Những góc nhìn Văn hoá
Đo lường ở Việt Nam(1)
Trong 11 thế kỷ Bắc thuộc, Việt Nam chắc đã dùng hệ đo lường của Trung Quốc. Thế nhưng, từ khi giành lại được chủ quyền cho đến thời Pháp thuộc, trong hơn 900 năm, hệ thống đó (có lẽ của đời Đường rồi của đời Minh) đã tiến hoá một cách độc lập. Và trong thời Pháp thuộc, nó đã cộng sinh, nhất là trong sinh hoạt hằng ngày, với hệ đo lường do Pháp cưỡng đặt.
Ðiều nghịch lý là hệ thống sau chỉ thay thế hoàn toàn hệ thống trước sau khi Việt Nam đã thoát khỏi sự thống trị của Pháp. Trong bài này, chúng tôi sẽ thử tìm hiểu sự biến đổi của các hệ thống đo lường, chính thức cũng như dân gian, ở Việt Nam cùng các thuật ngữ và thực tiễn còn tồn tại trong hệ thống đo lường hiện hành.
Ðo, đếm...
Ðo (biến thể của từ Hán Việt độ ) được dùng cho độ dài, độ sâu, thể tích và diện tích.
Lường (biến thể của từ Hán Việt lượng ) được dùng cho thể tích và dung tích (đặc biệt cho chất lỏng và ngũ cốc). Nhưng thông thường, người Việt hay dùng từ đong.
Trong tiếng Việt, từ cân không những là một đơn vị trọng lượng như trong tiếng Hán mà còn chỉ dụng cụ đo trọng lượng và hành động đo trọng lượng.
Các từ đơn trên được ghép lại để tạo ra các từ ghép như cân đo, cân đong..., và, thông dụng nhất, đo lường.
Từ một đến ngàn, các từ đều có gốc Nam Á. Chỉ từ mười ngàn trở đi, người Việt mới dùng các từ Hán Việt: vạn hay muôn (âm Hán cổ của vạn), ức , triệu , tỉ [2]. Có lẽ vì thời xưa ở nước ta, vì sản xuất quá yếu, nên con số lớn nhất thường dùng là muôn hay vạn. Hiện nay người Việt rất ít dùng các từ vạn và nhất là muôn và ức, trái lại hai đơn vị triệu, tỉ trở nên rất thông dụng.
Ðiều đáng để ý là, ở một số vùng, trong sinh hoạt hằng ngày giá trị của từ chục thay đổi tùy theo sự thoả thuận giữa người mua và người bán: 12, 13 hay nhiều hơn nữa. Trước đây ở Quảng Nam, người ta phân biệt chục trơn (10) và chục ăn tiền (luôn luôn lớn hơn 10).
Một điều đáng để ý khác là từ tá chưa được ghi trong từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của [HT Của] (1895) cũng như của J.M.F. Génibrel (1898), nhưng lại xuất hiện trong từ điển của Hội Khai Trí Tiến Ðức (1931-1939) và của Gustave Hue (1937). Theo Trương Văn Chình, tá là biến âm của từ tiếng Anh dozen (Le Roux 2004 : 46), phải chăng nó chỉ được dùng từ khoảng 1930 trở đi ?
Ðo khoảng cách, độ dài
Nói chung người Việt đã dùng lại hệ thống đo độ dài của Trung Quốc, với một số sửa đổi cần được bình luận.
Hầu như rất ít ai biết đến đơn vị độ (bằng 250 lý), thời xưa được dùng trong địa lý và thiên văn.
Nhiều người thường nghĩ là dặm tương đương với lý , nhưng thật ra hai đơn vị này rất khác nhau. Có điều lạ là nếu theo J. F. M. Génibrel (1898: 155 và 398), lý [3]dài 600 m còn dặm dài 888 m; nhưng theo HT Của (I, 219 và 358), lý (370 tầm = # 784 m) lại dài hơn dặm (=135 trượng = # 572 m)! Không biết dựa vào tư liệu nào, Từ điển tiếng Việt (Văn Tân 1967 : 300) cho rằng có loại dặm bằng 4 km, trong khi Từ điển tiếng Việt doHoàng Phê chủ biên (2000 : 244) lại khẳng định dặm bằng 444,44 m.
Như là đơn vị đo khoảng cách, lý chỉ được dùng trong các văn bản Hán Việt : trong ngôn ngữ hằng ngày, trước đây người Việt vẫn quen dùng từ dặm gốc Nam Á, vốn có nghĩa là “đoạn đường” như trong các thành ngữ dặm hoè, dặm hồng, dặm khơi, dặm liễu, dặm trường,...
Thường được dùng để đo đê hay chu vi thành quách, trượng (hai bộ hay 10 thước) ít được dùng trong cuộc sống hằng ngày.
Thời xưa người Việt dùng từ ngũ hay từ tầm để thay cho từ bộ (5 thước). Theo Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (HĐSL 1993: V, 72), năm 1839, triều đình Huế cấm dùng từ tầm làm đơn vị đo độ dài, vì ở Trung Quốc thời xưa tầm dài đến 8 xích . Trong ngôn ngữ hằng ngày, người Việt hay dùng từ bước (tương đương với từ Hán Việt bộ ).
Bảng 1 – Các đơn vị đo chiều dài ở Trung Quốc
và Việt Nam thời xưa
Phanh âm (pinyin) |
Âm Hán Việt |
Từ dùng ở Việt Nam |
Giá trị |
dù |
độ |
độ |
250 lý |
lí |
lý |
dặm |
180 trượng |
zhàng |
trượng |
trượng |
2 bộ, 10 thước |
bù |
bộ |
ngũ hay tầm |
5 thước |
chi* |
xích* = 0,32 m** |
thước |
|
cùn |
thốn |
tấc |
0,1 thước |
fén |
phân |
phân |
0,01 thước |
lí |
li hay ly |
li hay ly |
0,001 thước |
* Đơn vị cơ sở.
** Theo từ điển của Viện Ricci (1976: Appendices, 27)
Trong đời sống hằng ngày, người Việt dùng từ tấc thay cho từ Hán Việt thốn (0,1 xích hay thước). Ở Trung Quốc thời xưa, phân bằng bề dài của hạt kê đen [4]. Ðến đời Vương Mãng (9-25) mới có thêm các đơn vị li (1/10 phân), hào (1/10 li). Dưới đơn vị hào, còn có thêm cả chục đơn vị nữa được tạo ra dưới đời Tống (960-1279) và đời Nguyên (1277-1367) mà người Việt hầu như không ai biết đến: ti, hốt, vi, tiêm, trần, v.v.
Về đơn vị thước
Thước là đơn vị cơ sở để đo độ dài. Theo Lê Ngọc Trụ (1993:414), thước là biến thể của từ Hán Việt xích .
Theo Quách Thư Xuân (1993:189-206), ở Trung Quốc giá trị của xích thay đổi khá đáng kể tùy theo thời đại và vùng: khoảng 15,78 cm dưới đời Thương (1765-1122 trước CN), từ 22,5 cm đến 23,1 cm vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (722-222 trước CN), từ 23 cm đến 24,1 cm dưới đời Hán (206 trước CN-220 sau CN), từ 27,87 cm đến 29,57 cm dưới đời Bắc Ngụy (386-534), từ 29,42 đến 31,21 cm dưới đời Ðường (618-907). Dao động lớn nhất của xích xảy ra dưới đời Tống (960-1277): từ 27 cm đến 32,43 cm. Xích tiêu chuẩn dưới đời Tống là “Tam ti bố bạch xích” dài 31,2 cm. Vào cuối đời Minh (1369-1644), phùng xích (thước thợ may) bằng 34,02 cm, mộc xích (thước thợ mộc) bằng 32,07 cm và điền xích (thước đo ruộng) bằng 32,66 cm. Như vậy ở Trung Quốc từ đời Thương đến đời Thanh, giá trị của thước tăng gấp hai lần, và từ đời Minh sự chênh lệch giữa phùng xích, mộc xích và điền xích không quá lớn như ở Việt Nam (xem dưới đây). Theo Dictionnaire français de la langue chinoise của Institut Ricci (Viện Ricci), cho đến những năm 1920, bề dài trung bình của xích là 32 cm và từ năm 1929 giá trị chính thức của thị xích được quy định bằng 1/3 mét (tức 33,3 cm).
Theo Needham và Wang Ling (1959: 83), vào đời Chu, xích bằng đồng đã được chia thành mười đơn vị nhỏ hơn và, vào năm 221 trước CN, Tần Thủy Hoàng đã cưỡng đặt một hệ đo lường thập phân.
Ta có rất ít thông tin về sự biến đổi của thước dùng ở Việt Nam từ ngày thoát khỏi ách Bắc thuộc.
