Bài ông Huỳnh có ý bác lời của ông Phạm mà binh vực cho sự chủ trương của ông Ngô Đức Kế, là một trang chí sĩ đã quá cố, và đã công kích sự cổ động Truyện Kiều của ông Phạm Quỳnh năm xưa.
Lá lay gây ra việc nầy là tự tôi. Song sau khi đọc bài ông Phạm trả lời, tôi lại bỏ đi mà không nói nữa ; trong số 70 của Phụ nữ tân văn, tôi chỉ nói riêng về cái ý kiến lập hội “chấn hưng quốc học” của ông ấy. Tuy vậy, tôi cũng tỏ ý mong cho tòa án dư luận phân xử vụ kiện không thuộc về hình luật mà cũng không thuộc về dân luật đó.
May sao báo Tiếng dân trong một số mới rồi, Huỳnh Thúc Kháng tiên sanh lại có bài can thiệp vào mà thẩm phán. Tôi đọc qua thì mừng lắm, vì thấy lần nầy trong hàng thức giả đã có người không lấy cái thái độ nguội lạnh mà đối với dư luận như trước nữa.
Bài của ông Huỳnh, độc giả ai nấy chắc đã chú ý mà đọc, vì nó là một việc quan hệ chẳng phải nhỏ, vả lại là lời ra từ miệng một bậc đàn anh. Tôi đây cũng vậy. Nhưng tôi lại thấy rằng trong đó còn có một đôi chỗ không được đích xác và công bình cho lắm. Vậy xin phép trước là Huỳnh tiên sanh, sau là độc giả, cho tôi chỉ ra những chỗ ấy.
Huỳnh tiên sanh nhắc lại bài ông Ngô là một bài quan hệ về học thuật, có giá trị lắm, cái đầu đề của nó là Chánh học với tà thuyết, vậy thì không phải là câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ với học vấn tư tưởng như ông Phạm Quỳnh đã khai ra. Ông Huỳnh dùng chỗ đó mà bác lời ông Phạm, chắc độc giả ai cũng phải nhận là có lẽ lắm. Tôi cũng vậy, tôi cũng nhận chỗ đó thật đáng gọi là “nhứt ngôn cư yếu”, nghĩa là một lời mà nắm được chỗ khẩn yếu vậy.
Phải chi toàn bài, Huỳnh tiên sanh cứ một chỗ đó mà lập luận thì dầu chính ông Phạm Quỳnh là người bị công kích cũng phải tâm phục. Song tiếc thay, trong bài ấy, có chỗ tỏ ra tây vị ông Ngô quá và có chỗ lại như tuồng nói xoi ông Phạm, làm cho ông nầy không phục tình cố nhiên, mà cho đến người thức giả ở ngoài cuộc cũng không phục tình.
Huỳnh tiên sanh kể qua cái tâm sự chí khí của ông Ngô, rồi nói rằng : “Trong cái sự nghiệp trứ tác của ông (Ngô), bài Chánh học cùng tà thuyết nói ở trên chỉ là một bài trong ngàn bài khác”.
Chắc ông Phạm Quỳnh có đọc tới câu nầy thì ông phải bĩu môi. Mà còn người khác nếu người ta biết ông Ngô như tôi biết, thì không bĩu môi đi nữa cũng phải lắc đầu lè lưỡi, nói rằng : Văn của ông Ngô Đức Kế làm gì mà có đến ngàn bài ? Cứ như tôi biết, thì ông Ngô ở vào thời đại “duy tân” (1906-1908), có được đôi ba bài cổ động gì đó bằng chữ Hán, khi ở Côn Lôn có được mấy bài thơ ; còn hồi làm chủ bút Hữu thanh thì ông viết cả thảy chừng mấy chục bài mà có chừng năm ba bài xuất sắc, sau đó thì ông có xuất bản đôi cuốn sách mà không có giá trị mấy, vì toàn là văn sao tập và văn dịch. Như vậy mà nói rằng số văn của ông Ngô đến hằng ngàn thật là nói thêm nhiều quá !
