Nhìn ra thế giới

Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (kỳ 34)

3. Trung - Mỹ không có chiến tranh lớn: Trung Quốc cần có đại quân

Thế kỷ 21, bảo đảm Trung-Mỹ không có chiến tranh thìTrung Quốc cần phải có đại quân. “Đại quân” ở đây không phải ở quy mô, mà là mạnh ở chất lượng. Trung Quốc trỗi dậy quân sự, không phải vì đánh Mỹ mà là vì không bị Mỹ đánh; không phải để trong một thời gian ngắn ngủi cạnh tranh được với lực lượng quân đội đứng số một thế giới, mà là để tự bảo vệ mình không bị lực lượng quân đội đứng số một thế giới đánh bại.

Cho nên Trung Quốc trỗi dậy quân sự không phải để uy hiếp quân đội Mỹ, mà là tránh sự uy hiếp của quân đội Mỹ. Như vậy, đặc trưng của Trung Quốc trỗi dậy quân sự là sự trỗi dậy mang tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính có hạn, tính tất yếu, tính quan trọng, tính bức thiết.

Thế kỷ 21, Trung-Mỹ không có “chiến tranh ”

Vì sao nói thế kỷ 21 Trung-Mỹ không có “chiến tranh ”? Trước hết là vì giữa thế kỷ 20, Liên Xô và Mỹ không chỉ là nước lớn, mà còn là cường quốc, cường quốc về vũ khí hạt nhân. Cuộc cạnh tranh giữa hai nước đã kết thúc lịch sử “chiến tranh giữa các nước lớn ”, mở ra thời đại “ không có chiến tranh giữa các nước lớn ”, là thời đại của hòa bình và phát triển.

Liên quan đến quá trình xuất hiện thời đại mới “không có chiến tranh giữa các cường quốc”, theo sự phân tích của học giả Thomas Barnett: “Trước cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba, rất nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến tranh hạt nhân là cuộc chiến tranh không có chiến thắng của một bên, từ đó có thể thấy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên xô được coi là ổn định. Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng nghìn cân treo sơi tóc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Macnamara đã đi một bước táo bạo, đưa việc “bảo đảm cùng hủy diệt nhau” lên vị trí cơ bản, có tính lâu dài, trong chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Đối với người Mỹ khi đó, nói vấn đề “bảo đảm cùng hủy diệt nhau”, tức là: một nước dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với nước khác, thì họ thấy quả thực là sự điên rồ. Trước đây, nhân loại không chế tạo, cũng chưa từng sử dụng vũ khí hạt nhân, trên thế giới này chúng ta mới nhìn thấy vũ khí hạt nhân ở hai thành phố là Hiroshima và Nagasaki, điều này khiến mọi người khó có thể tin được. Nhưng, đến nay, đây hoàn toàn là sự thực đã xảy ra. Việc giải quyết được vấn đề vũ khí hạt nhân, không phải là dấu chấm hết của siêu cường quốc, mà là kết thúc chiến tranh giữa các nước lớn-từ trước tới nay nước lớn luôn được cho là nước có vũ khí hạt nhân, hay nói một cách khác, nước nào có vũ khí hạt nhân sẽ là nước lớn, nước lớn nghĩa là sẽ không xảy ra chiến tranh với nước lớn khác. Khi mà Mỹ sáng tạo ra quy tắc “bảo đảm cùng huỷ diệt nhau” nó đơn giản là loại bỏ vĩnh viễn chiến tranh giữa các nước lớn. Kể từ sau năm 1945 Mỹ phát minh ra vũ khí hạt nhân, thì chưa hề xảy ra cuộc chiến tranh nào giữa các nước lớn, điều này không phải là ngẫu nhiên, để nhận thức được quy luật bản chất của sự thay đổi này chúng ta đã phải mất gần 20 năm, nhưng khi chúng ta nhận thức được và đã thành công đưa quy luật này truyền bá đến các nước lớn, sự đe dọa của chiến tranh toàn cầu trong lịch sử nhân loại cơ bản đã kết thúc”.

Vũ khí hạt nhân không phải dùng đến, mà chỉ là đã được sản xuất và sở hữu, thông qua việc có số lượng vũ khí hạt nhân đầy đủ để tiêu diệt Liên Xô sau khi họ ra tay trước phóng vũ khí hạt nhân, Mỹ bảo đảm được điều kiện không có nước giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân. Đây cũng là điều kiện tồn tại cuối cùng của cuộc chiến tranh Lạnh.

Từ quan điểm này, cho dù một vài người nói rằng McNamara không mắc sai lầm gì trong cuộc chiến tranh Việt Nam, theo tôi đây chỉ là sự che đậy khi ông ta cho rằng chiến tranh Việt Nam là chiến lược để bảo đảm hòa bình thế giới.

Đương nhiên, chỉ Mỹ hiểu được quan điểm “bảo đảm cùng hủy diệt nhau” thôi thì không đủ, cần phải để Liên Xô cũng tiếp nhận quan điểm này. Mỹ đã phải mất rất nhiều năm để Liên xô hiểu được quan điểm này, đến năm 1972, Liên Xô đã hiểu ra và tại Hội nghị thượng đỉnh Moscow, Nixon và Brezhnev cùng nhau ký “Hiệp ước hạn chế vũ khí”. Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh này là hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước, điều này đã giảm bớt đáng kể nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn cầu, từ đó bắt đầu xác định nên quy tắc cạnh tranh. Ví dụ, có thể bán vũ khí thông thường cho các quốc gia phụ thuộc; có thể đại diện tham chiến ở các nước thuộc thế giới thứ 3; nhưng không được phép đùa giỡn với chính sách “bên bờ vực” chiến tranh hạt nhân ở bất kỳ nơi nào; không được phép đùa giỡn với chính sách “bên miệng hố” chiến tranh bằng vũ khí thông thường ở châu Âu.