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư (TT: II, 46), năm 1280 Trần Nhân Tông “ban thước đo gỗ, thước đo lụa cùng một kiểu”. Không biết ta phải hiểu câu này như thế nào: phải chăng là hai loại thước nói trên có cùng giá trị? hoặc được chế tạo giống nhau? Và phải chăng vào thời này chưa có thước đo ruộng?
Trong thời Minh thuộc, do chính sách đồng hoá triệt để của Minh Thành Tổ, chắc người Việt đã bị bắt dùng các loại thước theo quy định của triều đại này cũng giống như phải dùng mẫu Trung Quốc để đo đạc ruộng đất (xem dưới đây).
Chỉ từ đời Gia Long (1802-1819) trở đi, ta mới có thông tin nhiều hơn về thước cũng như về một số đơn vị đo lường khác chủ yếu nhờ quyển Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (HÐSL). Năm 1804, nghĩa là hai năm sau khi thống nhất đất nước, Gia Long có sắc chỉ rằng « thống nhất cân, đong là việc cốt yếu của chính trị. Các thứ cân, thước, hộc, phương, thưng, đấu nên theo phép nước làm ra để có thống nhất »(HÐSL: V,65).
Theo Đại Nam thực lục (ĐNTL), năm 1806, Gia Long chế ra thước trung bình (trung bình xích ) [5]. Vì loại thước này hơi dài hơn “thước kinh do triều Lê cũ chế ra ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng”, “bởi thế đo ruộng số mẫu sai nhau nhiều”, nên năm 1809, vua sai lấy đồng đúc theo thước kinh cũ tìm được ở nhà dân xã Cổ Linh huyện Gia Lâm, rồi ban cho các thành dinh trấn. Từ đó mỗi khi có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng thước kinh để đo (ĐNTL: IV, 83). Thước đồng mới đúc này một mặt khắc bảy chữ “Gia Long cửu niên thu bát nguyệt” (Gia Long năm thứ 9, mùa thu, tháng tám) ; một mặt khắc chín chữ “ban hành đạc điền xích, Công bộ tôn tạo” (ban hành thước đo ruộng do bộ Công làm ra) (HĐSL: V, 66).Như vậy,từ năm 1810 trở đi, trên nguyên tắc, thước đo ruộng chính thức là thước kinh của nhà Lê.
Năm 1826, Triều đình bàn định “theo mẫu chế tạo ra thước đồng thợ may và thước đồng thợ mộc, ban cấp cho các nha môn và các địa phương, mỗi nơi mỗi thứ một cái để tiện thi hành” (HĐSL: V, 67).
Nhưng, như Bố chính Gia Định là Hoàng Quýnh nói trong tập thỉnh an, “từ trước đến nay, trong dân gian thường chế tạo dụng cụ để dùng: đồ đong thóc gạo thì cái to cái nhỏ khác nhau; cân để cân đồ vật thì cái nặng cái nhẹ không giống nhau; thước đo cũng có cái dài ngắn không hợp nhau” (ĐNTL: XXI, 252), nên năm 1839, Minh Mạng “truyền cho các tỉnh chiểu [chiếu] theo quy thức những thước thợ mộc, thợ may và thước đo ruộng bằng đồng của nhà nước cấp cho năm trước [tức năm 1826] mà chế ra cấp cho mỗi phủ huyện trong hạt mỗi thứ một chiếc. Phủ huyện lại chuyển sức cho tổng lý đến lấy mẫu về làm rồi phát cho dân xã cũng mỗi hạng mỗi người một chiếc. […] Tính bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 21 [1840] đến khi hết hạn hai năm, khắp nơi đều phải thi hành: tất cả những tầm, thước, phương, hộc, cân, quả cân đọ ra sai với mẫu công đều phải hủy đi. Ai không theo chiểu [chiếu] luật trị tội” (ĐNTL: XXI, 252-253).
Như vậy, ở Việt Nam cũng có ba loại thước như ở Trung Quốc: điền xích (cũng gọi là đạc điền xích hay độ điền xích ), phùng xích và mộc xích ; vàtrái với khẳng định của Nguyễn Đình Đầu, dưới triều Nguyễn các loại thước kể cả thước đo ruộng chưa được thống nhất trong cả nước, ít ra cho đến cuối đời Minh Mạng và có lẽ cho mãi đến năm 1897 (xem dưới đây).
Giá trị của các loại thước
Theo L’Annuaire de l’Indochine năm 1864, « trong số rất nhiều các loại thước được khảo sát, được sử dụng nhiều nhất là hai loại thước dài 0,424 m và 0,636 m. Loại thước thứ nhất [tức thước mộc = 0,424 m] bằng 18 đồng tiền sắp kề nhau thành đường thẳng, loại thứ hai [tức thước đo vải = 0,636 m] bằng 27 đồng tiền cũng sắp như trên”. Trong cả hai trường hợp này, đường kính của đồng tiền dài khoảng 23, 55 mm.
Theo Philastre, thước đo ruộng bằng 22 lần đường kính của đồng tiền Minh Mạng, tức là dài 0,526 m (Luro 1877: 409). Ðiều đó có nghĩa là đường kính của đồng tiền đó là 23,9 mm, tức là lớn hơn đường kính của đồng tiền vừa nhắc đến trên đây. Theo Ðỗ Văn Ninh, các đồng tiền Gia Long thông bảo và Minh Mạng thông bảo có đường kính dao động từ 19,5 mm đến 26 mm (Ðỗ Văn Ninh 1992: 141-142) !
Bảng 2 – Đường kính của các đồng tiền đúc dưới triều
Gia Long và Minh Mạng
Gia Long thông bảo (đúc bằng đồng từ năm 1803) |
từ 20 mm đến 26 mm |
Gia Long thông bảo: 7 phân (đúc bằng đồng hay kẽm từ năm 1813) |
trung bình 22 mm |
Gia Long thông bảo: 6 phân (đúc bằng đồng từ năm 1814) |
từ 21,5 đến 22,5 mm |
a. Tiền đồng: Minh Mạng thông bảo : 6 phân (đúc từ năm 1820) |
19,5 mm |
Minh Mạng thông bảo : lớn (đúc từ năm 1822) |
từ 22 đến 25 mm |
Minh Mạng thông bảo : 9 phân (đúc từ năm 1825) |
22 mm |
Minh Mạng thông bảo : 1 đồng cân (đúc từ năm 1827) |
25 mm |
b. Tiền kẽm : Minh Mạng thông bảo : 6 phân (đúc từ năm 1820) |
22 mm |
Theo HT Của, thước may hay thước đo vải “bằng ba gang” hay bằng chiều dài của 27 đồng tiền kẽm “nửa Gia Long, nửa Minh Mạng” (1895: 428), nên ta khó biết chính xác là bao nhiêu so với mét! Cũng theo tác giả này, “thước tây” (tức mét) dài “hơn hai thước ba tấc mộc Annam”, như vậy chiều dài của thước mộc là khoảng 0,435 m. Vì HT Của không nói đến thước đo ruộng, ta có thể nghĩ là vào cuối thế kỷ XIX loại thước này không còn được dùng ở Nam Bộ sau hơn hai thập niên bị Pháp cai trị.
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), triều đình Huế ấn định giá trị của thước là 0,4 m. Bằng nghị định 2.6.1897, Toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer bắt buộc dân Bắc Kỳ phải dùng loại thước mới này kể từ 1.1.1898.
Theo Phan Thanh Hải, hiện nay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội còn giữ được bốn loại thước mộc (dài 0,419 m, 0,421 m, 0, 422 và 0,425 m), hai loại thước đo ruộng (0,400 m và 0,402 m) (chắc đây là hai thước theo quy định của Thành Thái và Paul Doumer, nhưng cũng đã chênh nhau 2 mm!) và hai loại thước may (0,636 m và 0,642 m). Cũng theo tác giả này, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế còn giữ một kinh xích [6](0,402 m) và một phùng xích (0,598 m) (Phan Thanh Hải 2003: 84).
Tóm lại, dưới triều Nguyễn, thước thợ mộc dao động từ 0,419 m đến 0,435 m (?); thước thợ may dao động từ 0, 598 đến 0,636 m ; về thước đo ruộng chúng tôi sẽ bàn đến dưới đây.
Như vậy, nhìn chung, các loại thước dùng ở Việt Nam vào thế kỷ XIX đều dài hơn khá nhiều các loại xích tương ứng ở Trung Quốc.
