1. Xuất dương lưu biệt là bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán của Phan Bội Châu, trong đó có cặp câu luận rất quan trọng, nhưng cho đến nay, nó dường như chưa được chú ý đúng mức
1. Xuất dương lưu biệt là bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán của Phan Bội Châu, trong đó có cặp câu luận rất quan trọng, nhưng cho đến nay, nó dường như chưa được chú ý đúng mức
Phiên âm Hán Việt : Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Dịch nghĩa: Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu đi thôi!
Dịch thơ : Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.
(Tôn Quang Phiệt dịch thơ, Thơ văn Phan Bội Châu chọn lọc, NXB Văn học, Hà Nội, 1967)
Non sông đã chết, sống thêm nhơ nhuốc,
Bậc hiền thánh đã vắng bóng có tụng niệm cũng chỉ ngu si đi thôi.
(chúng tôi dịch xuôi)
Bài viết này góp một tiếng nói trong việc giải mã cặp câu luận trên, ngõ hầu tiếp cận chân lí.
2. Trước tiên, cách dịch câu thơ thứ hai của cặp câu luận có những điều khiến người đọc ngày nay vốn khá xa lạ với chữ Hán rất dễ ngộ nhận, khiến họ không thấy rõ tinh thần phủ định quyết liệt nền cựu học mà hạt nhân cơ bản là Nho giáo của cụ Phan. Đó là chữ tụng, trong nguyên tác có nghĩa là chỉ biết cắm đầu nhai lại chữ nghĩa Hiền Thánh (Khổng – Mạnh) mà không suy xét, thì sẽ trở nên si tức kẻ cuồng tín, tin một cách mê muội và ngu xuẩn.(Bản dịch nghĩa dịch là đọc, bản dịch thơ dịch thành học cũng hoài).
3. Xuất dương lưu biệt được sáng tác khi Phan Sào Nam từ biệt các đồng chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Bài thơ được in trên Binh sự tạp chí – Hàng Châu, Trung Quốc, số 34 tháng 12 – 1917. Nguyên nhân của việc xuất dương xét đến cùng là do sự khủng hoảng đường lối cứu nước trong cục diện mưa Âu gió Mĩ. Các thế hệ người Việt Nam thời ấy không thiếu nhiệt huyết và dũng khí xả thân vì nước, nhưng các cuộc khởi nghĩa của ta đều bị thực dân Pháp tắm trong bể máu; mà nguyên nhân chính là bế tắc trong việc tìm ra một đường lối cứu nước hữu hiệu Là một nhà nho từng qua trường văn trận bút, từng được tôn vinh là một trong những người hay chữ nhất nước Nam thời ấy với bài phú Bái thạch vi huynh (Lạy đá làm anh), lại có điều kiện được tiếp xúc với Tân thư do Nguyễn Thượng Hiền cung cấp, với khí chất của người con của mảnh đất Hoan- Diễn, Giải nguyên Phan Bội Châu thấy rất rõ những hạn chế, bất cập của học thuyết Khổng Mạnh. Chính vì vậy ông đã tuyên bố đoạn tuyệt hẳn với học thuyết này. Đây là một sự phủ định từ bên trong và cực kì quyết liệt. Trong bối cảnh thời đại ấy có thể giải thích được. Vào đầu năm 1905, các bạn bè, đồng chí của ông (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) từng Cáo hủ lậu văn trong hai bài thi không theo đề trường qui ở trường thi Bình Định trong kì tiểu thí – hạch sơ tuyển người vào thi hương, với cái tên chung Đào Mộng Giác (anh họ Đào tỉnh mộng). Phan Châu Trinh làm bài thơ Chí thành thông thánh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp viết chung bài Cầu lương ngọc tất danh sơn phú, đả phá lối học khoa cử đã lỗi thời, nêu bật tình trạng nguy cấp của đất nước, đồng thời kêu gọi giới quan lại và sĩ tử vứt bỏ lối học nhai văn nhá chữ làm mất nước ấy đi, để tìm cách cứu nước. Lối học cử tử cốt thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia đã biến học thuyết Khổng Mạnh thành một thứ thiên kinh địa nghĩa, thành chân lí tuyệt đối đúng ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc, đãkhông còn giúp gì cho sự nghiệp cứu nước cứu nhà. Sự phủ định quyết liệt đến mức tuyệt đối này, là cả một quá trình nhận thức về những bất cập, ảo tưởng và không tưởng của lí tưởng tu tề trị bình của chính các thế hệ nhà nho nước nhà. Trước đó Nguyễn Khuyến (1835-1909), một vị Tam nguyên nho học từng than thở: Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo xiêm lại nghĩ thẹn thân già, và từng thấy những ông tiến sĩ thời ấy trong đó có cả mình chỉ là thứ đồ bỏ trong bài thơ Ông nghè tháng Tám (Cũng cờ cũng biển cũng cân đai – Cũng