Không thể có chiến tranh giữa các nước lớn, trở thành một khái niệm quân sự mới của chiến tranh, cuối thế kỷ 20 giới lý luận chính trị và giới lí luận chiến lược phương Tây đã đi đến nhất trí quan điểm này. Chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ bắt đầu nghiên cứu các khái niệm về chiến tranh có giới hạn. Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Đông Nam Á làm cho Mỹ phải trả một cái giá rất đắt, đã khiến người Mỹ cảm thấy thất vọng sâu sắc. Người Mỹ trong thế kỷ 20 đã quen chiến tranh với quy mô toàn diện cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn mới thôi và tiếp nhận kẻ địch đầu hàng vô điều kiện. Mỹ cũng phải đối mặt với áp lực đến từ các nước đồng minh châu Âu khi họ đòi kiểm soát xung đột chính trị với quy mô lớn, Mỹ cũng không mong muốn các nước liên minh châu Âu tham gia vào cuộc chiến tranh mặt đất ở châu Á, từ đó hạn chế quy mô hoạt động quân sự. Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân, nhiều vụ đánh bom không vượt quá sông Áp Lục là biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Mỹ cũng không để quân đội Tưởng Giới Thạch của Đài Loan tham gia. Những người ủng hộ cuộc chiến tranh có giới hạn đều phản đối cách nói của Douglas MacAthur, khi ông cho rằng, “trong chiến tranh không có gì có thể thay thế chiến thắng”. Họ cho rằng và họ cũng tin rằng, thời đại hạt nhân sắp tới, chiến tranh phải được loại trừ sử dụng vũ khí hạt nhân. Mục đích của chiến tranh phải được nghiêm túc hạn chế, ngay cả khi kết quả của cuộc đấu tranh này là bế tắc. Nhà tư tưởng chiến lược nước Anh Lidehate nói: “Phải bảo vệ chống lại hai sự ngông cuồng phổ biến nhất là : dốc hết sức theo đuổi mục đích giành thắng lợi và chiến tranh không có giới hạn”. Năm 1960 Lidehate nói: “Quan niệm cũ và định nghĩa cũ của chiến lược này là do sự phát triển của vũ khí hạt nhân, thay đổi này không chỉ lỗi thời, mà còn vô nghĩa. Nếu lấy giành chiến thắng trong chiến tranh làm mục đích thì thật điên rồ”. Đại soái Fowler của nước Anh, năm 1961 đã xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn chiến tranh”, trong cuốn sách của mình ông đã chỉ ra rằng: “Trong tất cả sự mù quáng của Clausewitz (nhà lý luận quân sự Đức, nổi tiếng với tác phẩm Bàn về chiến tranh-ND), sự mù quáng lớn nhất là ông ấy chưa nhận thức được mục đích chân chính trong chiến tranh là hòa bình, chứ không phải là chiến thắng, cho nên hòa bình là lý tưởng căn bản trong các sách lược, chiến tranh chỉ là phương tiện để thực hiên mưu đồ xấu”. Trong một cuộc phỏng vấn của giới báo chí, ngài Eisenhower (Tổng thống thứ 34 của Mỹ-ND) đã nói, thời kỳ chiến tranh lạnh đặc biệt là thời kỳ chiến tranh vũ khí hạt nhân “nếu không nghĩ đến cái giá phải trả để giành được thắng lợi thì có nghĩa là một tai họa”. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới sự tồn tại của vũ khí hạt nhân, quan điểm chiến tranh của các nước lớn đã thay đổi, đó là: không phải thắng lợi cao hơn tất cả mà là cái giá phải trả cao hơn tất cả. Khi xảy ra chiến tranh và chiến tranh vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc, thì cái giá phải trả đối với bất kỳ cường quốc nào cũng chịu không nổi.Như vậy về căn bản có thể quyết định được: không có chiến tranh giữa các cường quốc.

Trung-Mỹ không có chiến tranh, điều này có liên quan đến đặc điểm của nước Mỹ. Mỹ trong quá trình trỗi dậy không giống với Nhật và Đức, Mỹ không phát động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Mỹ chỉ phát động cuộc chiến tranh lớn là: “cuộc chiến tranh Lạnh”, cuộc chiến tranh Lạnh xảy ra nửa sau thế kỷ 20 so với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra nửa đầu thế kỷ 20 văn minh hơn nhiều, lí trí hơn nhiều, cái giá phải trả cũng thấp hơn nhiều. Nước Mỹ đã trở thành nước chưa từng phát động một cuộc chiến tranh lớn nào trên thế giới, ngoài việc tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai, thì Mỹ không có phát động chiến tranh với nước nào. Khi mà Liên Xô phát triển vũ khí hạt nhân, tuy có người chủ trương phát động tiến công để phòng bị, nhưng Chính phủ Mỹ không có bất kể hành động nào, mà còn ngồi quan sát Liên Xô đi theo con đường trang bị vũ khí hạt nhân. Đợi đến khi Liên Xô có khả năng tấn công Mỹ, từ cuối năm 1950 đến đầu năm 1970, tư tưởng MAD (bảo đảm cùng huỷ diệt nhau) đã trở thành tư tưởng chính của Mỹ, đây chỉ là mưu mô của Mỹ lấy sự răn đe để ngăn chặn tấn công. Mỹ mất độc quyền sáng chế vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1949. Năm 1948, Mỹ đã có 32 chiếc máy bay tàng hình B29 có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân; có số lượng đầu đạn hạt nhân là 50. Cho nên so với các nước chủ nghĩa đế quốc khác thì Mỹ là một nước có lí trí và văn minh.