Ngoài các từ Việt và Hán Việt đã nói trên đây, còn có hai từ về chiều dài có lẽ đã được dùng ngay trước thời Bắc thuộc: gang và sải. Ðiều thú vị là cũng không có sự nhất trí về giá trị của gang. Theo HT Của, gang là “bề dài lấy theo mực ngón tay cái, ngón tay trỏ căng thẳng” (HT Của 1895: I, 347) và như vậy ngắn hơn gang theo định nghĩa của Hoàng Phê: “khoảng cách tối đa có được giữa đầu ngón tay cái và đầu ngón tay giữa khi xoè rộng bàn tay... bằng khoảng 20 cm” (Hoàng Phê 2000: 371). Trong tiếng Pháp, từ empan có nghĩa tương tự như gang nhưng cách đo cũng lại khác: “đơn vị đo chiều dài xưa bằng khoảng cách tối đa giữa đầu ngón tay cái và đầu ngón tay út” (Le Petit Larousse 1998: 374)! Đó là chưa tính đến độ dài của bàn tay thay đổi theo người! Như ta biết thành ngữ gang tấc chỉ một khoảng cách rất ngắn.
Sải là “độ dài bằng khoảng cách từ đầu bàn tay này đến đầu bàn tay kia khi dang thẳng cánh tay“ (Hoàng Phê 2000: 844), nghĩa là “chừng hơn một thước sáu tấc tây“ (HT Của 1895: II, 280).
Người Palawan ở Philippin có hai loại sải: loại dang thẳng cánh tay với các ngón tay giương ra (gọi là däpa, thông dụng nhất) và loại với nắm tay khép chặt lại. Họ cũng có nhiều loại gang: giữa ngón cái và ngón giữa (gọi là dangaw, hay được dùng nhất), giữa ngón cái và ngón trỏ, giữa ngón cái co lại và ngón giữa. Mọi người Palawan đều biết là giá trị của däpa (khoảng 160 cm)gấp 8 lần giá trị của dangaw (khoảng 20 cm). Ngoài ra họ còn dùng bàn tay, ngón tay và cánh tay để tạo ra hàng chục đơn vi đo độ dài khác như tulduq (= bề rộng của ngón tay, khoảng 1,5 cm), luwäd (= đốt ngón tay, khoảng 2,5 cm) [7], dapal (= bề rộng của bàn tay, chừng 10 cm) [8]…(MacDonald 2004: 320-321).
Cũng nên nói thêm là ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn có hai loại thước Lỗ Ban (Lỗ Ban xích ) của Trung Quốc. Loại thứ nhất dài 0,298 m, gọi là thước tám cửa (bát môn xích ) vì được chia đều thành 8 cung hay trực : Tài, Bệnh, Li, Nghĩa, Quan, Kiếp, Chấp [9], Bản. Loại thứ hai dài 0,382 m, được chia làm 10 cung hay trực: Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. “Đây là loại thước người thợ mộc dùng để đo kích thước nhà cửa, phòng ốc, đình viện, giường phòng và các loại khí cụ"(Phan Thanh Hải 2003: 84).
Các đơn vị đo diện tích
Khi so sánh hai bảng 3 và 4, ta nhận thấy người Việt chỉ lấy lại từ hệ thống đo ruộng đất của Trung Quốc thời xưa đơn vị mẫu nhưng vào khoảng thế kỷ 19, mẫu Việt Nam lớn hơn mẫu Trung Quốc đến hơn tám lần.
Bảng 3 – Hệ thống đo ruộng đất ở Trung Quốc thời xưa
(theo từ điển của Viện Ricci)
Đơn vị |
Chữ Hán |
Giá trị |
Bằng m2 |
phương bộ |
|
25 phương xích |
2,56 |
phương trượng |
|
4 phương bộ |
10,24 |
phân |
6 phương trượng |
61,44 |
|
mẫu |
10 phân |
614,4 |
|
khoảnh |
100 mẫu |
61440 |
Bảng 4 – Hệ thống đo ruộng đất ở Việt Nam thời xưa
Đơn vị |
Chữ Hán |
Giá trị |
Bằng m2 |
mẫu |
10 sào |
4894,4016*** |
150 thước**x 150 thước |
sào |
15 thước |
489,44016 |
15 thước x 150 thước |
thước* |
10 tấc |
32,639344 |
1 thước x thước |
tấc* |
|
3,263944 |
1 tấc**x150 thước |
* diện tích
** để đo ruộng
*** Theo Nguyễn Ðình Ðầu (1990 : 56).
Chính trong các sử liệu về các quy định thuế má và về ban thưởng, cúng dường của vua chúa, quý tộc mà chúng ta tìm được các thông tin về các đơn vị đo diện tích.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1013 Lý Thái Tổ định lệ thu thuế chằm hồ, ruộng đất, bãi dâu (I, 194) nhưng rất tiếc sách này không ghi được thông tin nào về diện tích. Năm 1092, Lý Nhân Tông định tô ruộng mỗi mẫu thu 3 thăng thóc [10] (TT : I, 242). Đây có lẽ là sử liệu xưa nhất nói đến mẫu ở Việt Nam.
Nhờ minh văn khắc vào năm 1254 trên bia chùa Báo Ân, ta biết có một vị tướng đã cúng cho chùa 126 mẫu ruộng để nuôi sư và 3 mẫu ruộng để nuôi ông từ (TVLT : I, 539-549).
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, dưới đời Trần Thái Tông (1225-1258), mẫu được gọi là diện (TT : II, 24) ; và năm 1251, Trần Thái Tông lấy « 2000 khoảnh ruộng ở Ứng Thiên » để đền cho Trung Thành Vương bị Trần Quốc Tuấn cướp mất vợ là trưởng công chúa Thiên Thành. Theo chúng tôi, từ khoảnh được dùng ở đây với nghĩa là «miếng đất, miếng ruộng » (Xem HT Của : I, 496) chứ không phải là đơn vị khoảnh (100 mẫu) như vài sử gia thường nghĩ. Trong trường hợp ngược lại, diện tích đền bù sẽ quá lớn (đến 200 000 mẫu), nhất là chỉ ở vào khoảng huyện Ứng Hoà (Hà Tây) hiện nay. Một sự kiện khác đáng chú ý hơn nhiều, là năm 1397 Trần Thuận Tông xuống chiếu hạn chế « danh điền » (tức ruộng tư có người đứng tên), quy định thứ dân mỗi người không được có hơn 10 mẫu, số ruộng vượt quá phải nộp cho nhà nước (TT : II, 202). Quy định này cho phép ta suy diễn là trước thời Minh thuộc, mẫu Việt Nam lớn hơn mẫu Trung Quốc (khoảng 614 m2, xem trên đây) ít ra gấp đôi, bởi vì nếu bằng, thì mỗi hộ chỉ có quyền chiếm hữu tối đa chừng 6000 m2 thì quá ít không đủ để nuôi trên 5 miệng ăn ! Điều cho phép ta nghĩ rằng suy diễn trên đây có căn cứ là, theo Phan Huy Chú, dưới thời Minh thuộc, « tính ba sào là mẫu » (PHC : II, 228), điều đó có nghĩa là mẫu Việt Nam (ít ra vào cuối đời Trần) bằng 3,3 mẫu Trung Quốc vào đời Minh.
Dưới triều Hồ Hán Thương (1401-1407), đã thấy có dùng đơn vị sào của Việt Nam trong việc định thuế về tô ruộng (TT : II, 213).
Trong An Nam chí nguyên, Cao Hùng Trưng, tác giả Trung Quốc sống vào thế kỷ 16, có ghi là trong thời Minh thuộc, ruộng đất của Việt Nam được cả thảy là 1 749 170 mẫu. Phải chăng con số thống kê này là kết quả của lần đo đạc tiến hành trong 5 năm vào cuối đời Trần và đầu đời Hồ (1398-1403) (TT : II, 204) ? Một câu hỏi khác (quan trọng hơn) : đây là mẫu Việt Nam (10 sào) hay mẫu Trung Quốc (3 sào) ?
Theo chỗ chúng tôi biết, Lê Quý Đôn là sử gia Việt Nam đầu tiên đã ghi lại trong Phủ biên tạp lục (PBTL) các thống kê ruộng đất nhưng chỉ ở hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam, do chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan đi khám đạc vào năm 1669. Cũng theo Lê Quý Đôn, vào năm 1775, xứ Thuận Hoá được 153181 mẫu 1 sào 5 thước 3 tấc (PBTL : 136).
Về « Đàng Ngoài » (từ Hà Tĩnh ra Bắc), hiện nay ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn giữ được hai địa bạ cuối thế kỷ 17 (1694, 1695), bốn địa bạ thời Tây Sơn và 1629 địa bạ đời Nguyễn trong đó có 59 % lập ra vào năm Gia Long 4 (1805) và 20,7 % dưới đời Minh Mạng (chủ yếu vào những năm 1830). Trong số 8 704 địa bạ « Bắc Kỳ » lưu giữ ở Cục Lưu trữ Nhà nước, 83 % được lập vào năm Gia Long 4 và 14,9 % dưới đời Minh Mạng (cũng trong những năm 1830).
