Những góc nhìn Văn hoá

Trịnh Công Sơn, người tình của thiên nhiên

Sáng nay trong cái se lạnh của ngày lập đông, bị đánh thức bởi tiếng chim từ quy đâu đó, tôi bỗng nhớ tới Trịnh Công Sơn và câu nói của ông: “Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Con chim nhỏ ấy đã đi xa rồi, rất xa, nhưng tiếng hót của chim là vĩnh cửu.

Tiếng hót ấy đã làm thành văn tự của Trịnh Công Sơn, góp phần vào cuốn “bạch thư hùng vĩ mà muôn loài đã để lại cho bầu trời, mặt đất và sông nước”.

Hình như không ai hiểu người nghệ sĩ tài hoa này bằng chính ông. Đi trong cõi đời, ông như chú Hoàng Tử Bé, mải miết tìm, biết là vô vọng vẫn hân hoan. Bởi nếu cô đơn giữa con người, Trịnh Công Sơn còn có cỏ cây và hoa trái, núi đá, suối nguồn và biển khơi, mưa và nắng… những người bạn lặng lẽ, an nhiên mà luôn luôn mới lạ, luôn luôn ân cần, chỉ mang đến cho ta niềm cảm hứng, sự sẻ chia mà không làm ta mỏi mòn đau đớn.

Những không gian của thời tuổi trẻ hoang mang. Những biến cố ghê gớm của đất nước. Những vết thương đầu đời chưa bao giờ lành. Tất cả đã làm cho Trái tim người nghệ sĩ rướm máu. Và như chú chim họa mi trong truyện của Oscar Wilde, Trịnh Công Sơn đã áp mạnh không tiếc thương tâm hồn mình vào chiếc gai nhọn có tên là Đời sống để đóa hoa hồng bạch thắm lên một màu đỏ nồng nàn, kỳ ảo.

Nhưng là người luôn tràn đầy lòng biết ơn, Trịnh Công Sơn than van mà không hề oán trách. Nhưng là người luôn chan chứa yêu thương, Trịnh Công Sơn không thôi ca hát, kể cả ngợi ca nỗi tuyệt vọng. Yêu thương, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở Trịnh Công Sơn là tâm hồn “mang hơi hướng triết lý nhà Phật”. Cũng có thể nghĩ rằng cái tâm bao la dào dạt ấy, cái phong cách phiêu diêu ấy là thoát thai từ thiên nhiên.

Hơn một lần Trịnh Công Sơn viết:“Với ca khúc tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những nỗi phiền muộn”.

Có thế giới âm nhạc nào tràn ngập thiên nhiên như ca từ của Trịnh Công Sơn?

Trong những tương giao của đời, Trịnh Công Sơn đã tìm được cửa ngõ đến với thiên nhiên và muốn đưa mọi người cùng đến đó bằng ca khúc. Ông gọi ca khúc của mình “là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc”. Hãy cho tôi được thêm: là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thiên nhiên và trái tim người nghệ sĩ tài hoa.

Ngay từ tác phẩm đầu tiên Ướt mi, Trịnh Công Sơn đã thể hiện đặc điểm này trong hai hình ảnh mang tính biểu tượng: mưa và nước mắt, đêm và thân phận.

Tình ca của Trịnh Công Sơn đã là một phần đời của nhiều thế hệ công chúng Việt Nam. Nhưng Em và Tôi ở đấy chưa bao giờ mang ý nghĩa lứa đôi, chưa hề là hạnh phúc quấn quýt như trong ca từ của nhiều nhạc sĩ khác. Em và Tôi, trong ước mong “cuộc bay đôi của những kiếp phù du” đã chỉ là những hạnh ngộ ngắn ngủi, làm thành cuộc đối thoại dài về những hồi ức xót xa, những dự cảm bồn chồn, những hoài nghi đau đớn. Ngay từ những bài tình ca đầu tiên Ông đã tiên cảm về khoảng cách bất khả vượt qua của Em và Tôi “Một người về đầu non, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo”. Đó không chỉ là những cách trở “sơn khê”. Người nghệ sĩ ấy hình như không thể chịu đựng những gì dung tục, tầm thường, và ông e sợ. Con người vốn bất toàn và Ông quá nhạy cảm để đọc thấy trong mắt nhau những buồn chán và thất vọng.

Và như vậy người nữ trong thế giới Trịnh Công Sơn bao giờ cũng xuất hiện như một thành tố của thiên nhiên. Đã hòa trộn vào nhau cõi ấy, Em, vai gầy, gót nhỏ, môi thơm… những đường nét thơ mơ hồ với nắng thủy tinh, mưa hồng, mây ưu phiền, lá xôn xao…Ở cõi ấy, Em không là nhân vật trung tâm mà thiên nhiên là đường viền. Với Trịnh Công Sơn, thiên nhiên chưa bao giờ là khung cảnh. Em của Sơn là Em trong không gian ấy, trong thời gian này, gắn bó, hòa nhập, liền khối làm nên một hạnh ngộ kỳ diệu của người và người trong ân sủng chứa chan của thiên nhiên: “Vì Em như hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa”. Em và Tôi khi ra khỏi khoảnh khắc ấy, đã là Em và Tôi khác rồi, bởi cấu trúc của hạnh ngộ đã vỡ. Cảm xúc tình yêu của Trịnh Công Sơn luôn tinh khôi và trong trẻo, luôn đầy dự cảm vuột mất, bất trắc là như vậy. Lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận từng phút giây giữa đời với một trái tim hòa ái, cho và nhận của Trịnh Công Sơn không len vào chút khát vọng chiếm hữu nào, như tinh thần của thiên nhiên.

