được đánh giá cao về kiến trúc cũng như giá trị sử dụng của chúng. Hầu như ở thành phố nào của Liên bang Nga cũng có bảo tàng và nhà hát. Bảo tàng nổi tiếng nhất là bảo tàng nghệ thuật Bảo tàng Hermitage ở Sankt - Peterburg. Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới với rất nhiều hiện vật. Người ta tính nếu khách thăm quan dừng trước mỗi hiện vật là 1 phút thì phải cần tới 60 năm.

Nhà hát Lớn ở Moskva được xem là “thánh đường” của nghệ thuật biểu diễn. Nhà hát được thành lập vào năm 1776 theo quyết định của Nữ hoàng Catherine Đại đế; theo đó, Hoàng tử Pyotr Urusov được phép xây dựng một nhà hát tư nhân ở Moskva với có chức năng tô điểm cho thành phố cũng như phục vụ nhu cầu thường thức nghệ thuật của mọi người. Hiện nay, Nhà hát Lớn Moskva là một công trình nổi bật của thủ đô Moskva và Nga. Đây là “kinh đô” của nghệ thuật múa, kịch, hát opera…

Thật ra, cốt lõi của văn hóa Nga là văn học. Nước Nga có một nền văn học với những tên tuổi lớn là Pushkin, Lermantov, Tolstoi, Dostoevsky, Exenhin, Bunhin, Solokhov, Bergon, Akhmatova, Solzhenitsyn, Pasternak, Brodsky, Evtushenko… Văn học Nga trong nhiều thế kỷ gần đây đã làm cho bạn đọc trên toàn thế giới say mê về chiều sâu tư tưởng và tầm cao nghệ thuật.

Việc Liên bang Nga là quốc gia có tới 190 dân tộc nhưng vẫn chung sống hòa hợp trong một đất nước rộng lớn chủ yếu nhờ vào việc tôn trọng văn hóa và lối sống của nhau. Người Nga chân tình, mộc mạc, bao dung, sâu sắc… Theo các nhà nghiên cứu thì khí hậu, thiên nhiên tác động lớn tới lối sống và tính cách của người Nga. Rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở Nga trong suốt hơn hàng ngàn năm lịch sử - văn hóa. Rừng ảnh hưởng lớn tới tính cách dân tộc Nga và sự sáng tạo văn hóa của họ.

Tính cách của người Nga khá khác biệt với tính cách của những người châu Âu, kể cả Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Đại đa số người của các quốc gia khác trên thế giới không hiểu hết tính cách của con người và sức mạnh dân tộc Nga. Người Nga rất mạnh mẽ vì họ có một nền văn hóa phong phú, đa dạng và được bảo tồn và làm giàu thêm hàng ngày.

Người Nga không tiếc công sức và xương máu để bảo vệ di sản văn hóa của mình

Nga là một quốc gia đa sắc tộc với 190 dân tộc và tổng dân số vào khoảng 146 triệu người. Dân số của các dân tộc khác nhau rất lớn, từ hàng trăm triệu người (người Nga) đến dưới 10.000 (người Sami). Hiện nay, trong tiếng Nga có hai từ riêng biệt: 1. “Русский” (đọc là rusky) là người dân tộc Nga; 2. “Россиянин” (đọc là rasianhin) là người quốc tịch Nga. Và như chúng ta thấy, từ “Россиянин” hiện nay được dùng rất phổ biến. Các chính khách, các văn nghệ sĩ, trí thức muốn nhấn mạnh tính đoàn kết của cộng đồng công dân Nga. Trong những bước thăng trầm của lịch sử, đại đa số công dân Nga không tiếc công sức và xương máu để bảo tồn di sản văn hóa của mình.

Văn hóa Nga là phần vô giá trong di sản của đất nước, kết hợp truyền thống từ các nhóm dân tộc, tiểu văn hóa và thế giới quan khác nhau của Nga đồng thời phản ánh lịch sử phức tạp và các đặc điểm địa lý đa dạng của nước này. Nhờ lãnh thổ rộng lớn và sự phát triển của các nền văn minh theo thời gian, Liên bang Nga là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo và có khả năng hòa quyện với nhau, góp phần vào sự phát triển phong phú về văn hóa của nước Nga thời hiện đại.