Về Trung Kỳ, ở Cục Lưu trữ Nhà nước còn giữ được 6465 địa bạ chủ yếu mang niên đại Gia Long 12 (1813) và Minh Mạng 20 (1939) (Phan Huy Lê 1995: 19-22).
Riêng ở Nam Kỳ, việc đo đạc ruộng đất chỉ được thực hiện một cách có hệ thống vào năm 1836. Trong dụ của Minh Mạng cho đoàn kinh lý của Trương Đăng Quế có đoạn nói rõ là trong các địa bạ ở lục tĩnh Nam Kỳ, « ít thấy ghi rõ mẫu sào […] mà cứ tính là một dây, một thửa, có đến 8, 9 phần 10 » (ĐNTL: XVIII, 50). Trong bản tâu dâng lên Minh Mạng sau hai tháng làm việc ở Nam Kỳ, đoàn kinh lý nhận xét: « Có chỗ trước gọi là một thửa, mà dài rộng quanh co đi đến nửa ngày mới hết chỗ cày cấy thực » (ĐNTL: XVIII, 108). Sau 5 tháng đo đạc, đoàn kinh lý đạt được kết quả sau đây : nếu trước năm 1836 diện tích phải đóng thuế điền thổ là 20 197 sở, 13 dây, 8 khoảnh và 3464 mẫu, thì sau khi đo đạc, diện tích đó là 630 075 mẫu (ĐNTL: XVIII, 211). Nhưng con số này chắc chắn là không phản ánh đúng thực tế vì việc đo đạc được làm quá nhanh và nhất là vì « nhân dân sở tại ít người biết toán pháp » để có thể tham gia đo đạc (ĐNTL : XVI, 87). 95,6 % trong số 1836 địa bạ Nam Kỳ mang niên đại Minh Mạng 17 (1836) (Phan Huy Lê 1995 : 23).
Điều đáng ngạc nhiên là dù phương pháp đo đạc chắc chắn rất thô sơ, nên không mấy chính xác, các địa bạ thường ghi rõ cả phân, thậm chí cả li (# 0,032 m2 !).
Cách đo ruộng đất của người Việt thời xưa
Đối với người Việt nam thời xưa, mẫu là một vạc đất vuông vức mỗi cạnh bằng 150 thước đo ruộng. Mẫu được chia thành mười miếng đất hình chữ nhật bằng nhau (150 thước X 15 thước). Mỗi miếng như thế là một sào. Mỗi sào lại chia thành 15 miếng đất bằng nhau (150 X 1 thước). Mỗi miếng như thế là một thước (Luro : 410-411).
Trái với Philastre ước tính giá trị của điền xích là 0, 526 m (xem trên đây), Nguyễn Đình Đầu khẳng định là vì từ đầu « triều Nguyễn đã lấy một cái thước có từ thời Lê để định chuẩn [để] làm ra một quan điền xích (0, 4664 m) làm kích thước đo ruộng đất chung cho toàn quốc » hay nói một cách khác, thước đo ruộng đã thống nhất từ đầu đời Gia Long, nên trong các địa bạ lập từ năm 1805 đến năm 1836 đơn vị mẫu rộng 4 894, 4016 m2, mặc dù trong cùng trang, ông cũng ghi là, vào đầu những năm 1930, mẫu ở Trung Kỳ trung bình là 4970 m2 và « mẫu của một số làng ở Quảng Ngãi rộng tới 7 000 m2 » [11] (NĐĐ 1994 : 58), chắc chắn là vì dùng các điền xích dài hơn, hoặc ít hoặc nhiều ! Chẳng hạn, vì theo Philastre thước đo ruộng đất dài 0,526 m, E. Luro tính diện tích của mẫu là 6225,21 m2. Và theo Taberd, giá trị của mẫu lên đ ến 7308,90 m2 (Luro : 410)!
Để tránh lẫn lộn, nghị định 3.10.1865 của chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ quy định một mẫu tây (hec ta) bằng 100 sào tây (tức là a = 100 m2) và bằng hai mẫu ta (Luro : 413), tức mẫu ta bằng 5 000 m2.
Như ta biết cho đến hiện nay, mẫu Bắc Bộ bằng 3 600 m2. Đó là vì khi đo đạc lại ruộng đất ở Bắc Kỳ, chính quyền thuộc địa đã dùng thước ta do Thành Thái rồi toàn quyền Doumer quy định bằng 0,4 m : (0,4 m x 150) x (0,4 x 150) = 3 600 m2. Trái lại ở Trung Kỳ, mẫu được đo với thước trung bình do Gia Long quy định vào năm 1806 hoặc thước kinh (khoảng 0,47 m) vẫn được giữ nguyên nên lớn hơn mẫu Bắc Bộ khá nhiều: (0,47 m x 150) x (0,47m x 150) = 4970, 25 m2.
Theo Nguyễn Đình Đầu, ở Nam Kỳ, song song với hệ thống đo đạc chính thức, còn có hệ thống dân gian sau đây :
Bảng 5 – Đơn vị đo đạc dân gian ở Nam Kỳ
Đơn vị |
Giá trị |
Cách đo |
miếng hay khẩu |
9 than = 48,944 m2 |
15 thước x 15 thước |
than |
25 ghế = 5,438 m2 |
5 x 5 thước |
ghế, ô hay khâu |
1 thước vuông hay 4 gang = 0,217 m2 |
1 x 1 thước |
gang |
0,0543 m2 |
5 x 5 tấc |
Trong từ điển của Eugène Gouin thấy có ghi mấy đơn vị tương tự: miếng (14,400 m2), than (chừng 4 m2), khấu (“pied carré”), ghế (“pied carré”).
Cho đến hiện nay, ở trong Nam vẫn còn thấy dùng đơn vị công (= 1000 m2 ). Theo HT Của, một công đất là diện tích « đất vừa một ngày công, nghĩa là vừa cho một người sửa dọn trong một ngày, vuông vức 12 tầm » (HT Của: 190). Như đã nói trên đây, 1 tầm bằng 5 thước, như vậy nếu tính theo điền xích 0,4664 m chẳng hạn thì vào cuối thế kỷ 19, công bằng khoảng 783 m2 .
Gần đây ở làng Bảo An (xã Điện Quang, Quảng Nam), chúng tôi có nghe dùng đơn vị khấu (bằng 50 m2): phải chăng nó có liên quan đến đơn vị khẩu trong bảng 5 ?
Ðo dung tích
Như ta biết, thời xưa ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, các dụng cụ đo dung tích được dùng để thu thuế ruộng đất trả bằng thóc và để phát gạo cho quan lại, binh lính… Do đó, nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc thống nhất loại dụng cụ này.
Theo Quách Thư Xuân, vào thời Chiến Quốc (403-222 trước CN) ở nước Tề đã có hệ thống đo dung tích sau đây:
Bảng 6
đậu |
4 thăng |
hoà |
10 thăng |
âu |
4 đậu |
phủ |
4 âu |
chung |
10 phủ |
Hệ thống này đã có yếu tố thập phân, vì hoà bằng 10 thăng và chung bằng 10 phủ.
Dựa vào các phủ, hoà bằng đồng của thời này đào được ở huyện Giao (Sơn Đông, tức thuộc nước Tề), người ta tính được là thăng bằng 0,2058 lít nghĩa là tương đương với cái thăng vuông bằng đồng do Thương Ưởng chế ra vào năm 344 trước CN và sẽ được Tần Thủy Hoàng dùng làm tiêu chuẩn để thống nhất dụng cụ đo dung tích: bằng 0,202 lít. Dưới đời Hán, giá trị của thăng không thay đổi mấy so với thời Tần: dao động từ 0,194 lít đến 0,205 lít. Vào đời Đường giá trị của thăng gấp ba lần thời Hán: khoảng 0,6 lít. Đấu đồng đời Minh (=10 thăng) còn giữ được có dung tích bằng 9,6 lít, như vậy thăng chứa 0,96 lít, ít hơn đôi chút so với thăng vuông của bộ Hộ thời Khang Hi nhà Thanh chứa 1,043 lít. Như vậy từ đời Tần đến nhà Thanh, giá trị của thăng tăng lên khoảng 5 lần: từ 0,202 lít lên 1,043 lít (Quách Thư Xuân: 189-206).