Trung-Mỹ không có chiến tranh, điều này liên quan đến đặc điểm và tính cách của người Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia trong lịch sử nghìn năm không tiến công nước khác, không khuếch trương ở thế giới, mà chỉ là một quốc gia sửa Trường Thành để phòng bị. Trung Quốc bây giờ có thể hô to mà trỗi dậy, cũng tuyên bố không xưng bá, đi theo con đường phát triển hòa bình, kêu gọi xây dựng một thế giới hòa bình. Trung Quốc trong tư tưởng ý thức và trong hệ thống xã hội cũng không bành trướng. Trung Quốc vì sao để mô hình phát triển của mình thành chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc? Bốn chữ “đặc sắc Trung Quốc” bao hàm nghĩa hòa bình sâu sắc-nghĩa là không “xuất khẩu mô hình”, không mang mô hình Trung Quốc phổ biến rộng ra thành mô hình thông dụng trên thế giới, mà chỉ là hạn chế để Trung Quốc sử dụng, Trung Quốc chuyên dùng. Mỹ và Liên Xô đều đã đưa mô hình của mình quảng bá trở thành mô hình phổ biến thế giới, dùng mô hình Mỹ hoặc mô hình Liên Xô tái tạo thế giới, cho nên các mâu thuẫn và xung đột trở nên nhức nhối. Tóm lại, thời kỳ Mỹ và Liên Xô tranh giành bá chủ thế giới thì đối kháng toàn diện từ chính trị đến ý thức hệ, còn may là có chiến tranh lạnh mà không có chiến tranh lớn, hai bên đều thông qua chiến tranh lạnh chứ không phải thông qua chiến tranh lớn để phân thắng bại. Tương lai Mỹ và Trung Quốc tiến hành chiến lược cạnh tranh phòng bị, không tranh bá chủ, Mỹ tuy khó tránh tiếp nhận cục diện chiến tranh lạnh, nhưng quan hệ Trung-Mỹ trong thế kỷ 21 không thể lặp lại quan hệ chiến tranh lạnh như Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ 20. Chiến lược cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 21 là cuộc cạnh tranh sau thời kỳ chiến tranh lạnh, phương thức cạnh tranh trong của cuộc chiến tranh lạnh đều đã cũ kỹ, càng không thể lấy phương thức chiến tranh lớn để tiến hành cạnh tranh.

Thế kỷ 21 Trung-Mỹ không có chiến tranh, đây là kết quả tất yếu của thời đại. Thế giới hướng đến văn minh, chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn cũng hướng đến văn minh. Châu Âu từng là nơi phát tích của hai cuộc chiến tranh thế giới, sau chiến tranh trở thành nơi mô phạm cho các nước lớn liên minh, đi theo con đường thống nhất châu Âu và liên kết các nước châu Âu. Trong xu thế cạnh tranh văn minh hóa giữa các nước lớn, để quan sát mô hình cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 21, có thể thấy rõ, trong thế kỷ 21 Trung Quốc và Mỹ bất kể bên nào đều không mong muốn đẩy nước mình vào thảm họa diệt vong khi thực hiện “đại chiến” với đối phương. Trung Quốc và Mỹ tuy đều có khả năng chiến tranh, nhưng sự phồn vinh và phát triển của một quốc gia ngày càng cần lợi ích chung. Trong tình hình này, Mỹ tuy muốn ngăn cản Trung Quốc, nhưng nghĩ đến lợi ích quốc gia thì Mỹ cần ngăn cản có giới hạn. Nếu ngăn cản không có giới hạn, ngăn cản tàn bạo, làm tổn thương Trung Quốc cũng có nghĩa là Mỹ tự làm tổn thương mình.

Thế kỷ 21, Trung Quốc cần có“đại quân”

Trung Quốc có đại quân mới bảo đảm Trung-Mỹ không có chiến tranh. Trung Quốc có đại quân không phải để phát động chiến tranh, mà để ngăn chặn chiến tranh. Quyền lực chính trị của một quốc gia cần phải cân bằng thì quốc gia đó mới trở thành quốc gia dân chủ; cộng đồng quốc tế cần phải cân bằng thì mới trở thành thế giới dân chủ; lực lượng quân sự thế giới cũng cần phải cân bằng mới duy trì được hòa bình thế giới. Chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ, khách quan mà nói đã hình thành một sự cân bằng quân sự, lấy chạy đua vũ trang để ngăn chặn chiến tranh xảy ra, nhân loại đã phải trả giá cho cuộc chạy đua vũ trang để tránh thảm họa chiến tranh xảy ra. Chạy đua vũ trang không thể lựa chọn, cân bằng quân sự không thể không có. An ninh của Trung Quốc đòi hỏi Trung Quốc phải lớn mạnh, cân bằng quân sự thế giới cũng cần Trung Quốc phải trở thành cường quốc quân sự. Trung Quốc lớn mạnh có lợi đối với sự trỗi dậy an toàn của Trung Quốc, có lợi cho ổn định hòa bình thế giới, có lợi cho việc bảo đảm cân bằng quân sự mạo hiểm của Mỹ, giúp cho Mỹ giữ được lý trí.