gọi ông nghè có kém ai – Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng - nét son điểm rõ mặt văn khôi – Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ - Cái giá khoa danh ấy mới hời – Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe – Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi). Tú Xương (1870- 1907) từng viết: Nào có ra gì cái chữ Nho…, Nguyễn Thượng Hiền từng đốt thi văn tập của chính mình. Truynguyên từ khởi thủy Nho giáo sẽ thấy được lí do của sự phủ định triệt để, tuyệt đối này. Khổng Tử, ông tổ của học thuyết tư tưởng chính trị đạo đức này, trong Luận ngữ đã 105 lần nhắc tới chữ “nhân”, một trong những tư tưởng cốt tử của mình (nhân giả ái nhân- người có nhân yêu thương con người, nhân giả vô địch- người có nhân không ai địch nổi, kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân- việc gì mình không muốn làm thì đừng bắt người khác phải làm…), nhưng cuối cùng cũng phải ngao ngán mà thốt lên rằng: ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả giã (ta chưa từng thấy ai hiếu đức như hiếu sắc vậy), rồi chữ nhân rất quan trọng, nhưng ta chỉ thấy người dẫm lên lửa mà chết chứ chưa từng thấy ai dẫm lên chữ nhân mà chết). Sự xuống dốc, mất giá và phá sản của hệ tư tưởng nhà nho trên thực tiễn của lịch sử tư tưởng và xã hội Việt Nam trước sự bành trướng, xâm lược và đắc thắng của thực dân Pháp đã biến mẫu hình nhân cách văn hóa nhà nho và hệ tư tưởng quan lại thành một bi hài kịch lớn, mà những người muốn từ bỏ Nho giáo lại chính là những người được đào luyện từ cửa Khổng sân Trình, tức những người có đủ tư cách và thẩm quyền phán xét học thuyết này. Thật đúng là trong chăn mới biết chăn có rận. Về cuối đời Ông già bến Ngự có điều chỉnh quan điểm của mình với Nho giáo và nền cựu học.Trong Đề từ cho cuốn Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, ngày 1 tháng 3 năm 1931, ở Huế với bút danh Hãn Mạn Tử, cụ Phan viết:
Sử nước ta từ thời Bắc thuộc trở về trước, vẫn không văn tự đặc biệt, đến đời Nhậm Diên, Tích Quang và Sĩ Vương mới đem văn tự Trung Quốc truyền vào, trải hơn hai nghìn năm. Hán văn đã thành hẳn một thứ quốc văn. Nhà truyền người đọc, tai thuộc, miệng làu, mà những tiếng khẩu đầu thường dùng như tu thân, tề gia, nhân tình, quốc tục.v...v... tất cả những danh từ thành ngữ mà nhà cựu học cần dùng, rặt là Hán văn.
Từ thế kỉ thứ XIX sắp xuống, Âu học truyền vào, nước ta cũng bắt đầu có chữ quốc ngữ, tuy những tiếng thổ âm tục ngữ phần nhiều không cần dùng Hán văn, nhưng muốn nghiên cứu học mới phiên dịch sách ngoài, thì những danh từ thành ngữ: trừu tượng, cụ thể, mục đích, phương châm... mà nhà tân học cần dùng, hết thảy phải lấy ở Hán văn.
Góp lại hai lẽ như trên kia, thì đâu bảo rằng: Quốc văn với Hán văn, tất phải đun nấu trong một lò, dệt thêu chung một khổ, cũng không phải là quá đáng ! Hiện sách giáo khoa quốc ngữ, với các báo chí tùng thư trên vũ đài Quốc văn ngày nay, hoạ sắt vẽ chì, Hán văn vẫn chiếm một bộ phận lớn, mà tựu trung chủng loại rất phức tạp, ý nghĩa rất hồn hàm, nhất là những danh từ thành ngữ thuộc về các khoa học mới. Chữ xưa mà nghĩa nay, văn thường mà ý lạ, nếu không ai cắt nghĩa cho tinh tường, giải ý cho minh bạch, mà chỉ trông ở mẫu tự, y dạng đặt tên, quen mồm đọc suốt, được lời mất nghĩa, sao tránh khỏi cái tệ nghe chữ “ lộng chương” mà bảo “chương” là con chương, đọc chữ “ trừu tượng”mà bảo “tượng” là con tượng, cái khốn nạn vì không hiểu Hán văn đó, làm hại cho học giới tương lai chẳng đau đớn lắm sao?
Kìa nước Nhật là một nước văn minh mới ở Đông phương, mà Quốc văn của họ vẫn dùng Hán văn nhiều hơn Hoà văn, trong mười phần thì Hán văn thườmg đến bảy tám. Các nhà học vấn của họ rủ nhau biên tập những bản Từ thư như: Hán văn đại từ điển, Hoà Hán từ nguyên, Hán Hoà văn hợp bích, vv...tập trước bộ sau, chật nhà đầy phố, ấy người Nhật Bản tuy không theo lối “thi vân tử viết”, mà thế lực Hán văn vẫn bành trướng hơn Hoà văn. Vậy mới biết giáo dục cơ quan, và công dụng văn tự, tất phải cập nhau mà cùng lên.