Sự phát triển của văn hóa Nga có thể được chia thành 5 giai đoạn: 1. Văn hóa của nước Nga cổ đại; 2. Văn hóa của thế kỷ 13-17; 3. Văn hóa của Đế chế Nga (từ thế kỷ 18 đến Cách mạng tháng mười 1917); 4. Văn hóa của thời Liên bang Xô viết; 5. Văn hóa của thời hiện tại (từ sau 1991 đến nay). Mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng của nó nhưng chúng ta có thể thấy nét bao trùm là từ thế kỷ 18 đến nay, công dân Nga đánh giá cao ý nghĩa của văn hóa trong đời sống của họ, họ có ý thức bảo tồn văn hóa để làm giàu tâm hồn trí tuệ của mình và truyền lại cho đời sau.

Nhìn vào những công trình kiến trúc như nhà thờ, tượng đài, nhà hát, trường học, công trình giao thông, công viên, nghĩa trang… thì chúng ta cũng phần nào thấy được người Nga đã nỗ lực như thế nào để xây dựng và bảo vệ những giá trị văn hóa của họ. Vào thời kỳ Chiến tranh vệ quốc (1941 -1945), người Nga vừa chiến đấu để bảo vệ đất nước, vừa bảo vệ những công trình văn hóa có giá trị. Cố đô Sankt - Peterburg là nơi có nhiều di sản văn hóa có giá trị nên được người Nga ra sức bảo vệ. Quân phát xít Đức bao vây thành phố này trong 900 ngày nhưng vẫn không vào được thành phố, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được an toàn.

Còn khi quân Đức tiến về Moskva nhằm chiếm Thủ đô thì người Nga, một mặt là ra sức phòng thủ, mặt khác đã đóng gói những hiện vật văn hóa có giá trị (tranh, sách, đồ mỹ nghệ…) để chuyển xuống Siberi - nơi được xem là an toàn nhất. Tuy nhiên, quân Đức dù cố gắng đến mấy cũng không thể nào đặt chân vào Moskva được nên hầu như tất cả những gì có giá trị về văn hóa vẫn được an toàn. Hiện nay, Moskva là thành phố hơn 800 tuổi, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Ở đây chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vô giá. Người Nga đang hàng ngày, hàng giờ dùng sức lực, trí tuệ, tài năng, công nghệ… để bảo vệ những giá trị văn hóa của mình.

Thật ra, người Nga có ý thức và kỹ năng bảo tồn giá trị văn hóa rất sớm. Có rất nhiều dẫn chứng để chứng minh điều này. Nhà thơ Pushkin (1799 - 1837) - “Mặt trời thi ca Nga” sống và viết cách đây khoảng 200 năm. Ấy thế mà tại Bảo tàng Pushkin (ở ngoại ô Sankt - Peterburg) vẫn giữ được những trang bản thảo viết tay của thi sĩ! Nhìn tận mắt những trang giấy úa vàng được để trong tủ kính với những chữ viết và hình vẽ do chính thi sĩ tạo nên (Pushkin có thói quen ký họa bên lề những trang bản thảo), ai cũng bồi hồi xúc động. (Đại thi hào Nguyễn Du (1766 -1820) sống gần như cùng thời với Pushkin, ấy thế mà chúng ta không giữ được trang bản thảo nào của Truyện Kiều, tiếc thay!).

Có thể nói người Nga đã lặng lẽ lập nên chiến công vĩ đại trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Họ làm được điều này là do có sự kết hợp giữa chính phủ và người dân. Còn nhớ vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, một số chính khách Nga muốn chiếm cơ sở 1 (cạnh Quảng trường Đỏ) của Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Một số trí thức thấy nguy cơ này nên đệ trình ý kiến lên Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ngay lập tức Tổng thống ban hành Sắc lệnh công nhận Trường Đại học Tổng hợp Moskva là “tài sản quý hiếm của nước Nga, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân xâm hại tài sản , đất đai của Trường”.

Hiện nay Liên bang Nga đang trong thời kỳ có chiến sự và bị cấm vận nhưng việc bảo tồn các di sản, các giá văn hóa vẫn được đặt ra. Tổng thống, Quốc hội (Đuma quốc gia Nga), Chính phủ vẫn có những chỉ đạo sát sao nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Có thể nói nước Nga là quốc gia tiên phong trong việc bảo tồn di sản văn hóa.

                                                                           HBK

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443965

Hôm nay

2216

Hôm qua

2307

Tuần này

21778

Tháng này

219139

Tháng qua

112676

Tất cả

114443965