Theo từ điển của Viện Ricci, hệ thống đo dung tích ở Trung Quốc thời xưa là như sau, nhưng không ghi rõ là từ triều đại nào:
Bảng 7
thạch = 10 đấu |
đấu = 10 thăng (1,0355 lít) |
thăng = 10 cáp |
cáp [12] = 10 thược |
thược = 10 toát |
Theo Phan Huy Chú, năm 1067, Lý Thánh Tông "cấp bỗng lộc cho các quân Đô hộ phủ sĩ sư mỗi người mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá muối mọi thức; cho ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa, để nuôi đức liêm" (PHC: I, 541). Từ việc dùng bó lúa chứ không phải gạo hay thóc để cấp bỗng lộc cho quan lại, ta có thể suy diễn là tổ chức nhà nước dưới đời Lý còn rất thô sơ. Cũng theo tác giả này, vào năm 1092, vua Lý Nhân Tông đã quy định thuế điền thổ, mỗi mẫu ruộng phải đóng ba thăng thóc (PHC : II, 227). Theo như chúng tôi biết, đây là tư liệu xưa nhất nói đến việc dùng đơn vị đo dung tích này của Trung Quốc ở Việt Nam. Thăng cũng là đơn vị đo lường hay gặp nhất trong các sử liệu. Năm 1656, vua Lê Thần Tông ban cho các trấn thăng chính thức đúc bằng đồng (quen gọi là thăng quan đồng) theo mẫu cũ của triều Hồng Đức (1470-1497); mỗi thăng chỉ bằng 6 cáp ! Cũng vào năm 1656, Phạm Công Trứ tâu xin vua cho dùng hệ thống đo dung tích của Trung Quốc lấy hạt thóc làm chuẩn:
Bảng 8
thạch hay hộc |
= 10 đẩu hay đấu |
đẩu |
= 10 thăng hay thưng, thâng |
thăng |
= 10 cáp |
cáp |
= 10 thược |
thược |
= 1200 hạt thóc |
Vì thăng cũ chỉ bằng 6 cáp, Phạm Công Trí xin vua thay nó bằng thăng mới bằng 10 cáp (PHC : II, 229-230).
Điều đáng lưu ý là trước đây người Việt quen gọi đẩu là đấu, thăng là thưng hay thâng (ở trong Nam).
Trong thời Lê Trung Hưng, bát là đơn vị thường được dùng để quy định số lượng gạo nếp hay gạo tẻ dùng trong các buổi lễ của vua chúa hay để phát lương cho quan lại, thế mà bát không nằm trong số các đơn vị đo dung tích của bảng 8. Bát chính thức chế bằng đồng thường quen gọi là bát quan đồng.
Theo PBTL (117) của Lê Quý Đôn, vào nửa sau của thế kỷ 18, ở Thuận Hoá có hệ thống đo dung tích sau đây:
Bảng 9
thùng [13] |
10 hộc |
hộc |
10 thăng hay thưng |
thưng |
10 cáp |
cáp |
10 thược |
thược |
10 toát |
Hệ thống này khác với hệ thống của Đàng Ngoài ở hai điểm: có thêm đơn vị thùng và không có đơn vị đấu. Thế nhưng ngay sau đó, Lê Quý Đôn lại viết: "Dân gian mua bán phần nhiều dùng đấu, lớn nhỏ cũng không nhất định" (127). Như vậy, đấu vẫn được dùng khá phổ biến ở Đàng Trong. Lê Quý Đôn cũng cho biết là thực ra khi dùng để thu thuế, hộc chứa đến 75 thưng (tức gấp 7,5 lần hộc theo bảng 9 !) và thùng chứa đến 500 thưng (gấp 5lần!); và khi phát lương cho quân thủy quân bộ thì mỗi hộc bằng 33 thưng 5 cáp (thay vì bằng 100 cáp!) [14]. Thật là quá tùy tiện !
PBTL cũng chứa đựng một số thông tin mâu thuẫn : Ở trang 127, thì cho rằng thưng bằng bát quan đồng, nhưng ở trang 136 thì lại khẳng định thưng bằng hai bát quan đồng như vậy tương đương với đấu vì ở trang 124 Lê Quý Đôn cho biết là 16 đấu bằng 30 bát quan đồng, tức mỗi đấu gần bằng hai bát !
PBTL còn ghi được nhiều dao động đáng kể khác tùy theo địa phương: chẳng hạn ở huyện Hương Trà, hộc bằng 25 thưng thay vì bằng 10 thưng theo bảng 9(129).
Cũng theo Lê Quý Đôn, 20 bát quan đồng gạo đủ để một người ăn trong một tháng. Nếu ta giả dụ một người ăn 15 kg gạo mỗi tháng thì giá trị của bát quan đồng là 0,75 kg gạo.
Trong khi đánh nhau với Tây Sơn, để tiết kiệm lương thực Nguyễn Ánh dùng hai loại phương để phát gạo: phương hạng lớn và phương hạng vừa. Năm 1805, vua Gia Long xuống chiếu bỏ phương hạng vừa và chỉ dùng phương lớn bằng 13 thưng hay 30 đấu đồng gạt bằng miệng để phát gạo (HĐSL: V, 74). Như vậy, từ năm 1805, theo quy định chính thức, một phương bằng 13 thưng và 1 thưng bằng khoảng 2,3 đấu. Đây là điều đáng chú ý vì theo bảng 8, từ giữa thế kỷ 17 ở Đàng Ngoài đấu bằng mười thưng !
Cho đến năm 1825, ở Nam Kỳ giá trị của hộc rất khác nhau : để thu thóc thuế ruộng, ở huyện Long Điền (Hà Tiên) dùng hộc bằng 33 thưng 3 cáp, trái lại ở hai trấn Phiên An và Biên Hoà thì dùng hộc 75 thưng (nghĩa là lớn gấp hơn hai lần) ; để thu thóc thuế ruộng giồng, ruộng trầm, ruộng quan điền, thì dùng hộc bằng 47 thưng 1 cáp ở 4 trấn Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường và hai huyện Long Xuyên, Kiên Giang thuộc trấn Hà Tiên. Trước tình hình đó, trung thành với sắc chỉ của Gia Long ban hành vào năm1804, theo đó « thống nhất cân đong là việc cốt yếu của chính trị » (HĐSL: V, 65), năm 1826 triều đình bàn định bắt cả nước phải dùng hộc 26 thưng, « còn các hộc 70 thưng, 47 thưng, 33 thưng đều cho tiêu hủy » (HĐSL: V, 75). Như vậy, từ đây, ít ra về mặt chính thức, một hộc bằng hai phương.
Năm 1831, Triều đình bàn định cho chuyển hai cái ấn sắt có khắc chữ tín, một cái lần lược từ Quảng Trị ra Bắc, một cái lần lược từ Quảng Nam trở vào Nam để các quan nung đỏ rồi đóng vào các hộc, phương mới làm ra, bên cạnh bốn chữ « ban cấp tuân hành » và ngày tháng đã khắc trên phương, hộc để làm dấu.
Ta có thể suy diễn rằng từ năm 1831 trở đi, hộc và phương được thống nhất trong cả nước ít ra trên giấy tờ ! Năm 1834, vua Minh Mạng xuống chỉ bắt dùng hộc để đong thóc và dùng phương để đong gạo, có lẽ vì thóc nhiều hơn gạo, nên đong bằng hộc nhanh hơn ; mặt khác phải dùng khoảng một hộc lúa mới làm ra được một phương gạo. Theo L’Annuaire de la Cochinchine (Niên giám của Nam Kỳ) năm 1864, hộc bằng 79,80 lít (và như vậy thưng bằng 79, 80 : 26 = 3,07 lít). Nhưng theo E. Luro, cũng ở Nam Kỳ vào khoảng những 1870, hộc bằng 71,905 lít (như vậy thưng bằng 71,905: 26 = 2,765 lít), còn phương (bằng nửa hộc) chứa 25 kg gạo (Luro : 412) [15].
Như vậy, cho đến khi chính quyền thuộc địa ấn định, vào năm 1897, dung tích của hộc là 60 lít, thưng của Việt Nam dao động từ 2,765 lít đến 3,07 lít, nghĩa là gấp gần 3 lần thăng của nhà Thanh (1,043 lít). Và nếu thưng bằng 2,3 đấu đúng như đã nói trên đây, thì đấu dao động từ 1,2 lít đến 1,334 lít. Phải chăng đấu gần bằng bát quan đồng (xem trên đây) ? Theo HĐSL (V, 177), lương thấp nhất Triều đình trả cho nô tỳ vào năm 1826 là 15 đấu gạo.
Theo L’Annuaire générale de l’Indochine [Tổng niên giám Đông Dương] năm 1885, thì hệ thống đo dung tích của Việt Nam là như sau :
Bảng 10 [16]
hộc (sétier) |
= 26 thăng hay thưng |
thăng, thưng (boisseau) |
= 10 hợp |
hợp* (poignée) |
= 10 thược |
thược (cuillerée) |
= 10 sao |
sao (10 pincées) |
= 10 toát |
toát (pincée) |
= 10 quê |
quê (6 grains de paddy )[17] |
= 6 túc |
túc |
= 1 hạt thóc |
*Đúng ra phải đọc là cáp.