Đau đớn thay ! Quốc văn nước ta không thể nào bỏ được Hán văn, mà cớ sao các nhà trứ tác, chưa ai lưu tâm đến những bộ từ điển, từ nguyên, tâm thành ra Hán Việt hợp bích, để khiến người ta nhân Quốc văn mà hiểu thêm Hán văn, hiểu Hán văn mà thêm hay Quốc văn? (1)
Đoạn tuyệt với Nho giáo, đương thời là một việc động trời ở một đất nước có truyền thống Nho học hàng nghìn năm, không khác gì lời tuyên bố Chúa đã chết ở phương Tây. Tuy nhiên, hôm nay với độ lùi lịch sử cần thiết, phải khách quan, khoa học, công tâm, công bằng trong ứng xử với Nho giáo; cũng có nghĩa phải bàn lại lời khai tử Nho giáo của cụ Phan. Tuy tuyên bố đoạn tuyệt với Nho giáo, với nền cựu học, nhưng cụ Phan vẫn không vất bỏ được nó, chứng cớ là: các trước thuật và sáng tác của cụ chủ yếu được viết bằng chữ Hán, có người đã gọi là Hiện tượng lại giống (Trần Đình Hượu). Sự nghiệp cách mạng của cụ Phan như chính cụ thừa nhận trong niên biểu của mình : Một trăm lần thất bại, không một lần thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến sự nghiệp cứu nước của cụ Phan và các đồng chí của cụ bất thành, nhưng không thể không kể đến nguyên nhân từ lối ứng xử cực đoan đoạn tuyệt hẳn với Nho giáo. Lối ứng xử này xa lạ với căn cốt thâm hậu của văn hoá Việt Nam, một nền văn hoá ưa sự mềm dẻo, hoà đồng, bao dung và khoan thứ, có mới không nới cũ, rất gần nếu không muốn nói chính là lối ứng xử biện chứng, điều mà ngày nay ta cho là hòa nhập mà không hòa tan, không đánh mất bản sắc của chính mình.
Lịch sử chống ngoại xâm của ông cha ta cho thấy : Những thắng lợi vĩ đại nhất đều gắn liền với ứng xử văn hoá thiên về tạng thuỷ (Cao Xuân Huy). Thời Trần, ba lần chiến thắng Nguyên Mông, bởi đó là thời tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão hoà đồng). Thời hiện đại, chúng ta đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mĩ, cũng có nguyên nhân từ sự bao dung, tích hợp văn hoá. (Nỗi đau này không của riêng ai- Của chung nhân loại chiến công này- Tố Hữu). Bản lĩnh văn hoá một dân tộc, một thời đại thường được kết tinh trong những nhân cách văn hoá tiêu biểu. Thời đại Hồ Chí Minh bản lĩnh văn hoá Việt Nam được kết tinh trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1923, một nghệ sĩ – nhà báo Xô-viết khi gặp Nguyễn Ái Quốc ở Matcơva đã nhận xét: Ở Nguyễn ái Quốc toả ra một nền văn hóa không phải của phương Đông, cũng không phải của phương Tây. Đó là nền văn hoá của tương lai. Trong bản dịch Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch ra tiếng Trung Quốc xuất bản năm 1949 có đoạn :
Có người hỏi ông Nguyễn : Ông là người thế nào? Theo chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa Tôn Dật Tiên? Ông Nguyễn trả lời: Học thuyết Khổng Tử có cái hay là sự tu dưỡng đạo đức; tôn giáo Giê-xu có cái hay là lòng bác ái.
Chủ nghĩa Mác có cái hay là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước chúng tôi.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ. Tôi chính là tôi của ngày trước, một người yêu nước (2 ).
Giữa nhà nho nổi tiếng hay chữ nhất nước Nam, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng (Nguyễn ái Quốc – Trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu) và Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất, danh nhân văn hoá thế giới, có một sự khác nhau trong hành xử văn hoá không chỉ với học thuyết Khổng Tử, dẫn đến những tác động lịch sử hết sức khác nhau trong sự nghiệp cứu nước. Cụ Phan Bội Châu cùng các đồng chí thì Đông Du, Nguyễn Tất Thành – Văn Ba lại Tây du, và lịch sử đã có lời giải đáp hữu hiệu.
3. Từ cặp câu luận trong Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu, có thể rút ra kết luận này chăng : tầm văn hóa, bản lĩnh văn hóa, hành xử văn hoá là một trong những điều kiện tối quan trọng, dẫn đến thất bại hay thành công trong cuộc đời, sự nghiệp của một cá nhân, một dân tộc, một đất nước, một thời đại?
Vân Giang, 13 tháng 5/ 2004-15/01/2011
Chú thích:
(1):Từ điển Hán Việt- Đào Duy Anh, NXB Văn hoá thông tin, 2003 (đề từ ).
(2):Bản sắc văn hoá Việt Nam- Phan Ngọc, NXB VHTT, Hà Nội, 1998, trang 452-453.
286
2297
2383
216910
0
114530214