Tôi nói như vậy không phải là nói ông Ngô làm văn có ít để hạ giá ông xuống đâu. Nếu văn ông là hay, là có quan hệ với nhân tâm thế đạo thì ít cũng không hại chi, vì theo lời tục nói, “quân tử quý tinh bất quý đa”. Ý tôi nói đây là chỉ muốn cho Huỳnh tiên sanh phải nói theo sự thiệt, khi nào văn của ông Ngô đến số ngàn thiệt, thì hãy nói số ngàn ; bằng không, ổng có chừng nào, hẵng nói chừng nấy.
Xin Huỳnh tiên sanh cùng độc giả đừng cho sự tôi chỉ trích đây là mọn mạy không quan hệ. Tôi coi ý tiên sanh làm văn, khi dùng những chữ số mục thường không cố ý cho thiệt đúng. Cách đây hai năm, khi tiên sanh đọc bài diễn văn tại viện dân biểu Trung kỳ mà bị ông Jabouille kháng cự, cũng chỉ vì tiên sanh dùng những chữ số mục nói về trường học không được đúng. Theo lẽ ra thì bài diễn văn ấy chẳng có chỗ nào kháng cự được hết, song người ta đã sẵn cái ý kháng cự rồi, thì bắt ngay cái chỗ hớ ấy mà kháng cự lại tiên sanh.
Trong bài nầy đây, nếu ông Phạm không phục tình thì cũng sẽ lấy cớ ông Huỳnh nói thất thiệt mà cho là có ý tây vị ông Ngô đó vậy.
Lại một chỗ nữa, Huỳnh tiên sanh đã tỏ ra cái thái độ không được đường đường chánh chánh cũng đủ làm cho ông Phạm không phục tình.
Số là ông Phạm Quỳnh từ hồi làm chủ bút Nam Phong đến giờ, đi đâu một bước cũng có làm du ký. Ấy là Mười ngày ở Huế ; Một tháng ở Nam Kỳ; Ba tháng ở Paris. Sự đi ra mà làm du ký là sự thường, ai không muốn làm thì thôi, chớ làm du ký không phải là sự “mua danh”. Nếu hễ thấy làm du ký, cho là “mua danh”, thì ai cũng sẽ tránh cái tiếng ấy mà không còn ai dám làm du ký nữa, rút lại, chúng ta sẽ không có một cuốn du ký nào mà đọc.
Vậy mà Huỳnh tiên sanh nói rằng : “Ông (Ngô) có làm Côn Lôn du ký mà tuyên bố để mua danh đâu”. Tiên sanh nói câu ấy thật rõ là nói xoi ông Phạm Quỳnh đã làm nhiều lần du ký.
Trên câu ấy, tiên sanh bẻ ông Phạm mà nói rằng : “Còn nói ông Ngô có cái lịch sử 10 năm ở Côn Lôn nên ông không ngang sức, thì thật là vô lý. Mười năm Côn Lôn là một vấn đề, bác sự học Kiều là một vấn đề khác, hai điều có dính liếu gì đâu. Và trong bài Chánh học của ông Ngô, ông có đem mười năm Côn Lôn mà khoe với ai đâu ?” Những câu ấy thật là chánh đáng lắm. Đương nói giọng chánh đáng đàng hoàng như vậy, sao tiên sanh lại xạ vào một câu như tuồng soi bói ông Quỳnh, thì có phải là phí mất chăng ? Đáng tiếc thay !
II
Trong bài phê bình I của tôi, tôi vẫn cũng chịu bài của ông Huỳnh là một cái nghị luận đường chánh, là một cái ý kiến đáng và cần phát biểu ; song tôi chỉ tiếc có hai chỗ : một chỗ nói thất thiệt và một chỗ có ý xoi bói. E vì những chỗ ấy làm cho người bị công kích không phục tình.
Tuy vậy, còn nữa. Hai chỗ đã chỉ ra đó chẳng qua là chỗ dễ thấy hơn ; đến có chỗ mới nghe qua vẫn là đường chánh, mà xét kỹ lại, cũng thành ra thất thiệt và hàm cái ý xoi bói nữa, chỗ nầy hơi khó thấy, hôm nay tôi chỉ nốt ra đây.