Trong bảng 10 trên đây lại vẫn không có đơn vị đấu cũng như đơn vị phương. Về đơn vị phương, cũng nên nói thêm rằng hai từ điển của J.F.M. Génibrel và G. Hue viết là , trong khi E. Luro và từ điển của H T Của lại viết là . Theo chỗ chúng tôi biết, ở Trung Quốc không có đơn vị đo dung tích phương. J.F.M Génibrel cũng khẳng định như E. Luro là phương được gọi là giạ, vuông hay lượng có dung tích dao động từ 35 đến 40 lít tùy theo tỉnh (583). HT Của định nghĩa giạ là «đồ đong lúa, đương bằng tre, giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại» [18] (256). Cũng theo HT Của, dung tích của hộc bằng hai giạ thường (tức giạ chiếc) hay bằng một giạ đôi. Phải chăng ô là biến âm của âu (bồn nhỏ) như Lê Ngọc Trụ (1993 : 364) khẳng định ? Như đã trình bày trên đây âu cũng là một đơn vị đo dung tích ở nước Tề thời Chiến Quốc ?
Cho đến đầu những năm 1960, ở vùng quê Quảng Nam vẫn còn dùng một số đơn vị đo dung tích không nằm trong bảng 9: ang = 10 ô = 30 lon. Theo HT Của ang là cái bồn, «đồ bằng đất rộng miệng như miệng chậu mà lớn» (43). Trái lại, theo từ điển của Viện Ricci, thì ở Trung Quốc ang là "một loại hũ bụng rộng nhưng miệng hẹp". Theo Hoàng Phê (6) ang là "dụng cụ đong lường bằng gỗ hoặc đan bằng tre, hình hộp, dung tích khoảng bảy tám lít, dùng ở một số địa phương để đong chất hạt rời". Còn ô thì cũng giống như HT Của định nghĩa : «Đồ dùng mà đong gạo, đúc bằng đồng hoặc tiện bằng gỗ» (II,169). Ở Quảng Nam cách đây chừng 50 năm, chỉ thấy dùng loại ô tiện bằng gỗ, giống như một tô lớn có dung tích bằng khoảng ba lon sữa bò hiệu Nestlé. Loại lon này chứa chừng 0,33 lít (như vậy ô tương đương một lít) hay 0,280 kí gạo đủ để nấu cơm cho một lực điền ăn một bữa. Nếu đúng như HT Của khẳng định giạ bằng mười ô (tức là ô chứa từ 3,5 lít đến 4 lít), thì ô dùng ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19 lớn gấp khoảng bốn lần ô dùng ở Quảng Nam! Hiện nay, ở tỉnh này cũng như ở thành phố Đà Nẵng dường như ang và ô đã biến mất ; lon (sữa bò) đôi khi còn được dùng để đong gạo và các loại hạt khác, nhưng việc dùng cân (kí lô) đã trở thành phổ biến.
Ở Việt Nam thời xưa, các đơn vị đo dung tích vừa trình bày trên đây chủ yếu được dùng để đong ngũ cốc, đặc biệt là thóc gạo. Để đong chất lỏng (nước mắm, dầu,…), người ta dùng chum, vại, vò, chỉnh, lọ, chai, thùng, hũ,…
Ðo thể tích
Theo Nguyễn Đình Đầu (1990) thời xưa để đo thể tích đá hay gỗ người Việt dùng ba đơn vị hộc, lẻ và lai được tính như sau:
Bảng 11
Đơn vị |
Cách tính |
Giá trị |
Giá trị quy ra m3 |
hộc |
10 ngũ* x 1 ngũ x 1 thước (0,424 m) |
10 lẻ |
19,056256 |
lẻ |
1 ngũ x 1 ngũ x 1 thước |
25 lai |
1,9056256 |
lai |
1 thước x 1 thước x 1 thước |
|
0,076225024 |
* ngũ = 5 thước
Tác giả này cũng cho biết, khi đào đắp đất, người ta dùng các đơn vị mẫu khối (1 mẫu x 1 thước = # 2280 m3) và sào khối (1 sào x 1 thước = #228 m3). Nhưng chúng tôi không tìm thấy các đơn vị thể tích đó trong các từ điển tham khảo. Theo Gustave Hue (1937), có lẽ vào những năm 1930, một đấu đất là một khối lập phương có cạnh là 1 thước ta (0,4 x 0,4 x 0,4 = 0,064 m3), nhưng theo từ điển Hoàng Phê, đấu lại “bằng khoảng nửa mét khối” (Hoàng Phê 2000: 301).
Đơn vị trọng lượng
Bảng 12 : Đơn vị đo trọng lượng xưa ở Trung Quốc
(theo từ điển của Viện Ricci)
Phanh âm (pinyin) |
Hán Việt |
Giá trị* |
dàn |
đảm |
100 cân (cân = 596, 8 g) |
jin |
cân |
16 lượng (lượng = 37,3) |
liang |
lượng |
10 tiền |
qián |
tiền |
10 phân |
fèn |
phân |
10 li hay ly |
lí |
li hay ly |
|
* Các giá trị này thay đổi theo địa phương và thời đại.
Cân là đơn vị-chuẩn của hệ thống đo trọng lượng ở Trung Quốc. Theo Đinh Thư Xuân, quả cân cổ nhất tìm thấy là của nước Tề vào thời Xuân Thu (722-481 trước CN) bằng 198,2 g. Vào thời Chiến Quốc (403-222 trước CN), cân nặng khoảng 250 g. Dưới đời Hán (206 trước CN- 220 sau CN), nó dao động từ 238,3 g đến 258 g. Vào khoảng hai thế kỷ 5 và 6, nó nặng gấp hơn 2 lần: từ 515,5 g đến 693,1 g. Dưới đời Đường (618-907), nó nặng chừng 693 g, nhưng sang đời Tống (960-1279) và đời Nguyên (1277-1367) lại giảm xuống khoảng 637,5 g. Dưới đời Minh (1368-1644) và đời Thanh (1644-1911), nó lại giảm thêm : dao động giữa 582 g và 598 g. Dưới đời Minh đã có ba loại cân: cân đòn, cân dĩa và cân tiểu li (Quách Thư Xuân: 189-206).
Bảng 13: Đơn vị trọng lượng xưa ở Việt Nam (cuối thế kỷ 19)
tạ |
10 yến = # 60 kg |
yến |
10 cân = # 6 kg |
cân |
16 lượng hay lạng = # 0,6 kg |
lượng hay lạng |
10 đồng, đồng cân hay chỉ = # 0,0375 kg |
đồng cân |
10 phân = # 0, 00375 kg |
phân |
10 ly hay li = # 0, 000375 kg |
li |
10 lai = # 0,0000375 kg |
So sánh hai bảng 12 và 13, ta thấy người Việt không dùng lại đơn vị đảm của Trung Quốc và thay bằng hai đơn vị yến (= 10 cân) và tạ [19] (= đảm = 100 cân), gọi đơn vị tiền là đồng, đồng cân hay chỉ. Dường như người Việt đã tạo ra đơn vị lai rất nhỏ : chỉ bằng 1/10 000 của lượng. Chúng tôi không tìm được nghĩa này của lai trong các từ điển tham khảo, nhưng nó lại được ghi trong HĐSL (V, 66). Cũng nên nói thêm rằng theo từ điểnHoàng Phê (2000 : 536) , ở vài địa phương lai có nghĩa là phân (1/100 của lượng) và từ li lai có nghĩa là « hơn kém nhau chỉ chút ít, không đáng kể » (536). Theo HT Của (II, 322) tạ bằng trọng lượng của 42 quan tiền kẽm, tức khoảng 61 kg ; nhưng ông lại ghi yến (1/10 của tạ) bằng 4 quan tiền kẽm (I, 464). Còn theo Génibrel (717), tạ bằng 40 quan tiền kẽm, tức khoảng 60 kg. Như vậy, đơn vị cân của Việt Nam tương đương cân Trung Quốc thời Minh Thanh.
Năm 1897, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quy định lạng bằng 37,783 125 g và như vậy cân bằng khoảng 604,5 g.
Theo Nguyễn Đình Đầu, nhỏ hơn lai còn có năm đơn vị nữa là hào, ti, hốt, vi và tiêm. Vì tiêm chỉ bằng 0,000000386 g không biết làm sao có thể đo được với các loại cân không mấy chính xác thời xưa.