Để đối phó lại sự uy hiếp của Mỹ, Trung Quốc cần phải có đại quân. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, cường quốc Mỹ cũng không để quân đội hùng mạnh của mình đi những bước tiến chậm rãi, Mỹ còn phát động cuộc cải cách quân sự mới, tiếp tục duy trì nâng cao sức mạnh quân sự. Cải cách quân sự của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Học giả chiến lược Mỹ, ngài Thomas Barnet nói: “Sau khi Bush lên cầm quyền, đã xem châu Á mà không phải là Đông Nam Á, đương nhiên cũng không phải là Trung Á, trở thành vũ đài xung đột thế giới trong tương lai. Mỹ khi đó đang tiến hành đẩy mạnh toàn bộ “cải cách quốc phòng” là để đối phó với đối thủ cạnh tranh đáng gờm đang trỗi dậy ở phía Đông”, chứ không phải một số ít quốc gia Trung Đông bị “đưa vào tầm ngắm”. Trong một quyển sách, ngài Thomas Barnet nói: “Thế kỷ mới sẽ xuất hiện ánh bình minh mới, tôi là người trong nghề, không phải người nào cũng có suy nghĩ giống như vậy. Thực tế toàn bộ kế hoạch của Lầu Năm góc khi đó là tập trung suy nghĩ nhiều đến tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai xa. Chúng ta đang mời rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc. Chúng ta đang vắt óc suy nghĩ lại kế hoạch sắp xếp quân sự ở châu Á để đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc”. “Cho dù là Lầu Năm Góc hay phố Wall, năm 2000, đều đưa Trung Quốc vào tầm ngắm của họ; họ đều cân nhắc việc hướng các lực lượng khác nhau vào khu vực này. Giấc mơ Lầu Năm Góc là khoảng cách cuộc chiến đánh Trung Quốc, nhấn nút điện tử một cái là có thể giải quyết vấn đề chiến tranh; ngược lại, phố Wall đau đầu vì đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn dẫn đến các quy tắc chiến tranh với Trung Quốc”. Đối mặt với tình hình chiến lược này, Trung Quốc không thể mở to mắt đứng nhìn vào “túi tiền lớn”, mà cần phải dồn sức để xây dựng “đại quân”.

Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có trí tuệ lớn, thế kỷ 21 Trung-Mỹ không có chiến tranh, nguyên nhân quan trọng là vì Trung Quốc là một quốc gia có trí tuệ lớn, nhưng những hạn chế tồn tại trong một thời gian dài của “Trung Quốc trí tuệ” là quá tôn sùng vai trò của “trí tuệ lớn”, mà xem thường giá trị “lực lượng lớn”. Ở Trung Quốc “binh pháp không đánh mà khuất phục người” được xem là mức độ cao nhất của trí tuệ lớn, chiến lược lớn. Muốn phát huy vai trò của “binh pháp không đánh mà khuất phục người” là phải dựa vào trí tuệ lớn, mưu lược lớn, lực lượng lớn. Kết cục của “binh pháp không đánh mà khuất phục được người” là lấy “đánh thì có thể khuất phục người” làm cơ sở, tiền đề. Không đánh, không có nghĩa là lực lượng quân sự không phát huy tác dụng. Trí tuệ chính là nghệ thuật sử dụng lực lượng; trí tuệ mà không có lực lượng, thì chỉ là nghĩ rỗng, nói suông. Kế “thành bỏ không” đã lừa địch thành công là bởi vì Gia Cát Lượng có quân đội, có lực lượng, kẻ địch mới tin là Gia Cát Lượng có quân giấu trong thành. Cho nên trí tuệ trong kế “thành bỏ không” mới phát huy tác dụng. Trí tuệ trong kế “thành bỏ không” có thể đối phó nhất thời, chứ không thể đối phó lâu dài; có thể dùng một lần chứ không thể dùng hai lần. Các nhà quân sự nói, quân đội Mỹ là quân độ theo “mô hình lực lượng”, quân đội Trung Quốc là quân đội theo “mô hình mưu lược”. Trong thế kỷ 21 thực hiện Trung-Mỹ không có chiến tranh, dựa vào Trung Quốc có trí tuệ lớn, cũng phải dựa vào Trung Quốc có lực lượng lớn. Thế kỷ 21 Trung Quốc vừa phải tôn sùng trí tuệ lớn, vừa phải tôn sùng lực lượng lớn; có trí tuệ lớn, có quân đội lớn.

Đối với Trung Quốc, tình hình quân đội không phải già mà là yếu, trang bị vũ khí không phải cũ mà là kém. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự, sự nghiệp lớn mạnh của quân đội Trung Quốc là cần nhanh chóng thay đổi điều mà các thế hệ đi trước từng phải trả giá đắt, đó là tình trạng chiến đấu trong điều kiện gian khó “địch mạnh, ta yếu”; cần nói lời từ biệt với phương châm “lấy yếu thắng mạnh” trong thế kỷ 21 nước giàu, quân mạnh. Thế kỷ 21 Trung Quốc vẫn tiếp tục phát huy truyền thống quý báu là “lấy yếu thắng mạnh” đồng thời cũng cố gắng xây dựng lực lượng “lấy mạnh thắng yếu”, bắt đầu thực hiện từ giai đoạn truyền kỳ “lấy yếu thắng mạnh” đến giai đoạn cân bằng “lấy mạnh thắng mạnh ” và cuối cùng bước vào giai đoạn lí tưởng là “lấy mạnh thắng yếu”. Cho nên, xây dựng quân đội hùng mạnh, tạm biệt tình hình “lấy yếu thắng mạnh ” là kết quả tất yếu của Trung Quốc trỗi dậy về quân sự.

Ngày nay tranh chấp trong các vấn đề quốc tế cần phải kiên trì dùng phương châm giải quyết hoà bình, nhưng trong quan hệ quốc tế thì phải biết vận dụng lực lượng phi quân sự và thủ đoạn phi chiến tranh, lực lượng quân sự có vị trí quan trọng trong việc hậu thuẫn cho quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, lực lượng quân sự luôn luôn là cái tay không thể nhìn thấy được. Chiến tranh chỉ là một hình thức hữu hình để quân sự phát huy vai trò của mình. Hòa bình mới là thể hiện giá trị lâu dài của quân sự. Nhanh chóng xây dựng và duy trì một đội ngũ quân đội hùng mạnh thì Trung Quốc cần phải tiến hành đầu tư an ninh, đầu tư phát triển, đầu tư trỗi dậy, Trung Quốc cần phải chuyển khả năng sản xuất thành khả năng chiến đấu, chuyển một bộ phận tài sản thành năng lực quân sự, để “túi tiền ” biến thành “túi đạn”.