Huỳnh tiên sanh nói rằng :
“Ông Ngô Đức Kế là một người tài học trổ từ lúc thiếu niên, nếu như có ý thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn chương để tiện đường mua giàu chác tiếng như ai, thì trong đám người đời mà lên mặt sang trọng thông thái ấy, ông làm đến đâu cũng thừa ra. Thế mà hy sinh cả thảy, chỉ ôm một lòng lo việc chung cho đất nước, trọn đời đày đoạ mà cứ khăng khăng một mực, cho đến ngày đậy nắp hòm !…”
Một đoạn ấy lời văn rắn rỏi, lại đầy những cái ý cảm khái lâm ly, chắc có nhiều người đọc tới mà lấy làm phấn khích, hoặc giả đến nỗi có kẻ phải sa nước mắt chưa biết chừng. Mà thật thế, cái lối văn thuộc về tình cảm nó nuốt người ta mạnh lắm, có khi nó cướp mất cả phần lý trí.
Vậy mà theo con mắt nhà phê bình, trong bài của ông Huỳnh có đoạn nầy là đoạn nhiều lỗi hơn hết, chẳng phải chơi. Tôi nói như vậy chắc có người cho tôi là vạch lông tìm vết. Song không phải đâu, xin thong thả nghe tôi cắt nghĩa.
Đoạn ấy cũng vẫn là thất thiệt. Xưa nay những người tài học trổ từ lúc thiếu niên, dầu là người có chí về danh lợi đi nữa đâu có phải hết thảy về sau đều trở nên người phú quý ? Nếu bao nhiêu những người ấy trên đời nầy đều là người phú quý hết thảy, thì đoán quyết cho ông Ngô “làm đến đâu cũng thừa ra”, ai còn cãi được ư ? Cái nầy, tôi thấy ra, có rất nhiều người học giỏi, đậu sớm, mà làm quan cứ trầm trầy trầm trật đến già một đời ; còn có người đậu đại khoa sớm, làm quan to ngay, như ông Trần Hy Tăng, thì chưa đầy bốn mươi tuổi lại chết.
Huống chi, giở Đăng khoa lục ra mà coi, thì thấy từ đời Minh Mạng có thi hương thi hội đến giờ, phần nhiều bậc đại thần ở triều ở quận là cử nhơn xuất thân, chớ tấn sĩ lại là phần ít. Vậy nên ông Ngô mà cứ theo quan trường, đừng theo quốc sự, thì sự làm nên cùng chăng, cũng còn nằm trong hai chữ phận mạng, còn ở trong trái ổi, dựa vào hơi ông chi mà nói được rằng “làm đến đâu cũng thừa ra”? Phải chi chỗ nầy tác giả nói rằng “hoặc giả ông Ngô đã làm đến đâu rồi”, thì còn được, chớ nói quyết rằng “làm đến đâu cũng thừa ra”, thì là một điều phán đoán trái với luận lý học. Tôi nói là thất thiệt, vì thế.
Tài nào cho khỏi có người bảo phê bình như vậy là quá khắc. Song không phải khắc đâu. Theo văn học đời nay, nó cũng có cái khuynh hướng như cái khuynh hướng của triết học, tức là “Chơn, Mỹ, Thiện (le vrai, le beau et le bien). Đoạn [. . . .][*] của ông Huỳnh đây phạm vào mặt “bất chơn”, không [. . . .]* được. Nếu không tin, ông nào giỏi tiếng Pháp thử dịch ra đi, mà phải giữ “temps des verbes” **cho thật đúng với nguyên ý, rồi nghe thử có được không ?
Nhưng nếu theo lối văn khoa cử ngày xưa thì đoạn nầy có lẽ lại được khuyên nhiều. Vì trong những bài kinh nghĩa văn sách, người ta nói luôn luôn như vầy : “Phải chi đức Khổng thầy Mạnh mà được dùng ra, thì nói thiệt, cái đời Xuân thu Chiến quốc sẽ đổi ra Đường Ngu Tam đại tức thì. Tiếc thay thánh hiền chẳng gặp thời, làm cho muôn họ lúc bấy giờ không được gội nhuần ơn nho giả !”. Ấy đó, văn khoa cử thì là thế, không kể cái hoàn cảnh bấy giờ ra sao, không nhắm đến cái tài lực thánh hiền thế nào, chẳng thèm phòng hao chút nào hết, cứ nói đại đi rằng hễ thánh hiền thì làm muôn việc đều được, không làm, làm thì chắc được !