Theo HĐSL, năm 1813, « có Chỉ cho chế tạo cân mã tải [loại cân có hai đĩa để hai bên] thiên bình và cân mã tải trung bình mỗi thứ cân một bộ, ban cho các thành, doanh, trấn ». Cân thiên bình dùng để cân các đồ vật nặng (đồng, kẽm, sắt, thiếc,…), còn cân trung bình dùng để cân vàng bạc (V, 67). Sau đó dường như triều đình có cấp năm loại cân của nhà nuớc (quan hành) : trung bình, bình thiên, thiên bình, tư mã và cân 10 lượng (V, 68). Cân tư mã, cũng được gọi là tử mã hay cân thăng bằng theo HT Của (98), là một loại cân đòn lớn. Theo HĐSL, vào năm 1836, cân trung bình cân từ 1 cân đến 8 cân, cân thiên bình hạng vừa cân từ 9 cân đến 10 cân, cân thiên bình hạng lớn cân từ 100 cân đến 300 cân (V, 71). Nhưng vào năm 1847 lại thấy nói là cân thiên bình hạng lớn « nên cân từ 20 cân đến 300 cân », cân thiên bình hạng vừa « nên cân từ 30 cân đến 150 cân » cân thiên bình hạng nhỏ « từ 1 cân đến 50 cân » (V, 73). Về các quả cân thì có những loại sau đây : 1 lạng, 2 lạng, 5 lạng, 8 lạng, 2 cân, 3 cân, 4 cân, 10 cân, 20 cân, 30 cân, 40 cân, 50 cân, 70 cân, 100 cân . Theo HT Của, vào cuối thế kỷ 19, có các loại cân lớn nhỏ sau đây : cân tiểu ly (nhỏ nhất, từ 1 cân trở lại), cân yến (từ một yến trở lên), cân tạ (từ một tạ trở lên) (98).
Hệ đo lường ở Trung Quốc và ở Việt Nam
Năm 1929, chính quyền Quốc dân đảng chọn hệ đo lường "quốc tế " làm hệ thống chính thức (công chế ). Thế nhưng dân chúng vẫn tiếp tục dùng hệ thống đo lường cũ được gọi với tên mới là thị chế . Trừ một vài ngoại lệ như phiên âm meter thành mi ( mễ), các đơn vị của hệ đo lường "quốc tế " được dịch sang tiếng Trung Quốc bằng cách dùng lại các đơn vị tương đương của hệ thống cũ. Để tránh lẫn lộn hai hệ thống mới cũ, các từ công (chính thức)và thị (chợ, thương trường)được thêm vào trước mỗi đơn vị : chẳng hạn công xích (hay mễ) chỉ mét, trong khi thị xích chỉ đơn vị xích cũ.
Gần 10 năm sau ngày thành lập Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ngày 25.5.1959, Quốc vụ viện ban bố « mệnh lệnh về thống nhất chế độ đo lường », lấy công chế làm chế độ đo lường cơ bản của Trung Quốc nhưng vẫn bảo lưu thị chế được quy định như sau (Quách Thư Xuân: 205) :
Thị xích = 1/3 mễ (mét) = 0,333 m
Thị lý = 1/2 công lý (km) = 500 m
Thị mẫu = 6,66 công mẫu (a) = 666,66 m2
Lập phương thị xích = 1/27 lập phương công xích hay lập phương
mễ (mét khối) =0, 03704 m3
Thị thăng = thăng = 1 lít
Thị lượng = bách khắc = 50 gam
Thị cân = 10 thị lượng = công cân = 1/2 kg
Bảng 14 – So sánh từ vựng đo lường ở Việt Nam và Trung Quốc
Pháp |
Việt Nam hiện nay |
Trung Quốc 1929-1959* |
TQ hiện nay * |
Độ dài |
|||
kilomètre |
kilomét (cây số) |
công lý |
công lý hay thiên mễ |
hectomètre |
hectomét |
công dẫn |
bách mễ |
décamètre |
decamét |
công trượng |
thập mễ |
mètre |
mét (thước) |
công xích hay mễ |
mễ |
décimètre |
deximét (tấc) |
công thốn |
phân mễ |
centimètre |
xentimét (phân) |
công phân |
ly mễ |
millimètre |
milimét (ly) |
công ly |
hào mễ |
diện tích |
|||
kilomètre carré |
kilomét vuông (cây số vuông) |
bình phương công lý |
bình phương công lý |
hectare |
hecta (mẫu tây) |
công khoảnh |
công khoảnh |
are |
a (sào tây) |
công mẫu |
công mẫu |
mètre carré |
mét vuông (thước vuông) |
bình phương công xích hay bình phương mễ |
bình phương mễ |
Thể tích |
|||
mètre cube |
mét khối (thước khối) |
lập phương công xích |
lập phương mễ |
Dung tích |
|||
kilolitre |
kilôlit |
|
thiên thăng |
hectolitre |
hectolit |
công thạch |
bách thăng |
décalitre |
decalit |
công đẩu |
thập thăng |
litre |
lít |
công thăng |
thăng |
décilitre |
dexilit |
công cáp |
phân thăng |
centilitre |
xentilit |
công thược |
ly thăng |
millilitre |
mililit |
công toát |
hào thăng |
Trọng lượng |
|||
tonne |
tấn [20] |
công đốn |
đốn |
quintal |
tạ |
công đảm |
công đảm |
kilogramme |
kilogam (kílô, kí) |
công cân |
công cân |
hectogamme |
hectogam |
công lượng |
bách khắc |
décagramme |
decagam |
công tiền |
thập khắc |
gramme |
gam |
công phân hay khắc |
khắc |
décigramme |
dexigam |
công ly |
phân khắc |
centigramme |
xentigam |
công hào |
ly khắc |
milligramme |
miligam |
công ti |
hào khắc |
* Để giản đơn hoá, chúng tôi chỉ ghi âm Hán Việt.
Ngoài những tên đã được chính quyền Quốc dân đảng tạo ra (như mi = mễ), mệnh lệnh của Quốc vụ viện còn tạo ra một số từ mới bằng cách dùng các từ thập, bách, thiên để dịch các tiền tố déca-, hecto- , kilo- và các đơn vị cũ phân, ly, hào để dịch các tiền tố déci-, centi-, milli- .
Ở Việt Nam, do bị người Pháp cai trị, nên từ nửa sau thế kỷ 19 dân chúng đã sớm làm quen với hệ đo lường "quốc tế ", hay ít ra với một số đơn vị thông dụng như mètre, kilomètre, litre, hectare… Hơn nữa, việc người Pháp bắt dùng chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX đã đơn giản hoá việc phiên âm các từ Pháp sang tiếng Việt. Tuy thế, ít ra cho đến 1945, toàn bộ hệ đo lường bằng tiếng Pháp chưa được phiên âm sang tiếng Việt. Bằng chứng là Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (xuất bản từ 1931 đến 1939) chỉ ghi có từ mét và không ghi các từ gam, kilogam, kilomet…Ngay trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (in lần đầu năm 1967) cũng ghi chưa đủ: chẳng hạn thiếu các đơn vị có tiền tố dexi-, xenti-, mili- (trừ mi-li-mét), deca-, hecto- . Chỉ từ sau 1945, toàn bộ các từ tiếng Pháp của hệ đo lường "quốc tế " mới được phiên âm sang tiếng Việt. Tuy thế, người Việt mới quen dùng trong đời sống hằng ngày các từ dễ phát âm như mét, gam, lít, kí hay kí lô, bên cạnh các từ của hệ đo lường truyền thống: thước, tấc, phân, li, ... Nhưng rõ ràng là do ảnh hưởng của tiếng Pháp, thuật ngữ tiếng Việt hiện đại về đo lường, hoàn toàn khác với tiếng Trung Quốc.
Theo Khổng tử, Vũ Vương, người lập ra nhà Chu (1121-256 AC), đã đặt việc sửa định phép đo lường ( cẩn quyền lượng) lên hàng đầu, trên cả việc định rõ lại luật lệ ( thẩm pháp độ) và tu chỉnh lại các chức quan đã bị vua Trụ bỏ ( tu phế quan). Nhờ chính sách đó mà bộ máy cai trị đã điều hành tốt trong cả nước (tứ phương chi chính hành yên ( Luận ngữ : chương XX). Trung thành với quan niệm đó, vua chúa Việt Nam, nhất là dưới triều Nguyễn, đã đặc biệt quan tâm đến việc thống nhất đo lường. Nhưng dù quyết tâm đó đã nhiều lần được khẳng định, đặc biệt dưới triều Minh Mạng (1819-1840), giá trị của các đơn vị đo lường vẫn còn khác nhau, đôi khi đáng kể, từ tỉnh này sang tỉnh khác hay ngay cả trong cùng một tỉnh, chủ yếu là vì các dụng cụ đo lường đều do dân tự làm ra cho dù theo khuôn mẫu do Triều đình ban xuống. Kết quả là cho đến gần đây, nhất là ở thôn quê, giao dịch thương mại thường bắt đầu bằng việc so sánh dụng cụ đo lường (cân, ang, giạ…) của người bán và của người mua để xác định non già [21], rồi quyết định dùng dụng cụ của ai trước khi mặc cả về giá. Và vì có sự mặc cả, sự chính xác của dụng cụ đo lường rốt cuộc không mấy quan trọng. Tóm lại, việc mua bán dựa trên hai nguyên tắc chính: "thuận mua vừa bán" và "ăn cho buôn so". So về chất lượng, về dụng cụ đo lường và dĩ nhiên về giá cả.
