Trong giáo giới nước ta ông Dương Quảng Hàm giữ một địa vị cao. Ông là người thâu thái được cả Nho học lẫn Tây học. Những sách ông xuất bản quyển nào cũng công phu, hữu ích.
Trong giáo giới nước ta ông Dương Quảng Hàm giữ một địa vị cao. Ông là người thâu thái được cả Nho học lẫn Tây học. Những sách ông xuất bản quyển nào cũng công phu, hữu ích.
Ông đã yêu quốc văn và cố công khuyến khích đồng bào trên con đường thờ phụng những áng văn kiệt tác, đã làm cho văn hóa nước nhà được vinh hạnh với các văn hóa nước khác. Vậy ông là một người rất có công lao với nền học thuật nước nhà.
Tại thế cho nên trước khi mở quyển sách ông vừa xuất bản, tôi muốn cảm tạ ông đã biếu các độc giả Việt Nam một món quà quý báu vô ngần.
Tôi dám chắc rằng nhiều bạn trí thức không hiểu rõ những khó khăn tác giả đã gập trong khi soạn cuốn sách này. Ai đã tra cứu qua văn chương Hy Lạp, La Mã, Pháp hay là Anh, đều nhận rằng trong mấy văn chương đó soạn một “Văn học sử” không lấy gì làm khó khăn cho lắm, vì tài liệu phải cần đến, đầy đủ cả. Mỗi tác phẩm có thể ví như một thửa đất có nhà nông phu cần mẫn đã cầy, bừa từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, không để sót chỗ nào cả. Bốn trăm năm nay, học giả bên Âu châu đã cố công làm việc, thành ra bây giờ ai muốn viết một Văn học sử, chỉ cần đọc những sách trong đó ghi kết quả công lao của họ.
Đối với văn chương nước ta, trình độ khảo cứu chưa được cao cho lắm. Sách viết về văn học kể cũng nhiều, nhưng thật ra không có mấy quyển có giá trị. Tài liệu thiếu thốn đủ mọi phần. Như vậy, nhà văn học sử giống như người thợ nề phải xây một tòa nhà mà gạch không có, vôi cũng không. Trước khi xây phải tự mình đi tìm đất để nặn gạch, rơm rạ để nung gạch, phải đi chọn đá để làm vôi. Công việc như vậy khó bội phần. Tại thế cho nên mãi đến bây giờ sau hai mươi năm sưu tầm, ông Dương Quảng Hàm mới xuất bản được quyển Văn học sử yếu.
Sau mấy lời thành thực cảm ơn ông Dương Quảng Hàm đã có công với quốc văn, tôi có mấy điều chân thật muốn thưa cùng ông, gọi là bàn góp về một vấn đề quan trọng đối với văn học nước ta.
Thế nào là Văn học sử? Chính ngay trong văn chương Pháp môn học đó mới sinh ra được hơn một thế kỷ. Văn học sử theo sự tiến bộ của Sử ký. Lúc các sử gia chưa có trí não “khoa học”, thường coi quyển sử như là quyển tiểu thuyết, dùng để kể câu chuyện lý thú hay dạy bài học răn đời. Sử gia tự ví mình như là văn gia, cho nên hết sức tìm lời văn hoa để viết sử. Tác giả cùng độc giả, không ai thờ phụng sự thực cả. Trong thời kỳ đó, văn học sử chưa thể xuất hiện được. Chỉ có phê bình mà thôi. Các nhà phê bình coi tác phẩm như là cái dịp để phô trương văn tài của mình. Tại thế cho nên lúc ta đọc những nhà phê bình về mấy thế kỷ trước, ta chỉ có thể biết được đặc tính của họ, chứ không hiểu thêm gì về tác phẩm của văn gia.
Mãi đến đầu thế kỷ mười chín mới nẩy ra cái khuynh hướng coi sự thực là trọng. Lúc đó tinh thần “khoa học” đã thổ lộ. Sử gia thì cố sức tìm tòi sự thực về thời kỳ đã qua. Phê bình gia cũng theo gương đó mà quay về văn học sử.
Sainte-Beuve là nhà phê bình đầu tiên đã chỉ đường lối cho văn học sử. Tiên sinh có giậy [dậy] rằng muốn hiểu tác phẩm một cách hoàn toàn thì phải chăm chú giải quyết mấy vấn đề về văn gia. Càng đi sâu trong trí não, tâm thần của văn gia bao nhiêu càng dễ hiểu tác phẩm bấy nhiêu. Nhà văn học sử phải tra cứu về tông tích gia đình, ái tình, tôn giáo, trình độ học thức, sở thích của văn gia. Văn gia chịu ảnh hưởng của ai, nhận ai làm thầy, có ai làm trò, toàn là vấn đề văn học sử cả. Theo phương pháp đó, Sainte-Beuve có vẽ mấy bức tranh truyền thần của các văn gia trứ danh nước Pháp. Nghệ thuật của tiên sinh thật là tuyệt diệu. Ai muốn thân cận mấy nhà văn sĩ đó, thế nào cũng phải đọc đến tác phẩm của tiên sinh.