Đoạn ấy, chẳng biết ông Huỳnh có ngụ cái ý nói xoi ông Phạm Quỳnh không, song tôi đọc lên thì thấy có cái ý ấy. Ông Phạm có “thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia” không, thì không biết ; ông có “mượn văn chương” không, thì không biết ; song một điều ai ai cũng biết, là ông ấy đã nhờ văn chương của mình mà được giàu (giàu hơn tôi) và được tiếng. Ở giữa đám chúng ta đây ông Phạm cũng đáng kể vào bậc “sang trọng và thông thái”, duy chưa chắc một điều là “lên mặt” cùng chẳng lên. Chỗ nầy tác giả cốt muốn đặt một ý giả thuyết (hypothétique) về ông Ngô, thế thì đặt cách nào chẳng được, lại nhè nhắm trúng vào ông Quỳnh mà đặt, vậy thì có thầy kiện nào già miệng đến nỗi cãi được rằng lời nói ấy là lời nói trực tình ?
Lại còn phạm cái lỗi nói ra ngoài đề. Ông Huỳnh đương bẻ ông Phạm rằng cái bài ông Ngô nói chuyện chánh học với tà thuyết, là vấn đề quan hệ đến nhân tâm thế đạo, chớ không phải câu chuyện quyền lợi, câu chuyện cá nhân như ông Phạm nói. Nếu vậy thì chỉ cứ nên thân minh cái nghĩa chánh học và tà thuyết ra, để đè sấp cái nghĩa cá nhân quyền lợi bên kia đi là được rồi, hà tất phải chưng ông Ngô lên làm chi ? Huống chi ông Phạm đã nói rằng ông Ngô có cái mười năm Côn Lôn, ông không ngang sức nên ông không đối đáp, thế là ông có ý nhượng bộ chỗ đó rồi. Nội một cái mười năm Côn Lôn, người ta đã nhượng bộ, sao ông Huỳnh lại còn đem cả nhân cách một đời của ông Ngô ra mà doạ thêm ? Lại huống chi ông Huỳnh đã biết rằng trong bài ông Ngô, ông “không hề đem cái mười năm Côn Lôn ra mà khoe”, thì sao ông lại đem cả nhân cách một đời ông Ngô ra mà “khoe” trong bài của mình ? Nói tóm lại, chỗ nầy ông Huỳnh chỉ nên luận về “việc”, chớ không nên đem cái “người” của ông Ngô và ông Phạm ra mà nói.
Sau hết tôi phải nói đến cái ý nầy, cái ý nầy thì khí cao một chút. Đại phàm người nào đã thật lòng hy sanh phú quý thì chẳng khi nào kể đến sự hy sanh ấy, mà cũng chẳng hề xem thấy cái phú quý của kẻ khác nữa. Nếu còn kể đến, còn xem thấy thì hình như hai chữ phú quý trong lòng mình còn chưa quên, và sự hy sanh ấy không phải thực lòng. Ông Ngô nếu thực lòng hy sanh, mà ông Huỳnh lại nói như vậy, vẫn biết là lời giả thiết, song cũng e làm cho ông Ngô ân hận dưới suối vàng nếu ổng có linh !
Năm ngoái, có người chí sĩ ở trong khám lớn Sài Gòn làm bài thơ, có một câu đại ý nói mình ở trỏng thì khổ nhục trăm bề, mà cứ nghe kèn xe hơi bốn phía ngoài tường, bóp lia bóp lịa, chẳng biết họ đi đâu mà sung sướng nỗi chi ! Tôi nghe đọc thì tôi phê bình thầm vừa đủ tôi nghe mà rằng : “Ủa hay ! người ta sung sướng thì người ta mới đi xe hơi, còn ông ở tù thì ông mới làm chí sĩ!”