Em, Tôi và Tình yêu nằm trong những ví von liên tưởng không ngớt với những hình tượng thiên nhiên. Em: cánh vạc bay, ngọn gió quạnh hiu, mây phù du, hoa là em, em là sương, hoa vàng một đóa, cơn gió dịu dàng, suối ngọt, nắng, mưa, trăng, nguyệt, cánh nhạn, cánh én… Tôi :thác đổ, đốm lửa, kiếp đá, hạt bụi, đá cuội, mặt trời, lá cỏ, đêm, chim, mưa bay, chút gió, sao đêm, sương thu, mưa bụi nhỏ, mây êm… Tình yêu: xa như trời, gần như khói mây, trầm như bóng cây, chim mỏi cánh rồi, mong manh như nắng, trái chín trên cây rụng rời, cơn bão đi qua địa cầu…

Trong khi tình yêu luôn là cái ngoái nhìn thì thiên nhiên hầu như là hiện tại. Thiên nhiên ở nhạc Trịnh Công Sơn là cái dòng miên viễn của mùa, cái nhịp đập của vũ trụ, cái tinh tế của đất trời. Mùa trong lời ru, lời gọi, trong tình yêu, trong sự chuyển động của quy luật tự nhiên. Đắm mình trong đấy, Trịnh Công Sơn hình như được vỗ về an ủi. Đó là không gian quen thuộc, tin cậy nhất mà ông tìm thấy. Mùa là sự gắn kết cho cõi thăng bằng, cho niềm vui, và hy vọng. Một chỗ tựa cho những lo âu buồn phiền hao hụt thiếu trống, những niềm vui chưa bao giờ tròn, những khát khao chưa bao giờ trọn, những khoảng cách chưa thể nào xóa hết.

Không chỉ xuất hiện như là các biểu tượng nằm trong liên tưởng. Thiên nhiên đã là một thực thể tham gia vào đời sống Trịnh Công Sơn và làm nên nhịp thở âm nhạc của Ông. Ngày xưa, Xuân Diệu là người khát yêu và trong tấm lòng mở rộng với đời ông đã ghi nhận thiên nhiên bằng cảm giác cụ thể: “ Vài miếng đêm lẩn khuất ở trong cành”. Trịnh Công Sơn đi lại, đứng ngồi, hát ca, trò chuyện, yêu thương, buồn nhớ, suy tưởng, ngắm nhìn, mơ mộng… tràn ngập cảm hứng vũ trụ. Cái vũ trụ mà ông nắm bắt từng sát na hiện hữu và sát na chuyển động: “Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe, Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe...”. Đó cũng là suối nguồn để ông soi mình: “một dòng trong veo sao lòng còn đục”,“Đứng giữa thiên nhiên , thân ta nặng nặng thân chim nhẹ nhàng”; là người bạn ân cần, bao dung, chia sẻ: “mây che trên đầu và nắng trên vai”, “Nếu thật hôm nào tôi phải đi tôi phải đi ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng với bình minh hay đêm khuya(…). Chắc lòng rất khó bình an”; là cội nguồn của nghệ thuật: “Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô từ mưa gió từ vào trong đá xưa”.

 Trong cuộc chuyện trò cùng thiên nhiên, Trịnh Công Sơn nhận ra cái hữu hạn của ngôn từ con người. Những cụm từ mới ra đời dường như để đáp lại tiếng thì thầm nhu mì, ảo diệu của thiên nhiên và để kịp ghi những sắc thái bí ẩn mà vũ trụ lưu lại: vết lăn trầm, mùa xanh lá vội, tay rong rêu, cọng buồn cỏ khô, cụm chiều, ngón xuân nồng, nụ đời, phiến môi mềm… Những sáng tạo về ngôn từ của Trịnh Công Sơn táo bạo mà không cầu kỳ, ngẫu nhiên mà không tùy tiện, giàu chất suy tưởng mà không duy lý, bởi chúng thấm nhuần cái tinh thần sống động tươi xanh mềm mại của thiên nhiên. Chúng phả lại những đối ngẫu và hòa âm thường hằng của vũ trụ, trong một dòng âm giai trầm lắng mênh mang như tiếng thở dài của muôn loài.

Người nghệ sĩ ấy hiểu mình muốn gì trên hành trình sáng tạo:“Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ”. Với ca khúc, Ông đã đến . Đó chỉ có thể là thứ triết học từ thiên nhiên và của thiên nhiên. Là tiếng hát của dòng sông, là lời ru từ cát đá , một cội nguồn của những cội nguồn mà Trịnh Công Sơn, người đi qua cuộc thế này, biết giữ mãi trái tim trẻ thơ để có thể tìm thấy đường về./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530179

Hôm nay

251

Hôm qua

2297

Tuần này

2348

Tháng này

216875

Tháng qua

0

Tất cả

114530179