Sainte-Beuve chú ý đến tâm lý của văn gia. Sau khi tiên sinh mất, không môn đệ nào dám theo gương tiên sinh, vì ai cũng tự xét không đủ tài cán đi tới linh hồn, tâm trạng của các văn gia. Ai nấy cũng chỉ cố tra cứu về tác phẩm thôi. Người này tìm đến nguồn gốc, người kia thì so sánh xem, trong đời của văn gia tác phẩm đó có thay đổi gì về phương diện tư tưởng hay về phương diện bút pháp. Kẻ này chuyên môn xét ảnh hưởng của văn gia trong nước hay ngoài nước. Kẻ kia tỉ mỉ sưu tầm tiểu sử của văn gia, từng năm, từng tháng, từng ngày. Văn học sử đi tới trình độ này đã quên hẳn tư cách phê bình. Sang đến thế kỷ hai mươi này, ở các Cao đẳng Văn chương nước Pháp, giáo sư cùng sinh viên ai cũng chỉ thờ chuộng văn học sử và coi tác phẩm như là một cái dịp để tra cứu, sưu tầm chứ không phải để thưởng thức. Như vậy là quá đáng. Văn học sử, bổn phận chỉ là để giúp cho phê bình được sáng suốt, chắc chắn và để cho hiểu thêm sự hay, sự đẹp trong một tác phẩm. Sự nhầm lẫn này đã làm cho nhiều sinh viên cao đẳng văn chương thất vọng. Lúc họ bước chân vào cao đẳng, họ tưởng rằng sẽ gặp những giáo sư dùng tài học thâm thúy rộng rãi để giảng nghĩa sâu sa của một tư tưởng hay thổ lộ những ẩn mỹ của câu văn, bài thơ. Nhưng nào có thế! Quanh năm lúc nào cũng chỉ cắm cúi trong thư viện, dò xét xem một niên hiệu có đúng không, hay tìm một văn sử liệu từ xưa đến nay chưa ai biết!
Tôi tiếc rằng ông Dương Quảng Hàm theo gương các nhà văn học sử bên Pháp một cách quá đáng, rồi tỏ vẻ lãnh đạm đối với văn chương. Tôi nhận rằng về phương diện văn học sử, không thể chê ông được điều gì: ông là người sưu tầm cẩn thận, cần mẫn, ông có biệt tài trong một chương có thể tóm tắt được một cách sáng sủa các vấn đề rất rắc rối. Nhưng tôi chưa dám chắc rằng cách ông xếp đặt quyển sách theo chương trình học, có hợp lý không. Trong gần nửa quyển, ông tra cứu nguồn gốc quốc văn, ảnh hưởng văn chương nước ta đã chịu, chế độ về việc học, việc thi, các thể văn. Theo ý tôi, các vấn đề đó không can thiệp với văn chương mấy. Phải nói đến, cái đó là lẽ tất nhiên rồi. Nhưng có lẽ chỉ nên nói tóm tắt mà thôi, để dành các vấn đề đó cho những nhà ngôn ngữ học, sử gia. Trong văn chương nước nào cũng vậy, lúc quốc văn mới bập bẹ lên tiếng, chưa có gì thanh thú. Các tác phẩm chưa có vẻ mỹ thuật, chưa có thể làm vẻ vang một văn hóa. Văn gia lúc đó còn thiếu học thức, thiếu nghệ thuật, tác phẩm chỉ có giá trị về phương diện sử học thôi, chưa có văn chương.
Quyển Văn học sử của ông Dương Quảng Hàm khuyết điểm về chỗ đó. Không những ông giải quyết những vấn đề hơi xa xôi đối với văn chương, mà ông lại còn nâng địa vị những văn gia dùng Hán văn lên cao quá. Tôi vẫn tưởng rằng chỉ những tác giả viết bằng quốc văn mới được ghi tên vào Việt Nam văn chương sử. Còn những người đã dùng Hán văn để giãi bầy ý kiến ta chỉ cần biết tên thôi, không nên để ý đến quá.
Đối với những văn gia viết bằng quốc văn, tôi nghiệm ông Dương Quảng Hàm chú ý đến vấn đề tư tưởng hơn là vấn đề văn chương. Một nhà văn sĩ cần phải có tư tưởng mới mẻ, thâm trầm, nhưng cốt nhất phải có nghệ thuật khéo. Một tác phẩm có tư cách văn chương không phải là về tư tưởng chính là tại bút pháp. Một người có lý thuyết hay mà không biết uốn câu văn, dùng lời văn hoa để giấu ý, là một nhà triết học chứ không phải là một nhà văn sĩ.