Tôi nói đến cái ý cao nầy, xin đừng ai đem mà trách tôi. Trước hết tôi đứng lên tự nhận tôi là nhà phê bình đây ; rồi tôi nói rằng tôi chẳng phải là chí sĩ, tôi chưa hề hy sanh cái gì, tôi vẫn chạy theo phú quý, song trong khi tôi phê bình, thì tôi có cái trách nhiệm nhắc cái văn phẩm lên cho cao.
III
Phê bình về một bài mà viết cho đến ba bài như vậy, thật là quá lượng, chẳng khác nào thuộc địa lại to hơn mẫu quốc ! Tuy vậy, nhơn dịp nầy, cống hiến cho độc giả một vài điều nên biết trong cõi văn học đời nầy cũng hay.
Trong bài của Huỳnh tiên sanh có ý mạt sát Truyện Kiều đến nỗi nói rằng “người tô vẽ nó có công đức gì mà hoan nghinh ?” Rồi đó tiên sanh lại trưng ra những cái tội ác của xã hội ngày nay như là say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà đổ tội cho kẻ tán dương Truyện Kiều ; như vậy thật là quá đáng.
Muốn đánh giá Truyện Kiều và cái công nghiệp văn chương ông Nguyễn Du cho vừa phải, đừng cao quá, đừng hạ quá, thì trước hết phải hiểu trong cõi văn học của thế giới ngày nay có hai cái khuynh hướng trái nhau mà cũng có thế lực ngang nhau. Ấy là một phái chuyên trọng về nhân sanh ; một phái chuyên trọng về nghệ thuật.
Phái nhân sanh có một lời tiểu biểu rằng : Nghệ thuật vì nhân sanh (l’art pour la vie). Phái ấy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở có ích cho xã hội, có lợi cho đạo đức, cho nên bất kỳ văn chương nào hay mấy đi nữa mà trái với cái mục đích ấy cũng thành ra đồ bỏ. Còn phái nghệ thuật lại có lời tiêu biểu phản lại nói rằng : Nghệ thuật vì nghệ thuật (l’art pour l’art). Đại khái phái nầy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở sự đẹp, bên ngoài sự đẹp không còn có mục đích gì, cho nên bất kỳ văn chương nào miễn cho hay cho đẹp thì thôi, chớ không kể là có ích cho đời người cùng chăng. Ấy, cái đại thể trong cõi văn học của thế giới ngày nay có chia ra hai phái là như vậy.
Hai phái ấy phái nào cũng có cái lý thuyết của mình đủ mà thành lập, không ai nhượng ai. Bởi vậy, các nhà văn học trong các nước ngày nay tùy mình muốn ngả về phái nào thì ngả, và cả hai đều có giá trị hết.
Nếu cứ theo cái hiện tượng ấy và nếu nhận cho văn chương Truyện Kiều là đẹp là hay, thì cái người vì quốc ngữ mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, chẳng phải là làm một việc không có ý thức. Vì trong khi làm việc ấy, người ta đứng về phái nghệ thuật, người ta chỉ sùng bái cái đẹp mà thôi, mà tự họ lại nghĩ rằng cái đẹp ấy chẳng có thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Tôi không rõ lúc bấy giờ ông Phạm Quỳnh có bảo đem Truyện Kiều mà làm “sách học” không, có coi Truyện Kiều như sách giáo khoa không ; nếu vậy thì đáng công kích thật ; còn như lấy danh nghĩa “Văn học ban” của hội “Khai trí tấn đức”, khuynh hướng về cái thuyết “nghệ thuật vì nghệ thuật” mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, thì tôi chẳng thấy chỗ nào đáng công kích hết, mà tôi cho là việc ai thích thì làm, chẳng hại gì cả.
Cái hiện tượng trong cõi văn học thế giới ngày nay như đã giải ra trên kia đó, thì bên Tàu ngày xưa lại tương phản. Theo bên Tàu ngày xưa, cái quan niệm về văn học đại để khuynh hướng về phái nhân sanh hết. Tuy có một vài người chủ trương theo như phái nghệ thuật, song đã bị phái kia to thế lực hơn đánh đổ đi.