* Trung tâm quốc gia NCKH, Paris, Pháp
Chú thích
[1] Cách đây gần mười năm, tôi có viết bài «D’une colonisation à l’autre : deux poids et deux mesures au Việt Nam» để đăng trong công trình tập thể Poids et mesures en Asie du Sud-Est do Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á (IRSEA-CNRS) xuất bản, nhưng vì nhiều lý do, sách này chỉ mới ra được tập 1 vào cuối năm 2004; và có lẽ phải đợi vài ba tháng nữa tập 2 (trong đó có bài nói trên của tôi) mới in xong. Bài này chủ yếu được viết lại dựa trên bài tiếng Pháp, sửa chửa một số điểm sai và nhất là bổ sung thêm khá nhiều tư liệu.
[2] Từ điển của A. de Rhodes (1651) chỉ ghi đơn vị triệu ; từ điển Taberd (1838) có ghi ức, triệu nhưng không ghi tỉ ; trong hai từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895) và của J.M.F. Génibrel (1898), có cả ba đơn vị này nhưng lại định nghĩa tỉ bằng một trăm triệu.
[3] Génibrel ghi rõ đây là lý của Trung Quốc (stade chinois). Thực ra, theo từ điển của Viện Ricci (1976 : Appendices, 27), giá trị thường được công nhận của lý ở Trung Quốc là 576 m.
[4] Ở nông thôn Pháp, vào thế kỷ 16, một pouce bằng 12 hạt lúa đại mạch để bên nhau theo chiều ngang ; ở Anh, vào thế kỷ 14, một foot bằng 36 hạt lúa đại mạch (Hocquet 1995 : 43).
[5] Dường như loại thước này đã được dùng từ Quảng Bình đến Bình Thuận (HĐSL: V, 66).
[6] Chắc đây cũng là thước Thành Thái.
[7] Khi vo gạo nấu cơm, người Việt hay dùng đốt ngón tay để đo mực nước trong nồi.
[8] Ở châu Âu, trước đây cũng dùng chân tay để đo như các đơn vị empan, pied, coudée, pouce, brasse trong tiếng Pháp.
[9] Theo Pierre Leroux tên của cung này là Hại (Leroux 2004 : I, 49).
[10] Nhưng cũng theo TT (II : 18), năm 1242, Trần Thái Tông định điền tô mỗi mẫu phải nộp 100 thăng, tức là cao gấp hơn 30 lần ! Phan Huy Chú đã lấy lại hai thông tin này (II, 227).
[11] Các con số về mẫu ở Trung Kỳ là của Yves Henry (1932).
[12] Khi chỉ đơn vị đo dung tích, chữ phải đọc là cáp (phanh âm : ge) chứ không phải là hiệp hay hợp (hé).
[13] Sựhiện diện của từ Việt thùng trong bảng 9 là điều đáng ngạc nhiên.
[14] Theo chúng tôi đoán, thì ĐNTL đã lấy lại các thông tin này của Lê Quý Đôn vì đoạn văn đó giống hệt như trong PBTL. Và như ta biết ĐNTL được viết xong vào n ăm 1844, tức là sau PBTL đến hơn nửa thế kỷ(ĐNTL: I, 117).
[15] Luro cũng nói thêm là trong thực tế vuông hay giạ cũng được dùng để đong thóc. Rốt cuộc, chính quyền thuộc địa ấn định dung tích của hộc là 60 lít cho chẵn và như vậy thăng chứa 2,307 lít. Cũng theo Luro, hộc và phương làm bằng gỗ, còn thưng, hợp (cáp) thì làm bằng đồng. Các đơn vị từ thược trở xuống chắcchẳng khi nào dùng.
[16] Trích từ Nguyễn Đình Đầu (1994 : 36).
[17] Các dịch giả của Đại Nam thực lục tập IX đọc là khuê và chú thích là « xưa lấy 24 hạt thóc nếp làm một khuê» (IX,55). Nhưng theo J.F.M. Génibrel, thì quê bằng 64 hạt thóc (638) !
[18] Nhưng theo Génibrel, giạ lại chứa đến 20 ô !
[19] Phải chăng tạ là biến âm của đảm ?
[20] Từ điển của Hội Khai trí tiến đức (1931-1938) chưa ghi đơn vị tấn, nhưng theo Gustave Hue (1937) thì tấn là biến âm của từ Pháp tonne.
[21] Ngay cả hiện nay, ỏ Việt Nam vẫn còn nạn bán hàng với cân rất non, nhất là ở các quày bán trái cây dọc theo các trục giao thông lớn.
Thư mục
An Nam chí nguyên, Hà Nội, EFEO, 1932.
Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1864,Saigon, Imprimerie impériale.
Annuaire générale de l’Indochinne pour l’année 1885
Dictionnaire français de la langue chinoise, Paris, Institut Ricci-Kuangchi press, 1976
Ðại Nam thực lục, Hà Nội,Nhà xuất bản Sử học, Nhà xuất bản Khoa học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1962-1978, 38 tập.
Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1967, 4 tập.
Đoàn Trung Còn (dịch giả), Luận ngữ , Sài Gòn, Trí Đức tòng thơ, 1950.
Đỗ Văn Ninh Tiền cổ Việt Nam Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
Génibrel, J. M. F., Dictionnaire annamite-français, Saigon, Impr. de la Mission à Tân Định [in lần thứ hai], 1898.
Gouin, Eugène, Dictionnaire annamite- chinois-français, Saigon, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1957.
Henry, Y., Économie agricole de l’Indochine, Hà Nội, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1932.
Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Hocquet, Jean-Claude, La Métrologie historique, Paris, PUF, 1995.
Hue, Gustave, Dictionnaire annamite-chinois-français, Imprimerie Trung Hoà, 1937.
Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, Impr. Rey, Curiol et Cie, 1895.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐĐNHĐSL), Huế, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1993, tập V.
Lê Ngọc Trụ, Tầm nguyên tự điển Việt, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
Le Roux, Pierre ; Sellato, Bernard ; Ivanoff, Jacques (sous la direction de), Poids et mesures en Asie du Sud-Est, Paris, EFEO, IRSEA, vol. 1, 2004.
Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, [được viết vào khoảng năm 1776], Hà Nội , Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Lê Thành Khôi, « Tìm hiểu một số đơn vị đo lường ngày trước » trong Kỷ yếu Hội thảo phục hồi điện Cần Chánh. Trung tâm Tu bổ di tích cố đô Huế và Đại học Waseda xuất bản. Huế -Tokyo.
Luro,E., Cours d’administration annamite, Saigon, 1877.
MacDonald, Charles, La Notion de mesure chez les Palawan des Philippines, trong Le Roux, Pierre ; Sellato, Bernard ; Ivanoff, Jacques (sous la direction de), Poids et mesures en Asie du Sud-Est, Paris, EFEO, IRSEA, vol. 1, 2004.
Nguyễn Công Tiểu, Tables de conversion des mesures agraires françaises en mesures agraires annamites et réciproquement, Hà Nội, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1918.
Needham, J & Wang Ling,Mathematics and the sciences of the heavens and the earth, tập 3 của J. Needham (ed.), Science and Civilization in China, Cambridge, Cambridge University Press, 1959.
Nguyễn Đình Đầu, « Les poids et mesures de l’ancien Viêtnam », trong Études vietnamiennes, 1990.
Tổng kết nghiên cứu điạ bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
Phan Huy Chú, Lịch triều chương loại chí, Hà Nội , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 3 tập.
Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo, Địa bạ Hà Đông, Hà Nội , Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Paris-VII.
Phan Thanh Hải, Hệ thống thước đo Việt Nam triều Nguyễn, Khảo cổ học, n° 4, 2003.
Quách Thư Xuân, Cân đo cổ đại, trong Đàm Gia Kiện (chủ biên), Lịch sử văn hoá Trung Quốc, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Rhodes, Alexandre de, Dictionarium Annamiticum Lusitanum, et Latinum, Rome, s.l., 1651.
Taberd, J. L., Dictionarium anamitico-latinum, 1838.
Thơ văn Lý Trần Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977, tập I.
Trương Văn Chình, Structure de la langue viêtnamienne, Paris, Imprimerie nationale / Librairie orientaliste Paul Geuthner, 1970.
Văn Tân (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967.
Việt Nam tự điển, Hà Nội, Hội Khai trí tiến đức, 1931-1939.
tin tức liên quan
Videos
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm 93 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2023), 120 năm năm sinh đồng chí Lê Mao (1903-2023)
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An dâng hương tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh
Giải Nobel năm 2021
Trí thức Nghệ xưa và nay
Du xuân qua miền di sản
Thống kê truy cập
114530208
280
2297
2377
216904
0
114530208