Ít khi ông Dương Quảng Hàm bằng lòng phê bình về nghệ thuật một nhà văn sĩ, không bao giờ ông chịu chỉ bảo cách lĩnh hội tinh thần tao nhã, thanh tú, một áng văn. Tôi lấy làm lạ rằng một quyển như Chinh phụ ngâm hay Cung oán chỉ giữ ý ông được trong một trang. Trái lại, ông để dành cả một chương để giãi bầy ý kiến của cụ Nguyễn Trường Tộ. Tôi nhận rằng ý kiến đó rất đáng để ý. Nhưng tư tưởng của cụ chỉ quan trọng đối với sử học thôi, không can thiệp gì với văn chương. Đối với quyển Kim Vân Kiều, ông Dương Quảng Hàm có vẻ trân trọng hơn, nhưng chính vấn đề cốt yếu là vấn đề văn chương, ông chỉ nói qua thôi. Ông khen cụ Nguyễn Du có tài tả cảnh, tả người, tả hình và dùng điển. Còn nghệ thuật của cụ, ông không nói đến. Ông không cắt nghĩa tại làm sao quyển Kim Vân Kiều chứa chan thi vị và tại sao thi vị đó rất hợp với tâm hồn người Việt Nam chúng ta. Hợp đến nỗi ta tưởng tượng rằng nếu tâm hồn ta có thể lên tiếng được, thì sẽ hòa điệu theo thơ của Kim Vân Kiều. Tiếc thay ông Dương Quảng Hàm quá sốt sắng với văn học sử và quá lãnh đạm với văn chương! Tôi lo rằng người ngoại quốc đọc tác phẩm của ông hiểu nhầm những văn gia nước nhà, cho cụ Nguyễn Trường Tộ là văn gia có giá trị hơn cụ Ôn Như Hầu hay bà Đoàn Thị Điểm.
Sở dĩ tôi tiếc ông Dương Quảng Hàm không để ý đến vấn đề văn chương là vì lúc nào ông muốn phê bình, ông xử đoán một cách sâu xa, đáng phục. Ông viết mấy dòng này rất thâm ý về Chinh phụ ngâm: “Lời văn êm đềm, ảo não rõ ra giọng một người đàn bà buồn bã nhưng có vẻ thê lương hơn là vẻ đau đớn, không đến nỗi réo rắt, sầu khổ như giọng văn Cung oán: thật là lời văn hợp với cảnh vậy”.
Đối với văn sĩ hiện đại, ông có vẻ khoan thứ khuyến khích, ông xét đoán một cách rất công bình. Dù khen, dù chê, lúc nào ông cũng giữ thái độ chừng mực. Mấy dòng sau này ông viết về vấn đề thơ mới đủ tỏ rằng ông là người có tư tưởng rộng rãi: “Xem thế thì biết trong nghề làm thơ người có thiên tài dù làm theo lối cũ hay lối mới vẫn có thể làm nên tác phẩm hay được”. Ông hiểu thấu tâm lý của ông Thế Lữ, của ông Hàn Mặc Tử. Ông khen tập thơ của ông Xuân Diệu: “Một tập thơ chứa chan tình cảm lãng mạn, trong đó có nhiều tứ mới lạ, tỏ ra tác giả thật là có tâm hồn thi sĩ nhưng cũng có nhiều câu vụng về, non nớt, chứng tỏ rằng tác giả chưa lão luyện về kỹ thuật của nghề thơ”. Sau khi ông so sánh tác phẩm của ông Nguyễn Văn Vĩnh và ông Phạm Quỳnh, ông kết luận rất khéo: “Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn”. Đối với công việc của Tự lực văn đoàn, ông xử đoán ôn hòa, ông không tây vị cho hủ tục, ông không ác cảm đối với trí tân thời. Ông nhận rằng Tự lực văn đoàn đã gây nên cái phong trào thơ mới và làm cho thơ văn tiểu thuyết được đắc thắng, nhưng ông cũng nhận rằng, phái ấy không tránh khỏi những điều thiên lệch.
Nhà văn học sử hay phê bình bên Pháp, hoặc là tòng cổ, hoặc là tòng kim, trong sự xét đoán, hay thiên vị. Không mấy người đủ thông minh trí tuệ vừa tòng cổ vừa tòng kim và biết bênh vực mỹ lệ, hoặc cổ, hoặc kim. Về phương diện đó, ông Dương Quảng Hàm đáng làm gương mẫu cho các nhà văn học sử và phê bình nước ta.
Nói tóm lại, nếu ông Dương Quảng Hàm để ý thêm đến vấn đề văn chương thì tác phẩm của ông thật là hoàn toàn. Tuy vậy, quyển Văn học sử yếu của ông cũng đã đủ làm vinh hạnh cho tác giả và nâng cao nền học vấn nước ta./.
(TN 92, 18 Novembre 1944)
2116
2297
2413
216940
0
114530244