Mục đích cơ bản để Trung Quốc có đại quân là để ngăn chặn chiến tranh xảy ra. Mục đích chủ yếu để xây dựng quân sự là thay vì “giành được thắng lợi trong chiến tranh” thành “ngăn chặn chiến tranh xảy ra”, đây cũng là tư tưởng của giới lí luận chiến lược Mỹ đưa ra. Bernard Brody là người tiên phong trong giới lí luận chiến lược công nhận sự nguy hại của vũ lực, trong vài tháng sau khi Mỹ tiến hành thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, ông đã suy nghĩ về hiện thực quốc tế mới để đưa ra kết luận: “Tính đến nay, mục đích chủ yếu về việc xây dựng quân đội luôn luôn là giành thắng lợi trong chiến tranh; từ giờ trở đi, mục đích chủ yếu xây dựng quân đội là để ngăn chặn chiến tranh xảy ra”. Tư tưởng này thực sự mang tính chiến lược đối với toàn bộ cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông gọi bom nguyên tử là “vũ khí tuyệt đối”, ông cho rằng bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà sử dụng bom nguyên tử đều là thảm họa lớn của nhân loại, cho nên bằng giá nào cũng phải ngăn chặn cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, Trung Quốc cho rằng, thông qua việc xây dựng cường quốc quân sự là để tránh chiến tranh xảy ra, đó là tư tưởng chiến lược quan trọng của việc Trung Quốc tập trung xây dựng quân sự. Mục đích chủ yếu việc Trung Quốc xây dựng quân sự hùng mạnh không phải để giành thắng lợi trong chiến trành, mà là để ngăn chặn chiến tranh xảy ra.

Có khả năng “cùng đưa nhau đến chỗ chết”, mới bảo đảm “cùng nhau sinh tồn”

Trung Quốc cần phải có khả năng cùng đi đến chỗ chết với Mỹ, mới đủ bảo đảm cùng sinh tồn với Mỹ, cùng an toàn, cùng nhau phát triển.

Hòa bình của Trung Quốc là hòa bình dưới sự uy hiếp của vũ khí hạt nhân. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ rất nhiều lần dùng vũ khí hạt nhân uy hiếp Trung Quốc. Sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ 1950, Tổng thống Mỹ Truman công khai tung tin nước Mỹ sẽ suy nghĩ tích cực trong vấn đề sử dụng bom nguyên tử đối với Trung Quốc. Năm1958, quân đội Mỹ yêu cầu thông qua quốc hội để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc để bảo vệ Kim Môn và Mã Tổ. Năm 1963, Mỹ sau khi nhận được tin Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân thì dự định đánh Trung Quốc bằng hệ thống vũ khí hạt nhân trên không. Trong “Đề xuất chính sách hạt nhân” mà Bộ Quốc phòng Mỹ trình tổng thống và quốc hội xem xét, thì Trung Quốc là mục tiêu tiến công bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ trong tương lai. Đến năm 2002, Mỹ một lần nữa lại đưa Trung Quốc trở thành mục tiêu tiến công bằng vũ khí hạt nhân. Hòa bình của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là hòa bình dưới sự uy hiếp của vũ khí hạt nhân.

Mỹ và Liên Xô có chiến tranh Lạnh mà không có đại chiến, nguyên nhân chính là khả năng cùng đưa nhau đến chỗ chết giữa Mỹ và Liên Xô, khả năng cùng nhau đến chỗ chết cũng chính là khả năng cùng nhau sinh tồn của hai nước. Đối với Trung Quốc trong thế kỷ 21, trong quá trình hoạch định chiến lược cạnh tranh, nếu không thể chuẩn bị khả năng cùng chết với Mỹ, thì khó mà có được hòa bình, khó mà có được quyền lợi cùng nhau phát triển, cùng nhau sinh tồn với Mỹ.

An ninh của quốc gia là phải có trình tự, có sự khác biệt giữa an toàn tuyệt đối và an toàn tương đối. Nếu hai nước lớn mà cạnh tranh bao hàm cả khả năng cùng nhau đến chỗ chết, thì bất kỳ bên nào cũng không dám đánh bên kia, như vậy đôi bên đều an toàn tương đối. Nếu lực lượng đôi bên không cân bằng, một bên sau khi tiêu diệt bên kia để sinh tồn, như vậy một bên mạnh là an toàn tuyệt đối, còn một bên yếu là tuyệt đối không an toàn. Cho nên, trong điều kiện vũ khí hạt nhân, an toàn tuyệt đối của các nước lớn là tiêu diệt nước khác mới bảo đảm an toàn cho chính mình, an toàn tương đối là lấy khả năng cùng đưa nhau đến chỗ chết để duy trì quyền lợi, đôi bên cùng sinh tồn.

Mỹ theo đuổi mục tiêu an ninh, không phải là an ninh quốc gia mà là bảo đảm an toàn địa vị bá quyền của Mỹ. Mỹ theo đuổi khả năng an toàn không phải là khả năng cùng nhau đến chỗ chết. Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Mỹ đã từng một lần ngừng nghiên cứu kế hoạch chiến tranh giữa các nước lớn. Những năm 90 cuối thế kỷ 20, phía quân đội Mỹ đã đưa ra nghiên cứu hồi phục lại kế hoạch phòng thủ trên không, đồng thời đổi tên là Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (gọi tắt là (NMD), nhưng chính phủ Clinton vẫn chưa đưa ra quết định. Năm 2001, sau khi Bush lên nắm chính quyền, bất chấp sự phản đối mãnh liệt của cộng đồng quốc tế, Mỹ vẫn quyết tâm chiến tranh trong tình hình không nước nào có thể cạnh tranh được, lấy thực lực kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật vững mạnh để nghiên cứu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, Mỹ đã cho xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa để bảo vệ Mỹ an toàn tuyệt đối. Các nhà học giả quân sự Mỹ nói: “Sau ngày hoàn thành kế hoạch phòng thủ tên lửa quốc gia(NMD) và TMD (hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực) cũng là ngày loại bỏ trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”. Cách nói này tuy có chút khuếch trương, nhưng cũng không phải là chuyện giật gân.

