Phiên họp toàn thể lần thứ 6 (tháng 11-2010) của Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc ra nghị quyết nhà nước Trung Quốc sẽ lấy tư tưởng của Khổng Tử để xây dựng một hệ tư tưởng mới gọi là Xã hội Hài hoà Xã hội chủ nghĩa.
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 (tháng 11-2010) của Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc ra nghị quyết nhà nước Trung Quốc sẽ lấy tư tưởng của Khổng Tử để xây dựng một hệ tư tưởng mới gọi là Xã hội Hài hoà Xã hội chủ nghĩa.
Có nhiều người nghĩ Trung Quốc trở thành một cường quốc thứ hai trên thế giới, tất nhiên là các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tạo ra một chủ nghĩa mới mang đặc sắc hoàn toàn Trung Quốc để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin - Tư tưởng Mao Trạch Đông đã lỗi thời. Những người này còn cho là các học viện Khổng Tử đang được thiết lập ở nhiều nước trên thế giới sẽ không phải chỉ có những hoạt động thuần túy văn hoá mà còn có sứ mệnh đề cao mô hình Trung quốc là trật tự xã hội Khổng Tử trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá để đối lại với mô hình Tự do - Dân chủ của phương Tây trong cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị ở các nước đang phát triển.
Vấn đề là những kinh sách thời Khổng Tử đã bị Tần Thủy Hoàng đốt hết. Trong những kinh sách được viết lại dưới triều Hán Vũ Đế 400 năm sau khi Khổng Tử ra đời, có bao nhiêu phần thật sự là của Khổng Tử?
Muốn trả lời cho thật chính xác, cần phải phân biệt Khổng giáo nguyên thủy với đạo Khổng hậu Tần :
Khổng giáo nguyên thủy : Giai đoạn khoảng 350 năm bắt đầu từ thời Khổng Tử còn sống đến khi Tần Thủy Hoàng ra lệnh chôn sống học trò, đốt hết kinh sách của Khổng Tử, dẹp bỏ thể chế phong kiến nhà Chu, thiết lập chế độ trung ương tập quyền. Tư tưởng của Khổng Tử trong Khổng giáo là những điều giáo huấn của Khổng Tử về trời đất, con người và vạn vật. Những điều giáo huấn này nằm trong bộ Ngũ Kinh do chính tay Khổng Tử soạn thảo và sáng tác.
Đạo Khổng hậu Tần : Hán Vũ Đế cho viết lại những kinh sách đã bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy, phục hưng Khổng giáo, tôn làm đạo Thánh hiền và bắt mọi người phải coi là Quốc giáo. Trong bộ Tứ thư do các môn đệ Khổng Tử soạn thảo và được viết lại dưới các triều đại nhà Hán và nhà Tống, những lời dạy được coi là của Khổng Tử và của Mạnh Tử trở thành những giáo điều.
1) Muốn biết đâu là những tư tưởng đích thực của Khổng Tử, cần phải trở lại thời Khổng giáo nguyên thủy :
Địa lý-Chính thời Khổng giáo nguyên thủy:
Khổng Tử ra đời ở nước Lỗ (tỉnh Sơn đông Trung Quốc ngày nay) vào cuối thời Xuân thu đầu thời Chiến quốc, gần như cùng thời với các nhà hiền triết Hi Lạp Héraclite, Socrate, Platon, và Phật tổ ở Ấn độ, thế kỷ thứ V TCN. Karl Jaspers, triết gia người Đức gọi thế kỷ này là thời hoàng kim của tư tưởng nhân loại. Ở thời kỳ này nhà Chu bắt đầu suy yếu, không còn ngăn cản được những cuộc tranh chiến thôn tính đất đai giữa các nước chư hầu. Gọi là "các nước" (thời Xuân thu có tới 170 nước) chứ thực ra chỉ là những lãnh địa được các vua chúa nhà Chu phong cho những họ lớn thuộc tộc Hoa Hạ sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Hà cho tới phía Bắc sông Dương Tử. Đa số nằm trong phạm vi 5 tỉnh Sơn đông, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc và Thiểm Tây hiện nay. Sinh tiền Khổng Tử đi hết nước này đến nước khác, nhưng thật ra chưa bao giờ vượt qua địa giới 2 tỉnh Sơn Đông (phần lớn thuộc nước Tề) và Hà Nam (nơi có kinh đô nhà Chu là Lạc Dương) bây giờ. Khi Khổng Tử nói phương Nam là nói những nước vùng phía Nam sông Hoàng Hà chứ không phải là đất Bách Việt phía Nam sông Dương Tử mà chưa bao giờ Khổng Tử đặt chân đến.