Như Chiêu Minh thái tử, người đã biên tập bộ Văn tuyển, có nói một câu rằng : “Cái đạo lập thân khác với văn chương : lập thân thì trước phải cẩn thận ; song văn chương thì hẵng cho phóng đãng”. (Lập thân chi đạo dữ văn chương dị; lập thân tiên tu cẩn thận ; văn chương thả tu phóng đãng). Câu ấy tức là đại biểu cho phái nghệ thuật của Trung Quốc đời xưa ; nhưng đã bị nhiều người bắt bẻ lắm, cho rằng văn chương như thế là hại đạo, cho nên phái ấy ở nước Tàu không mọc lên được.
Các nhà văn hào như Hàn Dũ thì nói : “Văn để mà chở đạo” (văn dĩ tải đạo), như Tăng Củng thì nói : “Văn chương phải cội gốc ở Lục kinh” (văn chương căn bổn Lục kinh).Ấy đó đều là những cái thuyết đại biểu cho phái nhân sanh. Đến đời sống đời Minh, lý học càng thạnh lên thì cái thuyết ấy lại càng mạnh lắm ; ai diễn được bổn tuồng nào, cũng mong có ích cho phong hóa ; ai làm ra cuốn sách chi, cũng tự phụ là có quan hệ với thế đạo nhân tâm.
Ở nước Tàu, cái thuyết của phái nhân sanh cầm trọn quyền như vậy đó, mà mười người mười than rằng phong tục mỗi ngày một suy, trải đời nọ qua đời kia, đời nào cũng thấy phàn nàn rằng “nhơn tâm bất cổ”
[†]. Ấy là tại làm sao ? Có phải là tỏ ra rằng cái nguyên nhân của tội ác là nhiều lắm, không phải một mình văn chương đủ làm hại mà thôi chăng ? Cũng vì đó mà phái nghệ thuật đời nay mới hết sức khuynh hướng về cái đẹp mà tự tin rằng cái đẹp của mình khuynh hướng đó chẳng khi nào lại gây nên ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Có lẽ Huỳnh tiên sanh cũng một hạng người như Hàn Dũ, Tăng Củng, lấy cái quan niệm về văn học đời xưa mà bắt thiên hạ phải theo một khuôn mẫu như mình, hầu cho duy trì phong hóa mà vãn hồi thế đạo nhân tâm. Như vậy, cái ý thì vẫn tốt, nhưng đối với cái trào lưu văn học của thế giới ngày nay, e khi không hạp.
Ở đời nay, bất kỳ một cái thuyết gì, hễ nó đã thành lập được thì người ta phải để cho nó tự do phát triển. Ngăn cản hay là hủy diệt nó đi, là việc vô ích mà có hại. Trong văn học mà khuynh hướng về thuần nghệ thuật, về mỹ, ấy là một sự chánh đáng ; cái khuynh hướng ấy hiện đương tận lượng mà phát triển ra trong các nước, dầu nước Tàu là nước ngày xưa rất nghiêm về văn học cũng vậy.
Muốn duy trì phong hóa thì kiếm cách mà duy trì ; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì cứ việc mà vãn hồi; còn Truyện Kiều, nếu đã nhìn nó là một thứ mỹ văn học thì phải để cho nó tự do phát triển. Chỉ có khi nào đủ tang chứng nói được rằng Truyện Kiều quả đã làm hại cho phong hóa, cho thế đạo nhân tâm, thì khi ấy hãy nên cấm hẳn đi mà thôi.
Trước khi có người đề xướng Truyện Kiều, phong tục của ta có quả là thật tốt chăng ? Kịp đến khi chỉ có người tán dương Truyện Kiều một cái, mà làm cho dứt cả nề nếp gia đình, trật tự xã hội, như thế thì cái hoạ Truyện Kiều lớn lắm thật. Song, chỗ nầy tôi không dám tin lời tiên sanh. Nếu tiên sanh lập ra được một cái biểu thống kê về tội ác trước hồi đó và sau hồi đó cho thiệt đành rành, mà tôi thấy ra tội ác sau nhiều hơn trước, thì tôi mới tin được vậy.
Trung lập, Sài Gòn, s.6266 (7.10.1930) ;
s.6267 (8.10.1930) ; s.6268 (9.10.1930)