Mỹ phát triển vũ khí hạt nhân, một mặt để phát triển theo hướng thực dụng hóa, đưa vũ khí hạt nhân trở thành vũ khí chiến thuật trong các cuộc chiến tranh, đưa “vũ khí dọa người” trở thành “vũ khí đánh người” và “vũ khí hạt nhân thông thường” có uy lực lớn. Mặt khác, phát triển vũ khí hạt nhân theo hướng tuyệt đối hóa, tức là thông qua hai hệ thống phòng thủ tên lửa là: hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực và hệ thống phòng thủ quốc gia để bảo đảm Mỹ an toàn tuyệt đối trong sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Mỹ an toàn tuyệt đối là người khác tuyệt đối không an toàn, điều này có nghĩa an ninh và hòa bình thế giới hoàn toàn nằm trong tay Mỹ, nó chẳng khác nào loại bỏ hệ thống vũ khí hạt nhân của người khác.

An ninh của các nước lớn trong điều kiện vũ khí hạt nhân là cùng làm con tin của nhau. Ông Bạch Vạn Cương chuyên gia chiến lược hàng đầu của Trung Quốc nói rằng: “Năng lực hạt nhân giữa Trung-Mỹ còn khoảng cách rất xa, Trung Quốc chưa có cơ sở chắc chắn để hình thành sự phá hủy toàn diện đối với Mỹ, mà chỉ có điều kiện để hạn chế tối đa sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân; trong chiến lược đối phó với Trung Quốc, Mỹ chưa từng xem Trung Quốc là đối thủ ngang sức có thể xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ; trong chiến tranh tương lai có thể xảy ra ở Eo biển Đài Loan, chỉ cần Trung Quốc thiếu đi khả năng răn đe hạt nhân cuối cùng huỷ diệt Mỹ, thì bất luận là Trung Quốc có tiêu diệt được hàng không mẫu hạm của Mỹ, nắm được phần thắng trong chiến tranh cục bộ, Mỹ vẫn sẽ tham chiến, đây là sự lựa chọn chiến tranh của nước Mỹ dưới sự bảo trợ của răn đe hạt nhân; Trung Quốc hiện có khả năng răn đe hạt nhân có thể đe doạ từng phần của nước Mỹ, nhưng như vậy hoàn toàn chưa đủ và khả năng này rất có thể bị làm suy yếu.Vì vậy, cho dù sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc đã có rất nhiều tiến bộ, bao gồm cả việc Trung Quốc giành được thắng lợi trong các ngành khoa học kỹ thuật cao, nhưng khả năng chiến tranh cục bộ chưa có gì là đột phá, chỉ cần Mỹ có ưu thế hơn Trung Quốc về vũ khí hạt nhân thì quyền chủ động chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ luôn luôn nằm trong tay Mỹ chứ không phải trong tay Trung Quốc, chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quân sự của Trung Quốc thiếu mất vũ khí hạt nhân hùng mạnh thì an ninh của Trung Quốc luôn luôn là nguy hiểm, hơn nữa Trung Quốc đang tiến hành sự nghiệp hiện đại hóa, rất dễ bị các thế lực bên ngoài phá hoại, quyền sinh tồn của dân tộc không có cơ sở gì để bảo đảm”.

Sự phân tích của Bạch Vạn Cương rất sâu sắc. Cơ sở vật chất trong cuộc chiến tranh Lạnh là vũ khí hạt nhân, sự cân bằng vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô về cơ bản đã đảm bảo được hòa bình thế giới, nó được gọi là hòa bình trong cuộc chiến tranh Lạnh. Hòa bình thế giới từ này về sau là hòa bình giữa các nước lớn, nhưng phải dựa vào sự cân bằng về quân sự, bao gồm cả vấn đề vũ khí hạt nhân trong đó. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự, trong một thời gian ngắn thì không thể cũng không cần có vũ khí hạt nhân ngang bằng với Mỹ, không thể chạy đua vũ trang được với Mỹ, nhưng Trung Quốc nhất định phải nhanh chóng có khả năng cùng đưa Mỹ đến chỗ chết. Đây là yêu cầu trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trừ phi là một ngày nào đó, “ một thế giới không có vũ khí hạt nhân” của chính quyền Obama trở thành sự thực.

Trỗi dậy quân sự không phải để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh

Trong một thời gian dài, về quân sự Trung Quốc không thể mà cũng không cần vượt qua Mỹ, nhưng mức độ thấp nhất trong việc Trung Quốc trỗi dậy quân sự là để không bị quân đội Mỹ đánh. Quân đội Mỹ cũng không dám đánh quân đội Trung Quốc, mà có đánh thì cũng không đánh thắng, khi đánh nhau với quân đội Mỹ quân đội Trung Quốc có thể đối diện và đứng ở vị trí bất bại, đó là yêu cầu chiến lược và mục tiêu chiến lược của quân đội Trung Quốc. Cho nên, mục đích trỗi dậy quân sự của Trung Quốc không phải là thắng Mỹ, mà chỉ là bảo đảm quân đội Trung Quốc không bị quân đội Mỹ chiến thắng, cho nên Trung Quốc trỗi dậy quân sự đối với quân đội Mỹ không phải là sự đe dọa, mà là để tránh quân đội Mỹ uy hiếp quân đội Trung Quốc. Đây là đặc trưng của Trung Quốc trỗi dậy quân sự, trỗi dậy quân sự mang đặc sắc Trung Quốc, bao gồm tính tự vệ, tính phòng thủ, tính hòa bình, tình giới hạn, tính cần thiết, tính quan trọng, tính bức thiết. Điều này cũng quyết định Trung Quốc trỗi dậy quân sự không thể mà cũng không cần thiết phải chạy đua vũ trang với Mỹ, vì mục đích và hàm ý của cuộc chạy đua vũ trang là đôi bên muốn chạy đua thì một trong hai bên phải có ưu thế về lực lượng quân sự so với bên kia, lấy áp đảo và chiến thắng lực lượng quân sự của đối phương làm mục tiêu. Đương nhiên nếu trong thế kỷ 21, Trung Quốc thuận theo tự nhiên, trong tình hình hòa bình như hiện nay, trở thành cường quốc quân sự số một thế giới không phải là một việc xấu, cũng không phải là đe dọa Mỹ, mà là tăng cường lực lượng hòa bình thế giới, Đặng Tiểu Bình cũng đã từng nói như vậy, Trung Quốc là lực lượng duy trì hòa bình, Trung Quốc càng lớn mạnh thế giới càng hòa bình. Giống như một dũng sĩ đeo bảo kiếm có võ công cao không phải để đe dọa người tốt, mà chỉ là đe dọa bọn trộm cắp.