Năm cuốn sách do chính tay Khổng Tử soạn thảo và sáng tác:
Trong bộ Ngũ kinh, Khổng Tử soạn thảo 4 cuốn: Thi, Thư, Dịch, Lễ, sáng tác 1 cuốn: Xuân Thu.
Có lẽ Dịch và Xuân Thu thoát khỏi lửa thiêu của Tần Thủy Hoàng vì những lẽ sau đây:
Kinh dịch diễn giảng những phương cách bói toán được đặt ra cả từ ngàn năm trước thời Khổng Tử nên được coi là cuốn sách dạy nghề của các thày bói. Những sách dạy nghề không bị thiêu hủy.
Kinh Xuân Thu là cuốn sách duy nhất do Khổng Tử sáng tác để bình luận với cương vị một sử gia những sự kiện lịch sử thời Xuân Thu. Có thể chỉ những đoạn liên quan đến nước Tần bị xé đi.
Những tư tưởng triết học và siêu hình học của Khổng Tử đều nằm trong kinh Dịch:
Trước thời Khổng Tử kinh Dịch chỉ được hiểu như một cuốn sách bói toán gồm những vạch liền (dương), vạch đứt (âm) được xếp với nhau tạo thành những quẻ biểu thị những biến hoá của âm dương. Khi soạn thảo lại kinh Dịch, Khổng Tử cho những quẻ này một ý nghĩa triết học, biến nó thành những biểu thị âm dương về sự sinh thành và biến chuyển của vũ trụ và vạn vật. Khổng Tử tin là có Trời, nhưng là Trời không có ngã vị mà chỉ là cái Lý vô hình vô thể gọi là Lý Thái cực hay Thiên lý định đoạt mọi biến động của vũ trụ và vạn vật.
1° Lý Thái cực hay Thiên lý
Theo Khổng Tử lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn gọi là hỗn mang : "Trong cái hỗn mang ấy có cái lý rất linh diệu, rất cường kiện gọi là Lý Thái cực. Cái động thể của lý ấy phát hiện ra bởi 2 cái thể khác nhau gọi là động và tĩnh. Động là dương, tĩnh là âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương. Hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối, tương điều hoà với nhau để biến hoá mà sinh ra trời đất vạn vật" (Nhogiáo, Trần Trọng Kim).
Quan niệm trời đất vạn vật đều sinh ra từ một thể Lý Thái cực biến hoá không ngừng gọi là: "Thiên địa vạn vật nhất thể", tương đồng với thuyết của nhiều nhà hiền triết cùng thời từ Đông qua Tây như :
"Đạo sinh Một" của Lão Tử.
"Brahman Bản thể Tuyệt đối" vói 2 bộ mặt đối nghịch nhau Visnu và Shiva của Ấn độ giáo.
Luân hồi, nhân duyên, trong đạo Phật: Mọi sự vô thường, luôn luôn biến đổi và đối nghịch nhau nhưng gắn kết với nhau.
Logos (Ngôn thuyết) của nhà hiền triết Hi Lạp Héraclite (575 TCN). Logos là lý lẽ tuyệt đối của mọi biến dịch, làm biến đổi không ngừng vạn vật như ngày và đêm, như con đường đi lên rồi lại đi xuống nhưng vẫn chỉ là 1 con đường. Câu nói mà ai cũng đã nghe nhưng ít người biết là của Héraclite: "chúng ta cùng tắm 1 sông mà không cùng tắm 1 sông... chúng ta không bao giờ xuôi 2 lần cùng 1 dòng sông..."
Những thuyết Vạn vật nhất thể hay Trời - Người nhất thể của các nhà triết học và thần học Ki Tô giáo thời cận đại và hiện đại như Spinoza, Leibniz, Soloviev (thuyết Thần-Nhân)... Trật tự vũ trụ (Tiếng Hi Lạp: Kosmos) cũng là quan niệm về đạo Vũ trụ (Religion cosmique) của một số nhà khoa học đời nay, đặc biệt là Einstein.
2° Khái niệm "Thái hoà":
Khái niệm này cũng từ Lý Thái cực mà ra: con người là 1 phần của thiên nhiên (tự nhiên) nên "thái hoà" là hoà với thiên nhiên với vạn vật, với trời đất. Từ cái hoà với Trời đất đi đến cái hoà với mọi người, không kỳ thị ai hết vì mọi người đều là người như mình. "Thái hoà" khác nghĩa với "Nhân hoà" chỉ giới hạn trong sự giao tế giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân trong đạo Khổng sau này.
3° Khái niệm Trung:
Trung bao giờ cũng hàm cái ý "hoà" vì có Hoà mới có Trung. Trung hoà là cái gốc không nghiêng không lệch (le juste milieu) của Trời đất vạn vật luôn luôn biến hoá.
4° Tâm:
Khổng Tử cho là trong mỗi con người đều có 1 phần sáng suốt đến từ Thiên lý gọi là cái Tâm. Khi chết cái tâm đó trở về nhập lại với Thiên lý , nghĩa là với Trời.
Khái niệm Tâm của Khổng Tử cũng là ý niệm "Thiện" (le Bien) của Socrate, của Platon, của Mạnh Tử (nhân chi sơ tính bản thiện), ý niệm "Chân Như" (brahman) trong triết học Ấn độ, "Phật tính" trong đạo Phật, "Chúa Trời" trong các đạo Thiên Chúa. Tâm của Khổng Tử có hàm ý "sáng suốt": "nhân tâm", phần sáng suốt riêng của con người và là 1 phần của "Đạo tâm", phần sáng suốt trong vũ trụ, trong vạn vật. Có thể nói, Tâm của Khổng Tử là 1 phần Tâm của Thiên lý đã có sẵn trong mỗi con người từ khi mới sinh ra và là sự kết hợp giữa tình yêu (bác ái) và lý trí.
Những khái niệm thuần triết học này của Khổng giáo Nguyên thủy không cùng nghĩa với những ý niệm "trung" (fidélité) và "nhân" chỉ dành cho người quân tử trong đạo Khổng của các triều đại Trung Quốc sau này.
Với Kinh Xuân Thu, Khổng Tử phải được coi là sử gia đầu tiên của Trung Quốc, trước Tư Mã Thiên tới 400 năm:
Đây là cuốn sách độc nhất do Khổng Tử sáng tác theo lối biên niên chép truyện nước Lỗ, những sự việc nhà Chu và việc vua các nước chư hầu làm nhiều điều bạo ngược lấn quyền thiên tử nhà Chu.
Xuân Thu cũng là cuốn Triết lý luận về lịch sử: Khổng Tử lấy những chuyện điển hình trong lịch sử để qua đó đưa ra những phê bình phán đoán mà không đụng chạm đến những người quyền thế đương thời. Những tai dị như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi xuất hiện, động đất v. v. được kể lại để cảnh giới nhà cầm quyền là mọi bạo loạn đều ảnh hưởng đến sự hài hoà của trời đất vì con người chỉ là 1 phần của Trời đất. Khổng Tử rất ưng ý với cuốn sách này nên nói: "người biết ta cũng chỉ ở kinh Xuân thu, người trách tội ta cũng chỉ ở kinh Xuân thu".