Trung Quốc trỗi dậy quân sự, cần phải có lực lượng quân sự hùng mạnh mới thực hiện được thống nhất quốc gia, mới có khả năng ngăn chặn được thế lực bên ngoài công kích làm cho Trung Quốc bị chia cắt, ví dụ về vấn đề Eo biển Đài Loan, để ngăn chặn Mỹ sử dụng quân sự can thiệp vào, thì lực lượng này sẽ buộc cho Mỹ không dám vì ủng hộ Đài Loan độc lập mà tiến hành chiến tranh. Trung Quốc trỗi dậy quân sự, khiến cho lực lượng quân đội Mỹ trước mắt không dám đương đầu với quân đội Trung Quốc, vì Mỹ sợ sẽ gánh vác không nổi cái giá phải trả nếu lấy chiến tranh để ngăn chặn Trung Quốc, điều này đã khiến Mỹ không thể đưa ra các sách lược, từ đó đưa Mỹ vào tình thế ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy có giới hạn, đó là giới hạn “ngăn chặn trong hòa bình”. Thực lực quân sự của Trung Quốc cần phải hùng mạnh để bất kỳ kẻ địch mạnh nào trên thế giới đều không dám cũng không thể dùng lực lượng quân sự để ngăn chặn quá trình và khả năng trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc trỗi dậy quân sự thì cần phải có lực lượng quân sự hùng mạnh để duy trì hòa bình thế giới, trách nhiệm trong vấn đề trật tự thế giới và hòa bình thế giới nhanh chóng sẽ được đặt lên vai Trung Quốc.

Tờ “Thời báo toàn cầu” số ra ngày 27 tháng 11 năm 2009 đăng bài viết của nghiên cứu viên cao cấp Doug Bangdow, thuộc Viện nghiên cứu Catto Mỹ, đã nói rằng: “Con đường phía trước của thế kỷ 21 phụ thuộc quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều khiến các nhà sách lược Mỹ đang lo lắng không phải kinh tế Trung Quốc mà là khả năng quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc trong các báo cáo hàng năm của mình đều nhắc đến các khoản chi cho quân sự của Trung Quốc. Trong cuộc duyệt binh mừng ngày quốc khánh, cho dù Trung Quốc có tới

8.000 người và 151 máy bay tham gia, nhưng lực lương quân sự Bắc Kinh vẫn thua xa Mỹ. Quân đội Mỹ có sức mạnh nhất trên thế giới, quân đội mặt đất của Mỹ được huấn luyện, trang bị vũ khí chuẩn bị chiến đấu tốt hơn nhiều so với quân đội Trung Quốc. Kho vũ khí hạt nhân của Washington càng lớn thì càng hiện đại. Không quân của Mỹ không nước nào sánh được”. Mỹ có 11 nhóm tàu sân bay chiên đấu, còn Trung Quốc thì không có. Trong báo cáo tài chính hằng năm, tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2009, Mỹ đã chi phí 700 tỷ USD cho hải quân, gấp bảy lần Trung Quốc. Nếu giảm bớt các khoản chi cho chiến tranh hiện tại, thì kinh phí quân đội của Mỹ vẫn gấp năm lần Trung Quốc. Trung Quốc đang từng bước tăng tốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, cần rất nhiều năm, hay nói cách khác mấy chục năm nữa chi phí quân sự của Trung Quốc mới ngang bằng với chi phí quân sự của Mỹ. Từ đó có thể thấy, nếu nói Trung Quốc trong thời gian tới có thể đe dọa an ninh của Mỹ thì chẳng khác nào “người bệnh nói mê”. Vấn đề chính ở đây là khả năng Mỹ tiến công Trung Quốc. Chars Freeman, một quan chức Lầu Năm góc đã từng nói Trung Quốc “vô tình tiến hành chiến tranh ở Mỹ, nhưng Mỹ lại thực hiện một kế hoạch lớn đả kích người Trung Quốc trên lãnh thổ Trung Quốc”. Trung Quốc hiện tại đang phát triển để có đủ khả năng quân sự ngăn chặn Mỹ can thiệp vào Trung Quốc. Bắc Kinh không cần đánh bại Mỹ, thậm chí sức mạnh quân sự cũng không cần cân tương đương với Mỹ, quân đội Trung Quốc chỉ cần đảm bảo đủ khả năng ngăn chặn Washington sử dụng sức mạnh quân đội. Trong nước Mỹ, có một vài người dường như rối loạn tâm thần về việc Trung Quốc có khả năng có hàng không mẫu hạm. Tình hình quân sự ở Thái Bình Dương luôn luôn thay đổi, nhưng không phải vì hàng không mẫu hạm của Trung Quốc một ngày nào đó sẽ ít đi, chất lượng không cao, mà vì kế hoạch của Mỹ làm thế nào để đối phó hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và những lực lượng quân sự truyền thống khác. Để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc phải phát triển lực lượng đủ để cân bằng với khả năng vũ khí hạt nhân và áp lực vũ khí hạt nhân đến từ Washington, phát triển tên lửa mang đầu đạn và tàu ngầm để tiến công tàu sân bay của Mỹ, dùng cách tác chiến phi đối xứng gây hỏa mù vệ tinh Mỹ, sau đó phá hoại hệ thống điện tử của Mỹ.