Nói tóm lại:
Những tư tưởng đích thực của Khổng Tử là những tư tưởng triết học và lịch sử nằm trong học thuyết Vạn Vật Nhất thể. Đó cũng là học thuyết của nhiều nhà hiền triết từ Đông qua Tây không cùng một văn hoá nhưng cùng thời đại: thời đại mà tri thức con người đã bắt đầu chín muồi để tạo ra triết học trước khi tạo ra các đạo giáo.
2) Những quan niệm về xã hội và chính trị trong đạo Khổng của các triều đại Trung Quốc có thật là của Khổng Tử không?
Trong suốt 2000 năm đạo Khổng đã biến những quan niệm về chính trị và xã hội được diễn giải trong Tứ thư thành những giáo điều. Khi Khổng Tử còn sống chưa có Tứ thư: Phải đợi 80 năm sau khi Khổng Tử chết các môn đệ và môn đệ của các môn đệ của Khổng Tử mới nhớ và chép lại những lời của Khổng Tử trong 3 cuốn Luận ngữ, Đại học, Trung dung. Cuốn Mạnh Tử do các học trò của Mạnh Tử soạn thảo và chép lại những lời dạy của nhà hiền triết này gần 200 năm sau khi Khổng Tử chết, ăn nhập gì đến Khổng Tử mà cũng được kể là 1 cuốn trong bộ Tứ thư! Làm sao có thể chứng minh được những ý tưởng trong 4 cuốn này phản ánh đúng tư tưởng của Khổng Tử?
Còn chuyện phi lý hơn nữa là Tứ thư Ngũ kinh thời Khổng giáo nguyên thủy đều đã bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy, đâu còn những nguyên bản để được sao chép lại để Nhà Hán lấy làm nền tảng cho đạo Khổng? Theo truyền thuyết, chỉ có 1 bản Kinh Thư duy nhất được tìm thấy. Cụ Trần Trọng Kim kể lại trường hợp hi hữu này trong cuốn Nho giáo : "Nhưng vì Kinh Thư bị nhà Tần đốt mất, đến đời nhà Hán mới có quan bác sĩ đời nhà Tần là Phục sinh (có người nói con gái ông ấy) nhớ thuộc lòng được 36 thiên. Sau ở nước Lỗ lại tìm được trong vách nhà Khổng Tử 1 tập 26 thiên viết bằng chữ cổ. Những thiên của Phục sinh đọc ra viết bằng kim văn, những thiên tìm được viết bằng cổ văn. Về sau quan bác sĩ là Khổng An Quốc đời Đông Hán xếp cả kim văn lẫn cổ văn làm thành ra Kinh Thư truyền đến ngày nay". Một người có chút suy luận làm sao có thể tin được rằng 1 người con gái chưa tới tuổi xuất giá (16 tuổi ta) chữ nghĩa ở đâu mà có thể nhớ được 29 thiên để viết lại bằng kim văn ? Vô lý hơn nữa là 600 năm sau mà còn tìm thấy được trong vách nhà (ngày xưa bằng đất thó trộn rơm) những thiên viết bằng chữ cổ trên các thanh tre (vì vậy gọi là sử xanh) còn nguyên không bị mục?
Mặc dầu vậy trong 2000 năm những người học đạo Khổng đều phải coi 4 sách này là những thánh kinh, đặc biệt là 2 cuốn Luận ngữ và Trung dung :
Luận ngữ: Theo truyền thuyết đệ tử chính của Khổng Tử là Tăng Tử và các đồng môn viết cuốn sách này để chép lại những lời dạy của Khổng Tử: Vì viết sau khi Khổng tử chết cả gần 100 năm nên nhớ được đến đâu viết đến đó, thiếu mạch lạc, rất lộn xộn và có nhiều ý niệm như nhân, hiếu, nghĩa mỗi chỗ nói một khác, chứng tỏ là những ý niệm này được diễn giảng tùy theo ý của mỗi triều đại Trung Quốc. Những ý niệm cốt lõi của đạo Khổng đều nằm trong Luận ngữ:
1° Quân tử, tiểu nhân:
Đạo Khổng phân biệt trong xã hội có 2 hạng người: quân tử và tiểu nhân. "Quân" có nghĩa là vua, "tử" có nghĩa là thành phần. Thành phần của vua, thành phần thuộc tầng lớp trên cùng trong xã hội. Người quân tử là người được học đạo Thánh hiền ( Khổng-Mạnh) nên biết cách tu thân. Mục đích của tu thân là tạo cho mình tính khí cao thượng chế ngự kẻ tiểu nhân để " tề gia, trị nước bình thiên hạ ", chiếm được địa vị tôn quí trong xã hội, phục vụ tôn quân quyền. Tiểu nhân là người không được (phép) học đạo thánh hiền như thường dân (tiện dân) và đàn bà nên có tính khí hèn hạ, không có địa vị trong xã hội. Hai thành phần này không có thể trộn lẫn với nhau. Người bị xác định là thuộc thành phần "tiểu nhân" thì không được học đạo thánh hiền và đương nhiên là có tính khí hèn hạ và phải phục tòng người cai trị là người quân tử. Tiểu nhân là thường dân và đàn bà, nghĩa là 99% dân số. Những hạng người này làm cách gì cũng không thể thành người quân tử được.
2° Tam cương:
Người quân tử vì được học đạo thánh hiền nên thấu Tam cương. Tam cương là 3 giềng mối, 3 mối quan hệ giữa người với người trong cùng một gia đình hay đối với chính quyền. Ba mối quan hệ này trở thành những quy tắc trói buộc:
Quân thần (vua tôi): Bổn phận người làm tôi (người quân tử dưới quyền vua) là phải lấy chữ Trung làm đầu. "Trung" ở đây có nghĩa là trung thành chứ không phải là Trung đi với chữ "hoà" trong kinh Dịch và được tóm gọn trong câu "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua bảo tôi chết, tôi không chịu chết là không trung).
Phụ tử (cha con): Bổn phận người làm con phải lấy chữ Hiếu làm đầu. Hiếu đây là biết vâng lời: Cha bảo con chết thì con phải chết. Con không chịu chết là con bất hiếu (Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu). Đạo Khổng muốn người quân tử phải phục tòng vua như con phục tòng cha.
Phu phụ (vợ chồng): "Phu xướng phụ tùy" (chồng nói vợ phải theo). Đã là đàn bà thì cả đời phải phụ thuộc đàn ông kể cả con mình: khi còn con gái phải theo cha, khi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Tôi không muốn nhắc lại là trong xã hội thân phận người đàn bà còn tệ hơn nữa: chỉ được coi là ngang hàng với tiện dân, tất nhiên là không bao giờ được học đạo thánh hiền và tính khí cũng hèn hạ như mọi tiểu nhân.
Không cần phải suy luận nhiều cũng thấy là những giáo điều trong đạo Khổng trái ngược với tư tưởng đại đồng, nhân hoà, thiên hoà trong Khổng giáo nguyên thủy: Khổng Tử không bao giờ phân biệt cứng ngắc 2 thứ hạng người quân tử và tiểu nhân trong xã hội vì 1 lẽ dễ hiểu là trong mỗi con người đều có một phần tâm của Trời đất của vạn vật, tức là đều đồng đều như nhau, không có lẽ chỉ người quân tử mới có "Tâm"? Rõ ràng là những giáo điều trong đạo Khổng chỉ được đặt ra sau này để phục vụ chế độ bá quyền chuyên chế bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng. Đó cũng là lí do vì sao Tần Thủy Hoàng cho lệnh đốt hết sách thời Khổng Tử.
Trung dung: Do cháu nội Khổng Tử là Khổng Cấp, học trò Tăng Tử soạn thảo. Theo Hán Thư sách này có 23 thiên bị thất lạc hết chỉ còn 1 thiên chép lại trong cuốn Lễ Ký đến đời Tống mới in riêng ra thành sách. Sách nói về đạo Trung dung. Người quân tử muốn theo đạo này phải đạt được 3 cái đức là trí, nhân, dũng. Trí là biết rõ các sự lý; Nhân là hiểu bản tính con người và quan hệ giữa người và người thông qua lễ nghĩa; Dũng là có khí cường kiện để làm cho đến cùng những điều đã được quy định trong lễ nghĩa." Nhân" trong Trung dung cũng như trong Luận ngữ, thiếu chữ "ái" trong nghĩa "bác ái" của Khổng Tử nên hoàn toàn khác với Nhân ái, Bác ái, trong Khổng giáo nguyên thủy.