Có thể thấy, Trung Quốc trỗi dậy quân sự không phải đánh Mỹ, mà là không để Mỹ đánh. Đối với mục tiêu này của quân đội Trung Quốc người Mỹ trong lòng cũng rất rõ.

Vạch trần “ thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc,” đẩy mạnh “khả năng răn đe của Trung Quốc”

Trong giới tự nhiên, loài động vật nào mà có khả năng tấn công, thì nó tương đối an toàn. Động vật có khả năng phòng thủ nhưng không có hành động tấn công, thì loài động vật đó cũng được coi là an toàn, khả năng phòng thủ cũng là khả năng bảo đảm an toàn. Còn động vật không có khả năng tấn công và không có khả năng phòng thủ, chỉ có khả năng chạy trốn, thì cũng có thể chuyển từ nguy hiểm thành an toàn, giữ được tính mạng. Muốn trở thành một nước lớn, nếu không cần khả năng răn đe, thì nước đó đương nhiên bị nằm trong tầm uy hiếp của nước khác.

Trung Quốc từ trước tới này không phải là quốc gia đi uy hiếp người khác. Nhưng, sự trỗi dậy của Trung Quốc, đối với quôc gia chủ nghĩa bá quyền thì đương nhiên nó là sự đe dọa, sự đe dọa này không phải là việc xấu, nó chỉ là thúc đẩy dân chủ thế giới, hạn chế những yếu tố có lợi cho chủ nghĩa bá quyền. Trong một quốc gia dân chủ , biện pháp chặn đứng quyền lực ngang ngược là lấy quyền lực cân bằng quyền lực; trong một thế giới dân chủ, biện pháp để cân bằng bá quyền là lấy lực lượng cân bằng lực lượng.

Sức mạnh răn đe của Trung Quốc là phải bằng uy lực vũ trang, uy phong cần có của một nước lớn. Một quốc gia lớn mà không có sức mạnh răn đe thì chỉ là một quốc gia không có uy. Trung Quốc trỗi dậy, vừa để vạch trần “thuyết về mối đe doạ của Trung Quốc”, lại vừa phải tăng cường xây dựng sức mạnh răn đe của Trung Quốc; không chỉ tăng cường khả năng răn đe của mình, Trung Quốc còn cần phải bày tỏ ý chí răn đe, quyết tâm răn đe của mình, để khiến cho những kẻ muốn xâm hại lợi ích quốc gia, nhất là những kẻ muốn chiếm không trung tâm nguyên tử của Trung Quốc biết được ý chí, quyết tâm và khả năng răn đe của người Trung Quốc.

Uy lực, răn đe bằng vũ lực, uy hiếp, là ba khái niêm khác nhau. Uy lực là khả năng của quân đội và của quốc gia. Răn đe bằng vũ lực là lấy sự tồn tại của một lực lượng để tạo nên ảnh hưởng và tác dụng tâm lý. Uy hiếp, là ác ý xâm lược và cố ý bá chủ, có khả năng gây nguy hiểm cho người khác. Trong rừng, dê là loại động vật yếu đuối, dê không thể uy hiếp bất kỳ động vật nào, dê đối với bất kỳ động vật nào cũng không có khả năng uy hiếp. Hổ và sói trong rừng là thuộc loại động vật dã man, là mối đe dọa sự an toàn của rừng. Còn voi cũng là động vật có uy phong, voi có khả năng đe dọa, nhưng voi không như các loài động vật có khả năng uy hiếp khác, voi không uy hiếp những con vật khác. Tinh thần thượng võ của Trung Quốc là uy chứ không phải là hiếp, Trung Quốc không phải là con dê trong cộng đồng quốc tế, giống như sau cuộc chiến tranh nha phiến của Trung Quốc, tất cả mọi người đều bị áp bức; Trung Quốc cũng không làm con hổ, con sói trong cộng đồng quốc tế, không xưng bá, không đi bắt nạt kẻ yếu. Tinh thần thượng võ của Trung Quốc giống như con voi có uy phong, những động vật yếu đứng trước mắt nó cũng không cảm thấy bị uy hiếp, những động vật dã man đứng trước mặt nó thấy mối đe dọa mà không dám hành động bừa bãi.

Trung Quốc phải xây dựng lực lượng quân sự như thế nào đây, cần phải lấy nhu cầu an ninh của quốc gia làm căn cứ, không thể lấy nhu cầu làm bá quyền của Mỹ làm căn cứ, càng không thể lấy cảm nhận của Mỹ mà thay đổi chiến lược. Trong các chiến lược vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, hệ thống phòng thủ tên lửa đã có những bước đột phá, để chuẩn bị bất kể khi nào cũng có thể phản công, đánh trả kẻ địch mạnh, các nhóm tàu sân bay của hải quân Trung Quốc có khả năng đạp bằng chông gai tiến lên phía trước, khi hải quân và không quân Trung Quốc có khả năng hùng mạnh, cơ động, đột kích nhanh, di chuyển tốt từ xa, thì quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ càng được ổn định, hòa bình thế giới và khu vực càng được bảo đảm.

Kỳ sau: 4. Nước giàu cần quân mạnh

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114495120

Hôm nay

2241

Hôm qua

2290

Tuần này

22519

Tháng này

212513

Tháng qua

120308

Tất cả

114495120