Thử suy luận 1 cách khách quan: 1 cuốn sách có 23 thiên mà chỉ còn lại 1 thiên, đợi đến đời Tống - sau Khổng Tử tới 1500 năm - mới được Chu Hy soạn thảo lại để in thành sách, thì phải nói đó là sách của Chu Hy, phản ánh tư tưởng của Chu Hy về Khổng Tử chứ đâu còn là của Khổng Cấp? Có thể thiên còn sót lại nói về tính tự nhiên của trời đất không nghiêng lệch về bên nào và về cách tu thân để trở thành người minh triết, đạo đức, công bằng như nghĩa người hiền (le sage) của Socrate, của Platon, là còn một chút của Khổng Tử. Những thiên được thêm vào nói về "trí", "nhân", "dũng" chỉ có mục đích biến người quân tử thành một siêu nhân phục vụ quân quyền nhà Tống chứ khó có thể nói đó là những tư tưởng của Khổng Tử.
Nói tóm lại:
Cuốn Trung dung được viết lại dưới triều đại nhà Tống, chỉ phản ánh đạo Khổng của nhà Tống cũng như cuốn Luận ngữ chỉ phản ánh đạo Khổng của nhà Hán.
3) Xã hội hài hoà Xã hội chủ nghĩa là gì?
Theo chủ tịch Hồ Cẩm Đào: "Đó là xã hội lương thiện, chu đáo, ổn định, năng động và trật tự trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên...hài hoà giữa các tầng lớp xã hội giảm khoảng cách giầu nghèo... bao gồm sự hài hoà giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương"
Một vài bình luận:
Cụm từ "Xã hội chủ nghĩa" và "hài hoà giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương" chứng tỏ đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn muốn giữ chế độ trung ương tập quyền từ đời nhà Hán: địa phương phải "hài hoà" với trung ương, nơi tập trung mọi quyền hành.
Hài hoà với thiên nhiên:
Hài hoà với thiên nhiên hiểu theo nghĩa "Thái hoà" trong kinh Dịch là Hài hoà với trời đất, sống an hoà giữa người với người. Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá hiện nay, cạnh tranh và yêu cầu tăng trưởng đòi hỏi phải khai thác tận lực mọi tài nguyên: Môi trường muốn hay không cũng sẽ bị phá hủy. Với dân số 1 tỷ 300 triệu người, khó có thể sống hài hoà với thiên nhiên được.
Xã hội ổn định, trật tự:
Sở dĩ xã hội Trung Quốc trong suốt 2000 năm có được ổn định và trật tự theo tiêu chuẩn của đạo Khổng là vì chỉ có 2 hạng người: người cai trị và tiện dân làm ruộng. Người cai trị là các quan lại được đào tạo trong tinh thần đạo Khổng có nhiệm vụ phân phối ruộng nương (công điền) cho mỗi hộ gia đình và thâu hoa lợi nộp cho nhà vua. Trong mỗi gia đình, người cha là chủ, con trai cầy ruộng, đàn bà con gái trồng dâu chăn tằm. Nếu không có thiên tai, loạn lạc, thì mọi người cũng đủ cơm ăn áo mặc không ai giầu hơn ai. Lương bổng các quan chức được tính bằng thóc gạo, đạo đức người cai trị (nghĩa là người quân tử) được đề cao, tham nhũng vì vậy không có cơ hội phát triển. Nhưng cũng phải hiểu là ổn định trong khuôn khổ tôn ti trật tự của đạo Khổng làm óc con người bị sơ cứng không có sáng kiến gì và chỉ biết nhẫn nhục phục tòng người trên.
Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá vận hành theo quy luật cung cầu và trao đổi tiền-hàng nên tạo trong xã hội nhiều thành phần khác nhau, cạnh tranh nhau trong những quan hệ sản xuất, mua bán, kiếm lợi nhuận, khiến những tiêu chuẩn về ổn định xã hội và trật tự xã hội của đạo Khổng được áp đặt từ trên xuống dưới không thể áp dụng được.
Hài hoà giữa các tầng lớp xã hội:
Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế là nhờ lợi nhuận đến từ hàng xuất khẩu với giá thành rẻ, nghĩa là nhân công rẻ. Những đặc quyền kinh doanh nằm trong tay những người có quan hệ với chính quyền. Số những người này không phải là ít: 78 triệu đảng viên móc nối biết bao nhiêu gia đình, thân hữu. Dân những thành phố lớn vùng duyên hải nắm sản xuất công nghệ xuất khẩu cũng được hưởng nhiều lợi quyền gấp bội dân các tỉnh miền Tây. Tổng cộng những người này cũng lên tới 300 triệu người, bằng dân số Mỹ. Đối lại là 800 triệu min nong (nông dân) sống vất vưởng với mẩu đất mỗi ngày một cằn cỗi, 200 triệu ming gong (dân công) bỏ quê lên tỉnh kiếm việc làm, không có hộ khẩu, tha hồ bị bóc lột nhân công. Làm sao giữa những tầng lớp "người bóc lột người" này có thể có hài hoà được! Bởi vậy không lấy làm ngạc nhiên là càng tăng trưởng bao nhiêu càng tạo ra chênh lệch giầu nghèo bấy nhiêu và càng làm xã hội bị phân hoá bấy nhiêu. Trung Quốc hiện nay 70%, của cải tập trung trong tay 4% dân số, 96% dân số chia nhau 30% còn lại.
Kết luận
Trong lịch sử nhân loại, Trung Quốc dưới triều đại nhà Hán là nước đầu tiên đã viết lại tư tưởng của một nhà hiền triết để lấy nó làm nền tảng cho thể chế bá quyền của mình. Kết quả là trong suốt 2000 năm Trung Quốc có nền chính trị ổn định và có trật tự trong xã hội. Nhưng cũng vì vậy mà kinh tế chỉ là nông nghiệp và mọi tư tưởng đều bị bóp nghẹt, xã hội không có tiến triển. Với nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá, khó mà trở lại thời kỳ đạo Khổng được. Kinh nghiệm Liên Xô lấy tư tưởng triết học Marx được Staline viết lại làm cơ sở cho kinh tế ngược lại với những điều Marx nói là kinh tế mới là cơ sở hạ tầng, đã đưa đến hậu quả như thế nào, thiết tưởng các nhà tư duy Trung Quốc thừa biết! Đem Khổng Tử ra lại chỉ có mục đích tô bóng chế độ.
Tự do dân chủ không phải là mô hình của Tây phương mà chỉ là khát vọng chung của nhân loại muốn được hưởng những quyền tối thiểu của con người: Tự do là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Dân chủ là quyền được chọn lựa người cầm quyền thông qua phổ thông đầu phiếu.
Kinh tế thị trường đòi hỏi mỗi cá nhân có quyền tự do kinh doanh, tự do làm giầu trong khuôn khổ pháp luật. Muốn xã hội có năng động và ít chênh lệch giầu nghèo, thể chế Dân chủ - Xã hội là thích hợp nhất: qua thuế má người kiếm được nhiều tiền phải đóng thuế nhiều để các cơ quan xã hội lấy tiền đó trợ cấp cho những người ít tiền. Ít nhất là 70% PIB phải trả lại cho người dân để tăng sức tiêu thụ chứ không phải là ngược lại. Sở dĩ đảng Cộng sản Trung Quốc không chọn thể chế này không phải vì sợ mất quyền chính (những đảng Dân chủ-Xã hội ở Bắc Âu là những đảng được dân chọn cầm quyền lâu nhất) mà vì sợ mất quyền lợi./.
280
2297
2377
216904
0
114530208